thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƠ PALESTINE HIỆN ĐẠI [II]: và chúng tôi, chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng
(bản dịch Thủy Trúc)
 
 
__________________________
 
THƠ PALESTINE HIỆN ĐẠI [II]
và chúng tôi, chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng
 
 
SALIM JABRANE (1942~)

TỴ NẠN

 
Mặt trời vượt qua biên giới
chẳng có lính tráng nào
nổ súng
Chim họa mi hót ban mai
ở Toulkarm
và chiều lại, nó ăn tối và đi ngủ
yên hàn
với lũ chim ở các kibboutz
Một con lừa lạc trên tuyến lửa
gặm cỏ
yên hàn
chẳng có lính tráng nào nổ súng
Còn tôi
đứa con tỵ nạn của mẹ, hỡi đất quê hương
giữa mắt tôi và các chân trời của mẹ
là những lũy thành biên giới
 
 

SAFAD*

 
Phải chăng ta là kẻ xa lạ, hỡi Safad?
Cả mi nữa mi cũng là kẻ lạ xa
Những ngôi nhà nói với ta: mừng anh mới tới
và những kẻ ngụ nơi những ngôi nhà ấy ra lệnh cho ta: xéo đi!
 
Tại sao ngươi lại chạy rong ngoài đường phố
hỡi người Ả-rập, tại sao?
 
Nếu ngươi cất tiếng chào
không ai đáp trả ngươi
Những người thân của ngươi đã có đây một ngày
rồi lại ra đi... không còn một ai hết!
Trên môi tôi, những đám tang của hừng đông
và trong mắt tôi
nỗi tủi nhục đắng cay của con sư tử
Vĩnh biệt
vĩnh biệt Safad
 
-----------------------------------------
* thành phố ở Palestine. (người dịch)
 
 

ĐÊM ĐẦU TIÊN

 
Ấy là đêm đầu tiên
Bên ngoài... tiếng mưa rơi
Tôi nhận thấy
qua những thanh sắt
bóng một cây cọ
Cái lạnh căm căm thấu buốt
Chăn mền: đờm rãi và sâu bọ
Im lặng
tôi cô độc, người tù
cô độc, cô độc
Ôi những lượn sóng cô liêu mới sâu thẳm làm sao!
Một mình trong đêm tối, nghĩ suy
thì thầm, nghêu ngao, tưởng nhớ:
quê hương tôi
các người quả là đần độn
hỡi những kẻ thù nghịch của quê hương tôi!
 
Ấy là đêm đầu tiên
không phải là đêm chót
 
 
SALIM JABRANE sinh năm 1942 tại al-Bouqayah, Galilée. Hiện điều khiển nhật báo tiếng Ả-rập al-Ittihad ở Haïfa. Tác phẩm: Thơ ở nơi cư trú vô định; Những người đồng hành của mặt trời.
 
__________________________
 
MOHAMMED AL-A'SAD (1944~)

ĐÔI KHI

 
Đôi khi
khi chúng tôi lắng nghe một bài ca
chúng tôi tưởng tượng như người ca sĩ
đang tụng đều những giấy tờ cá nhân của chúng tôi
Đôi khi
khi chúng tôi được tin một cuộc đảo chánh
chúng tôi tưởng tượng như người ta đang ngỏ lời với chúng tôi
để chúng tôi bước ra và thay đổi
Đôi khi
khi chúng tôi nghe những đợt sóng vỗ vào những hòn núi đá
chúng tôi tưởng tượng như các vùng biển
vẫn còn trên hành tinh của chúng ta
Đôi khi
đôi khi
chúng tôi tưởng tượng như chúng tôi hiện hữu
trong bản tin
 
 

BÓNG

 
Nửa đêm
biển vẫn lặng
Bến bờ nào
xứng với những cánh buồm ấy
 
Mi chỉ là một chiếc bóng
cháy từ bên trong
 
 

THỜI ĐẠI CỦA NHỮNG NGƯỜI SỐNG

 
Những người sống
không ngừng
toan tính sống
Những người chết cũng thế
 
 

HÃY ĐỌC MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ VỀ XA VẮNG

 
Mưa vẫn còn mải miết
và các nhà thơ bị nguyền rủa
mơ tưởng một vinh quang sẽ không tới
Khi nào em thức dậy?
nhà thơ hỏi
Thời của gần gụi đã qua
và khoảng cách chúng ta yêu đã bị thuần hóa
Chúng đã giả thiết một con chim gỗ
và gọi đó là Dân tộc
đã vi phạm một ký ức
và gọi đó là Lịch sử
Khi nào em thức dậy?
nhà thơ hỏi trong lẻ loi đơn độc
Chàng nằm trong phần tăm tối nhất của mọi sự
bởi vì em là người chàng yêu
một đồng cỏ hoang dưới những nỗi buồn của chàng
Em là một thời
tôi muốn nói một thời đại
xoay vòng quanh dãy trường thành của chàng
 
Mưa vẫn còn mải miết
và niềm vui sâu thẳm như sự chết
 
Các nhà thơ bị nguyền rủa
hiến ta hội lễ muộn phiền
Em hãy đọc một điều gì đó về xa vắng
hãy đọc một điều gì đó
về nỗi buồn của những pho tượng lặng lẽ
trong ánh mắt các nhà thơ bị nguyền rủa đọa đày
 
