thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tổ quốc | Thơ | Sợi dây | Một đề nghị khác | Hầm đá | Cây | Hồng
(Diễm Châu dịch)
 
TỔ QUỐC *
 
khuôn mặt của tổ quốc
 
tổ quốc là quê hương của tuổi thơ
nơi sinh
ấy là tổ quốc nhỏ bé
gần gũi nhất
 
thành phố đồng quê thị trấn nhỏ
đường phố ngôi nhà khoảnh sân
mối tình đầu
khu rừng ở chân trời
những nấm mộ
 
vào thời thơ dại
ta học biết
hoa cỏ lúa
thú vật
ruộng rẫy đồng xanh
danh từ động từ
trái cây
 
tổ quốc mỉm cười với anh
 
ban đầu tổ quốc gần kề
trong tầm tay
 
chỉ mãi sau
tổ quốc mới lớn lên
khiến ta chảy máu
làm ta đau
 
---------------------------------------
* Tựa đề đặt thêm. (người dịch)
 
 
THƠ *
 
thơ
không phải bao giờ
cũng khoác dạng một bài thơ
 
sau năm mươi năm
viết lách
thơ
có thể tự phát hiện
với người thi sĩ
dưới dạng một cái cây
một con chim
tung đường bay ánh sáng
 
thơ có thể khoác dạng
đôi môi
màu mắt
âm điệu của tiếng nói
thơ có thể tự vùi lấp trong im lặng
hay cũng có thể sống bên trong người thi sĩ
thiếu cả hình thức lẫn nội dung
 
13.10.1988 - 10.3.1989
 
---------------------------------------
* Tựa đề đặt thêm. (người dịch)
 
 
SỢI DÂY
 
Chuyến tầu băng qua vội vã
cắt từng cảnh lại từng cảnh
 
Mệt nhoài vì sao của những vành môi
tiến lại gần
mở rộng
tới mãi tận đáy cùng
trời đen
tới mãi tận cửa miệng đêm tối
tới mãi tận lưỡi lửa
 
Có tôi đây có tôi đây có tôi đây
 
Tôi mang trên cổ một sợi dây
làm bằng thương nhớ bằng tình yêu
ấy chuỗi hạt đức hạnh
nếu như nó đứt nếu như nó rơi xuống
hẳn là tôi sẽ chỗi dậy trong chân không
 
Ôi tình yêu tuyệt vời
khối nặng cột dưới chân
đất phong nhiêu
đui mù
 
Khi nắm tay nhau em yêu
chúng ta đã kết một sợi dây huyền diệu.
 
1955
 
 
MỘT ĐỀ NGHỊ KHÁC
 
Tác phẩm
hoàn thành
phải đập ra
và khi nó liền lại
lại phải đập ra
ở những nơi nó tiếp xúc với thực tại
loại bỏ lớp hồ
độc đoán
do tưởng tượng
nối kết những yếu tố khác
 
bằng im lặng
hay bỏ mặc chúng tách rời
một khi tác phẩm
đã hoàn tất
loại bỏ các cơ sở
nó dựa lên
– các cơ sở
thường ngăn chận chuyển động –
 
lúc đó công trình
sẽ vươn cao
và trong một chốc lát
sẽ bay lượn trên thực tại
thực tại mà không thể tránh
nó sẽ va chạm
va chạm này
sẽ đánh dấu bước đầu hiện hữu
của một tác phẩm mới
sẽ lạ xa với thực tại
sẽ bắt gặp thực tại
sẽ khiến nó nổ tung
sẽ biến đổi nó
 
trong lúc bản thân mình
tự biến đổi
 
1961
 
 
HẦM ĐÁ
 
Im lặng bao trùm trong thánh đường
như trong một hầm đá
ở bên trong
lơ lửng trên khung tò vò
một vị thần hóa thạch
lấp lánh
với những cạnh sườn trắng
 
ở đáy cùng
dán bằng nước bọt
một tảng đá lớn
với những động vật siêu hình
kỳ dị
đang cầu kinh
 
1967
 
 
CÂY *
 
Một tượng Chúa bằng cây
từ một vở kịch Huyền bí thời Trung cổ
đi bằng cả hai tay và đầu gối
 
đầy những miểng đỏ
 
người mang một vòng cổ bằng gai
đầu cúi xuống
như một con chó bị đánh
 
sao mà khúc cây này đói khát thế
 
--------------------------------------
* Trong tiếng Ba-lan, “cây” tương đương với chữ “cây” của tiếng Việt ở miền Nam (không phài “phía Nam”) Việt-nam. (người dịch)
 
 
HỒNG
 
Hồng là một thứ hoa
hay tên riêng một người con gái đã mất
 
Người ta đặt nó vào lòng một bàn tay nồng nhiệt
hay đặt xuống đất đen
 
Bông hồng đỏ kêu la
cô gái tóc vàng ra đi lặng lẽ
 
Máu đã rời cánh hoa nhợt nhạt
hình thù đã rời những tấm áo của người thiếu nữ
 
Người làm vườn chăm sóc lùm cây
người cha còn sống sót bứt tóc
 
Năm năm rồi em đã mất
em bông hoa tình ái em không chút gai
 
Hôm nay hoa hồng đã nở ngoài vườn
trí nhớ của những người còn sống đã chết và niềm tin của họ
 
------------------------
Ghi chú của người dịch:
TADEUSZ RÓŻEWICZ là một nhà thơ, kịch tác gia, người viết truyện phim và tùy bút danh tiếng của Ba-lan. Ông sinh ngày 9.10.1921 tại Radomsko ở miền trung Ba-lan. Tham gia kháng chiến chống quốc xã Đức như một binh nhì trong «Đạo binh âm mưu». Sau chiến tranh, học lịch sử nghệ thuật tại đại học Jagelonne, Cracovie.
 
Các thi tập: Những tiếng vọng của rừng, 1944; Trong một thìa nước (châm biếm), 1946; Băn khoăn, 1947; Chiếc găng đỏ, 1948; Năm bài thơ, 1950; Thơ và hình ảnh, 1952; Cánh đồng, 1954; Bông lúa bạc, 1955; Những nụ cười, 1955; Bài thơ mở, 1956; Thơ, 1957; Những hình thể, 1958; Đàm đạo với quân vương, 1960; Tiếng nói vô danh, 1961; Bông hồng xanh lục, 1961; Không có gì trong tấm áo của Prospero, 1962; Khuôn mặt, 1964; Khuôn mặt thứ ba, 1968; Regio, 1969; Thơ, 1971; Ở trên mặt bài thơ và ở bên trong, 1983-89; Những bài thơ chót,...
 
Hơn 12 kịch bản của Różewicz cũng đã in thành sách. Thơ và kịch của ông đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, trong đó có Pháp, Anh, Đức, Nga, Tiệp, Thụy-điển, Hung, Nam-tư, Bun-ga-ri, Na-uy, Đan-mạch, Việt-nam,...
 
Sách của Różewics được dịch và in ở các nước lên tới khoảng bốn chục cuốn. Różewics vẫn được coi như một nhà thơ quan trọng bậc nhất của Ba-lan hiện đại, có tầm ảnh hưởng rộng lớn bao trùm toàn thế giới.
 
Các bài trên dịch từ các bản Pháp và Anh. Xin đọc thêm thơ của Tadeusz Różewicz trong Thơ mới Ba-lan - Tường trình từ một thành phố bị bao vây, bàn dịch Hoàng Ngọc Biên, Trình Bầy 1993, tt. 89-104.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021