thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lê Văn Tài giữa cõi vô trú xứ

 

 

Buổi tối mùa đông năm 1986. Lê Văn Tài ngồi đối diện tôi trong một quán ăn Việt Nam ở thành phố Melbourne. Jane, người giới thiệu tôi với Lê Văn Tài, ngồi giữa. Cả quán, ngoài ba đứa chúng tôi, không một ai; chủ quán vừa đón khách vừa loay hoay nấu ăn dưới bếp.

Mùa đông Mebourne bóng đêm ập tới sớm, quán vắng không mở máy sưởi, không mở hết đèn trần. Tôi, người tị nạn vừa đến Úc mới có vài tháng, lạnh, nhưng không lạnh bằng thái độ lạnh lẽo của người ngồi đối diện; cái lạnh lẽo của anh làm tôi chới với và băn khoăn rất nhiều năm sau này.

Anh Tài đến trước tôi và Jane lúc nào không biết, ngồi thu lu trong bóng tối; khi Jane giới thiệu danh tính tôi, người ngưỡng mộ và muốn gặp anh, anh chỉ khẽ nhích người nhỏm dậy, khẽ nhích môi nói lời gì đó rồi khẽ khàng bắt lấy bàn tay giơ ra trước của tôi. Sau cái bắt tay, anh ngồi thu lu như cũ, mắt dõi ra hướng cửa quán; sau làn cửa kính đó, ngoài bóng đêm, chẳng có gì cả.

Tôi dời từ Sydney xuống Melbourne mới hai tuần, qua một người quen, tôi biết Jane; thấy tôi đang tìm chỗ ở, Jane đề nghị tôi về nhà Jane chia phòng. Lần đầu tiên bước vào nhà Jane, trên vai còn túi hành lý, tôi đứng sững nhìn năm bức tranh khổ nhỏ treo quanh tường phòng khách. Năm bức tranh như năm con mắt sâu hoắm nhìn ngược lại tôi, có cái gì vừa gần gũi dịu dàng vừa khắt khe lạnh lẽo. Tôi tiến lại gần để đọc tên người vẽ. Lê Văn Tài. “A! Tranh của hoạ sĩ Lê Văn Tài”, tôi buột miệng.

Cả năm bức tranh là năm không gian sẫm màu biêng biếc với năm cái đồng tử mở lớn màu xanh đại dương ở đó nở ra những hình dạng nửa người nửa thú, đầu chim đuôi cá, mình người; đứa dật dờ bơi, đứa chênh vênh bay, đứa bì bạch bước... Tất cả như bị gông, bị cùm, bị ghìm chặt vào cái không gian mà bầu trời, mặt đất, cỏ cây sông núi như ở cõi khác, tầng trời khác. Một nơi chốn không có thực, cũng không là mộng mị. Xem tranh Lê Văn Tài, tôi quên thở.

Sau bữa ăn, chúng tôi lại lặng lẽ uống trà, lặng lẽ châm thuốc hút. Chỉ có tình bạn tâm đắc mới có thể ngồi ăn bữa tối với nhau trong im lặng, cùng hưởng miếng ngon, ngụm trà đậm, hơi thuốc lá và trên hết là sự im lặng. Nhưng anh Tài và tôi không phải hay chưa phải là bạn, huống gì bạn tâm đắc. Ngoài cái tên Linh, mới đến Úc, được Jane giới thiệu, đối với anh, tôi là kẻ lạ; ngoài năm bức tranh ở nhà Jane và vỏn vẹn dăm chuyện nghe được từ giới hoạ sĩ ở Sài Gòn về anh, tôi chẳng biết gì hơn.

Tôi nghĩ là mình không thể rời quán ăn này, chia tay anh, mà không nghe được đôi điều về anh, ít ra chuyện sáng tác, cho nên tôi mon men gợi chuyện. Tôi kể anh nghe về quán cà phê số 11A đường Bà Lê Chân, Tân Định, Sài Gòn mà tôi được chủ quán, nhà thơ Huy Tưởng một dạo kéo tôi về cho nương náu. Tại đây, tôi may mắn gặp gỡ một số người làm văn nghệ đã thành danh trước 75, trong đó, có nhiều hoạ sĩ vẫn vẽ theo phong cách cũ của miền Nam, bất chấp sự răn đe của những người cầm quyền. Tranh của họ là tranh... chui. Chui và đầy vẻ phản kháng. Tôi nhắc tới cái ngột ngạt trong tranh của hoạ sĩ Rừng, cái ẩn mật phiêu hốt trong bức Người mất bóng của hoạ sĩ Nguyễn Trọng Khôi... Và, cuối cùng, tôi kể, cũng tại quán cà phê đó, lần đầu tiên tôi nghe tên anh – hoạ sĩ Lê Văn Tài.

