thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện trò với một nhà thơ | [không đề] | Buổi sáng trong công viên
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
ANDRZEJ BURSA
(1932-1957)
 
Andrzej Bursa [Kraków, 21.3.1932–15.11.1957] là một trong những nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia Ba Lan có một đời sống ngắn ngủi 25 năm và một sự nghiệp khá dài, đã trở thành gương mặt thần tượng, một huyền thoại trong lịch sử văn học của đất nước này: hiện nay, một trong những trung tâm sinh hoạt văn hoá hoạt động mạnh vào bậc nhất ở Kraków, bao gồm tất cả các ngành nghệ thuật thơ văn, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nghệ thuật tạo hình, múa, thu hút sự tham gia hợp tác thường xuyên của nhiều tổ chức văn học nghệ thuật quan trọng trên thế giới [đặc biệt ở Pháp, Đức, Anh...], là “Trung tâm Văn hoá Thanh niên Andrzej Bursa”, thành lập năm 1971 nhưng mười năm sau mới chính thức mang tên ông. Bursa theo học ngành báo chí tại Đại học Jagiellonian, Kraków, nhưng sau đó cảm thấy áp lực chính trị trong khoa của mình quá gắt gao nên chuyển qua học ngôn ngữ Slaves, đặc biệt chuyên về tiếng Bungari, rồi làm cho nhật báo Tin tức Ba Lan [Dzinnik Polski] ở Kraków. Thời niên thiếu và tuổi trẻ Bursa gắn liền với những năm tháng đen tối nhất của lịch sử hiện đại Ba Lan, trải dài từ thời Đức quốc xã chiếm đóng và những tàn phá do Thế chiến II gây ra cho đến giai đoạn Xô-viết dẫn đến thời đại cộng sản ngự trị trên đất nước này — biến Ba Lan thành một mảnh đất tỉnh lẻ, buồn chán, cách biệt với thế giới bên ngoài.* Bài thơ đầu tiên của ông ra mắt năm 1954, hai năm sau khi ông lấy vợ [Ludwika Szemiot] và có con, và thơ ông từ đó cất cao một tinh thần chống đối, nổi loạn, bằng một giọng cay đắng, có khi tàn bạo, nhằm vào một thế giới chứa đựng những giá trị giả tạo và những hứa hẹn trống rỗng, tuyệt đối không có sự trung thực và lòng trắc ẩn. Ông thường trộn lộn những từ tối nghĩa, những từ sáng chế, hoặc mang tính địa phương, tiếng lóng — những từ có khi tầm thường — lồng trong một thứ ngữ pháp thô vụng và sống, đôi khi tỉnh lược, biểu hiện tâm trạng “vỡ mộng” của cả một thế hệ, nhưng không vì thế mà không mang một tình cảm trắc ẩn đối với những kẻ nghèo bất hạnh... Nhà thơ và nhà phê bình Ba Lan sống ở London Jan Darowski cho rằng thơ ông “hoàn toàn tuyệt vọng, và giọng nói u buồn của ông, cho dù bề ngoài có vẻ cứng rắn, lập tức được những người trẻ cùng thời nhìn nhận là giọng nói đích thực nẩy sinh, về thể xác cũng như tinh thần, từ chiến tranh và thời khủng bố của Stalin.” [Polish Poetry Supplement (Oficina Poetów, 1970)]. Ngoài 37 bài thơ và một cuốn tiểu thuyết ngắn xuất bản trên nhiều tạp chí khác nhau, và một vở kịch được đưa lên sân khấu Cricot II nổi tiếng của Tadeusz Kantor ở Kraków lúc còn sống, Bursa đã để lại cho hậu thế một tập thơ [Wiersze (Kraków, 1957/1958 – Toruń, 1993)] xuất bản gần như liền sau ngày ông qua đời và đã trở thành một biến cố văn học; một tác phẩm thơ và văn xuôi [Utworywierszem i proza (Kraków: Wydawnictwo Literackie, 1969)] bổ sung nhiều bài viết và thơ chưa hề xuất bản của ông, về sau được tái bản nhiều lần, Đao phủ không mặt nạ [Wydawnictwo Ignis Kraków] và một vở kịch khác khá phổ biến ở châu Âu: Những con thú của Bá tước Cagliostro — không kể những tác phẩm hoặc được đưa lên sân khấu như Học cách bước đi [Nauka chodzenia, Đoàn kịch Puls 1979-1984], hoặc đưa lên màn ảnh như tác phẩm chuyển thể từ truyện Zabicie ciotki của ông viết về vụ một thanh niên 21 tuổi tự thú đã giết cô của mình “trong tưởng tượng” [1985]...
 
