thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 15]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Về miền Nam...

 
 

Ðường về Sài Gòn

 

Khi từ miền Nam trở lại miền Bắc, tôi đi ngược với chiều tiến tất yếu, truyền thống của dân tộc Việt, gặp nhiều khó khăn là phải. Còn bây giờ tôi vào Nam, xuống phía Nam, là đi đúng hướng, chiều xuôi, mọi sự dễ dàng hơn. Trong đám bạn cùng tôi lang thang trên các vỉa hè Hà Nội đêm giao thừa ấy, có những người cũng vô Nam lập nghiệp, như Hi cao Hi lùn, cuộc đời họ đan kết hoặc xuyên ngang với cuộc đời tôi. Có những người ở lại như Hoàng, Nguyên... bốn mươi năm sau mới gặp lại.

Chính thực ra sau khi tôi trở lại Sài Gòn, Nguyên có xuống tàu vô Nam với mục tiêu ngược với tôi trước kia: vào, cho biết Sài Gòn, không tốn tiền tàu, rồi sẽ trở lại Hà Nội sống tiếp. Nhưng một biến cố, một trò đùa dai của tuổi trẻ, đã làm cho Nguyên rời Sài Gòn cấp tốc. Bạn bè biết người bạn này là một sản phẩm của lãng mạn tiền chiến, nhìn người nữ và tình yêu qua lăng kính Tự Lực Văn Đoàn (thời kỳ đầu), nên một tối bày mưu lừa Nguyên vào xóm Bình Khang, nơi nhà thổ mở công khai (do lực lượng Bình Xuyên quản lý). Đợi Nguyên ngồi yên vị trên một ghế tựa trong phòng khách lọt giữa bạn bè, hai cô gái điếm xanh đỏ, theo lời dặn trước, chia nhau hai đường tiến lại gần. Lúc đó chàng mới ngộ ra mình đang ở chốn hồng lâu. Không biết vì ngượng, vì nhát gái, hay muốn bảo vệ “trinh tiết” giành cho vợ tương lai, Nguyên vụt đứng dậy nhảy lên bàn và tay ghế tôi, phi thân khỏi phòng, phóng thẳng ra bến cảng tìm đường về miền Bắc... Chuyện này làm cho tôi, bốn mươi năm sau trở lại Hà Nội, gặp lại Nguyên vẫn đi cái xe đạp đen trước kia, vội vàng hỏi ngay: “Ông có lập gia đình không đấy!” May quá, kẻ bảo vệ tiết sạch giá trong ngày xưa sau cùng cũng biết lấy vợ và đẻ được ba con đàng hoàng...

Trừ một số dân tộc cư ngụ ở một địa thế không thể cục cựa, nhúc nhích, đa số các dân tộc có một chiều đi, chiều phát triển riêng, hợp với sức lực, khả năng của dân tộc ấy. Thí dụ sắc dân Mông Cổ, sắc dân Kim rồi Mãn Thanh, đà phát triển của họ là tràn xuống phía nam lấn và chiếm đất dân tộc Hán. Dân tộc Nga bị chặn đường xuống nam Âu châu nên vượt dẫy núi Oural tràn sang vùng Si bia phía đông, mãi tới bờ biển Thái Bình dương và những đảo cận duyên. Dân tộc Đức bị bó chân bó tay trong một khoảng đất hẹp quá lâu nên khi sức mạnh tăng vọt, sức phát triển cao, bung ra là gây thế chiến tứ tung liền. Dân tộc Nhật cũng tương tự, cho đến khi chủ nghĩa thực dân kiểu cũ (chiếm đất các dân tộc khác để lấy nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình) trở thành lỗi thời, thay thế bằng thứ thực dân kiểu mới.[1]

