thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyến xe

 

 

1

 

Tôi ngồi trên chiếc ghế băng này, trong cái công viên nhỏ xíu nằm ở cuối con đường lớn nhất của quận Cây Me, con đường chính, đã hai ngày, hay gần như vậy, có thể trên một tí, hay dưới một tí, nhưng hãy cứ bảo là hai ngày. Những người thích chi tiết vụn vặt, thích sự chính xác bệnh hoạn, như những kẻ không thường hay chính xác vẫn nói, hẳn sẽ phản đối chữ ngồi, bởi vì quả thực có những lúc mệt, những lúc đau lưng quá, đau ở phần thấp nhất của cái lưng dài của tôi, chỗ cuối xương sống, nếu tính từ trên xuống dưới, tôi ngả người nằm xuống, ban đầu còn dè dặt chống một tay ở ngang chỗ tai, tôi nhớ là tai bên phải, có lẽ để nằm mà có vẻ như không phải là nằm, rồi sau đó mỏi tay, tôi nằm ngửa người, nằm hẳn hòi, mắt nhìn thẳng lên bầu trời trong xanh trên cao, và mê mẩn nhìn cái khoảng không xanh trong ấy của trời, cái khoảng không bao la không tìm thấy đâu có chung quanh ta, và hình như đã nhiều lần, ít nữa là không phải một lần, tôi đã kêu lên đẹp quá...

Nếu tình cờ có ai đọc được những dòng tôi viết ra đây, mà chắc gì những thứ tôi viết sẽ còn lại cho họ đọc, xin chớ vội tưởng tượng một công viên thơ mộng trong sách vở hay trong phim ảnh, với đủ những cảnh tượng lãng mạn, có bóng mát, có gió heo may, có lá rơi, những bãi cỏ xanh mướt như thảm, và những thân cây to thì đầy những dấu trái tim và những mũi tên đâm xuyên suốt khắc bằng dao nhọn, những cuộc chinh phục ngoạn mục kết thúc bằng âm nhạc réo rắt – hay bằng hơi thở. Công viên của tôi không có những thứ đó. Công viên của tôi, thật tình mà nói, cũng có những lá khô rải đầy các lối đi và bãi cỏ, nếu ta có thể gọi đó là các lối đi và bãi cỏ, rải rác trên một vài thân cây khẳng khiu tôi cũng thấy những hình thù quái lạ khắc vụng về, có hình rất giống trái tim (nhưng là những hình trái tim trong các sách sinh vật), tuyệt nhiên không có một bóng mát, bởi vì dù sao ta cũng không thể coi dăm ba cái vệt đen nhỏ xíu tấm chấm trên các lối đi và cả trên những bãi cỏ khô trơ một màu đất vàng kia là bóng mát, và cuộc chinh phục của tôi thì quả là không dễ dàng, càng không ngoạn mục tí nào: chuyến xe lẽ ra phải đã vào ga một hai ngày trước đây, đến giờ này tôi vẫn chưa thấy tăm hơi. Miếng bánh mì không của tôi, dài đâu khoảng một phần tư cánh tay, mà tôi chỉ nhấm nháp qua loa mỗi khi lôi ra từ trong cái túi vải đỏ, đến nay vẫn còn gần như y nguyên, bởi vì chuẩn bị cho chuyến đi dài trên xe lửa mà tôi không chắc đã biết sẽ đi đến đâu, tôi dự định không bỏ một chút tiền nhỏ nào trong chỗ dành dụm được (vả chăng chỗ tiền cũng không đáng bao nhiêu, nếu như cái biết của tôi về tiền bạc không quá lạc hậu như những cái biết khác) để mua bất cứ thức ăn nào, dù là cần thiết đến đâu, và như thế, miếng bánh mì không của tôi, tôi ăn như người ta ăn kẹo, lâu lâu tôi đem ra mút mút mấy cái, ngửi thật kỹ cái mùi bột cháy rẻ tiền của địa phương này, rồi lại đút vào túi vải, yên trí là nếu chẳng may nổ ra thêm những cuộc đổi đời khác nữa, tôi vẫn có cái để nhấm nháp qua ngày...

Như vậy, như tôi vừa nói, tôi ngồi trên chiếc ghế băng này đã trên dưới hai ngày. Chuyến xe lửa người ta cho tôi biết sẽ đi qua cái nhà ga xép bên kia hàng rào công viên bất cứ ngày nào, bất cứ giờ nào, bất cứ phút nào, nghĩa là nói chung, bất cứ lúc nào, chuyến xe vì nó tôi đã chuẩn bị mọi thứ, đem cái này cho người nọ, bán cái nọ cho người kia, vân vân, những thứ dù là của tôi hay của ai khác nằm trong nhà tôi, tình cờ, hoặc vì một lý do nào đó tất nhiên tôi không việc gì phải mất công tìm hiểu, to cho hết, bán hết, không để lại gì, không đem theo gì (trừ cái túi vải màu đỏ tôi đang đeo trên người đây), người ta không muốn cũng cho, và đã có người thực tình không muốn mà cứ vẫn phải lấy – chuyến xe ấy cho đến nay, ngày thứ ba kể từ khi tôi quyết định vào ngồi chờ trên chiếc ghế băng này, tôi vẫn chưa thấy tăm hơi. Không, tôi không nghĩ người ta đã đánh lừa tôi, và tôi hoàn toàn không nghĩ thời buổi này có thể có ai lại dư thì giờ đi đánh lừa người khác một cách vô vị lợi, trong khi người ta có thể để dành thì giờ, nhiều thì giờ, đi làm hại người khác khi cái hại ấy đem lợi cho mình, và trong khi người ta còn có nhiều, rất nhiều điều kiện để đánh lừa những cú thực sự đáng đồng tiền bát gạo, như người ta vẫ thích nói – chắc chắn là vậy, nếu trên đời này ta còn có thể tìm ra một điều gì chắc chắn.

Bởi thế, bởi vì tôi tin chắc mình không bị lừa, nên từ hai ngày nay tôi vẫn còn ngồi đây, mỗi giờ khắc trôi qua tôi tiêu khiển bằng cách tự kiểm soát chi tiết hơn từng bộ phận trong thân thể mình, và cũng tình cờ thôi, tôi đem so sánh với vẫn những bộ phận đó vào cái thời tôi cũng làm như thế ở quân trường gần hai mươi năm trước đây, thời tôi dư nhiều thì giờ cho những việc như vậy, và tôi bỗng khám phá ra những điều tôi chưa thấy sách vở nào nói tới. Nhưng thôi, ta hãy trở về với những chuyện khác có ích hơn, hãy trở về với hiện tại, tôi nói, quá khứ là quá khứ, cái gì đã qua cho qua luôn, những chi tiết vụn vặt của từng bộ phận trong thân thể ta có chắc là có cái gì đặc biệt khác những người khác mà phải làm thành đề tài, tôi nói, tất nhiên nó cũng có lịch sử, nhưng bất quá lịch sử của nó cũng như lịch sử mọi nơi, có đem những cái đó ra sửa lui sửa tới, nắn bóp theo hình dạng ta muốn, nói chung, có thi vị hoá, có thần thánh hoá, sự thật vẫn là sự thật...

 

 

2

 

