thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cầu thang đi xuống

 

ảnh Phan Bá Đương, 1980.

 

 

CẦU THANG ĐI XUỐNG

Một giấc mơ

 

Tôi không nghĩ tôi đã thức dậy nhờ một tiếng chim hót bên ngoài cửa sổ, lại càng không phải nhờ chiếc đồng hồ báo thức, vì cái đồng hồ treo tường kia đã đứng yên từ gần hai trăm năm nay, chính xác hơn một chút là từ một trăm sáu mươi bảy năm nay, và về khoản tiếng chim, thì để làm sáng tỏ hơn, từ gần hai trăm năm nay tôi không hề nhìn thấy một con chim (mặc dù trong đầu tôi nay vẫn còn bay lượn những cánh chim), càng không nhớ đã có nghe một tiếng chim.

Tôi thức dậy không như công chúa ngủ trong rừng thức dậy, mở mắt, nhưng không chớp mắt mừng rỡ vì nhìn thấy hoàng tử của đời mình: tôi mở mắt và nhìn thấy căn phòng của tôi. Căn phòng, tôi sẽ trở lại sau này, sẽ nói về nó sau khi kể hết câu chuyện cái cầu thang đi xuống, nếu như tôi có can đảm đưa người đọc đến tận cùng của cái cầu thang ấy, nói đúng hơn, của những cái cầu thang ấy. Vậy thì tôi thức dậy một cách bình thường, tự nhiên, và đứng lên một cách tự nhiên, bình thường, hai chân đặt xuống đất, nhẹ nhàng, không khó khăn như cái thời còn ở những nơi khác, trong một khoảng không khác. Tôi đứng dậy dễ dàng, không buồn để ý đến những thứ ngổn ngang hỗn độn mình để lại trên giường, bắt đầu bước tới, không buồn để ý đến chiếc giường mình để lại sau lưng, và cứ thế bước tới bước tới. Qua những vuông cửa sổ, bao nhiêu cửa tôi không nhớ, nhưng hẳn là nhiều lắm, bởi lẽ tôi không phân biệt được cửa sổ này với cửa sổ kia, tôi thấy một bầu trời buổi sáng chói lòa. Nắng màu cam và đỏ rực, tưởng như mặt trời phải ở đâu rất gần đây, đưa cánh tay ra là có thể gần chạm tới. Nhưng không vì thế mà không khí không mát dịu. Mát dịu? Có lẽ không hẳn thế. Trời không gió mà tôi vẫn cảm nhận một cái lạnh khác thường. Tôi đưa hai tay đặt chéo trước ngực, cố đưa cao lên tí nữa để có thể nắm vào hai vai bóp bóp, không hiểu để bớt lạnh, hay để kiểm chứng sự hiện hữu còn chưa được xác minh của mình. Những vuông gạch bông dưới chân tôi không bằng nhau, cho dù chúng nằm khít khao như đã được sắp xếp từ nhiều thế kỷ nay, và mang những hình thù, những hình ảnh hoàn toàn khác nhau, nếu không bảo là chõi nhau, cả về màu sắc cũng như hình tượng, tựa như toàn nền nhà gạch bông đã được tạo thành với một ý đồ kết hợp để có thể không xa lạ với những loại người khác nhau, từ những quê hương khác nhau, tình cờ được bố trí sử dụng căn phòng này như một nơi tạm trú. Tôi bước đi nhẹ nhàng, hướng về phía cánh cửa lớn vả chăng đã nằm ngay trước mặt, y như chính hướng đi đã được ai đó vẽ ra, chuẩn bị sẵn, từ lâu rồi có lẽ, và bước chân tôi đi đến đâu cũng có vẻ như được một sự tiếp sức vô hình của ai đó, bằng cách đẩy lùi những vuông gạch bông kia, nhưng toàn bộ những di chuyển tới của đôi chân cũng như lùi của gạch bông không phải là dễ nhận ra. Căn phòng nơi tôi vừa thức dậy màu trắng, trắng chứ không phải trắng ngà, thế nên khi tôi chạm phải cái màu trắng-toàn-trắng trước mặt mình, cách mũi của tôi đâu khoảng trên dưới hai mươi centimét, tôi nhận ra ngay mình đang đứng trước cánh cửa lớn, dù cánh cửa không có tay nắm. Thế là không suy nghĩ, chẳng đắn đo, tôi đưa tay lên đẩy cửa, ban đầu đẩy nhẹ thôi, và thấy cửa không nhúc nhích, tôi đã toan bỏ cuộc vì nghĩ cửa đây rất có thể chỉ là một cảm tưởng. Đến khi quyết tâm, mà tôi thì ít khi quyết tâm, không phải bây giờ đây thôi mà từ gần hai thế kỷ trước quyết tâm không hề nằm trong danh mục từ vựng của tôi, tôi có ngay cái cảm tưởng lạ lùng là như có ai đó đang giúp tôi: cánh cửa nhẹ nhàng chuyển động, mở ra một bầu trời da cam ửng hồng, làm ấm một vùng cây cối, hoa lá, những tường thành xa, những khu vườn, những lối đi sỏi đá xám xanh nhìn từ trên cao trông như những dòng sông uốn khúc trong buổi hoàng hôn...

