thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái chết bất biến tình yêu cũng không làm gì được
Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên

 

 

Đối với người đọc quen thuộc với văn chương nước ngoài, Gabriel García Márquez (1928~) không phải là một tên tuổi xa lạ. Không phải đợi đến khi được Giải Nobel Văn chương năm 1982 nhà văn/nhà báo người Colombia này mới được nổi tiếng. Nói đúng hơn, danh tiếng của ông ở vùng châu Mỹ La-tinh đã khiến cho những ông bà ở Viện Hàn Lâm Thụy Điển phải tìm đến ông. Gabriel García Márquez sinh ra ở Aracataca, “vùng chuối” ở Colombia. Gia đình ông tôn thờ Simón Bolivar – một chi tiết cần thiết để hiểu ảnh hưởng tư tưởng dân tộc của nhà cách mạng này đối với tư tưởng ông. Ông học luật và báo chí tại Đại học Quốc gia ở Bogota và Đại học Cartagena. Truyện ngắn đầu tay của ông, “Lần rút lui thứ ba”, xuất hiện năm 1947 – khi ông mới 19 tuổi. Năm sau, ông bước vào nghề báọ, trôi dạt khắp Nam Mỹ và Châu Âu – đủ để thấy với tâm tư trĩu nặng những tương phản đậm nét về văn hóa, văn minh giữa “thế giới cũ” và “thế giới mới”. Trong những tác phẩm của ông nổi bật một nỗi ám ảnh buồn bã nhưng lạnh lùng về sự mệt mỏi, lạc hậu, gần như hoang dã trong cuộc sống của người nông dân đã “liệt kháng” trước một cơ chế chính trị “dân chú” nặng tính áp bức mà những người da trắng khai hóa làm chủ những đồn điền mang lại. Ông là người sáng lập hãng thông tấn Prensa Latina vào những năm 50. Những năm 60, 70, ông đóng tại Mexico, viết báo, soạn kịch bản truyện phim, và làm ngành truyền thông. Tuy nhiên, ông cũng dành bốn năm năm sống tại Barcelona, Tây Ban Nha, để “tìm lại nguồn gốc” văn hóa của “mẫu quốc” đối với những người di dân ở châu Mỹ la-tinh. Ông được xem là một nhà văn tiêu biểu cho “chủ nghĩa hiện thực kỳ diệu” (magic realism) – đi sát với thực tại của lối sống châu Mỹ La tinh trong ánh sáng của những huyền thọại lâu đời của người thổ dân trên vùng đất đó. Năm 1979, ông thành lập Fundación Habeas và mở một trường điện ảnh. Từ năm 1982, ông trở lại Colombia. Những tác phẩm có tính thời đại nhưng “cổ điển” của ông gồm Trăm năm cô đơn, Erendira ngây thơ, Nhật ký của một cái chết được báo trước, Tình yêu trong mùa dịch tả, Ông đại tá chờ thư...
 
Truyện ngắn “Cái chết bất biến tình yêu cũng không làm gì được”, dịch từ bản tiếng Anh “Death Constant Beyond Love”,[1] được tuần báo Independent của Anh trong số tân niên đầu năm nay chọn đăng lại vì được xem là tiêu biểu nhất không chỉ của ông mà của tất cả những nhà văn đương thời, tuy rằng nó được viết từ năm 1970. Trong truyện này, Márquez, với con mắt phê phán, đã quan sát những tuồng chính trị, sự nghèo khổ của người dân, và tham nhũng của chính quyền ở những nước Nam Mỹ như là nguồn gốc sự lạc hậu của châu Mỹ La-tinh. Nó cho người đọc một cái nhìn về “sân sau” của nước Mỹ mà Washington chỉ thỉnh thoảng mới nhìn lại.
 
HNN

 

_______________________________

 

Cái chết bất biến tình yêu cũng không làm gì được

 

Khi gặp được người đàn bà của đời mình, Nghị sĩ Onésimo Sanchez còn cách cái chết chỉ sáu tháng mười một ngày. Ông gặp cô gái tại Rosal del Virrey (Vườn hồng), một làng quê huyễn hoặc vô chừng, ban đêm là một bến cảng cho tàu của dân buôn lậu trộm cắp, nhưng ban ngày nó giống như một cái vịnh vô dụng nhất trên sa mạc, nhìn ra biển cả khô hạn, mênh mông vô chừng, quá xa rời mọi vật. Không ai tin rằng ở đó lại có người nào có đủ sức thay đổi được cuộc đời của bất cứ ai. Ngay cái tên của địa phương này cũng khôi hài, bởi vì cái hoa hồng duy nhất trong làng này chính là bông hồng nằm ở túi áo Nghị sĩ Onésimo Sanchez vào buổi chiều ông gặp Laura Farina.