Một ngày trước khi đi, tôi đã lục hết những thứ đồ lặt vặt, mà nói cho thật thì trong nhà tôi bấy giờ cũng chỉ có những thứ đồ lặt vặt, đem bày ra hết trên nền nhà, ở gian giữa, chỗ ngày xưa là nơi cha tôi thường tiếp bạn của người, và tôi bắt đầu làm một cuộc duyệt xét có hệ thống, như người ta vẫn nói: báo cũ để bên trái, gần cái cột nhà, hình ảnh gia đình bạn bè người yêu cũ để kế bên, tiếp theo là thư từ, rồi giấy tờ linh tinh, tiếp theo nữa là những hộp giấy đủ màu, trong đó đựng những thứ linh tinh nhỏ hơn, kể cả những cái hộp nhỏ hơn, gọi là hộp com, trong đó đựng những thứ linh tinh nhỏ hơn nữa... Trong số những thứ lặt vặt soạn ra trên nền nhà (soạn không phải để sắp xếp, mà là để xem cái gì nên giữ cái gì nên vứt, nói đúng hơn là xem cái gì nên vứt trước cái gì nên vứt sau, mặc dù thật ra tôi chỉ có một ngày trước mắt) - một bài thơ nhớ cha của cha tôi (hiện đang nằm trong cái túi vải tôi đeo bên mình đây), hơn một nửa lá thư mẹ tôi viết cho cha tôi thời người đi kháng chiến ngoài Bắc trong đó mẹ nhắc cha đạp xe đạp trong rừng vào mùa rét phải luôn nhớ mặc đủ ấm, ba lô không bao giờ nên đeo nặng quá, có thể cụp xương sống (hiện cũng đang nằm trong cái túi vải tôi đeo bên mình, như một thứ giấy khai sinh, lỡ sau này có ai hỏi gốc gác, tôi còn có thể nhớ ít nhất là tên cha mẹ để trả lời: trong thư mẹ gọi cha bằng tên, và tuy xưng tôi với cha, dưới thư mẹ có ký tên mình), một bài báo nói về bệnh gan ai đó trong nhà đã cắt để dành, tôi đọc thử thấy chữ được chữ mất, mấy lá thư linh tinh có cái còn nguyên có cái đã nhàu nát, cũng có cái không biết ai gửi cho ai, dăm ba bì thư cũ có dán tem nhưng chưa gửi, những tấm hình người quen nhiều, người lạ cũng nhiều, hai bên nội ngoại, chú bác cô dì chắc là có đủ, mấy đồng tiền cũ, một khung ảnh nhỏ tí xíu không biết ai đã lấy hình đi đâu mất, một cái kéo con đã cũ chưa chắc còn dùng được, hai cái lược đồi mồi một cái vừa một cái nhỏ, dăm ba cuốn kinh mỏng bìa vàng, mấy tờ giấy gì đó của toà án nhưng không phải là giấy khai sinh, một thẻ học sinh có dán hình của chính tôi, một thẻ đi xe buýt tháng (tôi tò mò xem ngày thì thấy đã hết hạn từ hai mươi bốn năm mười tháng mấy ngày!) và không biết bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh khác mà tôi nghĩ không nên kể tiếp ra đây, vì ai đọc cũng sẽ thấy chán, trừ khi tôi không kể tiếp nữa mà họ vẫn thấy chán – tôi thú nhất là chiếc tàu thủy bằng giấy báo ngày xưa một chị vú trong nhà đã xếp cho anh em tôi, tờ giấy báo vô tình để ló một phần thân thể của phụ nữ, ngay chỗ giữa hai ống khói tàu, và chị vú vì chỗ sơ xuất ấy đã bị mẹ tôi mắng một trận ra trò. Một ngày trước khi ra khỏi nhà thì cũng chỉ là mấy ngày trước đây thôi, nên tôi còn nhớ rõ tôi đã xúc động như thế nào khi quơ phải tấm hình một người bạn gái thời tiểu học, con bé người Minh hương có đôi mắt đen và sâu, rất có thể là người đầu tiên trong số những người từng thực sự làm tôi biết đau khổ, nếu không tính đến một con bé láng giềng, thời ấy đâu khoảng sáu tuổi, nghĩa là dưới tôi hai, con bé từng đem vứt hết xuống cống những hòn bi tôi gom và đem cho nó gần như mỗi ngày và cười như nắc nẻ hi được nhìn thấy gương mặt đau khổ của tôi. Tôi xúc động nhưng vẫn không nhớ ra bằng cách nào tấm hình với những đường viền răng cưa úa vàng và nước thuốc đã lên màu bạc có thể còn đến bây giờ, nằm yên lành trong số những hình ảnh gia đình tôi, trong khi người bạn cũ, như tôi biết, đã trải qua đủ những trầm luân của một đời người và đã kết thúc cuộc đời trầm luân ấy, nghe đâu là không toàn thân, trên một bãi biển... Nhưng thôi, những kiểu xúc động như thế này, tôi đã quyết định không chấp nhận từ lâu, ta không thể vì dăm ba chi tiết nhỏ trong đời mà quên mất việc lớn, tôi nói, quá khứ là quá khứ, cái gì đã qua cho qua luôn....

 

 

3

 

Hơn hai ngày nay tôi không có dịp nói chuyện, không nói một lời với bất cứ ai. Mà thôi, không nói chuyện với ai chưa hẳn là một bất hạnh, tôi nói với mình, im lặng dù sao vẫn hơn, trong hoàn cảnh hiện nay của ta, tôi nghĩ. Mình, ta... Tôi phải xin lỗi mọi người, từ lâu, tôi không nhớ rõ từ lúc nào (và cũng không biết phải đổ thừa cho ai), tôi mắc bệnh nói năng loạn xạ: ta, mình, họ, chúng nó, vân vân, tôi không biệt rõ, hay nói đúng hơn, không còn phân biệt được. Có những lúc tôi nói họ, bỗng có ai đứng gần đấy sửa lại, bảo phải nói mình; những lúc khác tôi nói ta, người ta chỉnh, bảo phải nói họ mới đúng; những lúc khác nữa, tôi vừa định nói chúng nó, có người nhanh nhẩu nói trước chữ ta, nghĩa là suýt nữa tôi nói bậy - cứ thế, ta, mình, chúng nó, họ, tôi va mãi vào sự nhầm lẫn chữ nghĩa, khi vui thì thấy buồn cười, khi không vui bỗng thấy có cái gì bất an, giống như ngày lễ nhà ai cũng treo cờ, nhà mình tìm mãi không thấy cờ treo, cứ liều để trần truồng cái cửa ra vào, và suốt cứ sợ có người đến gõ cửa hỏi lý do... Mấy ngày không nói chuyện với ai, thú thật là tôi rất khỏe: không những khỏi sợ nhầm mấy chữ ta, mình, họ các thứ, mà còn khỏi phải nhọc công tìm cho ra đề tài đúng để nói, khỏi ăn nói trật chìa, như người ta vẫn nói, khỏi phải nhăn mặt nghe những chuyện mình không thích nghe, nói chung, khỏi bị đánh giá. Nhưng không nói chuyện với ai kể cũng gay, đối với một người đang đợi xe như tôi: bao nhiêu nghi ngờ cần được giải toả, bao nhiêu câu hỏi lớn nhỏ về chuyện đi, ở, bao nhiêu thắc mắc về giờ giấc... tôi chẳng biết nói với ai. Ngay cả hỏi giờ cũng không phải là chuyện dễ dàng với tôi. Một buổi sáng nọ nhìn ra cổng công viên, tôi thấy một người đàn bà đi tới phía tôi, dáng hiền lành, nhìn qua tôi đã cảm thấy có sự an tâm nên đã định đánh bạo hỏi xem giờ này là mấy giờ. Biết rất có thể cái vẻ bên ngoài của tôi sẽ làm cho người trước mặt e ngại, tôi cố nắn ra một điệu bộ lương thiện cho mình, chuẩn bị một thứ mở đầu vừa lễ phép vừa thân mật, thưa dì... Ai ngờ tôi vừa đứng dậy, chưa kịp mở miệng, bà ta đã vội quẹo sang một bên, và te te đi mất đất! Không, những người tôi có thể hỏi giờ không thiếu gì. Thế nhưng phải nhìn nhận là chính tôi, không biết lấy từ đâu, tôi cũng thường hay có cái lối kỳ thị rất thiếu cơ sở: những người tôi có thể được trả lời một cách nhiệt tình, ít nữa là về giờ giấc, hay cứ hãy nói là chỉ về giờ giấc mà thôi, tôi lại không dám hỏi, bởi lẽ tôi cứ sợ rằng cái ông ấy hay bà ấy trước khi trả lời, có thể lại hỏi ngược tôi một cách trịch thượng xem tôi là ai, ở đâu, có phải là vừa xuất viện, tại sao giờ này lại ở chỗ này, chẳng hạn, và sau đó còn đòi xem giấy tờ của tôi...

