thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Marcel Proust – Cuộc đời thí nghiệm trong tác phẩm

 

 

Marcel Proust – Cuộc đời thí nghiệm trong tác phẩm

 

"...écrire un roman ou en vivre un
n'est pas du tout la même chose, quoi qu'on dise.
Et pourtant notre vie n'est pas séparée de nos œuvres"
MARCEL PROUST

 

Mùa đông năm 1870 đối với những thị dân thành phố Paris là một mùa đông buồn thảm, đói rét. Sau hơn bốn tháng bao vây và phong tỏa, mùa xuân năm sau quân đội Đức quốc tiến vào thành phố, rồi tháng 5 năm 1871 phải rút lui, để lại một Công xã hỗn loạn trong “tuần lễ đẫm máu”. Một vài khu phố ở Paris bị tàn phá và cháy rụi vì những loạt bom và những trận đánh tiếp diễn đã biến thành những đống gạch ngổn ngang bốc khói. Trong cảnh hỗn loạn và đổ nát đó, một buổi sáng khi cuốc bộ đến bệnh viện làm việc, ông Adrien Proust, bác sĩ trưởng bệnh viện Charité, giáo sư thạc sĩ tại Y khoa Đại học đường, bị một viên đạn lạc sướt ngang suýt gây thương tích. Biến cố trên làm bà vợ trẻ của ông là Jeanne Weil, gốc người Do thái, hoảng sợ và quyết định ra tạm trú ở Auteuil, một ngôi làng ngoại ô mà chiến tranh chưa lan tới. Chính trong ngôi nhà thơ mộng nằm giữa đám cây lá phủ xanh kín cả một khu vườn rộng của Louis Weil, người chú của bà, chính trong ngôi nhà mà sự thanh bình yên tĩnh đồng quê hình như vẫn chưa làm bà quên hẳn được những cuộc tàn sát đẫm máu ở Paris, bà đã cho ra đời đứa con đầu lòng ngày 10 tháng 7 năm 1871, đứa con mà sau này bà sẽ hết sức nuông chiều, hết sức dạy dỗ: Marcel Proust.

Sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu trí thức, tiểu sử của Proust là tiểu sử xủa một kẻ giao du rộng rãi, của một nghệ sĩ, và cũng là một bệnh nhân.

Khi tình hình chính trị đã lắng dần, không khí lửa đạn đã lùi xa, sinh hoạt ở Paris đã trở lại bình thường, bà Adrien Proust thu xếp đem con trở lại toà nhà sang trọng cũ số 9 đại lộ Malesherbes, cạnh nhà thờ Saint-Augustin, với “gác chuông màu tím, đôi khi màu đỏ nhạt, khoác cho cảnh vật Paris đặc tính của những cảnh vật ở Rome của kiến trúc sư Piranesi”. Chính trong toà nhà này cậu bé Marcel đã lớn lên, đã bắt đầu chịu sự chăm sóc dạy dỗ rất chu đáo của hai người đàn bà thông minh rất mực hiền dịu đã ảnh hưởng sâu xa Proust-con-người cũng như Proust-nhà-văn: đó là bà Nathée Weil, bà ngoại của cậu, vốn thích âm nhạc và văn chương, đặc biệt là văn chương Pháp thế kỷ 17, và chính mẹ cậu, là người thông hiểu nhiều thứ tiếng: La-tinh, Hy-lạp, Anh, Đức... Trong khi bác sĩ Adrien Proust xả thân cho một sự nghiệp mà ông muốn phải cao cả, thì hai người đàn bà nói trên vẫn tiếp tục đánh thức nơi cậu bé Marcel những ý thức tế nhị và phát triển óc thông minh của cậu đến mức phi thường. Tham vọng chính của hai bà là đào tạo tâm hồn cậu bé: đàng sau thân hình mảnh khảnh ốm yếu đó phải nổi bật lên một bộ óc khiêm nhượng và biết hi sinh đẹp đẽ, những tình cảm và những tư tưởng cao quí.

Lúc mới sinh cậu bé Marcel đã rất ốm yếu, đến nỗi không ai tin cậu có thể sống được. Năm lên chín tuổi, trong một cuộc dạo chơi ở Rừng Boulogne trở về, cậu bé bỗng bị một cơn nghẹn thở khủng khiếp. Từ ngày đó, cậu không còn giống như tất cả những đứa trẻ khác nữa, cậu không còn được phép chạy nhảy, không còn được phép đùa chơi thỏa thích, và cũng từ ngày đó, cuộc sống của cậu bắt đầu biến đổi, tính dễ cảm xúc nơi cậu xuất hiện mạnh mẽ, và dĩ nhiên cùng với tính dễ cảm xúc đó, bản chất ủy mị mềm yếu cũng bộc phát rõ rệt. Những người chung quanh bắt đầu chăm sóc cậu cẩn thận hơn, cố tránh cho cậu mọi phiền phức, mọi lo âu, mọi bất bình. Và riêng đối với bà mẹ yêu quí, những sự chăm sóc quá đáng của bà thật là một sự đền bù, bởi vì cái bản chất ủy mị và sức khoẻ mong manh của con bà, theo bà nghĩ, đã bắt nguồn từ những nỗi lo âu sợ hãi của bà khi còn mang thai, trong những ngày Paris bị vây hãm. Chính những sự săn đón quá nồng nhiệt đó đã nuôi nấng nơi cậu bé Marcel một thứ nhu cầu tình cảm quá độ, có thể nói là bệnh hoạn, và trong khi ý chí dần dần bị hủy diệt một cách nguy hại, thì đồng thời tính bất định lười biếng, thường hay buông trôi mọi việc phải làm của cậu bắt đầu làm cha mẹ lo ngại.

Những giờ đi ngủ khó khăn của nhân vật xưng “tôi” trong Du Côté de chez Swann cũng như của thiếu nữ ngôi thứ nhất trong truyện ngắn Les Confessions d’une jeune fille của cuốn sách thời trẻ tuổi Les Plaisirs et les Jours chắc hẳn đã diễn tả thực thứ nhu cầu tình cảm bệnh hoạn của cậu bé Marcel, mỗi đêm trước giờ ngủ phải nằm thao thức chờ mẹ đến hôn, và lúc nào cũng muốn ở trong tình trạng ốm đau để được mẹ nuông chiều, được mẹ săn sóc nhiều hơn nữa.

Nhưng bốn bức tường lát đá trong một bối cảnh thượng lưu quá tiện nghi của toà nhà số 9 đại lộ Malesherbes, dù có thương yêu mấy chăng nữa, một ngày kia đối với cậu bé cũng sẽ trở nên quá xa cái Thiên đường mà cậu vẫn mơ ước. Thiên đường bấy giờ của cậu là khu vườn của người dượng Jules Amiot ở Illiers (một thành phố nhỏ cách Chartres 25 cây số, quê hương của dòng họ Proust) nằm trên bờ sông Loir, nơi cả gia đình cậu thường đến ở lại chơi trong những vụ hè, và khu vườn của nhà Louis Weil ở Auteuil, nơi cậu sinh ra, và cũng là nơi ngơi nghỉ của cha mẹ cậu mỗi khi vì bận công việc bác sĩ Proust không thể đi xa Paris hơn – hai khu vườn rợp bóng lá cây mà cậu bé Marcel thường ưa ra ngồi mơ mộng hoặc đọc sách suốt cả buổi.

