thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gửi người yêu và tin [thư số 12]

 

Đã đăng:

 

Gửi em,

Đã đến lúc anh phải nói về chuyện này. Anh những tưởng không bao giờ gợi lại nó nữa.

Ngày khánh thành hội trường lớn của trường anh. Hội trường ấy được khởi công dưới “triều đại” của anh.

Con gái hẹn anh đến sớm, trước giờ khai mạc buổi lễ, nó có việc gấp muốn gặp anh. Lúc anh đang đi cách khoảng 50m đã thấp thoáng thấy con đứng chờ ở phía trong, gần cửa hội trường. Vợ anh cũng tới, vợ cũ thì đúng hơn, con muốn gặp cả hai người, anh không biết cô ấy đi sau anh một quãng. Tòa nhà sập xuống đúng lúc anh nhìn thấy con gái. Có lẽ nó đã bị nứt từ tối hôm trước. Phần mái trên hành lang sụp trước, nhanh đến nỗi con anh chạy không kịp. Anh trân trối nhìn cả đống vôi vữa xi-măng cốt thép ấy ụp xuống, nhấn chìm con anh. Anh chạy đến cào bới. Gào thét và cào bới đến nát cả hai tay. Thôi, đừng bắt anh phải khơi lại cảm giác đó nữa, đến bây giờ anh vẫn không thể nào đối diện được với thời điểm đó. Anh không thể tin được chuyện đó có thật, anh muốn nghĩ nó là một cơn ác mộng, ước gì nó chỉ xảy ra trong ác mộng. Vợ cũ anh ngất xỉu, người ta phải đưa vào viện cấp cứu. Nhưng cô ấy tỉnh rất nhanh, khoảng tiếng sau cô quay lại, lúc đó người ta đã đưa được con anh ra. Không chút gì của con bé còn nguyên vẹn. Anh biết thế, dù anh không dám nhìn. Một người cha có thể làm gì khác ngoài ôm đầu giấu mặt sau hai cánh tay, để mặc người ta bới xác con mình, để mặc người ta thu xếp cho nó. Anh không nhìn nó. Người ta cho con bé vào trong cái quan tài do vợ anh gọi mang đến, một cái quan tài tạm, để không ai phải chứng kiến hình hài tan nát của con. Vợ cũ anh, cả trong lúc đau khổ khốn cùng như thế, vẫn biết phải làm gì. Anh không biết cô lấy sự tỉnh táo ấy ở đâu. Trước khi leo lên xe cứu thương bệnh viện để đưa con gái về nhà, cô lạc giọng hét lên, nước mắt vẫn không ngừng chảy:

- Tôi cấm anh và cái lũ đồng nghiệp, đồng chí, bạn bè anh đến đám tang con bé. Thằng nào, con nào trong cái số đã giết con gái tôi mà lò mặt đến, tôi bắn. Anh mà dám dẫn xác đến, tôi bắn.

Cô không nói để dọa, cô nói thật. Cô nói đúng, anh đã giết con gái mình. Đồng nghiệp của anh, những người cùng chia chác, rút ruột từ việc xây dựng cái hội trường này, họ đã cùng anh giết con gái anh. Không phải anh không biết chuyện cầu nọ cầu kia đang xây bị đổ, nhà thi đấu chỗ này chỗ kia bị sập đúng ngày khánh thành, y chang trường hợp của anh đây. Anh biết hết, nhưng anh đã không ngờ rằng một chuyện tương tự như thế lại có thể xảy ra cho anh.

Anh không những bị cấm đến dự đám tang, còn bị cấm thăm mộ con. Thực ra anh cũng không dám ra mộ con. Không dám đối diện với tội ác của mình. Anh đã giết chết con đẻ. Lòng tham. Đó là sự thực. Con gái anh bị giết năm nó hai mươi ba tuổi, vừa ra trường và đi làm được một năm. Nó đã ở riêng từ nhiều năm trước. Vì muốn gặp bố và mẹ mà phải chết. Anh không bao giờ biết được nó định gặp anh để nói chuyện gì. Không gặp được anh, nó đã gặp cái chết của nó. Anh giết con mình, sự thật là như vậy. Dù anh có cố lảng tránh sự thực đó bằng cách đi hết chùa nọ sang chùa kia, ráng tìm một lý do ở kiếp trước, ráng đổ cho một định mệnh của trời đất thần phật. Chẳng ai trừng phạt anh, nếu vợ anh không trừng phạt anh thì hóa ra trên đời này chẳng có lẽ công bằng sao? Có những tội ác không bao giờ bị đưa ra xử, có những kẻ giết người không bao giờ bị truy tố. Những kẻ như anh.

Vợ cũ anh mặc đồ đen suốt ba năm sau đó. Cuối năm thứ ba sau khi con mất, cô quay về nhà anh lấy một số vật dụng cũ của con. Lúc cô đến, anh và vợ mới đang ngồi trong phòng khách đọc báo. Cô vào phòng con bé, anh vẫn luôn gìn giữ và chăm sóc căn phòng đó. Rất nhanh chóng cô tìm thấy những thứ cần tìm, rồi trở ra. Nhanh tới mức cô vợ mới đang ngồi trong lòng anh không kịp đứng dậy. Anh muốn nói chuyện, không kìm được anh thốt lên:

- Em có thể ở lại nói chuyện một lúc không?