 

ĐẤT CŨNG CHẾT

 
Với niềm tin cẩn nào
các vì sao
có thể lấp lánh
và cây cối trơ trụi
có thể hiến bóng mát?
Với niềm tin cẩn nào
những tiếng vọng của chúng ta có thể vang lên
khi chúng ta rời phố xá
để trở về nhà
và khi chúng ta đóng cửa lại mà nói:
Những người làm chứng cho chúng tôi nói về chúng tôi?
Với niềm tin cẩn nào
chúng ta có thể phó mặc
cho miệng lưỡi
trong những cuộc bàn cãi
như thể chúng ta không phải lẻ loi
như thể những người khác
báo chí
truyền hình
những thời biểu máy bay
đều chia sẻ chén cà phê của chúng ta?
Đất cũng chết
và những con đường của sa mạc Sahara
những ngôi nhà cách biệt
trong đồng quê heo hút
những ánh đèn nhạt mờ của thành phố
ở đáy thẳm đêm
Đất cũng chết
những cấp bằng đại học nữa
nước ép các trái cây hằng ngày
và nỗi buồn man mác buổi hoàng hôn
Nỗi lo âu không phải chỉ có
trong hồn
mà còn ở cả trong sự bình lặng nhẵn nhụi
đang chất đống trên những bàn giấy
những đồ đạc trong nhà
những muỗng cà phê
cái nôi yên hàn của đứa bé
ở góc buồng
Tại sao người ta lại đột nhiên để chúng ta
không có các mùa
không các tầng trời
không các bà mẹ?
Hết thảy đều suy tàn
và rụng rơi
từ những khung cửa sổ của chúng ta
từ những chiếc lá của chúng ta
và những cuộc thảo luận đứt đoạn của chúng ta
Hết thảy
đều rời bỏ chúng ta
cho đến khi chúng ta trở lại đơn độc
trước những cánh cửa của các viện bảo tàng
các siêu thị
những bến cảng đóng kín
tựa những lề đường hoang vắng
với chút cỏ cằn cỗi
vào cuối hè
 
Đất cũng chết
Đất không thể nhận lãnh chúng ta
như những người tuẫn giáo
hay các tiên tri
chúng ta những kẻ bị triệt tiêu
không một dấu tích
có thể dẫn đưa tới sự vắng mặt của chúng ta
chúng ta những kẻ ở tràn lan
như một niềm âu yếm không hề được diễn dịch
chúng ta những kẻ thiên cư
như những đêm tối được buông thả
trên những sa mạc chưa ai từng đặt bước tới
 
 
MOHAMMED AL-A'SAD sinh năm 1944 tại làng Oum al-Zeinat, gần Haïfa. Năm 1948, gia đình tỵ nạn ở Basra, Irak. Từ đó di cư sang Jordanie, rồi Koweit nơi ông hiện trú từ 1968 và hành nghề nhà báo. Tác giả một công trình về hội họa Palestine. Trong số các thi phẩm: Tôi đã cố họa hình em trong thân xác của biển (1976); Bên bờ em, lúc này chim tới (1980); Vương quốc của tục ngữ (1986).
 
__________________________
 
MOURID AL-BARGHOUTI (1944~)

NỀN TẢNG

 
Coca-Cola, Chase Manhattan, General Motors
Christian Dior, MacDonald, Shell
Dynasty, Hilton International, Sangam
Kentucky Fried Chicken, hơi cay
dùi cui, lính kín
Ibn Khaldoun đã nói:
Ấy chính là những nền tảng của Quốc gia
nơi người Ả-rập
 
 

NGOẠI LỆ

 
Hết thảy đều tới nơi
dòng sông, chuyến xe lửa
tiếng nói, con tầu biển
ánh sáng, thư từ
bức điện phân ưu
lời mời dự tiệc
chiếc va-ly ngoại giao
con tầu không gian
Hết thảy đều tới nơi
ngoại trừ... những bước chân tôi trở về xứ
 
 

!

 
Bởi chúng ta sống những gì chúng ta sống
bởi chúng ta thấy những gì chúng ta thấy
bởi chúng ta làm những gì chúng ta làm
tôi sẽ xem xét thật kỹ mọi giấy má
nhật trình, thi phú, bài báo, thư từ
bản tin, bài diễn văn
tôi sẽ loại trừ
hết mọi dấu tán thán
 
 

XIỀNG XÍCH

 
Ấy chính vì cuộc đời này
mà con người lẽ ra đã phải sinh ra
lòng bàn tay cũng lớn như một đụn cát
đôi vai cũng cao như hai đụn cát
cái lưỡi cũng rộng lớn như một nơi chốn
ngàn con mắt thay vì hai
mỗi bước vượt qua cả ngàn dặm
Nhưng chúng ta cũng chỉ như anh thấy đó
và duy có cái chết mới làm xích xiềng rơi
hay khêu lại những vấn đề
 
 

NẾU

 
— Nếu Sisyphe mà leo lên được ngọn núi đá
hẳn chúng ta đã quên anh
 
— Bất hạnh thay cho Laïla
nếu Qaïs đã thật sự cần lửa
 
— Thất bại biết bao cho al-Moutanabbi
nếu Thượng đế đã thỏa mãn ước vọng được phong làm quan đầu tỉnh của ông
 
— Nếu vua Lear có đầy đủ lý trí
nếu Hamlet dứt khoát hơn
nếu Othello thoát được những âm mưu của Iago
nếu Juliette lấy được Roméo
chúng ta có thể dùng Shakespeare làm gì?
 