Chính Illiers và Auteuil sau này sẽ được Proust dùng để tạo một thế giới thơ ấu và làm bất diệt dưới tên Combray trong La Recherche, và những kỷ niệm ở Auteuil, như những buổi ngắm trăng, những cuốn sách về thiên văn mà cha mẹ mua cho cậu, biến cố chiếc hôn buổi tối (khi mẹ cậu bận tiếp khách không lên phòng hôn cậu như mọi bữa, và cậu đã phản ứng lạ lùng làm mọi người phải kinh ngạc), cũng như những kỷ niệm ở Illiers, căn phòng ngủ của cậu, những người bạn đến viếng thăm, dì Elisabeth Amiot, đứa tớ gái Ernestine, Mục sư Marquès, những thói quen của người dượng, cái chuông báo ở ngoài cổng rào, nhà thờ Saint-Jacques, con đường đi đến khu vườn Pré-Catelan, và con đường từ khu vườn đó trở về nhà mà cả gia đình cậu thường theo mỗi buổi hoàng hôn để kéo dài cuộc dạo chơi, đường đi đến Méséglise, hai bên bờ sông Loir, tất cả những kỷ niệm, những hình ảnh hầu như đều đã được Proust chuyển qua tác phẩm một cách nồng nàn say sưa, dù đó là những tác phẩm đã quá hoàn thành như La Recherche, đã được tác giả kín đáo nâng niu như Jean Santeuil, hoặc chỉ là những truyện ngắn, những đoản văn đầu tay trong Les Plaisirs et les Jours.

Năm lên mười một tuổi, cha mẹ cho cậu vào trường Trung học Condorcet, và cậu được nhận vào năm thứ hai (classe de cinquième). Tình trạng sức khoẻ không cho cậu đi học đều đặn, sự có mặt bất thường, hiếm hoi của cậu tiếp tục cho đến năm thứ năm (classe de seconde) thì cậu phải ở lại lớp. Lần này sức khoẻ có vẻ khả quan hơn, cậu học rất mau tiến, và lên năm thứ sáu (classe de première) một cách dễ dàng. Ở lớp này cậu được gặp một số giáo sư giỏi, đặc biệt nhất là ông Gaucher, người dường như sinh ra để đánh thức những thiên hướng nơi đám học trò, tôn sùng “tự do chủ nghĩa”, và cũng là người thường bị các vị thanh tra để ý rất nhiều. Cậu học trò năm thứ sáu phấn khởi nhờ đầu óc tiến bộ và rộng rãi của vị giáo sư này, và bắt đầu viết theo lối những nhà văn mới, với lối hành văn “ấn tượng”, sắc bén mà hơi làm dáng, như Jules Lemaître[1] chẳng hạn. Ông Gaucher không ngăn cấm, thế nên trong nhiều tháng liền cậu bé Marcel có dịp đọc các bài văn mình làm ở lớp cho các bạn nghe, và nếu có nhiều người khó chịu phản đối thì cũng có một số đông rất hoan nghênh. Cuối năm học (tháng Bảy, 1888) cậu học sinh Marcel Proust được giải thưởng hạng nhất về luận văn.

Proust bắt đầu hiểu được chủ nghĩa tân tiến đã đánh dấu đường đi của mình, và viết cho một người bạn: “Cái điểm chung mà chúng ta cùng có với một vài người khác, là chúng ta hiểu biết một chút ít về văn chương hôm nay, và chúng ta yêu nó”.

Những ngày hè cậu thường theo bà ngoại về nghỉ trên những bãi biển trên bờ Manche: Trouville, Dieppe, và sau này là Cabourg. Từ khung cửa sổ của căn phòng cậu thường có dịp ngắm “những chóp biển xanh không có tên trên một bản đồ địa dư nào cả”.

Từ những nơi nghỉ hè thanh lịch, nhất là bãi biển Cabourg mà năm 1891 Proust có dịp trở lại – bãi biển Cabourg với những dãy nhà cao và đẹp, với sân đánh cầu Anh, với những khách tao nhân, những chòi trình diễn nhạc, những buổi tiếp tân rực rỡ – Proust đã sáng tạo ra bãi biển của ông với một cái tên nghe rất thơ mộng, rất gợi hình: Balbec.

Sau các buổi học, vào những ngày chủ nhật hoặc những chiều thứ năm, cậu thường đến chơi ở Champs-Élysées hay ở hoa viên Monceau, bên cạnh những vòng đu quay ngựa gỗ, những sân khấu múa rối, những quán nhỏ bán kẹo bánh. Cậu Marcel thường gặp ở đấy một đám bạn bè trai và gái cùng lứa tuổi, nhưng vì sức khoẻ, cậu không thể cùng chạy nhảy vui đùa với chúng được: ngược lại cậu say mê trong những cuộc chuyện trò hàng giờ với một vài người bạn khác, trong số có hai chị em Lucie và Antoinette Faure là hai người cậu đặc biệt thích hơn cả.

Những thiếu nữ gặp gỡ trong thời gian này, cùng với Marie de Bénardaky, cô gái mà Proust bắt đầu yêu hồi mười lăm tuổi, sau này đã đi vào La Recherche trong những nét mặt và dáng điệu mơn mởn đương thì của Gilberte Swann.

Chính trong những năm đầu ở Condorcet, “nhu cầu tình cảm” nơi Proust đã biểu lộ rõ rệt giữa đám bạn trai của mình. Bạn bè cậu có nhiều người kinh ngạc trước sự niềm nở thân mật, trước lối tỏ tình nồng nàn và đòi hỏi một tình bạn tuyệt đối trung thành của cậu, đến nỗi một số đã đâm ra khó chịu bực mình. Chỉ một tiếng nói êm đềm, một cử chỉ thân ái nhỏ cũng đủ làm cho tâm hồn tràn đầy tình cảm của cậu học trò Condorcet thấy rộn ràng, tin yêu. Ngay dạo đó, cậu hiểu được tính dễ cảm xúc của mình thật là lố bịch, cậu lấy làm khổ sở, và khi lên đến lớp Triết, cậu viết cho giáo sư Triết của mình một bức thư, thú nhận giai đoạn cậu cố sống thu mình, bắt đầu từ năm mười lăm tuổi – năm thứ tư ở Trung học – nhưng qua mười sáu năm, tình bạn đam mê vẫn tiếp tục và thúc đẩy cậu đến chỗ tuyệt vọng, dù cố gắng theo đuổi những sinh hoạt trí thức cậu vẫn không thấy được ở đó những nguồn vui sâu đậm dạo trước. Giáo sư Triết của cậu, ông Alphonse Darlu, theo lời những người từng quen biết ông, đúng là một triết gia, và ông đã dành hết tất cả những gì quí báu nhất của ông để đem dạy học trò. Là người duy lý, ông chống đối thuyết hoài nghi lúc đó đang thịnh hành, chống duy vật, chống phái văn chương thiên nhiên. Triết lý của ông đã ghi lại nơi Proust một ấn tượng sâu đậm, và cuối năm đó Proust được giải thưởng hạng nhất về bài luận Triết và đỗ Tú tài năm 1889.