- Anh định nói gì? Cái hội trường bị anh rút ruột ấy làm con gái anh chết, tan nát như thế nào, anh còn không biết ư? Tức tưởi như thế nào, anh nhìn thấy hết rồi, định nói gì đây? Có phải chiến tranh đâu, mà con anh phải chết không toàn thây như thế chứ? Còn cái trường bên ngoài hoành tráng thơm tho bên trong xập xệ thối tha của anh nữa, nó đã biến biết bao người lương thiện thành những kẻ tàn phế tinh thần, làm chết lương tri của bao nhiêu người. Anh đền tội bằng cách nào đây? Mà thôi, anh đừng vờ vĩnh nữa, buồn nôn lắm.

Và cô nôn thật, thốc tháo xuống sàn nhà. Mặt tái xanh, cơ thể gồng theo những cơn quặn thắt khốn khổ. Anh muốn ôm cô ấy, muốn giúp cô, muốn làm cô cảm thấy dễ chịu. Nhưng anh ngồi yên nhìn cô, biết rằng bây giờ mà đụng vào người cô còn khiến cô nôn mạnh hơn nữa. Khi mọi thứ trong dạ dày đã ra hết, cô ngồi im một lúc, đờ đẫn. Sau đó, cô rút trong túi ra gói khăn giấy, lau miệng, ném tờ khăn giấy xuống đống nôn, rồi đi ra. Anh có cảm tưởng như cô đi không vững nữa. Đến cả nỗi đau mất con của anh cũng làm cô ấy phát nôn.

Ba ngày sau, anh nhận được tin cô mất. Người nhà nói rằng cô nôn liên tục suốt mấy hôm đó. Không ăn uống gì vẫn nôn. Chẳng thuốc gì có thể giúp cô ngừng nôn. Đến khi thổ ra một mảng giống như mảng dạ dày, cô tắt thở.

Mặc dù cô không trăng trối lại là cấm anh dự đám tang, anh cũng không dám đến. Nếu anh đừng hỏi cô, nếu anh cứ im lặng để cô về, hẳn cô đã không phải chết vì bệnh nôn quái đản ấy. Anh không có mặt trong đám tang của con anh và vợ anh. Dù cô ấy bỏ anh, dù anh đã có vợ mới, trong thâm tâm anh luôn coi cô ấy như vợ mình. Cho đến lúc này, anh cũng chưa bao giờ đặt chân đến mộ họ.

Sau cái chết của vợ và con gái, anh nhận được lá thư của một đồng nghiệp cũ, người bị anh cho thôi việc. Có lẽ do anh ta không muốn đứng vào dàn loa bị anh điều khiển, hoặc vì, trong một lúc nào đó, đã khiến anh nhận thấy rằng anh ta không phục anh. Cũng có thể thêm những lý do khác nữa. Hồi đó, anh ta, nhờ có tài trợ nước ngoài, đã lên chương trình mở được một thư viện số cho trường anh. Dĩ nhiên, với cương vị lãnh đạo cao nhất, anh ký dưới các văn bản giao dịch. Nhưng đúng ra anh ta là người sáng lập thư viện số ấy. Một vài cử chỉ của anh ta khiến anh cảm thấy khó chịu. Anh đọc thấy cái gì đó như là sự kiêu ngạo trong thái độ của người đồng nghiệp ấy. Bây giờ nghĩ lại, có thể đấy chỉ là cách cư xử của một người đã sống ở phương Tây khá lâu. Còn lúc ấy, anh khó chịu nhìn thấy sự ngạo mạn và vô ơn. Không giống những người khác, anh ta không có nụ cười lấy lòng khi gặp anh, không bắt tay anh bằng cả hai tay và nắm thật chặt, lưng cũng không cúi xuống khi bắt tay, không có vẻ mặt đầy biết ơn và thần phục. Cung cách của anh ta khiến anh cảm thấy bất an.

Khi cho anh ta nghỉ việc, anh nhắc lại rằng nếu anh không ký đồng ý vào đơn xin việc của anh ta thì anh ta không thể nào về làm việc ở trường anh được. Anh ta phải biết ơn anh về chữ ký đó. Anh là người cho anh ta về trường, nên cũng sẽ quyết định đẩy anh ta đi. Anh chàng đó quả không hiểu gì về cái gọi là quyền lực tập trung. Sau khi anh ta biến khỏi trường, dĩ nhiên anh trở thành người sáng lập hợp pháp của thư viện số. Buổi lễ khánh thành rất long trọng và đông quan khách. Báo chí đưa tin về đóng góp to lớn của anh cho sự phát triển của hệ thống thư viện đại học hiện đại. Còn người kia, không chỉ mất việc ở trường anh, còn không thể nào tìm được một công việc ở trong ngành giáo dục. Anh ta không thể tìm được một công việc nào thuộc loại lao động trí óc. Chẳng ở đâu người ta nhận anh ta. Những việc như thế nằm trong tầm tay anh, anh có thể điều khiển được. Người kia, sau mấy lần thử chỗ nọ chỗ kia không được, cuối cùng đi xe ôm kiếm sống.

