thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ mới Ba Lan: dàn đồng ca đầy chất diễn giải...

 

(minh hoạ: Jan Sawka)

 

Thơ mới Ba Lan thường làm tôi nghĩ đến thơ mới Việt Nam. Ba Lan nằm giữa nước Đức và nước Nga. Cái vị trí theo Czeslaw Milosz là “đặc biệt không ai muốn có” ấy[1] hẳn có đóng góp một phần, và là phần không nhỏ, vào tính cách sẵn sàng, xông xáo, mãnh liệt, của những người làm thơ ở Ba Lan — vẫn theo Milosz, là hơn những đồng nghiệp của họ ở phương Tây. Bất cứ ở đâu, tuy nhiên, thơ mới cũng là một trong những tên gọi khó có được sự minh bạch nhất. Ở Ba Lan, khi nói đến thơ mới, có người bắt đầu từ sau Thế chiến, hoặc từ phong trào Nước Ba Lan Trẻ trước Thế chiến; có người nhắc đến nhóm các nhà thơ tụ họp quanh một quán cà phê văn ở Warsaw và tạp chí thơ Skamander (sau 1918), hoặc đến nhóm từng đối lập với Skamander khoảng 1918-1939 là Vanguard, nhóm thường tách thành Vanguard thứ NhấtVanguard thứ Hai, trên nhiều mặt cũng lại là đối lập. Có người, như Adam Czerniavski,[2] trở lại từ Cyprian K. Norwid (1821-1883), nhà thơ hậu lãng mạn về sau được coi là đầu óc hướng dẫn thơ ca hiện đại Ba Lan, và Leopold Staff (1878-1957), nhà thơ kết hợp tài tình nhất cái cũ và cái mới vào thời sau chiến tranh. Có người khởi từ cái mốc sôi động năm 1939 khi tuổi trẻ Ba Lan ra trận mang theo trong ba lô “Bài ngợi ca tuổi trẻ” lãng mạn của Adam Mickiewicz (1798-1855), hoặc chia thành từng giai đoạn ngắn hơn, với những thập kỷ 50, 60, 70... Cũng có người thu hẹp với Đợt Sóng Mới hay thế hệ 68, hoặc gắn liền những phong trào, những trường phái (thơ ca) với những biến cố chính trị xã hội, như cuộc nổi dậy của công nhân tháng 12 năm 1970 (thật ra đã bắt nguồn từ phong trào phản kháng của trí thức và sinh viên tháng Ba 1968), làn sóng đòi hỏi thay đổi xã hội kéo dài tới 1976, tiếp theo là sự ra đời của nhóm bảo vệ nhân quyền KOR, những biến cố quan trọng dẫn tới những ấn phẩm không kiểm duyệt (1976), sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết (Solidarnosc) tháng Tám 1980, sự áp đặt thiết quân luật cuối 1981 đẩy Công đoàn này vào hoạt động bí mật mãi cho tới Hè 1989, khi phong trào này thắng phiếu và Ba Lan chuyển từ chế độ cộng sản kiểu xô viết sang chế độ dân chủ đại nghị và kinh tế thị trường.