Cũng trong thời kỳ Trung học, vào năm phải học lại lớp (classe de seconde), Proust đã cùng Daniel Halévy, Fernand Gregh, Robert de Flers, Robert Dreyfus, lập thành một nhóm văn nhỏ, và cho ra những tạp chí viết tay tuần tự lấy tên Lundi, Revue de Seconde, Revue Verte (1887), Revue Lilas (1888). Chính ở bước đầu này, trong những tạp chí nhỏ nói trên, người ta đã tìm thấy được những cảm tưởng rất mới về kịch nghệ, về văn chương của Proust.[1]

Sau khi đỗ Tú tài, Proust lợi dụng năm cuối cùng chính quyền còn áp dụng “tình nguyện quân dịch một năm”, xin thi hành nghĩa vụ trong Liên đoàn bộ binh 76 ớ Orléans, và đến tháng Mười 1890 sau thời gian một năm không lấy gì làm khó nhọc, ông giải ngũ. Mặc dù chỉ thích văn chương và triết học, Proust vẫn phải tuân ý muốn của cha – bác sĩ Adrien Proust muốn con theo ngành ngoại giao – và tháng Giêng 1890 ông ghi tên vào Đại học Luật khoa, cùng lúc đó thỉnh thoảng ông cũng theo dự các buổi học ở Trường Chính trị học. Ông học hành không mấy thích thú, thế nên năm 1892, sau khi bị thi rớt phần hai cử nhân, ông mới quyết định cố gắng thật sự để rồi năm sau đó ông đỗ cử nhân Luật và đối diện với những quyết định mới.

Nhưng ý kiến của ông, một lần nữa, lại vẫn đi ngược lại với ước muốn của cha. Trong lúc bác sĩ Adrien Proust muốn ông theo đuổi ngành luật thì ông lại vẫn trung thành với những ý kiến đầu tiên: sau mười lăm ngày tập sự, cái nghề mà cha ông vẫn mơ ước cho con, cái nghề mà chính ông đã thấy kinh sợ trong thời gian thực tập, đối với ông nay đã chấm dứt.

Ông cho cha biết là tất cả những gì ông làm mà không liên quan đến văn chương và triết học, không phải là văn chương và triết học, đều sẽ chỉ là “thời gian bỏ phí”

Ông bà bác sĩ Proust bằng lòng cho ông vào Sorbonne, ở đấy ông gặp Henri Bergson, và cũng ở đấy ông bắt đầu cố gắng hơn. Những bài nghị luận của ông luôn luôn là những bài xuất sắc, không những giáo sư Alphonse Darlu (từng là giáo sư Triết của ông ở Trung học) là người đến nhà để giúp ông tìm hiểu thêm về triết học, mà ông Eyger, giáo sư chăm sóc việc học của sinh viên, cũng phải phục óc thông minh và những hiểu biết rộng rãi của ông về văn chương. Tháng Tư 1895 Proust đỗ cử nhân văn chương và bắt đầu đi sâu hơn nữa vào hai con đường thật ra ông đã khởi hành, đã thấy thích thú từ dạo còn đi học Trung học: viết văn và lui tới để quan sát giới thượng lưu.

Hai người bạn học cùng lớp với Proust là Jacques Bizet và Jacques Baignères giới thiệu ông với mẹ họ là bà Strauss và bà Laure Baignères, là hai mệnh phụ có một địa vị quan trọng và quí phái trong xã hội, thường tiếp đãi một số thượng lưu trí thức tại nhà mình. Trước một thanh niên đẹp trai đang theo học ban Triết ở Trung học, tao nhã, dễ thương và nhất là thông minh tế nhị như Proust, hai bà không ngần ngại chấp nhận liền và hãnh diện dẫn Proust tới những cuộc hội họp khác, giới thiệu với nhiều gia đình khác. Bởi vậy vừa học xong ban Triết (1889) Proust đã bắt đầu lui tới nhà bà de Caillavet (nơi đây ông đã được gặp và ngưỡng mộ Anatole France) và khi bắt đầu học Luật, bạn bè đã thấy ông nơi những cuộc hội họp ở nhà bà Aubernon và bà Madeleine Lemaire (người đã vẽ tranh phụ bản cho tác phẩm đầu tay của ông: Les Plaisirs et les Jours), lúc nào cũng lịch lãm, lúc nào cũng say sưa trong những cuộc đàm đạo về văn chương. Tiếp theo là những phòng khách khác, những cuộc hội họp khác, công chúa Mathilde, bà nam tước Alphonse de Rothschild, bà bá tước Adhéaume de Chevignée (ở đây ông gặp Charles Haas), gia đình Daudet... và ở đâu Proust cũng đến với một ý chí mạnh mẽ – ít thấy nơi ông – là chinh phục xã hội của mình. Nhưng rồi chính ông cũng đã bị cái xã hội đó chinh phục ít nhiều. Ngay từ năm 1888 ông đã thú nhận thích những thứ vải bay bướm thanh nhã và thích những thiếu nữ lẳng lơ, làm dáng, bởi vì những cô này làm ông nghĩ tới tranh của Boticelli. Ông thấy nơi đó là “đoá hoa của nền mỹ thuật Pháp 1888”. Năm 1893, ông gặp bá tước Robert de Montesquiou ở nhà bà Lemaire và từ đó thư tín của ông đầy dẫy những tên họ sang trọng nổi tiếng do bá tước giới thiệu, và để đền ơn cho vị bá tước này (tuy thật ra không hề dẫn ông tới nhà bá tước phu nhân Greffulhe nhưng đã cho ông nhiều chi tiết về phòng khách của bà này để sau đó ông dùng mô tả xã hội của dòng họ Guermantes) ông đã viết nhiều bài báo ca tụng bá tước, đăng trong Revue Blanche, Revue de Paris,Gaulois.

Những cuộc giao du rộng rãi của ông không phải là vô ích. Những cuộc gặp gỡ, những buổi hội họp, những buổi hoà nhạc, những ký ức, cả cái xã hội đang sống động chung quanh ông sau này sẽ làm chất liệu kiến trúc cho tác phẩm của ông. Nếu người ta không tìm được, hay nói đúng hơn, không nên tìm một khuôn mặt thật nào quanh ông để gán cho một nhân vật trong tác phẩm ông thì ngược lại mỗi nhân vật của ông rất có thể là tập hợp của nhiều hình ảnh, nhiều khuôn mặt, nhiều đặc tính, mỗi biến cố trong tác phẩm có thể là một mô phỏng có ít nhiều liên quan đến đời sống của ông – đến đời sống quanh ông.