Đó là một trạm ghé chân bắt buộc trong cuộc vận động bầu cử cứ bốn năm một lần ông phải đến. Đoàn xe diễn hành đã có mặt từ sáng sớm. Rồi đến những chuyến xe tải chở những người da đỏ vào thành phố, họ được thuê đến cho đông vui náo nhiệt ở những buổi lễ công cộng. Trước 11 giờ một tí, cùng với âm nhạc, pháo và các xe jeep của đoàn tùy tùng, chiếc xe của quan chức, màu nưóc dâu tươi, đến. Nghị sĩ Onésimo Sanchez ngồi thoải mái, không gió máy gì trong chiếc xe có máy lạnh; nhưng ngay khi mở cửa xuống xe, ông run lên như bị lửa đốt người, chiếc áo lụa xịn của ông ướt đẫm một chất lỏng nhợt nhạt và ông thấy mình già thêm nhiều tuổi và cô đơn hơn bao giờ cả. Thực sự thì ông vừa qua 42 tuổi, đã tốt nghiệp kỹ sư luyện kim trường Gottingen hạng danh dự, là một người đọc say mê, dù chẳng hiểu gì mấy, những bản dịch tồi tệ của các tác phẩm La-tinh cổ điển. Ông lấy một phụ nữ người Đức thông minh, cho ông năm người con, tất cả đều sống hạnh phúc dưới mái ấm gia đình, trong đó ông là người hạnh phúc nhất cho đến khi người ta cho ông biết, cách đây ba tháng, ông sẽ vĩnh viễn chết vào mùa giáng sinh năm tới.

Trong khi chờ đợi người ta chuẩn bị cuộc tiếp xúc công chúng, ông nghị sĩ sắp xếp để có một tiếng đồng hồ được ở một mình trong căn nhà người ta dành cho ông nghỉ ngơi. Trước khi nằm nghỉ, ông đặt trong một ly nước uống một đóa hồng mà ông đã giữ cho nó vẫn tươi khi đi ngang qua sa mạc, ăn trưa với ngũ cốc dinh dưỡng mà ông đem theo để tránh phải ăn mãi phần thịt dê rán đang sẵn sàng chờ đợi ông từ giờ đến tối, và ông dùng nhiều viên thuốc chống đau nhức sớm hơn giờ bác sĩ định để ông có thể phòng trước khi cơn đau nhức đến. Rồi ông đặt cái quạt máy gần cái võng và nằm ở trần trong mười lăm phút trong bóng của hoa hồng, cố gắng suy nghĩ chuyện khác để khỏi bận tâm với cái chết trong khi ông chợp mắt. Ngoài mấy ông bác sĩ, không ai biết là ông đã lãnh một bàn án tù có thời hạn, bởi vì ông đã quyết định một mình chịu đựng sự bí mật này, vẫn sống bình thường như không có chuyện gì xảy ra, không phải vì tự hào mà vì xấu hổ.

Ông cảm thấy lại làm chủ được ý chí của mình khi một lần nữa xuất hiện trước công chúng vào ba giờ chiều hôm đó, khỏe khoắn và sạch sẽ, mặc một quần sọc rộng và một chiếc áo hoa lá cành, đầu óc êm ả nhờ những viên thuốc chống đau nhức. Tuy nhiên, sự công phá của cái chết tai hại hơn ông tưởng, bởi vì khi bước lên bục, ông có cảm giác lạ lùng xem thường những ngườI đang chen nhau tìm cách bắt tay ông, và ông cũng không còn cảm thấy ái ngại như ông vẫn thấy trước đây đối với những nhóm người thổ dân đi chân đất đang phải chịu đựng khổ sở mặt đất cát muối và nhựa trộn lẫn nóng muốn phỏng chân ở nơi công trường tiêu điều này. Ông ngưng các tràng pháo tay bằng một cái vẫy tay, hầu như có sự giận dữ ở trong, và ông bắt đầu nói mà không cử động gì, mắt nhìn xa xăm ra biển, cũng đang thở dài vì nóng. Giọng của ông chừng mực, thấp, giống như một mặt nước yên lặng, nhưng bài nói chuyện mà ông đã ghi trong đầu và nhai lui nhai tới nhiều lần đối với ông không có ý nghĩa nói lên sự thực mà còn nghịch lại lời phán quyết chết chóc của Marcus Aurelius trong cuốn thứ tư của bộ Meditations.[2] Ông bắt đầu, dù không mảy may tin điều ông nói:

"Chúng ta có mặt ở đây để khuất phục thiên nhiên. Chúng ta sẽ không còn là những đứa con hoang trên đất nước của mình, không còn là cô nhi của Thượng đế trong vương quốc của đói khát và khí hậu khắc nghiệt, không còn phải tự ép mình làm kẻ lưu đày trên chính quê hương của chính mình. Chúng ta sẽ là những con người khác, thưa quí bà, quí ông, chúng ta sẽ là những con người vĩ đại và hạnh phúc."

