thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Saitama – trích nhật ký tái sinh*

 

gửi Iri & Toshi Maruki, Kondo Noboru,
Mioko Fujieda, Kim Jean Sook, Võ Đình
và cái ngõ hẹp đi vào nhà Sosei

 

 

              Lên xe lửa với Kondo
              buổi chiều sương rối rít
              rét như băng
                            sân ga đục như những nét cọ sơn dầu
                            toa xe lạnh những cột kèo tay nắm
              mưa điểm một chút xám cuối năm
                            chút ướt nhấn lên nền trời
 
Tokyo không trở lại...

 

Tôi bước đi trên đường làng, lòng mênh mang nhớ những thôn xóm quê nhà, những ngọn đèn vàng leo lét buổi chiều xa, tiếng chuông mõ của cha của mẹ... Tôi nhớ tiếng bước chân anh chị em trong nhà lên xuống cầu thang, những chén cơm chiên khuya râm rang tiếng học bài, nhớ tiếng nhạc ray rứt của chiếc đồng hồ treo tường những buổi rạng đông. Tôi nghĩ đến vợ và các con, đến gia đình...

Trong khí lạnh hoàng hôn của một vùng đất xám tro heo hút điểm những sắc phấn màu của cây cối sân vườn và mái nhà, những tấm tranh Võ Đình vẽ Nhất Chi Mai ở tiền sảnh, để bên cạnh một hộp quyên góp cho phong trào đấu tranh cho hòa bình Việt Nam, như một ngọn lửa ấm reo vui...

 

Hai người cháu gái bị giết chết trong trận Bom Nguyên tử 6 tháng Tám 1945, ở tuổi thanh xuân... ông bác lạc mất không tìm thấy, người em gái và nhiều bà con họ hàng bị cháy bỏng trầm trọng... cha chúng tôi qua đời sáu tháng sau – nhiều bạn bè vĩnh viễn không còn gặp mặt...

 

Toshi Maruki & Iri Maruki

 

Tiếng nói líu lo của bà hòa lẫn trong tiếng trầm đục của ông. Những câu ngắn không chấm phẩy trôi như những dòng nưóc dưới thung lũng chạy dài bên kia sân nhà Maruki, là của Toshi, tóc bạc phơ, nụ cười hiền ngơ ngác lúc nào cũng như đang có một câu hỏi và lúc nào cũng như chưa hỏi hết câu hỏi đó, với hai gọng kính lớn che gần hết cả đôi chân mày ngắn nhạt. Iri nói chậm, và ít nói, tuy nhiên, trong trí nhớ của tôi, câu nào líu lo giọng chim, câu nào trầm đục tiếng mõ, tôi vẫn còn không phân biệt được. Có mặt chung quanh tôi, dưới ngọn đèn vàng ấm áp, bữa ăn gia đình đã dọn ra, là Iri & Toshi Maruki, Kondo Noboru, rồi anh bạn trẻ học kiến trúc ông bà Maruki nhờ ra sân ga đón chúng tôi (mà tôi không còn nhớ tên họ) và bà em gái của Iri – Toshi giới thiệu với Kondo và tôi – một nạn nhân Hiroshima, cũng là một họa sĩ.

 

Ba ngày sau khi quả Bom Nguyên tử dội xuống, từ Tokyo, tôi lên được chuyến xe lửa sớm nhất về Hiroshima. Mấy ngày sau Toshi cũng về theo.
 
... Từ toa xe lửa tôi đã tận mắt chứng kiến trận bom cháy Nagoya... Gần đến ga, trên toa xe bấy giờ chỉ còn đâu năm hay sáu hành khách, tôi đột nhiên có cái cảm giác hoàn toàn lạc lõng, bị bỏ rơi, thấy như chính mình sắp vĩnh viễn rời xa thế giới này... Và lạ lùng thay, trong cái bóng đêm đen làm nền cho lửa và khói ấy, tôi vẫn còn nhìn ra được Vịnh Hiroshima, vùng đảo Etajima và Miyajima. Tôi cuốc bộ đến ga Yokogawa, và từ đó đi thẳng về nhà...

 

Iri Maruki người bề bộn, râu tóc đều bạc phơ, nhưng thường trực trên đầu là chiếc nón bérêt len đen đậm. Không như nhiều người, ông nói chậm rãi, thong thả, nhấn mạnh khi tới những chỗ cần người nghe quan tâm, thỉnh thoảng hai mắt như nhắm nghiền, và gần như lúc nào cũng sợ người nghe không hiểu hết ý.

 

              Tokyo không trở lại
              Những phòng tranh
                            & quán sách Hà Nội
                            ở mãi tít tầng ba
              Tokyo sao không ở lại
                            những quán ăn bốc khói ấm lòng
              buổi chiều sương quấn quít
                            - cô Kim có thể vẫn
                            quàng khăn đỏ đứng chờ
                            trong hốc cửa Fukuinkan
 
              Saitama làng xa xôi quạnh quẽ...