Đêm đầu tiên nằm trong công viên, tôi không ngủ, hay gần như vậy. Buổi chiều trôi qua êm ả, mấy đám mây từ đâu kéo đến, một chút gió lướt qua, hai ba lần tôi có cảm tưởng như nghe tiếng gì như là tiếng sấm bị nghẽn, chỉ cảm tưởng thế thôi, và ngỡ sẽ có mưa trước khi đêm xuống, chậm lắm là cũng trước nửa đêm, nhưng không, mây chỉ kéo đến, nó đến, rồi nó đi, khơi khơi như chỉ muốn cảnh cáo con người, con người dày dạn như tôi chẳng lẽ cũng hoảng hốt sao? Cho đến giờ này tôi vẫn đeo cái túi vải đỏ bên mình, trong đó thật ra cũng chẳng có gì quí lắm, nhưng với tôi, mà chắc chắn là cũng chỉ với tôi thôi, không có gì quí hơn nửa lá thư đã nhàu mẹ viết cho cha tôi thời người đi kháng chiến ngoài Bắc, và bài thơ nhớ cha của cha tôi – cái túi vải không nặng nhưng chỉ mỗi ý nghĩ có thể đánh mất nó và mất luôn lá thư cùng với bài thơ kia đã đủ làm cho tôi lo, và càng lo, cái túi vải nhẹ cứ thế mà nặng dần lên, và mối lo cứ thế trở thành nỗi ám ảnh mất ngủ của tôi, khi bóng đêm dần dần phủ lên trước tiên là cây cối, các lối đi trong vườn, rồi đến vách tường, các hàng rào, các bãi cỏ, các mái nhà, và cuối cùng là chân trời, cả khoảng không gian quanh tôi nếu không lác đác hiện ra vài ngọn đèn vàng yếu ớt hẳn chỉ là một màu đen ghê rợn... Bảo rằng đêm đầu tiên tôi không ngủ có thể là hơi quá đáng, bởi lẽ phải nhìn nhận là tôi có ngủ, có điều là tôi ngủ mà không biết là mình đã ngủ - nhưng thật ra có ai ngủ mà biết là mình ngủ không? Đầu hôm, ngồi nghĩ mãi không ra việc gì là việc nên làm, trong hoàn cảnh của tôi, tôi nhìn xa ra phía chân trời, bên kia nhà ga, và đàng sau những mái nhà thấp, tôi còn thấy hiện ra cái chấm đỏ hồng gắt gao của mặt trời chiều. Đang ngẩn ngơ trước buổi hoàng hôn buồn bã, tôi chợt giật mình vì tiếng hát đột ngột bật lên từ loa phóng thanh, bài hát là một bài gì đó về việc khắp thế giới vang lên những lời hô không được đụng đến vân vân, chỉ kéo dài đâu được một lúc, vừa đủ để phá tan cái không khí trầm trầm ở một vùng phố quận, như một thủ tục có tính cách trả nợ quỷ thần, rồi im bặt một cách đột ngột, giữa bài thì phải. Sau đó hình như chung quanh tôi dần dà đi vào yên tĩnh, và tôi nhận ra tôi bắt đầu nghe âm ỉ những âm thanh khác nhau trong đêm vắng: tiếng ru em đâu từ rất xa, nhưng tôi vẫn nghe ra được, bởi vì giọng là một giọng ru của người miền quê tôi, cầu mô cao bằng cầu danh vọng, nghĩa mô trọng bằng nghĩa chồng con, ví dù nước chảy; tiếng tụng kinh nam mô nghe tuy gần hơn một chút nhưng tôi vẫn không đoán ra được một chữ (ngoài hai chữ nam mô) không những chỉ vì bài kinh không phải bằng tiếng quốc ngữ, mà còn vì tiếng mõ đều đều đi theo bài tụng, thường khi là nghe to hơn; tiếng chuông nhà thờ phía cuối xóm đổ liên hồi, ban đầu nghe lớn nhưng càng lúc càng nhỏ dần rồi im bặt như bị rơi mất đâu đó giữa không gian...

 

 

4

 

Dù sao cũng phải nhìn nhận là đêm đầu tiên trong công viên, tôi có ngủ, nếu ngủ như tôi đã ngủ vẫn có thể gọi là ngủ. Ngủ như thế nào, tôi không nhớ. Chỉ đến khi tôi mở choàng mắt nhìn lên bầu trời trong trẻo trên cao, một chút trăng treo lơ lửng soi xuống quanh tôi, đủ để tôi nhận ra là mình vẫn ở chỗ cũ, trên chiếc ghế băng đóng bằng gỗ tạp đã ngả qua màu trắng của nắng mưa mà dưới chút trăng kia tôi còn nhìn thấy rõ những đường vân cong uốn lượn, và đêm yên tĩnh hình như có giọt mấy giọt sương (giữa lúc chưa tỉnh hẳn tôi chỉ có thể đoán biết khi thấy có một cái gì ướt ướt ở đầu mấy sợi lông mũi và lông mi của mình, ướt, hay chỉ là cảm giác lạnh, tôi không phân biệt được) chỉ đến khi đó, nếu không phải bận tâm chuyện giờ giấc, ít nhiều, tôi mới chắc là tôi đã có ngủ, và kiểm soát lại những diễn tiến trong đêm, có thể là tôi đã ngủ, ngủ quên, khi ngồi chờ mưa, nói đúng, là chờ mãi không thấy mưa. Đêm có đem lại cho tôi một khám phá gì mới về công viên? Không. Cái chút trăng lơ lửng treo trên trời ấy, khi soi xuống cảnh vật trong công viên, một mặt nó không đủ làm sáng rõ mọi thứ quanh tôi để tôi có thể gọi tên chúng như tôi vẫn giải trí gọi tên chúng vào lúc ban ngày: cây cối, lối đi, bãi cỏ, hàng rào, nhà, cửa, hoa, lá, mặt khác nó lại cũng không đủ làm chìm đi những cái nhếch nhác luộm thuộm của ban ngày, thế nên ở đây ngay cả ban đêm lôi đi không ra lối đi, bãi cỏ không ra bãi cỏ, hoa không ra hoa, lá cũng không ra lá, nói chung cây cối không ra cây cối, công viên chẳng ra công viên... Chỉ có cái ghế băng tôi ngồi, tuy đóng bằng gỗ tạp, vẫn ra một cái ghế băng hẳn hòi, ban ngày cũng như ban đêm, và từ sáng đến tối tôi đã có thể không những chỉ ngồi thôi mà còn ngả lưng lên đó nhìn bầu trời trong trẻo, và nghĩ đến chuyến xe không biết đến khi nào mới vào ga... Nhưng nói như vậy có công bằng lắm không, về ban đêm và ban ngày? Thật ra, tôi đã bỏ sót một vài chi tiết không hiểu nên nói là nhỏ hay lớn, nhưng dù sao cũng chỉ là những chi tiết, bởi vì đêm thế này ngày thế nọ, từ lâu, với tôi chẳng có ý nghĩa gì. Vậy thì khi tôi mở choàng mắt và đã nhìn no cái khoảng không lấm tấm sao yên tĩnh chia chỗ cho nhau trên kia, tôi bắt đầu ngồi dậy đưa mắt đảo một vòng. Những cửa sổ nhỏ hắt ra bên ngoài những ánh đèn vàng yếu ớt, tù mù, giờ đây làm ấm hẳn một cảnh tượng lạnh lẽo, khô khan lúc ban ngày; những mái nhà tả tơi, những vách tường xơ xác toàn một thứ gỗ ván thùng lấp ló sau những dãy hàng rào trơ cành khẳng khiu dưới ánh mặt trời, giờ đây khoác một màu đậm đồng nhất, kín đáo; và những dáng người tất bật thiểu não dưới nắng, những gương mặt nhọc nhằn qua lại trên đường phố như những bóng ma giữa ban ngày, ban đên bỗng bốc hơi biến mất, cái vắng lặng của đêm suy ra còn sống hơn cả cái sống của ngày... Giữa đêm, có lần tôi băng qua cái hàng rào thấp kia và đi quanh quẩn trong nhà ga, chủ ý không phải để đón chuyến xe, không, hoàn toàn không phải vậy, những thăng trầm của cuộc đời đã dạy tôi không bao giờ nên lạc quan quá, dù là lạc quan cho vui thôi, quanh quẩn đi trong nhà ga chỉ là để thơ thẩn một hồi, tìm không khí mới, như người ta vẫn nói, hay giãn gân giãn cኑt, có phải người ta nói như vậy không? Cái nhà ga xếp ban ngày dù vào lúc không có xe đến xe đi cũng có dăm ba người họp chợ, hay chỉ là họp bán buôn nhỏ, được công an địa phương cho phép, cho phép không thôi hay để đánh đổi một cái gì, dưới hình thức nào, ai mà biết, cái nhà ga không ồn ào nhưng cũng lao xao tiếng người nói qua nói lại, và tiếng chửi nhau, hay chỉ là chửi thề, có lần hình như có một vụ giằng co hay gần như ẩu đả, hay chỉ là một lối đùa nghịch không hay ho gì đó của những người rảnh rỗi, tôi không đoán ra, và có đoán cũng chỉ là đoán bậy thế thôi, không có gì chắc là đúng, cái nhà ga ấy giờ đây im lìm như cảnh chết, không một bóng người, dù là xa hay gần, cửa ngõ đóng kín, bên trong không một bóng đèn, chung quanh không một tiếng động, dù là một tiếng lá rơi. Có thể nói tất cả đều tối mù, chỉ có khoảnh đất gần đường ray, đúng ra là đường ray duy nhất của nhà ga, là sáng dưới trăng, không phải rất sáng, nhưng là sáng hẳn so với những chỗ giờ này đang chìm khuất trong màu đen của đêm, như thể toàn bộ cái sáng có thể có ở đây đều đã được tập trung, dồn hết cho khoảnh đất này, vùng sáng tráng, khá rộng, thật ra chính là màu cỏ khô mọc cao phản chiếu dưới trăng, lấp lánh rung theo từng làn gió nhẹ mà phải chú ý lắm tôi mới nghe được một chút sột soạt bên tai.

