thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chỉ là những ngã tư trong quá khứ

 

Forever is composed of nows [*]
Emily Dickinson

 

... khi tôi đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ, mồ hôi nhễ nhại chảy xuống theo những đường nhăn trên da mặt, tôi kéo áo lên lau khô, tự nhiên, với một chút ngượng ngùng không lý do, nói đúng, không hẳn là không lý do, nhưng là một thứ lý do ít căn cứ nhất trong những lý do. Tôi cảm thấy có ai đó đang nhìn minh, nhìn tôi thì có khối người qua lại trên đường vẫn ưa giết thì giờ làm công việc không hấp dẫn chút nào ấy, tôi không thấy có gì đặc biệt trong trường hợp này, để phải chỉ có cảm tưởng, lại là một thứ cảm tưởng khó gây thiện cảm, vì khi không, chẳng có gì đáng nói, tôi lại đem chuyện mình ra kể, bắt người khác chú ý nghe. Nói trắng ra, là có kẻ đang nhìn tôi. Đang nhìn, hay đang liếc nhìn...

 

Nhìn hay liếc nhìn, lắm khi cũng không có biên giới khác biệt, chẳng hạn như một năm nọ, sau 1975, có lần tôi hào hứng theo chân bạn bè leo lên xe đò đi về một tỉnh miền tây để xem đá bóng, mà nói cho đúng, cũng chẳng phải là để xem đá bóng, chỉ là lâu ngày chôn chân ở thành phố, tôi cảm thấy bứt rứt khó chịu, cái cảm tưởng khó chịu lâu ngày biến thành một nỗi đau, một cảm giác bị nhục mạ một thứ xúc phạm không thể tha thứ được và về miền tây chỉ là do muốn đi xa một chuyến, đi bất cứ đâu, thế nên trong khi thật ra chuyến đi chẳng có mục đích gì, nó lại có vẻ như có một mục đích, vâng đi về miền tây, và ở một ngã tư gần ngã ba Trung Lương, xe đò đỗ lại, chủ ý là để hành khách ai nấy có chút thì giờ ỉa đái, hoặc ngược lại, kiếm ly trà đá hay cái bánh ít nhân đậu xanh đường đen bỏ bụng, anh tài xế và anh lơ xe cùng có dịp xả hơi rửa mắt bằng mấy cái bắp vế của các chị bán hàng quà quanh quẩn cây xăng quốc doanh, cũng có khi các anh bước vào một quán bên đường, biến sâu vào sau cánh cửa có màn che kín, đến hai mươi phút nửa tiếng sau mới hả hê bước ra... Trời bấy giờ quá trưa, nắng hơi gắt, nhưng lác đác có nơi cũng lấm chấm những bóng râm biến hoá làm cho cái ngã tư tỉnh lẻ nằm trên quốc lộ thêm phần bí ẩn đối với những thị dân lâu ngày không ra, hoặc không dám ra khỏi thành phố như tôi, và trong khi hành khách ai nấy tận hưởng những giây phút giải lao thoải mái của họ, một cách hồn nhiên, thì tôi vốn thận trọng, cố nín không tham gia xuống xe để phải xuất hiện giữa chỗ mà tôi tin chắc không thể là của mình, tôi chợt cảm thấy có một cái gì không bình thường sắp xảy ra, hay có thể đang xảy ra rồi với mình, cái cảm giác khá chính xác là có mấy cái nhìn, ít ra là hơn một cái nhìn chẳng phải dễ chịu, đang tập trung sau gáy tôi, rình rập ngay sau cái chùm tóc mắc dịch mà tôi thừa biết là mọc dài một cách vô tổ chức, không có định hướng của mình, nếu trước 1975 từng bị coi là làm mất vẻ đẹp của thành phố Saigon đẹp lắm Saigon ơi, thì giờ đây lại càng không đóng góp gì cho thành phố mang tên bác của nhà nước mới vân vân, hoàn toàn xa lạ với ba dòng thác cách mạng, mà then chốt là... không, nói cảm giác là nói cho có vẻ văn hoa sang trọng, kỳ thực đấy chẳng phải là cảm giác, hay cảm tưởng, mà là một nỗi sợ khó hiểu với người khác nhưng lại dễ hiểu với tôi...