Thơ mới Ba Lan, vì ra đời rất muộn,[3] nên tự thấy cần làm một cố gắng kết hợp những cách nhin khác nhau nêu trên. Sự chọn lựa tuy nhiên vẫn có nghiêng về những thời kỳ sau. Đó là thời những người cai trị nước Ba Lan mới thực sự không chịu nổi, nếu không nói là căm ghét nghệ thuật, và các hoạt động văn hóa thực sự, nhất là văn hóa “không phải đạo”, phải đi vào bí mật. Là thời mà tư tưởng tự do bị coi cũng là một hình thức biểu hiện khiêu dâm, thời của “văn chương ngăn kéo”, là thứ văn chương làm xong cho vào hộc tủ, giấu kỹ dưới các hầm rượu, chuyền tay nhau qua những bản in Xerox, qua những bao gói mang lén ra từ các nhà tù, hoặc có khi xuất bản như một thách thức — những thứ bằng chứng buộc tội thường khi đẩy tác giả đi vào chỗ tù, đày, tử hình... Là thời đã chứng kiến một sự phục hưng của thơ ca Ba Lan trước sau 1956. Thời nhiều nhà thơ đứng tuổi bước vào tuổi thanh xuân lần thứ hai — thời phản kháng của trí thức và sinh viên năm 68, thời nổi dậy của công nhân năm 70 — đã lại có mặt bên cạnh một thế hệ những nhà thơ trẻ hơn có tên gọi là Đợt Sóng Mới, hay thế hệ 68, bấy giờ đang mau chóng được quần chúng công nhận. Có thể lấy mốc từ 1970 chẳng hạn, là thời điểm đánh dấu dự sụp đổ từng bước của công thức cộng sản trên đất nước Ba Lan, thời người ta bắt đầu được đọc những tập thơ Ba Lan xuất bản không kiểm duyệt, những tập thơ vang dữ dội tiếng nói phản kháng xã hội, sáng rỡ những ý thức đạo đức, và một phong cách trữ tình hiện sinh và siêu hình. Thời, sau những năm tháng dưới sự cai trị nghiệt ngã phi nhân, sau những thăng trầm của lịch sử và con người, nghệ thuật (trong đó thơ là đại diện tiêu biểu nhất) đã chứng tỏ sức bền bỉ, kiên trì của mình. Thời người ta đã làm quen được với giọng thơ mỉa mai chua chát và luôn đánh động ý thức con người của Czesław Miłosz, những bài thơ trào lộng đầy biểu tượng của Tadeusz Różewicz, những dòng thơ diễn đạt bằng ngụ ngôn của Zbigniew Herbert, chẳng hạn... Lấy những cái mốc ấy, và kéo dài tới mùa hè 1989: chúng ta có tới mấy thập kỷ sôi động đã chứng kiến vai trò tích cực của thơ ca Ba Lan, ảnh hưởng trực tiếp của nó đến những diễn biến chính trị của đất nước ấy, nhất là vào những thập kỷ 70 và 80.

Đã có gì trong thơ ca Ba Lan trong hai thập kỷ ấy? Stanisław Baranczak ghi nhận “ở Ba Lan trong hai thập kỷ vừa qua, đặc biệt là thập kỷ 80, (người ta) đã chứng kiến một sự bùng nổ thật sự của thơ ca trữ tình, là thơ ca đã chiếm ưu thế trên mọi thể loại văn học khác...”[4] Trong hai thập kỷ ấy, đúng là những nhà thơ Ba Lan đã cất một tiếng kêu trong hoang dã, thế nhưng những tiếng phát ra đã tập hợp thành một lực lượng, từng cá nhân đã có câu trả lời minh bạch đầy nhân tính cho sự đàn áp phi nhân và tương lai vô vọng đang đe doạ dân tộc mình.

