thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gã trốn lính

 

Tất cả chúng tôi đều run. Mồ hôi toát ra đầm đìa. Giữa, Nhẫn và Út đã bị gập chặt lại, còn Cái chìa ra, chỉ có tôi đơn độc trên cái thớt gỗ. Cái thớt mốc vẫn còn mùi thịt lợn ôi, lờm lợm.

Đơn độc, tôi chỉ còn biết phó mặc cho số phận. Đây là lần thứ ba trong ngày, ngày thứ ba trong tuần. Mà đã có lần thứ ba, ngày thứ ba, thì may ra cũng sẽ có lần thứ tư, ngày thứ tư. May hơn nữa, còn có ngày thứ năm. Và biết đâu, thứ sáu, thứ bảy. Biết đâu, ông chủ đột nhiên đổi ý.

Cái gặp may, Giữa, Nhẫn và Út cũng gặp may. Tôi cảm thấy cay đắng, nhưng không hề ghen tị. Số phận là thế, đời tôi nhiều vinh dự thì cũng nhiều nguy cơ.

Tay trái, ông chủ cầm con dao pha cán gỗ. Sống dày, lườn đen, lưỡi xanh, con dao ấy sắc như nước. Giống hệt bên tay phải, cả năm ngón trái toát mồ hôi hột. Cái Trái và Trỏ Trái run nhất. Vì không quen. Lần đầu tiên cầm dao, run là phải. Mà nói đúng ra, đây đã là lần thứ chín - lần thứ ba trong ngày, ngày thứ ba trong tuần.

Bình thường, cầm dao là việc của tay phải, trước hết là của tôi và Cái Phải. Suốt đời mình, tôi làm gì thì hầu như bao giờ cũng cùng làm với Cái Phải. Dĩ nhiên, trong nhiều việc, như việc cầm dao, cũng ít nhiều có sự trợ giúp của Giữa, Nhẫn và Út. Tôi muốn nói là Giữa Phải, Nhẫn Phải và Út Phải.

Công việc của chúng tôi lặp đi lặp lại hết ngày này đến tháng khác. Mỗi khi có khách, một bà to béo chẳng hạn, hay một ông gầy như que củi, hay một chị bụng to như cái thúng, đại loại thế, ông chủ quẳng súc thịt đỏ hỏn lên mặt thớt và cầm dao. Gân căng lên, tôi miết chặt lấy cán gỗ. Như một ánh chớp, con dao pha bổ xuống tảng thịt. Sụt! Thật nhẹ. Thật ngọt.

- Nửa cân chẵn, ông chủ nói, quấn miếng gói thịt bằng một mảnh ni lông và trao cho khách hàng.

Cầm dao, đó là một công việc cao thượng. Anh không những phải cắt miếng thịt sao cho gọn, đẹp, ngon mắt, mà còn phải chính xác. Nửa cân, một nhát dao. Hai cân, cũng một nhát dao. Hai nhát là vứt.

Cầm dao là một công việc cao thượng còn vì một lý do khác. Anh phải biết điều chỉnh. Nhỏ thôi, nhưng phải biết điều chỉnh. Khách quen không giống khách sơ. Với khách quen anh cắt nhỉnh thêm tí chút. Với khách sơ, anh cắt hụt tí ti. Cầm dao là việc mang đầy tình người.

Cầm dao, đó là việc của tôi với Cái Phải, nhưng lúc này, lại là việc của Trỏ Trái và Cái Trái. Đây là lần thứ ba, ngày thứ ba, Trỏ Trái và Cái Trái cầm dao. Mới chỉ là cầm, chứ chưa bao giờ chặt thịt. Mà nói chung, anh ta chưa chặt bất kỳ một thứ gì. Như thế thì run là phải.

Tôi vẫn hy vọng ông chủ sẽ đổi ý, hay ít nhất là hoãn lại đến ngày mai. Nhưng tôi cũng lờ mờ cảm thấy lần này sẽ là lần định mệnh. Tôi không thể giải thích tại sao, nhưng cảm giác ấy rất rõ. Có thể vì tay ông chủ run hơn, nhưng điều đó tôi cũng không dám chắc.

Ông từ từ hạ con dao xuống. Lưỡi dao lạnh chạm vào lưng khiến tôi rùng mình.

