thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nói chuyện với một 8X

 

Dưới đây là một cuộc phỏng vấn do nhà báo tự do Phan Huyền Trang (sinh năm 1986, cử nhân văn khoa, hiện sống ở Đà Nẵng) thực hiện và ghi chép lại (từ máy thu âm) với nhà văn Nguyễn Đình Chính (sinh năm 1946, hiện ngụ cư ở Hà Nội).
 
Văn bản này chưa đăng tải trên một tờ báo viết hoặc báo mạng nào ở Việt Nam.

 

 

NÓI CHUYỆN VỚI MỘT 8X

 

phần 1

 

- Điều gì khiến ông cầm bút viết viết văn, làm thơ? Cơm áo, tiền bạc, danh vọng hay chỉ là để nối nghiệp cha của ông, một nhà văn nổi tiếng, nhà văn Nguyễn Đình Thi?

+ Khi còn trẻ thì là tất tật các điều cô vừa kể. Thậm chí còn có thêm điều nữa: tôi muốn tên tuổi của được lưu truyền hậu thế như ông Cao Bá Quát, như ông Gogol chứ đâu phải chỉ được như ông Nguyễn Đình Thi. Nhưng rồi năm tháng dần trôi, càng viết thì các ham muốn, mơ ước đó càng nguội lạnh, tàn lụi dần theo thời gian. Cho tới hôm nay chỉ còn đọng lại một ham muốn duy nhất

 

- Đó là ham muốn gì ạ?

+ Nói ra cô đừng cười nhé. Tiền.

 

- Nhà văn có nói thật không?

+Tại sao lại hỏi như vậy?

 

- Vì ông nổi tiếng là hay bá láp, giễu cợt.

+ Cô nói đúng. Tuổi tôi bây giờ nhìn cái gì cũng thấy buồn cười. Kể cả những vấn đề đang rất bức xúc hiện nay như vấn đề một lô xích xông mấy cha cưỡi Mẹc xe đẹt, com lê, ca la vát tề chỉnh đang xoáy như chớp (ăn cắp, ăn cướp) tiền thuế của dân chẳng hạn. Có một chuyện vui vui. Hôm nọ tôi đến Hội nhà văn Việt Nam chơi, gặp một tốp đang ngồi túm tụm khoác lác, bốc giời. Trông thấy tôi, một ông nhà thơ già vỗ vai tôi rất chân thành: “Phải công nhận Nguyễn Đình Chính lao động văn học nghệ thuật nhiều. Nhưng giá mà ông nhún nhường, chan hoà thêm chút nữa thì tụi tôi càng quý”.

Tôi cười bảo: “Tao cần đếch gì chúng mày quý, vì chúng mày đâu có cái khả năng thực sự quý trọng đồng nghiệp. Ở chung nhà tập thể bốn tầng quên không có xây hố xí mấy chục năm nay rồi, hở ra một tí là tương c... vào mồm nhau ngay”.

 

- Khiếp quá!

+ Cô đừng giả nai. Đó là chuyện tiếu lâm thời bao cấp về cái gọi là tập thể văn nghệ sĩ Việt Nam. Văn nghệ sĩ thời bao cấp đối với nhau mới chỉ là tương c... vào mồm nhau chứ bây giờ thì...

 

- Thì sao ạ?

+ Thì như ông Chủ tịch Hội nhà văn đã ngán ngẩm thả ra thơ rồi đấy: Cây đổ về nơi không có vết rìu. Bây giờ toàn chơi nhau bằng rìu (còn kinh hơn cả búa ). Sao cô không hét lên khiếp khiếp mà lại cười. Thôi bỏ qua chuyện này. Có còn gì để phỏng vấn nữa không.

 

- Còn rất nhiều. Thưa nhà văn. Xin hỏi nhà văn có biết gì về một thế hệ các nhà văn nhà thơ trẻ đang sống và viết ngoài luồng văn học nghệ thuật chính thống hiện nay?