Nhưng đầu năm 1955, rời Hà Nội xuống Hải Phòng để trở lại miền Nam, tôi không tuân theo đà phát triển nam tiến của dân tộc, mà là do chọn lựa của cá nhân. Có dịp để sống ở cả hai miền theo hai chế độ khác nhau, tôi cân nhắc so sánh, đối chiếu... Chọn lựa ở lại, là vô ở trong chum trong lọ, là gia nhập một tập thể đoàn ngũ hoá tới kẽ tóc chân lông, chỉ huy bởi một lực lượng công an đông đảo, khắt khe, lạnh lùng, mà bản thân tôi chưa chi đã hai lần nếm mùi vị chua đắng, ở mức độ không thể nào quên. Miền Nam, Sài Gòn là miền đất mới, kỷ cương lỏng lẻo, da thịt được buông thả, dục vọng được thoả mãn, tứ đổ tường công khai, tham vọng cá nhân được nhân lên với tình trạng sứ quân: Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên, Công giáo miền Bắc di cư (thành phần giáo dân bảo thủ và có khả năng chiến đấu như Thập Tự Quân viễn chiến thời trung cổ bên châu Âu...) Tất cả các xà bần, tả pí lù đó hợp với tuổi hai mươi và bản chất có lẽ hơi dư testosterone của tôi...

Điều bất ngờ nhất, trên đường vào Nam, là vừa trở lại Hải Phòng vài hôm, tôi lại gặp Hoàng đang đi trên đường ra cửa Cấm. Hắn cắt nghĩa: không thay đổi quyết định ở lại, nhưng thấy tôi đi lại tứ tung dễ dàng, hắn xuống theo, để tiễn tôi ra đi và xem cuộc di cư của những người công giáo. Nói là làm, Hoàng hợp với tôi điểm này, hắn rủ tôi đi ăn, uống cà phê, ra bến coi dân di cư lũ lượt lên tàu đi biển vào Nam. Tối đến, bọn tôi đi nhậu, Hoàng uống thôi, còn tôi chỉ một ly nhỏ, rồi đi thăm những địa điểm tạm trú dân di cư, từ nhà thờ, nhà hát lớn thành phố, các rạp xi nê... đều đông nghẹt những người chờ xuống tàu. Thành phố đông hẳn lên nhưng không vui: một thứ trang nghiêm, buồn rầu, như có một lớp sương mù xám vô hình bay nhè nhẹ đâu đây.

Tới trước một rạp chiếu bóng ở khu phố Tây, hai đứa ngồi xuống vỉa hè, nói chuyện bâng quơ. Hoàng tâm sự cũng yêu một bà chị họ như tôi, và nàng đã theo gia đình bay vào Sài Gòn, lâu rồi. Tôi nghe bạn nói một cách lơ đãng, một phần vì tiếng cầu kinh của các giáo dân trong rạp xi nê vẳng ra, một phần vì nơi này gợi nhớ lần đầu tiên tôi có sex với một dân hải quân Pháp. Tôi mới dậy thì, ít tiền, ngồi hàng ghế gần sát màn ảnh, chàng quần áo trắng từ đâu chui tọt vào ghế trống cạnh tôi. Hắn liếc nhìn tôi một lần rồi hai lần, lấy đầu gối chạm vào đùi tôi, tôi mặc kệ, hắn cầm tay, tôi cũng mặc kệ xem hồi sau ra sao. Sau cùng cầm tay tôi đặt lên lòng hắn... Lần đầu tiên tôi mới biết quần hải quân không có cửa sổ chính giữa như mọi quần khác, mà mở hết cúc lật ra phía trước, bất tiện... Mọi sự cứ thế hanh thông, tôi kệ mọi sự diễn tiến cho đến kết thúc tự nhiên. Cũng không có chi nhiều và phức tạp: anh làm cho tôi và tôi làm cho anh, cho đến khi... Dĩ nhiên tôi thụ động, nhưng thụ động đồng tình.