Đêm hôm sau, hình như tôi đã chuẩn bị đi ngủ, nghĩa là tôi đã làm một ít việc gì đó, không phải là đánh răng, tất nhiên, với mục đích là xong đâu đó tôi sẽ thảnh thơi ngả lưng xuống trên chiếc ghế băng đến nay đã có thể nói đại là của tôi – chỉ là để dễ hiểu thôi –, ngả hẳn lưng xuống ghế, chứ không phải chỉ nghiêng người dựa đầu áp trên một bàn tay, cùi chỏ chống thẳng, nằm mà có vẻ như không phải là nằm. Tôi đã nhìn kỹ chung quanh mình, yên chí không ai còn có thể thức dậy bách bộ trong cái công viên gần như bỏ hoang này, ngay những viên chức công an địa phương nếu có còn thức thì chắc là chỉ thức để nhậu nhẹt, và như thế anh nào anh nấy hẳn đang bò càng trên ghế, nếu không phải là trên nền nhà, và vào cái giờ khuya khoắt như giờ này, ở một vùng heo hút như vùng này, không ai còn nghĩ ra chuyện đi tìm để chọc phá một người không có gì đặc biệt như tôi. Như một thủ tục không biết đã có từ bao giờ, lấy từ đâu ra, tôi đưa tay phủi phủi mặt chiếc ghế băng trên đó có lẽ sau gần hai ngày tôi lê lết tấm thân đầy bụi của tôi, bụi đã chẳng còn có chỗ để tá túc. Hình như tôi đã không làm gì khác nữa để chuẩn bị ngủ, ngoài việc quyết định sẽ không ăn uống gì, để giữ vệ sinh, và ngoài việc kiểm soát một lần nữa miếng bánh mì không giữ kỹ trong túi vải đỏ, lá thư của mẹ, bài thơ của cha, một cái quần xà lỏn màu cứt ngựa, một áo sơ mi nhà binh đã cũ, và cái áo trắng mới cứng còn nguyên hồ, tất nhiên là chưa giặt lần nào, nhãn hiệu nói là made in usa nhưng ngó vô chỉ có điên mới không biết là có thể đã được may ở đâu đây, không xa chỗ tôi đang ngồi, mà tôi dự định sẽ mặc vào, mặc bên trên chiếc quần duy nhất tôi đang mặc đây, và dĩ nhiên tôi sẽ cho vào quần hẳn hòi, đàng hoàng đâu đó, như học sinh đi thi vấn đáp, khi nào chuyến xe lửa đưa tôi tới nơi, tới chỗ nào thật tình tôi cũng chưa biết, chưa nghĩ đến... Dài dòng là dài dòng cho vui, chứ đêm hôm sau thật ra chẳng có gì đáng nói, so với đêm đầu tiên ngủ lạ chỗ, như người ta vẫn nói (nếu ngủ như thế cũng là ngủ), cái đêm đầy những khám phá, ít nữa là đối với tôi, nói trước để lỡ có ai không tìm thấy có gì lạ trong cái tôi kể ra đêm đầu khỏi thắc mắc tự hỏi chỉ có thế thôi mà cũng gọi là khám phá sao...

 

 

5

 

Tôi ngồi ở đây có thật đúng là đã hai ngày, như tôi vừa nói, ai mà biết! Trường hợp cái nhớ của tôi không đến nỗi tệ, tôi có thể nói trên chiếc băng này tôi đã thấy hai lần mặt trời mọc, hay một lần rưỡi gì đó, nếu ta có thể nói như thế về lần mặt trời mọc, bởi vì có những lúc mặt trời mọc rất nhanh, thoắt một cái nó đã dứt khỏi chân trời, tựa như nó cố tình làm ta ngạc nhiên chơi, hoặc cố tình làm ta hốt hoảng về cái mà trong văn chương sách vở người ta gọi là đôi cánh của thời gian, nhưng cũng có những lúc mặt trời mọc kéo dài, dài bất tận, đủng đỉnh đến nỗi dù có biết trước là nó cố tình làm ta sốt ruột để coi chơi (hay ít ra là cố tình làm một trò gì đây), ta vẫn sốt ruột như thường – và như thế, mặt trời mọc một lần rưỡi, như tôi viết, dù chỉ là viết thế thôi (mà chắc gì những thứ tôi viết sẽ còn lại cho ai đọc?), có thể lắm chứ!

Bây giờ tôi nghĩ đến người đàn bà là bạn cũ của tôi, hay có thể gọi như vậy, vì ít ra có một lần cô ta đến tìm tôi ở toà báo, nghĩa là nếu không việc gì tôi phải giấu diếm về việc trước đây tôi đã từng làm báo một thời gian ngắn, ít ra có một lần cô ta đã từng phải ngồi ở phòng khách bên ngoài đợi nhà báo là tôi, để hỏi han gì đó về chuyện mua vé xe lửa, nói rõ hơn là xe lửa ra Bắc, trước khi huỵch toẹt nhờ tôi chạy cho cô, và chạy gấp, một vé bất cứ hạng nào ngày hôm sau, hay chậm lắm là ngày hôm sau nữa, kịp chuyến buôn cuối năm, để còn về với gia đình, nghe đâu là một gia đình hoạ sĩ. Trước đây cô bạn ấy từng ở trong một đoàn xiếc, cùng với hai hay ba người anh em trai gì đó, đều là diễn viên xiếc, và đều là tây lai - điều này tôi tin chắc, vì gương mặt cô đúng là một gương mặt đầm, chín mươi mấy phần trăm là đầm, nếu không bảo là trăm phần trăm, và nếu ta không để ý đến cái nét bụi đời rớt lại trên cái mũi ấy, đôi mắt ấy, mái tóc ấy, cái cười ấy... Nhưng tại sao tôi lại nghĩ đến người đàn bà chỉ sống với tôi, gộp lại trước sau, không hơn một ngày?

Bây giờ tôi đang ngồi trên chiếc ghế băng đóng bằng gỗ tạp đã ngả qua màu trắng của nắng mưa, mặt trời buổi mai chiếu vào mặt tôi, chiếu thẳng, như cố tình để cho người khác thấy cái mặt ngái ngủ của tôi, cái mặt chưa hề rửa từ năm sáu ngày nay, hay có thể hơn thế nữa... Tôi nhìn qua cái vòi nước duy nhất trong công viên, nhìn một cách máy móc thế thôi, không mục đích, vì nếu có mục đích thì đó chắc chắn không phải là để tìm chỗ rửa mặt, bởi lẽ trước đây mấy hôm (hai, ba, hay bốn?) tôi đã thử mở cái vòi ấy, và cái tôi thấy rỉ ra chỉ là những giọt nhỏ tí xíu màu gạch đỏ, một giọt, tôi chờ một lát, hai giọt, tôi chờ một lát, ba giọt, tôi chờ một lát, chờ để giết thì giờ, và cứ thế, một giọt, tôi chờ, hai giọt, tôi chờ, giọt này cách giọt kia đến cả thiên thu, và giọt nào cũng bé tí xíu và cũng một màu gạch đỏ với độ đậm như nhau, hay gần như nhau: có khi tôi thấy cái màu gạch đỏ ấy hình như có nhạt hơn, nhưng liền sau đó lại nhận ra là mình hoàn toàn nhầm lẫn, đến nỗi hơn một lần tôi nghe tôi càu nhàu trời đất, nước rỉ ra kiểu này thì ai mà chờ được. Thế nhưng càu nhàu cũng là càu nhàu thế thôi, rửa mặt hay không rửa mặt, đó đâu phải là vấn đề, và có thể nói từ gần cả năm nay, nói thành thật, tôi chỉ rửa mặt khi tự nhiên thấy vui, ma tôi thì ít khi vui, và cũng có thể nói, do đó, là với tôi rửa mặt là một việc làm tuyệt nhiên có tính tâm lý, nó như những hiện tượng ta vẫn gọi là nổi hứng, là động cỡn...

Khi tôi nhận ra tôi đang nhìn về phía vòi nước, lập tức tôi đổi ngay hướng nhìn. Không, tôi tự bảo, ta không còn thì giờ nghĩ đến những chuyện không đâu như thế này, dù chỉ là nghĩ, ta lại càng không thể tự cho phép bất cứ một liên tưởng lãng mạn nào, trong lúc này, như nhìn vào vòi nước chẳng hạn và (dù không phải nghĩ, mà chỉ là) nhớ đến những lần nổi hứng đi rửa mặt trong năm vừa qua: không, không thể để mình buông thả quá mức như thế trong lúc này, trong lúc phải tập trung toàn bộ trái tim và khối óc chuẩn bị đón chuyến xe lửa mà người ta cho biết bất cứ ngày nào, bất cứ giờ nào, bất cứ phút nào, cũng có thể ghé lại đón khách. Tôi bỗng thấy mình nghiêm chỉnh sửa lại tư thế, y như chuyến xe tôi đang chờ có thể xuất hiện bất cứ giờ nào bất cứ phút nào ngay trước cái nhà ga xép nằm chỉ cách chỗ tôi đúng có mỗi một cái hàng rào đã đổ, thấp lưng chừng, đến độ cỡ người như tôi thôi cũng có thể thoắt một cái nhảy qua mà không sợ phải vướng vào những cành lá khô một màu khó tả, lưa thưa mấy sợi dây gai chằng chịt vừa đủ để ta gọi toàn bộ là hàng rào.