 

Trên cây cao, ấy là nói khi tôi nghểnh cổ để lau chút mồ hôi cuối cùng tôi cảm thấy như đã xuống tới quá cổ, nhưng chưa thấm áo, trên cây cao, tiền cảnh của những đám mây bay qua vùng thung lũng mà tôi đang bắt đầu làm quen từ mấy tháng nay, một vài con chim tách đàn sà xuống lắc đầu qua lại, lấp lánh trong ánh nắng trưa, lấp lánh và mờ ảo – hẳn không phải mờ ảo là vì đôi cánh không đủ sắc nét trên cái nền xanh não nùng kia, mà là vì có thể đôi cánh là đôi cánh bạc, cũng có thể đơn giản là chính mắt tôi chưa điều chỉnh, chưa đủ thì giờ điều chỉnh để phân biệt nổi đâu là trời, đâu là chim. Tôi có phấn khởi vì mấy con chim kia? Rất có thể. Rất có thể tôi chợt nhận ra mình không phải một mình. Bấy giờ, bất ngờ, tôi nhớ mình đang ở bắt đầu không phải là mùa hè, cũng không phải là mùa thu, càng không phải là mùa đông, và cũng không phải là bắt đầu mà chính là ở giữa, giữa mùa xuân. Nhưng như thường lệ, rất có thể tôi nhầm. Ý niệm về thời gian lúc nào cũng chỉ là những ý niệm: quá khứ, hiện tại (nhất là hiện tại), tương lai – tất cả đều ít nhiều huyễn hoặc. Xuân hạ thu đông, không có gì chắc chắn. Chỉ biết vào cái giây phút tôi nghểnh cổ nhìn trời, tôi bắt gặp ngay một hình ảnh quen thuộc, nhưng rất có thể là ngược mùa. Tôi nhớ có một dạo ở thành phố thung lũng này, cuối tháng Chín nếu trí nhớ của tôi không cố tình chọc quê lão già, thời gian có nhiều mưa bão, tuyết trắng rải ngập các mái nhà, cây cối, các con đường lớn nhỏ, tôi mở cửa nhìn ra ngoài trời, và tôi nhìn thấy gì? những con chim ấy, từ những cành cây trụi lá chúng bất ngờ cất cánh đồng một loạt bay đi, lao xao như khi bay đến... Tôi có bị đánh thức bởi những ríu rít tiếng chim? Và chim có bị tiếng cửa sổ mở ra vườn, tiếng những ô kính ngược gió làm giật mình? Tôi không biết. Chỉ biết, như thường lệ, chúng chao những vòng lượn trên nền trời và đất trắng xoá, rồi bất ngờ cùng nhau sà xuống trên những nhánh cây trụi lá khác, không xa chỗ chúng vừa xuất phát, đảo mắt như để tìm sự an toàn... Nhưng bây giờ là một mùa khác, một buổi trưa khác, có thể chẳng dính dáng chút nào đến hình ảnh ngay trước mặt tôi, những anh chàng say rượu lê la nằm hay ngồi ngửa trên các bực thềm trước tiệm Pizza Hut, lưng tựa vào tường, khoác trên người cái áo trận màu rêu bèo nhèo của Mỹ, râu dính mấy sợi cheese kéo lòng thòng, miệng ngậm điếu thuốc ướt nước dãi vàng khè, còn vướng mấy mẩu xúc xích đỏ lòm, những vết bọt bia vung vãi hai bên má, không, đúng thế, bây giờ là một buổi trưa khác, tuyệt đối không ăn nhập gì đến cả hình ảnh những con chim bay thành đàn từ đâu lao xao đổ xuống những cành cây sau vườn nhà tôi...

 