Cách chỗ tôi đứng khoảng gần hai thước tây là một lan can có thể bằng sắt, với nước sơn bóng loáng mới tinh hãy còn bốc mùi gì quen thuộc như mùi nhựa thông, nhưng về cái chỗ mùi có thể tôi không còn khả năng nhận định sắc sảo như xưa, và nhựa thông có lẽ chỉ là một kết luận tưởng tượng, một hoài niệm núi rừng mơ hồ không đáng tin cậy. Khi nhìn thấy năm ba dáng người di chuyển chậm chạp dưới vườn, không hẳn là nhỏ như kiến nhưng rõ ràng không lớn hơn những con bọ, tôi hiểu ra, và điều này thì rất chắc chắn, là mình đang đứng ở một độ cao không thể đo được bằng mét. Xa với gần, sự chói chang không cách biệt nhiều. Ngay chỗ tôi đang đứng, nền xây bằng đá hoa cương một cách khác thường, màu rất khó định rõ, bởi mặt trời vàng cam như đã lấn át mọi màu chung quanh tôi: cây cỏ, hoa lá, tường thành, mặt đất, cánh đồng, những mái nhà đây đó có chút khói xám tỏa ở xa, hay chỉ là cảm tưởng của một người mới thức dậy là tôi, nhưng màu xám giờ đây cũng hòa vào cái vàng chung của đất trời... Xa xa, tôi thấy rõ những con đường ngoằn ngoèo chạy như xô đẩy nhau, nằm yên, hẳn phải thế, nhưng trông như đang cử động, đang len lỏi bò lên nhau, lên xuống từng hồi, nhưng tuyệt nhiên trên cái lưới nhện đường sá kia không có một chiếc xe chạy qua, không một bóng người. Bên phải tôi, một cầu thang dài chạy xuống đến chỗ tôi không dám nói ngay là vô tận, bởi tầm nhìn giới hạn của đôi mắt mà khả năng nhìn cũng đã có vô số vấn đề của tôi sẽ không cho phép một sự liều lĩnh như vậy, nhưng cầu thang chạy xuống đến đâu, chỉ có trời mới biết. Bên trái tôi, một cầu thang khác y hệt như cầu thang bên phải, cũng chạy xuống đến chỗ mà tôi không dám nói ngay là vô tận, nhìn từ chỗ tôi đang đứng – ngay trước cửa ra vào, nền đá hoa cương với màu khó định rõ – hai cầu thang có thể gọi là đối xứng.