Vậy thì khi quyết định không nhìn vòi nước nữa, để khỏi trôi tuột vào những ý nghĩ vô bổ, ít ra là trong lúc này, tôi đã nhìn vào đâu? Tôi không nhìn vào đâu cả. Hay nói đúng hơn, là tôi nhìn khắp nơi. Hai con mắt giờ đay đã hoàn toàn tự chủ của tôi đảo một vòng, đúng ra là nửa vòng cung phía trước mặt, bởi như thế ta khỏi phải mất công quay cổ, hay quay cả người để rốt cuộc cũng chỉ nhìn thấy những chuyện không đâu vào đâu, và sau nửa vòng cung bâng quơ ấy, như một thủ tục, tôi ghé mắt xuống ngay lòng hai bàn tay tôi, tình cờ lúc bấy giờ đang xoè ra trên đùi tôi, ngay ngắn, hai ngón út chĩa vào nhau và cùng nằm ngay chỗ tiếp giáp hai đầu gối của tôi, và tôi chợt nhận ra không biết từ bao giờ tôi đã tự tập cho mình thói quen chỉ nhìn phía lòng bàn tay, dứt khoát không bao giờ nhìn phía bên kia (người ta gọi nó là gì, tôi không nhớ, nhưng nếu lưng bàn tay không phải là chữ người ta vẫn gọi thì đúng là tôi đã quên thật) để khỏi nhìn thấy những đường cáu ghét dày cộm màu nâu đen viền đều ở mấy đầu móng tay đã nám vàng vì khói thuốc lá, những móng tay mà tôi chỉ cần quên không đưa lên miệng cắn cho mòn năm ba bữa một lần, vừa để giết thì giờ, vừa để làm công tác vệ sinh phòng bệnh, nó mọc tua tủa như những lưỡi dao con, mà tôi thì không muốn cào xé ai khi đưa tay ra bắt để chào nhau, nếu như tôi có vì lý do gì đó mà bỏ được cái tật lớn không chịu bắt tay ai bao giờ. Nói chuyện bắt tay chào, tôi lại nhớ đến cô bạn đầm lai nói trên. Hôm đến tìm tôi ở toà soạn, nghĩa là lâu lắm rồi, khi nhác trông thấy cái người đầu tóc bù xù râu ria xồm xoàm là tôi xắn tay áo từ trong phòng làm việc bước ra, miệng còn ngậm nguyên điếu thuốc lá đen Hoa Mai chưa đốt, cô ta đứng bật dậy cười rất tươi, ôi cái cười đầm rõ là khác cái cười của người mình, tôi nghĩ, và nhanh như một lằn chớp, như đã định trước từ lâu, bây giờ chỉ làm một động tác nhỏ dễ dàng, cô ta đưa tay phải ra bắt, đưa hơi sâu vào người tôi đủ để làm một người dạn dày như tôi phải hết hồn, và nói chắc anh là? em là bạn của, nếu như tôi nhớ không lầm... Thời ấy, thật ra phải nói rõ là cả thời bây giờ, gần nửa đời người, tôi ít được ai xưng em, vì cứ nhìn cái tóc cái râu của tôi, chữ em ai dùng cũng thấy ngại, vả lại, chính bản thân tôi, tôi cũng chưa hề phải xưng anh với ai, có thể một là sợ thân mật quá người ta không muốn, hai là về âm thanh mà nói, tôi vẫn thấy chữ anh rõ ràng không phù hợp vói thói quen phát âm thô kệch của tôi. Nhưng thôi, không lẽ vì mấy cái đường viền cáu ghét ở đầu móng tay mà thật ra tôi không nhìn thấy, mà tôi có thể dài dòng nói về một chỗ quen biết nay đã hoàn toàn trở thành kỷ niệm, người đàn bà sống với tôi, gộp lại trước sau, không hơn một ngày?

Gần đây trí nhớ của tôi có giảm sút đi nhiều so với những năm trước. Đấy là nghĩ thế thì nói thế, tôi không thấy có gì phải phàn nàn về việc này, sinh lão bệnh tử, sống đã đời rồi thì phải già, già đã đời rồi phải bệnh, bệnh đã đời rồi phải chết, có gì khác thường mà phải thắc mắc? Có điều là giữa bốn gian đoạn ấy của một đời người, ắt có nhiều gian đoạn nhỏ khó định rõ là thuộc giai đoạn nào, tỉ như cái thời tôi chuyên bị cảnh sát và quân cảnh rượt, đúng ra phải nói là thấy chúng đâu tôi chạy đó, ở các khu phố trung tâm thành phố mấy năm trước, khi tôi chưa phải là đã già nhưng cũng khó nói là còn trẻ (và nếu như chạy chậm, hay chậm chạy mà tôi bị bắt đem về nha, và nếu chỉ vì không thích cái kiểu mặt của tôi thôi, hay không phải toàn bộ mặt, mà là riêng con mắt, cái mũi, cái miệng, cái chân mày, hay cách ăn nói chẳng hạn, chúng nó lỡ tay đập chết tôi rồi khai là tôi đã có làm cái gì đó có hại đến anh ninh quốc gia, hay có hành động chống đối nhân viên công lực, thuộc loại ăn cơm quốc gia thờ ma vân vân, hay đơn giản là tôi đã tự tử, nếu như trường hợp ấy xảy ra, dù vì lý do gì, và cũng rất có thể là vì một thằng trong bọn đang say rượu chẳng hạn), tôi sẽ xếp nó vào sinh hay tử, hay cả sinh lẫn tử? Bây giờ ngồi đây đợi chuyến xe lửa của tôi, rảnh rang, suốt hơn hai ngày ngồi không không làm gì, thậm chí ăn cũng không uống cũng không (trừ đôi ba lần, ít thôi, không hiểu từ đâu tôi cảm thấy có một tí nước miếng rỉ ra trên lưỡi, tôi thu vào giữa, và nuốt gọn), tôi giải trí bằng cách tìm trong sâu thẳm ký ức một vài chuyện cũ, không phải để thưởng thức chính những chuyện ấy, chuyện của tôi thì làm gì có cái hấp dẫn, mà là để kiểm soát xem khi một người xuống dốc về trí nhớ, hắn sẽ quên cái gì trước cái gì sau, và rốt cuộc cái gì còn lại... Vậy thì khi lục soát ký ức, tôi đã tìm ra được những gì có thể đúc kết để đưa tới một kết luận, như người ta vẫn nói? Tôi không thấy có gì rõ ràng. Những ngày sống ở tỉnh, ngôi nhà nằm ngay bờ sông, con bé sáu tuổi chuyên bắt nạt tôi, ngôi trường bà xơ và những bà xơ mặc áo trắng toát; những ngày trong tỉnh tôi người ta đổ xô ra đường reo hò và gia đình tôi sau đó tản cư về một làng quê có con sông nước trong veo ngày đêm rợp cóng cây, tiếng chày đêm giã gạo, mấy chị hàng xóm có đôi chân trắng hồng, quần hình như lúc nào cũng xắn cao quá đầu gối, lính tây trên đồn xế chiều về bố ráp giữa tiếng la ơi ới quanh xóm rồi rút mất trước khi đêm xuống, ông nội tôi với bộ đồ trắng mỏng nằm trên bộ ván dày vắt chân trước bàn đèn, những bữa canh rau khoai nhạt nhẽo, đi ỉa ngoài đồng chỉ cần lấy cục đất tròn chùi đít rồi nhảy xuống sông bơi trên thân cây chuối; những ngày hồi cư và ngôi trường tiểu học nhỏ sau chùa, con bạn Minh hương có đôi mắt sâu thẳm, trận đau thương hàn mười phần coi như chết hết chín... Những chuyện nhớ đến đâu nhắc đến đó, té ra cho thấy là tôi còn khối chuyện chưa quên, nhắc tùm lum như thế thì nghĩ là nhớ, thế nhưng bảo kể lại có đầu có đuôi, tôi chịu. Tỉ như chuyện cục đất tròn, ngày nào cũng xảy ra, có khi hai lần ba lần trong một ngày, có khác chăng là cái cách tự dưng ta vụt một cái chạy ù ra đồng, bảo phải đem kể lại ngọn ngành, đố ai làm ra thành một chuyện kể, và kể có đầu có đuôi. Đó là thời trước khi cha tôi bị tây bắt trở về nhà, và gia đình tôi tiên phong làm một cuộc Nam tiến tới nơi tới chốn, không dùng dằng. Những gì xảy ra sau đó tôi tin chỉ là chuyện bình thường, và mặc dù tôi luôn bị bạn bè chung quanh cho là sống lập dị, không giống ai, tôi vẫn tin quãng thời gian này ai sống cũng như ai, cái vui buồn sướng khổ hẳn là không đồng đều, nhưng có cái gì trên đời này đồng đều đâu?

