thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bày đầu
Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu
 
      Peter Orlovsky là một nhà thơ, nhạc sĩ, từng làm nhiều nghề: dạy học, trồng trọt, có lúc đóng phim... và ngao du sơn thủy bên cạnh người bạn đời lâu năm là Allen Ginsberg, cho đến khi nhà thơ này qua đời. Ông sinh ngày 8 tháng 7 năm 1933 phía đông thành phố New York, trong một gia đình gồm năm anh chị em, bố là Oleg, mẹ là Katherine Orlovsky. Bố mẹ ly thân ngay hồi ông còn nhỏ, Orlovsky về Queens sống với mẹ, khi lớn lên do tình hình kinh tế gia đình đã bỏ học và phải sống tự lập ở tuổi 17. Năm 1953 khi bùng nổ chiến tranh Triều tiên, ông đi quân dịch, nhưng do lối sống lang bạt và thái độ ra mặt chống quân ngũ, gần như trọn thời gian phục vụ ông đã chỉ làm việc tại một nhà thương ở San Francisco. Năm 1954 giữa khi đang sống với họa sĩ Robert LaVigne ở San Francisco, Orlovsky tình cờ tiếp xúc với một người quen của LaVigne, và từ đó hai bên kết thân, trong khoảng ba chục năm trời gần như không rời nhau nữa: người ấy là Allen Ginsberg. Chỉ nhấn mạnh đến ba chục năm, bởi lẽ trong quan hệ được gọi là hôn nhân giữa hai người, đã có một thời gian “ly thân” (sau này có thể là lý do khiến trong bộ phim của Jerry Aronson về “đời hoạt động” của Ginsberg: The Life and Times of Allen Ginsberg [1994] chúng tôi có dip xem năm 1994 ở Salt Lake City, tuyệt nhiên không thấy có mặt Orlovsky!) trước khi đôi bên tái hợp keo sơn cho tới phút cuối cùng Ginsberg ra đi trên giường bệnh (xin đọc Mơ, trong chùm thơ Ginsberg đăng trên Tiền vệ). Ngay từ những năm 50, Peter Orlovsky đã có mặt bên cạnh những William Burroughs, Jack Kerouac, Allen Ginsberg, Gregory Corso vân vân, trong những buổi đọc thơ - nhạc jazz tại các quán café ở San Francisco, mặc dù sau này người ta ít để ý đến một Orlovsky nhà thơ mà chỉ biết đến Orlovsky-người tình. Tuy nhiên không ít người vẫn còn nhớ một giọng thơ đẹp và có một phong cách riêng rất tự nhiên từ những ý nghĩ thoáng qua đầu, rồi tuôn trào trên máy đánh chữ của ông (khởi sự từ 1957, những ngày chung sống với Ginsberg ở Paris), cả khi được đem để chung bên cạnh những đồng chí trong dòng thơ beat. Cũng không ít người còn nhớ phát biểu của W.C. Williams khi lần đầu tiên đọc được cái giọng tự nhiên Orlovsky mà ông tiên đoán sẽ là “chỗ đến” của thơ ca Mỹ: “Không một chút Ăng lê... thuần túy Mỹ.” Ngao du sơn thủy đúng là chữ để diễn tả những nẻo đường Orlovsky đã đi qua, phần lớn là bên cạnh Ginsberg: Trung Đông, Bắc Phi, Ấn độ, châu Âu... Sát cánh những bạn đồng hành beatniks, ngoài những hoạt động xã hội và chính trị, như chống chiến tranh hạt nhân chẳng hạn, Orlovsky cũng từng tham gia giảng dạy tại Viện Jack Kerouac School of Disembodied Poetics ở Naropa Institute, Boulder, Colorado, với lớp giảng "Poetry for Dumb Students."
      Những tác phẩm đã xuất bản: Dear Allen: Ship will land Jan 23, 58 (1971), Lepers Cry (1972), Clean Asshole Poems & Smiling Vegetable Songs: Poems 1957-1977 (1978), và Straight Hearts' Delight: Love Poems and Selected Letters (1980), in chung với Ginsberg.
      Mấy dòng tái bút: Có vẻ như Peter Orlovsky không biết đánh vần. Có những bài thơ của ông, sau này khi lên những trang web, đã được những người phụ trách “sửa lại”, và việc làm này đã nhận được những lời phàn nàn trách cứ không phải từ ông, mà là từ những người đọc tin tưởng đó là cách đánh vần, và là cách hay nhất để thể hiện chính xác những suy nghĩ của nhà thơ. Về lối đánh vần của Orlovsky, xin xem mấy dòng tự sự của nhà thơ trong The New American Poetry 1945-1960, do Donald M. Allen biên tập, Grove Press xuất bản, 1960. Sau cùng, những chú thích cuối bài thơ về các chữ đánh vần theo lối Orlovsky là của người dịch. Việc làm trên, theo một cách nhìn nào đó, cũng rất có thể bị coi là không đáng làm.
 
