thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TUYỂN TẬP THƠ [II]
Bản dịch Diễm Châu
 
 
RUTGER KOPLAND
(1934~)
 
 

ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI ĐI DẠO

 
Điều ta muốn, ông nói, có lẽ
ta đã muốn là một cánh chim, một cánh én
mà ta đã thấy ở mãi trên cao đó, trên miền núi,
và, bản thân ta, ở lại đây
 
dưới bóng ngôi nhà bên sông
nơi con én làm tổ, nơi từ đó con én đã vọt lên.
 
Ta nhớ tới cuộc trở về, nhớ tới lúc
một đêm ấm áp đậu trên sân thượng,
cái cách ta ngồi và nhìn ngắm dòng sông
uốn khúc trên đồng bằng, những nét mơ hồ
của núi non lổm ngổm ở xa xa,
một cánh én, rồi nó đã khuất dạng.
 
Ta lúc ấy đã mỏi mệt và thấy mình
trở lại núi, mỗi lúc một cao hơn,
về với cái thế giới bằng đá đơn độc và trong trẻo này,
đã gặp lại mình trong gió và nhìn ngắm ở bên dưới
cái chấm nhỏ tí teo này.
 
Có lẽ, ông nói, ta muốn nhìn ngắm một điều gì đó
mãi mãi, ngôi nhà ở bên dưới,
cái tổ ấm mà, bản thân ta
đã lìa bỏ
 
và những khúc quanh của dòng sông, những đường nét
của rặng núi, rốt cuộc bất động,
 
cái cách có ở đó này, cái khoảnh khắc khi ta
ta không còn hiện rõ, một điều gì đó
 
ở ngoài ta.
 
 

I CAVALLI DI LEONARDO *

 
Tất cả những bức phác họa ông đã để lại này -
 
những loạt hình lặp lại không dứt này: những chùm cơ bắp,
những sợi gân, xương và khớp xương, tất cả cái bộ máy
dây trân và đòn bẩy mà một con ngựa
sử dụng để cất bước,
 
và qua cả ngàn nét mỏng mảnh, hầu như vô hình
mờ đi trên giấy, thật dịu dàng: làn da
của những vành tai, những mí mắt, cánh mũi,
làn da của linh hồn –
 
có lẽ trước đấy ông đã muốn biết cách làm
một con ngựa, và đã thấy
rằng ấy là chuyện không thể được,
 
khi điều bí ẩn của một con ngựa lớn dần lên
dưới nét bút của ông,
 
Ông đã vẽ những bức hình đẹp nhất, đã nhìn ngắm chúng,
rồi liệng đi.
 
                                         (1985)
 
--------------------
* Triển lãm những bức phác họa của Leonardo da Vinci (Chú thích của bản Pháp văn).
 
 

LA PORTA DEL PARADISO*

 
Ấy đó, năm thế kỷ sau, cũng không cũ,
nó vẫn thế, và sẽ còn thế, một vật gì
có đó, mà tôi đoán, là một cánh cửa hướng về vĩnh cửu.
 
Thế giới ánh vàng tôi đã thấy trong thánh kinh thủa nhỏ,
với Ađam và Evà, Cain và Abel, Abraham và Isaac,
tôi thấy thế giới ấy hiện hữu. Này đây điều bí hiểm:
 
Yêu nhau, ghét nhau, cùng một lúc, hẳn phải là
chuyện phi thường; nhưng thực vậy, ấy là một câu chuyện
bằng đồng xưa ánh vàng, không đầu, cuối,
chả có gì xảy ra, duy những chiếc bóng của hình nổi
động đậy dưới ánh nắng đương chầm chậm xê dịch. 
 
------------------
* 'Cánh cửa thiên đường': cánh cửa bằng hoàng đồng do L. Ghiberti chạm trổ. (Chú thích của bản Pháp văn).
 
 

HIỂN NHIÊN

 
I
 
Chúng hãy thật hiển nhiên,
những lời tôi nói, hiển nhiên
như những chiếc lá mùa hè
 
– rồi tới những ngày tươi đẹp nọ của mờ sương
khi chúng rơi, hay đúng hơn
chúng không rơi,
chúng tách rời, tự đu đưa,
không phải là trên gió, ấy thế nhưng, một thoáng chút gì đó
đã ra sức đưa chúng đi xa hơn,
rồi chúng đậu lại –
 
và hết sức tự nhiên như ngày tàn
của đời chúng, như mùi còn lại
vào mùa đông, của những chiếc lá rụng, của đất.
 
 
II
 
Những lời tôi nói hãy lan ra
như tuyết, như khi
người thức dậy và thấy, a,
 
– chuyện đã diễn ra vào lúc ban đêm,
trong lúc người đương ngủ ở đây,
ngoài kia, thế giới
từng bông từng bông đã
biến thành tuyết im lìm –
 
và chúng hãy ra đi vào mùa xuân
như chúng đã tới, thật tự nhiên,
chúng hãy tan chảy, thì thầm, biến mất.
                                                                       
(1985)
 
 

NATZWEILER*

 
I
 
Và ở đó, qua những hàng kẽm gai, thấy
một phong cảnh rất dễ thương, cũng yên tịnh
như hồi đó.
 
