thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
tháng mười một ở saitama – làng xa xôi quạnh quẽ...
 
 
 
Hoàng Ngọc Biên, Đêm ở nhà Maruki
tranh digital, 01.02.1996
 
 
 
tháng mười một ở saitama –
làng xa xôi quạnh quẽ...
 
gửi Iri & Toshi Maruki, Kondo Noboru,
Mioko Fujieda, Yayori Matsui, Kim Jean Sook,
Võ Đình, Yoshihiro Ichikawa, Masaya Shiraishi,
và cái ngõ hẹp đi vào nhà Sosei [1]
 
Lên xe lửa với Kondo
buổi chiều sương rối rít
rét như băng
sân ga đục như những nét cọ sơn dầu
toa xe lạnh những cột kèo tay nắm
mưa điểm một chút xám cuối năm
chút ướt nhấn lên nền trời
 
Tokyo không trở lại...
 
 
Tokyo không trở lại
Những phòng tranh
& quán sách Hà Nội
ở mãi tít tầng ba
Tokyo sao không ở lại
những quán ăn bốc khói ấm lòng
buổi chiều sương quấn quít
– cô Kim có thể vẫn
quàng khăn đỏ đứng chờ
trong hốc cửa Fukuinkan[2]
 
Saitama làng xa xôi quạnh quẽ...
 
 
Hoàng Ngọc Biên, Bên kia thung lũng
tranh digital, 02.03.1996
 
Saitama làng xa xôi quạnh quẽ
những mùa trăng
thung lũng chập chùng màu thuỷ mạc
sỏi đá trắng phau
khe suối đâu đây rì rào tiếng nước
chiều mênh mông như nỗi nhớ
 
Namu Amida butsu... lời kinh nghe từ xa
Nhà Maruki nằm sâu trong xóm
 
 
Nhà Maruki nằm sâu trong xóm
đường quanh co rộn rã
tiếng tre trúc
cái giếng trong làng xôn xao
những giọng cười trong trẻo
ngọn đèn đêm như nỗi nhớ...
 
 
Hoàng Ngọc Biên, Đêm xanh Saitama
tranh digital, 03.05.1997
 
Nhà Maruki nằm sâu trong xóm
đường quanh co rộn rã
tiếng tre trúc
cái giếng trong làng xôn xao
những giọng cười trong trẻo
 
ngọn đèn đêm như nỗi nhớ...
 
Maruki Gallery [3] - Saigon, 1974.
 
 
_________________
Ghi chú của tác giả:

[1]Tháng Mười một năm 1974, Kondo Noboru đưa tôi đến thăm ông bà Maruki tại Maruki Gallery ở làng Saitama.

Chiến tranh Việt Nam đang hồi quyết liệt. Những biến cố xảy ra ở thời điểm ấy, không những ở Việt Nam, mà còn nhiều nơi khác trên thế giới, không thể nào không có ảnh hưởng đến quyết tâm của những người hoạt động như Iri (1901-1995) và Toshi Maruki (1912-2000). Lời đề tặng trên đây chắc chắn chưa thể nói hết sự biết ơn của tôi với ông bà Maruki, với tư cách một người Việt Nam.
 
“Trong khí lạnh hoàng hôn của một vùng đất xám tro heo hút điểm những sắc phấn màu của cây cối sân vườn và mái nhà, những tấm tranh Võ Đình [1933-2009] vẽ Nhất Chi Mai ở tiền sảnh, để bên cạnh một hộp quyên góp cho phong trào đấu tranh cho hoà bình Việt Nam, như một ngọn lửa ấm reo vui...” [Nhật ký tái sinh]
 
