thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà thơ nói về thơ tình: Hoàng Ngọc Biên
(phỏng vấn nhà thơ Hoàng Ngọc Biên)

 

HNB, vài thập niên trước...

 

Thời thanh niên ông đã yêu bài thơ tình nào? Nếu ngay lúc này, trở lại tuổi mười tám và người yêu của ông muốn nghe ông đọc một bài thơ tình, trong những bài thơ tình ông biết (sau thời kỳ tiền chiến) ông chọn bài nào?

 

HNB: Nếu thơ tình là thơ bắt buộc chỉ nói về một người mà nhà thơ yêu và tôn thờ, hoặc không nói gì về người ấy mà chỉ nói về buồn khổ hay hạnh phúc của người làm thơ do có cái hình bóng cô ấy quanh quẩn đâu đó trong đầu mình, hay bên đời mình, thì tôi có lẽ thuộc loại người làm thơ lạnh lùng với thơ tình. Trước thời mười tám, tôi nhớ đã thuộc nhiều bài thơ tình, nhất là những bài thơ tiếng Pháp học ở trường, thế nhưng thời mười tám, tôi nhớ không hề đọc thơ tình cho ai nghe. Ấy là do thận trọng, hay do dị ứng tôi không biết. Nhỏ lớn, tôi rất sợ bị người ta cười, nên nếu như trở lại tuổi mười tám, người yêu kêu đọc thơ tình, tôi sẽ nói không được, tình yêu như trái phá...

 

Giả sử một ngày mai ông đối diện với ba sự kiện — Thứ nhất: Người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ. Thứ hai: Cuộc cách mạng nhân văn. Thứ ba: Người ngoài hành tinh mời ông đi du lịch một chuyến. Trong ba sự kiện, chỉ được phép chọn một. Ông chọn sự kiện nào để làm bài thơ lớn của đời ông? Tại sao?

 

HNB: Xin được đi từ dưới lên trên: 1) Người ngoài hành tinh mời đi du lịch một chuyến thì chắc chắn tôi không chọn: trên đất Mỹ dân chủ, Bush có nói đại khái “nếu không có gì cần thiết lắm thì không nên ra đường”; đi máy bay thăm bạn già, còn phải đưa thịt đưa da cho người lục soát ở phi trường, lạnh muốn chết... xin lỗi, đi như thế con người mất hết lãng mạn rồi; 2) Cuộc cách mạng nhân văn? Tôi trước sau chỉ tin có một cuộc cách mạng, mang lòng tin nặng quá, lại còn phải mang luôn cả những mảnh vỡ của nó, nên chắc suốt đời chết cứng (có lần chữ condamné của Georges Perec tôi dịch là chết cứng và thích lắm) không còn thấy yên bụng được khi nghe nói đến hai chữ ấy cách mạng nhân văn chắc tôi không đối diện được đâu... 3) Người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ? Tôi tuyệt đối không tin mình có thể có những giấc mơ loại ấy, nhưng để khỏi tiếc tiền tem và chiều lòng người phỏng vấn, tôi sẽ trả lời người yêu muôn thuở không có thực ấy như sau: cưng ơi, đi trở vào trỏng đi cưng, qua tìm cách viết cho được một bài thơ lớn đã từ hơn nửa thế kỷ nay không viết được, trên công trường thơ lớn có em nhưng đã không có anh...

 

Ông có tin một bài thơ tình biết phản bội không? Ông có từng rơi vào trường hợp bị một bài thơ tình đưa vào cảnh trớ trêu, thậm chí vì một bài thơ tình nào đó mà ông bị em đá đít không? Ông có nghĩ hiện nay mọi người đang có nhu cầu đọc thơ tình thuần khiết không?

 

HNB: Tôi nghĩ không có bài thơ nào biết phản bội. Bị đá đít nói chung thì tôi bị không ít (có điều tôi cứ nghĩ đấy là những cái đá thân mật, kiểu răng liền răng, môi liền môi, hay núi liền núi, sông liền sông... có thể không nhất thiết là bị đá bởi em) nhưng do những điều kiện khách quan (và do theo đường lối tiếp thu người em nhỏ có chọn lọc), tôi không vì bài thơ nào mà bị đá đít. Thơ tình thuần khiết... tôi nghĩ bài thơ nào cũng có thể được coi là thuần khiết khi bài thơ ấy thực sự là một bài thơ. Vậy thì nhu cầu đọc thơ thuần khiết... Tôi sợ sẽ đi lạc mất thôi.

