thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bây giờ và mãi mãi | Đệ ngũ Quốc tế
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
ALLEN GINSBERG
(1940-1996)
 

Bây giờ và mãi mãi

 
Ta sẽ lo ổn định với sự Bất tử -
Không phải qua thân xác
      Chẳng phải qua đôi mắt
            Những ngọn núi cao lấp lánh sao
                     trăng tàn trên những đỉnh Aspen
Mà là qua những chữ viết, qua hơi thở
             của những câu dài
những mối tình ta có, trái tim mãi mãi
             còn đập,
hứng khởi liên tục, thở ra
            những nhịp điệu mến yêu
Kiểu bất tử ấy còn sống sót ở Mỹ,
                     sống sau khi các Tiểu bang sụp đổ
            Ngày Thượng lộ của thân xác ta,
                     bụi câm miệng
Những câu thơ này gieo truyền đam mê
                     Đam mê hoàn thành
Bây giờ và mãi mãi những cậu bé có thể đọc
                     các cô có thể mơ, lão ông được khóc
Lão bà có thể thở dài
                     tuổi trẻ vẫn sẽ đến.
 
                                             19 tháng Bảy 1992
                                             Aspen
 
 
 

Đệ ngũ Quốc tế

 
                                 Tặng Billy MacKeever
 
Vùng lên hỡi những kẻ bị giam cầm trong tâm thức
Vùng lên hỡi những kẻ loạn thần kinh trên Trái đất
Sự Tỉnh thức vang ầm Giải phóng
Một thế giới thiêng liêng ra đời
 
Sẽ không còn Gông cùm trói buộc chúng ta
Bọn Xâm lược Tinh thần không còn cai trị
Thế giới sẽ đứng lên trên những nền tảng mới
Bọn chúng ta từ ngốc sẽ trở thành Điên
 
Trên Đường đi cái gì cũng Thu gom
Ai nấy mỗi người hãy lo tìm chỗ cho mình
Trường học Loạn Khôn[*] Quốc tế
Có thể cứu Nhân Loại
 
                                    7.1986
                                    Naropa
 
 
----------------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Anh "Now and Forever" và "Fifth Internationale" trong tập thơ Cosmopolitan Greetings: Poems 1986-1992 của Allen Ginsberg (HarperCollins, 1994). Allen Ginsberg từng phổ nhạc bài Đệ ngũ Quốc tế này.
 
[*] Theo trường phái Tây tạng (Trường Kagyü). Chögyam Trungpa (1939-1987), nhà truyền đạo người Tây tạng mà Ginsberg và Orlovsky từng gặp ở Ấn độ. Về sau, Chögyam Trungpa xuất thế, trở thành vừa là thầy vừa là đồng môn với nhà thơ, cũng là người đồng sáng lập Viện Phật học Naropa ớ Colorado, là nơi có Trường thơ thoát xác mang tên Jack Kerouac - School of Disembodied Poetics) trong cuốn Folle Sagesse (Éditions Points Sagesse, Seuil, Paris, 1993 - được coi như một tuyên ngôn của tự do đích thực) phác họa loạn khôn – folle sagesse / crazy wisdom – như là một trạng thái tinh thần thơ ngây vô tội giống như một buổi bình minh-thức tỉnh long lanh tươi mát. Nguyên lý của loạn khôn là nội dung cuộc đời của vị sư tổ người Ấn độ Padmasambhava, người đã đưa Phật giáo vào Tây tạng, được nhận thức như điểm khởi đầu mở ra một chuyến du hành tâm linh phi thường. Nhìn gần góc độ soi sáng ấy, ta thấy việc tu luyện tâm linh không phải nhằm đem lại một câu giải đáp yên ổn cho nỗi đau hay những mơ hồ trong con người của ta; ngược lại, nỗi đau, những cảm xúc của ta, những “lầm lạc” của ta được nhận thức ở đây như bấy nhiêu những phương tiện, những bàn đạp đưa tới một khám phá mới về chính con người của ta. Chữ loạn khôn dùng ở đây chắc hẳn vẫn còn là một chọn lựa “khiên cưỡng” (Chú thích của người dịch).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021