Có lẽ họ cũng chẳng thiếu thốn gì, lúc ấy người ta sắp
đặt họ nằm trên đám cỏ tươi mát này, đưa
họ tới dòng sông yên nghỉ nọ,
 
ở xa xa dưới kia. Người ta sắp –
 
----------------
* vùng đất Alsace ở hạ lưu sông Rhin, bao gồm Struthof, một làng nhỏ, trong Đệ nhị thế chiến đã trở thành trại diệt chủng của Đức quốc xã (20 000 người đã bỏ mạng ở đấy). (ND.)
 
 
II
 
Tôi đưa mắt thăm dò cửa sổ của những căn nhà lụp xụp,
những tháp canh, phòng hơi ngạt.
 
Duy có phong cảnh yên tịnh ở xa xa
phản ánh đen thui trong kính cửa,
 
và không có một ai ở phía sau.
 
 
III
 
Sự vắng mặt của những người chết thật là mãnh liệt,
phải tôi đương có đó,
nhưng cả họ nữa,
 
như thể phong cảnh này quàng lấy đôi vai tôi
bằng những cánh tay vô hình của họ.
 
Họ bảo: Chúng tôi chả thiếu thốn gì,
thế giới này chúng tôi đã quên,
 
thế nhưng đó không phải là những cánh tay,
đó là một phong cảnh.
 
 
IV
 
Những tấm hình chụp đã vàng trong tủ kính,
những khuôn mặt họ bị sọ đầu gặm mòn,
những đôi mắt họ đen,
 
họ thấy gì, họ thấy gì?
Tôi nhìn họ, nhưng tại sao.
 
Những khuôn mặt họ đã thuộc về
thế giới, thế giới
câm nín.
 
 
V
 
Vậy thời đây là sự ruồng bỏ,
ở khuất xa trong vùng núi non đây là
chốn vĩnh biệt này.
 
Người ta vừa mới sơn lại trại tập trung, màu han đồng
xanh dịu, cái màu êm mắt
của chiến tranh.
 
Cũng như mới, như thể chả có gì
đã xảy ra, như thể
vẫn còn phải bắt đầu lại.
 
 

CHIM CHẾT

 
I
 
Tại sao lại những con chim chết này,
đúng vào lúc này
chúng chết,
 
những con chim trĩ và đa đa, tại sao người ta lại
đặt chúng đó trên gấm, tựa vào những màn nhung,
giữa những trái lật, trái nho, những chiếc ly rót đầy?
 
Ta tưởng mình hiểu, biết.
 
Chung quanh những mí mắt mảnh dẻ này, vẫn
nỗi sợ bị khám phá này, vẫn
niềm hy vọng có thể lẩn khuất
trong đám thạch thảo hay rừng.
 
 
II
 
Và tại sao tất cả cái vô tận này
bãi cát, trời, biển, chốn đầu mút thế giới
mờ xám này?
 
Giá như con hải âu không nằm yên ở đó,
ở góc tấm hình chụp,
hai cánh vươn ra trên cát.
 
Vẫn cái toan tính bay đi nọ,
vẫn niềm hy vọng lẩn khuất kia
trong tất cả màu xám này.
 
 
III
 
Tại sao vậy. Biết cũng chẳng ích gì,
ta quên chuyện đó
 
– bức tranh này, tấm hình này,
cái bàn đầy ắp này, cái bãi biển trống rỗng này –
 
cũng chỉ là những gì ta thấy.
 
Sau khi nỗi sợ bị
khám phá, hy vọng có thể
lẩn khuất, đã biến mất,
 
chúng nằm yên đấy, lúc này cũng chỉ là những sự vật
giữa những sự vật mà thôi.
 
 

DAVID

 
Ấy không phải là tạc những pho tượng, mà cần phải
«giải thoát chúng ra khỏi cẩm thạch», như thể chúng vẫn có đó
từ muôn thủa,
 
(một nơi chốn, một tháng sáu yên tịnh, trên một hòn đảo trắng
và hoang vu trong một vùng biển biếc-xanh)
 
và thật vậy, ông đã tìm ra một tảng đá tuyệt vời
dưới mặt đá là một bộ máy toàn hảo
những óc não, cơ bắp, trái tim,
 
và không một nỗ lực nào, một vận động nào
từ xưa hay trong tương lai, duy
một thế đứng, sức mạnh thản nhiên
 
của hàng tỷ tinh thể, bản sao
toàn hảo của một buổi thanh xuân.
 
 

MƯA VÀ GIÓ

 
I
 
Như thể ngôi nhà không còn có đó.
 
– khi một đứa trẻ khóc, nó đã ôm lấy đứa bé
siết vào mình,
vừa hát nho nhỏ vừa than van, toàn thân
biết cách làm, biết cách dỗ dành. Thế là
đứa trẻ nguôi ngoai –
 
và như thế, thật tự nhiên, nó bao bọc chúng ta, chúng ta
đã quên, cái cách nó đã ôm ấp chúng ta
trong mưa, trong gió.
 