Trên đời này có những cái vui thật sự là vui? Tôi lấy làm ngờ lắm. Ngày cha tôi trở về với gia đình chẳng hạn, tôi nói thế cũng là tại có người ưa nói thế, chứ thật tình ai mà biết được người bị tây bắt, hay người tự ý về, hay người tự ý để tây bắt về vân vân, ngày người đã có thể ngồi cùng với vợ con dưới một mái nhà, ăn những bữa ăn ấm cúng không như thời một thân một mình trong vùng kháng chiến, vâng thì ngọn đèn có leo lét đấy, nhưng vẫn là ngọn đèn gia đình, lẽ ra chúng tôi phải đọc được cái vui tột độ nơi người, đằng này không, người ra vào đi đứng thẫn thờ, thẫn thờ cả những lúc ngồi chung với vợ con, như thật ra còn vẫn tiếc rẻ những đêm và ngày mang ba lô đạp xe băng rừng, đường xa nghe đâu có khi đến cả ba bốn trăm cây số hay hơn thế nữa, giữa cái lạnh thấu xương của miền núi, để đi họp bàn về thuế nông nghiệp, tiếc rẻ những khúc sông quá cạn phải vác xe lên vai lội bộ ra thuyền, những ngọn gió mênh mông và những buổi hoàng hôn vùng châu thổ, hay giọng hát của một cô văn công gặp trong một quán nước ngã ba đường, ai mà biết... Nhưng rõ ràng người không vui. Cái cuộc sống hẳn là đơn chiếc, thiếu thốn kia, với người, như về sau nhiều lần không cố tình để mọi người biết mà rồi rốt cuộc không ai không biết, vẫn có cái hấp dẫn, sống nó thì vất vả mọi bề, mà không có nó thì rõ ràng ta thấy nó mất đi một phần đời tự do rất quí... Bây giờ ngồi đây nhớ lại chuyện cũ thật ra không phải là chuyện của mình, tôi có được cái gì không? Có, tôi nhớ được dăm ba chuyện cũ của cha tôi, cũng là một phần gốc gác của tôi đương nhiên, và quên được, dù chỉ là một phần nhỏ, cái nóng đang mỗi lúc một gắt gao trong công viên này, cái nóng ngay trên mặt chiếc ghế băng giờ đây cái quần ướt đẫm của tôi đang để lại hai mảng mồ hôi đen đậm.

 

 

6

 

Có những kỷ niệm và kỷ niệm. Có kỷ niệm đeo đẳng ta suốt cả đời, có khi chỉ cần một cái gì đó dẫn lối, từ cõi xa xăm nào không rõ nó trở về như thác lũ, chiếm hết con người của ta, nó chích ta một cái ngay giữa tim và nheo mắt tinh nghịch nhìn xem khi con người đau khổ, hắn có còn dám mang cái vẻ hung hăng háo thắng không biết người biết ta thường ngày hay không; cũng có những kỷ niệm chỉ có thể gọi là kỷ niệm đơn giản vì không ai muốn mất công đi tìm chữ gọi cho đúng hơn, mà trên đời này đâu phải cái gì cũng phải có riêng một chữ để gọi? Nhưng hãy chớ vội coi thường loại kỷ niệm này. Tuy không có sẵn kim để chích cho ta một cái đau ra hồn như loại kia, nó vẫn có đặc điểm riêng không thấy ở đâu khác, và khi từ đâu xa trở về, nó cũng có cái đem lại cho ta những phút giây hấp dẫn không kém, cái buồn đã đành (người ta chẳng vẫn giễu cợt sự sắp xếp thông minh của ông trời khi cho rằng chính ổng là người sáng tạo ra tiếng oa oa đó sao?) mà cái vui có khi là cái vui đến chảy nước mắt, cũng có khi là cái vui buồn cười đến đứt cả ruột. Nói tới kỷ niệm thuộc loại buồn cười, hay là tôi cũng nên viết thêm mấy chữ về việc tôi làm báo? Thú thật, tôi không phải dân làm báo chuyên nghiệp, mà có lẽ cả với dân chuyên nghiệp, tôi e ta cũng chẳng có gì phải làm ầm ĩ – phải không? Đời sống đẩy đưa, có lần tôi trôi giạt vào một công ty quảng cáo to bằng cái mũi nằm ở đâu đó trên vòng đai thành phố, như chỗ công viên tôi đang ngồi đợi xe lửa đây, nhưng nằm về hướng nào, tôi nghĩ tôi không còn nhớ, cũng không muốn nhớ. Nghề nghiệp mới (có thể nói hay không, rằng tôi từng có một nghề cũ?) thời ấy đã giúp khám phá ra một chút tài ẩn náu trong tôi, những người chung quanh từng ít nhiều quen biết tôi rất ngạc nhiên đã đành, và họ thường không che giấu sự ngạc nhiên ấy, mà phải nói chính tôi tôi cũng chẳng thể nào ngờ: tôi có hoa tay. Thuở nhỏ tôi có nghe cha tôi khiêm nhường tiết lộ la cha ông mấy đời trước của chúng tôi, trước khi bước vào thời khoa bảng danh vọng, làm quan đến chức gì cao lắm trong triều đình mà đầu óc ngày nay của tôi không còn chỗ để nhớ, có người từng làm nghề thợ mã, nhất nghệ tinh nhất thân vinh, người dạy tôi. Phải nói là đến khi có người khám phá ra hoa tay của tôi, tôi mới chợt nhớ tới cái quá khứ xa xăm của dòng họ tôi, và cái nhất nghệ tinh mà ngày nay hình như chưa chắc đã còn lý lẽ để tồn tại. Cái nhớ qua mau ấy, lạ lùng thay, lại chính là cái một thời đã làm tôi thấy tự tin (là điều cho đến nay coi như mất hẳn), và một buổi sáng đẹp trời nào đó tôi đã quên, khi nghe một bà khách hàng trịnh trọng gọi mình là hoạ sĩ, lẽ ra phải không đứng vững nổi, thì tôi lại làm một động tác gì rất giống sự ưỡn ngực, để ló ra mấy sợi lông đen thui dưới cổ chiếc áo rằn ri. Hoạ sĩ sống qua ngày ở cái công ty heo hút như thế cho đến ngày nghe nói là đổi đời, hoàn cảnh mới trước tiên bắt tôi phải khai báo lý lịch, quá khứ hoạt động gì, ở đâu, ai biết vân vân, và thế là, vâng, phải nhìn nhận cái sự thật dễ làm người khác lấy làm chuyện giễu cợt này, tôi trở thành hoạ sĩ trăm phần trăm, và do không hề dính dáng đến những người xấu trước đây, hay do nhiều hứ khác gộp lại không chừng, tôi được điều đi làm báo. Nếu không làm mất thì giờ người khác nhiều quá, riêng tôi thì hiện coi như có nhiều thì giờ, tôi sẽ nói là trong toà soạn tuy tôi thuộc ban hoạ sĩ, làm công việc nghe rất kêu là nghệ thuật, khó mà xác định được tôi là ai. Công việc trong ban với tôi dù sao cũng không phải là khó, có thể nói tôi đã quen, cái gì tới tay tôi, tôi làm như máy. Nhiều người chắc hẳn là cùng nghề, từ xa đến viếng chỗ tôi, người ta bảo tham quan, nghe đâu là để nắm tình hình, đã tuyên bố tôi tuy không được học theo trường lớp, không được đào tạo chính quy, họ nói, nhưng làm được những việc rất chính quy và có tay nghề cao, tôi thực tình chẳng hiểu được là khen hay chê, thời buổi này khen đó chê đó, tôi đã hết quan tâm. Nhưng riêng tôi, cho phép tôi tự khen: những lúc có dịp nhìn lại những tấm ảnh tôi tút, vâng, có thể ít ai nghe nói tới nghề tút hình, nhưng tôi có thể bảo đảm tút hình là một nghề, hơn thế, như tôi vẫn nghe chung quanh người ta nói, là một nghệ thuật, vậy thì những lần nhìn lại những hình tôi tút, thêm một tí râu cho vị này, bớt một tí tóc cho vị kia, anh ca sĩ này chưa già, không thuộc diện đủ tiêu chuẩn để râu, tôi tút, anh kia đạp xích lô không thể vì trời nóng mà thoải mái đánh trần ra như thế, nhất là khi trả lời phỏng vấn của nhà báo, tôi tút, ông lớn nọ đôi chân mày đậm, trông dữ quá, thủ trưởng bảo: tôi chịu trách nhiệm, anh tút bớt cho tôi..., tôi không khỏi ngạc nhiên về tài làm đẹp của mình. Tôi nhớ có lần người ta đem đến cho tôi hình một bác sĩ giỏi, cái hình nom trẻ và ngây thơ như một cậu học sinh trung học, và bảo tôi phải tút gấp cái hình (cha gàn này mấy mươi năm lo làm việc, không có dịp chụp hình, giờ lại không chịu để ra mấy phút chụp cái hình mới! họ nói) để kịp ngày hôm sau đưa lên báo, tút cho nhiều vào, sao cho ông bác sĩ già hơn khoảng hai chục tuổi, thế là các người không hiểu từ đâu xúm lại bu quanh tôi, người này một ý kiến, người kia một ý kiến khác, may quá, sau phiên chợ góp ý, tôi đã hoàn thành cái hình lịch sử: vị bác sĩ tại chỗ giờ đây đạo mạo, tuy ít giống mình, nhưng vẫn giống một ai đó quen quen... Mặc áo cho người này, cạo râu cho người kia, bớt tóc cho người nọ, tôi đâm ra trở thành cái mà tôi nghe người ta gọi là chuyên gia!