+ Sao bây giờ các chị hay xài cái từ “thế hệ” thế. Nghe mà khiếp. Tôi dùng từ ngữ của cô đấy nhé. Có phải cô muốn nói đến mấy nhà thơ trong nhóm Mở Miệng ở Sài Gòn. Cô gật đầu rồi hả. Tôi cũng có chút ít quen biết họ. Mà họ cũng có vẻ không nỡ đóng sập cửa ngôi nhà văn thơ của họ trước mũi tôi. Mỗi lần vào Sài Gòn là tôi vẫn được mấy bạn đó vui vẻ rủ đi nhậu bia ở vỉa hè. Tôi thấy mấy bạn đó đều có tài và có một cách sống, cách nghĩ độc lập. Có 3 điều kiện đó thì sẽ làm văn nghệ được lâu bền. Hồi trước tết, Bùi Chát ra Hà Nội chơi, tôi có mời đi cà phê và chúng tôi tán láo lăng nhăng về thơ Hậu hiện đại và thơ Tân hình thức. Tôi có nói ai có tài thơ văn thì nên cố gắng sống độc lập tỉnh táo để bảo vệ lấy cái tài thơ văn của mình, đừng để cái tài đó bị chính trị lấn áp, lợi dụng. Tôi quý Bùi chát và Lý Đợi. Vậy đó.

 

phần 2

 

- Một câu trong bài trả lời phỏng vấn trên Sài gòn tiếp thị của nhà nhơ nổi tiếng Nguyễn Quang Thiều đã ám ảnh em: “Đời sống đô thị đang giết chết những cảm xúc trong sáng”. Thưa nhà văn, ông có đồng tình với câu nói đó không?

+ Ông Thiều là nhà thơ nhà quê theo trường phái lãng mạn cổ điển. Ông là tạng người của cỏ cây, hoa lá, vườn tược và những kí ức đèm đẹp nhưng lại phải hơi buồn buồn. Ông Thiều vẫn nói là ông ta kinh hãi cái cuộc sống hò hét, chen chúc náo loạn ở thành phố đông người. Không biết có thật thế không, vì gần đây nghe nói ông lại xông vào thương trường báo chí đảm đương gánh vác một tờ báo rất nhộn nhịp, hấp dẫn có tên là Cảnh sát toàn cầu. Thơ của Thiều là thơ của một thi sĩ trong tim ứa trào dĩ vãng nhà quê trong trẻo, cũ kĩ, buồn tẻ, nỗi buồn không thể tìm được duyên cớ, nhưng thơ của Thiều cũng là thơ của một thi sĩ mở to hai con mắt thông minh, thèm khát nhìn chăm chăm ngọn lửa tư duy khác lạ của thơ ca hiện đại hơn nửa thế kỉ nay đang cháy ngùn ngụt trên khắp hoàn cầu, trừ ở trong cái mà cô vừa gọi là dòng văn học nghệ thuật chính thông trong luồng hiện nay.

 

- Ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của em.

+ Tôi đang nói đây. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: “Đời sống đô thị có thể giết chết dần những cảm xúc trong sáng”. Đúng thôi. Có nhiều cảm xúc trong sáng đã bị đời sống đô thị huỷ hoại. Đó là những cảm xúc trong sáng nhà quê, những cảm xúc trong sáng lãng mạn, nhẹ nhàng. Nhưng cái đời sống đô thị này lại nuôi dưỡng những cảm xúc trong sáng khác, cũng rất cần cho những người viết văn. Vậy là có nhiều loại cảm xúc trong sáng cần thiết cho từng tạng người cầm bút. Loại này cần cho tôi, nhưng với anh thì ngược lại. Có thể lấy rất nhiều thí dụ cụ thể. Tôi có ông bạn nhà thơ tên là Lâm Râu. Ông này đẻ ở Hà Nội, gốc ngưòi Hà Nội, là công tử thành phố chính cống thuộc thành phần tiểu thị dân. Ông Lâm Râu làm thơ hay lắm. Chỉ buồn là cho đến hôm nay đời sống văn học và công chúng vẫn chưa đánh giá đúng tầm vóc thơ của Lâm Râu. Đọc thơ Lâm Râu thì thấy được cái đời sống đô thị cũng nuôi dưỡng nhiều cảm xúc trong sáng trong tâm hồn ông Lâm Râu. Có thể lấy thêm thí dụ nữa. Đấy là cuộc đời và thơ của Lưu Quang Vũ. Hầu như những cảm xúc trong sáng nhất trong thơ của Lưu Quang Vũ đều được nuôi dưỡng từ đời sống đô thị.