 
II
 
Như thể ngôi nhà không còn có đó
 
– khi y mất, y đã nằm
trong căn buồng này, trên chiếc giường này, ở đó
y đã nghe ngôi nhà này hát nho nhỏ
và than van, vẫn những tiếng động ấy
những tiếng động chúng ta cũng vẫn nghe. Thế rồi
ngôi nhà nguôi ngoai –
 
và như thế, thật tự nhiên, rốt cuộc nó buông chúng ta ra,
trả lại chúng ta, chúng ta sẽ bị quên
trong mưa, trong gió.
 
                                         (1985)
 
 

CHÂN DUNG TỰ HOẠ

 
Cũng tựa những khung cửa sổ ở trên cao của ngôi nhà này,
chắn hẳn là như thế, như thế đó.
 
Ấy buổi chiều, ở dưới đó nổi trôi
mấy con vịt trên mặt ao, ở đó trong đám cỏ
con đường mòn khởi sự đường cong chậm rãi
hướng lên cao, khu rừng, đỏ
như một vệt máu đã khô, và trên ngọn đồi
trời, màu xám tuyết, sương mù
và khói. Tiếng ệnh oạng, kêu; mùi
lá rụng và lửa củi,
ấy lạnh lẽo trên mặt, ở đó,
 
lúc này, chắc hẳn là như thế. Và không một ai
còn tản bộ ở đó, để nghe,
để thưởng thức và cảm thấy mọi chuyện ấy. Thế thời
kéo hay không kéo
lớp màn nhung lại?
 
 

CỪU

 
Bao giờ cũng thế. Ban chiều chúng tới gần
làn nước, ở lại đó, chậm rãi nhìn
qua bờ bên kia của dòng sông.
 
Chúng hết thảy đều khác nhau, thế nhưng, hết thảy
lại hoàn toàn bình đẳng với nhau, và tôi, tôi là
một trong chúng, nhưng cả đôi bên đều không biết là ai.
 
Rồi dòng sông rốt cuộc trở thành quá nhẵn nhụi
quá đen tối, khiến như thể là không nguyên
làn nước, mà cả đến thời gian cũng dừng lại.
 
Chúng uống nước, rồi chìm ngập vào
chính bóng đen của chúng, vào màu đen của làn nước này,
vào màu đen của đêm  tối ở dưới đáy.
 
Thế rồi buổi sáng lại trôi ra, rất nhẹ và
nhởn nhơ, dòng sông qua thung lũng, trong lúc chúng
từng con lại gặm cỏ cho riêng mình tiến tới gần chân trời.
 
Hết thảy vẫn là chúng, và đồng thời hết thảy đều khác nhau,
và kẻ đã như thế là ai, đôi bên đều không biết,
bao giờ cũng thế, rồi cả đến điều đó nữa cũng dừng lại. 
 
                                         (1989)
 
 

NƯỚC

 
I
 
Như với ngay cả nước, đùa bỡn
với ý tưởng là một ngày kia rốt cuộc
ta sẽ biết đó là gì
 
Đó đã là cơn mưa, một dòng sông, một vùng biển,
ở đây là đã, ở đây tôi đã thấy nó
 
và tôi hiện thấy nước mà không biết đó là gì
 
 
II
 
Như nó đã đến, từ vô tận,
nó đã rơi xuống từ trời,
 
đã đi thì thầm trên núi non, và đã bắt đầu
nhảy múa từ con suối tới con suối,
 
trong lúc xoay vòng đã vạch một con đường nơi
dòng sông vắt ngang thung lũng,
 
như nó đã trở thành già nua, chậm rãi và rốt cuộc
đã tìm thấy biển và đã ra đi
 
nơi khoảng mênh mông, nơi chính bản thân.
 
 
III
 
Phải chăng đây là nước? Có lẽ nước là đây,
nhưng không nhìn thấy, không nghe được, phẳng lặng,
 
chứ không phải cơn mưa đang thì thầm, dòng sông
đang xoay vòng luân vũ, biển đơn độc, không,
 
mà là những gì nó đã từng là, lại muốn là,
hiện chưa thành.
 
 
IV
 
Chính ở đó, nhưng chỉ như nước
ở đó, một chốc lát –
 
tôi đã tạo nên những ngọn núi, một dòng sông, một biển
tôi khiến nó rơi xuống, trôi
vào dòng sông, lao mình
ra biển,
 
thủa nhỏ tôi thấy nó trên cát – một chốc lát
chính ở đó.
 
 
v
 
Người ta biết là chính ở đó, nhưng đó là gì.
 
Nó đã nằm trong cơn mưa, nó đã bị
dòng sông cuốn đi, bị biển
khạc lại, đã khô, rạn nứt.
 
Nó đã được viết ra một ngày nọ và bây giờ
là nước hay không bao giờ.
 
 

NHỜ MỌI SỰ

 
I
 
Buổi sáng khi mọi sự còn thức dậy
và một làn ánh sáng âm u đã nảy sinh
từ các món gỗ gụ, hàng bạc, đồ sứ,
 
khi bánh mì hãy còn thơm mùi bánh mì
bình trà trang trí hình hoa mùi trà và
không khí mùi những người già cả,
 
khi trong im lặng sâu thẳm ở đây
khởi sự tiếng thì thầm, Chúa ôi, hãy chúc lành cho cả
ngày này cho đến tận ngày tàn các thế kỷ, amen.
 