Đã sống thời thơ ấu ở một làng ven biên, tôi quá quen thuộc với cảnh con trai con gái bé không mặc quần. Đối với bé trai còn bồng trên tay, cô hay bà hàng xóm có thể bồng lên cao để bập bập con chim trong miệng, để tất cả cùng cười vui sau đó. Đến tuổi đi học, do sự chênh lệch tuổi tác giữa học sinh ven biên, tôi không lạ gì với những trò đứa lớn khoe con chim đã trưởng thành, hay chọi chim nhau như chọi cỏ gà, để rồi cùng cười vui. Không có vấn đề, không là vấn đề chi hết cho bất cứ ai. Trừ ông thày. Ông mà biết sẽ lấy thước kẻ đánh lòng bàn tay. Cũng khá đau. Thế thôi. Như mọi kinh tội khác trong lớp. Lúc đó tôi không biết rằng sau này sẽ đến ở một nước là Mỹ có nhiều quan niệm quái chiêu không giống ai, nơi đó sẽ xếp tôi vào loại child abused và từ đó tôi có thể đổ lỗi hay vác đơn đi kiện Hải quân nước Pháp đã làm sau này tôi học hành làng nhàng, không đỗ nổi tiến sĩ!... Và nếu hồi nhỏ được một ông cha áo đen sờ chim, rủ rê vào các trò chơi tình dục khác, lớn lên không những có người để đổ lỗi mọi thất bại của đời mình, mà còn có thể kiện giáo khu ra toà, đòi bồi thường nhiều triệu dollars...

Tôi đến cơ quan hữu trách về Di Cư xin một chỗ trên đoàn tàu con thoi Hải Phòng - Sài Gòn và được biết một tháng nữa mới đến lượt đi. Nghĩa là qua Tết mới về được với gia đình, lỡ hẹn với bà mẹ. Đang không biết làm sao, Hoàng rủ lại chơi nhà một người quen có thể cho tôi ngủ nhờ đến ngày xuống tàu, tôi gặp lại một ông chú họ xa lắc nhưng quen biết từ nhỏ. Ông này phán hai điều: thứ nhất là “mày ngủ đây với bọn tao” (bọn tao đây là thêm một cô/bà bạn gái của chú nữa), thứ hai là “một bạn tao phụ trách việc hộ tống dân di cư trong chuyến tàu, ba hôm nữa nhổ neo, đang cần phụ tá giúp việc giấy tờ linh tinh; nếu mày nhận thì không có lương đâu vì gấp quá... nhưng kịp vào Sài Gòn ăn Tết với mẹ mày!” Tôi vui vẻ nhận lời, vì giúp đỡ người khác vẫn là một truyền thống thâm nhập vào tôi từ những ngày còn là hướng đạo sinh, thứ hai là kịp ăn Tết với gia đình.

Vấn đề trước mũi bây giờ là làm chi cho hết ba ngày còn lại trên đất Bắc? Tôi không giống mọi người, không giống chứ không phải cố tình khác người, không thích trở lại thăm những nơi mình đã từng ở. Dấu chân để lại trên cát, hãy để cho gió xoá đi. Nói theo một thành ngữ Nga, tôi thích cái tương lai còn đang ở trước mặt, hơn là trầm tư về quá khứ, gặm nhấm những nỗi buồn, thất bại đã qua. Hoàng đề nghị (ông bạn này của tôi bao giờ cũng lắm sáng kiến) thuê một thuyền buồm lênh đênh và lang thang trong vịnh Hạ Long hai ngày đêm còn lại. Đề nghị hấp dẫn như ngày nào hắn rủ tôi vượt biên ngược chiều sang vùng Kháng chiến để coi tố khổ địa chủ, bị Công an nghi là gián điệp, tra hỏi một ngày dài... Đi rong chơi vịnh Hạ Long... Coi bộ được đó... Từ bé mỗi lần đến nhà ai có hòn non bộ, là tôi sà tới ngồi ngắm nghía từng chi tiết: cái cầu nho nhỏ, ngọn núi xinh xinh, ông già câu cá bé xíu, hai vị lão tiên tóc bạc ngồi đánh ván cờ thiên cổ dưới gốc một cây tùng cũng bé tí teo. Nay bạn lại rủ chính mình thả một con thuyền đi vào thế giới đó, từ chối sao được. Tôi bán phăng cái xe đạp lấy tiền chung chi phí với Hoàng, và lên đường ra vịnh ngay chiều hôm đó.

