thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bí lối | Einstein
 
Bí lối
 
Ngày này nhà văn loay hoay tìm cách
đo tỉ lệ tiêu cực của những hư cấu
 
và nhà điêu khắc không làm sao
mở mắt cho một pho tượng
 
họ đành gọi là ngày buồn
của nghệ thuật
 
4/2006
 
 
Einstein
 
Tàu vào lịch sử, thời gian, đi không đều,
ông vỡ lẽ như vậy sau bao nhiêu thất bại,
có lần suýt chết trong phòng thí nghiệm,
vào cái thời người ta đi tìm một chứng minh
cho chất bao trùm—phải chăng nó là chất khí?
Dù nó bao trùm mọi trí tưởng tượng khá lâu,
ông từ bỏ nó vì coi bộ nó không
cần thiết—phải chăng đây là thái độ khoa học?
Mười năm trời ông hằng mơ bay lướt đi
ở ngoài cõi bị bao trùm—tất nhiên rồi,
nhìn sang bên ông còn thấy Galilei đang
cười và lăn những trái đạn đại pháo xuống
mấy con dốc. Nhưng cái chính là ông đã
bắt mình suốt mười năm cực khổ soi mặt
hàng ngày với một tấm gương—ngay trong tâm trí.
Ðể rồi vỡ lẽ tính tương đối của không thời gian
trong cái vũ trụ này với sự rung động lan toả
tràn ngập của ánh sáng mà vận tốc của nó
Maxwell đã cùng với mấy nhà đo đạc nói đi
nói lại trong cả trăm năm là bất biến. Vậy
đóng góp của ông là dám nghĩ có gì sai
với thời gian. Từ đó, chuyến tàu vào lịch sử
(môn vật lý) đã đến được bao nhiêu ga mới.
 
3/2006
 
–––––-----
Chú thích:
 
Galileo Galilei (1564-1642): nhà vật lý, thiên văn, và triết học Ý đưa ra nguyên lý tương đối theo đó mọi quy luật vật lý vẫn có hiệu lực trong các hệ thống chuyển động đều trên đường thẳng. Nguyên lý này được Einstein nâng lên thành một định đề nền tảng của thuyết tương đối.
 
James Clerk Maxwell (1831-1879): nhà vật lý toán học người Tô-Cách-Lan thiết lập những phương trình mô tả động thái của điện trường và từ trường trong khoảng không. Năm 1865 ông đưa ra ý kiến ánh sáng là một dạng bức xạ điện từ và có vận tốc đo được không đổi.
 
Albert Einstein (1879-1955): nhà vật lý lý thuyết sinh tại Ðức đưa ra thuyết tương đối rộng và góp phần quan trọng trong thuyết tương đối hẹp, cơ học lượng tử, cơ học thống kê, và vũ trụ học. Ông được thế giới nhìn nhận là nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Nhiều sách về thuyết tương đối viết rằng, trong một thời gian dài, Einstein thường tưởng tượng cầm một chiếc gương bay đi với vận tốc ánh sáng và tự hỏi có nhìn thấy chính mình trong gương. Về sau ông dựa trên nguyên lý tương đối của Galilei để khẳng định rằng ông vẫn thấy mình trong gương.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021