thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà Bên Hồ

 

Chuyện kinh hoàng xảy ra đã trên bốn chục năm. Sau chuyện kinh hoàng ấy, có người cho rằng tôi trở lại chứng bệnh tâm thần. Tôi không nhớ rõ chuyện kinh hoàng ấy ra sao khiến Uyên rơi xuống vực thẳm, cuối một con đường dốc hoang vắng của Đà Lạt.

Sau đó hơn một năm, tôi vẫn lẩn quẩn khu vực Nhà Bên Hồ, nơi Uyên từng sống cùng chị, trong căn nhà ở Tam Hà - Thủ Đức, cách nơi tôi cư ngụ ở Sài Gòn chừng mười lăm cây số.

“Sinh thời, cha em làm căn phòng nhỏ bằng gỗ này phía sau nhà, để em được nhìn ra hồ nước.”

Người chị ở căn nhà phía trên, liền kề những căn nhà khác, cửa mở ra con đường. Lúc nào tôi cũng thấy người chị ngồi giữa căn nhà, bên chiếc máy may. Tôi gật đầu chào, có cảm giác một mình tôi gật đầu và lên tiếng chào; người chị của Uyên chỉ ngước lên, cái nhìn sững lặng. Tôi chịu đựng cái nhìn ấy, đi qua chỗ người chị, xuống vài bậc cấp ở cuối căn nhà, vào căn phòng nhỏ bằng gỗ của Uyên.

Những chiều muộn, chúng tôi nhìn đám lục bình trôi chậm trên hồ nước, những bông hoa phớt tím khẽ lay động trong gió. Một lúc kia, thấy tôi ngồi tựa lưng vách gỗ nhìn Uyên phía trong, Uyên kêu khẽ:

“Anh lọt xuống hồ không ai cứu đâu. Chỗ anh tựa lưng có miếng ván đã rớt do em vô ý đụng vật nặng vào đấy. Cha em thay bằng miếng gỗ tựa lưng của cái ghế cha em đang ngồi.”

 

*

 

Rồi một lần, tôi lấy hết can đảm, vào thẳng Nhà Bên Hồ. Người chị của Uyên vẫn ngồi giữa căn nhà, bên chiếc máy may. Tôi tự nhủ, hãy sẵn sàng chịu đựng cái nhìn sững lặng. Vào căn phòng nhỏ của Uyên, tôi nhìn miếng gỗ, chỗ tựa lưng của cái ghế người cha Uyên đóng thay vào. Miếng gỗ vẫn nơi đó. Đột nhiên, những tiếng chân dậm mạnh phía trên đầu, mỗi lúc mạnh hơn. Người chị, xuất hiện dưới mấy bậc cấp dẫn xuống căn phòng của Uyên. Cái nhìn không còn sững lặng, cái nhìn toé lửa. Cái kéo cắt may, đầu kéo nhọn hoắt, trong một bàn tay nắm chặt.

“Cậu tưởng tôi tha cho cậu cái tội giết người hả?”

“Không... chị... không phải...”

Tôi chỉ nói được vậy rồi chạy tới bức vách tiếp giáp hồ nước, nghiêng thân mình đập mạnh vào miếng gỗ, chỗ tựa lưng của cái ghế người cha vẫn ngồi. Tôi thoát ra khỏi căn phòng, nước hồ toé lên ướt khắp thân thể.

 

*

 

Một năm sau, tôi trở lại Nhà Bên Hồ ở khu vực Tam Hà, trạng thái hoàn toàn nhẹ nhõm. Trở lại lần này để gặp người chị của Uyên, thăm hỏi chị mà thôi. Bởi Uyên đang sống bình yên tại Hoa Kỳ với chồng con. Người chồng là nhạc sĩ trong một ban nhạc Jazz nổi tiếng ở California.

“Chị Uyên có kể chuyện, một lần chị trợt chân té xuống vực sâu...”

Hoá ra, bạn Uyên tại Hoa Kỳ là em gái người bạn tôi, về thăm quê nhà, cho biết tin về Uyên. Hoá ra, khi rơi xuống vực, một đám dày đặc cây quỳ dại đã đỡ lấy thân thể Uyên. Chỉ bị xây xước chút ít, sau đó Uyên được một người Thượng giúp lên lại trên mặt đất.

Khu vực Tam Hà thay đổi hoàn toàn. Tôi cố tìm nơi áng chừng là chỗ cũ. Ông già ngạc nhiên khi tôi hỏi thăm Nhà Bên Hồ.

“Nơi này làm chi có ao hồ mà chú hỏi. Sau giải phóng có mấy tháng, khu vực Tam Hà bị giải toả hết, nhà nước xây dựng trung tâm phát điện đó.”

Ông già nói, trỏ tay về phía nhà máy phát điện. Trùng trùng đường dây cáp lớn nhỏ, trong không gian Tam Hà ngày trước.

 

Sài Gòn, V-2017

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021