thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Rốt cuộc | Sáng tháng Năm | Ngày năm tháng Mười | Hai bài thơ say
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
MICHAEL McCLURE
(1932~)
 
Michael McClure sinh ngày 20 tháng 10, 1932 ở Marysville, Kansas, và lớn lên ở Seattle là nơi cảnh vật hoang dã đã thấm vào tâm hồn, khiến cậu thanh niên mơ sẽ trở thành một nhà khoa học thiên nhiên. Nhưng cuộc sống nổi trôi đã đưa ông đi theo một hướng khác: trẻ tuổi, ông đến San Francisco và mau chóng hoà nhập vào nhóm sinh hoạt thi ca với Robert Duncan, và cùng với Allen Ginsberg, Gary Snyder, bị cuốn hút vào vòng xoáy Beat của phong trào Phục hưng Thơ San Francisco. Ông là một trong năm nhà thơ tham dự buổi đọc thơ nổi tiếng: “Six Gallery” ở San Francisco năm 1955. Năm 1957, ông quanh quẩn trong khu Haight-Ashbury suốt một mùa hè, diễn những ca khúc thơ trên chiếc đàn hạc cầm tay và cùng với Allen Ginsberg và Gary Snyder tham dự biểu tình ngồi [Human Be-In] vào tháng Giêng 1967 ở Công viên Golden Gate, San Francisco. [Đây cũng là thời gian ông viết những lời thơ sau đó đã được ca sĩ pop Janis Joplin dựa theo để viết ca khúc “Oh Lord, Won’t You Buy Me a Mercedes Benz”’].
 
Ông là một trong những nhà thơ Beat hoạt động năng nổ, viết nhiều tiểu luận, tiểu thuyết, và là tác giả nhiều vở kịch từng khuấy động sân khấu cũng như nhiều bộ phim tài liệu TV [chẳng hạn như các bộ phim The Maze, September Blackberries, các vở kịch The Beard, Josephine: The Mouse Singer, VKTMS *...] trong nhiều thập niên qua. Ngay từ bài thơ đầu tiên của ông, “Passage”, xuất bản năm 1956, thơ ca McClure đã luôn thấm đậm một ý thức thiên nhiên, nhất là đối với loài vật mà ông nhận xét rằng con người thường cho là không đáng kể. Trong số rất nhiều tập thơ ông cho ấn hành, có thể kể: Jaguar Skies, Dark Brown, Huge Dreams, Rebel Lions, Rain MirrorPlum Stones. Về văn xuôi, ngoài nhiều bài báo viết cho Rolling Stone, Vanity Fair, The L.A. TimesThe San Francisco Chronicle, trong số những tập tiểu luận và tiểu thuyết của ông, chúng ta được đọc những bài viết đặc sắc về môi trường và về Bob Dylan, về thơ Jim Morrison [ban nhạc The Doors], cuốn tiểu thuyết The Adept [1971] và cuốn tự thuật The Mad Cub [1970]. Sau những lần xuất hiện trong nhiều bộ phim như The Last Waltz [Martin Scorsese đạo diễn], Beyond the Law [Norman Mailer đạo diễn], The Hired Hand [Peter Fonda đạo diễn], những năm 90 ông khởi sự cộng tác với Ray Manzarek của ban nhạc The Doors thực hiện những buổi trình diễn thơ/nhạc đầy sáng tạo.
 
Michael McClure đoạt nhiều giải thưởng và học bổng, kể cả Guggenheim Fellowship, Giải Obie Award cho Vở kịch Hay nhất, Giải Alfred Jarry và nhiều tài trợ cho việc sáng tác kịch từ NEA và Rockefeller.
 
 
---------------
* Michael McClure từng là kịch tác gia làm việc liên tục 11 năm với Nhà hát Magic Theatre ở San Francisco, là nơi vở tiểu ca kịch Minnie Mouse and the Tap-Dancing Buddha của ông ngự trị trên sân khấu một thời gian khá dài.
 
Michael McClure với cây đàn hạc
Ảnh: Larry Kennan – 1965.
 