Anh không ngờ, đến một lúc con gái anh gọi anh ta là bố dượng, con đã rất yêu quý anh ta, người cha tinh thần của nó. Phải, chắc em hiểu anh định nói gì, vợ anh tái hôn với anh ta. Cô ấy không hề nói gì về cuộc hôn nhân sau này, vả chăng cũng chẳng có cơ hội nào để nói, sau khi ly hôn, anh và cô ấy hoàn toàn không gặp nhau cho tới khi con gái anh thu xếp cuộc gặp gỡ bất hạnh đó. Nhưng rồi mọi người cũng cho anh biết.

Anh đã xé bức thư đó vứt vào thùng rác, không hề nghĩ đến nó bao nhiêu năm nay, tự nhiên giờ đây nội dung của nó hiện về đầy đủ trong đầu anh. Nó cũng ngắn thôi.

Chào ông! Có lẽ ông không còn nhớ tôi là ai. Chẳng quan trọng. Ông đã từng muốn biến tôi thành một kẻ bần cùng trong xã hội. Ông và tôi, chúng ta đều nhớ rõ câu này, của một nhân vật văn học: “Chết có sao đâu, không sống được mới thật là đau đớn”. Ông muốn đặt tôi vào tình trạng “không sống được”. Ông đã đạt được mục đích. Một người thất bại, ôm một cuộc đời thất bại như tôi, có sá gì mà không thừa nhận thắng lợi của ông.

Ai cũng biết cái chết của con gái ông, ai cũng biết việc vợ cũ cấm ông không được dự đám tang con gái, bà ấy nói công khai như vậy, ai cũng nghe thấy. Và có lẽ người ta nghĩ đó là một tình cảnh đáng buồn. Phải, chuyện ấy thật đáng buồn. Nhưng ông có để ý rằng còn một điều đáng buồn khác, đó là trạng thái “không sống được” mà cả xã hội này đang lâm vào, mà cả xã hội này đang bị đẩy vào, dưới ý chí sắt đá của những kẻ như ông. Bao nhiêu người đang “không sống được”, xung quanh ông.

Chúng ta đã chứng kiến những Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Hữu Loan... không sống được như thế nào. Và ông muốn bắt tôi phải trải nghiệm điều đó, ông muốn đẩy tôi xuống tận dưới đáy xã hội, không cho tôi sống. Các ông tổ chức hội thảo rất to tưởng niệm Trần Đức Thảo, nhưng các ông tiếp tục đối xử với đồng nghiệp theo cái cách thức mà Trần Đức Thảo đã từng bị đối xử. Xem ra những bài học quá khứ chẳng có ích gì với các ông. Các ông nhìn thấy rõ tư tưởng và tinh thần của Trần Đức Thảo bị hủy hoại như thế nào, và các ông tiếp tục hủy hoại tư tưởng và tinh thần của người khác.

Nhưng có lẽ phần nào đó ông đã nhầm khi sa thải tôi. Ông đã không thấy được bao nhiêu người chết mòn trong trường đại học của ông, và tôi cũng đã chết mòn như thế nếu tôi được ông trọng dụng. Ông trừng phạt tôi. Tôi tàn lụi, dĩ nhiên, như bao nhiêu người khác đã tàn lụi trong xã hội này, làm sao chúng tôi chống lại được sự tàn lụi đó. Nhưng ông cũng cho tôi cơ hội để nhìn lại xem mình muốn gì. Quả thực tôi không hề muốn làm một kẻ ăn óc sống như ông, tôi không muốn biến sinh viên thành những con vẹt, làm cho não họ trở nên trống rỗng, biến họ thành những cái loa. Không, tôi không muốn phạm trọng tội giết người theo kiểu đó. Cái kiểu giết người được Milovan Djilas miêu tả trong cuốn “Giai cấp mới” mà có thể ông cũng đã đọc, ở chương Khủng bố về mặt tinh thần: “Họ đã nghĩ ra một hình thức giết người vô tiền khoáng hậu – giết chết tư tưởng, và hành xử với con người cũng như tư duy của con người không khác gì người ta hành xử với búi cỏ khô trên sa mạc. Khi giết chết người khác, không cho tư tưởng của người khác được tự do bay bổng, thì chính họ cũng trở thành một bọn người nhạt nhẽo, trống rỗng, một bọn người không hề biết đến những giây phút hạnh phúc của tư duy trầm mặc thâm sâu”.

Ông đuổi tôi khỏi đại học, nhưng bằng cách đó ông tạo điều kiện cho tôi có được cái hạnh phúc của một người làm chủ tư duy của mình, cái hạnh phúc mà ông không bao giờ biết đến.

Con gái ông chết rồi, tôi cầu mong cho linh hồn con ông yên nghỉ. Và tôi cầu mong ông, hãy vì cô ấy mà nghĩ đến cái chết về tinh thần của bao người trẻ đang trả tiền để học tập trong trường ông.

Ông đau buồn cho cái chết của con ông, hãy từ nỗi buồn đau đó mà nghĩ đến nỗi đau của những người “không sống được”. Tôi không lợi dụng hoàn cảnh để khơi sâu thêm sự đau lòng của ông, tôi cũng đau lòng không kém gì ông, tôi coi con gái ông như con gái của mình. Tôi không nói dối ông, tôi yêu con gái ông như thể tôi đẻ ra nó. Tôi đã tặng con gái ông tinh thần của tôi và con ông đã tiếp nhận nó. Tôi chỉ mong từ nỗi niềm riêng mà ông có thể hiểu cho nỗi niềm của người khác.