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Andrzej Bursa qua đời vì bệnh tim bẩm sinh.** Tinh thần nổi loạn và không ngừng bác bỏ mọi định chuẩn xã hội có sẵn trong những tác phẩm ông để lại vẫn còn thu hút và làm say mê nhiều thế hệ trẻ Ba Lan và nhiều người đọc trên thế giới.*** Năm 1967 nhóm văn học ở Kraków đã lập một Giải thưởng thường niên mang tên ông, dành cho những nhà thơ trẻ, sau đó từng được trao tặng cho những nhà thơ nay đã nổi danh trên văn đàn Ba Lan và thế giới như Ewa Lipska, Stanislaw Barańczak...
 
----------------
* Stanislaw Stanuch từng ghi lại một kỷ niệm khá buồn trong bài viết giới thiệu cuốn Utwory wierszem i prose của Andrzej Bursa do ông biên tập (Kraków, 1969):
      “... Một buổi tối muộn mùa thu. Trời lạnh và mưa. Đó là giờ chúng ta ai cũng muốn về nhà càng sớm càng tốt. Thế nhưng đột nhiên cái dáng quen thuộc của anh xuất hiện: áo mưa trùm đầu, tóc đen bù xù.
      “Đi với tôi,” anh nói.
     Chúng tôi ra đường. Anh hăng say, dò xét, tìm cách nhìn thẳng vào mắt tôi tìm hiểu, trong khi tôi ướt sũng và bối rối. Tôi nhất quyết giữ im lặng, chờ đợi một câu trả lời về cái lý do quan trọng buộc chúng tôi phải đi dạo dưới mưa.
      “Ngày nay nổi tiếng sao mà khó quá vậy?” Andrzej Bursa tiếp tục câu độc thoại quen thuộc của mình. “Xem như Byron, Mickiewicz, Rimbaud, Pushkin đấy — họ còn trẻ biết bao khi họ nổi tiếng khắp châu Âu. Còn chúng ta? Chẳng ai biết chúng ta ngoài vài ông làm biên tập. Chúng ta bò dưới đất: tiền ứng trước và tiền thù lao để cứu chúng ta khỏi chết đói, năn nỉ in sách, sắp hàng kiểm duyệt. Lúc nào cũng phải quì gối. Anh có để ý là con người thế hệ chúng ta gần như lúc nào cũng quì gối? Cha mẹ, thầy giáo, viên chức, bạn bè — ai nấy đều đòi hỏi cùng một nghi thức ấy. Dù sao, tôi cũng gần già rồi, tôi đã hai mươi tuổi...”
 
** Nhưng cũng có tài liệu cho rằng cái chết “do chính ông chọn lựa”. Milne Holton và Paul Vangelisti trong The New Polish Poetry — A Bilingual Collection (University of Pittsburgh Press, 1978) đã viết: “... and died there in 1957, by his own hand...”
 
*** Thơ văn và kịch của A. Bursa hiện nay vẫn thường xuyên xuất hiện trên nhiều tạp chí văn học, được chọn trong nhiều truyển tập, và là đề tài của nhiều tác phẩm nghiên cứu thơ ca và sân khấu trên thế giới.
 
 

Chuyện trò với một nhà thơ

 
Làm thế nào để truyền đạt mùi hương của thơ ca...
chắc chắn không phải chỉ qua cách gọi tên
bởi vì toàn bài thơ phải toát mùi hương
của cả vần
lẫn điệu
phải có nhiệt độ của một khu rừng thưa ngọt mật
mỗi bước đổi trong nhịp điệu
như một cánh hồng đu đưa
treo lơ lửng trên một giàn hoa
 
chúng ta chuyện trò trong bầu khí tương đồng
cho đến khi tôi lên tiếng:
“Xin vui lòng dẹp cái xô kia đi
mùi tiểu hôi hám kia không ai chịu được”
 
có thể tôi nói thế là thiếu tế nhị
nhưng tôi không sao chịu đựng lâu hơn nữa
 
 
 

[không đề]

 
Tôi từng tưởng tượng cái chết một cách khác
một cách ngây thơ tôi từng tin
cái cực khoái cao nhất của nỗi sợ
rốt cuộc sẽ giúp tôi thoát được quỹ đạo của nỗi đau
 
