thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đi tìm thời gian, một lần nữa

 

 

Marcel Proust ra đời cách đây gần một trăm năm,[*] trong một ngôi nhà thơ mộng nằm giữa một khu vườn kín lá ở Auteuil, giữa lúc mẹ ông chưa quên được những cuộc tàn sát đẫm máu trong những ngày Công Xã hỗn loạn ở Paris. Và cuốn tiểu thuyết À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất) được biết như một cuộc dò tìm và khơi dậy quá khứ bằng ký ức tự phát, bằng một sự trùng hợp giữa những cảm giác hiện tại và những kỷ niệm: bằng chiếc bánh madeleine, những gác chuông nhà thờ Martinville, những đá lát không bằng nhau trước nhà lễ Saint-Marc ở Venise và ở sân nhà Guermantes, những hàng cây, những bãi bể, những bữa ăn, những thiếu nữ đương thì, ngôi nhà ở Combray, những khuôn mặt quen thuộc thương yêu, dì Léonie, bà ngoại ông, mẹ ông, cô tớ gái Françoise, ông Swann với những cuộc thăm viếng buổi tối, với tiếng chuông rung ngoài ngõ...

Gilles Deleuze, trong một cuốn sách nhỏ, Proust et les signes (nxb Presses Universitaires de France) xuất bản trước đây bảy năm, đã nhận xét quả là ký ức có tham dự trong việc đi tìm thời gian của Marcel Proust, nhưng chỉ với một vai trò rất phụ mà thôi. Đọc xong cuốn sách nhỏ này, ngay từ hồi đó, người ta không còn cách nào để nói đến ký ức, đến kỷ niệm, đến chiếc bánh madeleine theo cách người ta vẫn thường nói từ hồi nào tới giờ nữa. Vậy thì Proust hướng về quá khứ hay tương lai? Về tương lai, Gilles Deleuze trả lời một cách khẳng định, trong kỳ tái bản cuốn sách nhỏ nói trên cuối năm nay, với một chương sách thứ tám được viết thêm, chương Antilogos ou la Machine littéraire (Phản luận hay là guồng máy văn chương). Khám phá mới của Dleuze là: cái phần chủ chốt trong À la recherche..., cuốn tiểu thuyết mà ông gọi là “tranh tài với triết học”, là dấu hiệu và chân lý, chứ không phải ký ức và thời gian. À la recherche... là một cuốn sách văn chương mới, và theo ông, cũng giống như các cuốn sách văn chương mới khác, nó không phải là một công trình nghiên cứu hay mô tả có ít nhiều chi tiết và đích xác về thực tại; nó là một guồng máy, một guồng máy văn chương dùng tạo ra những hiệu quả nơi người đọc, và dấu hiệu của sự thành công của nó, không phải là nó đã in lại sự thực, mà ở chỗ nó tác động — và người đọc cảm thấy được nhiều hiệu quả. Khám phá của Deleuze nhất định là một khám phá mới, khi ông cách biệt quá khứ và tương lai, dấu hiệu, chân lý và ký ức, thời gian. Có điều là không ai chối cãi, cho đến bây giờ, là cuộc tìm kiếm của Proust quả có bắt nguồn từ một nỗ lực, một thúc đẩy nội tâm, từ nỗi thất vọng, lòng ghen tương, niềm xao xuyến trước tuổi già và cái chết đến gần. Nỗ lực đó là sáng tạo, như chính Deleuze cũng đã đồng ý: tìm lại kỷ niệm, tức là sáng tạo — và sáng tạo nơi Proust hướng về tương lai hay hướng về quá khứ không phải là vấn đề chính, vấn đề chính là tác dụng của nó nơi người đọc.

 

-----------------
Trích từ tạp chí Trình bầy, số 10, ra ngày 15 tháng mười Hai 1970.

 

_________________________

[*]Tác giả Hoàng Ngọc Biên đã viết bài này vào năm 1970. Marcel Proust sinh năm 1871. [Chú thích của Tiền Vệ].

 
----------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021