 
II
 
Buổi xế trưa khi mọi sự sẽ còn ở cùng nhau
buổi xế trưa này, những vệt ánh sáng sẽ nhảy múa:
những cánh bướm trong khung cửa kính nhợt nhạt đang phình lên,
 
khi đĩa đựng mứt còn thơm mùi những trái cây,
những chiếc ghế mùi mây, bó hoa trong bình
cây lilas và người đàn bà làm vườn mùi đất,
 
khi trong im lặng thẳm sâu của hàng hiên này khởi sự
tiếng lích kích của kim đan, lại tiếng vò nhàu của tờ báo,
tiếng nghiến rít của rào cửa, tiếng lạo xạo của sỏi sạn.
 
 
III
 
Chiều muộn khi mọi sự vẫn còn mơ
tới ra đi, và tấm thảm đỏ, những màn cửa
bằng nhung màu hạt dẻ mơ tới đêm tối,
 
khi ống vố đã nguội lại vẫn còn thơm mùi khói,
trái chuối mùi da thịt của mình, sữa mùi sữa ấm
trước giờ phút của giấc ngủ,
 
khi trong im lặng sâu thẳm ở đây trở lại
Lời, khép lại cuốn Kinh,
dịu lại các từ và gõ gõ chiếc đồng hồ treo.
 
 
IV
 
Đêm tối khi mọi sự sẽ còn là
chính bóng đen của mình,
 
khi căn buồng còn thơm mùi chăn mền mới,
mùi gỗ cũ và mùi lavande,
 
khi trong im lặng sâu thẳm vẫn thở dài khung cửa
với những ngọn cây cao ngủ vùi trước gió.
 
 
V
 
Cái lúc mà, ta hãy kêu nó bằng
một buổi sáng, một buổi xế trưa,
một chiều muộn, một đêm tối,
 
khi mọi sự bắt đầu lại,
ta hãy kêu nó bằng một ngôi nhà nơi ánh sáng,
các mùi và tiếng động lui
tới,
 
nhưng ấy chính cái chết đang tìm
chữ cho lúc ấy cái lúc mà
tôi – và dẫu nó nói gì chăng nữa,
vẫn là tôi.
 
                                         (1989)
 
 

CÂU CHUYỆN

 
Bà đặt đôi bàn tay trên lòng bà như
để tìm kiếm một vật gì như để tìm lại mình.
 
Những từ nào bà sẽ trút được từ đấy, có biết bao
là từ, chúng khác nhau thật khó hiểu.
 
Và cuộc đối thoại đã dứt, có một câu chuyện
trên lòng bà, một câu chuyện không lời.
 
Và như thế bà chờ đợi những đứa con đã thất lạc
ngay từ trước khi sinh, khi sống và chết.
 
 

THÁNH THI

 
Thế thì những tiếng ồn này sẽ là gió,
khi chúng từ nơi chốn của chúng bốc lên,
chúng biến đi, là gió.
 
Ta đã thở và hơi thở của chúng ta cũng tựa như
những tiếng thở dài của cây cối chung quanh nhà,
 
ta đã thì thầm và đôi môi của chúng ta đã thì thầm
như một khu vườn dưới mưa,
 
ta đã nói và tiếng nói của chúng ta phiêu bạt
như những cánh chim trên một mái nhà.
 
Là vì  ta đã muốn tìm ra tên của chúng ta.
Nhưng chỉ có gió biết được nơi chốn
chúng ta ở, nơi đâu và khi nào.
 
 

CHÓ

 
Nếu như tôi có là con chó này, khi
tôi thì thầm với nó rằng thời gian
không còn nữa, rằng nó phải ra đi,
đi tới chốn lúc này nó đi, nơi
từ đó nó đã tới,
 
thì hẳn tôi cũng sẽ chỉ ở yên đó, quá nặng nề
không động đậy nổi một cẳng chân, cái mũi hãy còn đôi chút
hướng tới các mùi, vành tai hãy còn đôi chút
hướng tới những tiếng động, với đôi ngươi trắng dã
có lẽ tôi vẫn còn lang thang đôi chút về phía những chiếc bóng
 
chung quanh tôi, chả nhắc nhở tôi gì hết,
chả tiên đoán gì hết, có lẽ ấy vẫn là cùng một
khu vườn, cùng một ngày, như mọi ngày khác.
 
 

VỌNG LÂU

 
Tôi biết rõ ở đó là những khu rừng, những dòng sông,
đồng cỏ, thôn làng, và tôi yêu mến chúng
điều đó, tôi biết rõ.
 
Nhưng bao giờ cũng hơn nữa như lúc này, như
một con chim yêu cái tổ,
không phải là mãi mãi.
 
Tôi thấy những ngón tay nhăn nheo của em trên lan can,
lớp lông tơ xám phất phơ hai bên thái dương em,
và những vết chân chim nơi khóe mắt em.
 
Hỡi em yêu, em có thấy thế giới này mới thật xa và
lúc này thật im lìm, như chả còn gì khác ngoài
những bóng mây chuyển động,
 
em có cảm thấy là em chỉ còn cảm thấy gió.
Sẽ tới một thế kỷ khi chúng ta lại trở thành
chim chóc, hỡi em yêu, như ngày xưa,
 
trước khi tới đó.
 
