thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nơi có những thiên thần bay lượn trong buổi rạng đông
Bản dịch Hoàng Tân Nhân & Hoàng Tân Dân

 

ISABEL ALLENDE

(1942~)

 
Isabel Allende, nhà văn Hoa-kỳ gốc Chile, ra đời ở Peru và lớn lên ở Chile trong một gia đình nổi tiếng (bác của Isabel là tổng thống Salvador Allende — người bị phe quân phiệt Pinochet hạ sát trong cuộc đảo chính bạo động năm 1973 — và thân phụ của Isabel là Tomás Allende, đại sứ của Chile tại Peru trước cuộc đảo chính ấy). Rời khỏi Chile vào năm 1975, bà bắt đầu văn nghiệp trong thời gian sống lưu vong ở Venezuela. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà, La Casa de los Espiritus [Ngôi nhà của những linh hồn] (1982), là một tác phẩm hiện thực thần kỳ thành công rực rỡ. Tiểu thuyết này chịu ảnh hưởng đậm nét của tiểu thuyết Cien años de soledad [Trăm năm cô đơn] của Gabriel García Márquez.
 
Sau sự thành công của cuốn tiểu thuyết đầu tay, hàng loạt tiểu thuyết khác và nhiều tập truyện ngắn của bà liên tục xuất hiện và, cho đến nay, sách của bà đã được dịch ra gần 30 ngoại ngữ. Năm 1988, bà định cư tại California, Hoa-kỳ; và năm 2003, bà nhận quốc tịch Hoa-kỳ. Năm 2004, bà được vinh dự trở thành viện sĩ của Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật và Văn Chương Hoa-kỳ.

 

____________________

 

NƠI CÓ NHỮNG THIÊN THẦN BAY LƯỢN TRONG BUỔI RẠNG ĐÔNG

 

Ngày xưa có một vùng đất thần thoại ở tận cùng thế giới, có tên là châu Mỹ. Những nhà thám hiểm từ châu Âu từng tìm ra vùng đất này, khi trở về nhà đã kể lại cho mọi người là họ đã nhìn thấy những con sông rộng như biển, những khu rừng không ai đi vào được, những sa mạc cát trắng nóng bỏng, và những ngọn núi cao ngất đến nỗi đỉnh với tới tận trời cao, nơi có những thiên thần bay lượn trong buổi rạng đông. Họ kể lại là thực sự đã có những thành phố đầy vàng nguyên chất, và những con người chỉ có một mắt trên trán, và chỉ có một chân, và chân lớn đến nỗi trong lúc ngủ trưa họ có thể chống qua đầu để làm bóng mát. Tin tức về những miền đất lạ thường bay nhanh như gió, đánh thức trí tưởng tượng của mọi người. Thế là từng đợt sóng người từ ngoài đổ xô tới những bờ biển xanh này, có người bị lôi cuốn bởi óc phiêu lưu, có người quan tâm đến những vấn đề khoa học, nhưng phần lớn đơn giản chỉ bởi lòng tham. Họ muốn làm chủ tất cả những gì họ có thể với tay tới, biến vùng đất mới này thành thuộc địa, và làm giàu.

Những người conquistadores đặt chân đến đây đầu tiên, theo họ là các thầy tu với sứ mệnh chôn vùi vĩnh viễn các thần linh của thổ dân ở đấy như: Rắn Giắt Lông Chim, Báo Đốm, Chúa Tể Sông Nước, và các vị thần khác. Có nhiều giống dân từ nhiều chủng tộc, nói nhiều ngôn ngữ khác nhau và có nhiều phong tục khác nhau, cùng sống trên đất châu Mỹ, nhưng những người conquistadores khó phân biệt nổi các nhóm chủng tộc và xem họ chỉ như những người có màu da đỏ như đồng, gò má cao, tóc thẳng, mắt có hình dáng quả hạnh. Có người nghĩ rằng thổ dân không có tâm hồn và không có khả năng cảm nhận sự đau, vì vậy họ bị đối xử tàn bạo. Đối với người Da Đỏ đây là thời của đau khổ và kinh hoàng. Chưa bao giờ họ từng phải chịu đựng đau khổ đến như vậy. Nhiều phụ nữ không chịu đẻ con để con mình khỏi phải lớn lên như những nô lệ. Nhưng đối với thực dân đây lại là thời làm giàu lạ thường. Một người nghèo từng ăn xin tại làng quê vùng Castile, Tây-ban-nha, có thể đến châu Mỹ và trở thành một chủ đất có thế lực.