 

Ngôi nhà gia đình, nằm cách trung tâm dội bom khoảng hai cây số, còn đứng được, nhưng mái nhà đã bị tốc không còn một miếng ngói. Cửa sổ cửa lớn, những tường chắn bay mất, nồi niêu chén bát & muỗng, đũa không còn trong vuông bếp giờ đây vắng tanh...
 
Từ những hốc tường xám tro còn bốc mùi lửa, chúng tôi thấy nhấp nhô những hình thù, những thân xác lạ lùng của những nạn nhân chồng chất trên nền gạch khói, trên đất khô.

 

                            Saitama làng xa xôi quạnh quẽ
                            những mùa trăng
              thung lũng chập chùng màu thủy mạc
                            sỏi đá trắng phau
                            khe suối đâu đây rì rào tiếng nước
              chiều mênh mông như nỗi nhớ
 
              Namu Amida butsu... lời kinh nghe từ xa
              Nhà Maruki nằm sâu trong xóm

 

Maruki Gallery** nằm sâu trong xóm. Đi qua một khoảng sân rộng mênh mông, chúng tôi đến một hàng rào thấp, từ đó có thể nhìn xuống thung lũng: con suối lao xao tiếng nước chảy qua những lớp sỏi và đá tảng tung lên những bọt trắng, trong cái nền sương chiều ấy bọt nước, sỏi đá, suối, thung lũng, sân nhà như cùng lúc hiện rõ một lần cuối trước khi chìm vào bóng đêm.

 

Chúng tôi khiêng gom những người bị thương, ra sức hỏa thiêu những người chết, tìm những tấm thiếc cháy sém để đắp vá các mái nhà chưa bị sụp đổ hoàn toàn, những người còn đi đứng được lo kiếm cái ăn.
 
Bên cạnh chúng tôi là những nạn nhân của Bom, ai nấy cùng chúng tôi lần mò đi giữa mênh mông mùi thối của xác chết, giữa ruồi và giòi nhặng, ngẩn ngơ giữa cái phải làm và cái không biết phải làm gì...
 
260.000 người chết không kịp hiểu ra nguyên do cái chết của mình, và con số còn bất định những kẻ sống sót chờ đợi cái chết trả góp.

 

              Nhà Maruki nằm sâu trong xóm
                            đường quanh co rộn rã
                            tiếng tre trúc
              cái giếng trong làng xôn xao
                            những giọng cười trong trẻo
                                          ngọn đèn đêm như nỗi nhớ...

 

Đi khỏi cổng, rẽ qua trái là lối vào tiền sảnh. Đi qua cửa vào tiền sảnh, con mắt thoạt tiên chưa quen với ánh đèn ấm áp của một cái gì như là hành lang, nhưng ngó qua phải, trên một thứ tokonoma, chiếc bàn con màu gỗ tươi, là mấy tập tranh in của Võ Đình Việt Nam, và cái hộp quyên góp cho hòa bình Nhất Chi Mai. Muốn vào xưởng vẽ của hai người, hình như chúng tôi, Toshi và tôi, đã phải vòng trở lại, đi ra căn nhà phía sau. Toshi đưa tôi vào xưởng vẽ ấy, ở tầng hai. Chiếc cầu thang không rộng, trong trí nhớ của tôi, là một cầu thang gỗ, giữa đường đi lên có một ngọn đèn vàng. Phần đất của riêng Toshi khá rộng: đa số tranh là những tranh thuốc nước lớn, màu xám xanh, có những tấm trải thẳng trên thảm, nhiều tấm cuộn tròn. Toshi mở những cuộn ấy và nói về cuộc xâm lăng của Nhật bản vào bán đảo Triều Tiên, sự kỳ thị và ngược đãi, hãm hiếp thô bạo của người Nhật đối với những người lao động Triều Tiên mà họ luôn coi là nô lệ, nhất là với số người Triều Tiên nạn nhân ở Hiroshima lên đến hai chục ngàn, thây phơi giữa trời cho chim đến rỉa – mặt bà cúi nhìn xuống đất...

 

Đầu tháng Chín trở về Tokyo, chúng tôi nghe nói chiến tranh chắc chắn đã chấm dứt. Ở Hiroshima chúng tôi không được biết như thế...

 

Ba năm trôi qua kể từ Hiroshma. Iri và Toshi bắt đầu cầm cọ và ghi lên giấy những gì đã tận mắt nhìn thấy.

 

Thoạt tiên chúng tôi nghĩ đã quá trễ, ba năm có thể đã quá xa... Nhưng rồi chúng tôi đã làm việc ngày đêm – những đêm không có đêm, và những ngày không có ngày.
 
Bắt đầu là những thân người trần truồng, để nhớ lại, để kéo về hiện tại, những hình ảnh thời bấy giờ. Nhiều người, nhiều bạn bè đã tự nguyện đến làm mẫu bởi vì họ nghe nói chúng tôi đang vẽ Bom Nguyên tử ở Hiroshima... Chín trăm phác thảo, ấy là chất liệu cho những tranh sáng tác đầu tiên. Chín trăm phác thảo, con số với chúng tôi là con số dữ dội, số những người được đưa lên giấy là một con số có thể kinh hoàng, thế nhưng chết ở Hiroshima có tới hai trăm sáu mươi ngàn...