Những vuông gạch bông lát ở hai cầu thang y hệt nhau, nghĩa là không bằng nhau, cho dù chúng nằm khít khao như đã được sắp xếp từ nhiều thế kỷ nay, và mang những hình thù, những hình ảnh hoàn toàn khác nhau, nếu không bảo là chõi nhau, cả về màu sắc cũng như hình tượng, tựa như toàn nền gạch bông lát cầu thang, cả hai bên, đều đã được tạo thành với một ý đồ kết hợp để có thể không xa lạ với những loại người khác nhau, từ những quê hương khác nhau, và tình cờ có mặt ở đây... Có phải tôi vừa nói những vuông gạch bông có màu sắc chõi nhau? Rất có thể nói như thế, với một chi tiết ngoại lệ khá đặc biệt, là sự chõi nhau kia chỉ là một sự chõi nhau từ trong lý luận. Trong thực tế, buổi mai sáng mà nắng vàng trông không khác buổi hoàng hôn kia đã khoác lên hết mọi thứ, nhuộm đầy cả khoảng không gian mênh mông trước mặt tôi một màu đơn độc, đơn điệu – màu vàng cam. Và cả cái đường chạy xuống sâu thẳm mà tôi tưởng tượng là vô tận kia của hai cầu thang hai bên cũng chỉ là một cảm giác mơ hồ, vô căn cứ, mới nghĩ tới thôi đã lập tức nhận ra sự vô lý. Bởi thế, tôi quyết định làm một chuyện táo bạo với tuổi của mình, nếu như tôi còn nhớ tuổi ấy, hoặc nữa trải bao nhiêu năm tháng không đếm, tuổi mỗi ngày rất có thể, tất có thể đã chồng chất, tôi vẫn còn có thể định một cái tuổi nào đó cho mình, cho dù chẳng để làm gì, chẳng còn để làm gì: tôi vịn vào lan can một bên cầu thang, cầu thang bên phải, vẫn cái lan can nối dài có thể bằng sắt, với nước sơn bóng loáng mới tinh hãy còn bốc mùi gì quen thuộc như mùi nhựa thông, nhưng về cái chỗ mùi có thể tôi không còn khả năng nhận định sắc sảo như xưa, và nhựa thông có lẽ chỉ là một kết luận tưởng tượng, một hoài niệm mơ hồ không đáng tin cậy – và cứ thế tôi lần mò bước xuống. Tôi bước bao lâu, bao xa, tôi không nhớ, cũng không biết. Dựa vào sự di chuyển của bàn tay trái đặt lên thành lan can, với những ngón tay cố tình nắm chắc vào thanh sắt trên cùng, tôi nghĩ chuyển động của bước đi hẳn phải là đều đặn, không ngừng, nhưng khi tình cờ nhìn xuống chính bước chân di chuyển trên nền các bậc cầu thang, một nhận xét khác thường làm tôi ngỡ ngàng, tưởng như mình bước đi như thế mà kỳ thật là vẫn đang ngủ, hay đang mê ngủ: đi không quá năm sáu thước, nghĩa là một khoảng cách khá ngắn, nhất là so với đường đi xuống không rõ tới đâu mới là chỗ chấm dứt, những bậc thang chính nó khởi sự có những hiện tượng chuyển động đều, bàn chân tôi đặt đến bậc thang nào, thì bậc thang kế tiếp tự động nâng lên ngang hàng với bậc thang kia, tốc độ lúc nào cũng ngang bằng với tốc độ bước chân tôi, như thế tôi cứ thế bước tới, những bậc thang cứ thế nâng cao, bậc thang sau ngang với bậc thang trước – và kết quả là tôi di chuyển cứ di chuyển, nhưng không phải di chuyển đi xuống, mà chỉ là đi xa... Bước xuống như thế có thể kể là khá xa, mà khi thử quay nhìn lại, tôi vẫn chỉ thấy cái chỗ ở cửa tôi vừa bước ra cao đúng ngang tầm mắt của tôi. Nhưng tất cả những sự khác thường kia, tôi nghĩ, ngoài tôi có thể không ai nhận ra.

