thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hai bài thơ trong NHẬT KÝ ẤN ĐỘ
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
ALLEN GINSBERG
(1926-1997)
 
 
Hai bài thơ trong NHẬT KÝ ẤN ĐỘ
 
16.7.1962 –
 
... Nhưng tôi không sao thay đổi được [ý thức của tôi] & những phương tiện làm được chuyện này thì đang nằm trong tay tôi, ít nữa là thử nghiệm lại cái cảm xúc mà tôi đã chỉ cho mọi người dưới cái tên gọi là thay đổi ý thức. Nói tóm là tôi đang sợ & chờ đợi một cái gì mà tôi không hề biết đến để đẩy tôi tới trước. Rốt cuộc tôi làm một cái gì đó trong giấc mơ này...[1]
 

Max Frohman

 
– về Chú Max[2] con người to lớn mảnh khảnh
mà tôi yêu, chú có một bộ râu mép Canada,
và suốt thời thơ ấu của tôi chú ngủ trên giường tới trưa
Thế nên tôi không dám gõ cửa phòng chú quá sớm
vì sợ làm phiền trái tim chú – về ngôi nhà ấm cúng
không một bóng trẻ con của chú, và cái máy hát của chú
lần đầu tôi được nghe Bellini & Khúc dạo đầu
& Rondo Capricioso của Saint-Saëns, những
nốt nhạc thanh nhã hiếm hoi cho đệ nhất vĩ cầm –
tiên tri & hơi thở buồn. Và Elanor[2] nay đã
qua đời, và những lần ít oi tôi thăm viếng chú Max
sau đó, tuổi thơ đã qua & những chuyến đi lang bang
của tôi bắt đầu. Còn chú Max thì trước ở đâu nay ở đấy,
trong cùng căn hộ, uống cà phê
vào giờ trưa thay điểm tâm & tính
sổ chi tiêu, đến văn phòng làm việc bằng xe điện hầm,
– Lần cuối cùng tôi đến thăm chú & và đọc chú nghe
những bài thơ về cái chết của Elanor – giống như
một con chim kên lông xù, trước cái bàn trong
phòng bếp, chúng tôi ngồi khóc.
 
 

