thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Diễn từ của Alexander Solzhenitsyn tại bữa tiệc Nobel ở Thị sảnh Stockholm, ngày 10 tháng Mười Hai, 1974

 

Bản dịch Diễm Châu

 

Alexander Solzhenitsyn, 1974

 

Kính thưa Hoàng thượng, kính thưa các Hoàng thân, thưa Quý Bà, Quý Ông,

Nhiều vị lãnh giải Nobel đã xuất hiện trước quý vị trong sảnh đường này, nhưng có lẽ Hàn lâm viện Thụy-điển và Quỹ Nobel chưa bao giờ gặp phiền nhiễu với ai đến như đã gặp phải với tôi. Vào ít nhất là một dịp, tôi đã có ở đây, dù không phải là bằng xương thịt; đã một lần Ngài Karl Ragnar Gierow tiến tới gặp tôi, và lúc này, rốt cuộc, sau lượt mình, tôi đã đạt tới cái chỗ ngồi được thêm vô này. Bốn năm đã phải qua đi để cho tôi được lên tiếng trong ba phút, và vị thư ký của Hàn lâm viện nay lại bắt buộc phải nói với cùng một nhà văn ấy diễn từ thứ ba.

Bởi vậy, tôi phải xin quý vị tha thứ, vì đã gây ra cho toàn thể quý vị quá nhiều phiền phức, và cảm tạ quý vị đặc biệt là về buổi lễ vào năm 1970, khi Đức vua và toàn thể quý vị đã chào mừng ở đây một chiếc ghế trống.

Nhưng hẳn quý vị cũng đồng ý rằng chuyện cũng đã chẳng đơn giản đối với người đoạt giải: phải mang cái diễn từ dài ba phút này theo với mình trong bốn năm. Khi tôi chuẩn bị tới với quý vị vào năm 1970, không có chỗ nào trong lồng ngực tôi, không một lượng giấy nào là đủ để cho tôi nói ra những điều tôi nghĩ ở diễn đàn tự do đầu tiên của đời mình. Đối với một nhà văn đến từ một miền đất không có tự do, cái diễn đàn đầu tiên và cái diễn từ đầu tiên của người ấy là một diễn từ về mọi sự trên thế giới, về hết thảy những nỗi khốn khổ đớn đau của xứ sở mình, – và nếu người ấy có quên mất mục tiêu của buổi lễ, quên mất những người tụ tập ở đấy và rót đầy những chiếc ly của niềm vui bằng nỗi đắng cay của mình thì ấy cũng là điều có thể tha thứ. Nhưng kể từ năm đó, khi tôi không thể tới đây, tôi quả đã học được cách diễn tả công khai gần như tất cả những ý nghĩ của mình cả ở xứ sở của tôi nữa. Tới độ khi thấy mình phải biệt xứ qua Tây phương, tôi lại càng thu hoạch được cái khả năng không bị chận giữ này: nói tất cả những gi mình muốn và ở nơi nào mình muốn, ấy là một điều không phải bao giờ cũng được coi trọng ở đây. Bởi thế, tôi không cần chất nặng thêm diễn từ ngắn ngủi này.

Thế tuy nhiên, tôi thấy có một cái lợi đặc biệt khi chỉ đáp ứng việc được tặng thưởng Giải Nobel vào bốn năm sau. Chẳng hạn, trong bốn năm, ta có thể nghiệm thấy vai trò mà giải thưởng này đã đóng trong đời ta. Trong đời tôi, vai trò ấy rất lớn lao. Nó đã ngăn ngừa, không để tôi bị nghiền nát dưới những cuộc truy bức nghiêm ngặt mà tôi phải chịu. Nó đã giúp tiếng nói của tôi được nghe thấy ở những nơi mà những người đi trước tôi không được nghe thấy đã hằng thập kỷ. Nó đã giúp tôi diễn tả những điều không thể được ở hoàn cảnh khác.

Trong trường hợp tôi, Hàn lâm viện Thụy-điển đã có một ngoại lệ, và một ngoại lệ khá hiếm: tặng cho tôi giải thưởng khi tôi mới ở tuổi trung niên và hoạt động văn nghệ công khai của tôi chỉ mới là một đứa nhỏ khoảng lên tám. Đối với Hàn lâm viện, có một nguy cơ ẩn khuất lớn khi làm như vậy: dẫu gì, lúc ấy chỉ mới có một số nhỏ sách vở do tôi viết được xuất bản.

Nhưng có lẽ cái trách vụ tuyệt vời nhất của bất cứ một giải thường văn nghệ hay khoa học nào nằm đúng ở chỗ nó giúp làm sáng tỏ con đường trước mặt

Và tôi muốn bày tỏ sự tri ân tự đáy lòng của tôi đối với các thành viên của Hàn lâm viện Thụy-điển về sự yểm trợ vô cùng to lớn mà chọn lựa năm 1970 của họ đã dành cho các công việc của tôi kể như một nhà văn. Tôi còn dám cảm tạ họ nhân danh cái nước Nga không chính thức rộng lớn đang bị cấm tự diễn tả lớn tiếng, đang bị ngược đãi cả vì viết sách lẫn đọc sách nữa. Vì quyết định này của họ, Hàn lâm viện đã nghe nhiều lời trách móc hàm ý rằng một giải thưởng như thế phục vụ những quyền lợi chính trị. Nhưng ấy chính là tiếng la ó của những kẻ khoác lác gầm gừ không biết tới quyền lợi nào khác. Chúng ta hết thảy đều biết rằng công trình của một nghệ sĩ không thể nén gọn bên trong tầm mức thảm hại của chính trị. Là vì tầm mức này không thể nắm trọn cuộc đời chúng ta và chúng ta không được giam nhốt ý thức xã hội của chúng ta bên trong những đường biên của nó.

 

Nguồn: nobelprize.org

 

 

---------------------------------
ALEXANDER SOLZHENITSYN sinh năm 1918 tại Kislovod, có lẽ là nhà văn Nga chống độc tài nổi tiếng nhất ở thế kỷ XX. Tuy nhà nghèo, ông đã phấn đấu theo học toán, vật lý, lịch sử và triết lý ở đại học với kết quả rực rỡ. Từng là một sĩ quan Nga được huy chương trong thế chiến thứ nhì, ông bị bắt giữ vào năm 1945 vì chỉ trích Stalin trong một lá thư... và bị án 8 (tám) năm tù ở trại lao động cộng thêm 4 (bốn) năm lưu đày sau đó. Năm 1957 ông được «phục hồi»... Năm 1965 các tác phẩm của ông bị cấm ở Liên Sô. Được phiên dịch và xuất bản ở nước ngoài, các tác phẩm này lại khiến ông bị bắt giữ năm 1974, bị tước bỏ quyền công dân và bị trục xuất. Ông cư ngụ tại Hoa-kỳ trước khi trở về nước...
 
Alexander Solzhenitsyn được Hàn lâm viện Thụy-điển tặng giải Nobel Văn chương năm 1970, nhưng vì những khó khăn trong nước, không thể đích thân tới nhận, chỉ gửi diễn văn Nobel và diễn từ tại bữa tiệc Nobel cho người khác đọc. Ông chỉ thực sự dự lễ trao giải thưởng này vào bốn năm sau, khi đã bị trục xuất khỏi Liên Sô. Diễn từ trên, ông đọc nhân dịp ấy. (DC.)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021