Một trong những quan hệ đáng kể nhất với Marcel Proust, là những bạn bè quanh ông, những bạn gái, bạn trai, những tình nhân... Họ đi qua đời sống ông, như những đam mê nhất thời, rồi nếu sau này có để lại ít nhiều kỷ niệm làm dưỡng chất cho tác phẩm thì cũng đã đánh dấu những buồn vui không ít trong cuộc đời ông. Sau mối tình tuyệt vọng với Marre de Bénardaky, Proust thường hay tìm những phút giây êm đềm bên cạnh Closmesnil, một trong những cô gái lẳng lơ nổi tiếng thời đó. Rồi mùa hè 1891, ông lại bắt đầu say mê Jeanne Ponquet, và mùa đông cùng năm ông thường đi dạo buổi sáng với Laura Hayman mà ông đã được quen từ ba năm trước. Ông cũng rung động trước sắc đẹp của Marie Finaly, em gái bạn ông, mà ai cũng nghĩ chính là thiếu nữ ông đã nghĩ tới khi viết "Sonate Clair de Lune" trong Les Plaisirs et les Jours.

Nhưng những nguồn vui của ông, những tình cảm của ông hình như chỉ bộc lộ rõ rệt giữa đám bạn trai. Những bạn đầu tiên của ông là Jacques Bizet, rồi đến Horace Finaly, Gaston de Caillavet. Mùa đông 1891-1892, ông say mê một thanh niên Thụy sĩ là Edgar Auber, nhưng tháng Chín 1892 anh này qua đời và ông lại giao du rất thân với Robert de Flers. Đến năm 1893 ông lại gặp một thanh niên Anh rất tao nhã và rất đẹp trai, Willie Heath. Hai người bạn tâm giao “mơ mộng và dự tính càng ngay càng gần nhau trong một nhóm đàn bà và đàn ông thật hào hoa và chọn lọc”. Nhưng rồi Willie Heath cũng chết. Năm sau, nhờ Madeleine Lemaire ông kết thân với Reynaldo Hahn: trong gần hai năm hai người không hề xa nhau một bước, cho tới mùa thu 1895 Proust mới khám phá ra Léon Daudet. Người ta đã có nhiều nhận xét chung quanh đám bạn trai của Marcel Proust, tất cả đều đẹp trai và cùng một vẻ đẹp giống như nhau, và những nhận xét đó không quá sai lệch, bởi vì chính Proust cũng đã tự thú nét chính trong bản chất của ông là nhu cầu tình cảm, thích được thương yêu và “để nói rõ hơn, được vuốt ve và nuông chiều” – bởi vì cái mà ông thèm muốn nhất nơi một người đàn ông, là “những vẻ đẹp đàn bà”, [2] và khi người ta hỏi hạnh phúc mơ ước đối với ông là gì, ông trả lời: “Tôi sợ rằng nó không được thanh cao lắm, tôi không dám nói ra...” [2]

Sau những tạp chí viết và chuyền tay cho nhau đọc, đầu năm 1892 Proust cùng với những bạn cũ, hầu hết là cựu học sinh Condorcet, lập một tạp chí lấy tên là Le Banquet. Proust hoạt động cho tờ báo một cách tích cực, viết những truyện ngắn, ghi lại chân dung một vài mệnh phụ phu nhân của xã hội cao sang, đồng thời cũng viết một số tiểu luận phê bình trong đó ta có thể tìm thấy dễ dàng những sự thật sau này sẽ làm phong phú cho La Recherche. Le Banquet đến số tháng Hai 1893 thì chết. Proust và một vài người bạn hợp tác làm tờ La Revue Blanche. Bài của ông cũng bắt đầu xuất hiện ở các tạp chí Revue hebdomadaire (1894) và Le Gaulois (1894-1895).[1] Cũng trong năm 1895, để tự chứng minh trước bạn bè và nhất là trước cha ông, là những người thường vẫn coi ông là một công tử hào hoa, và văn chương của ông chỉ là thứ văn chương tài tử của một kẻ lười biếng mà lại say mê xã hội cao sang, Proust thi vào làm việc ở Thư viện Mazarine. Làm việc được có vài tháng ông đổi qua nhiệm sở mới, công việc nặng nhọc hơn, ông xin nghỉ dài hạn rồi bỏ hẳn.

Đến tháng Sáu 1896, sau nhiều năm sửa soạn, từ cách trình bày lẫn cách giới thiệu với độc giả – ông đã được Madeleine Lemaire nhận vẽ tranh, Anatole France nhận việt tựa, và Montesquiou nhận cho ông đề tặng – Proust in tác phẩm đầu tay Les Plaisirs et les Jours (tựa sách phỏng theo Les Travaux et les Jours của Hésiode), tập trung một số bài viết phần nhiều đã đăng trong Le BanquetLa Revue Blanche, trong đó, qua những phân tích tâm lý mà người đọc đương thời cho là vô ích, qua bút pháp tao nhã óng chuốt mà người đọc đương thời cho là cầu kỳ vô vị, độc giả La Recherche đã thấy được những rung cảm và những ý hướng của nhà văn tương lai. Nhưng với những nét thủy hoạ bay bướm của Madeleine Lemaire, với những bản nhạc của Reynaldo Hahn, với bài tựa ký tên Anatole France mà có người cho rằng một phần do chính bà de Caillavet viết, và nhất là với giá bán cao một cách quá vô lý của cuốn sách, Les Plaisirs et les Jours là một thất bại hoàn toàn, bởi thay vì phải thấy ở đó những đề tài proustiens đầu tiên mở ra những tác phẩm có chiều sâu hơn, người ta chỉ thấy những bản văn không có gì đặc biệt lấp ló sau những phụ bản rườm rà và một bài tựa lớn, nói chung thì ngay các nhà phê bình đứng đắn dạo đó cũng đã cho rằng cuốn sách thiếu cá tính, và theo Valéry Larbaud, Proust chỉ là “tác giả của một cuốn sách, với một cái tựa cũ kỹ... một cuốn sách của một kẻ tài tử giao du rộng rãi... mà họ (các nhà phê bình) chẳng có gì phải nói đến.”

Dạo đó người ta đã tưởng Proust thất vọng trong nhiều năm và không còn nghĩ đến việc viết lách nữa. Nhưng ngày nay với bộ ba cuốn Jean Santeuil do Bernard de Fallois soạn lập lại, người ta biết được trong khoảng thời gian từ 1896 đến 1900, nghĩa là giữa Les Plaisirs et les Jours La Recherche Proust không ngừng viết và cuốn sách ông đang viết đối với ông lúc bấy giờ là cuốn sách quan trọng nhất được lồng trong những kích thước rộng lớn nhất.

Jean Santeuil là những kỷ niệm được biến dạng đi ít nhiều của thời thơ ấu, của những năm ở Trung học, những trò chơi ở Champs-Élysées. Jean Santeuil cũng là truyện kể những ngày sống ở Dieppe, ở nhà bà Madeleine Lemaire, cuộc du lịch ở Mont-Dore, những ngày ở Fontainebleau, những giai đoạn khác nhau trong đời ông, những khuôn mặt quen thuộc mà ông đuợc dịp quan sát, Reynaldo Hahn, Anatole France, Alphonse Darlu, Bà Strauss, và bao nhiêu người khác nữa... Bắt đầu viết cuốn sách từ tháng Chín 1895 khi đến chơi ở Bretagne với R. Hahn, Proust hi vọng hoàn thành dự tính lớn lao này vào năm 1897, nhưng càng viết ông càng thấy chưa đủ, tác phẩm cứ kéo dài mãi, cứ mở rộng ra mãi, cho đến cuối 1899 thì ông tạm thời gác sang một bên.