Trước mặt tôi bây giờ là biển. Có thể nói tôi đã mạnh dạn, quá mạnh dạn, khi nói trước mặt tôi bây giờ là biển. Bởi lẽ biển của tôi bấy giờ phải dùng lý luận cọng với rất nhiều tưởng tượng của một người có kinh nghiệm với màu sắc để có thể làm công việc lọc màu, mới có thể nghĩ ra cái vùng đậm nhạt không đều, cách quãng, loãng dần kia trước mặt mình, chốc chốc lại ánh lên một màu vàng cam nhức nhối, chính là biển. Tôi hoàn toàn nghĩ ra, ít nhiều từ trong đầu óc âm nhạc của mình, hay trong sâu thẳm hoài niệm những điệu nhạc của tuổi thơ, rồi tuổi trẻ, đến tận những năm tháng lao động trên những dòng kinh của thời đã gần đến bốn mươi, tận những năm tháng nằm thở khó khăn ở cái tuổi năm, rồi sáu mươi, chính tôi hoàn toàn nghĩ ra cái điệu nhạc ầm vang ấy của biển, chứ không phải đã thực sự nghe thấy nó. Nhưng ngược lại, tôi cũng không thể khẳng định là không có nó, cái giai điệu quen thuộc ấy, trong đầu óc mình vào lúc này, khi mắt tôi quyết định rời cái chỗ cửa tôi vừa nhìn để nhận ra hình như tôi đã có đi một quãng xa, nhưng chỉ là đi xa, không phải đi xuống. Tôi làm thêm một cố gắng để thử nghiệm, xem cái cảm tưởng mình bước đi liên tục như thế mà vẫn không nhích thêm một chút nào về hướng chân cầu thang, nghĩa là không hề thực sự đi xuống, mà chỉ là đi xa, có phải là một cảm tưởng có thật hay không. Và như thế, tôi tiếp tục bước, một bực cấp, tôi đếm một trong đầu, hai bực cấp, tôi đếm hai trong đầu, rồi ba bực cấp, tôi đếm ba trong đầu, rồi cứ thế tôi cố gắng dùng trí nhớ giữ cho việc đếm kia theo cấp cọng đi lên, và theo bước chân mà tôi vẫn cứ yên chí là đang đi xuống... Biển vẫn ở trước mặt, nếu như tôi vẫn cứ gọi nó là biển, và bên trái tôi vẫn là những cánh đồng, những mái nhà, những khoảng sân, cây cối, hoa lá, những đường mòn đang di động chồng lên nhau, tất cả khoác một màu vàng cam duy nhất, hay nói đúng hơn là những biến sắc đa dạng của màu vàng cam ấy. Bên phải tôi bây giờ là tường nhà, nhưng tường nhà không có gì đáng nói: chỉ là cái bóng đậm của tôi chiếu lên những đá tảng màu xám nhưng bây giờ cũng đẫm một màu vàng cam, lấm tấm những mảng rêu xanh lá cây chính chúng cũng đã bị đổi màu, và những chỗ lồi lõm không đều của mặt tường đang bóp méo rất đáng kể, rất thảm hại cái hình thù thoạt nhìn tôi thấy rõ là đang rung rinh, chỉ hơi nhích hơn hình thù thật của tôi một tí thôi. Lấm tấm trên những mảng lấm tấm rêu kia, là những củ gì chính tôi không sao nghĩ ra tên gọi, không phải vì cái màu kỳ lạ của chúng tất nhiên là kết quả của màu trời đất chung quanh, mà có lẽ vì cái hình dạng không định rõ được của chúng, và cả cái vóc dáng quá nhỏ của chúng, so với những đá tảng trên đó chúng phơi bày sự hiện diện quả là lạ lùng. Con mắt tôi dừng lại đây không lâu, chỉ như dừng lại ở đây là để tránh cái màu chói chang tràn ngập hắt mạnh từ hai phía (trước mặt, phía biển, và bên trái, phía những cánh đồng, làng mạc...), hoặc đơn giản là lâu ngày, gần hai trăm năm có lẽ, không tiếp xúc với những thứ lạ của trần gian, tôi tò mò ghé mắt tìm hiểu một chút để xem những hình thù kỳ lạ kia có gợi nơi mình một ký ức nào th ?tuổi thơ, một hoài niệm mơ hồ nào về quãng thời gian lâu lắm trên mảnh đất trần gian mà tôi từng lưu lại giữa những người từng là những người thân yêu quanh tôi, và khi nhận ra sự bất lực của mình, tôi đã quyết định ngoảnh đi. Lạ hơn thế, không gian mênh mông không một chút mùi hương, ngay cả ở cái nơi tôi đang trụ hai chân, đang ngẩn ngơ về hai chuyển động đi xuống của chính tôi, và tự nâng cao của những bực cấp tôi đặt chân lên, khép kín một bên là thành lan can của cầu thang, một bên là bức tường đá tảng, tôi cũng không nhận ra bất cứ một thứ gì phớt qua cái khứu giác vô tích sự của mình. Hay lâu ngày có thể cái khứu giác kia đã trở thành trung tính? Tôi tự hỏi nhưng hoàn toàn không tin vào giả thiết đó: mới đây thôi, khi cánh cửa lớn mở đưa tôi tới một cái lan can với nước sơn bóng loáng mới tinh, tôi chẳng phải đã nhận ra một thứ mùi gì quen thuộc như mùi nhựa thông, cho dù nhựa thông có lẽ chỉ là một kết luận tưởng tượng, một hoài niệm mơ hồ chưa phải đã có thể tin cậy?

Tôi còn bước đi như thế một hồi lâu, không rõ là bao lâu, nhưng lâu. Và như thế, tôi tiếp tục bước, một bực cấp, tôi đếm một thành tiếng, hai bực cấp, tôi đếm hai thành tiếng, rồi ba bực cấp, tôi đếm ba thành tiếng, rồi cứ thế tôi cố gắng dùng trí nhớ giữ cho việc đếm kia theo cấp cọng đi lên, và theo bước chân mà tôi vẫn cứ tưởng tượng là đang đi xuống... Nhưng tất nhiên hơn ai hết, tôi ý thức được chuyển động thực sự của tôi, nghĩa là gần như không chuyển động gì cả. Tôi đang đứng tại chỗ, ngẩn ngơ trên chiếc cầu thang hun hút mà giờ đây tôi hiểu ra là tôi không thể nào phiêu lưu đi xuống sâu hơn, và ngôi vườn dưới kia mà tôi nghĩ hẳn phải có hoa, có lá, những cành nặng trĩu hẳn phải mang sum sê cây trái mọi mùa, và hơn thế vườn nếu có hẳn phải núp bóng dưới mặt trời, màu xanh ít nhiều hẳn phải át được màu cam của trời đất nhìn từ trên cao – ngôi vườn giờ đây đã rõ là một ảo ảnh. Và cái cảm giác dễ chịu có thể đặt lưng xuống trên một chiếc ghế đá nào đó trên các lối đi, hai tay ngả ra sau ôm choàng thành ghế, chân này thảnh thơi vắt lên chân kia, mắt hướng về cái hồ nước tròn nằm giữa ngả tư lách tách những tiếng cá vẫy đuôi lượn vòng (như cái thời đã lùi xa tôi trốn học đẩy xe đạp ra cổng sau trường ở đường Testard, quẹo trái, ra tới đầu đường Larégnère lại quẹo trái nữa, để đi thẳng vào cổng vườn Bồ Rô tức vườn Ông Thượng, phía cửa chính trên đường Chasseloup-Laubat, và quanh quẩn trong ấy cho đến trưa...), cảm giác ấy rất chóng tan biến. Bây giò không có cá vẫy đuôi lượn vòng, không có hồ nước, không có ghế đá để đặt lưng hay gác tay, chẳng có hoa lá chẳng có vườn cây, tôi bỗng thấy sự tìm kiếm không còn ý nghĩa. Tôi đã để trôi qua một khối lượng thời gian rất đáng kể không cho việc gì thực sự có thể đưa tới một cái gì, đã tiêu phí cả một khối trong quĩ thời gian ít oi của mình trong cái vô bổ của đời người – nếu như vào thời gian này, gần hai trăm năm sau của đời tôi mà chỉ một buổi sáng thức dậy và làm được năm bảy cử động vô nghĩa tôi đã vội vàng tưởng rằng mình vẫn còn có cuộc đời trước mặt.