Tôi có nên trở lại cuộc viếng thăm của người bạn đầm lai ở toà soạn, cái lần tôi xắn tay áo trong phòng làm việc bước ra, miệng còn ngậm điếu Hoa Mai đen chưa đốt, và giật mình nghe có một người nữ xưng em với mình, xưng ngọt xớt? Không, con người đã thay đổi của tôi bỗng tỉnh táo bảo tôi, không, quá khứ là quá khứ, chuyện gì đã qua cho qua luôn...

 

 

7

 

Buổi chiều đầu tiên tôi đến công viên này chờ chuyến xe lửa đi qua, cảnh vật đang sáng rỡ, đàng sau những mái nhà thấp chân trời còn ửng một chấm đỏ hồng, nhìn từ xa trông như một vết bỏng mới toanh, mọi thứ đều vàng óng một màu nắng tươi, cây lá, bãi cỏ, vách tường, mái nhà, cột đèn, xe cộ và người qua lại ngoài kia, vân vân, tất cả đều rung theo hơi nóng cuối ngày ở một vùng đất có thể kể là xa thành thị, đột nhiên trời như sụp xuống trên đầu, trong chớp mắt chung quanh tôi cả khoảng không gian bỗng tối sầm, rồi rất nhanh, giữ lúc chẳng ai có thể suy đoán, một cơn gió mạnh từ hướng sông thổi vào, hất tung những đám lá khô trong công viên, những đám lá nâu đậm hẳn là đã nằm rạp dưới đất từ mấy ngày nay, hay hơn thế nữa, bây giờ cuộn tròn trên không trung lẫn vào đám lá vàng trên cây bay tơi tả, lá cũ và lá mới lao xao, lấm tấm hai sắc vàng và nâu phủ kín cả trời đất, và chính trong khi tôi ngẩn ngơ trước cái chuyển động bất ngờ của âm thanh và màu sắc ấy thì bỗng từ đâu không rõ tạt vào ngay mặt tôi, như một cái tát, cái tát từ phía bên trái có lẽ, nếu tôi không nhầm, một cái gì có thể gọi là nặng mà cũng có thể gọi là nhẹ, chỉ vừa nghe rát một bên má và ngửi thấy mùi ẩm của giấy tái sinh, tôi đoán ngay là một tờ báo cũ. Một tờ báo cũ với tôi trong lúc này không phải là một tờ báo cũ với tôi bất cứ lúc nào: vừa đoán đây là một tờ báo, không để cho một phần giây trôi qua, tôi vội đưa ta, cả hai tay, chụp vào mặt, giữ không để cho nó cuốn theo gió. Mùi ẩm của mấy trang giấy cũ lẫn với mùi mực in hẳn phải thuộc loại rẻ tiền ngửi thấy rõ ràng là nặng hơn, vì toàn bộ cái tát ấy bấy giờ nằm ngay mũi tôi, nhưng tôi vẫn đột nhiên cảm thấy khoái cái khoái của sự nhanh tay, đã đành, mà còn nghĩ ôi chao, lâu quá không biết tin tức thời sự, không biết ai còn ai mất, ai chết ai sống, ai bị xe cán phải vào nhà thương, ai đi xe cán chết người phải vào khám, ai đi xem đá bóng bị say nắng bất tỉnh, ai đá bóng bị treo giò nửa năm vì thiếu tinh thần thể thao xã hội chủ nghĩa, đã đốn cầu thủ đội bạn té bất hợp lệ còn lén cắn vào chân họ, vân vân. Nghĩ là nghĩ thế, nhưng khi mở tờ báo giấy đã ngả vàng, mà thật ra nó cũng đã tự mở trước khi tạt vào mặt tôi, không phải vậy sao, tôi chỉ còn thấy một khoảng đen nhạt không đều hình chữ nhật nằm hơi chếch một bên trang, bên phải thì phải, chung quanh là phần chữ đã gần như bạc trắng, hoàn toàn không đọc được, trừ một vài đốm đen mà cố gắng lắm tôi mới có thể đoán một vài (không phải là nhiều) chữ cái không sao lắp vào được với nhau. Ngay khoảng đen nhạt không đều nhau, mà ta có thể đoán không có gì khó là một cái ảnh chân dung của ai đấy, tôi thấy lấp ló một con mắt thật dữ tợn, thoạt đầu mất bình tĩnh tôi tưởng đâu con mắt đang kiếm chuyện với tôi, hay đang thắc mắc về sự hiện diện của tôi ở chỗ đất này của quận, như sắp hạch hỏi và đòi xem chứng minh thư, giấy đăng ký lao động xã hội chủ nghĩa hay giấy đi đường có dán hình của tôi, hay đơn giản là hỏi tôi công tác ở đâu, vân vân, nhưng không lâu sau đó, bao lâu tôi không nhớ rõ, ba giây, bốn năm giây hay lâu hơn chút xíu, tôi tỉnh trí, và nhớ ra đây là tờ báo cũ, và con mắt kia, hay là cái mặt người tôi không nhìn thấy toàn hình kia, chỉ là tờ giấy, và là tờ giấy cũ mèm đã ngả vàng một cách thảm hại: nếu cần, tôi có thể vò nát nó và liệng xuống đất rồi đưa chân dí dí hai ba chục cái cho nó đi đời... Nhưng không, tôi đã không làm như thế. Tôi gấp tờ báo làm tư, theo đường gấp có sẵn, và khi nhìn thấy con mắt dữ tợn nhìn tôi, bấy giờ không còn hoảng hốt như trước, tôi định vị trí của cả mặt người trên trang báo, kịp nhận ra là con mắt kia, con mắt còn lại, nằm ngay ở đường gấp thẳng đứng, nhoà theo vết trầy của đường gấp, và tôi nghĩ: a thì ra con mắt trông dữ tợn chỉ là vì cả khuôn mặt bị tước mất con mắt kia, và thế là tôi để mình bị cuốn hút vào những suy nghĩ triết lý trên trời dưới đất, cho đến khi chính cái người tưởng mình đang khám phá ra một quy luật nào đó của cuộc đời khám phá là mình không đang khởi sự khám phá ra gì hết... Và tôi chạy đi tìm một cục đá to cẩn thận chặn lên tờ báo gấp tư, ngay dưới chân mình, để biết đâu có khi cần dùng tới, tôi tự nói, và tự cười, cười mỉm thôi, vì thích thú nghĩ tới cơn gió đột ngột đến một cách vô duyên thế mà vẫn có khả năng sẽ có dịp giúp ta khi ta cần. Khi cái vui bắt đầu dẫn tôi đến chỗ triết lý lung tung về con người luôn cần tới một người nhỏ hơn mình vân vân, dù đây không phải là con người mà chỉ là tờ báo cũ giấy đã bị ngả vàng một cách thảm hại, tôi tốp ngay, tự kiểm điểm và ra lệnh cho chính mình: không lan man vào chỗ lãng mạn không tưởng, không phiêu lưu vào chỗ trừu tượng tiểu tư sản, đả đảo chủ nghĩa hiện đại, và nếu không lầm, tôi còn nghe chính mình gằn giọng, phải sống thực tiễn! mặc dù tôi không hiểu sống thực tiễn là gì.