Nhưng ông vẫn tiếp tục ghi, vẫn tiếp tục tìm những mới lạ cần thiết. Trong thời gian này, ngoài những bài báo đăng ở tờ Presse của Léon Bailby, trong đó ông khai triển những đề tài như sự ghen tương, óc tưởng tượng, những lạc thú, ngoài một số bài khác đăng ở tờ Le FigaroLa Renaissance Latine, hoạt động quan trọng nhất của ông là dịch văn Ruskin. Hồi đầu năm 1899 ông bắt đầu đọc văn của Ruskin và ông đã say mê tột độ. Cuối năm ông để tâm viết một bài nghiên cứu, Ruskin et les cathédrales, và vài tuần sau đó (1900) cái chết của Ruskin đã là một dịp để ông cho đăng những bài báo, những chú thích ghi nhận của ông về nhà văn quá cố trên tờ Chronique des arts, La Gazette des Beaux-arts, Mercure de FranceLe Figaro. Sau đó, ông thấy nên giới thiệu với độc giả những bản dịch La Bible d’AmiensSésame et les Lys, và với sự giúp đỡ của mẹ ông, và của một thiếu nữ người Anh la Marie Nordlinger, em họ Reynaldo Hahn, ông thực hiện ý định, đọc thật kỹ bản dịch, ghi vào thêm vô số những chú thích và đề tựa. Công việc làm ông bận rộn trong suốt nhiều năm, cho đến tháng Hai 1904 thì cuốn đầu tiên La Bible d’Amiens mới in xong.

Từ toà nhà ở đại lộ Malesherbes, với những màn che trướng rũ lấp kín những đồ đạc nặng nề, đến căn nhà sáng sủa hơn ở số 45 đường Courcelles (1900), ông vẫn luôn ở với cha mẹ và người em trai Robert Proust, lúc bấy giờ đang sửa soạn để cũng trở thành bác sĩ, và cũng đã có đầu óc và tính tình như cha. Ông vẫn là mối lo ngại và bao nhiêu nỗi thất vọng của cha mẹ. Trong bầu không khí chống đối bất hoà của gia đình, dầu bực bội ông vẫn chỉ nói đến một sự khác biệt quá sâu đậm về tánh khí thôi.[3]

Ông thú thật mặc dù có những ngày ông thấy muốn nổi loạn trước những lối quả quyết quá chắc chắn quá mạnh dạn của bác sĩ Proust, thỉnh thoảng ông cũng có làm vừa lòng cha, nhưng ông biết thừa là việc đó sẽ đưa đến thất bại. Thật tình thì bác sĩ Proust cũng đã cố gắng để hiểu và để giúp con nhiều, chẳng hạn, Proust muốn trở thành văn sĩ, ông mời những nhà văn nổi tiếng đến nhà dùng cơm để giới thiệu con. Nhưng rồi mọi việc vẫn y như cũ, bởi vì ông không thể hiểu đuợc là đối với con mình, văn chương không phải chỉ có nghĩa là giao du rộng rãi, viết bài đăng ở Revue des Deux Mondes rồi đi vào Hàn lâm viện Pháp. Và ngày này qua ngày khác bà Proust buồn bã chứng kiến những sự bất đồng giữa hai cha con, mà lý trí và ý thức bổn phận bắt bà phải ngả theo chồng.

Những cuộc giao du của Proust bây giờ đã thay đổi. Bạn bè cũ ở Condorcet bây giờ hình như ông không còn lui tới nữa, ông thường đến nhà Montesquiou, bà Strauss, bà de Caillavet. Bạn mới của ông là những người thuộc giới thượng lưu, là Gabriel de la Rochefoucauld, là Antoine và Emmanuel Bibesco, là Bertrand de Fénelon, là Armand de Guiche, ông hoàng Léon Radziwill, Louis d’Albuféra. Tất cả đều thích nhạc, thích văn chương và thường đi viếng các ngôi giáo đường, như Senlis, Laon, Amiens.

Lúc bấy giờ sức khoẻ của Proust không có gì phải đáng lo ngại lắm nhưng vẫn còn bắt ông ở nguyên trên giường ngủ suốt buổi sáng và phải đặt một chiếc bàn trên đầu nằm để viết. Buổi chiều ông xuống phố đi xem tranh ở Louvre hay dự các cuộc triển lãm hội hoạ, ở Durand-Ruel chẳng hạn. Và tối đến, ông dự những dạ hội hoặc đãi khách, những bữa tiệc ông tổ chức một cách cực kỳ sang trọng, ông được dịp tiếp những nhân vật tiếng tăm nhất ở khu Saint-Germain do Montesquiou mời hộ. Trong thời kỳ này, ngoài những giao du mới, và những cuộc du lịch cùng với mẹ ở Padoue và ở Venise (1900), những chuyến đi tìm hiểu thêm về Ruskin ở Amiens và ở Abbeville (1901), một biến cố quan trọng khác đã đánh dấu ý chí mạnh mẽ nơi ông là vụ Dreyfus mà có người cho chỉ là một việc làm bay bướm ve vãn, bởi vì trong khi cái xã hội thượng lưu quí phái quanh ông – trừ Anatole France, bà Strauss và bà de Caillavet – đều qui tội cho Dreyfus, thì đứng về phía thiểu số yếu ớt, ông mạnh mẽ lên tiếng bênh vực.

Ngày 26 tháng 11 năm 1903 bác sĩ Proust mất sau hai ngày bị sung huyết não, và không đầy hai năm sau, ngày 26 tháng 9 năm 1905 bà Proust cũng theo chồng. Trong khoảng không đầy hai năm, hai biến cố bất hạnh dồn dập tới và đã đẩy ông đến chỗ tuyệt vọng kinh khủng. Hậu quả của những bất hạnh đó trước tiên là việc sức khoẻ ông suy giảm rất nhiều. Vào khoảng năm 1905 ông thường thức dậy lúc 11 giờ đêm, luôn luôn bị những cơn suyễn hành hạ làm ông ngạt thở, và ít khi tiếp được ai. Trong ngày bạn bè chỉ đến thăm ông được có mỗi một giờ, từ sáu đến bảy giờ chiều. Trong một bức thư, ông than phiền bây giờ phải sống “không có gì cả, không có ánh sáng ban ngày, không có không khí, không làm việv được, nói tóm lại, là sống không có đời sống”.[4]

Năm 1906, sau một thời gian gián đoạn, Proust bắt đầu sửa lại các bản thảo, dịch phẩm Sésame et les Lys ra đời, và ông cũng bắt đầu thấy chán thứ công việc này. “Tất cả những gì tôi đã làm chưa phải là công việc thật sự mà chỉ là sưu tầm tài liệu, và phiên dịch”. Ông bắt đầu thấy hiển hiện trong đầu óc một tác phẩm thật sự – một cuốn tiểu thuyết – và bấy giờ, lần dầu tiên hướng cái nhìn về nội tâm, về tư tưởng, có cả trăm nhân vật tiểu thuyết, cả ngàn ý nghĩ tràn đến đòi hỏi ông một thân xác. Tháng Sáu năm 1906 thật đã đánh dấu khúc quanh quyết định trong đời sống của nhà văn.

