thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khuyết lời | Phiền muộn | Không phải ta | Phân biệt | Ván súc-sắc | Xin lỗi | Chúc thư
(Diễm Châu dịch)
 
KHUYẾT LỜI
 
Này đây ta lại đơn độc
 
dưới bầu trời
trên hành tinh ghẻ lở này
 
ôi Sợi thừng ấy
 
này đây ta lại đơn độc
 
khuất xa thế giới
đơn độc trong ta
 
ở đâu đó dưới bầu trời
ở đâu đó trên hành tinh này
 
tảng Đá của ta trong hốc tay
 
này đây ta lại đơn độc
khắp chung quanh ngọn lửa
 
                      (Folja, 1973)
 
 
PHIỀN MUỘN
 
Ta không khóc
chỉ có trời mưa thôi hỡi con
gió lắc lay cây bạch dương của chúng ta
 
Ta không kêu
dưới khung cửa sổ hỡi con
con quạ của Allan Poe đã rớt xuống tử thương
 
Ta không nhúc nhích
chỉ có những vách tường những sự vật động đậy hỡi con
một mùa Thu tồi tệ đã khởi sự
 
một đám mây đen siết chặt quanh nhà
 
 
KHÔNG PHẢI TA
 
Chiếc bóng ở bên cửa sổ
không phải ta
Đó là mẹ con
đang tìm con giữa đám đông
 
Chiếc bóng ở trong cùng căn buồng tăm tối
không phải ta
Đó là anh con
đang thổi ống tiêu lòng buồn bã
 
Chiếc bóng trước tấm gương
không phải ta
Đó là chị con đang xuống tóc*
 
Hỡi Lumi** khốn khổ của cha
ta là người giữ cửa
 
                     (Lum Lumi, Prishtina, 1982 và 1986)
---------------------------
* Lễ nghi để tang.
** Lumi là tên riêng một người con mất sớm của tác giả...
                                    (Chú thích của Alexandre Zotos).
 
 
PHÂN BiỆT
 
Những gì phân biệt
con Cừu Đen với
con Cừu Trắng
đó là
 
con Cừu Đen
nhận thấy được từ xa
và bước qua ngưỡng cửa
lò sát sinh trước hết
 
con Cừu Trắng trái lại
cầu xin trước đã
cho con cái mình sống
 
và cho Người đi săn
của khu Rừng kinh hoàng
đem về Tấm da Sói
 
 
VÁN SÚC-SẮC
 
Mi tưởng tượng
Mình là kẻ thắng
Mi chỉ vướng mắc vào trò chơi
 
Mi tưởng tượng
Đạt tới bờ
Biết chăng dòng nước đã hất mi trở lại đâu
 
Mi tưởng tượng
Rốt cuộc sống cuộc đời mi
Lãng quên đã dìm mi xuống dưới bóng cây ti-dơn
 
Trò chơi ấy cũng tựa như nghệ thuật
Kẻ gieo súc-sắc
Cũng chia sẻ những tổn thất
 
                                           (Zari, Prishtina, 1990.)
 
 
XIN LỖI
 
Đó không phải là những vì sao hỡi con
mà là những phù hiệu những con mắt bị giật mất
mùi cay đắng và bóng tối những mũi dao
 
Đó không phải là những thứ đồ chơi hỡi con
mà là những chiến xa những đôi giầy ống của bất hạnh
đang nện gót về phía con Chúa ôi
Đó không phải kẹo ngọt hỡi con
mà là thuốc độc Bàn tay Đen*
đang đêm ngày trút xuống con
                       ở bên dưới mùi hương
 
Trong những nỗ lực cuối cùng của tinh thần đang hấp hối này
hãy tha lỗi cho ta, hỡi con
nếu đôi khi ta đã làm con tưởng
rằng phát-xít đã cuốn khỏi nơi đây.
 
--------------------------------------------------------
* Tổ chức dân tộc quá khích của người Serbe.
 
