thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Nguyễn Tấn Cứ]
phỏng vấn Nguyễn Tấn Cứ

 

Ông gặp một thi sĩ/văn sĩ Việt kiều lần đầu ở: phi trường, quán…? Trước đó, ông biết họ qua tác phẩm nào? Điều gì từ tác phẩm đó đã gây ấn tượng cho ông?

 

NTC: Thi thoảng tôi cũng có gặp một vài ông trong một quán nhậu đâu đó ở Sài Gòn, nhưng thiệt tình mà nói tôi không định làm quen với mấy ông văn nghệ sĩ hải ngoại, hình như là do cách sống của tôi không được dễ chịu cho lắm và tôi cũng đồ rằng họ cũng không vui vẻ gì khi phải nói chuyện với tôi, thế nên chúng tôi rất xa cách – y như rằng họ vẫn đang ở tít bên kia, và tôi thì vẫn đang ở bên nầy. Tôi vẫn đọc họ thường xuyên trên các trang website văn học như Tiền Vệ, talawas và các báo Hợp LưuTạp Chí Thơ. Ấn tượng mạnh nhất về tác phẩm của họ là họ sáng tạo tự do quá, muốn viết gì thì viết, muốn nói gì thì nói, không sợ thằng Tây nào, và tất nhiên cũng không sợ thằng cha Cộng sản nào. Không biết cái cảm giác khi được viết tự do như vậy ra sao nhỉ?

 

Người thi sĩ/văn sĩ Việt kiều mà ông thân nhất đã nói cho ông nghe điều gì về thơ/văn hải ngoại và thế giới? Những quan điểm nào ông đồng tình và không đồng tình? Ông nghĩ sao về các khuynh hướng sáng tác như Hậu hiện đại, Tân cổ điển…? Ngoài những quan hệ có tính cách cá nhân như thế, ông có thường đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt ở nước ngoài không? Nếu thường, thường như thế nào? Những tác phẩm ấy thuộc thể loại gì (thơ/truyện/tiểu luận/phê bình)?

 

NTC: Như đã nói ở trên tôi không có diễm phúc thân thiết trực tiếp với ai là văn nghệ sĩ hải ngoại hết, ngoài các báo và các trang website văn học như Tiền Vệ, talawas, tôi đọc họ ở trên đó và thân thiết với họ cũng chỉ ở trên đó, "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình" mà, phải không? Tuy nhiên cũng có vài điều tôi cần phải trao đổi, thảo luận với họ, không phải về quan điểm mà về phẩm chất của Tự Do. Mong rằng đó không phải là cái nhãn hiệu như thứ nhãn hiệu mà một số nhà văn, nhà thơ Cộng sản đang nhân danh.

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

NTC: Văn học Việt Nam trong và ngoài nước có gì khác biệt ư? Rất khác biệt, bạn muốn biết vì sao ư? Vì nhà văn hải ngoại chưa bao giờ, không bao giờ là một … Chiến Sĩ cầm bút, các bạn chưa bao giờ biết xung phong, và tệ hơn các bạn chưa bao giờ có cái lý lịch… chống Mỹ, và cũng vì lịch sử của văn chương hiện thực XHCN đã viết như thế. Nghĩa là chỉ có một dòng hiện thực văn chương XHCN mà thôi. Ngay cả dòng văn chương rực rỡ của Miền Nam trước năm 1975 – xin hãy hiểu đó là dòng văn chương chính thống, nó đã có, và phải được công nhận – nhưng cũng không bao giờ có thể được công nhận, được đứng chung, vì một lẽ đơn giản: lý luận của kẻ thắng không bao giờ có tiếng nói chung với lý luận kẻ bại, dù rằng lý luận chưa chắc đã đúng với hiện thực và lịch sứ thì luôn luôn cần phải viết lại một cách tỉnh táo hơn, bởi lịch sử luôn vận động và thay đổi. Nếu không thay đổi thì đó mới là chuyện lạ. Hãy chờ xem. Vậy nên, bạn đừng có mà nằm mơ sẽ có ngày cái anh chàng “dũng sĩ chép còm” nhà tôi sẽ thoát ra khỏi cái ao làng của đất nước nầy để mà hội nhập với thiên hạ, hoặc mấy anh văn nghệ sĩ hải ngoại có thể trở về mà nhảy vào cái ao làng mà tắm mà bơi, bởi sẽ không có chỗ anh đâu, trừ khi có một trận sóng thần dâng lên và cuốn đi tất cả. Lúc ấy chắc sẽ không còn gì khác biệt đâu phải không bạn của tôi?

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì? Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

NTC: Văn chương làm gì có chuyện thống nhất. Làm gì có chuyện nhập lại làm một. Đất nước có thể thống nhất (và nó đã thống nhất). Kinh tế có thể thống nhất (Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập WTO). Và các anh – nhà văn, nhà thơ hải ngoại và trong nước – có thể ngồi chung bàn, ăn chung mâm, và có thể… ngủ chung giường. Nhưng văn chương thì chắc chắn là không có thể thống nhất. Tôi cho đây là một câu hỏi buồn rầu của một thân phận nô lệ buồn rầu, một câu hỏi đẫm nước mắt của những con người khao khát tự do, một câu hỏi không thể trả lời một cách văn chương được, thế nên tôi thành thật xin lỗi, nếu có làm phật lòng anh, phải nói thẳng, nói thật thôi: làm gì có điều kiện nào để thống nhất văn chương .Văn chương trong nước (trừ dòng văn chương ngoài luồn), điển hình là văn chương của Hội Nhà Văn Việt Nam nói như Nguyễn Huy Thiệp thì đã có 90% hội viên hơi “hâm hấp chập cheng” thì… trời đất ơi, xin thưa đó không phải là văn chương, đó là nô dịch, và nếu nói như ngôn ngữ của một ông nhà văn nào đó trước năm 1975 thì đó là văn chương của "biệt kích cầm bút", mà đất nước thì đang đầy nhóc những người này. Họ đứng gác khắp mọi nơi, một con ruồi cũng không bay lọt. Anh mà lơ mơ là họ “phơ” liền. Thế nên tôi tin rằng không có ai muốn thống nhất văn chương đâu, nghe nó cải lương, tiếu ngạo giang hồ quá trời ơi!!!

 

Với những thi sĩ/văn sĩ hải ngoại, ông muốn cho họ thấy điều gì quí nhất trên trán ông và trong túi ông?

 

NTC: Với những thi sĩ, văn sĩ hải ngoại, tôi muốn họ thấy cái gì trên trán tôi ư? Tự do, tôi suy nghĩ tự do, tôi phát biểu tự do. Và cái gì trong túi của tôi ư? Là tiền của tôi, tôi tiêu, ai kêu nấy trả. OK!?

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021