 

Lần này thì tôi đã nghĩ ra một thay đổi lớn. Tôi đang đi xuống cầu thang bên phải, tính từ cửa ngó ra ngoài, thế có nghĩa là cái cầu thang bên trái, đối xứng một cách hoàn hảo với cầu thang bên phải mà tôi đang loay hoay tìm cách đi lên, nghĩa là đi trở lên, cái cầu thang dài cũng chạy xuống đến chỗ tôi không dám nói là vô tận, với những vuông gạch bông lát không bằng nhau, cho dù chúng nằm khít khao như đã được sắp xếp từ nhiều thế kỷ nay, và mang những hình thù, những hình ảnh hoàn toàn khác nhau, cả về màu sắc cũng như hình tượng, tựa như toàn nền gạch bông lát cầu thang đều đã được tạo thành với một ý đồ kết hợp để có thể không xa lạ với những loại người khác nhau, từ những quê hương khác nhau, và tình cờ có mặt ở đây... – cái cầu thang bên trái ấy, tôi chưa đi qua. Và cả cái đường chạy xuống sâu thẳm phía bên ấy mà khi đứng trên cao tôi đã tưởng tượng là vô tận cũng chỉ là một cảm giác mơ hồ, vô căn cứ, mới nghĩ tới thôi tôi đã lập tức nhận ra sự vô lý. Tôi quyết định làm một chuyện táo bạo nữa, tôi vịn vào lan can một bên cầu thang, cầu thang bên phải, vẫn cái lan can nối dài có thể bằng sắt, với nước sơn bóng loáng mới tinh hãy còn bốc mùi gì quen thuộc như mùi nhựa thông, rồi cứ thế tôi lần mò bước lên. Tôi bước lên không khó như khi bước xuống. Bàn chân tôi mỗi khi đặt trên một bực cấp cao hơn, tôi nhận ngay ra tính đông cứng chắc chắn của bực cấp ấy, tựa như mỗi khi chân tôi đặt lên một bực cấp nào, thì lập tức có một hay những bàn tay vô hình giữ chặt không cho bực cấp ấy lay động, và trong trạng thái vững vàng ấy, tôi lần mò lên tới điểm xuất phát, khoảng nền rộng ngay lối ra vào (nền xây bằng đá hoa cương một cách khác thường, màu khó định rõ, bởi màu vàng cam đã lấn át mọi màu chung quanh), ở một độ cao mà trước đó tôi nhận ra là không thể đo bằng mét, cũng có một lan can bằng sắt nằm ngang với nước sơn bóng loáng còn bốc mùi nhựa thông. Cảnh tượng trước mắt tôi lại lặp lại lần nữa: những dáng người chậm chạp di chuyển dưới vườn, không lớn hơn những con bọ, cây cỏ, hoa lá, tường thành, mặt đất, cánh đồng, những mái nhà đây đó có chút khói xám, nhưng màu xám giờ đây cũng hòa vào cái vàng chung của đất trời... Xa xa, tôi lại nhìn thấy rõ những con đường ngoằn ngoèo chạy như xô đẩy nhau, nằm yên, nhưng trông có vẻ như đang cử động, đang len lỏi bò lên nhau, lên xuống từng hồi. Và trên cái lưới nhện đường sá kia tuyệt nhiên không có một chiếc xe chạy qua, không một bóng người. Tôi nhìn qua bên trái, và như đã đoán trước, tôi nhận ra một cầu thang dài chạy xuống đến chỗ tôi không dám nói ngay là vô tận, nhưng cầu thang chạy xuống đến đâu, chỉ có trời mới biết.