Dù hy vọng đó rất mong manh, tôi cũng đã viết cho ông. Ông có thể giết chết hy vọng của tôi, cũng có thể giúp tôi nuôi dưỡng nó. Chào ông!”

Anh vứt bức thư ấy đi, kèm theo một câu lầm bầm: “Vớ vẩn”, không nghĩ đến nó nữa. Thế mà giờ đây, anh có thể chép lại không sót một chữ.

Anh nhớ lại câu chuyện chúng ta đã nói tới trong những bức thư hồi xa xưa ấy, câu chuyện về một cô giáo bị cả đám đàn ông đánh cho dập nát trên hàng loạt tờ báo và sau đó bị áp dụng hình thức bỏ đói, bị cho thôi việc. Hồi đó anh còn thấy xấu hổ. Thế mà sau khi chữa bệnh xong, anh áp dụng y chang như thế với đồng nghiệp của anh. Em biết không, sau vụ việc của cô giáo đó, người ta muốn rằng đại học phải thực sự trở thành pháo đài bảo vệ chế độ, trở thành tiền đồn của ý thức hệ xã hội, và là thành trì vững chắc giúp những kẻ trục lợi như anh ẩn mình. Những người đàn ông lại lén lút mở những cuộc thẩm tra, khám xét, hạch sách công việc ở đại học. Phải gọi là lén lút bởi những phái đoàn đi làm việc ấy chẳng hề có công văn, chẳng hề có quyết định, và cũng chẳng hề cho phép báo chí đưa tin về hoạt động đó. Mọi việc diễn ra trong bóng tối, trong sự câm lặng đồng loạt của mọi bên liên đới. Những thành viên của phái đoàn ấy ngẩng cao đầu kiêu hãnh, đắc thắng cảm nhận nỗi kinh hoàng mà họ gieo rắc lên các trường đại học. Thực tế, có những đại giáo sư lượn lờ quanh họ xun xoe nịnh bợ, mong thoát khỏi búa rìu của họ. Nhưng họ cũng hơi nhầm chút đỉnh. Giới giảng viên xưa nay luôn kiêu hãnh về sự im lặng cố hữu đóng băng trên không gian đại học. Giới đại học vẫn luôn im lặng chấp nhận vô điều kiện mọi trấn áp, mọi quyết định phi lý từ trên dội xuống. Một khi đã coi im lặng như biểu hiện của sự khinh bỉ thì người ta có thể chịu đựng và chấp nhận hết mọi thứ, người ta im lặng mà cảm thấy mình đứng cao hơn kẻ đi đàn áp mình. Vậy đó em. Cái lý để mọi bên đều có thể hoan hỉ trong mọi tình thế, dù phi lý và phi nhân đến cỡ nào. Băng đen bịt mắt và băng keo bịt miệng. Với những dải băng đó, cộng thêm hằng hà sa số lý lẽ ngụy biện, người ta có thể hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh. Để hạnh phúc, hãy nhắm mắt mà sống. Không, hãy mở mắt nhưng đừng nhìn thấy gì cả. Không, hãy mở to mắt và chỉ nhìn thấy những gì cần nhìn để tạo nên hạnh phúc.

Lúc đó hơn một phần mười của thế kỷ đã trôi qua, và đại học vẫn cứ là thành trì bảo vệ chế độ, một chế độ mà đến hết thế kỷ này, người ta cũng chẳng rõ mặt mũi nó ra làm sao. Người cầm lái vĩ đại mơ màng tuyên bố trước toàn dân như thế, tiếp tục yên tâm và hăng say chèo lái, đưa con thuyền cách mạng hùng hổ tiến lên, dù chẳng biết sẽ cập bến bờ nào. Còn anh và đồng bọn trong giới đại học và nghiên cứu của anh, cứ vài năm lại làm một công trình trị giá vài ba tỉ, xác lập cơ sở khoa học cho cái bến bờ mù mịt đó.

Đại học, vì thế, theo định nghĩa của Djilas, chính là nơi thực hiện hình thức giết người vô tiền khoáng hậu, giết chết khả năng hình thành các tư tưởng. Cùng với tư tưởng, cảm xúc cũng sẽ bị chết theo. Những cảm xúc chân thực sẽ bị thay thế bởi các cảm xúc nhân tạo và dối trá, ở một mức độ cao hơn rất nhiều so với cái giấc mơ giả dối đầu đời mà người ta cố nhét vào tâm hồn những đứa trẻ mẫu giáo.

Đích thị anh là một kẻ giết người hàng loạt. Anh cầm đầu những kẻ giết người hàng loạt. Em có thể đọc đâu đó trên mạng tin về việc người Trung Quốc bổ đầu con khỉ đang sống để ăn óc nó. Anh, một kẻ nạo óc người sống. Anh làm ruỗng hết não của sinh viên. Năm nào cũng thế, bao nhiêu ngàn sinh viên vào trường đại học để bốn năm sau ra trường với não bộ gần như hoàn toàn mất khả năng tư duy, mất khả năng suy nghĩ, chỉ còn biết ghi nhớ những gì được nhồi nhét vào đầu mà thôi. Não họ trở thành cái thùng chứa, thay vì là trung tâm suy nghĩ và sáng tạo. Não họ thu nhận những gì được phép và đẩy ra những gì cấm kỵ.