Thú thật, tôi vốn là kẻ nhát gan, cứ nhìn thấy lưỡi dao sáng loáng là hoảng. Hơn ai hết, tôi biết rõ tất cả những ngón nghề của hắn ta. Những mũi rạch, những đường thái, những vết cắt, những cú chặt, những nhát xả, và cả những đòn trở sống lưng gớm ghiếc. Ngón nào cũng lạnh lẽo, chết chóc. Cũng may, tôi luôn luôn là người cầm dao.

Trước kia, ông chủ không bao giờ chạm lưỡi dao vào lưng tôi, mặc dù vào bụng thì thường xuyên. Đúng hơn là ông gại gại bụng tôi vào lưỡi dao, có khi để thử xem dao có sắc không, có khi chỉ vì thói quen. Da bụng tôi dày, tiếng gại vào dao khột khột, khạp khạp, cao thấp khác nhau. Nếu dao cùn, ông gại vào thanh đá mài. Nhưng chuyện đó chỉ xảy ra có một lần. Nói chung, con dao này sắc như nước.

Ông để lưỡi dao yên lặng hồi lâu trên lưng tôi, khẽ ấn, giữ yên, nghiêng một bên, nghiêng về bên khác, rồi khẽ ấn nữa. Lớp da mỏng trên lưng tôi đau nhói, như sắp đứt.

Ông cứ đứng nhứ thế hồi lâu, rồi đột ngột nhấc dao lên, thở dài. Tôi thoáng mừng thầm. Giống hệt hôm qua, khi ông nhắm mắt lại, thở dài, toàn thân tôi lạnh buốt. Tôi đợi ông lắc đầu, gạt cái thớt sang một bên rồi vào bếp, cất dao lên giá. Vậy là sẽ có ngày thứ tư. Biết đâu còn có ngày thứ năm. May hơn nữa, thứ sáu, thứ bảy. Biết đâu, ông chủ đột nhiên đổi ý.

Đột nhiên ông đấm cái "rầm". Bằng một động tác quyết liệt, tay trái ông bổ xuống một nhát trời giáng. Con dao cắm ngập vào cái thớt gỗ. Cái thớt gỗ nhớp nháp, nồng nặc mùi mỡ lợn ôi, nảy lên vì giật mình trên mặt bàn cũng dính đầy mỡ lợn.

Miệng nghiến ken két, ông chủ đi lòng vòng quanh bàn, lòng vòng trong phòng. Ông lại gần giá đồ nghề, lần lượt cầm từng con dao lên ngắm nghía. Tần ngần, ông đưa tôi vào miệng, cắn nhè nhẹ giữa hai hàm răng, day day như dò hỏi. Tôi chợt nhớ những ngày xa xưa, khi còn nhỏ, ông vẫn dùng răng cắn và day tôi như thế mỗi lần có điều gì sợ hãi.

Năm lên bốn ông bị ốm. Một bệnh gì đó không rõ, nhưng có vẻ rất trầm trọng vì ông thở khò khè, không ăn uống gì được. Mẹ ông dẫn ông đến thầy thuốc. Ông chủ tôi khóc ngằn ngặt trong khi ông thầy thuốc vẫn nhẹ nhàng dỗ dành. Ông ta ngửa lòng bàn tay ông chủ, bôi cồn lên bụng tôi, chỗ đầu ngón, rồi bất ngờ cắm phập một chiếc kim dài đúng vào cái hoa văn xoáy tròn. Tôi co rúm người lại. Ông chủ tôi thét lên một tiếng rùng rợn, giãy rụa tuyệt vọng, nhưng ông thầy thuốc không chịu tha. Ông ta bóp mạnh khiến máu chảy ra thành dòng, đen như máu cá. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác máu trong mình bị vắt ra đau buốt đến tận xương tủy. Khi máu đen đã ra hết, ông thầy thuốc ấp lên bụng tôi một miếng bông tẩm cồn, cười rất tươi: "Xong rồi, như con kiến đốt thôi mà!". Ông chủ tôi vẫn khóc. Ông vứt miếng bông xuống đất, đút tôi vào miệng và mút.