 

- Em vẫn nhớ năm 1978 có những nữ sinh viên chép trong sổ tay của mình bài thơ “Mùa thu trở lại” của ông. Bài thơ được nhận tặng thưởng của báo Văn Nghệ cùng năm đó. Bài thơ có những câu rất trong trẻo rất lãng mạn như: “ Mùa thu ơi / cỏ cây chia tay với cỏ cây / con sâu nhỏ hết một kiếp sồng thầm thì / nắng cũng nhạt rồi gió phiêu bạt ra đi / thiên nhiên thì chia tay mà ta thì gặp lại / như cánh diều bay qua cơn gió nhớ / anh lại về Hà Nội tìm em...”

+ Cô lảm nhảm cái gì thế? Năm 1978 cô đã đẻ đâu mà biết có những nữ sinh viên chép thơ của tôi vào sổ tay! Sổ tay của ai? Sổ tay của cô à?

 

- Sổ tay của mẹ em. Năm 1978 mẹ em là sinh viên năm thứ 2 đại học sư phạm.

+ Vậy hả. Thế thì mời cô tiếp tục phỏng vấn

 

- Ngày xưa thơ ông chảnh thế. Vậy mà bây giờ thơ của ông tởm. Xin lỗi.Tthơ của ông kinh thế, khiếp thế.

+ Thơ nào mà tởm, mà ghê, mà khiếp thế?

 

- Em đọc mấy câu thơ “Chẹc chẹc” của ông nhé: “Ối thơ ơi là thơ / cục cứt nát bay đi đâu bây giờ / cục cứt nát thì làm gì có cánh / cục cút nát chỉ có chóp”. Thưa ông, mấy câu đó không thể là thơ được mà chỉ là những tiếng kêu tục tằn rất khó lọt lỗ tai những người yêu thơ muốn thưởng thức vẻ đẹp của cuộc đời do thơ ca mang lại.

+ Cô nói đúng. Những ai muốn thưởng thức vẻ đẹp của cuộc đời thì đừng đọc cái gọi là thơ “chẹc chẹc” của tôi.

 

- Vậy thì ông mất công sản xuất ra cái gọi là thơ “chẹc chẹc” ấy làm gì?

+ Để đổi mới thơ ca, để công phá ít nhiều vào bức tường thành ngôn ngữ và ý thức của con người Việt Nam. Chẹc chẹc là như vậy đó. Cô hiểu chưa?

 

- Em chưa hiểu. Ông nói như vậy có quá kiêu ngạo và ngộ nhận không?

+ Tôi đâu có nói như vậy. Đó là người ta nói về thơ “chẹc chẹc” của tôi đấy chứ. Cô nên nhớ rằng khi tôi chỉ mới công bố một vài bài thơ “chẹc chẹc” thì đã nhận được nhiều những phản hồi của người đọc. Chỉ có một vài người mắng mỏ chửi rủa kêu lên rẳng thơ tục tĩu chứ còn tất cả đều cười vui với tôi. Hôm nay, tôi lại gặp thêm một người nữa ghét thơ “chẹc chẹc” và thét lên là tởm, là khiếp. Người đó là cô.

 

- Nhà văn đáo để quá.

+ Tôi già rồi. Tôi có quyền đáo để. Nếu như mấy tháng trước cô vào trang web laxanh.vn của tôi, cô mở mục “Thơ Nguyễn Đình Chính” mà đọc những comments của đủ loại bạn đọc thơ của tôi, cô sẽ thấy những nhận định của họ. Đây, họ viết như thế này:

- Nguyễn Đình Chính đã đưa tới một thông điệp cho thơ
 
- Nghiêm túc mà nói, tôi kính phục và ủng hộ những cách tân tâm huyết cho thơ ca của Nguyễn Đình Chính. Vì tôi đã chán ngấy tận cổ cái thứ thơ tán gái tán giai não tình bất lực, cái thứ thơ ám chỉ chửi đổng bất đắc chí, cái thứ thơ quằn quại nức nở giả dối, cái thứ thơ ẩn ức siêu thực tắc tị, hoặc là cái thứ thơ huỵch toẹt kiểu “tôi yêu nước mà tôi bị bắt”...