Trước mặt tôi bây giờ là núi. Núi là phía ít bị nhuộm vàng hơn cả trong buổi sáng sớm này, chung quanh chỗ tôi đang đứng. Cái ưu tiên về màu sắc ấy giúp tôi nhận ra không chỉ những ngọn núi ở xa, màu xám, ửng đây đó chút ít mạ vàng, dát lên toàn cảnh một sắc ấm như từ trong một tấm sơn mài Nhật bản bước ra, mà gần hơn, là một mặt hồ yên tĩnh lóng lánh trời và mây, tạo ra một bầu khí tịch mịch khắc nghiệt mà những chi tiết dát bạc rung rinh trong nắng mai không những không làm cho mây và nước sáng hơn, mà ngược lại còn làm cho chúng khoác một vẻ lạnh lẽo tương phản đậm nét với cây lá và núi xa. Nếu không tập trung hết nhãn quan của mình để chọc thủng cho được khoảng mênh mông trước mặt, xuyên tới tận bên kia cái nền dát vàng và dát bạc xen kẽ nhịp nhàng kia, chắc chắn tôi không dễ nhận ra đàng sau vẻ bất động yên tĩnh không có thật của cảnh trí, núi và hồ quả thật có lúc thay phiên nhau, cũng có lúc cùng một lượt, đang rung chuyển theo cách rung chuyển kín đáo của mình. Và ngoài năm bảy tiếng thét đột ngột nghe từ xa của một loài chim lạ bay qua hồ hay qua những khe núi mà tôi không nhận diện được, cũng không nhận giọng được, trên nền một nhạc điệu trầm trung hồ cầm tưởng tượng của hồ ấy và núi ấy, tôi hoàn toàn không nghe một âm thanh nào khác.

Tôi vịn vào lan can một bên cầu thang, lần nầy tất nhiên là cầu thang bên trái, vẫn cái lan can nối dài có thể bằng sắt, với nước sơn bóng loáng mới tinh hãy còn bốc mùi nhựa thông quen thuộc – và cứ thế tôi lần mò bước xuống. Tôi bước bao lâu, bao xa, tôi không nhớ, cũng không biết, nhưng dựa vào sự di chuyển của bàn tay phải đặt lên thành lan can, với những ngón tay cố tình nắm chắc vào thanh sắt trên cùng, tôi nghĩ chuyển động của bước đi hẳn phải là đều đặn, không ngừng, nhưng khi cố tình nhìn xuống chính bước chân di chuyển trên nền các bậc cầu thang, hẳn là để so sánh với cầu thang bên kia, tôi có cùng cái nhận xét ban nãy: đi không quá năm sáu thước, nghĩa là một khoảng cách khá ngắn, nhất là so với đường đi xuống không rõ tới đâu mới là chỗ chấm dứt, những bậc thang chính nó cũng khởi sự có những hiện tượng chuyển động đều, bàn chân tôi đặt đến bậc thang nào, thì bậc thang kế tiếp tự động nâng lên ngang hàng với bậc thang kia, tốc độ lúc nào cũng ngang bằng với tốc độ bước chân tôi, như thế tôi cứ thế bước tới, những bậc thang cứ thế nâng cao, bậc thang sau ngang với bậc thang trước – và kết quả là lần nầy cũng thế, tôi di chuyển cứ di chuyển, nhưng không phải di chuyển đi xuống, mà chỉ là đi xa... Khi thử quay nhìn lại đoạn cầu thang đã đi qua, tôi cũng chỉ thấy cái chỗ ở cửa tôi vừa bước ra cao đúng ngang tầm mắt của tôi.