— A nếu như
sự thật
có được sức mạnh của tiếng đồn!
 
 
MOURID AL-BARGHOUTI sinh năm 1944 tại Dir Ghassanah (bờ tây sông Jourdain), Di cư năm 1967. Học văn chương Anh ở đại học Cairo. Sống ở Budapest. Trong số các tác phẩm: Hồng thủy và khởi nguyên (1972); Một người Palestine dưới mặt trời (1974); Tiếng hát cho nỗi khốn cùng vũ trang (1977); Đất bày ra những niềm bí ẩn (1978); Thơ đường phố (1980); Vẫn còn, tản mác (1987).
 
__________________________
 
MOHAMMED AL-QISSI (1944~)

SỰ TRUNG TRỰC CỦA NGƯỜI CANH GÁC

 
Ngọn gió đang thổi này thật tanh tưởi
Nó mang mùi mục nát lịch sử, hỡi Abdallah
mùi hủy hoại
hỡi Abdallah, con của mẹ ta
Thế là cũng đã lâu chúng gọt đầu các chị em của chúng ta
bởi đó làm sao ta quen được ngọn gió này
làm sao nói lời tán tụng trước cái chết?
 
Chúng có mặt ở đây và ở đó
Tôi sẽ tiếp tục kêu lên cho đến khi nào anh thức dậy, hỡi Abdallah
cho đến khi nào lớp bụi này tan biến trong bí thuật của hành động
bởi tôi đã biến thành của mình sự trung trực
của người canh gác và người phiến động
và tôi sẽ không biết mỏi mệt vì điều ấy, hỡi Abdallah
là vì văn tự
chốn quê hương duy nhất còn lại này của chúng ta
sẽ không để chúng ta yên
Ấy chính là điều tôi đã giải thích cho người bạn gái
khi mời nàng đứng về phía chúng ta
Ôi Abdallah
cả đến tình yêu của chúng ta cũng thiếu đất
và cả đến những điều riêng tư nhất
cũng nhuốm màu nỗi đớn đau này
 
 

BỤI LAN TRÀN

 
Phải hỡi kẻ sát hại ta
hỡi kẻ ngồi cùng bàn với ta, phải
chúng ta tiếp tục già đi già đi ở đây, như cây trắc-bá trên núi
 
Phải, hỡi Mohammed
khoảng cách vẫn tiếp tục lớn lên
Những trái cây và những nỗi thất vọng đã qua đi
vẫn tiếp tục qua
Phải những quán trọ đã tới với chúng ta sau khi những ngôi nhà hoàn toàn bị tiêu hủy
Và lớp bụi dầy đặc này bao phủ những khung cửa sổ của chúng ta
những chiếc gối của chúng ta
lớp bụi dầy bao phủ những khuôn mặt
những câu chuyện ban mai và những đêm canh thức
những lời chào và những chiếc vòng đeo tay
bao phủ tiếng hát
 
 
MOHAMMED AL-QISSI sinh năm 1944 tại Kofr'Ana gần Jenine. Di cư vào năm 1967 và làm việc tại nhiều nước Ả-rập. Hiện sống ở Jordanie. Tác phẩm thi ca gồm khoảng hai mươi cuốn, một số đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có Tây-ban-ngữ và tiếng Bun-ga-ri.
 
__________________________
 
AHMAD DAHBOUR (1946~)

CON NGƯỜI NHỎ BÉ

 
Y ngắm nghía trần nhà thật chăm chú và rùng mình
Y ngắm nghía đất và chắc chắn về chiều cao của bức vách
Y nói: Ôi sự kỳ diệu của thời gian, đất dâng lên
Người đàn bà đáp: Đất vẫn ở nguyên chỗ cũ
Y nói: Vậy thời trần nhà đã thấp xuống
Người đàn bà không biết đáp trả ra sao:
Hãy nghĩ tới một điều có thể thứ ba
như chuyện có lẽ anh đã lớn
có lẽ anh đã lớn
có lẽ anh đã...
Y không đáp
Đất lại trở về chỗ cũ
và trần nhà lại cao
 
 

XỨ SỞ CHÚNG TÔI

 
Ai gọi tôi như thế?
Có phải ông không, thưa ông?
Tôi tin là mình đã nghe thấy tiếng nói của ai đó quen biết tôi.
Ông cũng đã nghe thấy tiếng nói đó như tôi? Hay tôi lầm? Có lẽ... Tôi xin lỗi... Tại sao ông lại cho rằng tôi đã bày đặt ra cuộc đối thoại này? Tôi xin ông đó, xin ông đừng ngộ nhận. Tôi không có hậu ý. Và ngay như tôi có bày ra cuộc đối thoại này... Tôi không muốn nói gì khác hơn là ngày mà... Xin ông bỏ lỗi cho tôi, ông đừng đi... Trên đất của chúng ta, có một bức tường mà có lẽ chúng tôi đã muốn làm thành một căn buồng, nhưng họ đã không cho phép chúng tôi xây cất. Tôi nói gì ư? Những dụng cụ này đều có bán ở chợ, phải không bạn? Tôi nói như thế đó, «bạn», với hết mọi người mà...
Ông coi tôi như một kẻ đi dò thám? Tại sao ông lại sợ tôi như vậy? Tôi chỉ tìm cách nói. Ông bỏ lỗi cho tôi ăn nói quá tệ.
Nhưng kìa, đây là xứ sở của tôi.
Chúng tôi không có quyền đòi hỏi ở xứ sở một thân tình nào đó? Một bàn tay để siết chặt?
Một mối hiềm thù ư? Một người bạn khoan dung?
Hay một kẻ qua đường gọi chúng tôi bằng tên chúng tôi?
Chúng tôi không có quyền ư?
Đây không phải xứ sở của chúng tôi sao?
Ông có nghe một tiếng nói không? Ai gọi, như thế?
Ai gọi chúng tôi bằng tên chúng tôi?
 