Hai vợ chồng chủ thuyền còn trẻ cùng cô con gái bé chiếm phía cuối, nơi có thể chèo chống khi không có gió, nửa khoang trước giành cho hai đứa tôi. Ăn tối xong tôi ngồi nhìn những ánh đèn Bãi Cháy, đến khi chán lăn ra ngủ một giấc dài, dài đến tận sáng hôm sau, khi thuyền đã vô trong vịnh Hạ Long. Có điều ngộ nghĩnh là được giong buồm một lá rong chơi trong thế giới như hòn non bộ phóng lớn, tôi chỉ thích thú một cách nhẹ nhàng. Thế thôi. Rồi thôi. Về sau có người bảo tôi là đi chơi Hạ Long, nên đi với nữ nhân trẻ hay đẹp, hoặc cả trẻ lẫn đẹp, cũng như đi chơi vùng Đại Vực ở Mỹ, nên đi với bạn trai có tâm hồn triết lý hoặc có óc phiêu lưu mạo hiểm...

Bọn tôi trả thuyền sớm hơn hạn kỳ thoả thuận. Cũng chẳng để làm gì trên bờ, ngoài ghé các trung tâm tạm trú xem có gặp người quen, ra bến nhìn lơ đãng đoàn dân di cư lũ lượt lên tàu. Có lúc Hoàng hỏi tôi: “Tại sao họ phải đi, đi nhiều như vậy?” Tôi trả lời lơ mơ, hai mươi tuổi kiến thức đâu đã nhiều: “Thực ra họ đâu có di cư, họ chạy trốn Cộng Sản thì có...”

Chạy trốn? Tôi có dùng từ có sai không đó? Cộng Sản không ưa Công giáo, ai chẳng biết. Cộng Sản đi tới đâu, dẹp bỏ nhà thờ, tới đó. Như đa số vua chúa Việt Nam và giới sĩ phu trước đây. Nhưng sự cấm đạo ở Việt Nam không gay gắt, sát máu như ở Nhật Bản. Việt Nam chỉ xử tử những giáo sĩ ngoại quốc không tuân lệnh trục xuất, còn giáo dân chỉ việc “quá khoá”, nghĩa là bước qua một thập tự để trên đất, là được trở về làm dân như cũ. Những ai không chịu quá khoá, chỉ bị đi đày: trong Nam đày ra Bắc và ngược lại. Thế thôi, không giết ghê gớm như ở Nhật cùng thời: ai không chịu “đạp mặt”, nghĩa là giẫm lên hình Chúa để dưới đất, là bị xử tử. Xử tử một cách ác độc theo truyền thống Nhật Bản, nghĩa là treo lên thập tự giá cho chết dần, cột chặt cột ngâm dưới nước biển cho chết chậm, treo ngược trong hầm phân... Sau cùng là một màn giết sạch: cả một giáo hội 700 ngàn giáo dân. Do đó, từ các thể kỷ trước, cộng đồng giáo dân ở Việt Nam đã dựa vào quân lực Pháp để tồn tại trước mọi thù nghịch phát xuất từ giới kẻ sĩ và triều đình Việt Nam. Nay quân Pháp đang rút khỏi phần đất này, lấy ai bảo vệ sinh mạng tài sản, nhất là tín ngưỡng của mình đây? Bỏ chạy là đúng rồi... Bỏ chạy... như các cụ xưa đã phán: “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách.”

Trong khoảng khắc lơ mơ tản mác tư tưởng ở bến tàu ấy, tôi không sao tưởng tượng nổi chỉ còn cách cuộc nội chiến đổ hơi nhiều máu có năm bảy năm thôi. Đảng Cộng Sản quyết tâm sẽ thống nhất đất nước bằng võ lực, như thế lại một lần nữa đe doạ sự tồn vong của cộng đồng giáo dân. Cộng đồng này yếu thế, như từng nhiều lần yếu thế vì chỉ là một thiểu số, đương nhiên nghĩ tới chỗ dựa mới, đồng minh mới, thay thế cho lực lượng viễn chinh Pháp. Thủ tướng đương thời miền Nam là một người Công giáo đã từng “bao năm lê gót nơi quê người” (Mỹ), nếu đã nghĩ tới cầu viện quốc gia hùng mạnh này, chẳng qua xét theo khía cạnh nào đó, là hành động tự vệ, cho cộng đồng Công giáo của mình. Còn có là “tự vệ chính đáng” hay không, là tùy góc độ, vị trí nhìn, quan điểm chính trị của từng người.[2]

Tối hôm đó khi ngồi nhậu lai rai tiễn hành, Hoàng và tôi giao hẹn với nhau nếu đến năm 1956 mà không có tổng tuyển cử, thì đến ngày chót của năm, hẹn gặp nhau ở cửa sông Bến Hải, mỗi đứa một bên bờ. Nếu lúc đó Hoàng có muốn vượt biên, cứ việc bơi sang có tôi đón sẵn. (Giao ước như vậy nhưng đến ngày hẹn tôi chẳng đi đâu hết vì biết bờ phía Nam được canh phòng khá kỹ, không kỹ bằng miền Bắc, nhưng mà đủ cho tôi không thể nào tới được điểm hẹn.)