Thế rồi, cũng như khi bước xuống cầu thang bên kia, tôi lại làm thêm một cố gắng để thử nghiệm, xem cái cảm tưởng mình bước đi liên tục như thế mà vẫn không nhích thêm một chút nào về hướng chân cầu thang, nghĩa là không hề thực sự đi xuống, mà chỉ là đi xa, có phải là một cảm tưởng có thật hay không. Và lần nầy cũng thế, tôi tiếp tục bước, một bực cấp, tôi đếm một trong đầu, hai bực cấp, tôi đếm hai trong đầu, rồi ba bực cấp, tôi đếm ba trong đầu, cứ thế tôi cố gắng dùng trí nhớ giữ cho việc đếm kia theo cấp cọng đi lên, và theo bước chân mà tôi vẫn cứ yên chí là đang đi xuống... Núi và hồ vẫn ở trước mặt, và bên phải tôi vẫn là những cánh đồng, những mái nhà, những khoảng sân, cây cối, hoa lá, những đường mòn đang di động chồng lên nhau, tất cả khoác một màu vàng cam duy nhất, hay nói đúng hơn là những biến sắc đa dạng của màu vàng cam ấy. Bên trái tôi bây giờ là tường nhà, nhưng cũng như bên kia, tường nhà không có gì đáng nói: chỉ là cái bóng đậm của tôi chiếu lên những đá tảng màu xám nhưng bây giờ cũng đẫm một màu vàng cam, lấm tấm những mảng rêu xanh lá cây đã bị đổi màu, và những chỗ lồi lõm không đều của mặt tường đang hết sức bóp méo cái hình thù thoạt nhìn tôi thấy rõ là đang rung rinh, chỉ hơi nhích hơn hình thù thật của tôi một tí thôi. Trên những mảng lấm tấm rêu kia, là rải rác những củ gì chính tôi không sao nghĩ ra tên gọi, không phải vì cái màu kỳ lạ của chúng, mà có lẽ vì cái hình dạng không định rõ và cả cái vóc dáng quá nhỏ của chúng, so với những đá tảng trên đó sự hiện diện của chúng quả là lạ lùng. Nhưng bắt nguồn từ kinh nghiệm của tường thành chạy dọc cầu thang bên phải, mắt tôi dừng lại đây không lâu, dừng lại chỉ như để tránh cái màu chói chang tràn ngập hắt mạnh từ phía bên phải (phía những cánh đồng, làng mạc, những lối đi chồng lên nhau rối rít...), hoặc chỉ để có dịp nhìn lại, sau gần hai trăm năm có lẽ, những thứ lạ của trần gian... Những hình thù kỳ lạ kia có gợi nơi tôi một ký ức nào thời tuổi thơ, một hoài niệm mơ hồ nào về quãng thời gian lâu lắm trên mảnh đất trần gian mà tôi từng lưu lại giữa những người từng là những người thân yêu quanh tôi? Không. Hơn thế, cả không gian mênh mông không một chút mùi hương. Ngay ở cái nơi tôi đang đứng ngẩn ngơ trước hai chuyển động đi xuống của chính tôi, và tự nâng cao của những bực cấp tôi đặt chân lên, khép kín bên phải là thành lan can của cầu thang, bên trái là bức tường đá tảng, tôi cũng không nhận ra bất cứ một thứ gì phớt qua mũi mình. Rất có thể cái khứu giác kia lâu ngày không có dịp tiếp xúc với đời thường đã trở thành trung tính? Tôi hoàn toàn không tin vào giả thiết đó: mới đây thôi, khi cánh cửa lớn mở ra một nền đá hoa cương, đưa tôi tới một cái lan can với nước sơn bóng loáng mới tinh, tôi chẳng phải đã nhận ra một thứ mùi gì quen thuộc như mùi nhựa thông, cho dù nhựa thông có lẽ chỉ là một sự tưởng tượng thuần túy?

Trước mặt tôi giờ đây hồ nước bỗng sáng lên một góc, dù cái màu trắng loãng của ngôi nhà thủy tạ mà phải đến bây giờ tôi mới nhận ra chỉ lấp lánh từng hồi, và màu trắng cũng không cho phép tôi thoải mái gọi là màu trắng. Đó là một màu nhạt của thiên nhiên, nhạt đến độ vô lý, làm nền cho mấy dãy bàn ghế ngổn ngang màu xanh thẫm. Không một dấu vết con người – chỉ có bàn và ghế ngổn ngang trên nền nhà lát gạch Tàu nung đỏ, vuông đều và lớn, có vẻ như rất láng và rất sạch, tựa như chỉ để chứng minh một sự hiện diện mà vào thời điểm này nếu tôi không nhận ra, ấy chỉ là do tôi không đến đúng thời điểm, hoặc đơn giản, là tôi không có cái nhìn của những người ở đây. Trong khi loay hoay suy nghĩ về ngôi nhà thủy tạ gợi nhớ lại một ngôi nhà thủy tạ khác ở một nơi khác, một đời khác, một vùng đất xa xôi cả trong không gian và thời gian, cái nơi tưởng đã mất hút trong trí nhớ của con người, cái nơi sương khói mà thơ ấu đã nhiều lần tôi được cha mẹ đưa tới, ủ kín trong một đống áo quần dày màu sắc sặc sỡ, chân tôi vẫn bước tới, và đã trở thành quen thuộc cái trò chơi đếm từng bước như thế, cứ chân bước xuống một bực cấp, tôi đếm một thành tiếng, hai bực cấp, tôi đếm hai thành tiếng, rồi ba bực cấp, tôi đếm ba thành tiếng, và cứ thế cố gắng giữ cho việc đếm kia theo cấp cọng đi lên, và theo bước chân đang đi xuống... Tôi bước đi như thế một hồi lâu, không rõ bao lâu, nhưng tất nhiên tôi ý thức được chuyển động thực sự của tôi, nghĩa là gần như không chuyển động gì cả.