Thế hệ trẻ cần biết họ đang kính trọng ai, có thật những gương mặt lớn trên truyền thông hiện nay đáng được kính trọng không, hay thực ra rất nhiều trong số đó là những kẻ ăn cắp lòng kính trọng. Anh có thể làm được điều đó không, có thể nói cho thế hệ trẻ biết họ đang kính trọng nhầm người không? Cần phải nói cho thế hệ trẻ biết họ đang đặt lòng kính trọng của họ nhầm chỗ, rằng anh đang tham nhũng lòng kính trọng của họ. Họ phải biết kính trọng những người vô cớ bị kết tội phản động, họ phải kính trọng những người đang ngồi sau chấn song sắt, đang phải chịu mọi cực hình, chỉ vì muốn được sống một cách trung thực, chỉ vì muốn xã hội có công bằng và có chỗ cho lương tri tồn tại. Chỉ khi nào thanh niên nước này kính trọng những người đó đất nước này mới khá lên được. Chừng nào họ còn kính trọng những GS, TS, nhà giáo nhân dân, hiệu trưởng đại học, viện trưởng, viện sĩ viện hàn lâm, Bộ trưởng, Ủy viên BCT, đại biểu quốc hội, bí thư, chủ tịch... như anh, chừng đó tương lai của xứ sở này còn mờ mịt. Quả là một dân tộc bất hạnh khi dân tộc đó dành sự tôn kính của mình cho những kẻ thối nát. Thanh niên phải biết trọng những gì đáng trọng và khinh những gì đáng khinh, họ phải biết khinh bỉ loại người như anh thì những điều tốt đẹp mới có thể nảy nở trong tâm hồn họ, và họ mới có thể làm những điều tốt đẹp cho xã hội. Điều anh cần làm là giúp họ hiểu rõ chuyện này.

Nhưng lẽ nào anh lại tự tước bỏ mặt nạ của mình đi, anh làm sao đủ sức tự tước bỏ mặt nạ của mình đi? Nhất là khi mặt nạ đó giờ đây cũng đã hóa thành xương thịt. Bỏ cái mặt nạ ấy đi anh cũng chẳng còn cái mặt nào khác nữa. Làm sao anh có thể khiến người khác khinh mình được, làm sao anh có thể kêu gọi người khác khinh mình được? Điều đó là không thể. Anh biết mình không thể.

Có lẽ không phải thế. Không bao giờ được phép khinh con người. Như thế chăng? Anh không được phép tự khinh mình. Người khác cũng không được khinh anh, dù anh như thế này, hay như thế nào chăng nữa. Có phải như vậy chăng?

Lẽ nào sẽ có những người không bao giờ phải trả giá, cho dù họ có làm gì với bản thân, cho dù họ có làm gì với đồng loại, họ sẽ thoát khỏi mọi phán xét, của chính họ và của người khác? Một cách mù mờ, dường như anh hiểu vì sao có cuộc phán xử cuối cùng. Cơ hội duy nhất để công lý được thực thi cho tất cả mọi người. Rủi là không ai chắc nó có tới hay không. Chẳng ai chắc được liệu bất công có phải là vĩnh viễn.

Anh biết anh vẫn sẽ tiếp tục tham nhũng lòng kính trọng của người đời, anh sẽ tiếp tục đánh cắp sự ngưỡng mộ của họ. Cùng lắm anh có thể làm được như cái ông tiểu thuyết gia kiêm ủy viên BCT đã về hưu ấy, ngồi viết mấy câu văn vần rồi tự gọi là thơ, tỏ ra ưu phiền cho thời cuộc, làm như chính bản thân ông ta đã không đắc lực tạo ra cái thời cuộc này, làm như ông ta đã không ký bao nhiêu quyết định hãm hại người khác, làm như ông ta đã không ra bao nhiêu chính sách hủy hoại văn hóa và nhân tính. Giờ đây kêu buồn chút đỉnh để tỏ ra ưu thời mẫn thế, để làm gì, cũng chỉ để đánh cắp thêm chút ít lòng kính trọng của người khác. Không, anh sẽ không làm như vậy. Nếu không đủ can đảm tự vạch mặt mình ra trước thiên hạ, anh sẽ im lặng, không ăn mày thêm nữa tình cảm yêu mến của người đời, không làm họ nhầm lẫn thêm nữa, trong cái xã hội tất cả đã bị làm cho lẫn lộn hiện nay.

Chỉ còn có thể làm được mỗi một việc thôi: viết cho em, dù em sẽ không bao giờ đọc nữa.

Chính anh đã tạo nên xã hội này. Một xã hội trong đó sự khốn khổ của người này là điều kiện cho sự thành đạt của người kia, sự bần cùng của người này là điều kiện cho sự giàu có của người kia, tội lỗi của người này là điều kiện đảm bảo cho địa vị và quyền lực của người kia, sự ngu dốt và cam chịu của người này là điều kiện cho người kia thủ lợi. Anh, một kẻ vừa đắc lợi vừa thành đạt, anh đã duy trì sự ngu dốt và cam chịu, đồng thời khuyến khích cho sự khốn nạn của người khác phát triển. Anh là như thế đó. Sao em có thể yêu một kẻ như vậy chứ? Anh biết làm gì với tình yêu của em đây? Nếu biết toàn bộ sự thật về con người anh như thế, em sẽ không còn yêu anh nữa. Phải vậy không?