 
CHÚC THƯ
 
Và đã tới ngày hỡi con
mà những chữ
con sẽ chỉ viết thật thận trọng
 
Mà trong mọi sự con sẽ phải khởi đi
từ chữ đầu
 
Hãy tha thứ cho ta
nếu ta không thể giữ sự thanh thản
nếu chúng ta sẽ thiếu bánh mì muối và ánh sáng
nếu tuổi thơ con phải lạc lõng nơi những đường phố tăm tối
Thời man dã đã ập xuống những mái nhà cằn cỗi của chúng ta
 
Hãy tha thứ cho ta hỡi con
nếu từ nay ta không thể đưa con ra tới cửa
nếu có viên đạn đum-đum nào bay lại phía con
và nếu những chiến xa quét đi hết những đồ chơi của con
 
Đây là ngày hỡi con của hết mọi cuộc động đất
ngày mà con sẽ biết
con người là một con thú ác độc biết bao
và ngày mà số mệnh con
ta vạch bằng những móng tay ta ngay cả lên trời
 
                                           (Buzëqeshje në kafaz, Tirana, 1993 và Peja, 1994.)
 
-------------------------
Ghi chú của dịch giả:
ali podrimja có lẽ là nhà thơ An-ba-ni đáng chú ý nhất hiện nay. Ông sinh ở Gjacove, miền giáp ranh của Kosovo và An-ba-ni, năm 1942. Ông đã cho xuất bản khoảng mười lăm tập thơ. Thơ ông đã được phiên dịch sang nhiều thứ tiếng ở Âu châu, nhất là Đức, nơi ông đã nhận được giải Nicolaus Lenau năm 1999. Ở Áo quốc ông có ba tập thơ đã được dịch trọn vẹn và xuất bản (bản dịch Hans-Joachim Lanksch). Ở Hoa-kỳ, một tuyển tập thơ ông, Who will slay the wolf? đã được Robert Elsie trình bày trong một ấn bản của Công ty Xuất bản Gjonleka, Nữu-ước, năm 2000. Thơ ông cũng đã được dịch sang Việt ngữ trong một tuyển tập thơ An-ba-ni ngoài An-ba-ni: Vorea Ujko et al., Gửi Anh, người Kosovo (Trình Bày, 1999). Ông đã được tặng tuyển tập này khi ghé thăm Lộ-trấn (Strasbourg), Pháp.
 
Dân số An-ba-ni không bằng một phần mười dân số Việt-nam. Và trong số 6 triệu người An-ba-ni trên thế giới đã có tới một nửa sống ở cựu Nam-tư, chưa kể những người lập nghiệp ở Ý và các nơi khác... Người An-ba-ni sống ở Kosovo từ xa xưa – không phải như những di dân: họ vẫn chiếm tuyệt đại đa số dân ở vùng này, trước và cả sau khi giống người slave tràn tới chiếm đất, dựng đền thờ.. và cho rằng nơi đây chính là «cái nôi» của nòi giống mình. Dưới chế độ cũ, chính quyền An-ba-ni đã không làm gì nhằm hủy bỏ sự phân cách giữa những người An-ba-ni ở cựu Nam-tư và ở An-ba-ni, nếu không muốn nói là đã hợp tác với Beograd để «khép lại» vĩnh viễn lịch sử của người An-ba-ni ở Kosovo...
 
Tuy nhiên, tình tự và ý thức dân tộc của người An-ba-ni ở các nơi đó vẫn tồn tại. Một phần không nhỏ là nhờ các nhà thơ... như Ali Podrimja. Thơ An-ba-ni ở Kosovo và ở Ý,.. phong phú không kém gì thơ ở Tirana...
 
Bản dịch chủ yếu dựa theo các bản Pháp văn của Gs. Alexandre Zotos: Anthologie de la poésie albanaise (Éditions Comp'Act, 1998) và cuốn thơ Ali Podrimja, Défaut de verbe (ấn bản song ngữ, nxb. Cheyne, 2000), do Gs. Alexandre Zotos, dạy tại Université Jean Monnet de Saint-Etienne phiên dịch và gửi tặng.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021