 

NHÀ MÁY LÀM BÀN TAY

 
Trên con đường bỏ trốn
khi bỏ trốn là một chiều hướng
và khi mụ chằn đuổi theo
hắn đã trồng một cái hột sinh ra một cây cọ
Chỉ có một mình, hắn đã ăn
và mụ chằn phẫn chí mà chết
 
Sau này, sau hai cơn kinh hoàng và một cơn ác mộng
hắn đã chặt bàn tay mình và đem trồng
nhưng bàn tay không mọc ra được lấy một ngón tay
Hắn điều giảm những cao vọng và tiếp tục tìm kiếm
nhưng cũng chẳng tìm ra đến dấu vết những móng tay
Chính bởi thế mà hắn thấy mình bị bắt buộc
phải đánh cắp một bàn tay
Người ta đã chặt của hắn bàn tay còn lại
 
Bây giờ, vấn đề đặt ra có khác
Nhu cầu là mẹ của sáng chế
Liệu hắn có thể sáng chế ra một bàn tay hay hơn nữa?
Hắn tự kiếm lấy những đường gân và mạch máu
những móng tay, một lớp da nâu
không quên lớp nhung tơ của những sợi lông
Còn chuyện hình xâm thời phải chờ đã
(Ta hãy thêm rằng ấy đó là việc của mấy người thủy thủ
và rằng nhà sáng chế của chúng ta không phải là thủy thủ)
Riêng về những gì còn lại thời hắn sẽ tháo vát
để tìm ra mối quan hệ cần thiết
giữa những sợi thần kinh nhập khẩu và óc não
 
Như thế là hắn sẽ vui hưởng một bàn tay mạnh mẽ và xinh đẹp
Hắn
sẽ viết
sẽ gõ
sẽ sáng chế một bàn tay mới
rồi một bàn tay khác
một bàn tay khác nữa
rồi...
Thế không phải là tuyệt vời
tuyệt vời và vui thích sao?
Thế nhưng, tôi lại chỉ muốn nói với hắn
khoan!
Đừng vội vã bạn ơi
bạn không quên gì hết sao:
một điều đơn giản và bình thường
như xét tới chuyện
muốn thực hiện một nhà máy chế tạo những bàn tay
trước hết bạn cần phải có hai bàn tay?
Trong lúc thoạt đầu bạn đã trồng một bàn tay
rồi người ta lấy mất của bạn bàn tay thứ nhì
bạn đã trồng và chẳng có gì mọc lên
bạn đã đánh cắp cho đến khi người ta đánh cắp của bạn
Và thế là lúc này bạn lại trở về nguyên trạng
từ khởi đầu của kinh hoàng
cho đến khi soạn thảo những dòng này
 
 

LẠI... NHỮNG BÀN TAY

 
Không có những vùng biển trong sách
Tôi yêu cầu những vùng biển và chúng không đáp lại lời yêu cầu của tôi
Không có giường trong cây
mỗi lần tôi thiếp đi, những cành lá hiểm nghèo lại thức dậy
Không có đối thoại trong ngôn ngữ
người ta chỉ thấy đôi môi tôi, không thấy những mạch máu tôi
Không có những cánh đồng trong mây
nhưng có máu đang tìm cách đưa tin tức của mình ra khơi
Không có những vùng biển, không có sách
không có giường, cây
đối thoại, ngôn ngữ
những cánh đồng, không có mây
 
Hãy mọc lên, hỡi những bàn tay
nếu ta mọc được hai bàn tay
hết mọi người sẽ hay biết
 
 

NHỮNG ĐIỀU THAM VỌNG

 
Tôi duyệt qua những điều tham vọng của tôi:
uống trà lúc tảng sáng, đáp xuống thành phố
để tìm đến những kho tàng của tôi đã bị vùi lấp
viết thư cho người đàn bà đã xoa dịu những vết thương tôi
 
Để thực hiện những điều ấy, trước tiên tôi cần tới thành phố của hồn tôi
cần thời gian và một miền đất tôi tin cẩn
Sao? Chuyện quá đáng sao? Tôi đòi hỏi quá đáng sao?
 
Chỉ vì một chén trà, một buổi rạng ngày, một tập vở và mấy con tem
có lẽ tôi cần tới những pháo đài
một đạo binh
những cỗ đại bác
Có lẽ tôi cần phải chiến đấu!
 