Anh không còn có thể làm gì được nữa. Anh có thể từ bỏ chức vụ các loại của anh không? Anh có thể từ bỏ các chương trình quốc gia quan trọng này không? Anh có thể từ bỏ trường đại học này không? Nếu từ bỏ chúng, anh sẽ không còn gì cả. Con người cá nhân anh chẳng có một chút giá trị nào. Uy danh của anh được thiết lập và gắn liền với những thứ đó. Mất chúng anh chỉ còn là một con số không, về mặt giá trị. Ngay lập tức sẽ chẳng ai nói đến anh nữa, chẳng ai phỏng vấn, chẳng ai ca tụng anh nữa. Tiền bạc cũng sẽ giảm đi đáng kể. Bây giờ anh phải nói xem cái gì đối với anh quan trọng hơn. Danh tiếng có được nhờ đó hay tiền bạc có được nhờ đó?

Thực ra bây giờ anh không bỏ thì cũng đến lúc sẽ hết nhiệm kỳ. Nhưng anh không còn chút khả năng nào để bắt đầu một cái gì mới, không có khả năng để đương đầu với bất kỳ điều gì nữa rồi. Muốn có một khởi đầu mới, anh phải bắt đầu bằng cách từ bỏ con người này của anh. Nhưng con người thường nhật này, thói quen cố hữu này, thói quen đã bám rễ vững chắc, khiến anh không thể nhổ bật những chùm rễ ấy đi được. Vả lại, đó là rễ chùm, những cái rễ bò lan khắp cơ thể anh, không cách gì cắt chúng đi được. Có cắt đi chúng lại mọc ra. Để trở lại con người trước đây của anh, con người biết cái gì là bất thường, cái gì tốt cái gì xấu, anh còn không thể làm nổi.

Còn những tế bào này nữa. Làm sao có thể thay hết mọi tế bào trên cơ thể anh? Người ta có thể thay máu, có thể thay các bộ phận nội tạng. Nhưng với một cơ thể mà tất cả các tế bào đều đã nhiễm bệnh, còn làm gì được đây? Làm sao thay thế hết được? Anh biết bệnh của anh khủng khiếp hơn cả bệnh ung thư. Bệnh của anh không những không chữa được mà anh còn truyền nhiễm nó, làm nó lây lan trên diện rộng với một tốc độ đáng sợ.

Tất cả những điều đó làm anh đau. Nhưng hình như, chính nó, chính nỗi đau này, là một cái gì mới mẻ, khác lạ. Hình như trong quãng đời vừa qua, anh cố dẹp cảm giác đau khổ qua một bên, cố lảng tránh, cố thay thế bằng sự vui vẻ, bằng hạnh phúc và mãn nguyện. Cảm giác đau khổ là thứ anh đã đánh mất. Khắp nơi người ta khuyên anh nên tìm niềm vui sống, người ta đòi anh phải biết vui, người ta giễu cợt anh, chế nhạo anh, trách anh không biết cách vui. Đến khi anh đã quen với việc tự tạo ra niềm vui bất chấp mọi hoàn cảnh, anh lại dạy chính bài học ấy cho những người khác, cho những đồng nghiệp trẻ. Em sẽ thấy cảnh tượng này: xã hội đầy bất công và vấn nạn, nhưng giới trí thức của anh luôn vui vẻ.

Giờ đây anh bắt đầu cảm nhận lại nó, cảm nhận nỗi đau buồn bị vứt bỏ bao năm qua. Anh bắt đầu nhìn thấy thấp thoáng hình bóng con người ngày xưa. Cái con người biết buồn đau và biết sỉ nhục. Có phải em đã hình dung được rồi có ngày anh sẽ lại biết đến giá trị của nỗi buồn?

Nếu chẳng may ai đó đọc được cuộc trao đổi riêng tư này của chúng ta, người ta sẽ không tin anh là một con người có thật, người ta sẽ cho rằng anh là một nhân vật hư cấu. Chỉ có nhân vật hư cấu mới chuyển biến theo cách ấy. Sự chuyển biến mang tính tưởng tượng của anh để lộ một mong muốn, một hy vọng nhuốm màu tuyệt vọng của tác giả. Để làm gì cái hy vọng nhân tạo và tự lừa dối ấy nhỉ? Thật kỳ cục. Có giải quyết vấn đề gì đâu. Hình như tác giả cũng bị nhiễm bệnh của anh: bệnh tự lừa dối, tự tạo ảo tưởng cho mình.

Nhưng đành chịu thôi, anh không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì. Ừ, anh là một nhân vật hư cấu cũng được, hay anh có thật cũng đã làm sao. Thực ra bản thân anh cũng không tin mình có thật. Người ta chỉ nhìn thấy lỗi của người khác, chẳng có ai lại tự nhận mình có lỗi. Người ta chỉ nhìn thấy sự đồi bại của người khác, mấy ai thấy được sự đồi bại của chính mình. Một người nhìn đâu cũng thấy tội lỗi của mình, như anh, có tồn tại thật không? Nếu anh có thật, làm sao anh có thể viết ra những điều tồi tệ như thế về bản thân? Trong cái thời đại xây dựng hình ảnh và thương hiệu này, làm sao lại có ai tự đi nói xấu mình như vậy được chứ?