Những dự định đã sẵn có, nhưng ông còn phải dọ dẫm nhiều năm. Sức khoẻ càng ngày càng suy giảm, bệnh suyễn càng ngày càng trầm trọng. Năm 1907 ở Cabourg mỗi ngày ông còn sửa soạn để đi dạo trong một chiếc xe hơi bít kín được, qua năm sau cũng ở Cabourg ông đã phải ra ngoài ít hơn, thu hẹp trong những buổi dạo chơi ngắn ngủi và hiếm hoi trên bờ đê. Nắm 1910, ở Paris, ông không còn bước ra khỏi phòng nữa và chỉ đứng dậy mỗi tháng có một hay hai bận. Dưới tầm tay ông có một chiếc bàn viết đầy dẫy những lọ mực và những tập vở học trò đầy bụi – bởi vì ông không cho phép gia nhân quét dọn.

Trong căn phòng tối tăm mà tháng Tám năm 1910 ông quyết định cho lát toàn liège để khỏi nghe tiếng động bên ngoài, trong căn phòng ma chính giữa có kê một chiếc bàn chất đầy những hình ảnh các cô gái lẳng lơ, các quận chúa, các quận công, và những tên hầu, Proust tiếp tục sống trong bầu không khí nồng nặc mùi thuốc xông và thuốc trị suyễn, tiếp tục tiếp bạn bè – ông nằm trên giường, gần như lúc nào cũng ăn mặc đàng hoàng, thắt cà vạt, mang găng tay. Và ông vẫn tiếp tục tìm tòi những hình thức văn chương mới để thực hiện những dự tính lớn lao của mình.

Cuối năm 1907 nhân vụ tai tiếng Eulenburg ở triều đình Đức quốc, Proust muốn viết một bài báo về đề tài này, nhưng thay vì một bài báo thường, ông muốn viết thành một truyện ngắn, rồi vì thấy tính cách thời sự của câu chuyện, quan niệm nghệ thuật rất cao của một nhà văn như ông không cho phép đem một tác phẩn văn chương phụ thuộc vào những lý do có tính cách giai thoại, ông tìm một hình thức khác tích cực hơn, và biểu lộ được bút pháp cũng như diễn tiến tư tưởng của một nhà văn. Ông bắt đầu viết những pastiches (lối văn mô phỏng) và cho đăng ở tạp chí Le Figaro (1908). Nhưng sự tiếp đón nồng nhiệt của độc giả đối với hình thức văn chương này vẫn không đủ để ông có thể đem cho in thành sách như ông vẫn mong muốn.

Để giải thích cho những độc giả không hiểu được những pastiches của ông, Proust đã dự định, ngay từ tháng Ba 1908, viết một tác phẩm phê bình thật sự, và tác phẩm đó ông dự định sẽ có tên Contre Sainte-Beuve. Những bài phê bình của ông lần nầy cũng sẽ có một hình thức riêng biệt, sẽ được lồng trong khung cảnh của một câu chuyện kể: người mẹ của ông sẽ đến bên giường ông và ông kể cho mẹ nghe bài phê bình mà ông muốn viết.

Trong thời gian đó ông vẫn sống trong căn phòng lát liège ở căn nhà 102 đường Hausmann, vẫn miệt mài làm việc ngay trên giường ngủ (có khi ngọn đèn trong phòng ông để sáng sáu mươi giờ liền không tắt), vẫn hít những lọ thuốc xông trừ suyễn, và nhất là vẫn nghĩ đến những dự tính truyện ngắn, truyện dài – tác phẩm Contre Sainte-Beuve chưa biết sẽ là một tác phẩm của những ký ức riêng tư hay là một tác phẩm thuần túy phê bình, cuốn tiểu thuyết mà năm 1909, khi về nghỉ hè ở Cabourg ông đã được Calmette, giám đốc tờ Le Figaro, hứa sẽ cho đăng. Ông viết thư cho bà Strauss: “Tôi vừa khởi sự và sẽ hoàn thành một cuốn tiểu thuyết... Nếu tất cả đều đã được viết ra, thì cũng có rất nhiều chỗ cần phải sửa lại”.

Hai năm sau ông để tâm khai triển “tác phẩm trường thiên” đó, và dần dần, cũng như kinh nghiệm Jean Santeuil, cuốn tiểu thuyết của ông kéo dài ra và có những kích thước ông không ngờ tới. Tháng Ba năm 1912 cuốn sách dày lên tới tám trăm trang, chia làm hai phần. Qua tháng Bảy, bạn bè lại nghe ông nói đến một ngàn ba trăm trang. Sau nhiều đắn đo suy nghĩ về cách chia thành đoạn, thành cuốn, ông phân tác phẩm làm ba cuốn, ông chọn tựa cho cuốn thứ nhất là Le Temps Perdu và cuốn thứ ba là Le Temps Retrouvé. Cuốn thứ hai ông còn lưỡng lự giữa A l’Ombre des Jeunes Filles en Fleursl’Adoration perpétuelle, riêng đối với toàn bộ tác phẩm ông cũng chưa quyết định sẽ chọn là Les Intermittences du cœur hay không.

Công việc của ông tiến hành giữa lúc bệnh tật đang trở nên trầm trọng hơn. Ông không còn đứng dậy nữa, cặp mắt ông đỏ ngầu, da mặt xanh nhợt và cả khuôn mặt được lồng trong một bộ râu đen rậm. Không ai còn nhận ra được anh chàng Marcel Proust thanh lịch và cưng quí của những phòng khách sang trọng nữa. Ngay từ 1910 chính ông cũng đã viết thư cho Montesquiou bảo rằng cuốn tiểu thuyết của ông là mối bận tâm lớn lao nhất của ông, “tất cả ông đều gác lại, ngay cả đời sống cũng vậy”.

Calmette không giữ lời hứa tiếp nhận cuốn tiểu thuyết trên tờ Le Figaro, cũng không nhận đem giới thiệu với nhà xuất bản Fasquelle. Tháng Mười 1972 Proust thân hành nói chuyện với nhà xuất bản này, đồng thời cũng bắt liên lạc với Gaston Gallimard. Ngoài sáu trăm trang đánh máy, bản thảo của ông đã được sửa chữa và chép lại sạch sẽ. Nhưng Fasquelle trả lại bản thảo cho ông với một lời từ chối lễ phép, mọi cuộc điều đình với nhà Gallimard cũng thất bại, và Nhà xuất bản Ollendorf trả lại bản thảo cho ông một cách phũ phàng. Tháng Hai 1913 Proust tìm đến Bernard Grasset thử thời vận, được nhận in nhưng tác giả phải bỏ tiền in, và giao kèo được ký ngày 11 tháng 3 năm 1913.