Giữa lúc tôi nín thở giả vờ nhìn quang cảnh cái ngã tư không ai đặt tên ấy, góc gần tôi nhất là trạm xăng quốc doanh, không tấp nập lắm như tôi chờ đợi, lá vàng rụng vàng cả một khoảng đất gồ ghề nằm giữa một bên là hai quán nước giống y hệt nhau, nghĩa là ngổn ngang nào ấm nhôm nào ly nhựa, bình thuỷ cũ, nào những chùm chôm chôm và các thứ trái cây nhỏ xíu đen đủi, teo khô như những bờ ruộng ngày hạn hán, một bên có lẽ là một cơ quan địa phương cũ nay biến thành trụ sở gì đó của xã gì đó tôi quên mất tên, với cái bảng hiệu to đùng chạy hết chiều ngang mái ngói đã ngả rêu, màu vàng sơn chữ đỏ, hay màu đỏ sơn chữ vàng, tuốt trên cao có bắc một cái loa, tất cả ngó qua phía kia là bãi đất trống cây cỏ xác xơ với duy nhất một nóc nhà dân xiêu vẹo, cửa đóng kín, và bên kia nữa, tức là bên kia quốc lộ, cả hai phía đều chen chúc những bàn bán vé số đơn sơ, những sạp gỗ, hàng quán giống hệt nhau, lụp xụp nhưng màu mè, kiểu màu mè như chè ba màu, ấy là nói cái thời người ta còn xa xỉ nghĩ đến chuyện làm chè ba màu nơi số người bán có vẻ lấn át số người mua, thì thế, trong lúc tôi nheo mắt sau cặp kính cận ngó ra cửa sổ nhìn cái ngã tư vô duyên ấy và giả vờ như đang chú ý đến cảnh vật, đang mải mê nhìn cái bãi đất vàng lá và những bụi cây xa hơn, nhưng tuyệt đối tránh không nhìn ra phía sau gáy của mình, không nhìn nhưng kỳ thực là vẫn tìm cách liếc nhìn, cái nhìn gian, như người ta thường bảo, thì tai tôi nghe rất rõ, giữa những tiếng chào hàng đinh tai nhức óc quanh tôi, cái nội dung mãi mấy năm về sau nghĩ đến tôi còn thấy cái lạnh chạy dài sống lưng: người nước nào vậy a? Bây giờ, tôi nhớ lại tất cả nỗi sợ ám ảnh và nỗi sợ có thật ấy, nhưng tôi sẽ rất không muốn nhắc lại cái tôi không muốn nhìn thấy mà rốt cuộc vẫn phải nhìn thấy ngay dưới cửa sổ chiếc xe đò đưa tôi đi giải trí ở miến tây lần ấy: ba bốn chú bé ăn mặc lôi thôi, áo linh quần dân, hay áo dân quần lính, tóc húi cua, da mặt xanh lè, xương xẩu, vai đeo những cái súng thật, đứng ngay dưới mũi tôi, đang tần ngần tự hỏi (và có thể là đang hỏi nhau) xem có nên hỏi giấy thằng cha râu tóc láo xược trên kia hay không... May cho tôi, có lẽ nhờ mẹ tôi thường xuyên tu hành đi lễ tụng kinh niệm phật, hay cha tôi thỉnh thoảng ham vui đi bát quan trai cuối tuần ở các chùa, vả chăng có thể là chỉ để gặp bạn bè, hay nhờ vợ tôi, cô giáo viên nhân dân từng là nữ sinh trường Saint-Paul, ngoan hiền đến độ thời đi học ông cha nào lui tới trường cũng tưởng là con của các mẹ, hay nhờ chính tôi, vâng chính tôi, đôi lần quả có tụ họp với bạn bè kiếm chuyện nói xấu người này người kia cho vui nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ nghĩ đến chuyện hại ai, hay nhờ cái gì khác tôi không biết được, và cũng chẳng tìm hiểu ngọn ngành làm gì, may cho tôi lúc ấy, chiếc xe đò chuyển bánh...

 