 

NHỮNG KHUÔN MẶT GIÀ NUA

 
Các bà già, đôi khi có thể
mỉm cười trong giây lát, trong giây lát có những khuôn mặt
như những bức tranh xưa.
 
Đột nhiên tôi biết họ đã đẹp biết bao,
tôi đã thèm muốn họ biết bao.
 
Nhưng những gì giờ đây trở lại trên khuôn mặt họ
cũng đã qua, ánh vàng xưa
 
trên cõi đời lộng lẫy này cõi đời hãy còn đó
chỉ là vì ánh sáng kia đã có đó.
 
 

CŨNG MỘT ĐIỀU ẤY BẰNG NHỮNG TỪ KHÁC

 
Khi tất cả đã trôi đi và chả có gì còn lại,
mi đã hoài công trở lại, mi đã có mặt
từ bao giờ. Không một khoảnh khắc nào mi chẳng thấy
những gì mi đã thấy lại.
 
Nhưng lúc này, mặt trời sững lại trên trời,
dòng sông khô cạn tới xương khô, bốc hơi rồi
làn nước nó đã ru.
 
Hay cũng một điều ấy bằng những từ khác: nếu như đã có một
dòng sông nào từng biết rõ mi tới độ mi biết, thời ấy
chính là ta đó, dòng sông nọ đang có đó lúc này.
 
 

CÔNG VIÊN CỦA TRẺ EM

 
Nội ơi nội ở trên trời,
trên bầu trời trắng của tháng Tám,
 
khu vườn này thật mê hoặc, đây là những gì cháu đã trở thành,
đứa trẻ này, trên mặt đất này đây, nội hãy nhìn nó,
 
nội hãy nhìn xem cái chết chả mang đi gì hết,
đã giữ lại tất cả, đã để lại tất cả nguyên vẹn,
 
đã ngừng lại tất cả; con dê với đôi mắt to,
con lừa thiu thiu ngủ, con khỉ trong lưới sắt,
 
ngừng lại: vòng ngựa gỗ màu máu, con sư tử
với cái yên rỉ sét, cái đòn đu tru tréo,
 
ngừng lại: những tiếng kêu tiếng khóc, những mùi dầu và
sắt, những đám bụi dơ bẩn,
 
ngừng lại: con tim đập trong mê lộ
với những tấm gương có tiếng cười của những người lùn và người khổng lồ,
 
ngừng lại: đợt sóng đam mê này nơi thân xác, và
cái cổ họng phồng to phiền muộn ở lối ra,
 
ngừng lại: nội ơi, nội ở trên trời đó,
nội hãy nhìn, đứa trẻ này, trên mặt đất này đây.
 
 

GIỮA ĐÁM GIA SÚC

 
Và khi rốt cuộc bất chấp tất cả mùa hè đã trở lại và
khi vậy thời một lần nữa chúng tôi lại đã uống gần dòng sông.
 
Đôi cánh tay ông hãy còn lay động, phía dưới kia, ở thế giới này,
cái cuộc đời gia súc chậm rãi và muôn thủa ở xa xa này.
 
Mỗi người có lẽ phải là một con thú, có lẽ phải chết
vào mùa thu, và tái sinh vào mùa xuân.
 
Hoặc là, mỗi người phải là một dòng sông, tới
không thèm khát ở lại và ra đi không luyến tiếc.
 
Thế thời chúng tôi lại đã uống, kề bên thời tiết,
những câu truyện cổ và rượu mạnh, tuy nhiên mặt trời đã lặn.
 
Và ông ông thiếp ngủ. Là vì thế giới đang thiếp ngủ. Hình thù
đen bên dòng sông, một cái hốc đen trong cảnh sắc.
 
 

NGƯỜI VÀ CỪU

 
Mọi người tin rằng chúng ta ở chân trời đây là
một bầy cừu – họ tin thế đó,
 
người ta cũng chẳng phải là chúng ta, người ta cũng không có chữ dành cho
bản thân chúng ta, người ta  còn sống vào một thời khá lâu trước đó,
 
khi con người còn là cừu, chỉ nói
cỏ, đọc không khí, và viết nước.
 
                                         (1993)
 
 

THẾ GIỚI MI LÀ MỘT TỪ KIÊN TRÌ

 
Thế giới mi là một từ kiên trì
một vị thần này khác đã thốt ra mi
và mi đã để cho kẻ kia nói, thế giới
 
thế giới ta nói và ta nhìn thấy đêm tối
thế giới ta nói và ta nghe thấy lặng thinh
thế giới ta nói và ta cảm thấy sự trống rỗng
 
không phải hạnh phúc cũng chẳng phải muộn phiền
mà là đơn độc khiến cho con mắt
lỗ tai và đôi bàn tay chúng ta tràn đầy thế giới
 
hãy nhìn những con ngựa mới lao mau làm sao trên
nhãn giới trước cỗ xe quay cuồng
và đen và trắng vì mù sương
 
hãy nghe những cây vĩ cầm của Haendel
đang hả họng ra sao và ca
và thương tiếc xiết bao cho sự lại-qua này
 
hãy cảm thấy mùa thu lướt đi không một hơi gió
trên làn da của đôi tay mi đang vẫy chào
trong cuộc vĩnh biệt này, cuộc quay về này
 
thế giới ta nói tại sao có cảnh đơn độc này
nhưng hỏi là trả lời, ta
phải khước từ chuyện ấy, phải bắt đầu lại.
 