Ngày hôm sau tôi phải xuống tàu khá sớm để nhận việc, làm hướng dẫn viên kiêm thông ngôn (tàu của hàng hải thương thuyền Pháp) cho dân xuống các hầm tàu đã được dọn sạch hàng hoá. Và cũng như hàng không tháo hết ghế ngồi, tàu biển này cũng trống rỗng, ai muốn nằm đâu ngồi đâu tùy ý. Mọi sự diễn ra trật tự, uể oải nhưng đâu ra đấy, vì có sự hiện diện của các cha xứ, các ông trùm họ đạo. Đến trưa một thủy thủ tìm gặp tôi loan báo có người trên bờ cần gấp. Tôi thò đầu ra lan can: Hoàng nhỏ xíu đứng dưới cầu tàu vẫy gọi rối rít. Tôi xin sĩ quan trực phiên xuống năm phút thôi vì sắp đến giờ nhổ neo. Tưởng có việc gì cần, hoá ra Hoàng trao một bó hoa gladiola nhiều màu cho tôi, với lời dặn: “Đến Sài Gòn ông trao hoa cho bà chị họ T. hộ tôi. Địa chỉ cài sẵn...” Hoàng vụt im lặng, tôi hỏi: “Không nhắn gì nàng à?” Hoàng ậm ừ: “Anh thấy cần nói chi cứ nói hộ tôi...” Tiếng còi tàu vụt cất lên, to đến nỗi có định nói với nhau cũng không nghe rõ. Tôi quay người bước vội lên cầu thang, khi qua sĩ quan trực, tôi thoáng như nghe hình như vị này nói: “Hoa đẹp lắm!”

Tôi trở lại hăng hái với công việc. Nhưng sự hăng hái giảm dần, không phải vì mệt mà vì tôi mỗi lúc một say sóng. Tôi ráng thu xếp cho xong phiếu thực phẩm của hầm, về phòng leo lên couchette nằm. Đến giờ cơm tối, tôi cố gắng theo ông trưởng toán và một thiện nguyện viên đến phòng ăn hạ sĩ quan trên tàu. Phòng dơ dáy, bóng đèn không chụp chiếu xuống món đầu tiên được dọn ra là món cá. Trông thấy con cá trắng hếu nằm trong nước sốt nâu dưới ánh đèn vàng vọt, là tôi muốn ói tại chỗ. Tôi vội vàng cáo lỗi, về lại phòng nằm và ngạc nhiên thấy ít phút sau ông trưởng toán lẫn người bạn trẻ cùng trở về phòng. Trưởng toán cắt nghĩa: “Chúng ta là đại diện chính quyền Việt Nam ở trên tàu, vậy mà họ coi chúng ta như hạ sĩ quan. Đâu có được, bỏ ăn để phản đối. Để tôi lên gặp thuyền trưởng.”

Thuyền trưởng đồng ý với lập luận của Trưởng Toán và lập tức cho bọn tôi đổi phòng khác có cửa sổ tròn nhìn ra biển và sáng hôm sau được đến ăn tại phòng ăn sĩ quan. Đẹp đẽ khang trang như trong phim ảnh, và dĩ nhiên thức ăn đồ uống đều hơn cũ. Sự thay đổi này chỉ hai bạn đồng hành của tôi được hưởng, còn tôi mải say sóng, nằm dài cho đến khi tàu vào Vũng Tàu. Sáng hôm đó tôi thay quần áo sạch sẽ, lên phòng ăn ăn sáng, dĩ nhiên kiểu Tây với bánh croissant nóng, bơ và một ly cà phê sữa. Hết say sóng, tôi vừa nhấm nháp vừa ngắm làn nước bây giờ là màu phù sa, thay cho nước biển xanh. Tôi lơ đãng nhìn một thiếu úy Pháp mặc đồ trắng ngồi ăn một mình ở bàn bên. Anh chỉ hơn tôi vài tuổi và tôi tự hỏi anh đang nghĩ gì, mơ gì đây, nơi miền nhiệt đới này.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