Lại có người còn đoán như sau:

Thơ của nhà văn Nguyễn Đình Chính rất “quái”. Biết đâu như cách nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói, mai mốt anh sẽ thành một nhà thơ lừng danh! Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Đình Chính đã cho tôi được đọc những câu thơ tếu táo và ấn tượng
 

Đấy. Cô đọc đi. Toàn những người tôi không quen biết. Dễ thường họ ngu cả. Không thể nói đây là bạn bè cánh hẩu với nhau hoặc tôi bỏ tiền thuê họ bốc thơm tôi như nhiều nhà thơ bây giờ vẫn làm. Có một điều đáng buồn là dòng văn học chính thống (trong luồng) ở trong nước bây giờ vẫn chẳng thèm nhắc gì đến thơ “chẹc chẹc”. Không tờ báo, tạp chí nhà xuất bản nào in “chẹc chẹc”. Kể cả tạp chí Nhà văn, tạp chí Thơ của Hội nhà văn Việt Nam cũng từ chối đăng “chẹc chẹc”.

 

- Vậy là ông vẫn tiếp tục sáng tác thơ “chẹc chẹc”?

+ Tất nhiên.

 

- Ông phản bác các loại thơ không phải thơ “chẹc chẹc”?

+ Tôi tôn trọng các thể loại thơ khác. Văn học là một cánh rừng mênh mông có nhiều loại cỏ cây hoa lá cùng chung sống. “Chẹc chẹc” cũng chỉ là một loại cây chung sống cùng với hàng trăm ngàn cây cỏ khác. Chẳng ai loại bỏ được ai. Bạn thích cây nào thì chọn cây đó mà chiêm ngưỡng.

 

- Em đồng ý với nhận thức đó của ông. Nhưng với em thì, có quý ông đến đâu em cũng không thể nào chấp nhận loại thơ “chẹc chẹc”.

+ Không thành vấn đề. Cô không thích thì đừng tiếp xúc với “chẹc chẹc”. Cô tha hồ kinh, khiếp, tởm. Tôi không quan tâm.

 

phần 3

 

- Nói chuyện với ông đến đây, em chợt nghĩ ông là người thích mở đường đi tiên phong. Thơ chẹc chẹc, tiểu thuyết Online balô. Cả hai sáng tác mới nhất của ông gần đây đều bị không được in hoặc hoặc bị cấm tái bản. Có thể gọi đó là thất bại không?

+ Không. Tôi gọi đó là sự ngốc nghếch của một dúm người nào đấy vỗ ngực tự xưng là đám đông, và sự đố kị ngu xuẩn của một số nhà thơ đã có thời là bạn của tôi.

 

- Nếu đám đông không ngốc nghếch, nếu văn học và các bạn thơ của ông không đố kị ngu xuẩn, thì ông nghĩ sao? Ông sai rồi?

+ Tôi không sai. Tôi đúng. Tôi sẽ được kiến diện cái ngày đó. Thời gian sẽ chứng minh cho cô thấy như vậy nếu cô sống thêm chục năm nữa. Năm 2000, tiểu thuyết Đêm thánh nhân bị thu hồi, bị cấm tái bản. Năm 2009, tiểu thuyết Đêm thánh nhân được nhà xuất bản Văn Học in trang trọng trong tổng tập Văn học Việt Nam thế kỉ XX, quyển I, tập xxxv. Vậy đó. Chắc chắn cô sẽ sống tới ngày Thơ chẹc chẹc đượn tôn vinh và phát hành rộng rãi. Tôi nhắc lại. Tôi đúng và họ sai.

 

- Căn cứ vào đâu mà ông tin như vậy?

+ Căn cứ vào một điều rất đơn giản. Đó là lẽ phải của văn học. Số phận thăng trầm của tiểu thuyết Đêm Thánh Nhân là một ví dụ hiển nhiên.