Anh ngồi nghe, ánh mắt đậu đâu đó trên khuôn mặt tôi; ánh mắt không biểu lộ một điều gì rõ ràng, chỉ thấp thoáng một chút hiền lành, điềm đạm. Ánh mắt anh khiến tôi có cảm giác như mình đang huyên thuyên những điều anh đã biết rồi, cảm giác như tôi đang nói cho chính tôi nghe. Khi tôi ngưng câu chuyện, ánh mắt anh lại trở về với chỗ nhìn cũ, đăm đăm với bóng đêm ngoài cửa. Tuyệt nhiên anh không nói lời nào.

Giờ đây, ngồi viết những dòng này, tôi thấy lại mồn một những chi tiết, dù nhỏ, đã xảy ra trong cái đêm hôm đó. Tôi ngửi lại mùi tiêu hăng hăng từ khứa cá kho tộ, vị ngọt hậu của tách trà cũng như cái ánh đèn trên trần quán một cách ngẫu nhiên chiếu vào chỗ tôi ngồi, thay vì chỗ của anh, gợi lại những đêm bị gọi tên, mở cùm, lôi đi gặp chấp pháp hỏi cung... Mọi chuyện tưởng như mới diễn ra hôm qua nhưng đồng thời mọi chuyện tưởng như đã biền biệt trôi về một nơi cùng trời cuối đất nào đó, xa lắc.

Tôi quay lại Sydney sau dăm tháng ở Melbourne. Năm 1987 anh Hoàng Ngọc-Tuấn cùng một số anh em văn nghệ cho ra tờ Tập Họp mà ngoài việc viết bài, tôi được giao thêm việc thư tín. Một ngày mở hộp thư Tập Họp ở Belmore, tôi nhận được một phong bì thật dày đề tên Lê Văn Tài, bên trong, thơ viết bằng tiếng Anh của anh.

 

***

 

Anh Nguyễn Hưng Quốc thỉnh thoảng bay từ Melbourne lên Sydney, khi vì công việc giữa các trường đại học, khi vì sinh hoạt với bằng hữu trong nhóm – trước là tờ Việt, bây giờ là trang mạng Tiền Vệ, và dù bận bịu đến mấy, bao giờ anh cũng nhờ tôi, anh Hoàng Ngọc-Tuấn hay Nguyễn Hoàng Văn chở đến thăm Lê Văn Tài.

Bao nhiêu năm, thành quán tính, lần nào chạy ra phi trường đón anh, sau vài câu chuyện, tôi cũng đều đề nghị trước khi anh lên tiếng: “Mình thu xếp đi gặp anh Tài hén.” Tình bạn giữa anh Quốc và anh Tài gắn bó kể từ những ngày anh Quốc mới đặt chân đến Melbourne sau mấy năm sống ở Pháp. Anh Quốc thường nói anh chỉ có hai người bạn thân ở Melbourne, cả hai cùng họ Lê, cùng là hoạ sĩ, cùng gặp nhau cụng ly và trò chuyện mỗi cuối tuần. Vậy mà năm 2002, Lê Văn Tài dời lên Sydney sống và, sau đó, Lê Thành Nhơn lâm trọng bệnh rồi qua đời.

Cách đây vài hôm, như mọi khi tôi lái xe chở Nguyễn Hưng Quốc, sau vài công việc, thả anh xuống trước đầu con hẽm dẫn vào nhà anh Tài, hẹn buổi tối quay lại đón. Tối, tôi trở lại con hẽm Lovoni quen thuộc. Hẽm tối đen. Tôi mò mẫm tìm cái đèn pin để dò dẫm từng bước vào nhà. Bên trong, như mọi khi, anh Tài và anh Quốc vừa uống rượu vừa say sưa chuyện trò văn nghệ. Tôi vào, thấy trên mặt bàn gỗ cũ kỹ, hình bán nguyệt, ba chân đặt sát vách, cạnh những ô cửa kính mở ra không gian ngoài sân, giữa những chai và ly, gạt tàn và thuốc lá, hai tập thơ của Lê Văn Tài khổ A4 dày cộm. Đó là tập thơ do anh Quốc tập hợp và in bằng photocopy để mừng năm Lê Văn Tài 70 tuổi. Anh Tài ký tặng tôi một bản và anh Hoàng Ngọc-Tuấn một bản. Tôi đứng yên, cảm giác bùi ngùi khó tả; chưa bao giờ tôi nhận sách tặng với tâm trạng như vậy; không biết vì cái tình của anh Quốc với bạn hay vì nhìn mái tóc bạc trắng loà xoà trên hốc mắt, đôi má hóp, bàn tay lẩy bẩy cầm bút, thều thào nói với tôi, tiếng được tiếng mất, trong lúc nguệch ngoạc viết dăm hàng ký tặng tôi.