Nằm trên giường bệnh, Proust bắt đầu sửa chữa, bắt đầu thêm bớt. Ông cho biết từ bản thảo cũ, ông chỉ còn giữ lại có một phần hai mươi. Theo giao kèo ký với Grasset, cuốn tiểu thuyết sẽ được chia làm hai cuốn, bây giờ phải chia làm ba, và đến tháng Tám, Proust còn đảo lộn một lần cuối cùng đoạn chót cuốn sách đã in xong, rồi sau đó còn cắt đi vài trang cuối để thay vào một đoạn kết ngắn hơn.

Ngày 14 tháng 11 năm 1913 Du Côté de chez Swann đã được bầy bán trên các tiệm sách, con số ấn hành là 1750. Hai cuốn sách khác cũng được loan báo: Le Côté de GuermantesLe Temps retrouvé. Như vậy cả ba phần sẽ có một tựa chung là A la recherche du temps perdu.

Năm ông làm việc nhiều nhất này cũng là năm ông chịu những phiền muộn đau đớn về tinh thần nhiều hơn cả. Alfred Agostinelli, anh tài xế taxi trẻ gốc người Monaco mà ông gặp và quen ở Cabourg năm 1907, rất thông minh tế nhị mà tánh cũng dễ xúc cảm như ông, sau một vài năm mất dạng nay trở về Paris xin làm với ông (1912). Ông nhận cho làm thư ký và lo việc đánh máy bản thảo cuốn tiểu thuyết. Agostinelli đến ở luôn tại nhà cùng với người đàn bà mà anh ta bảo là vợ. Thế rồi đầu năm 1913, tức là trong thời gian ông đang lo viết lại gần hết cuốn tiểu thuyết sắp in, thỉnh thoảng người ta lại nghe ông nhắc xa gần đến những phiền muộn mà ông không hề giải thích, và cuối năm đó ông viết: “Tôi đang trải qua một giai đoạn kinh khủng vì bệnh tật và phiền muộn.” Đến khi cuốn sách ra đời, trong lúc bạn bè khen mừng chúc tụng, ông vẫn đi đến chỗ điên cuồng vì tuyệt vọng. Đối với Agostinelli ông có một thứ tình cảm đam mê hơn bất cứ với người bạn nào cả; thứ tình cảm này chỉ có thể đem so sánh với tình yêu mà ngày xưa ông đã dành cho mẹ ông.[5] Nhưng anh này lại không chịu tự buông thả cho thứ tình cảm độc đoán và ghen tương đó. Sau nhiều lần phải phung phí tiền bạc để giữ chân anh này lại, Proust thất bại, và cuối năm 1913 Agostinelli cầm tiền ra đi. Năm 1914 anh ghi tên học lái máy bay ở Antibes, nhưng không đầy hai tháng sau thì tử nạn. Cái chết của người bạn mà Proust yêu quí nhất và cũng là người gây cho ông nhiều buồn phiền nhất đã làm cho ông tuyệt vọng đến nỗi ông bảo dạo đó mỗi lần ngồi trên taxi, ông chỉ muốn có một chiếc bus đâm vào và nghiền nát thân thể ông.

Đầu tháng Sáu 1914, giữa lúc nhà xuất bản Grasset đang bắt đầu in Le Côté de Guermantes thì đột nhiên Proust cắt ngang công việc, bảo rằng vì “không thể đọc lại văn bản của mình được” (thư cho Montesquiou). Thật tình ông cắt ngang công việc ấn loát là vì ông đang sửa soạn một bố cục mới cho La recherche, trong đó sẽ có phần ông kể lại chuyện Albertine bị cầm giữ và biến mất (prisonnière et disparue), chắc hản để ghi nhớ người bạn trai thương yêu đã khuất của mình.

Tháng Mười 1917 ông mới hoàn thành việc sửa chữa bản thảo cuốn thứ hai với tựa mới là Les jeunes filles en fleurs. Đến năm 1918 thì toàn thể bộ La recherche đã lên đến bốn hay năm ngàn trang, chia thành năm cuốn. Mãi đến tháng Sáu 1919 Les jeunes filles en fleurs mới ra đời, cùng năm đó Proust cho in Pastiches et mélanges (Nouvelle Revue Francaise).

Trong thời gian này, sức khoẻ có vẻ khả quan hơn, ông vẫn còn tiếp Gabriel de la Rochefoucauld và Antoine Bibesco, bắt đầu lui tới nhà bà bá tước de Beaumont, nhà công chúa Soutzo, gia đình Hennessy, gia đình Murat, Gide và Copeau. Ông tiếp bạn bè ở Ritz và thỉnh thoảng cũng xuất hiện ở một và buổi dạ hội. Trong những buổi dạ hội đó, bạn bè ai nấy đều phải khiếp sợ trước diện mạo như người chết sống lại, trước đôi mắt thâm quầng nặng trĩu và cái đầu luôn luôn ngả ra phía sau của ông.

Dù tiếp bạn bè trên giường ngủ hay cố ra khỏi nhà để gặp họ, lúc nào người ta cũng biết ông đang thu thập tài liệu, đúng hơn là chất liệu, đang dò tìm những chuyện lạ mà căn phòng thiếu ánh sáng và tên tài xế Odilon Albaret cũng như chị bồi phòng Céleste đã không cung cấp cho ông được.

Giữa lúc người ta biết ông đang thích khám phá cái sức mạnh toàn năng và những hình thức kỳ quái nhất của tội lỗi, giữa lúc người ta tin chắc ông thường hay đến một nơi hẹn hò của “giai cấp quí phái thành Sodome” để bí mật quan sát tận chỗ những hình thức kỳ quái nhất đó, thì cuốn tiểu thuyết của ông vẫn kéo dài ra, vẫn mở rộng thêm, vẫn mang những kích thước mà chính ông cũng không ngờ tới được, và những rung động đam mê của ông vẫn mạnh mẽ, ông vẫn còn biết say mê những vẻ dẹp trẻ trung nơi các thanh niên và vẫn còn biết đau khổ vì những “người tù” của ông rốt cuộc đều bỏ ông ra đi.

Tháng Mười 1919 ông phải rời căn nhà ở Hausmann, cắt đứt mọi liên hệ cuối cùng với quá khứ gia đình để đến ở số 44 đường Hamelin, trong một “căn phòng ghê tởm”. Tháng Mười Một cũng năm này, À l’Ombre des jeunes filles en fleurs được chào đón bằng những bài báo nồng nhiệt và được giải thưởng Goncourt. Giữa lúc thành công đến với ông, bạn bè đến với ông, thì bệnh tình ông trầm trọng hơn bao giờ cả.[6] Ông than phiền nói không thành tiếng, mỗi ngày ông thức dậy vào khoảng hai hay ba giờ chiều và để dằn những cơn hồi hộp ở tim càng ngày càng thường xuyên hơn, ông dùng nhiều chất café mạnh không kém gì Balzac.