Nhưng thôi. Điều quan trọng là anh đã viết những lá thư này cho em. Điều quan trọng là anh đã từng có em, đã từng được em yêu, và vẫn luôn yêu em cho đến tận lúc này. Ừ, thì anh được tạo ra từ tưởng tượng và anh có một mối tình hư cấu. Có cái gì trên đời này mà không hư cấu. Cả tác giả cũng hư cấu nốt. Anh đứng dậy, đi về phía bếp, lấy con dao cắt hoa quả, đưa tay trái ra, tìm cái đường ngang mỏng manh nơi cổ tay, cứa vào. Một dòng máu chảy xuống sàn bếp. Cứ để yên cho nó chảy, để biết rằng máu có thật, đang chảy và còn tiếp tục chảy...

Những bức thư của anh, một nhân vật tưởng tượng, đã giết chết em, một nhân vật tưởng tượng khác. Những bức thư này, trong toàn bộ tính hư cấu của chúng, cũng có thể làm hại người đã tạo ra chúng thông qua bàn tay của anh. Tóm lại, hình như anh chỉ làm được mỗi một việc là gây hại cho những người khác. Sinh viên của anh, đất nước của anh. Vợ anh, rồi con gái anh nữa. Anh chỉ biết làm hại thôi. Cứ để cho máu chảy. Đỏ và lỏng và làn hơi nhẹ bốc lên. Máu vẫn chảy thành dòng, từ bàn viết đổ xuống sàn...

 

 

---------------

Đã đăng:

Gửi người yêu và tin [thư số 11]  (truyện / tuỳ bút) 
... Tuy nhiên, mọi người đều biết bổng lộc không chỉ đến từ ngân sách nhà nước, mà còn đến từ hối lộ và tham nhũng, các dự án liên kết, các phi vụ đủ mọi loại, những nguồn này mới thực sự quan trọng. Chưa bao giờ chữ ký có giá trị và siêu giá trị như trong thời đại này. Phần trăm, hoa hồng, mọi thứ đều thực sự rất thơm tho quyến rũ. Những thứ đó trui rèn phẩm chất lãnh đạo, và gián tiếp góp phần củng cố lòng trung thành với thể chế... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 10]  (truyện / tuỳ bút) 
... Bây giờ anh phải nói thế này: những người dân đáng thương, họ bị lừa, và họ tin, rồi họ sẽ tỉnh ngộ. Có thể hơi lâu, nhưng họ sẽ tỉnh ngộ. Còn đám trí thức như anh hiểu rõ mọi thứ nhưng tự nguyện để cho người khác lừa mình, tự lừa dối mình, và đi lừa người khác, rất ít có khả năng tỉnh ngộ. Không phải là không tỉnh, mà không muốn tỉnh, do đó không thể tỉnh được. Bọn anh có đầy đủ phương tiện để tự lừa dối mình và lừa dối người khác... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 9]  (truyện / tuỳ bút) 
... Vì miếng ăn mà anh đã làm nhục người khác và tự hạ nhục mình như vậy đấy. Miếng ăn, phải gọi đúng tên nó như vậy. Phong bì là gì nếu không phải là miếng ăn? Tham nhũng là gì nếu không phải là miếng ăn. Trước đây miếng ăn là nỗi nhục của vài người, bây giờ nó đã trở thành quốc nhục, nỗi nhục của cả một quốc gia. Hình ảnh của quốc gia này gắn liền với tham nhũng, quốc gia này được định nghĩa bằng tham nhũng. Vậy tham nhũng không phải quốc nhục thì là gì?... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 8]  (truyện / tuỳ bút) 
... Cái sự hèn nó mang nhiều dáng vẻ, mang nhiều sắc thái, mang nhiều khuôn mặt. Anh tô son trát phấn lên nó, đeo lên nó cái mặt nạ kiêu hãnh, rồi đến lúc quên mất rằng dưới lớp son phấn đó, dưới lớp mặt nạ đó, thật ra chỉ là nỗi nhục nhã mình phải gánh chịu và bắt người khác phải gánh chịu. Bao nhiêu năm anh đã sống với lớp hóa trang màu mè đó và nghĩ rằng mình bình thường, rằng mình đã được chữa khỏi bệnh. Điều khốn nạn nhất là anh có thể cảm thấy thỏa mãn với tình trạng đó... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 7]  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh đã không trở thành nhà tâm linh, mà trở thành chính trị gia. Làm tâm linh hay làm chính trị ở xứ này dù con đường có khác nhau nhưng đều có mục đích như nhau thôi: dẫn dụ, mê hoặc và làm mê muội con người. Làm chính trị đúng gu của anh hơn. Anh bước từng bước vững chắc trên những nấc thang quyền lực, cho đến cái nấc Bộ Chính Trị... (...)
 