 

CHÂN DUNG TỰ HOẠ DƯỚI DẠNG NGỰA

 
Khi tôi còn là ngựa trên một đồng cỏ
 
tôi hẳn đã ngụ cư trong thân xác nó
trong đôi mắt nó, đã nhìn thấy những gì nó thấy
 
rằng cuộc đời này sẽ chẳng bao giờ khởi sự,
sẽ chẳng bao giờ chấm dứt, cũng chẳng bao giờ hồi phục 
 
tôi hẳn đã rời bỏ thân xác nó
những kỷ niệm của tôi còn ở lại trong nó
 
Các người ở trước hàng rào một đồng cỏ và các người
nhìn thấy một con ngựa ở phía bên kia
hãy lại gần, hãy nói với nó, hãy nhìn nó
 
xin cảm ơn, nó sẽ nghe thấy tiếng các người, nhìn thấy các người trước mặt.
 
 

AO

 
Bây giờ khi thế giới này rốt cuộc đã thật cảm kích
tuy vẫn là một thế giới ấy như khi tôi từng biết nó
bây giờ khi tôi không còn biết nó nữa
 
hạnh phúc là một ngày ở bên cái ao này
trên bãi cỏ với cây cối
và những quầng sáng của chúng tới mãi trời cao
 
nơi đây tôi đã là đứa trẻ của thần linh và
của ông tôi – cả hai đều đã chết
hạnh phúc là nguy hiểm
 
làn nước đã ngủ yên lúc chiều buông
nhẵn nhụi quá khiến trời cây và bãi cỏ
truyền sinh dưới mặt đất
 
lo sợ và nhớ nhung cả hai đều đòi
tôi trở lại nơi tấm hình này
tất cả đều chờ đợi, không có gì hết đợi chờ tôi.
 
 

TRÊN BIỂN VÀ XA HƠN

 
Nàng đã nhìn biển và bị cuốn hút,
bị cuốn hút vì quang cảnh này và vì biển
 
tới mức độ cả đến đôi chân nàng
sau này chúng tôi cũng không còn tìm ra dấu vết
 
không còn gì hết ngoài một câu chuyện bỏ lại
nhưng đoạn kết nàng đã mang theo với mình.
 
 

VẺ ĐẸP VĩNH CỬU NÀY

 
                                                       Về Piet Mondrian
 
Ông đã khởi sự trong cái thế giới ngẫu nhiên này, cái mớ lộn xộn
không được ai hiểu này gồm những nét và nét nhỏ tạo thành
chẳng hạn một cái cây
 
ông gọi vẻ đẹp này là vẻ đẹp bi thảm
vẻ đẹp của con người nhìn thấy nó
từ thoáng chốc tới thoáng chốc
 
ông không muốn nhìn thấy cái cách thế giới này
trôi qua, mà nhìn thấy nó mới thật vĩnh cửu làm sao
khi nó trở lại
 
vào đúng cái thoáng chốc duy nhất này khi tan rã
những đường nét của ông, thành một cái cây chẵng hạn
theo công thức riêng của ông
 
ông đã chết và đã thấy tất cả, đã thấy tất cả và đã chết
 
 

MỘT VÀI NHẬN XÉT

 
                                       cho Hugo Brems
 
Làm cách nào giải thích tại sao
những gì chúng ta tìm thấy lại không phải
những gì chúng ta tìm kiếm
 
ta hãy để thời gian
đi đâu mặc thích
 
rồi anh sẽ thấy, làm sao đồng cỏ tìm ra gia súc,
rừng sâu tìm ra con thịt, các tầng không, chim chóc
và cảnh tượng tìm ra con mắt chúng ta và làm sao
 
ánh sáng tìm ra điều bí ẩn của mình
 
và như thế mọi sự có lẽ đều đảo ngược
điều đó tôi sẽ giải thích.
 
 

VỊ TÙ TRƯỞNG NÓI

 
Vị tù trưởng lên tiếng và nói:
Các người hỏi dân tộc tôi nơi họ sống,
quả tình tôi không hiểu
 
chúng tôi làm một với đất và đất
làm một với chúng tôi, đóa hoa là em gái chúng tôi,
con ngựa đứa em trai, khí trời hơi thở chúng tôi,
nước máu chúng tôi
 
chúng tôi chỉ là những con người không hơn thế
nơi này khiến chúng tôi đi đi lại lại như một người mẹ
sai khiến, mẹ cho chúng tôi thân xác mẹ và nhận lại
chúng tôi vào lòng
 
chúng tôi biến đi như sương mù bỏ trốn mặt trời
và mặt trời bỏ trốn sương mù, nhưng những người đã chết của chúng tôi ở lại
như cát, như nước và gió, họ yêu nơi chốn của họ
cũng như nơi chốn này yêu mến họ
 
Các người hỏi dân tộc tôi nơi họ sống,
nhưng các người hỏi điều mà dân tộc tôi không có
như cuộc đời không có con người và con người
không có cuộc đời
 
Tôi sẽ nói với dân tộc tôi về câu hỏi của các người
trước khi các người tới để tàn sát dân tộc tôi
và hủy hoại chốn này
 
Tôi không hiểu nhưng những lời của chúng tôi dành cho các người
sẽ tựa như các vì sao,
rồi chúng ta sẽ thấy.
 