Ngã tư đang yên tĩnh, giữa trưa, chợt vang lên một tiếng còi xe inh ỏi, bất thường, ở đây chỉ có thể hiểu là do nghịch ngợm, tiếng còi đi qua, tôi không phải là người duy nhất ngẩn ngơ: nó vang lớn như một lời cảnh giác với những người có mặt trên đường phố không mục đích rõ ràng như tôi, không, nó không đe doạ, như cách tôi kể có thể làm người đọc hiểu nhầm, nó chỉ để rớt lại, một cách rất vô trách nhiệm, một cảm tưởng bất an – như một sự cảnh giác – và còn nhẹ nhàng hơn nhiều so với tiếng mấy cái loa nhạc ầm ĩ trên các xe tải to đùng xuất hiện vào những lúc bất ngờ nhất, như một tiếng nổ, như tiếng báo hiệu địa chấn, cho dù cả đời tôi chưa nghe được cái gì có thể gọi là báo hiệu địa chấn. Tôi đứng đây làm gì, tôi không nhớ. Gần đây tôi làm gì cũng có vẻ như không rõ ràng. Tôi có một cái xe để lái đi đây đi đó, xe hiệu tây, nhưng ai cũng đọc như tiếng mỹ. Thế là đơn giản, tôi cũng đọc theo tiếng mỹ, đơn giản dễ sống, tôi nghe tôi nói với tôi, không chỉ trong những trường hợp như bây giờ, đứng giữa ngã tư đèn xanh đèn đỏ, nghểnh cổ nhìn trời, thấy chim mùa này mà cứ tưởng chim mùa khác, mà cả những lúc ôm cái gối nằm chờ giấc ngủ, cả những lúc bước vào thư viện vì mỏi chân. Đơn giản thật ra không phải chuyện đơn giản: thì sau 1975, tôi đã chẳng đơn giản là gì – tôi tự hỏi, và một cách đơn giản, và vui vẻ, tôi không trả lời. Không trả lời thế mà hay. Hồi còn ở bên nhà, không phải chỉ anh công an đường phố, mà đặc biệt những anh cảnh sát công lộ cũng thường xuyên tìm cách tò mò hỏi tôi tại sao để râu. Tôi sẽ trả lời ra sao, có nhà thông thái, trí thức hay trí thức tại chỗ, có thể nghĩ ra cách giúp tôi trả lời? Không trả lời, tôi nghiệm ra tôi đã ban cho các vị một dịp may rất dễ dàng được phấn khởi đón nhận: có vị tốp xe tôi ngay đầu cầu đi vào trung tâm thành phố, vung tay lên chào theo kiểu nhà binh, rồi cũng bàn tay ấy chỉ vào cái râu tóc mà tôi tin là không làm phiền ai của mình, giải thích, chắc anh có nghe nói tới chủ trương làm đẹp thành phố của chánh phủ? những vị khác thì đêm khuya, ngay dưới ngọn đèn vàng, và từ một bóng đêm nào không định rõ được, chạy ra giữa lòng đường chặn chiếc xe đạp cọc cạch vô tội của tôi, nhìn tôi từ chân lên tới đầu, rồi loanh quanh nhắc đến những yêu cầu của một kỹ sư tâm hồn, rằng nhà giáo, nhà báo lại càng phải làm gương, rằng bác chúng ta để râu là do yêu cầu công tác... Không, trả lời dứt khoát là phải có suy nghĩ, suy nghĩ không ra, tốt nhất là không trả lời, tôi tự khuyên mình, lại nữa, bây giờ ở ngay đây, giữa ngã tư này, tiếng tây tiếng u lôi thôi lếch thếch, chẳng lẽ cứ phải you know you know để làm ra vẻ tự nhiên? Trước đây tôi từng đứng thẳng người im lặng nghe thuyết giảng về chuyện bộ râu dưới mũi mình đã làm cho thành phố bớt đẹp ra sao, về chuyện người ta không thể để cho râu có sáng kiến mọc không định hướng, nếu không có công tác gì rõ ràng, như thế nào, nghe như thế suốt mấy mùa, không hiểu đến nay là đã qua mấy mùa – giờ đây không ai hỏi han lý lịch gì nữa, có mình mà vẫn cứ như không có mình, tôi lại im lặng đứng nhìn cái mênh mông trời xanh trước mặt, những đám mây thách hức bay ngược hướng mắt nhìn...

 