 
PETER ORLOVSKY
Ảnh phải: Beatniks  (ảnh Hoàng Ngọc Biên – Dalat 1959)
 
 
Bày đầu [1]
 
Cầu vồng đến đổ tràn trên cửa sổ ta, ta bị điện kích.
Những bài ca bùng vỡ từ ngực ta, mọi tiếng khóc ngưng, bí hỉm[2]
       lan đầy không khí.
Ta lục tìm đôi giài[3] dưới giường.
Một bà da màu mập ú trở thành mẹ ta.
Ta chưa có răng giả. Đột nhiên mười thằng bé ngồi vào lòng ta.
Ta mọc nguyên bộ râu xồm trong chỉ một ngày.
Ta nhắm mắt nốc trọng[4] một chai rượu vang.
Ta vẽ lên giấy và ta cảm thấy mình trở lại hai tuổi. Ta muốn được
       mọi người nói chuyện với mình.
Ta hốt hết rác rưởi trên bàng.[5]
Ta rước hàng ngàn chai rượu vào phòng ta, những con bọ
       tháng Sáu ta gọi chúng.
Ta dùng cái mái[6] đánh chữ làm gối kê đầu.
Cái muỗng trở thành cái nĩa trước mắt ta.
Bọn lang thang ăn xin đem hết tiền cho ta.
Ta cần mỗi cái gương soi suốt phần đời còn lại của mình.
Năm năm đàu[7] ta sống trong những chuồng[8] gà không đủ cái ăn.
Ban đêm mẹ ta chìa ra gương mặt phù thủy và kể chuyện con
       yêu râu xanh.
Những giấc mơ của ta bốc ta bật dậy khỏi giường.
Ta mơ thấy mình nhảy vào cái miệng súng để giải quyết chuyện
       viên đạn.
Ta gặp Kafka và ổng nhảy qua một tòa nhà để tránh ta.
Thân thể ta biến thành đường ngọt, đổ vào tách trà ta tìm ra
       ý nghĩa cuộc đời
Cái ta cần ấy là chút mực để trở thành thằng bé da đen.
Ta bước đi trên đường phố tìm đôi mắt sẽ ve vuốt ta.
Ta hát trong thang máy tin rằng mình đang lên thiên đường.
Ta bước ra ở tầng thứ 86, bước trên hành lang đi xuống tìm mấy
       cái mông tươi.
Bọn tinh trùng của ta biến thành một đồng đô la bạc trên giường ta.
Ta nhìn ra cửa sổ và không thấy ai, ta rảo bước xuống đường,
nhìn lên cửa sổ của mình và không thấy ai.
Thế nên ta nói với cái vòi rồng chữa lửa, hỏi “Mi nước mắt có bự
       hơn ta?”
Không có ai chung quanh, ta bèn đái vung vãi.
Ơi cái tù và thiên sứ Gabriel của ta, hỡi cái tù và Gabriel của ta: hãy mở
       toang những hưng phấn, lạc thú đồng tính của ta.
 
                                                             24 tháng 11. 1957, Paris.
 
 
----------------------------
[1] frist poem/first poem [2] mistory/mystery [3] shues/shoes [4] hole/whole [5] tabol/table [6] typewritter/typewriter [7] frist/first [8] coups/coops
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021