thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chờ
Hoàng Ngọc-Tuấn dịch
 
Faith Wilding sinh năm 1943 ở Paraguay và di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1961. Bà đậu cử nhân văn chương (hạng danh dự) tại University of Iowa vào năm 1968. Sau đó, bà tiếp tục theo bậc cao học, ngành lịch sử nghệ thuật, tại California State University, Fresno; và năm 1973, bà tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật tại California Institute of the Arts, nơi bà là thành viên sáng lập của Feminist Art Program (Chương trình mỹ thuật nữ quyền). Wilding là một nghệ sĩ đa diện, hoạt động đồng thời trong các lĩnh vực văn chương, tạo hình và sân khấu. Bà đã xuất bản, triển lãm và trình diễn nhiều tác phẩm tại Hoa Kỳ và châu Âu. Nhiều tác phẩm truyền thanh của bà đã được công bố qua các đài phát thanh như RIAS (Berlin), WDR (Cologne), National Public Radio (Hoa Kỳ)... Thơ, tuỳ bút và tiểu luận của bà thường xuất hiện trên các tạp chí MEANING, Heresies, Ms. Magazine, The Power of Feminist Art, và được đăng lại trong sách của nhiều tác giả khác. Bà đã nhận được hai giải thưởng do National Endowment for the Arts trao tặng. Từ 1995 đến nay, Wilding đã giảng dạy tại Carnegie Mellon University (Pennsylvania), Akademie der Bildenden Kuenste (Nuernberg, Đức), Carlow College (Pittsburgh, Pennsylvania), và School of Art Institute (Chicago).
 
"Chờ" ("Waiting") là một tác phẩm thuộc thể loại "thơ trình diễn" (performance poetry), một thể loại phát triển rất mạnh trong nghệ thuật hậu hiện đại. Đây là một mẩu độc thoại dài 15 phút, được Faith Wilding viết và diễn lần đầu vào năm 1972, tại Womanhouse, California Institute of the Arts, Los Angeles, lúc bà đang theo học bậc thạc sĩ ở đó. Bài thơ này gói trọn cuộc sống của người phụ nữ dưới ách phụ quyền vào một chữ "chờ". Thân phận của họ là "chờ", mãi mãi "chờ", từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt. Trong cuộc trình diễn "Chờ", Faith Wilding ngồi trên một chiếc ghế, đong đưa tới lui, và dùng giọng nói cùng cử chỉ thân xác để truyền đạt bài thơ đến khán thính giả.
 
Faith Wilding trình diễn "Chờ", 1972.
 
 
 
CHỜ
 
 
(Một tiếng nói phụ nữ với âm sắc thụ động, thoáng buồn, bắt đầu như giọng trẻ con, trở nên gần như tuyệt vọng ở tuổi thanh xuân, dịu dàng khi làm mẹ, rồi rất chậm chạp và khàn vỡ lúc về già)
 
Chờ . . . chờ . . . chờ . . .
Chờ một người nào đến
Chờ một người nào đón về
Chờ một người nào bế
Chờ một người nào cho ăn
Chờ một người nào thay tã. Chờ . . .
Chờ biết bò, biết đi, chờ biết nói
Chờ được nâng niu
Chờ một người nào ẵm ra ngoài
Chờ một người nào chơi với tôi
Chờ một người nào đặt tôi lên bồn cầu
Chờ một người nào đọc sách cho tôi nghe, mặc quần áo cho tôi, thắt dây giày cho tôi
Chờ Mẹ chải tóc tôi
Chờ Mẹ cuộn tóc tôi
Chờ mặc cái váy xếp diềm
Chờ làm một bé gái kháu khỉnh
Chờ ngồi vào lòng Bố. Chờ . . .
Chờ bộ đồng phục mới để đi học
Chờ một người nào đưa đến trường
Chờ được thức đến bảy giờ tối
Chờ trở thành một cô gái
Chờ lớn lên. Chờ . . .
 