Nhưng tôi cảm thấy mọi thứ
      nhìn thấy hết mọi thứ
trong khi vẫn chỉ là cái xác của mình
      không đủ sức rên rỉ
                             rùng mình
                             cử động
với lượng sợ hãi và đau khổ trong tôi tôi thủ một vai
trong tấn bi kịch đã nhàm của Bs. Tulp[1]
Một bác sĩ thực tập cần mẫn và nhút nhát
khoan vào óc tôi với một thứ dụng cụ lạ lùng
Mắt nhìn vào gương mặt xấu xí của thằng bé
mớ áo quần nghèo nàn lỗi thời mớ lông tơ trên môi
tôi nghĩ
      rất có thể nó còn trinh
và một cảm giác hài lòng hiểm độc đem lại ít nhiều khuây khỏa
       [nếu như ta có thể cảm thấy khuây khoả
       khi nằm cho người khác khoan vào óc]
tôi biết hết những thói tật của vị thầy
già và hói như một con ngựa
tôi biết những kiểu đùa khủng khiếp của đám học trò
tôi từng nhớ ra thứ ngôn ngữ phi lý khoác lác trong y học
có lẽ được nhận biết
do thân xác đau đớn của tôi
thân xác bị buộc phải khám phá
những chùm hoa trao hành hạ
tàn bạo khủng khiếp gấp bội phần.
 
 
 
Rembrandt, The Anatomy Lesson of Dr. Nicolaes Tulp
 
 
 

Buổi sáng trong công viên

 
Mỗi buổi sáng khi tôi chia sẻ những bài luyện tôn giáo của mình với cây cỏ
tôi thấy một con người cầm cái va-li nhỏ ngồi trên một ghế băng tách biệt
tôi nhìn trộm bên trong cái va-li
                                          ối
                                          có một đứa bé con cắt mỏng từng lát
tôi kín đáo rẽ qua một lối đi khác
có người lại gần
kéo lê một mớ đồ
tõm... một cái chân đàn bà rơi ra ngoài
quả là quá đáng rồi
tôi bỏ chạy vào một góc xa hơn
nơi công viên tiếp giáp một cái hốc sỏi đá bỏ đi
ở đây con người duy nhất mà tôi có thể gặp là anh chàng kế toán cẩu thả nọ
có cái thú vui chơi sách cây cỏ
thế nhưng cái gì đang bước đi sát cạnh hắn ta vậy?
                                          một con ngựa?
                                          một con chó?
một cái gì nhỏ hơn con ngựa
nhưng đường bệ hơn một con Chó Đan-mạch[2]
a... đó là một con Quái Vật[3]
cái lão nhóc tội nghiệp thì ra
đang dẫn con Quái Vật của mình vào cô đơn gặm cỏ ở đây.
 
 
_________________________

[1]Nicolaes Tulp [1593-1674], một bác sĩ phẫu thuật người Hà Lan, thị trưởng Amsterdam, từng học y khoa ở Leiden [1611-1614] là một người đầy tham vọng trong chính trường. Bức sơn dầu Bài học giải phẫu của Bs. Nicolaes Tulp [Viện Bảo tàng Mauritshuis ở Tp. Hague, Hà Lan] của danh họa Rembrandt vẽ ông đang giảng giải cho các bác sĩ chuyên khoa, trước xác chết của một tội phạm vừa bị treo cổ vào sáng sớm về tội đánh cướp có vũ trang có tên là Aris Kindt.

[2]Great Dane: Một chủng loại chó hình thù to lớn nhưng tính tình hiền lành, nên có khi cũng gọi là “Khổng lồ Dễ thương” — chữ Đan-mạch ở đây không để chỉ đất nước Đan-mạch, vì chủng loại này cũng có ở nơi khác, như ở Đức chẳng hạn.

[3]Chimera là một loài vật ghép từ nhiều loài khác nhau, thường được biết là có đuôi rắn, mình dê, đầu sư tử — gọi chung là Quái Vật.

 
 
--------------
“Chuyện trò với một nhà thơ” dịch từ “Talking to a poet”, bản tiếng Anh của nhà thơ Ba Lan Adam Czerniawski trong The Burning Forest — Modern Polish Poetry (Bloodaxe Books, 1978) và “Conversations with a Poet” bản tiếng Anh của Iwona Gleb [1958] trong The New Polish Poetry — A Bilingual Collection [Z nowej polskiej poezji — Zbior w dwoch jezykach] do Milne Holton và Paul Vangelisti tuyển chọn và biên tập (University of Pittsburgh Press, 1978). “Không đề” dịch từ “untitled”, bản tiếng Anh của Iwona Gleb [1957]trong The New Polish Poetry — A Bilingual Collection [Z nowej polskiej poezji — Zbior w dwoch jezykach] do Milne Holton và Paul Vangelisti tuyển chọn và biên tập (University of Pittsburgh Press, 1978) [có tham khảo bản tiếng Anh của Kevin Christianson and Halina Ablamowicz]. “Buổi sáng trong công viên” dịch từ “Morning in the park”, bản tiếng Anh của nhà thơ Ba Lan Adam Czerniawski trong The Burning Forest — Modern Polish Poetry (Bloodaxe Books, 1978).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021