 
AHMAD DAHBOUR sinh năm 1946 tại Haïfa vào đúng ngày thành phố này rơi vào tay quân Israёl. Gia đình di cư sang Syrie. Sống trong một trại tỵ nạn trong hai mươi năm. Năm 1968 tham gia kháng chiến ở Jordanie và từ đó lưu lạc nhiều nơi như Syrie, Ai-cập, Yemen... Hiện sống tại Tunisie nơi ông điều khiển ban biên tập tạp chí Lotus (Hoa sen), bản tiếng Ả-rập. Trong số các tác phẩm: Câu truyện một người trẻ tuổi Palestine (1971); Con chim ở trại al-Wahadat (1973); Lẫn lộn ngày với đêm (1979); Hăm mốt vùng biển (1980); Chứng từ với năm ngón tay (1982).
 
__________________________
 
KHAYRI MANSOUR (1946~)

BÀI THƠ KHÔNG PHẢI CỦA JACQUES PRÉVERT

 
Cả ba rồi sẽ kết thúc
trong bụng nhau
một con sư tử
một con sói
và một con linh dương
Cả ba rồi sẽ chết
ông vua bị mê hoặc vì sự im lặng của thần dân
con sói trước tấm gương, kinh ngạc
vì bộ lông da của mình
và người thi sĩ sa vào cạm bẫy của chính bài thơ y
Hết thảy rồi sẽ kết thúc
kẻ này trong bụng kẻ kia
vì tình, vì chán ngán hay vì mỏi mệt
hết thảy rồi sẽ chết
no đầy hay đói khát
sẽ chết
và có lẽ không một ai trong bọn nói được là vì sao
 
 

NHỮNG NGƯỜI TÌNH

 
Không ai tin những người tình
Khi họ còn sống, các quán nước vẫn đóng cửa đúng giờ
và những chiếc tắc-xi vẫn hiếm hoi sau nửa đêm
Ngay cả đêm tối cũng không tin họ
đêm lui khỏi các công viên thật sớm
để tràn ngập những buồng ngủ
nơi những bức vách rên xiết dưới sức nặng của mọi sự
Và khi họ chết, những cỗ áo quan của họ cũng nhỏ hẹp
như của những người khác
 
 

CẢI CHÍNH

 
Lẽ ra tôi phải tin
sau ba mươi năm tản bộ
trong cùng một căn buồng
rằng nước Anh thời nhỏ hơn Mã-đảo*
rằng tôi nhất định là vô tổ quốc
và gia đình tôi chỉ gồm có độc một người
Lẽ ra tôi phải tin
rằng những chuyện như thế vẫn đều đều tái diễn
những kẻ canh chừng bên miệng vực
lui lại để rơi xuống hố, đằng sau họ
và sau khi chần chừ, những cây cam rốt cuộc đã trút bỏ hết lá
dưới ảnh hưởng truyền thống của cây cối
Lẽ ra tôi phải tin
sau ba mươi năm thiên di
rằng cơm bánh và nơi trú ẩn
là tất cả
tất cả
khi cần
Nhưng tôi đã không tin ở hết thảy mọi chuyện đó, cho tới nay
Chính bởi thế mà tôi viết
 
--------------------------------
* Madagascar. (người dịch)
 
 

NHỮNG CHUYỆN BẤT NGỜ

 
Con cá khắc ở đáy bình
hơi động đậy khi chúng ta rót nước vô
Con bồ câu in trên cánh áo của đứa bé
bay đi khi đứa bé hoảng sợ
Bài thơ viết cho kẻ không hề xứng đáng với nó
mất tích ở nhà in
 
 

SUY NIỆM

 
Y không do đàn bà sinh ra
Y không được các tiên tri loan báo trước
Y đã sống nơi chúng ta và y đã chết
Y từ đâu tới, ngày nay không ai biết
Có lẽ y là kẻ đã dạy các thức hoa biết màu sắc
tiết lộ cho những đám mây những cơn mưa
báo cho bông lúa nạn đói
và khúc ca nỗi buồn
 
 

DANH HIỆU

 
Tôi làm sao thế?
Chỉ cần một ngọn gió thổi
hay một con chim đói khát kêu bên tôi
để ký ức tôi đẫm nước và lòng tôi nôn nao
Phải chăng tôi là biển, phải chăng tôi đã cạn khô và nước đã rời bỏ tôi?
Phải chăng tôi đã phản bội biển để nước rời bỏ tôi?
Phải chăng tôi đã phản bội nước để nước rời bỏ tôi?
Phải chăng tôi thật sự là một sa mạc?
Tôi làm sao thế?
Chỉ cần tôi cởi bỏ chúng
để những danh hiệu lại khoác lên người tôi!
 
 
KHAYRI MANSOUR sinh năm 1946 tại Dir al-Ghoussoun gần Toulkarm. Nhà thơ, nhà phê bình văn nghệ và nhà báo. Học văn chương tại đại học Cairo. Kế đó di cư qua Jordanie, rồi Koweit, rồi Liban trước khi ngụ tại Irak nơi ông tham dự bộ biên tập tạp chí văn hóa al-Aqlam. Từ 1981 đến 1987 đã xuất bản bốn thi tập và một tuyển tập thi ca Palestine trong vùng bị chiếm đóng.
 