Chờ cặp vú nẩy nở
Chờ mặc cái áo ngực
Chờ được có kinh nguyệt
Chờ được đọc những sách cấm
Chờ tay chân hết vụng về
Chờ một vóc dáng cân đối
Chờ cuộc hẹn hò đầu tiên
Chờ có một bạn trai
Chờ đi dự tiệc vui, được mời khiêu vũ, được ôm trong vòng tay
Chờ được xinh đẹp
Chờ điều bí mật
Chờ cuộc đời bắt đầu. Chờ . . .
Chờ trở thành một người nào đó
Chờ được dùng phấn thoa mặt
Chờ những cái mụn tan đi
Chờ được thoa son môi, được mang giày gót cao và vớ dài ống
Chờ được chưng diện, được cạo lông chân
Chờ được duyên dáng mỹ miều. Chờ  . . .
Chờ chàng nhìn thấy tôi, gọi tên tôi
Chờ chàng mời đi dạo phố
Chờ chàng lưu tâm đến tôi
Chờ chàng yêu tôi
Chờ chàng hôn tôi, chạm vào tôi, sờ vú tôi
Chờ chàng đi ngang nhà tôi
Chờ chàng nói với tôi em đẹp lắm
Chờ chàng đòi tôi chỉ yêu một mình chàng
Chờ được vuốt ve âu yếm, được thề hứa, được trao hết cho nhau
Chờ được hút thuốc, được uống rượu, được đi chơi khuya
Chờ trở thành một người đàn bà. Chờ . . .
Chờ mối tình lớn của tôi
Chờ người đàn ông hoàn hảo
Chờ Ông Chân Chính. Chờ . . .
 
Chờ kết hôn
Chờ ngày đám cưới
Chờ đêm động phòng
Chờ làm tình
Chờ chàng ôm lấy tôi
Chờ chàng làm tôi phấn khích
Chờ chàng cho tôi hoan lạc
Chờ chàng cho tôi một cơn sướng ngất. Chờ . . .
Chờ chàng đi làm về, làm đầy ngày tháng của tôi. Chờ . . .
Chờ đứa bé của tôi
Chờ bụng tôi phồng lên
Chờ cặp vú tôi căng đầy sữa
Chờ nghe đứa bé cựa mình
Chờ đôi chân tôi hết sưng phù
Chờ những cơn co thắt đầu tiên
Chờ đến hết những cơn co thắt
Chờ cái đầu thò ra
Chờ tiếng khóc đầu tiên, đùm nhau
Chờ ôm con tôi vào lòng
Chờ con tôi bú sữa tôi
Chờ con tôi nín khóc
Chờ con tôi ngủ yên suốt đêm
Chờ cặp vú tôi hết sữa
Chờ vóc dáng cân đối trở lại, những vết da căng trên bụng tan đi
Chờ có chút thì giờ cho riêng mình
Chờ được xinh đẹp trở lại
Chờ con đến tuổi đi học
Chờ cuộc sống bắt đầu. Chờ . . .
 
Chờ các con đi học về
Chờ chúng lớn lên, rời nhà
Chờ được làm chính mình
Chờ cảm giác nao nức
Chờ chàng kể tôi nghe một điều gì thú vị, hỏi tôi em cảm thấy thế nào
Chờ chàng hết càu nhàu, nắm lấy bàn tay tôi, hôn chào tôi buổi sáng
Chờ mọi việc hoàn tất
Chờ các con thành gia thất
Chờ điều gì đó xảy ra. Chờ . . .
Chờ giảm cân
Chờ sợi tóc bạc đầu tiên
Chờ tuổi mãn kinh
Chờ được thành già dặn khôn ngoan
Chờ . . .
 