Có thể lúc này ông không nghĩ đến chuyện ấy. Ông để tôi lướt nhẹ trên hàm răng thô và khấp khểnh. Hồi lâu sau, ông ra sau nhà, vẫn dùng tay trái, cầm chiếc rìu lên ngắm nghía. Chiếc rìu dùng lâu năm, cán bóng lộn, nhưng lưỡi cũng sáng loáng như lưỡi dao. Ông thấm nước bọt vào bụng tôi, quệt lên lưỡi rìu rồi khe khẽ lắc đầu.

Trở vào nhà, ông mở cái hộp gỗ nhỏ, vẫn cố không để tôi chạm vào. Cái hộp cũng đen đủi và nồng nặc mùi mỡ ôi. Trong hộp ngoài ít tiền lẻ chỉ có hai tấm ảnh đã ố vàng. Ông nhìn chăm chú vào hai tấm ảnh, thở dài, và lại lắc đầu.

Tôi gần như tê liệt khi ông đóng cái hộp, đứng dậy. Trong khi đó, ông có vẻ đã bình tĩnh trở lại. Chậm rãi, ông lại gần cái bàn nghề, dùng tay trái lay nhổ con dao vẫn còn cắm ngập vào cái thớt. Ông lay rất lâu, nhưng khi nó vừa lỏng ra thì ông nâng lên một cách dứt khoát.

Ngay cả lúc ông gầm lên trong cổ họng tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Máu phun ra đỏ cả mặt thớt. Tay trái ông chủ rút từ túi quần ra một cuộn gạc, quấn chặt lấy vết thương.

Tôi không hiểu gì cho đến khi tay trái ông chủ nhặt tôi lên, gói vào một miếng vải trắng.

Trong cổ họng, ông vẫn gầm gừ vì đau đớn, nhưng môi ông nở một nụ cười hãnh diện.

 

MỘT SỐ TÀI LIỆU CÓ LIÊN QUAN:

Nội chiến bảy năm: "Cuộc chiến giữa người Tumsi và người Dumsi dưới thời vua Soliva (1901-1957) là một trong những xung đột chủng tộc đẫm máu nhất trong lịch sử. Người Tumsi sống bằng nghề săn bắn và khai thác rừng ở phía Tây dãy Siva, người Dumsi trồng ngô và đánh cá ở vùng đồng bằng phía Đông. Thực ra người Tumsi và người Dumsi đều thuộc chủng Msi với khác biệt về tiếng nói không đáng kể. Trừ một số từ địa phương, bất kỳ người Tumsi và người Dumsi nào cũng có thể giao tiếp với nhau dễ dàng. Năm 1931, Soliva, một chủ trại ngựa gốc Tumsi, đảo chính lật đổ vua Domba đệ Tam, lên ngôi và thi hành chính sách bài Dumsi. Vì mục đích chính trị, sự khác biệt ngôn ngữ bị chính quyền Soliva cường điệu bằng cách áp dụng lối viết từ phải sang trái cho người Tumsi, trong khi người Dumsi vẫn tiếp tục sử dụng lối viết trừ trái sang phải. Làn sóng tàn sát và cướp bóc lan tràn khiến chỉ trong năm năm đầu tiên cầm quyền của Soliva, đã có ít nhất nửa triệu người Dumsi bị giết hại. Mùa xuân năm 1939, Dzombu, một chủ đồn điền trồng ngô cùng em trai là Dzombi cầm đầu một nhóm nông dân miền Đông tấn công các tỉnh lỵ ven biển rồi nhanh chóng tiến sát đến chân dãy Siva. Tự xưng là những người khôi phục triều vua Domba đệ Tam, đồng thời áp dụng chính sách lấy của cải của người giàu chia cho dân nghèo, họ được ca ngợi như những vị cứu thế và uy tín tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, Dzombu và quân đội của ông ta nhanh chóng tỏ ra cũng tàn ác không kém, đặc biệt là đối với người Tumsi ở những vùng ông ta chiếm được. Chính Dzombu đã giết chết em trai vì mâu thuẫn nội bộ. Soliva và những người Tumsi bị mất quyền lợi không chịu bó tay. Cuộc chiến nhanh chóng chuyển thành cuộc tranh giành quyền lực giữa Dzombu và Soliva. Kể từ đầu cuộc chiến đến mùa thu năm 1946, khi Dzombu bất ngờ bị sát hại, tổng số người chết trực tiếp hoặc gián tiếp trong cuộc chiến ước tính lên tới 4,5 triệu người".