 

***

 

Tập thơ Lê Văn Tài do anh Quốc biên soạn đã nuốt chửng tôi ngay từ những trang đầu; tôi đọc say mê, niềm say mê, đã lâu không còn, đột nhiên trở lại. Suốt mấy đêm liên tiếp thức đọc thơ anh tôi luôn luôn có cảm giác rất lạ, như chưa từng quen biết anh, chưa từng đọc bài thơ nào của anh trước đó và ngay cả gần 30 năm quen biết gần gụi mà té ra chưa từng quen biết gần gụi gì cả.

Có những câu thơ như một lời thưa thốt ôn tồn thật giản dị lại ám ảnh tôi, nhảy tót vào tôi, rồi ngân nga mãi. Ban ngày khi lái xe đi làm, nhiều lần tôi bắt gặp tôi đang lẩm bẩm:

Biển bên ngoài chiếc vỏ sò vô danh
Tôi bơi cho hết mùa đông ngày chủ nhật thiếu muối.

Lại có những câu tưởng nhẹ nhàng dung dị vậy mà đọc xong như vừa nhìn thấy một tia chớp cực xanh xẹt ngang, rồi tắt vụt, không vọng âm, nhưng lại gây lạnh toát gáy:

Để-được-làm-người-gần-với-con-người-hơn-chút-nữa.

Đã bao nhiêu năm rồi, nhiều lần lái xe tới con hẽm Lovoni mà tôi hay cố ý đọc là “Lo-vô-nì” hoặc “Vô-lỗ-ni” theo giọng Huế để tìm gặp anh, đêm hay ngày tôi cũng đều có thói quen không đẩy cửa bước vào ngay, mà luôn luôn có điều gì đó níu giữ tôi đứng lại tần ngần trước hiên nhà, luôn luôn tìm cách nhìn trộm anh đang ngồi gục đầu sau ô cửa kính bên cái bàn kỳ dị:

Nơi góc xó 46 Lovoni street, xứ sở Kangaroo
Người hoạ sĩ già soi gương tự hoạ chân dung mình

Luôn luôn tôi thích nhìn ngắm anh Tài một cách âm thầm, ở hiên nhà anh hay ở các buổi ăn nhậu ở nhà các bạn hữu khác. Tôi ngờ ngợ đằng sau ánh mắt đó, mái tóc đó, vóc dáng đó luôn có một cái gì tiềm ẩn rất sâu. Cái gì đó không ngừng thu hút và thách thức tôi. Cái gì đó tôi chưa chụp bắt hay định danh được.

Cho đến khi đọc hết tập thơ của anh.

Thơ Lê Văn Tài ấn đầu tôi xuống đất, banh mắt tôi ra bắt phải đối diện với cái quá khứ đã lâu tôi cố tình quên. Đọc thơ anh nhưng kỳ thực chính thơ anh đã trói quặp tôi, lôi đi ngược về nửa phần đầu của cuộc đời tôi. Tiếng đọc có lúc là tiếng quát tháo dồn dập hỏi cung, tiếng nện của thanh gỗ ba phân vuông vào hộp sọ, tiếng xương sườn bị gãy khi chịu đòn tứ trụ. Lại có khi là tiếng niệm chú Đại Bi của một chú tiểu ở ngôi chùa nhỏ hẻo lánh miền Trung, ê a câu kinh tiếng Phạn, ê a rơi rụng những câu hỏi chồng chất.

Đọc thơ Lê Văn Tài mọi giác quan tôi thay đổi, tôi không thấy bằng mắt, không nghe bằng tai, không đọc bằng miệng. Thơ anh lật tung, xáo trộn mọi trật tự, hoán đổi mọi vị trí. Cái mà tôi tưởng tôi cảm nhận, cái mà tôi tưởng tôi thủ đắc, thật ra là cái ngược lại.

Mi hoán đổi vị trí lỗ tai mù vào trái tim câm và cái mũi điếc vào khối óc lạnh để nghe/ngửi mùi bi bô ngọng nghịu.
 