Chờ thân xác tôi tàn tạ, xấu xí
Chờ thịt tôi nhão ra
Chờ cặp vú tôi khô quắt lại
Chờ các con tôi đến thăm, những lá thư . . .
Chờ bạn bè tôi lìa đời.
Chờ chồng tôi về thiên cổ. Chờ . . .
Chờ tôi đau ốm
Chờ mọi sự tốt hơn
Chờ mùa đông trôi qua
Chờ chiếc gương soi nói với tôi tôi đã già nua
Chờ đi đại tiện hết táo bón
Chờ cơn đau đớn tan đi
Chờ cuộc vùng vẫy chấm dứt
Chờ buông thả
Chờ buổi sáng
Chờ đến cuối ngày
Chờ giấc ngủ. Chờ . . .
 
 
-------------------
Nguyên tác: "Waiting", trong Judy Chicago, Through the Flower: My Struggle as a Woman Artist (New York: Anchor Books, 1977) 213-217.
 
 
Những tác phẩm đã đăng trong loạt THƠ HẬU HIỆN ĐẠI:
"skin Meat BONES (chant)", bài thơ để xướng tụng bằng ba giọng ở ba âm vực khác nhau như một bài hát ba bè, của Anne Waldman (1945~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ, một tên tuổi hàng đầu của thơ trình diễn và thơ đọc — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Rant", bài thơ như một tuyên ngôn, với câu thơ nổi tiếng: "Cuộc chiến hệ trọng duy nhất là cuộc chiến chống lại óc tưởng tượng / mọi cuộc chiến khác đều nằm trong đó". Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — đã diễn đọc bài thơ này rất nhiều lần, tại rất nhiều nơi, và luôn luôn chinh phục khán thính giả. Tiền Vệ xin gửi đến độc giả bản dịch Việt ngữ của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Bài thơ của Hiromi Ito (1955~) — một đại biểu của dòng thơ nữ quyền hậu hiện đại Nhật Bản. Bài thơ này đánh ngã quan niệm thẩm mỹ cũ kỹ vốn cho rằng thơ của nữ giới là phải đoan trang, kín đáo, mỹ miều. Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"The Practice of Magical Evocation", "Prophetissa", và "Studies in Light", ba bài thơ rất lạ, với những ẩn dụ và biểu tượng huyền bí xen lẫn vào ngôn ngữ thường nhật đương đại, của Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Slow song for Mark Rothko", một bài thơ ứng dụng cấu trúc âm nhạc thiểu tố, của John Taggart (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Sói  của  Fujii Sadakazu
Một bài thơ sử dụng huyền thoại dân gian về người đàn bà sói "tuyệt chủng" như một ẩn dụ để diễn tả lối tiếp cận thi ca mới, của Fujii Sadakazu (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Nhật Bản — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"FIVE NOTEBOOKS FOR EXIT ART", một bài thơ có hình thức mới lạ, trông như một bài nghiên cứu từ nguyên, của Cecilia Vicuña (1948~) — nhà thơ hậu hiện đại Chile — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Lost and Found" và "Breasts", hai bài thơ với những liên tưởng rất lạ, của Maxine Chernoff (1952~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Cenotaph", một bài thơ ứng dụng kỹ thuật điện ảnh, qua đó, những đoạn thơ như những khúc phim ngắn xen vào nhau, nối tiếp nhau, của John Yau (1950~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Index", một bài thơ rất khác thường, dưới dạng một bảng tra cứu ở cuối sách, của Paul Violi (1944~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Conjugal", "Ape", "A Performance at Hog Theater", "The Toy-Maker" và "The Optical Prodigal", năm bài thơ văn xuôi với những hình tượng và liên tưởng rất khác thương, của Russel Edson (1935~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Falling in Love in Spain or Mexico", "Wonderful Things", "Nothing in That Drawer" và "Who and Each", bốn bài thơ với bốn thi pháp hoàn toàn khác nhau, của Ron Padgett (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Rape", một bài thơ chua cay, quyết liệt, của Jayne Cortez (1939~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"A Bouquet of Objects", "In a Monotonous Dream" và "A Date with Robbe-Grillet", ba bài thơ ngắn, nhưng đầy những khám phá thú vị trong bút pháp, của Equi Elaine (1953~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021