(Tibet-Leo Newman, Cuộc chiến tranh bảy năm, Paris: Harold, 1971, t.17).

Thương vong: "Trong suốt cuộc chiến, cả hai bên đều áp đặt một chế độ quân dịch đặc biệt hà khắc đối với dân chúng. Mặc dù thống kê chưa đầy đủ, có nhiều bằng chứng để tin rằng ít nhất mỗi bên có hàng trăm ngàn người bỏ mạng tại chiến trường, hàng triệu người khác bị thương vong và hàng triệu dân thường đã chết vì những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến các cuộc hành quân. Báo cáo mật của các tướng lĩnh thân cận gửi Soliva cho thấy chỉ trong mùa xuân năm 1939, quân nổi dậy của Dzombu đã giết 10200 binh lính và hơn 1000 cảnh sát của Soliva. Những cuộc giao tranh trong những năm sau đó còn khốc liệt hơn gấp bội. Cao điểm là năm 1942, khi hai bên tập trung lực lượng cho trận quyết đấu ở chân dãy Siva. Các báo cáo khác nhau cho thấy trong trận này Soliva mất 45000 lính, còn phía Dzombu là 39000".

(Tibet-Leo Newman, đã dẫn, t.95)

Bệnh dịch: "Nguy cơ tử trận và thương vong cao không phải là lý do duy nhất khiến tỉ lệ hao binh cực kỳ cao của hai bên tham chiến. Trong vòng bảy năm, ít nhất bốn lần xảy ra đại dịch, đặc biệt là trận sốt mắt đỏ khiến cho khoảng 50% binh lính của cả hai bên mắc bệnh, trong đó tỷ lệ tử vong lên tới 15%".

(Dzumbuti, Y học thời chiến, New York: Medibooks, 1960, t.29).

Bắt lính: "Mới đầu, quân Dzumbu chủ yếu bao gồm những người tình nguyện, đa số là nông và ngư dân, nhưng khi chiến tranh lan rộng, nhất là sau khi Dzombu tuyên bố khôi phục ngôi vua Domba, ông ta bắt đầu áp dụng chế độ quân dịch bắt buộc. Soliva thì đã áp dụng chế độ quân dịch từ trước. Phương pháp bắt lính của cả hai bên nói chung là không khác nhau. Thông thường, chỉ tiêu cho mỗi làng là cứ năm người đàn ông phải có một người đăng lính. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phương pháp vây ráp chớp nhoáng để bắt lính cũng được áp dụng khi cần thiết".

(Tibet-Leo Newman, đã dẫn, t.116).

Đào ngũ: "Tỷ lệ đào ngũ của quân Dzombu lúc cao điểm là 17%. Tỷ lệ đào ngũ của quân Soliva được coi là thấp hơn nhưng chắc chắn không dưới 12%. Lý do chính là nguy cơ tử vong cao, điều kiện khắc nghiệt, và thói hung bạo của các cấp chỉ huy...Những kẻ đào ngũ bị bắt lại thường bị đối xử rất tàn bạo, một số bị hành quyết không xét xử".

(Hmumbi, "Vấn đề đào ngũ trong Chiến tranh Bảy năm", Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 257).

Trốn lính: "Hình thức trốn lính phổ biến nhất là tự gây thương tích"

(Hmumbi, đã dẫn).

Vụ thảm sát sông Silver: "Thực ra đây chỉ là một trong rất nhiều cuộc thảm sát trong bảy năm nội chiến. Ngày 12 tháng Bảy năm 1941, những người nông dân trồng ngô trên bãi sông Silver cách thị trấn Dzombong khoảng năm dặm về phía bắc phát hiện rất nhiều xác người trôi xuống từ phía thượng lưu. Chính quyền sở tại huy động dân chúng vớt lên được ít nhất 800 thi thể đàn ông trần truồng, bị trói giật cánh khuỷu và bắn vào gáy. Tất cả đều bị chặt ngón trỏ tay phải".

(Báo cáo của Uỷ ban nghiên cứu tội ác chiến tranh, bản in roneo, thư viện quốc gia Siva, F6-P299.G73.B2354,7).

 

 

(Rút trong tập truyện của Ngô Tự Lập, Giấc ngủ kỳ lạ của ông Lương Tử Ban,
NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội,
vừa ra mắt bạn đọc 8/2005).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021