 
Rốt cuộc
 
RỐT CUỘC TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU LÀ
NGƯỜI:
cô nàng xinh đẹp với mái tóc vàng
óng hay đỏ,
lão ông,
tên côn đồ, thằng quỷ sứ,
thiên thần lông vũ
đầy đức hạnh và tình thương.
chúng ta
cử động
trên
cùng
một
tấm đệm,
KHÁM PHÁ RA
CHÚNG TA LÀ THẦN THÁNH
và rốt cuộc là con người — và là động vật có vú.
 
Ôi dấu chân đáng yêu biết bao!
 
 
 
Sáng tháng Năm
 
TA TỰ ĐIỀU CHỈNH BẰNG TÁCH CÀ PHÊ BUỔI SÁNG
— tách cà phê bốc hơi hình
các nữ thần. Những phân tử
cuộn trong không trung. California
áp sát mặt trời. Những con sóng quất vào
Hải đăng Point Bonita. Ta ngồi
— dân Da đỏ cuối cùng —
tay đập lên trống của mình.
Áo thun của ta màu
quả ngấy dâu — vẽ hình
những hành tinh vàng.
Ta điên (hay lành mạnh)
như Shelley
chờ
trở thành đạo sĩ
— nghỉ ngơi chờ hành động.
A,
có những cánh cửa bằng vải vàng óng...
 
 
 
Ngày năm tháng Mười
 
NHỮNG CÁNH THƯỢC DƯỢC ĐẸP MÀU DA THỊT
BUỔI BAN MAI!
JANIS JOPLIN ĐÃ QUA ĐỜI!
Hôm nay là ngày hội của Tổ Tiên Quá Vãng.
Bạn từng là ngôi sao lấp lánh.
Người Anh Cả nhảy nhót như những thiên tài điên,
những chàng Rimbaud điện tử,
và những anh Mỹ-da-đỏ. Thế rồi,
 
như bao nhiêu người khác, bạn nổi điên
điên cách
ngạo mạn.
 
Chúng ta có gì ngoài thứ ấy?
Và bài ca vô nghĩa tới độ nó là
sự im lặng.
Trái cây ngọt ngào ta ăn
đấy là thực phẩm của chiến tranh
— NHƯ
ĐẦU ÓC
CỦA
BẠN.
Mọi chuyện ở chỗ bạn
giờ đây O.K.
 
 
 
Hai bài thơ say
 
1.
 
TA SỐNG TRONG VĨNH CỬU
 
NẾU TA NÓI CÁCH TRỪU TƯỢNG
ĐẦU ÓC TA LÀ MỘT VỞ CA
NHẠC KỊCH CŨ VÀ MỚI
mang hình dáng
của một thế kỷ khác
BẠN
SẼ
NGHE NÓ
RẤT RÕ
một triệu
năm
trong quá khứ
hay tương lai.
Loài có vú. Thú vật. Cái chết.
Tình yêu. Trí tuệ. Lý trí.
Cái điên. Cái đẹp. Cái ghét. Một nghìn tỉ
gương mặt sáng lên quanh mỗi chữ
với những vạch dài chiếu từ những gương mặt ấy.
Và bạn sẽ nghe thấy rất rõ.
 
2.
 
CHA TÔI LÀ MỘT ĐỨA BÉ CON
VÀ MỘT LÃO SÓI GIÀ;
hố sâu giữa chúng tôi đã gắn kín.
Cánh đồng
là vĩnh cửu và không xâm phạm.
Chúng tôi là một!
CHÚNG TÔI LÀ MỘT!
CHÚNG TÔI LÀ MỘT
và những đám cỏ rắn chuông
cất tiếng hát ngợi ca cha
những ngày xưa
khi trời không xếp kín
TÔI
MÃI MÃI
MỘT
NHÀ THƠ!
 
 
--------------
“Rốt cuộc”, “Sáng tháng Năm”, “Ngày năm tháng Mười”, và “Hai bài thơ say” dịch từ nguyên tác “Finally”, “May Morn”, và “Two Drunk Poems” của Michael McClure trong Michael McClure, September Blackberries (New York: New Directions, 1974).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021