 

 

8

 

Không, tôi thức dậy không phải vì tiếng còi xe. Giờ này của đêm, tôi nghĩ khuya đã qua từ lâu, một người ít văn minh nhất, hoặc ưa gây gổ, ưa làm khổ người khác nhất, hoặc chỉ đơn giản là tinh nghịch nhất, mà những loại người này thì ta gặp lan tràn chung quanh ta – trong nhà, ngoài phố, trong các cơ quan nhà nước, ở các trung tâm văn hoá, các giảng đường đại học, các tổ chức xã hội, các hiệp hội, đảng phái, thậm chí ở những tụ điểm giải trí – cũng không thể làm cái công việc vô bổ là bóp còi xe trong đêm, mà có phải ai cũng có thể có cái xe để mà bóp còi đâu! Vậy thì có thể một con muỗi đã bay qua, tôi vội vàng kết luận cho đỡ mất thì giờ, mặc dù thì giờ tôi có nhiều, một con muỗi thường thôi, không hẳn phải là muỗi sốt xuất huyết, như nhiều người vẫn gọi, đã tình cờ bay qua, tiện thể gặp một con người to kếch xù, nghĩa là to so với nó thôi, bèn nhận định tình hình lương thực thực phẩm chung quanh, tôi muốn nói trong công viên, tất nhiên nó tham quan khắp thân thể tôi để nắm, để tìm cho ra một ưu điểm, xét trên cơ sở gì đó, và bằng cách nào đó chính nó cũng kết luận rất mau, rằng đây là con mồi thiếu máu, không đáng phải dừng lại lâu. Hay là ta chích một cái chơi? Nó tự hỏi, và tiện thể nó chích một cái thật, chỉ là chích chơi thôi, rồi nghiêng đầu nhìn cái giật mình của tôi và thích thú cười, nhưng tôi không nghe tiếng cười của nó, vì có ai trên đời này đã từng nghe tiếng muỗi cười? Thật ra, không nói thì ai cũng đã biết, đây chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, hoàn toàn tưởng tượng, nếu có sự trùng hợp với một hoàn cảnh nào đó của ai đó, xin hiểu là ngoài ý muốn của tôi. Có nghĩa sự việc có thể gần như chắc là không diễn ra như tôi đã viết, vì ngoài cái giật mình qua rất mau, mau hơn cả một làn chớp, nếu tôi tính không sai, và không để lại một dấu vết nào cho thấy tôi vừa bị chọc phá một cách cố tình, không có bằng chứng cho thấy đã có tiếng còi, cũng không hề có con muỗi nào... Có thể tôi đã nương vào giờ khắc mà không nghĩ ra vẫn còn có một khả năng khác, một con ruồi chẳng hạn, bất chấp bóng đêm, một cách bất thường, hoặc đơn giản là nó tình cờ không ngủ được, đã bay đến đậu ngay trên mặt tôi, con người sẵn ngủ không ra ngủ, thức chẳng ra thức, khều nhẹ vào cái lỗ mũi tôi, chắc chắn tôi không thể nào đoán được lỗ bên trái hay lỗ bên phải, và chính mấy sợi lông mũi dài một cách bất thường của tôi bị xáo trộn đã đâm túi bụi vào thành bên trong lỗ mũi, và thế là tôi giật mình thức dậy. Việc trước tiên khi mở choàng mắt, là tôi nghĩ đến tiếng còi xe, có thể là không đúng, tiếp đó là con muỗi, có thể cũng trật luôn, và như thế chỉ còn con ruồi, mà nghĩ đến khả năng gần hơn hết với diễn tiến thật sự, tôi vẫn nhìn thấy một khả năng rất mong manh.

Đúng là tôi ngủ không ra ngủ, thức chẳng ra thức. Có thể nói tôi ngủ liên miên, ngủ tối ngày, mà vẫn không ngủ gì cả, bởi lẽ tôi không thấy có gì khác giữa thức và ngủ, không thấy có gì khác giữa mở mắt và nhắm mắt: có người mắt vẫn nhắm mà kỳ thực gần như không có một cái gì có thể xảy ra chung quanh (có khi xa tít mãi đâu ngoài biển, trên rừng, bên Tây bên Tàu, bên Mỹ bên Nga) mà họ không biết không thấy; cũng có người mắt ráo hoảnh, mở tối ngày, mở to đến độ như là trừng vào mặt người khác, như muốn ăn tươi nuốt sống người trước mặt mình, như muốn dò tìm xem người ấy nhà cửa có cái gì còn trưng dụng thêm được không, chẳng hạn, vẫn coi như không thấy không biết, không hiểu gì cả. Để nhắc lại con ruồi của tôi, có thể nói, nhưng không bắt buộc phải hợp lý, là có những người ngủ mà một con ruồi bay qua cũng biết. Ngược lại, mà thôi, những người loại kia nói làm gì nữa, quên họ đi cho khỏe, khỏe người khỏe ta, một sự nhịn chín sự lành, người ăn thì còn con ăn thì hết, chén rượu lạt để bên chồng chén rượu nồng để bên..., mà thôi, đã đành con người ta có óc để suy nghĩ, nhưng tôi sẽ không suy nghĩ làm gì cho mệt óc! Vậy thì dù sao, vẫn có thể coi như tôi ngủ tối ngày. Những lần tôi thức giấc, mà những lần tôi thức giấc giữa công viên này thì đố ai mà đếm được, tôi nhìn cảnh vật chung quanh một lượt, như để biết chắc là tôi còn ở nguyên chỗ cũ, trong công viên, càch nhà ga một cái hàng rào thấp, tôi vừa nhận định vừa nói cho chắc, yên trí không bị đưa đi đâu khác vì sự an toàn của tôi hay của ai đó, kiểm soát xem cái túi vải đỏ có còn bên mình hay không (chỉ là kiểm soát bên ngoài thôi, vì nếu có ai để ý và cuỗm nó đi thì cũng chỉ là vì cái bên ngoài, bên trong thật ra có gì đáng giá với họ đâu?) và trở lại công việc của mình: đợi chuyến xe lửa mà dù sao tôi vẫn tin là sẽ tới, sớm muộn gì cũng sẽ tới, hôm nay, hay ngày mai...

Tôi sẽ còn chờ đến bao lâu, tôi không biết. Buổi trưa nắng như thiêu đốt, mồ hôi tôi ra như tắm, áo quần dính chặt vào da (nhìn qua áo tôi thấy rõ cả cái sẹo bự màu nâu kéo dài từ giữa ngực xuống lưng chừng bụng, mấy sợi lông chằng chịt quanh đầu vú, và cái lỗ rốn đen thui to bằng năm xu cũ), tôi vẫn ngồi, đúng ra là nửa ngồi nửa nằm, trên chiếc ghế băng và làm công việc duy nhất quan trọng của mình là chờ đợi. Bảo rằng nắng như thiêu đốt có lẽ cũng hơi cường điệu, tôi không phải là không biết thỉnh thoảng, năm thì mười hoạ, có một cơn gió thoảng qua, gió nóng thôi, nhưng vẫn là gió, nếu nó không làm cho ta bớt thấy bức, cái bức của nó cũng thuộc loại bức khác, và ít ra trong đầu ta cũng còn giữ lại được một cái gió đầy quyến rũ, cái gió tâm lý, có thể nói vậy chứ, cái gió năm thì mười hoạ dù sao cũng dư sức giúp tôi càng lúc càng dễ ngủ hơn, và trước khi lấy tay rứt ra khỏi da những chỗ áo quần mồ hôi dính nhờn nhợt, tôi còn kịp nghĩ thôi ta ngủ đây, ngủ một tí thôi, để lấy lại sức...

Có phải tôi đã nghe mấy tiếng chim hót, mấy tiếng còi của công an, hay những tiếng gì tương tự, những tiếng sáo, nói chung là những âm thanh mơ hồ kéo dài và dứt ngay ở chỗ bất ngờ nhất, với tôi không có gì quan trọng, không có gì đặc biệt, đến nỗi hình như tôi đã trở người một nửa vòng, đã định ngủ thêm một tí nữa, để lấy lại sức? Tôi không nhớ. Bây giờ, có thể nói là tôi không muốn nhớ gì cả. Nhưng không muốn nhớ là một chuyện, nhớ lại là một chuyện khác: tôi vừa trở người một nửa vòng, xoay qua hướng ít bị nắng chói hơn, định lần này sẽ cố ngủ một giấc dài ra trò để tối nay, vâng, rất có khả năng là tối nay, khi bước lên xe lửa, tôi có thể thấy thoải mái dễ chịu đi vào cuộc sống mới của mình, cuộc sống mơ ước, thì đột nhiên như có một cái gì thúc tôi đứng dậy, đứng dậy chứ không phải chỉ ngồi dậy đâu nhé, một cái gì bảo tôi khỏi phải nhìn qua nhà ga, rõ ràng có một cái gì cho tôi biết là đã qua rồi những lúc tôi phải giương hai con mắt ngái ngủ nhìn qua nhà ga chờ đợi, nhà ga bây giờ đã lùi về phía sau, đã thuộc về quá khứ, và tôi thì chỉ trong vài cái chớp mắt đã bước qua một bước khác trong cuộc hành trình kéo dài vô tận nhưng đến nay vẫn chưa bắt đầu...

 

... Khi tôi ngẩn ngơ nhìn theo cái chấm đen nhỏ xíu với một chút vệt xám tro nhạt rung rinh trong nắng, nhỏ dần và mất hẳn sau một khúc quanh, chỗ ló ra một rặng cây màu xanh, hay một màu tương tự, tất cả không lớn hơn một đầu ngón tay của tôi khi tôi xoè nguyên bàn tay ra trước mặt, tôi hiểu là như thế tôi phải bắt đầu tất cả lại từ đầu, và ngay cái giây phút tuyệt vọng đó, ngay cái giây phút người ta có thể đập đầu vô đá đó, tôi nghe có ai nói với tôi, hoặc chính tôi nghĩ, hoặc chính tôi nói không chừng, một nội dung thật là vô nghĩa, vang lên như một lời hăm doạ giễu cợt: cũng tốt thôi!

 

Thành phố Hồ Chí Minh, 10.1987.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021