 

- Ông có dám thật lòng cho biết vì sao ông lại có vẻ vừa ngại vừa ghét vừa sợ đám đông?

+ Tôi rất e ngại đám đông. Tôi tán đồng chủ thuyết của Gaston Bachelard về đám đông? Tôi khinh bỉ một dúm người nào đó vỗ ngực tự xưng là đám đông. Vì sao? Vì văn học Việt Nam hiện nay đang bị một dúm người tự xưng là đám đông đó dắt mũi lôi đi xềnh xệch và đã bắt đầu chết sặc trong cái thị hiếu ngu ngốc của họ.

 

- Em cũng là người rất hâm mộ tiểu thuyết Đêm thánh nhân. Ông tự nhận định về cuốn tiểu thuyết này của ông như thế nào?

+ Đêm Thánh Nhân là một thành tựu của văn chương huyền ảo viết bằng tiếng Việt. Rồi đây các thế hệ mai sau sẽ mãi mãi đọc Đêm thánh nhân và tôi sẽ có một vị trí trong văn học Việt Nam giống như là Gogol trong văn học Nga.

 

- Em muốn chúng ta chuyển sang một chủ đề khác. Không nói về ông nữa mà nói về hai luồng văn học hiện nay ở trong nước: ngoài luồng và trong luồng.

+ Tôi công nhận hiện nay ở trong nước có hai luồng văn chương thơ ca. Tất cả các tác phẩm lấy được giấy phép của nhà xuất bản để in và phát hành công khai được khen hay bị chê đều nằm trong luồng. Và ngược lại thì gọi là nằm ngoài luồng. Đặc điểm chung của loại trong luồng là sáng tác theo phương thức hiện thực XHCN. Dòng văn học này tự nguyện (chứ không ai ép buộc cả) tuân theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, lấy chức năng “phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc” làm tiêu chí cho ngòi bút. Dòng văn học này thống trị văn đàn Việt Nam (từ 1945 đến 1975 ở Miền Bắc, từ 1976-2010 ở cả nước). Hơn nửa thế kỉ qua nó đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ lớn cùng không ít tác tác phẩm lớn. Tuy nhiên cũng cần phải sòng phẳng. Từ 1980 đến nay dòng văn học này đã có những biểu hiện lão hoá, không còn tạo dựng được những tên tuổi văn nghệ sĩ xuất sắc và những tác phẩm có tầm vóc. Nguyên nhân có thể là dòng văn học này đã công chức hoá, né tránh hiện thực đời sống và lẩn trốn trách nhiệm của văn học đối với con người. Do vậy, nó đã rời xa tiêu chí lớn ban đầu của nó. Tôi nghĩ, đây cũng là một câu hỏi nghiêm túc dành cho tất cả các văn nghệ sĩ Việt Nam đang sáng tác theo phương thức hiện thức XHCN hiện nay.

Loại thứ hai là dòng văn học ngoài luồng. Đó là những tác phẩm không qua được mạng lưới kiểm duyệt của các nhà xuất bản. Vì vậy, nó chỉ được phổ biến và lưu truyền dưới dạng bản thảo, photocopy và trên internet. Phần lớn tác phẩm trong dòng văn học này đều sáng tác theo phương pháp hiện thực phê phán. Số lượng các nhà văn, nhà thơ có tài năng và uy tín tham gia dòng ăn học này không nhiều. Trong khi đó lại có không ít những người tự xưng là nhà văn nhà thơ, lấy văn chương làm phương tiện để hoạt động chính trị dưới tiêu chí đòi tự do, dân chủ, nhân quyền. Những hoạt động văn chương thực dụng chính trị tủn mủn này không có tương lai. Tuy nhiên, cũng lại cần phải có sự sòng phẳng ở đây. Trong dòng văn học ngoài luồng này đã xuất hiện một số nhà thơ nhà văn trẻ có tài năng đang cố gắng tìm kiếm một phương thức sáng tác mới để tiếp cận được đời sống hiện thực rất bề bộn hiện nay của xã hội Việt Nam. Ở một khía cạnh nào đó đây lại là một cú hích vào đời sống dòng văn học trong luồng vốn ầm ĩ nhưng khuôn sáo và tẻ nhạt.