* * *

 
28.7.1962 –
 
Giờ đây tôi suy nghĩ vơ vẩn trên gối
tay gác lên đầu
hai mắt nhắm mở to nhìn những bờ vịnh đen của Thời Gian –
Những bầy trâu nước, những quãng đường rộng,
hình ảnh loang loáng của dầu ô liu[3]
Đôi mắt lồi[3] ra lõm vào từng mỗi giây
lẫn vào cái mênh mông trắng xoá.
Đây chính là tôi bằng da bằng thịt. Ai
là kẻ tôi sẽ phải tin đây? Tôi cảm thấy đồng hành
với tất cả chúng ta trước cái chết
đợi chờ bên trong Cuộc Sống. Nơi chúng ta
có mặt đây quả là rộng lớn. Những người khác
trước chúng ta đã bỏ ra đi – Họ có thể đang lánh
hiện tại ở đâu – mà họ
đang phải giở những ngón gì
để trốn ra khỏi những cơ thể mập phì –
để cuối cùng bước bước đi ấy, bị vỡ
toác từ đầu đến chân, ngột ngạt, mù mắt,
tự nuốt trọn hết mình như
con rắn kia với họ vẫn
luôn là Kẻ nhắc nhớ kỷ niệm xưa
trước khi câu hỏi đơn độc[4]
làm sao ta lại là ta trở thành quen thuộc
– Con người tuyệt vọng đáng thương trong vùng tối
biết rõ toàn thể vũ trụ của chính mình
là một sự dối trá ích kỷ đã trở thành
đau khổ đến độ nó phải nôn ra hết
những kỷ niệm của mình – và để cho cái
vùng mênh mông bò sát kia tự tái tạo
không kể mắt hay tai hay bất cứ cái đụng chạm
khủng khiếp nào khác – Tôi là ai nằm trên giường
hai mắt nhắm nghiền, rất quen thuộc
từ trước – như Hồn ma của Elise[5]
hốt hoảng dưới những vòm Bellevue
kiến trúc Gothic và bị gia đình nàng
là Cảnh Sát kéo ra giữa ánh sáng
ban ngày – Nàng đưa ngón tay chỉ vào
cái gì trên sông Hudson buổi chiều hôm,
những tiếng nói chỉ có nàng nghe được
– và bây giờ nàng chỉ là cái hồn ma ấy
chạy trốn trong những căn phòng tối tăm của
cái đầu tôi rộng mênh mông hai mí mắt bị che
phủ. Bây giờ bên ngoài là bình minh Xanh,
và tôi trở lại với cơn đồng bóng thèm
hút thuốc & nói chuyện qua khắp
căn phòng xi măng với làn gió của cái
Quạt Ấn Độ và những tiếng nấc cụt của tôi.
Tôi sẽ là một nhà theo thuyết tượng trưng. Và Dì
Rose[2] sẽ là một biểu trưng, chói ngời trong
Tp. Newark Trong suốt, và Chú Max
sẽ ngồi trước bàn viết cọng thêm vào
những số liệu trên trang giấy như tôi đây &
hút một điếu xì gà, và Dì Elanor
cũng thế sẽ ở trong tôi y như khi tôi thấy dì lần cuối
nằm trên chiếc giường bệnh Montefiore sau
những tấm màn trắng, giọng cô
nữ sinh nói “tôi sắp chết rồi sao?”
Và Chú Harry, bước từng bậc thang,
lên đến phòng ngủ và biết được
vụ ung thư trong khi tôi ở rất xa,
và Naomi[2] giờ đây chỉ la lối
trong những căn phòng cách xa mười hồn ma
áo quần mặc vào & cởi ra & đôi vớ dài
màu nâu kéo lên & tụt xuống, và
cái đầu bự của Bác Sam trông càng giống
người lùn vì bao nhiêu năm tháng đã trôi qua
đời bác & Garver thì đứng ho gần cái
cửa sổ có chấn song, và Cannastra thì
đưa ra hai bàn tay vấy máu của mình và tôi
sửng sốt trước cái số dân đã chết
nay hẳn là đang gia tăng để ghi tên tôi vào với
những người còn lại.    Thế thì sao!    Đây là
tất cả những gì làm tôi sợ tôi đoán thế – khi
đầu óc tôi dần dần nhận rõ là cũng sẽ chẳng có
gì khác khi tôi đã ngủm – Chúng ta
tất cả sẽ không ai phụ thuộc ai
nếu như đó là cái chúng ta mong muốn để
trốn thoát nỗi buồn tự thương cảm
khi chia tay.
 
 
-----------
“Max Frohman” và “***” dịch từ nguyên tác trong Allen Ginsberg, Indian Journals – March 1962-May 1963 (New York: Grove Press, 1996).
 
Như người đọc có thể nghĩ đến, đây là một giấc mơ, và hai bài thơ in trong Indian Journals trên đây rất có thể chỉ là MỘT: đoạn trước viết ngày/đêm 16.7.1962 và đoạn sau viết ngày/đêm 28.7.1962. [Ghi chú của người dịch]
 
_________________________
Chú thích của người dịch:

[1]Trích dịch đoạn cuối nhật ký 16.7.1962 đi trước bài thơ “Max Frohman”.

[2]Max Frohman, Dì Rose, Dì Elanor, Naomi là chú, những người dì và mẹ của Allen Ginsberg, thường xuất hiện trong nhiều bài thơ của tác giả.

[3]Olive oil & Popeyes: liên tưởng giữa nhân vật Olive (bạn đường của Popeye) và Olive (một nhân vật được nhắc đến trong Indian Journals).

[4]Câu hỏi đơn độc: Ta là ai? Ta từ đâu tới? Hình ảnh con rắn như một biểu tượng xưa có trước khi con người ra đời, nghĩa là trước khi con người đặt cho mình câu hỏi này.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021