Thời gian trôi qua, có thêm nhiều binh lính đến đây, rồi đến các thương gia và lái buôn, các nhà cầm quyền, hải tặc và kẻ cướp đủ loại, nô lệ từ châu Phi, di dân và các nhà phiêu lưu mạo hiểm từ khắp thế giới. Những người này - người Da Đỏ, người châu Phi, châu Âu, châu Á - tất cả hợp chủng với nhau, cùng đổ mồ hôi, nước mắt, yêu thương, sinh ra dưới cùng một mặt trời và chết trên cùng một mảnh đất. Cuối cùng họ đều trở thành những criollos, hòa hợp cả huyết thống và chủng tộc. Đối với tôn giáo cũng vậy, thế nên các thần thánh cũng cùng tồn tại với nhau; cuối cùng, thần Rắn Giắt Lông, thần Chim Đuôi Sao cũng lấy tên các thánh La-mã, trong khi Đức Mẹ Đồng Trinh thì đeo chuỗi hạt của người Da Đỏ và khoác áo choàng của người châu Phi. Ngôn ngữ cũng trộn lộn với nhau, cho ra đời những giọng điệu mới. Tiếng Tây-ban-nha mất đi những âm cứng, tiếng Bồ-đào-nha nghe có nhạc điệu, tiếng Anh, Pháp và Hà-lan trở thành những tiếng địa phương vui tươi, và những ngôn ngữ của thổ dân có thêm nhiều từ mới. Nhiều người đàn ông và đàn bà sinh ra ở Thế Giới Mới đã quên nguồn gốc nước ngoài của mình và bắt đầu mơ về một lục địa tự do ở đó mọi người đều bình đẳng. Mặc dù có những cuộc nội chiến, nghèo đói, và bạo lực, trong năm trăm năm qua, giấc mơ đó vẫn sống trong tim của nhiều người châu Mỹ La-tinh.

Những buổi tối khi nhóm lò luộc ngô, những người lớn tuổi trong gia đình kể chuyện đời xưa cho mọi người trong nhà túm tụm chung quanh mình. Họ kể những câu chuyện huyễn hoặc bởi vì thực tế của miền đất họ sống là thực tế huyền bí. Kể chuyện trở nên một tập tục hàng ngày. Bởi vì ít người biết đọc và biết viết, kể chuyện trở thành cách duy nhất để ghi nhớ quá khứ. Ngày nay những câu chuyện đó vẫn tiếp tục được truyền miệng trong những ngôi làng hẻo lánh chưa có truyền thanh và truyền hình. Trong các thành thị, những “người kể chuyện” cũng không phải hoàn toàn biến mất. Bây giờ, người ta gọi họ là “nhà văn”. Sứ mệnh của họ cũng vẫn vậy. Họ có cách nói riêng để ghi nhớ quá khứ, diễn dịch các sự kiện trong hiện tại, và tưởng tượng tương lai. Trong tập truyện này** chúng ta có thể nghe những giọng nói của họ được một ngọn gió từ những vùng đất châu Mỹ La-tinh huyền diệu mang đến, những vùng đất mang đặc tính địa hình hoang dã, lịch sử hung bạo, những câu chuyện thần thoại và truyền thuyết đẹp đẽ, và những con người lúc nào cảm xúc cũng bắt nguồn từ những đam mê lớn.

 

Bản dịch này đăng lần đầu trên tờ Ngày mới, SLC Xuân 1995.

 

 
Tranh bìa của José Ortega.
 
---------------------
Nhan đề của bài viết trên đây, “Nơi có những thiên thần bay lượn trong buổi rạng đông”, là tên của tập truyện ngắn Where Angels Glide at Dawn – New Stories from Latin America, do Lori M. Carlson và Cynthia L. Ventura biên tập, Isabel Allende giới thiệu (New York: J.B. Lippincott, 1990). Người dịch mạn phép lấy tên sách đặt cho bài viết giới thiệu của nhà văn Isabel Allende.
 
Tiền vệ sẽ lần lượt gửi đến độc giả một số truyện ngắn trong tập truyện này của các nhà văn Mỹ La-tinh. Trước hết là truyện ngắn “Với đôi mắt nhắm” của Reinaldo Arenas, đăng cùng lúc với bài giới thiệu này.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021