 

- Trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo Quân đội Nhân dân năm 2006, ông đã rất kì vọng vào lực lượng sáng tác trẻ. Và ông đã...

+ Cô cho tôi cắt ngang lời cô. Bỏ qua lớp trẻ đi. Tại sao? Tại vì bây giờ tôi hoàn toàn thất vọng vào đội ngũ này rồi.

 

- Nguyên cớ gì ông lại thay đổi ý kiến nhanh như hơn cả con kì nhông thay đổi màu da vậy?

+ Tại vì thời gian qua họ đã dần dần hiện nguyên hình là một đội ngũ bất tài, và đầy đầu óc cơ hội chính trị tủn mủn... Tôi chán họ lắm, xin đừng nhắc đến nữa. Họ đã bị già đi (lão hoá) với một tốc độ nhanh đến khủng khiếp. Họ đang rủ nhau tự sát tập thể. Họ đang hấp hối.

 

- Đấy là ở trong nước. Thế còn những nhà văn trẻ viết bằng tiếng Việt ở nước ngoài thì sao? Em thấy họ cũng đông đảo lắm, hùng hậu lắm và cũng đang sáng tác nhiều lắm. họ vượt xa các nhà văn trẻ ở trong nước.

+ Hùng hậu, đông đảo cái con khỉ. Tôi thấy thảm cảnh hiện nay của họ cũng na ná như ở trong nước mà thôi. Hấp hối. Tiêu vong đến nơi rồi.

 

- Khiếp.

+ Lại khiếp rồi. Chúng ta tiếp tục chứ.

 

- Tất nhiên, mặc dù em đang nghe ông chửi. Nhưng “không thành vấn đề” (từ ngữ này là của ông). Mấy hôm trước một lần nói chuyện với em, ông có nói nền văn học viết bằng tiếng Việt ở hải ngoại sắp tiêu vong. Ông có thể nói rõ hơn điều này được không?

+ Cá nhà văn có tên tuổi và tài năng thì đã chết gần hết, giống như ở trong nước. Lớp viết trẻ thì viết dở lắm, viết chán lắm. Y như ở trong nước vậy. Thơ văn của họ bị chính trị và lòng căm thù nhỏ nhen dắt mũi vào ngõ cụt u mê. Tôi tán thành chủ thuyết văn học lạnh của Cao Hành Kiện. Các bạn viết văn trẻ cố gắng tự đấm vào đầu mình tỉnh lại đi. Đó là lời khuyên của tôi cho thế hệ trẻ cầm bút trong và ngoài nước.

 

- Từ đầu buổi nói chuyện đến giờ, em thấy ông rất bi quan về nền văn học viết bằng tiếng Việt trong tương lai. Ông chê bôi lớp trẻ.

+ Đúng.

 

- Ông không sợ rằng ông sẽ bị quy kết là ghen tỵ với lớp trẻ?

+ Mấy năm nay tôi không còn khả năng ghen tỵ nữa. Nhất là với lớp trẻ. Tôi là người đã thành đạt trong văn đàn. Tôi rất nổi tiếng. Tôi không ghen tỵ gì với cả một thế hệ không thành đạt và chưa có một ai lập nổi thương hiệu văn chương. Có đúng không?

 

- Ông nhìn nền văn học màu xám đen như vậy có công bằng không? Không sợ rằng sẽ có người quy kết ông là đang phủ nhận xã hội này. Văn học xám đen thì xã hội tất nhiên cũng xám đen.

+ Luận điểm rất láo khoét. Lịch sử mọi nền văn chương trên thế giới đều chứng minh rằng thành tựu của một nền văn học không đồng hành với thành tựu của một thể chế xã hội. Nước Nga bước vào thời kì thối nát nhất thì lại tồn tại một nền văn học sang trọng, chói lọi nhất. Ở nước ta cũng vậy. Những tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Xuân Hương sinh ra khi các triều đại phong kiến bước vào suy vong mục ruỗng.

 

[còn tiếp]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021