Vị tù trưởng tuyên bố.
 
 

THƯ

 
Hôm nay tôi đã toan viết một lá thư,
một lá thư để hiểu mình và tôi đã làm điều ấy,
hay nói cách khác, tôi đã không làm thế
 
vừa viết vừa nhìn bàn tay tôi
cái cách bàn tay một người lớn này chầm chậm vẽ
những chữ để đọc chúng
 
trong những ký hiệu này một ngôi nhà xuất hiện
có lẽ tôi cũng muốn biết
mình đã cư ngụ tại đâu, để hiểu điều đó
 
tôi đã toan viết một lá thư và tôi đã thấy
những dòng chữ nho nhỏ thận trọng này
những dòng chữ tôi đã học biết trước kia khi còn nhỏ
 
hôm nay tôi hẳn đã ở lại mãi tới lúc này
ở đâu đó
 
 

ÁNH SÁNG

 
Tối nay tôi muốn nói những điều trong lúc
thực ra chả có điều gì để nói
 
như ánh sáng – muốn giải thích
ánh sáng là gì trước khi sự chết
đưa chúng ta vào đêm tối
 
vào đêm tối trong lúc tôi ra sức suy nghĩ lại
chúng ta em và tôi tối nay
hướng về nhau –
 
nhưng em hãy nhìn những chiếc ly trong tay ta
tràn đầy sát mí tràn đầy ánh sáng.
 
 

CHIẾN TRANH

 
Trong lúc lịch sử muốn rằng rốt cuộc mọi sự phải được
thuật lại và chấm dứt – nhưng nó bị gián đoạn
 
quả thực, người ta đã thuật đi thuật lại cho tôi
nhưng tôi
 
vẫn còn thấy tấm hình chụp màu xám mịt mờ này
nhưng cỏ vẫn còn xanh hơn cỏ
và hoa ở cây anh đào trắng hơn là hoa
 
nơi khu vườn màu xám này hẳn đó phải là chiến tranh
nơi người đàn ông này, người đàn bà này, đứa trẻ này
nơi lớp cỏ xám này dưới cội cây có hoa màu xám này
 
người ta đã thuật đi thuật lại cho tôi làm sao những kẻ kia
lẽ ra đã phải mất đi, đã phải bị đày đi
trong những toa chở hàng hóa, không bao giờ còn trở lại
 
trong lúc lịch sử muốn rằng rốt cuộc mọi sự phải được
thuật lại và chấm dứt – nhưng nó bị gián đoạn
 
quả thực, người ta đã thuật đi thuật lại cho tôi
làm sao hòa bình đã trở lại
 
nhưng vẫn chưa có tấm hình chụp nào khác hơn tấm hình này
nơi mọi sự vẫn còn có thể xẩy ra.
 
 

VÀO BUỔI SÁNG

 
Có điều gì đó phải xẩy ra khi người ta thiếp ngủ
khi chúng ta nằm dài ra và thiếp ngủ
 
thế thì điều ấy là chi, trong lúc những tiếng cuối cùng
đối với mọi người bao giờ cũng trở nên rõ rệt hơn
trăng sáng, chó ở xa xa, hơi thở dịu êm,
mùi một người đàn ông, một người đàn bà
đêm, đêm và lại nữa
 
điều ấy nói, trong lúc tiếng đêm cuối cùng cũng
đã tắt: đây còn là những cánh tay của chính chúng ta
nơi chúng ta rơi rớt tan tành từng mảnh  trong cái hố
đen tối này, đây còn là chính thân xác chúng ta
 
điều ấy nói, trong lúc không còn chữ nữa
 
có điều gì đó phải xẩy ra lúc này khi chữ
buổi sáng từ từ rạng ra và ấy chính buổi sáng
giữ chúng ta lại với nhau và buông chúng ta ra
hệt như ta nằm đó
 
 

LĂNG NHĂNG HỌC NHẬP MÔN VẮN TẮT

 
Bởi hạnh phúc là một kỷ niệm
hạnh phúc hiện hữu là vì điều ngược lại
cũng hiện hữu,
 
tôi muốn nói điều này: bởi hạnh phúc
nhắc nhở chúng ta hạnh phúc nó theo đuổi chúng ta
và chính vì thế chúng ta bỏ trốn nó
 
và ngược lại, tôi muốn nói điều này:
chúng ta tìm kiếm hạnh phúc là vì nó
ẩn nấp trong kỷ niệm của chúng ta và
 
ngược lại, tôi muốn nói điều này: hạnh phúc
hẳn phải có ở đâu đó chứ không bao giờ là vì
chúng ta nhớ lại điều này điều nọ, chúng ta.
 