Những chọn lựa trong Thơ mới Ba Lan, như trong mọi hợp tuyển xưa nay, có thể tạo một cảm giác khập khiễng, hay có biểu lộ một sự hồ đồ nào không? Rất có thể — nếu không nói là... bắt buộc. Thế nhưng cái chính, là Thơ mới Ba Lan cố gắng giới thiệu với bạn đọc một dòng thơ có cái tươi mát và sinh động rất gần với người Việt Nam: dòng thơ đã ra đời giữa những hoàn cảnh có nhiều chỗ giống những hoàn cảnh Việt Nam, cho nên cái giọng điệu Ba Lan ấy ở phương Tây (đùa cợt, châm biếm, những biểu tượng, những tìm kiếm trong lĩnh vực tâm linh...) trên những chặng đường phát triển dường như đã gặp giọng điệu Việt Nam ở phương Đông. Dòng thơ ấy, dòng thơ có nhiều chủ đề, tập hợp đa nguyên của nhiều cách nhìn khác nhau, trong đó những tình cảm tôn giáo, những thể nghiệm sáng tạo trong lĩnh vực linh hồn không hề tách rời khỏi cái nền vững chắc của lịch sử Ba Lan, nhưng với một nội dung không hẳn chỉ là nội dung Ba Lan, nở rộ trên một đất nước có cái vị trí địa dư “đặc biệt không ai muốn có” như nói ở trên, có thể được coi là chứng nhân của một thời đại giả dối, thời đại tự do cá nhân bị chà đạp, chức năng nghệ thuật bị che phủ bởi số phận chính trị bơ vơ của chính nó... Có những bài thơ chọn chuyển ngữ đã được giới thiệu trong một thứ tiếng Việt có thể đọc được, nhiều bài thơ khác rất có thể tạo ra nơi người đọc một cảm hứng mạnh mẽ: ấy là bởi chính người dịch khi đọc thơ cũng đã có cùng cái cảm hứng mạnh mẽ ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếc là trong những bài thơ thật sự là những bài thơ ấy, người đọc không phải là Ba Lan dù có cảm được những phẩm chất của tưởng tượng, của sự súc tích và sự vững vàng lấp lánh trong một cấu trúc rất thuyết phục, vẫn khó bắt được trọn vẹn vần điệu, âm nhạc chứa đựng trong nguyên bản, khó bắt được giọng nói, cảm xúc Ba Lan — cái cảm xúc tôn giáo và chính trị đặc biệt Ba Lan — hẳn phải là khá dễ dàng đối với những người đọc “nguyên gốc”.

Cái thiếu sẽ có nhiều. Nhưng cái còn lại trong bản tiếng Việt cũng không phải là ít. Cái còn lại, giữa nhiều thứ khác, có khi là giữa những dòng chữ, là những tiếng nói ghi lại trên cùng những trang giấy, cất lên như một dàn đồng ca đầy chất diễn giải châm biếm của nỗi khổ, không chỉ riêng dưới một vài chế độ độc tài, mà cả trong đời sống quẫn trí và đầy tuyệt vọng của thế giới hiện đại. Hi vọng người đọc Thơ mới Ba Lan cảm nhận được cái còn lại ấy...

 

HOÀNG NGỌC BIÊN
Salt Lake City, Giêng 1993

 

--------
Trên đây là bài tựa trong cuốn Thơ mới Ba Lan — Tường trình từ một thành phố bị bao vây, Hoàng Ngọc Biên tuyển dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993.
 
 

_________________________

[1]Xin xem bài tựa của Czeslaw Milosz trong Postwar Polish Poetry, do Czeslaw Milosz tuyển chọn và biên tập (Doubleday, 1965; Penguin Books, 1970; University of California Press, 1983).

[2]Xin xem The Burning Forest — Modern Polish Poetry, do Adam Czerniawski dịch và biên tập (Bloodaxe Books, 1988).

[3]Tháng Hai 1993. Được chọn giới thiệu trong tập tuyển Thơ mới Ba Lan — Tường trình từ một thành phố bị bao vây là 31 nhà thơ gồm: Stanislaw Barańczak, Miron Bialoszewski, Ernest Bryll, Bogdan Czaykowski, Adam Czerniawski, Jerzy Ficowski, Stanislaw Grochowiak, Jerzy Harasymowicz, Julia Hartwig, Zbigniew Herbert, Mieczyslaw Jastrun, Tomas Jastrun, Anna Kamienska, Tymoteusz Karpowicz, Julian Kornhauser, Urszula Koziol, Ryszard Krynicki, Ewa Lipska, Bronislaw Maj, Artur Miedzyrzecki, Czeslaw Milosz, Jan Polkowski, Tadeusz Rozewicz, Piotr Sommer, Leopold Staff, Wislawa Szymborska, Jan Twardowski, Aleksander Wat, Adam Wazyk, Wiktor Woroszylski, Adam Zagajewski... — một số đã được trích đăng trên tienve.

[4]Polish Poetry of The Last Two Decades of Communist Rule: Spoiling Cannibals’ Fun [Thơ Ba Lan hai thập kỷ cộng sản cai trị: Phá hỏng cuộc vui của những kẻ ăn thịt người], Stanislaw Baranczak và Clare Cavanagh biên tập và dịch (Evanston, Illinois: Northwestern University Press, 1991).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021