__________________________
 
RACIM AL-MADHOUN (1949~)

VIỄN TƯỢNG

 
Khi những niềm vui của chúng ta sẽ lại chiếu sáng nơi những ngôi nhà xưa
chúng ta sẽ đi thăm những xứ nào? Chúng ta sẽ rút từ đất ra những phần mộ
và chúng ta sẽ trở lại những ngôi nhà xưa
chúng ta sẽ làm ngời lên vĩnh viễn vũ điệu của chúng ta
chúng ta sẽ kêu gọi những người yêu dấu của chúng ta chỗi dậy từ bóng mờ của những nấm mộ
chúng ta sẽ đọc từng chữ tên những người ấy
hết đứa con này tới đứa con khác
 
 

TRÁI

 
Trái táo của lòng tôi
tôi sợ nó sẽ hư
bởi tôi vô tổ quốc
Làm sao tôi hiến trái táo đỏ
cuộc sống nó ưa thích, khi tôi nhìn cành cây,
trong những lò than hồng của mùa đông, trở thành
khi thì than hồng
khi thì tro
khi, vào những mùa tang tóc
tôi nhìn thấy một trái táo còn lại trong tay tôi
đơn độc, không gốc rễ
dần dà bị hư thối?
 
 

MỎI MỆT

 
Và ai sẽ gọi tôi bằng tên tôi
khi mặt trời lịm tắt
hay khi một mình, tôi bỏ chạy về suối nguồn
để hỏi han nước?
Khi tôi rảy nước lên những tảng đá
ai sẽ vọng lại cho tôi tiếng nói
gột nỗi mỏi mệt cay đắng cho khuôn mặt tôi
gỡ bụi bặm trên đôi vai tôi
tách khỏi đôi bàn tay tôi
đám cháy... và cho tôi một khoảnh khắc để tôi trở lại với nàng
một khoảnh khắc để tôi bừng dậy
từ sự yếu lả từ cái chết?
Ai sẽ cất đi cho tôi sự trống rỗng
cái nhu cầu hiến đôi mắt tôi cho những đóa hồng
khiến con chó ngoài đường không còn cái thú chạy theo tôi sủa?
Ai, khi mặt trời lịm tắt
sẽ thắp sáng trái tim tôi trên đôi bờ
sẽ mở toang cánh cửa của những kỷ niệm
sẽ buông thả về tôi một bài ca của ánh sáng
để sự rùng mình của tôi trở lại với máu mình?
Ai sẽ điểm những hồi chuông
để chim chóc tới
thâu lượm tình yêu trong tập sách của tôi
và thiếp đi
thiếp đi
rồi, khi mặt trời sẽ nhóm lại
đến đánh thức tôi dậy trước khi trời tắt nắng?
 
 
RACIM AL-MADHOUN sinh năm 1949 tại al-Majdal, Gaza. Di cư qua Cairo vào năm 1967. Hiện sống ở Chypre nơi ông làm việc trong bộ biên tập tạp chí al-Oufouq (Chân trời). Đã xuất bản: Chim từ những bông hồng (1983); Tập thơ của biển (1986); Những gì ký ức không nói (1989).
 
__________________________
 
ZAKARIA MOHAMMED (1951~)

CHỈ MỘT LẦN THÔI

 
Chỉ một viên đạn trong khẩu súng sáu
để cái chết đứng kề bên cửa
Chỉ một buồng phổi cạnh sườn
để hơi thở nặng nề
Chỉ một chiếc chìa khóa độc nhất
để bước vào duy có những bóng ma
Chỉ một thành phố trong tim
để cuộc ra đi cay đắng
Chỉ một cuộc đời thôi
một cuộc đời duy nhất
để cuộc đời khủng khiếp hơn
 
 

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THAY ĐÒI

 
Bầy ngựa không chết
chúng ra đi vào buổi chiều
để uống nước ở dòng sông tiếng hí
 
Giữa hai màu xanh chỉ có
cánh hải âu
 
Tôi tôi chỉ có da tôi
để ngủ
chẳng có gì ngoài sợi đay của lời nói
để che phủ những phần sâu kín nhất trên người
 
Duy có loài kiến
thường leo lên môi tôi, kéo những lời nói ra
 
Tôi gầy gò, lạnh lẽo là chiếc áo ngủ
 
 

BẠN CŨ

 
Lúc này người bạn ấy ở đâu?
Anh đang làm gì?
Anh có bửa một trái lựu cho bày nhỏ
hay ngồi một mình trong bóng râm
đọc một cuốn văn phạm cổ?
 
Tuồng như tôi thoáng thấy anh
Anh đang dò theo từng bước chân tôi
trên một tập bản đồ cũ
vạch một nét chung quanh những thành phố mà tôi rời bỏ
một mũi tên hướng tới những thành phố mà tôi đang bước xuống
vẽ hồn mình trong một tập vở ký ức
tựa như một con tầu mắc cạn
 
 
ZAKARIA MOHAMMED sinh năm 1951 tại az-Zaouiah gần Naplouse. Học ngôn ngữ Ả-rập tại đại học Baghdad. Kế đó di cư qua Jordanie, Liban, Syrie. Hiện sống ở Chypre, nơi ông viết báo. Tác phẩm: Những bài thơ cuối cùng (1981); Việc thủ công (1989).
 
