thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhật ký trong tù (Chân dung tự hoạ)

 

 

NHẬT KÝ TRONG TÙ

Chân dung tự hoạ

 

1

 

Hãy đừng tin vào cái cười này. Thiếu nữ trong hình là một can phạm, không liên hệ nhưng là đồng hương trà vinh với một người nổi tiếng cả nước: chị út tịch. Một buổi chiều tháng 8.1961, tại sân nha trung học thuộc bộ giáo dục chế độ cũ, trước vườn bách thảo saigon, trong vùng xưởng sửa tàu ba son, tính theo đường chim bay chỉ cách trường saint-enfance rộng mênh mông (gọi là trường bà phước, cái nôi giáo dục của can phạm nói trên, sau đổi lại là saint-paul, trước khi do yêu cầu đặc biệt của đất nước, trở thành một trung tâm dạy nghề đan mây tre lá) không hơn hai trăm mét, một thanh niên trong trắng đang áo nhét quần ngây thơ đứng chờ sự vụ lệnh bổ đi dạy pháp văn, bỗng nhìn thấy thiếu nữ trong tư thế có vẻ như sắp bật người ngã ra đàng sau.

 

2

 

Chàng thanh niên thời ấy đọc nouveau roman tây và beat poets mỹ, nhưng là con cháu một dòng họ nửa nông dân nửa nhà nho đáng kính ở bích khê xã triệu phong phủ quảng trị tỉnh, dòng họ nghe nói từng sản sanh mấy hoàng giáp nổi tiếng cả nước, gần bảy mươi lăm phần trăm con cháu theo cách mạng, phân nửa ấy tập kết ra bắc (và nhờ ơn trên đã trở về gần nguyên vẹn), một số lớn nửa còn lại về sau ai nấy làm đủ thứ nghề nhưng nhờ trời đều lần lượt trở thành ngụy – có nghĩa là thuộc một dòng cốt cách gia phong... Cái xuất xứ ấy bảo đảm một lượng tình cảm và văn nghệ có sẵn trong người trai miền trung sỏi đá (mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn), đủ để giải thích vì sao giữa chỗ đông thanh niên, ít nhất có năm chục trang tuấn tú hòn ngọc viễn đông của chế độ sư phạm đầu tiên được ngô tonton ưu đãi, tung ra nguyên cả một bầy công cừu đi tây đi mỹ để giải quyết tình trạng thiếu kỹ sư tâm hồn, không ai đưa tay ra đỡ cái lưng mềm tất nhiên sắp ngã, mà chỉ có một người.

 

3

 

Con người bích khê hiền khô ấy chịu hi sinh làm tù binh thiếu bảy năm đầy nửa thế kỷ, về sau, khi kịp nghiên cứu hồ sơ mật miền nam đã nhận ra toàn bộ là một vụ bắt cóc có tính trước, nằm trong một chiến lược toàn quốc gia, đúng hơn là một nửa đất nước, nhằm làm suy yếu lực lượng dân trung ke[1] đang ngày càng có khuynh hướng nam tiến (nhạc sĩ lưu hữu phước hay ai đó đã báo động không nhầm: nước non xa ngàn dặm chúng ta đi ngàn dặm cùng nhau tiến...), và đang lén lút dựa thế gia đình ngô tonton anh minh từng là quan lớn trong triều đình huế để xâm lăng miền nam – từ đó nảy sinh ra những họat động phục hưng miền nam khá ngoạn mục. Chỉ tiếc là lịch sử ở thời điểm này đã chọn một trò chơi khác.

 

4

 

Thế là càng đi sâu vào nghiên cứu xã hội mới, đủng đỉnh mỗi ngày một ít, con người đã hết tuổi thanh niên kia càng cười. Hết năm này qua năm khác hắn cười, cười mãi, cái vòi nước trong buồng tắm rỉ từ sáu bảy tháng nay chỉ đứng ngó mà cười, đau lưng muốn chết cũng cười, tay chân nhấc lên không nổi, ăn uống không tiêu, táo bón, hay tiêu chảy hết cả nước trong người cũng cười, mắt khô, da tróc, tóc rụng, gàu trắng cả vai áo cũng cười, đêm nằm đàm từ đâu không rõ trào lên tận họng cũng vẫn cười, phong lác đầy cổ không lo, chỉ lo cười, ngồi bệt lâu đứng lên không nổi cũng cười, bị Bell’s Palsy méo miệng cũng cười, đầu gối đau đi không vững cũng cười...

 

5

 

Ông già nhiều lần nhìn cái tư thế muốn ngã rõ ràng đã đánh ngã mình cách nay gần bốn mươi ba năm trên sân trước nha trung học bộ giáo dục chế độ cũ, tiếp tục cho đến giờ này, và ổng tiếp tục cười.

 

Tả ngạn California tháng Năm 2005

 

-----------------
Chú thích ảnh: Ảnh can phạm được bố trí dựng lại ở Cap Saint-Jacques, Nam Việt Nam, vài năm sau đó – do nạn nhân chụp, sau một mùa chấm thi tú tài.

 

_________________________

[1]Trung ke: Tiền Vệ liên lạc với tác giả và hỏi về ý nghĩa của chữ "trung ke", thì được tác giả giải thích như sau: "Trong Nam ta thời ấy người ta ưa dùng chữ "ke" thay vì chữ "kỳ". Chữ "ke" hẳn có ý coi thường, vì không thấy ai dùng "Nam ke" hay "Bắc ke" (thay vào đó ngưòi ta nói "Bắc cờ").


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021