Ms. Kim Jean Sook là một trong những biên tập viên của tập san Unesco ở Nam Triều Tiên, từng cùng tác giả một thời vào ra cư xá Sosei, Tokyo. Masaya Shiraishi những năm 73-75 là sinh viên nghiên cứu về Đông Nam Á, từng ký chung với tác giả một bản dịch khiêm tốn về Phan Bội Châu và Cường Để [Nghiên cứu Huế, Trung tâm Nghiên cứu Huế, tập I, 1999], hiện là Giáo sư tại University of Tokyo, và là một chuyên viên lỗi lạc về châu Á Thái bình dương. Yoshihiro Ichikawa làm thiện nguyện nhiều năm cho Tổ chức Nhà thờ Mennonite, bạn của những người VN, bất cứ từ đâu... Yayori Matsui [1934-2002] là nhà báo kỳ cựu của “Asahi Shimbun”, từng đến Việt Nam trong những năm chiến tranh. Cùng với Ms. Fujieda, bà là một trong những người hoạt động và đấu tranh tích cực cho hoà bình và nữ quyền, là tác giả rất nhiều công trình nghiên cứu xuất bản ở Mỹ. [Xem Nhật ký tái sinh trên Tiền Vệ].

[2]Fukuinkan Shoten Publishers, Inc. ở Tokyo là một cơ sở lớn chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi – nơi làm việc của Mioko Fujieda với tư cách Trưởng Ban biên tập Sách khoa học. Ms. Fujieda ngoài công việc chuyên môn trong ngành xuất bản, còn là tác giả nhiều công trình nghiên cứu giá trị, một nhà hoạt động xã hội và đấu tranh cho hoà bình & nữ quyền tầm cỡ quốc tế. Đầu 1975, Ms. Fujieda từng đến Saigon giảng dạy trong Khoá huấn luyện về Sản xuất sách trong khuôn khổ hoạt động chung của Unesco Paris & Tokyo. Ms. Fujieda hiện nay nằm trong một Nhà dưỡng lão ở miền Bắc nước Nhật, an toàn, nhưng vô cùng lẻ loi và hoàn toàn không còn tiếp xúc với bên ngoài. Nhân đây, tác giả xin gửi lời cám ơn muộn đến Toà đại sứ Nhật và Trung tâm Văn hoá Nhật tại Saigon đã giúp đỡ, và Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng Hoà đã giúp can thiệp có hiệu quả, để một chuyên viên kinh nghiệm như Ms. Fujieda có thể qua được cửa khẩu Tân Sơn Nhất đến với các học viên Việt Nam.

[3]Maruki Gallery ở Quận lỵ Saitama, nằm ở phía tây bắc Tokyo. Saitama ngày nay, ngoài 15 tranh ghi lại thảm hoạ Hiroshima (và nhiều tác phẩm chống những cuộc chiến tranh và những hành động phi nhân diễn ra trên thế giới) pha trộn phương thức & bút pháp Đông của Iri Maruki và Tây của Toshi Maruki triển lãm thường trực, còn là chỗ nương náu của Viện Bảo tàng John Lennon, nơi người ta thường xuyên tổ chức những buổi diễn ca nhạc đấu tranh cho hoà bình.

 
 
Hàng trên:
Iri & Toshi Maruki tại xưởng vẽ của hai người ở Saitama, bữa ăn tối ấm cúng... Kondo Noboru người bạn lớn của nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam... (ảnh HNB chụp tại căn nhà nhỏ ở ngõ Sosei, Tokyo), Võ Đình, có với nhau một tình bạn & sự ngưỡng mộ từ xa.
 
Hàng giữa:
Ms. Mioko Fujieda, Giảng viên, và Hoàng Ngọc Biên, Giám đốc Khoá Huấn luyện UNESCO về Sản xuất sách tổ chức tại Saigon, 1975. Yoshihiro Ichikawa râu xồm, bên phải, nhớ đĩa cơm chiên Nhựt Bổn ở Tokyo...
 
Hàng dưới:
Yayori Matsuinhững bữa ăn tối ở Toà soạn Asahi Shimbun, trên tầng cao, ở Tokyo 11.1974. Masaya Shiraishi Hoàng Ngọc Biên (ảnh chụp tại nhà Diễm Châu, Phú Nhuận 1974). Kim Jean Sook, Unesco Đại Hàn - đến Tokyo với một tập thơ Kim Chi Hà từ những ngày trong tù (ảnh HNB chụp tại một phòng tranh ở Tokyo).
 
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021