__________________________
 
IBRAHIM NASRALLAH (1954~)

NGUỒN SUỐI

 
Lúc này tôi ngồi trước mặt em
với tất cả cây cối của tôi
tất cả những tảng đá của tôi
những trăng và hoa ở những khung cửa sổ
mà tôi mơ tới
với tất cả những bài thơ của tôi
những chữ tên tôi
và vùng biển tràn ngập tôi đây
Lúc này tôi ngồi trước mặt em
với tất cả máu tôi
tất cả những con đường của những thành phố ồn ào huyên náo
và những đôi cánh bốc lửa của tháng bảy
Tôi ngồi trước mặt em lúc này
và hiếm có khi nào tôi có thể trọn vẹn như thế
Lúc này tôi ngồi trước mặt em
với một bàn tay màu lá cây
mà những ngọn gió em ve vuốt
và tất cả những gì tôi làm được
chỉ là viết
viết
và viết
buông thả trọn thế giới
trong lòng một bài thơ nhỏ
vừa tầm kích bàn tay em hờ hững
 
 

TRỞ VỀ TỪ BIỂN

 
Nơi mi, tụ tập cây cối
niềm hân hoan của sóng
dòng sông đi xa
và mọi người
Đây lồng ngực mi bị xẻ nát với những cuộc lưu đày
với màu cỏ
và những kẻ đã hy sinh
loan truyền những niềm bí ẩn chót
Những cánh đồng của trái đất không phải là vương quốc của ta ở bên kia làn nước
bàn tay ta không phải một ngọn cờ
chùi bóng chiếc ngai của bàn tay đã sát hại ta
Ta thuộc về biển
và chúa tể của ta là những đợt sóng
Ta là Naâman
bị cuộc di cư xua đuổi
Ta trở về với mẹ ta
uống trong lòng tay mẹ nước, kỷ niệm
và mơ một lần nữa
mơ một lần nữa
 
 
IBRAHIM NASRALLAH sinh năm 1954 tại Amman, cha mẹ người Palestine gốc ở làng al-Barij (miền Jérusalem). Thủa nhỏ và thời niên thiếu đã sống trong trại tỵ nạn al-Wahadat. Dạy học tại Arabie Saoudite, rồi viết báo ở Jordanie. Ngoài các thi phẩm đã khá nhiều, còn viết một cuốn tiểu thuyết và những tập thơ cho trẻ em. Hiện sống ở Amman. Trong số các thi phẩm: Ngựa ở vùng phụ cận thành phố (1980); Mưa ở bên trong (1982); Naâman tìm lại được màu sắc của mình (1984); Chàng tuổi trẻ, dòng sông và viên tướng (1987); Bão lòng (1989).
 
__________________________
 
GHASSANE ZAQTANE (1954~)

XA HƠN THẾ

 
Tôi cần nhìn thấy đất
cần đọc lại sách dưới sự khôn ngoan của những người độc xướng
cần nghĩ suy như phụng hoàng
Tôi cần nhìn thấy đất, trọn vẹn
cần khôi phục tiếng hát cho thơ
cần gọi những núi non xa lạ: hỡi các em tôi
cần ngăn ngừa trái tim khỏi thây ma của những điều nguyện ước
mật ngọt nặng nề của các nhà tiên tri
 
Có lẽ hãy còn trên những đỉnh non cao
những chùm lilas khác hơn là mắt anh
một sợi chỉ bạc khác hơn là tiếng anh
 
Có lẽ hãy còn
ở một nơi tuyệt vời mà tội lỗi đã tẩy rửa
một tiếng gọi chưa phóng ra
một chất kim chưa được chạm tới
một khát vọng chưa đến hồi kết thúc
Hỡi người tôi yêu mà tôi không thể gọi tên cách nào khác hơn là
người tôi yêu
tuổi hoa niên rất có thể bùng cháy trong lòng bàn tay tôi
bởi thế tôi xin anh
tôi xin anh
chúng ta hãy chia tay
 
 

TẤT CẢ VẪN NHƯ TRƯỚC

 
Tất cả vẫn còn như trước
từ khi chúng ta lên đường chinh chiến
từ tuổi thơ
Có lẽ nắng những năm này đã làm phai nhạt màu trắng những màn cửa
sỏi đá trên lối đi đã tròn lại và sáng thêm
Có lẽ cỏ đã mọc cao hơn
hay đã héo khô
Ba tấm gương vẫn như trước
cũng như bức ảnh chụp gia đình
quyển kinh Cô-răng đóng bìa cứng
tràng chuỗi của bà nội đã mất
Tất cả vẫn như trước
không có gì thay đổi
trừ chúng ta
chúng ta những kẻ đã rơi
từ tháp chuông nhà trường
xuống chiến tranh
và chưa trở lại
 
 
GHASSANE ZAQTANE sinh năm 1954 tại Beit Jala, gần Bethléem nơi gia đình đã di cư vào năm 1948. Sống ở trại al-Karamah, rồi Jordanie, Liban, Nam Yémen, Syrie. Hiện sống ở Tunisie, viết báo. Từ 1979 đến 1988 đã xuất bản bốn thi tập.
 