Xé toạc ngàn vạn mảnh phân thân
Không bản ngã
Không phải là mình tự khởi sinh
Đang là ai đó bất toàn
 
buổi sáng mắt nhắm, thức dậy mắt mở tôi
răng đánh tôi... mặt rửa tôi... gương soi tôi

Và cuối cùng, tôi nhìn thấy anh, một Lê Văn Tài:

Đầu chổng ngược râu tóc chạm đất
Hậu môn chúm chím cợt cười thiên địa

Hai câu thơ hiển lộ chân dung Lê Văn Tài, một chân dung đẹp kỳ lạ, gợi đến “a man without a country” của Kurt Vonnegut, gợi đến một lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông vừa hý lộng vừa bi thiết, gợi đến cảnh giới “lô hoả thuần thanh”.

Nhìn thấy được cái “hậu môn” biết “chúm chím cợt cười thiên địa” của Lê Văn Tài là nhìn thấy được cái chiều dài đằng đẵng Lê Văn Tài miệt mài tẩn mẩn trên mặt bàn hình bán nguyệt “để-được-làm-người-gần-với-con-người-hơn-chút-nữa”, để “Tôi trói gập cánh gà và khoá mõm tôi bên trang giấy A4”, ở đó, anh “chỉ làm một việc: im lặng ngồi nghe trang giấy nói”. (“Trang giấy điêu khắc lập thể”)

Trang giấy trắng A4 là tấm gương soi của riêng anh, bao nhiêu năm tìm kiếm chỉ thấy một “người tuổi trẻ xứ nghèo bưng một tô nước mắt chan cơm, đơm đầy dấu than !!!!” (“sẽ có thể là một trận động não 7 độ richter”)

Những dấu than thời tuổi trẻ lọc cọc theo anh không rời, từ Việt Nam sang Úc, chúng nó còn đó, chúng nó sinh con đẻ cái, như bầy đĩa, hút chặt tim óc anh, thần trí anh; như những hồn ma, chúng nó lổn ngổn trước hiên nhà anh, từng đêm tranh nhau kêu hú đòi vào; như bầy chuột đói chíu chít gọi nhau, giành giật ngón chân anh, vành tai anh, chóp mũi anh...

Những chấm than dựng ngược anh nhổm dậy bàng hoàng để anh “hai bàn chân run run, đầu gối lỏng đôi mắt ngục tối quờ quạng nến. Tôi tìm kẻ xích cùm tôi, 60 năm, giữa dày bóng tối” (“Kẻ tự do giữa đất trời”).

Từ 60 năm giữa dày bóng đêm, quờ quạng không tìm ra kẻ xích cùm mình anh la khóc:

Việt Nam / Australia ơi?
Cội nguồn cơn đau nào sinh ra tôi?

Cái cội nguồn sinh ra anh được 60 năm, nó có mặt dài đến 4000 năm, nó là 4000 dấu than trên chén cơm anh ăn mỗi ngày, nó là hiện thân máu thịt anh, nó là cái mà anh đang hô hấp, đang bài tiết:

Trên văn minh hố xí hai ngăn
4000 năm truyền đời một thuần chủng
Khi nói trí tuệ cao viễn phải sè sẹ
Ngoái nhìn cục cứt khô bốc hơi và hướng gió
 
Vô nhà xác, tôi thấy tôi nằm cạnh nồi cá kho
4000 năm văn hiến bốc mùi

Lê Văn Tài là một trong những kẻ hiếm hoi trong đám lưu vong mà hàng chục năm qua vẫn còn lều bều giạt trôi đâu đó, chưa bao giờ dừng chân, chưa bao giờ an trú, dường như anh khước từ mọi nơi chốn, chối bỏ mọi trú xứ giả tạm trên cõi đời này. Vài chục năm ở Úc quanh quẩn qua lại với đám chúng tôi, chẳng qua chỉ là cánh “nhạn quá trường giang, ảnh trầm hàn thủy. Nhạn vô di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm”.

Bây giờ tôi hiểu tại sao anh ngồi lặng câm trong cái lần đầu tiên tội gặp anh ở Melbourne 27 năm trước. Bây giờ tôi hiểu tại sao trong nhiều năm qua, dù say dù tỉnh anh đã ăn nói với mọi người một cách ngô nghê, hầu như không bao giờ nói cả đoạn dài, thậm chí, câu dài. Anh chỉ dùng các tán thán từ. Mời anh ăn, anh trầm trồ: “Ăn như vậy là bỏ mạng rồi!” Mời rượu anh, anh nói: “Uống vậy là bỏ mạng rồi!” Nghe đàn hay, anh tấm tắc: “Đàn vậy là bỏ mạng rồi!” Chán chữ “bỏ mạng” thì anh nói “mất mạng”. Cứ thế. Lần nào cũng “bỏ mạng” hay “mất mạng”.