                                         (1998)
 
___________________________
 
RUTGER KOPLAND THI PHẨM:
 
1966     Onder het vee (Giữa đám gia súc)
1968     Het orgeltje van Yesterday (Tiểu phong cầm của Hôm qua)
1969     Alles op de fiets (Tất cả bằng xe đạp)
1972     Wie wat vindt heeft slecht gezocht (Kẻ thấy đã tìm dối)
1975     Een lege plek om te blijven (Một nơi trống rỗng để ở lại)
1978     Al die mooie beloften (Tất cả những lời hứa hẹn tươi đẹp này)
1982     Dit uitzicht (Quang cảnh này)
1985     Voor het verdwijnt en daarna (Trước khi chuyện đó biến đi và sau đó)
1988     Herinneringen aan het onbekende (Kỷ niệm của điều xa lạ)
1989     Dankzij de dingen (Nhờ mọi sự)
1993     Geduldig gereedschap (Những dụng cụ kiên trì)
«Các tác phẩm chưa từng in» (trong Souvenirs de l'inconnu, Gallimard, Paris, 1998).
 
 
MỤC LỤC
 
Nhà thơ muốn nói gì? (1988): đã đăng trên Tiền Vệ.
Địa đàng (1966) – Thanh lương trà (1966)
Ba bài thơ mùa đông (1968) – Hai bài thơ mùa xuân (I-II,1968)
Ra đi (1968) – Nhà máy gaz (1969) – Cây rau diếp non (1969)
Mọi sự hãy cứ như thế (1972) – Thạch thảo với chó (1972)
Oán thù ăn vận như những kẻ hiền hòa (I-II-III,1972)
Những nơi chốn, những lối qua (I-XII,1975)
C (I-IX,1978) – Tranh (I-IV,1978)
Chẳng phải khuôn mặt, hoặc đôi bàn tay,..(1978)
Xa hơn (I-III,1982) – Những lời chú giải (I-V,1982)
Kẻ đo đạc (1982) – Tất cả những lời hứa hẹn tươi đẹp này (1982)
Đối thoại với người đi dạo (1985) - I cavalli di Leonardo (1985)
La porta del paradiso (1985) - Hiển nhiên (I-II,1985)
Natzweiler (I-V,1985) – Chim chết (I-II-III,1985)
David (1985) – Mưa và gió (I-II,1985)
Chân dung tự họa (1989) – Cừu (1989) 
Nước (I-V,1989) – Nhờ mọi sự (I-V, 1989)
Câu chuyện (1993) – Thánh thi (1993)
Chó (1993) – Vọng lâu (1993)
Những khuôn mặt già nua (1993) – Cùng một điều ấy... (1993)
Công viên của trẻ em (1993) – Giữa đám gia súc (1993)
Người và cừu (1993) – Thế giới mi là một từ kiên trì (1998)
Chân dung tự họa dưới dạng ngựa (1998) – Ao (1998)
Trên biển và xa hơn (1998) – Vẻ đẹp vĩnh cửu này (1998)
Một vài nhận xét (1998) – Vị tù trưởng nói (1998)
Thư (1998) – Ánh sáng (1998)
Chiến tranh (1998) – Vào buổi sáng (1998)
Lăng nhăng học nhập môn vắn tắt (1998)
Làm một bài thơ (Nhật ký, 1978): đã đăng trên Tiền Vệ.
RUTGER KOPLAND THI PHẨM
 
 
----------------------
RUTGER KOPLAND là bút hiệu của R. H. van den Hoofdakker, một nhà thơ Hòa-lan rất được yêu mến ở nước ông và coi trọng tại Âu-châu hiện nay. Ông sinh tại Goor năm 1934. Khởi nghiệp từ năm 1968, đến nay đã cho xuất bản mười một thi phẩm, hai tập tùy bút và một tập du ký, ấy là chưa kể những công trình dịch thuật... Các tác phẩm của ông đã mau chóng vượt biên giới, được dịch và đọc ở các nước như Hoa-kỳ, Pháp, Đức, Bun-ga-ri,... Rutger Kopland đã được tặng nhiều giải thưởng về thơ, kể cả giải P. C. Hooft 1988, một trong những giải thưởng văn chương cao quý nhất của Hòa-lan; Giải Thi ca VSB 1998,... Ông nguyên là một giáo sư thần kinh bệnh học tại đại học Gröningen (ở phía bắc Hòa-lan), nay đã hồi hưu và sống tại Glimmen. Thơ ông đậm màu suy tưởng, đòi hỏi sự nghiền ngẫm: những gì ông chỉ thốt nửa lời hoặc những im lặng của ông trong thơ thường “nói” nhiều hơn những gì từ ngữ phơi bày. Và như thế, nhiều khi, trọn cuộc đời của chúng ta đã được biểu hiện qua chỉ một vài hình ảnh chấm phá tuyệt vời!... Tác phẩm toàn bộ về Thơ của ông được in lần đầu vào năm 1999. Bản dịch tiếng Việt các bài thơ của Rutger Kopland dựa trên hai tuyển tập của ông: Songer à partir, Gallimard, Paris, 1986 và Souvenirs de l'inconnu, Gallimard, Paris, 1998. Cả hai đều do Paul Gellings dịch sang Pháp văn. Các bài tùy bút hay “nhật ký” của Rutger Kopland về thơ cũng trích từ hai tập đó. (DC.)
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021