__________________________
 
MOHAMMED HAMZA GHANAΪM (1955~)

PHÊ PHÁN NỖI ĐAU

 
Chào nỗi đau
 
Buổi sáng / cây viết chì / tiếng nói
Trên chiếc gối
vài hạt hôn miên
ta đã quên thu lượm
Chuỗi hạt đêm qua đã mất tích
 
Sa mạc
miệng há hốc
Sự kỳ diệu của trú ẩn trong thức giấc
vào giờ của đớn đau
 
Cánh tay một dòng sông đắm chìm trong niềm bí ẩn
nỗi «kinh hoàng» trở lại / bởi ta đã rời xa nó
 
Trong mắt chúng ta, những bến bờ của ban mai nhuốm màu máu
Tựa như một đám mây
đớn đau, ở bên trên chúng ta, nguôi ngoai
 
 

PHÊ PHÁN CÁC MÙA

 
Chí tuyến cay đắng này
tiếng kêu ứng tác này
khởi sự này / ngọn đuốc này
nét vẽ này
và cái chết
vấn nạn này:
 
Dưới sương giá của tâm hồn
hay mặt trời tuyệt tích
ý niệm đã hoàn tất có nhạt phai?
 
Bước đầu của khởi hành: câu ứng tác
Bước đầu của mùa: bông lúa
 
 

SAO MAI

 
Có phải khuôn mặt mi
hay bông hoa tím của sương
đã trỗi dậy
để soi sáng
buổi mai
lưu lại cõi bờ của giấc mơ trong tay mi?
 
Ấy vành hoa chầm chậm xoay vòng
trên thiên thể đắng cay của mọi thời đại
băng qua không gian của cuộc sống
và phác họa một bến bờ cho thời gian
 
Bước nhảy vọt cuối cùng của mi ra khỏi lớp tro tàn tảng sáng
 
 
MOHAMMED HAMZA GHANAЇM sinh năm 1955 tại Baqa al-Gharbiah gần Toulkarm nơi ngày nay ông vẫn còn cư ngụ. Học văn chương Ả-rập và Hy-bá. Đã dịch nhiều tác phẩm văn chương từ tiếng Hy-bá sang tiếng Ả-rập, trong đó có cuốn tiểu thuyết Thời gian vàng của David Grossman. Từ năm 1984 đến 1989 đã xuất bản ba thi tập, kể cả một tập bằng tiếng Ả-rập và Hy-bá, chung với Gabriel Levin và Ronny Smeck: Ba tiếng nói.
 
__________________________
 
YOUSOUF ABDELAZIZ (1956~)

HỒN SƠ KHAI

 
Hai đóa hoa trên bàn
một cho em và đóa thứ hai
cho con quạ
Tôi không phải một tảng đá ngoài vườn
một vì sao trên trời
hay một chiếc lông trên cánh những áng mây
tôi là một linh hồn sơ khai tựa như khói
bay lượn trong cô liêu hoang vắng của những con người
trở về như những nỗi ám ảnh trong trái tim
và con mắt
Tôi không có đất
hiện diện của tôi là sự vắng mặt
 
Tôi vẫn là im lặng của những bể nước
tiếng thì thầm của đá bày ra trên cỏ
hay sự phát hiện của đất bị tàn phá
 
Thế nên hãy để mặc tôi
hay khép tôi lại như bất kỳ cuốn sách nào
 
Hai đóa hoa trên bàn
một cho em
và đóa thứ hai
cho con quạ
 
 

NHỮNG NỖI ÁM ẢNH

 
Mi là ai?
— Một chiếc đinh đeo trên tường
ảnh tượng nặng nề của thời gian
 
Và ngày mai ta sẽ ngã xuống
để lại ngọn lửa chia đều trên sa mạc
và tháng năm
sa xuống như một đàn kiến
trên dòng máu ta cao quý
Ngày mai ta sẽ ngã xuống
bỏ lại ngai vàng cho một con chó của bầy thú
bài thơ ta cho con sói
và chính vợ ta cho bụi
 
 

LƯỢN SÓNG VỠ

 
Một đêm, biển cả bước vào nhà tôi
Đó là
một ông già hít thở
như một chuyến tầu xưa
Tôi đã nghĩ tới mời ông ngồi xuống
bên cửa sổ
để ông lấy lại sức
và để đọc cho ông nghe những bài thơ
Nhưng ông vẫn đứng, hổn hển
ông tặng tôi cá
sò ốc
rồi bỏ đi
 
Sáng ra
tôi xem xét nhà tôi: không còn mái
cửa ra vào, cửa sổ
không còn vách
Tất cả đã bị dập nát và sũng nước
Ngay cả đến tôi, Trời hỡi
tôi cũng nát tan như chiếc bình
Tôi không còn môi để nói
không còn cánh tay để ôm eo một người đàn bà
Khắp mình tôi, chỉ còn lại
có một đóa hoa ló ra,
trái tim tôi giữa những đổ nát
 
 
YOUSOUF ABDELAZIZ sinh năm 1956 tại làng Beit 'Annah, trên bờ phía tây sông Jourdain, gần Jérusalem. Cha mẹ, gốc ở Ramlah, đã phải bỏ làng năm 1948. Hiện cư ngụ ở Amman, làm nghề dạy học trong một trường học của UNWRA. Đã xuất bản: Ra khỏi đô thị tro (1980); Haïfa bay tới ach-Chaqif (1982); Tiếng hát của đá (1984); Tổ quốc trong một khu trại (1988); Những tập vở của mây (1989).
 
 
Xem kỳ trước:
 
----------------
Lời toà soạn:
Mời quý bạn đọc xem bài viết và chúng tôi, chúng tôi yêu sự sống đến tột cùng của Diễm Châu (nguyên là bài mở đầu cho tuyển tập thơ này), đăng song song trên Tiền Vệ.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021