Ủa, mà tôi có đã bỏ sót năm ba chi tiết về cái lần đi chơi thể thao ấy ở miền tây của mình không? Rất có thể tôi đã quên không nhắc đến những bạn đồng hành quí báu của tôi trên chuyến xe ấy, những người ngay từ chỗ cái bến xe miền tây tấp nập đủ thứ nhân vật lịch sử và lụp xụp những hàng quán ồn ào rất vô trật tự, mặc dù chi tiết vô trật tự không dính dáng đến chuyến đi của tôi, lại càng không phải là món tôi ưa đem ra bàn luận, đã không hề lấy làm lạ có một gã đi cùng xe như tôi, ăn mặc như thế, mang dép nhật thì đã đành thời ấy ai chẳng mang dép nhật, dép nhật mà còn mua được cái quai nhu yếu phẩm thì đã là may rồi, nhưng tóc tai râu ria thế kia, cái áo thun trông vừa dài vừa rộng quá khổ, lại cũ mèm, màu gì không rõ, úp lên một cái quần chỉ vừa đủ che những chỗ không che không được, vâng, ngay từ cái chỗ xuất phát là bến xe chẳng ra bến xe ấy, ai nấy đã nhiều lần đi qua đi lại trước mặt tôi, bên cạnh tôi, ứng khẩu kể mấy câu chuyện tiếu lâm cho mọi người nghe và còn chờ tôi hưởng ứng cười theo nữa, mà chẳng có ai đặt trước một dấu hỏi nào về tư cách đồng hành của tôi, có nghĩa mặc nhiên xem kiểu người như tôi cũng là một kiểu người hợp pháp, cũng là đồng loại, thì bỗng dưng vào cái giây phút mà họ nhận ra dưới cửa sổ xe ngay bên hông mình sự hiện diện của bốn em thiếu niên ốm teo mang súng trên vai, loại súng có thể bắn chết người, và rất có thể họ nhận ra sự quan tâm ấy của đám thiếu niên trước cả cái khoảnh khắc tôi bắt đầu mơ hồ cảm giác mình đang được ngắm nghía, ai nấy bắt đầu thấy rõ ràng có một người như tôi ngồi cùng xe, nhất là ngồi trên cùng một dãy băng với họ, cũng có một cái vé cầm tay như họ, là một điều cực kỳ bất tiện. Trong mấy cảm giác ngổn ngang cô độc và sợ hãi cố tình che giấu của tôi lúc bấy giờ, chắc chắn là có cái cảm giác mọi người chung quanh tôi, trước sau, bên phải bên trái, đều có nhích ra xa tôi một chút, hay đều có làm một động tác gì đó để nói lên rằng họ hoàn toàn đứng ngoài (và không trách nhiệm mà cũng không thấy vui về) tác phong cá nhân chủ nghĩa cà chớn đáng ghét của ông kia. Vâng, đọc lại mấy dòng về cái ngã tư ngập lá vàng gần ngã ba Trung Lương trên quốc lộ bốn, tôi thực tình đã bỏ sót một vài chi tiết, cho dù chỉ là những chi tiết không quan trọng...

 

Ngã tư là một ngã tư bình thường, 4700 South, 2700 West, hai góc phía đông, một bên là khu thương mại có một tiệm McDonald’s, một siêu thị của người Mormons, khỏi đóng 6% thuế cho nhà nước nhưng phải tính thêm 10% cho nhà thờ, một cơ sở tập thể dục, một trạm điện thoại công cộng, một cửa hàng bán rượu cho những khách mua trên hai mươi mốt tuổi, một tiệm bán hoa, một nhà hàng ăn người tàu, một tiệm Pizza Hut và mấy tiệm bánh mì mà tôi không buồn giữ lại cái tên trong đầu, bên kia là mấy bãi đậu xe của một văn phòng nha sĩ, một chi nhánh nhà băng, một văn phòng bác sĩ, mấy cánh cửa kiếng no soliciting tôi không còn nhớ là của cái gì, hai góc phía tây một bên là trạm xăng Chevron, nằm cạnh DMV, và một chi nhánh bảo hiểm, một bên là trạm xăng Shell sát hông nhô ra một mặt tiền nhà ở biến thành văn phòng luật sư... Ngã tư bình thường, nghĩa là ở những ngã tư khác các cơ sở cũng rất có thể tương tự, chỉ khác thứ tự, kích thước, những lối sắp xếp, những thiết kế mặt tiền và màu sơn vân vân.