Tôi đứng ngẩn ngơ trên chiếc cầu thang hun hút mà giờ đây tôi hiểu là tôi không thể nào phiêu lưu đi xuống sâu hơn, và ngôi nhà thủy tạ trên hồ, những dãy bàn ghế màu xanh thẫm trên nền nhà lát gạch Tàu nung đỏ, những dãy núi xa và tiếng chim lạ thỉnh thoảng xé toang cái yên tĩnh u uất của buổi chiều lung linh trong hai màu dát vàng và bạc, như từ trong một tấm sơn mài Nhật bản bước ra – mọi thứ giờ đây đang đi, đã đi vào quá khứ.

Tôi vừa nói cái toàn cảnh kia: những cánh chim tưởng tượng, núi xa, nền nhà lát gạch Tàu, bàn ghế, nhà thủy tạ vân vân, tôi đã nhìn thấy trong buổi chiều? Rất có thể như thế. Rất có thể cái màu cam chói chang mà tôi tiếp xúc ngay lần đầu tiên khi mở cửa bước ra ngoài và đứng trên nền đá hoa cương kia không một chút liên hệ gì đến thời khắc tôi đã cảm hứng gọi là buổi sáng. Rất có thể mọi thứ tôi nhìn thấy hoặc tưởng đã nhìn thấy không phải đã diễn ra trong buổi sáng, và cái ấn tượng buổi sáng quả thật chỉ nằm đâu đó trong tiềm thức, như một mơ ước hay một cái gì khác hơn thế tôi không rõ, giờ đây thức dậy, nghĩ là đã có thể vuốt ve được cái mơ ước kia nhưng kỳ thực là đang tra tấn nó, đang đưa nó đi vào chỗ tuyệt vọng, vào chỗ hư vô, một lần – và cho tất cả.

Những gì xảy ra sau đó chỉ là sự lặp lại cái đã xảy ra ở cầu thang bên kia, cầu thang bên phải: tôi vịn vào lan can một bên cầu thang, cầu thang bên trái, vẫn cái lan can nối dài bằng sắt, với nước sơn bóng loáng mới tinh còn bốc mùi nhựa thông, rồi cứ thế tôi lần mò bước lên. Lần nầy cũng thế, tôi bước lên không khó như khi bước xuống. Bàn chân tôi mỗi khi đặt trên một bực cấp cao hơn, tôi nhận ngay ra tính đông cứng của bực cấp ấy, tựa như mỗi khi chân tôi đặt lên một bực cấp nào, thì lập tức có một bàn tay vô hình giữ chặt không cho cho bực cấp ấy lay động. Trong trạng thái vững vàng ấy, tôi lần mò lên tới điểm xuất phát, khoảng nền rộng xây bằng đá hoa cương ngay chỗ cửa ra vào, màu khó định rõ, bởi màu vàng cam giờ này vẫn lấn át mọi màu chung quanh. Cảnh tượng trước mắt tôi lại lặp lại lần nữa: những dáng người chậm chạp di chuyển dưới vườn, không lớn hơn những con bọ, cây cỏ, hoa lá, tường thành, mặt đất, cánh đồng, những mái nhà đây đó tỏa ra chút khói xám, nhưng màu xám giờ đây cũng hòa vào cái vàng chung của đất trời... Xa xa, tôi lại nhìn thấy rõ những con đường ngoằn ngoèo chạy như xô đẩy nhau, nằm yên, nhưng trông có vẻ như đang cử động, đang len lỏi bò lên nhau. Và trên cái lưới nhện đường sá kia tuyệt nhiên không có một chiếc xe chạy qua, không một bóng người.

 

*

 

Căn phòng, tôi sẽ trở lại sau này, sẽ nói về nó sau khi kể hết câu chuyện cái cầu thang đi xuống, nếu như tôi có can đảm đưa người đọc đến tận cùng của cái cầu thang ấy, nói đúng hơn, của những cái cầu thang ấy. Tôi đã không đưa nổi chính tôi đến tận cùng, thì nói chi chuyện đưa người đọc đến tận cùng những cầu thang ấy. Vả chăng, khi tôi đẩy cửa trở lại căn phòng, chiếc đồng hồ treo tường đã biến mất, các cửa sổ đều đã được bít kín, mọi thứ không còn như trước. Căn phòng cũ đã đi vào quá khứ, còn căn phòng tương lai, ai có thể bảo đảm được tính hiện thực, sự bền bỉ của nó, để tôi có thể cất công viết lại, và đem tra tấn người đọc một lần nữa, bằng cách đẩy ai nấy vào những mê lộ của một câu chuyện vô bổ như chuyện tôi vừa kể?

 

San Jose, cuối tháng Tư 2005.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021