 

Một quan niệm chung cho rằng cái đẹp tình yêu và những bài thơ viết về tình yêu là bất biến. Ông có cho rằng trong 10.001 năm nữa thơ tình chẳng cần thay đổi? Rằng mặc kệ các thời đại, không cần phải đưa chất liệu mới vào thơ tình? Ngày mai ông có tin rằng con ông sẽ đọc cho người yêu nghe thơ tình của ông hoặc bài thơ tình mà ông đã thích?

 

HNB: "Bất biến" e không có trong ngữ vựng, và cả trong suy nghĩ của tôi, vì ý niệm này cơ bản là không vui. Ngày mai... Tôi nghĩ bài thơ nào cũng chỉ được viết cho giờ phút này. Đưa chất liệu mới vào thơ (khỉ quá, tôi lại muốn tránh chữ thơ tình!)... Nếu không thế, ta có thể còn gọi là thơ? Tôi vốn không lạc quan lắm, cho dù nói thế là có tội với tổ tiên, nên không tin các con tôi sẽ đọc cho người yêu thơ tình bất cứ của ai (tìm một bài thơ tình của tôi để đọc thì vất vả, mất thì giờ), bởi lẽ đơn giản là trên thế giới công tác xóa mù chữ, may thay, nếu không nói được là đã hoàn tất, thì cũng vẫn tiến hành khả quan...

 

Cũng là ánh mắt, ngôn ngữ, cử chỉ, hoa hồng, trong không gian tràn ngập cảm xúc hoa hồng... một bài thơ tình điên điên cất lên. Ông có nghĩ là thiếu văn hoá, là đáng bị em cho là đồ yêu quái rồi "bái bai"…? Hay ông cho đó là liệu pháp cảm xúc chống lại bệnh não hoá biểu tượng tình yêu? Ông có làm thơ tình khùng, hay từng đọc tặng người yêu mình bài thơ khùng của ai khác không? Ông có thể bộc bạch cảm xúc nghệ thuật không kềm giữ của ông với bạn đọc không?

 

HNB: Không gian tràn ngập hoa hồng... Thơ không bắt buộc phải thế. Bài thơ nào cũng vì điên (chứ không phải điên điên) mà ra đời. Bài thơ nào cũng có thể là đồ yêu quái. Nếu người yêu có sợ mà bỏ đi, thì cũng không sao. Nếu vì người yêu đi mà không còn có thơ, cái ấy mới là... mệt. Tôi không đọc thơ tặng ai. Có một lần hai ông bà già này đi bộ vì nghe nói làm như thế là vệ sinh, tôi nhìn mặt trời chiều đang lặn sau núi, và có lỡ đọc hai câu thơ của Xuân Diệu (có quê lắm không?), không phải vì thích chữ, mà vì thích nhạc, và được thưởng thức một chút hạnh phúc tuổi già. Bộc bạch cảm xúc... Chắc đến đây là đã quá lắm rồi. Tôi chưa bao giờ dám làm bận lòng người khác nhiều hơn thế này.

 

Trên đỉnh cảm xúc lãng mạn của một đôi tình nhân trẻ. Nếu được phép nghe lén (trừ lúc lên giường) ông cho rằng sẽ nghe được gì?

 

HNB: Đỉnh lãng mạn? Một đôi tình nhân trẻ ngày nay tôi e có người chỉ có thì giờ hẹn nhau đi ăn phở. Và khi nói chuyện, họ so sánh các phim Mỹ làm kiểu Tàu, và các phim Tàu làm kiểu Mỹ, hoặc so sánh phở này với phở kia, tiệm nào gần tiệm nào xa. Riêng ở Mỹ, có khi tôi nghe anh chàng nói: Isn’t it cool, hôm qua thành phố X đã thông qua nghị quyết cho phép coi cờ vàng là cờ chính thức (câu nói bỏ lửng)...

 

Nếu một chàng trai 18 tuổi nào đó, như mọi chàng trẻ tuổi trên đời, bỗng một hôm bị cái đẹp tính dục quyến rũ không cưỡng được. Anh ta muốn làm bài thơ “hai trong một” tình yêu và tính dục. Bỏ qua lời khuyên “anh hãy giấu trong cõi riêng”. Ông sẽ nói gì với chàng trai ấy?

 

HNB: Tôi không nghĩ mình có quyền xen vào cái mà người khác thấy là không cưỡng được. Để làm vui lòng người đọc, cũng như người phỏng vấn, tôi có thể liều nói với họ: anh chị muốn nói gì cứ nói trong thơ, để trong bụng mất vệ sinh.

 

Xin cảm ơn sự cộng tác của ông.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021