 

Ngọn đèn treo trên bàn ăn chiếu xuống hai gương mặt hiền hoà, có lúc tươi trẻ như để tương phản với vết thương chưa liền da, có lúc khắc khổ như nỗi lo cái đau lâu đời đang có cơ tái hiện:

 

Không, không có gì đáng kể, những phác thảo thời ấy. Chỉ là để cầu nguyện cho không bao giờ tái diễn nữa những cái chết đau thương như thế, không có gì đáng kể, cho dù để ra cả đời, chúng tôi cũng không đưa hết lên tranh những con người như thế, chết, và không bao giờ hiểu được tại sao.

 

1950: ba bức hoành tráng đầu tiên Những hồn ma, Lửa, Nước. Triển lãm lưu động khắp nước Nhật. 1951: bức thứ tư và thứ năm Cầu vồng, Những cậu bé và những cô bé. Tất cả năm bức đã đi tới 350 địa điểm trong nuớc – chín triệu người xem. 1952: bức thứ sáu Sa mạc Nguyên tử... Đan mạch, Anh, Thụy sĩ, Ý, Tiệp khắc, Hungari, Rumani, Hà lan... 1954: Bức thứ bảy Bụi tre và bức thứ tám Giải cứu. 1955: bức thứ chín và thứ mười Cảng Yaizu Thở dài – để chỉ nói tới những bước đầu đánh dấu 10 năm sau Hiroshima.

 

Năm 1956, Iri và tôi đem ra nước ngoài triển lãm cả thảy mười bức. Tranh đi qua hai mươi nước, như Trung quốc, Mông cổ, Triều tiên, Tây Đức, Hà lan, Bỉ, Tích lan, Nam Phi, Salisbury, Cape Town, Joannesburg, Úc, Tân tây lan, Liên xô, Tiệp khắc, Hungary, vân vân... Những bạn bè ở Trung quốc đã giúp chúng tôi lên khung các bức hoành tráng, và ở Liên xô, tranh chúng tôi đi qua nhiều thành phố nhất, kéo dài cả một năm rưỡi...

 

Tận mắt lần viếng thăm ông bà Maruki, tôi không được nhìn thấy bức Cảng YaizuThở dài, nhưng nhớ đã được cho xem Mẹ và Con (1959) và Những ngọn đèn trong Nước (1968).

... Bà em gái của Iri có một căn phòng nhỏ ngay chỗ bàn ăn đi vào. Xưởng vẽ ít giống một cái xưởng vẽ, đúng hơn là một chỗ chứa tranh. Tranh của bà tất cả đều vẽ khổ lớn, với màu sắc, lạ thay, rõ ràng tươi vui hơn những tranh của Iri và Toshi. Bà là một trong số những nạn nhân sống sót của trận Bom. Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua cuộc đời còn lại ấy: bà chia thời giờ giữa Saitama và nơi người chồng ít may mắn hơn đang sống những ngày tàn phế

 

như bao nhiêu nạn nhân lâu năm vẫn còn bị nhiễm phóng xạ, và cho đến bấy giờ, sau hơn một phần tư thế kỷ kể từ Hiroshima, vẫn tiếp tục nằm chờ ngày lần lượt ra đi...

 

              Nhà Maruki nằm sâu trong xóm
                            đường quanh co rộn rã
                            tiếng tre trúc
              cái giếng trong làng xôn xao
                            những giọng cười trong trẻo
 
              ngọn đèn đêm như nỗi nhớ...

 

HOÀNG NGỌC BIÊN

 

Hoàng Ngọc Biên – Maruki Gallery, tháng 11.1974 (ảnh Kondo Noboru)

 

 

* Tháng Mười một năm 1974, Kondo Noboru đưa tôi đến thăm ông bà Maruki tại Maruki Gallery ở làng Saitama. Chiến tranh Việt Nam đang hồi quyết liệt. Những biến cố xảy ra ở thời điểm ấy, không những ở Việt Nam, mà còn nhiều nơi khác trên thế giới không thể nào không có ảnh hưởng đến những quyết tâm của những người hoạt động như Iri (1901-1995) và Toshi Maruki (1912-2000). Khi trở về Việt Nam, tôi đã ghi lại Nhật ký tái sinh, một phần khá lớn đã bị thất lạc những ngày đầu tháng Năm 1975. Trích đoạn trên đây là một phần của nhật ký chắc chắn chưa thể nói hết sự biết ơn của tôi với ông bà Maruki, với tư cách một người Việt Nam.
 
** Maruki Gallery ở Quận lỵ Saitama, nằm ở phía tây bắc Tokyo. Saitama ngày nay, ngoài 15 tranh hoành tráng ghi lại thảm họa Hiroshima (và nhiều tác phẩm khác đậm dấu ấn chống những cuộc chiến tranh và những hành động phi nhân diễn ra trên thế giới) pha trộn phương thức & bút pháp Đông của Iri Maruki và Tây của Toshi Maruki triển lãm thường trực, còn là chỗ nương náu của Viện Bảo tàng John Lennon, nơi người ta thường xuyên tổ chức những buổi diễn ca nhạc đấu tranh cho hòa bình.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021