Trời đang nắng, bỗng tối sầm. Nhà cửa, bãi đậu xe, những tấm biển chỉ đường, những mặt tiền mỗi bảng tên một vẻ, cả những panô quảng cáo nhiều màu to tổ bố, cô thiếu nữ ưỡn ngực khoe cặp vú hồng trước cái giỏ đầy cam, ông già tóc bạc nhe răng cười cái cười ăn tiền kiểu Mỹ, chàng thanh niên mặc cái quần lót mỏng trắng tinh lấp ló một củ hành cỡ bự, tất cả bốn phía ngã tư, tất cả, đồng một loạt, như bị đột quị xám xanh... Cái sân khấu ngã tư chói chang tôi nghĩ là quen, thoắt một cái chìm trong sương tối giữa buổi trưa. Có một khoảnh khắc nhìn mình trong mặt kính trước nhà băng, tôi không thấy một chút nào những cái quầy cao tiếp khách, chẳng thấy một chút nào cái bầu khí an toàn lặng lẽ và trang nghiêm của một nơi lo chuyện tiền bạc, như mọi lần, mà chỉ thấy mình như đang trơ vơ đứng trên một bãi biển vắng ngắt, bầu trời thấp, mây phủ bốn bề, yên lặng tuyệt đối nhưng vẫn nổi lên một thứ cảm tưởng đang đứng trước một cơn bão ngoài khơi, và trời như sắp muốn mưa, hay đang mưa, chung quanh cái gì cũng mờ nhạt, cái gì cũng không rõ ràng, thấy là thấy thế, nhưng không có gì chắc chắn: những hình ảnh không phải hoàn toàn không sắc nét, mà là sắc nét trên một cái nền sương mù. Nhưng tôi không ngạc nhiên: gần đây tôi vẫn thế, đứng ở một chỗ, và nghĩ mình đang đứng ở một chỗ khác, không gian, luôn cả thời gian, tôi không kiểm soát được, cũng không hề cố gắng kiểm soát, tôi ghét nhất sự cố gắng. Với tôi, từ lâu quá khứ, giống như hiện tại, hay tương lai, đều là những ý niệm: những người thiếu tưởng tượng thường đem thời gian ra uốn nắn, rửa sạch, lau chùi, đánh bóng, tô vẽ, ngăn phòng riêng, sơn mỗi phòng một màu nguyên thuỷ – rồi cứ thế lại tiếp tục tô vẽ, ngăn phòng riêng, sơn mỗi phòng một màu... Thế nên tôi quyết không để bị mắc bẫy, mặc dù quyết như thế đã là một thứ cố gắng – mà tôi thì như đã nói, tôi ghét mọi sự cố gắng. Tôi cứ tưởng thế là mình bắt đầu chìm trong sương mù, bắt đầu đi vào bóng tối, không bao giờ còn nhìn thấy rõ ràng một ngã tư, những cột đèn, và các thứ mà có kể hết ra đây cũng chẳng nói lên một điều gì, có thể sẽ chỉ là một sự lặp lại nhạt nhẽo vô duyên, người đọc có thể đi tắt, rất có thể vì vội vàng phải làm chuyện gì đó trong ngày, như chuẩn bị đến trường đón con, hay ghé chợ mua một hộp nước gà, tạt qua nhà băng để bỏ tiền vào trương mục, hay lấy bò túi một ít tiền mặt, người đọc có thể nhảy năm bảy dòng để khỏi phải dây dưa vào câu chuyện không phải chuyện của mình, vâng, trong khi tôi cứ tưởng mình đi luôn vào cái đêm tối giữa ban ngày ấy, thì coi kìa, cái gì bắt đầu lấp lánh trên những đường dây thép thế kia? Ánh sáng, không báo trước, cũng không có một dấu hiệu gì khả nghi, nó tự nhiên hiện ra, nhảy qua nhảy lại, bắt đầu là trên những đường dây điện trên cao, rồi xuống đến những mái nhà, những mặt tường, những mặt kính, trên những mui xe, trên lòng đường và cả trên các bãi đậu xe... Cái ánh sáng vừa mất đi hình như đang bắt đầu tự phục hồi, nguyên cảnh vật bốn phía ngã tư lại dần dần hiện ra, rõ nét, sạch sẽ, y như tờ giấy rửa hình trong phòng tối, nằm trong hoá chất đã đủ thời gi n cần thiết, đang đáp lại sự chờ đợi của anh thợ in hình... Trước mắt tôi lại hiện ra một ngã tư bình thường, tiệm McDonald’s, siêu thị của người Mormons, phòng tập thể dục, tiệm bán hoa, cửa hàng bán rượu cho những khách mua trên hai mươi mốt tuổi, trạm điện thoại công cộng, nhà hàng ăn tàu, tiệm Pizza Hut, mấy tiệm bánh mì, văn phòng nha sĩ, chi nhánh nhà băng, văn phòng bác sĩ, mấy cánh cửa kính, trạm xăng Chevron, khoảng sân rộng DMV, chi nhánh bảo hiểm, trạm xăng Shell, văn phòng luật sư... – mọi thứ trông tinh khiết, sắc sảo, hay tôi có cảm tưởng như thế, và tôi tự nhủ, tấm ảnh giờ đây là bản sao của tấm trước, nhưng mới mẻ, nó như cố tình bảo tôi, hãy nhớ nhé, ngã tư này...

Nhưng có gì để tôi phải nhớ?

 

Trích NGƯỜI KHÁNG CHIẾN (tiểu thuyết)

 

_________________________

[*]Emily Dickinson, The Complete Poems of Emily Dickinson (Boston: Back Bay Books, 1976).

 

 

---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021