... Ông đã không muốn cô ấy nói dối, nên tôi cũng không nói dối ông. Giới hạn chịu đựng cuối cùng của cô là bức thư trong đó ông kể về việc viết bài “Trí thức ca”. Cô ấy nói: “Anh ấy trở về để làm điều này cho đất nước anh ấy đây”. Rồi tim cô hoàn toàn ngừng đập. Tôi đã làm hết sức mình để cứu trái tim của cô ấy, nhưng tôi đã bất lực... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 6]  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh được đặt hàng để viết một bài ca nhằm ru ngủ giới trí thức. Mục đích là giúp họ ngủ, và để yên mặc cho ai muốn làm gì thì làm, mặc cho mọi thứ xung quanh bị tàn phá, bị chia chác, bị thất thoát và mất mát. Trí thức cần phải ngủ ngon và ngủ ngoan, người đặt hàng nói với anh như vậy... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 5]  (truyện / tuỳ bút) 
... Em biết là với khả năng của anh, anh có thể làm một nhà tư tưởng, nhưng lệnh trên chỉ cho anh đóng vai trò cái loa. Không bao giờ anh được phép đóng vai trò một nhà tư tưởng. Không phải riêng anh mà tất cả mọi người trong xã hội này đều không được phép. Vì chỉ có một vài người xứng đáng làm nhà tư tưởng thôi, những người sẽ sống mãi trong sự nghiệp chung, những người sẽ soi đường chỉ lối, là kim chỉ nam cho tất cả cộng đồng. Anh làm gì thì làm, mọi người làm gì thì làm, không được phép thay thế Người. Nghệ thuật tối cao là nghệ thuật trở thành cái loa phóng thanh cho tư tưởng của Người. Ai nắm được nghệ thuật đó người ấy sẽ thành công. Ai sử dụng thuần thục nghệ thuật đó người ấy sẽ đại thành công... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 4]  (truyện / tuỳ bút) 
... Khôn cũng đồng nghĩa với việc biết dẹp lòng tự trọng sang một bên. Anh đã bốn mươi tuổi, nhưng nếu sếp xoa đầu anh như một đứa trẻ anh cũng phải để yên cho sếp sờ. Mà không chỉ đầu, nếu bị sờ xuống vai, xuống tay, hay bị sờ đùi cũng phải ngồi yên để đón nhận. Phụ nữ khôn thì không những để yên mà còn phải biết khuyến khích. Điều này quan trọng lắm. Một trong những nét nghĩa của khôn là mâu thuẫn với lòng tự trọng... (...)
 
... Đừng sợ làm họ đau. Nếu không đau thì làm sao họ có thể thức tỉnh? Những lời ve vuốt đường mật chỉ khiến họ chìm sâu hơn vào giấc ngủ mà thôi. Và nếu tất cả chúng ta cứ chìm mãi trong giấc ngủ mụ mị thì nhắm mắt cũng nhìn thấy các hậu quả. Chẳng phải mọi vấn nạn hiện nay đều là hậu quả của giấc ngủ mê mệt của tất cả chúng ta hay sao?... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 3]  (truyện / tuỳ bút) 
... Cô có hiểu “nhục mà không nhục” có nghĩa là gì không? Cô cứ tưởng là chúng tôi đang bị láng giềng o ép, chúng tôi mất biển đảo, biên giới, tài nguyên khoáng sản về tay họ thì chúng tôi nhục ư? Chúng nó là nước lớn mà đi bắt nạt nước nhỏ chúng nó mới nhục, chứ chúng tôi thì nhục gì! ... Mà mọi thứ ở chỗ chúng tôi đều có đảng và nhà nước lo rồi, đảng và nhà nước không nhục thì chúng tôi việc gì phải cảm thấy nhục? Cô chỉ nhìn thấy bề mặt sự việc mà không nhìn thấy cái gì ẩn sau đó... (...)
 
... Anh làm ơn giải thích điều này: theo miêu tả của bác sĩ thì có vẻ như trong xã hội của anh, mọi người đều yêu mến nhau, nhân viên yêu mến sếp, đồng nghiệp yêu quý nhau, và suy rộng ra thì nhân dân yêu lãnh tụ, công dân yêu nhà nước, học sinh yêu quý thầy cô... Nhưng tại sao đọc báo hầu như chỉ thấy tin cướp, giết, hiếp, bạo lực học đường, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi, tham nhũng, lừa đảo, bắt bớ, đàn áp, bỏ tù...? Em không thể hình dung một xã hội như thế lại là kết quả của tình yêu mến... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 2]  (truyện / tuỳ bút) 
... Đàn ông ở đây không coi phụ nữ là danh dự của mình, và còn lâu mới có bình đẳng thực sự. Thiếu gì đàn ông sẵn sàng dâng vợ hay em gái cho sếp hay cho đối tác để làm bàn đạp thăng tiến hoặc thủ lợi. Vợ họ, em họ còn bị đối xử như thế thì họ sá gì việc con em người khác có đi làm nô lệ tình dục ở đâu. Gần đây thôi, một phụ nữ trí thức mỏng manh đã bị một đám đàn ông trí thức đánh tan nát trên hàng đống tờ báo. Đọc những bài đánh cô ấy mặt anh cứ đỏ rực, đỏ rực vì xấu hổ, thằng đàn ông trong anh xấu hổ, hoá ra anh còn biết xấu hổ. Và cô ấy lại bị một đám đàn ông trí thức khác cho thôi việc. Và những đàn ông trí thức còn lại đồng loạt im lặng... (...)
 
... Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa... (...)
 
Gửi người yêu và tin  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối trá. Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó, thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba lên bốn... (...)
 
Tình yêu  (truyện / tuỳ bút) 
... Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này? / Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư? / Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống ở trên tay mẹ kia. / Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021