_________________________

[1]Chủ nghĩa thực dân kiểu mới: Không đi chiếm đất giành dân các dân tộc khác nữa mà còn trả lại độc lập cho các nước đã chiếm đóng trước đây. Chỉ cần dùng kinh tế, văn hoá, tôn giáo... duy trì ảnh hưởng của mình như thế nào đủ để ưu tiên mua nguyên vật liệu và có thị trường tiêu thụ là đủ. Quá khứ đã chứng minh đánh chiếm và duy trì các thuộc địa là không kinh tế, lỗ vốn nhiều hay ít cho chính quốc.

[2]Tự vệ chính đáng: Xem phim cowboy đấu súng hay có cảnh hai đối thủ gườm nhau nhưng tay chỉ để gần báng súng thôi. Đợi bên kia cầm trước mình mới rút súng bắn sau. Có như thế mới được coi “tự vệ chính đáng”, có bắn chết người không bị kết tội. Nếu bắng chậm, cứ việc chết thoải mái. Luật tự vệ chính đáng vẫn còn được áp dụng ở Mỹ tới hiện nay. Dĩ nhiên ý niệm tự vệ chính đáng được mở rộng đến đâu là tùy toà án.

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 
... Bố tôi không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con... (...)
 
Trong danh sách những nghề bố bảo nên gia nhập, tôi còn kể sót một trường là Quân Y ngay gần nhà. Bố tôi mặn mà với trường này lắm vì ra trường vừa là trung úy vừa là y sỹ, vừa có chữ thọ to tướng vừa có thể làm ngoài, thiếu gì tiền... (...)
 
Yêu một cô bé xinh đẹp con nhà và được yêu lại, được lấy nhau làm vợ chồng, còn niềm vui nào lớn hơn. Ngồi ở công trường vắng lặng Ban Mê Thuột uống một ly đậu đỏ tồi ơi là tồi, bùn đỏ xứ này còn như muốn nở hoa, buồn làm sao được... (...)
 
Năm 1954 tôi theo gia đình rời Hà Nội di cư vào Nam, định cư tại thành phố Sài Gòn. Năm đó tôi vừa 19 tuổi. Đủ lớn để có một, không phải một người yêu, mà là một người để yêu. Nàng đầu tiên là Mặt Trăng... (...)
 
Tôi đã tưởng mối tình (tình một chiều và thất tình một phía) hồi mười chín tuổi đã bị xoá trong bộ nhớ não tôi; gần nửa thế kỷ, bao nhiêu là nước chảy qua chân các cầu rồi còn gì. Nhưng tôi lầm... (...)
 
... Phương thuốc tôi cho là hiệu lực nhất là “dĩ độc trị độc”, lấy tình mới trị thất tình cũ: “Mi đau buồn vì một cô gái phải không? Hãy tìm một cô gái khác mà thay thế (hơn phân nửa thế giới là phụ nữ, lo gì?)...” (...)
 
... Tôi ngủ một giấc ngon lành không mộng mị, khi mở mắt ra, tôi phải định thần một chút mới nhớ ra mình đang ở đâu trên đất nước Việt Nam. Trời đã sáng từ lâu... (...)
 
... Khi tôi trở lại, bốn mươi năm sau, không còn chi để thăm để viếng... Kể như xong đời một phụ nữ nghèo vùng châu thổ sông Hồng triền miên đói này. Sống âm thầm và chết cũng âm thầm, không có đến cả một nấm mồ cho cháu chắt tìm đến thắp một vài nén hương... (...)
 
Nhiều năm về sau, chính xác ra là 40 năm sau, tôi mới có dịp trở lại thành phố Hà nội, lúc đó chưa “Đổi Mới” nhiều, còn đầy rêu và mốc meo... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021