Bên giường bệnh vẫn ngổn ngang những bút viết, những giấy tờ, những tập sách, và nhiều lọ mực của ông, ông làm việc đến rạng đông mới ngủ. Suốt đêm ông loay hoay sửa bản thảo, thêm chỗ này, bớt chỗ kia, và lần lượt trong hai năm sau cùng của ông, ông đã cho xuất bản được Le Côté de Guermantes I (1920), Le Côté de Guermantes II (1921), Sodome et Gomorrhe I (1921) và Sodome et Gomorrhe II (1922).

Năm 1921 ông phải nằm yên trên giường trong bảy tháng liền. Và qua năm 1922 thì tình trạng thật là bi đát. Vào tháng Sáu nhiệt độ ông đứng lưng chừng 390, đến tháng Chín ông hoàn toàn không còn đi được một bước, gần như bị cấm khẩu và ông bảo Céleste, chị giúp việc vẫn ngày đêm săn sóc bên giường và vẫn viết thay cho ông: “Cái chết đã đuổi theo ta, Céleste ạ. Ta không còn thì giờ nữa.”

Qua tháng Mười ông bị đau cuống phổi, nhưng từ chối không cho mời bác sĩ đến săn sóc vì không muốn mất thì giờ. “Tôi cấm không ai được ngăn tôi làm việc”, ông thường bảo. Tuy vậy những ngày cuối cùng em trai ông là Robert Proust vẫn tận tụy bên giường để canh chừng và săn sóc ông.

Ngày 17 tháng 11 ông cảm thấy hơi khoẻ, bắt đầu sửa các bản thảo và vào ba giờ sáng hôm đó, ông gọi Céleste dậy và đọc cho cô này viết thêm một vài đoạn trong cuốn Albertine disparue.

Ngày hôm sau, 18 tháng 11 năm 1922, lúc 4 giờ chiều, ông tắt thở trên giường bệnh. Ông đã hài lòng trước khi chết, bởi vì ông đã thắng cái chết, và thắng cái chết đã từ lâu đối với ông có nghĩa là hoàn thành tác phẩm A la Recherche du temps perdu – bởi vì thời gian mất đi ông đã tìm lại được, tìm lại được bằng ngữ thức.

Ba cuốn còn lại của bộ truyện nói trên được xuất bản sau khi ông qua đời: La Prisonnière (1923), Albertine disparue (1925), Le Temps retrouvé (1927). Cùng năm 1927, bác sĩ Robert Proust và Gaston Gallimard thu thập những bài báo rải rác của ông đăng trong ba mươi năm liền và cho in với tựa là Chroniques.

Cũng như Bergotte, Proust chưa vĩnh viễn chết, bởi vì cuốn sách của ông luôn luôn là “biểu tượng cho sự hồi sinh của ông”. Nhờ khám phá được sức mạnh của Thời gian và của Nghệ thuật, ông đã hoàn thành được tác phẩm của mình, một tác phẩm mà ông đã xây dựng như người ta xây dựng một ngôi giáo đường.

 

--------------------
"Marcel Proust - Cuộc đời thí nghiệm trong tác phẩm" là bản Việt ngữ có bổ sung của một luận văn tiếng Pháp (đã được thay thế bằng một bài khác viết về nhân vật Vautrin của Honoré de Balzac ở Viện Đại học Dalat - 1960), đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn số 85 ở Saigon (1967?), số đặc biệt về Marcel Proust, sau đó được đưa vào Marcel Proust – Con người xã hội của Hoàng Ngọc Biên, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, Saigon, 1971. Những tư liệu sử dụng là của Thư viện quốc gia Saigon; một số rất đáng kể thuộc tư liệu riêng và những bài giảng của Giáo sư E. Poirson, người thầy kính mến của tôi. Mong những ghi chú bổ sung sau này có thể giúp người đọc dễ dàng tra cứu.

 

_________________________

[1]Bạn đọc có thể tham khảo Marcel Proust, Ecrits de jeunesse 1887-1895, Institut Marcel Proust international - Société des Amis de Marcel Proust et des Amis de Combray, 1991, do Anne Borrel tập hợp, sắp xếp, giới thiệu và ghi chú. Nhân đây xin có lời cám ơn Tiến sĩ Anne Borrel (Tổng thư ký Société des Amis de Marcel Proust và Institut Marcel Proust international, tác giả nhiều công trình khoa học và nhiều tác phẩm về Proust, trong đó có cuốn Voyager avec Marcel Proust, La Quinzaine Littéraire - Louis Vuitton, 1994) đã có nhã ý để lại công việc ở Paris và hướng dẫn người viết bài này đi thăm cơ sở Société des Amis de Marcel Proust et des Amis de Combray và khu nhà Proust từng sống ở Combray (1998).

[2]“La qualité que je désire chez un homme: Des charmes féminins” và “Mon rêve de bonheur: J’ai peur qu’il ne serait pas assez élevé, je n’ose pas le dire”. - trong một tập album Proust (bấy giờ ở tuổi đôi mươi) ghi chép những sở thích của mình (Sưu tập của Bà Gérard Mante) – sau này trở thành một mẫu câu hỏi khá phổ biến thường được gọi là Questionnaire de Marcel Proust.

[3]“... J’ai beaucoup d’ennui: ma famille est très mal pour moi...” (Thư gửi Jacques Bizet, mùa hè 1887-1888, trong Marcel Proust, Écrits de jeunesse 1887-1895, sđd.)

[4]Thư gửi Lucien Daudet: “... Je ne me lève plus du tout, sauf une fois de temps en temps... Je ne peux pas savoir d’avance à cause de l’imprévu de mes crises... – Tôi không còn đứng dậy nữa, thỉnh thoảng mới đứng dậy được một lần... Tôi không thể biết trước vì những cơn (suyễn) xảy ra bất chợt...” (Marcel Proust, Lettres retrouvées, Plon, 1966, do Philip Kolb trình bày và ghi chú).

[5]“... J’aimais vraiment Alfred (Agostinelli). Ce n’est pas assez de dire que je l’aimais, je l’adorais... - Tôi thật sự yêu Alfred. Bảo rẳng tôi yêu anh ta là chưa đủ, tôi yêu anh ta tha thiết... “ – thư cho Reynaldo Hahn, tháng 10, 1914 (Marcel Proust, Lettres retrouvées, sđd.

[6]Thư cho Bá tước Jean de Gaigneron: “... D’ici là je vous aurai demandé de dîner avec moi. Si je ne l’ai pas encore fait, c’est que depuis mon déménagement je suis dans un état de santé pitoyable. Je me suis levé deux fois en deux mois... - Từ đây đến đó tôi sẽ mời ông đến ăn tối với tôi. Nếu tôi chưa mời, ấy là bởi từ khi dọn nhà tình trạng sức khoẻ của tôi thật thảm thương. Tôi đứng dậy được có hai lần trong vòng hai tháng... “ (Marcel Proust, Lettres retrouvées, sđd.)

 

----------

Đã đăng:

Marcel Proust – Những chủ đề rời thời trẻ tuổi


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021