Ở đâu anh cũng không thực sự có mặt. Anh có đó cũng như không có đó, anh ngồi ở đây, ngồi ở đó nhưng thực sự anh đã “Đặt đít ngồi lên chỗ không là gì cả”. (“Sáng tạo lão”)

Chỗ của Lê Văn Tài, theo tôi, là “vô sở trú”:

văn chương vô xứ văn chương vô xứ
lơ lửng giữa hai ruồng mây – tôi treo
lơ lửng giữa hai bầu trời chối từ – tôi đứng
lơ lửng giữa hai chốn phân thân – tôi xẻ thịt / cắt da
lơ lửng giữa hai ngữ ngôn miệt thị và lạc loài – tôi líu lưỡi
lơ lửng giữa hai vùng đất lạ xa – tôi ôm tôi

Và rồi, cuối cùng, tôi vỡ lẽ ra, sau nhiều năm băn khoăn ngắm nghía cái dáng ngồi gục đầu bất động của anh – giữa bàn tiệc huyên náo hàng chục người hay lúc một mình với cái bàn bán nguyệt ba chân khấp khểnh.

Anh đã gục đầu, khuôn mặt đổ xuống song song với mặt đất, hoàn toàn bất động, không dựa vào người bên trái, không nghiêng vào vai người bên phải, không ngả ngửa phía sau, không đổ gục đằng trước.

Không một ai, trong lúc quá chén, dù ráng hết sức bình sinh có thể ngồi một cách cổ quái như vậy.

Cái làn chớp loé sáng, dựng đứng tóc tôi, khi đọc thơ anh, may thay, nương vào ánh sáng xẹt qua đó, trong một sát na, tôi thấy được cái sợi dây thòng lọng vô hình siết chặt cần cổ hữu hình của Lê Văn Tài.

Và cái đầu râu tóc bạc trắng loà xoà kia đã được treo lơ lửng như vậy từ lúc “Sinh ra làm người thắt họng từ cỗi nguồn văn hoá bện dây thừng”. (“Văn hoá lòi tói”)

 

Sydney 6/2013

 

(Trích trong cuốn Thơ Lê Văn Tài do Nguyễn Hưng Quốc biên tập và giới thiệu, Văn Mới & Tiền Vệ xuất bản năm 2013)

 

 

------------------

Bài liên quan:

Chờ lão tám mươi  (tiểu luận / nhận định)  - Nguyễn Hoàng Văn
[CHUYÊN ĐỀ LÊ VĂN TÀI] ... Sáu mươi tuổi, anh giương cu “đái vung một đường cong ngoằn ngoèo — sông chảy”. Sáu mươi lăm tuổi, anh “ngỏng-cu buồn tè, thi hứng dội tuôn mưa dông ngàn trộ”. Bảy mươi tuổi, anh “trừng mắt, đèn chong nhìn xem các góc xó lịch sử, bầy muỗi lũng sâu trí trá đã làm gì”. Anh là Lê Văn Tài, một nhà thơ lửng lơ với hoạ, một hoạ sĩ lơ lửng với thơ và, sau hết, một nghệ sĩ lơ lửng với đời…. (...)
 
Lê Văn Tài – “polyartist”  (tiểu luận / nhận định)  - Hoàng Ngọc-Tuấn
[CHUYÊN ĐỀ LÊ VĂN TÀI] ... Theo tôi, Lê Văn Tài là một “polyartist”, ít nhất trong hai lĩnh vực hội hoạ và thơ. Trong suốt mấy mươi năm sống gần với anh, tôi thấy anh không bao giờ ngưng “làm việc”. Hết vẽ, thì làm thơ; làm thơ xong, thì lại vẽ; vì bên trong anh, hai nghệ sĩ ấy không ngừng tranh nhau phát tiết... (...)
 
Lê Văn Tài và trang thơ sống  (tiểu luận / nhận định)  - Stevenson, Mark
[CHUYÊN ĐỀ LÊ VĂN TÀI] ... Hãy tìm đến với Lê Văn Tài, nhà thơ kiêm hoạ sĩ Úc gốc Việt. Cũng như tất cả những tác phẩm nghệ thuật sáng giá, tranh và thơ của ông sẽ làm thay đổi cách nhìn và cách đọc của bạn. Lê Văn Tài là một con người vùng vẫy giữa hai bờ, đứng chênh vênh giữa hình tượng và văn bản, giữa bầu trời và mặt đất, để mang màu đen và màu trắng vào nhau. Ông viết và vẽ những hình ảnh đẹp rợn người... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

-------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021