Có một bài bản sẵn trong đám xiếc đi theo ông. Khi ông nói, những người tùy tùng tung hàng loạt chim giấy lên trời và những sinh vật giả tạo này bắt đầu bay lượn khắp khán đài rồi trực chỉ ra biển. Cùng lúc, những người khác đưa ra vài cây giả có lá có cành từ những chiếc xe tải của đoàn và cắm cây lên lớp đất muối phía sau đám đông. Họ kết thúc bằng cách dựng một tấm phông lớn bằng gỗ cứng vẽ những ngôi nhà gạch đỏ, cửa sổ có kính, che khuất những căn lều tồi tàn có thực đàng sau.

Ông nghị sĩ kéo dài bài nói chuyện của mình bằng hai câu ngạn ngữ la-tinh trong khi chờ đợi người ta dựng xong tường. Ông hứa máy làm mưa, cung cấp thú giống cho gia súc trong nhà, những loại dầu hạnh phúc sẽ làm cho rau cải mọc trên vùng đất mặn và cho những chậu lai giống hoa tím treo ở cửa sổ. Khi ông thấy cái thế giới tiểu thuyết của mình dã dựng xong, ông chỉ vào mặt họ và lớn giọng:

"Tương lai của chúng ta sẽ như thế đó, thưa quí ông, quí bà. Hãy xem đi, tương lai của chúng ta phải là như thế!"

Đám đông quay lại. Một chiếc tàu biển bằng giấy sơn màu từ từ đi qua đàng sau những ngôi nhà cũng bằng giấy, chiếc tàu này lớn hơn bất cứ tòa nhà lớn nào trong cái thành phố giả định này. Chỉ có ông nghị sĩ nhận ra một điều, bởi vì người ta đã dựng lên rồi tháo dở rồi đem nó đi từ nơi này qua nơi khác nhiều lần, nên cái thành phố bằng giấy bồi này chịu biết bao thời tiết kinh khủng, nó trông cũng tơi tả, nghèo nàn và bụi bặm không khác gì Rosal del Virrey.

Mười hai năm nay, đây là lần đầu Nelson Farina không đi chào ông nghị sĩ. Ông ta nghe bài nói chuyện từ chiếc võng của mình, giữa cơn ngủ trưa, dưới bóng cây mát mẻ của một ngôi nhà gồm mấy tấm ván chắp vá mà ông ta đã dựng lên bằng đôi tay của mình, đôi bàn tay của một dược sĩ mà ông đã từng dùng để vẽ và ấp ủ người vợ đầu tiên của mình. Ông đã thoát khỏi Đảo Quỉ Sứ và xuất hiện ở Rosal del Virrey trên một chiếc tàu đầy những con chim két, với một người đàn bà da đen xinh đẹp và hạ lưu mà ông đã gặp ở Paramaribo và có một đứa con gái với bà này. Sau đó chẳng bao lâu thì bà chết vì những nguyên nhân hợp tự nhiên và bà đã không chịu số phận của người đàn bà kia — thân xác của người ấy đã thành phân bón cho mấy luống rau cải — mà bà lại được chôn toàn thây và với cái tên Hà Lan của bà trong nghĩa trang địa phương. Cô con gái đã thừa hưởng màu da của bà và nét mặt cùng với đôi mắt vàng và ngơ ngác của cha cô, và ông có đủ lý do để nghĩ rằng ông đang nuôi lớn khôn cô gái đẹp nhất trên trần gian.

Kể từ khi gặp nghị sĩ Onésimo Sanchez trong cuôc vận động tranh cử đầu tiên của ông này, Nelson Farina đã năn nỉ ông nghị sĩ giúp mình có một lý lịch giả đủ để qua mặt luật pháp. Ông nghị sĩ, thân thiện nhưng cương quyết, đã từ chối. Nelson Farima không hề bỏ cuộc, trong nhiều năm nay, khi nào có dịp, ông lại nhắc lời yêu cầu của mình với cách năn nỉ khác. Nhưng lần này ông nằm yên trên võng, chịu chết mục trong cái xó xỉnh nóng hầm của dân cướp biển. Khi nghe tràng vỗ tay hoan hô lần cuối, ông ngóc đầu dậy, nhìn qua những tấm ván của hàng rào, ông thấy mặt kia của tấn tuồng: những giàn gỗ chống khu nhà bằng giấy, cái gíá để cho cây kiểng khỏi ngã, những người bị che khuất đang đẩy chiếc tàu đi biển. Ông nhổ một bãi nước miếng nhưng không thấy bực bội gì, miệng lẩm bẩm:

"Merde. C’est le Blacamán de la politique." [3]

Sau bài diễn văn, theo thông lệ, ông nghị sĩ sẽ đi bộ qua các phố của thị trấn trong tiếng nhạc, tiếng pháo nổ và ông sẽ bị dân chúng vây quanh, nhao nhao nói cho ông nghe những thỉnh nguyện của mình. Ông nghị sĩ sẽ lắng nghe một cách vui vẻ, ông luôn luôn có cách an ủi mọi người mà không phải làm điều gì ân sủng đặc biệt cho bất cứ ai. Một người đàn bà đứng trên mái nhà với sáu đứa con nhỏ cố sức nói lớn cho ông nghị sĩ có thể nghe giữa những tiếng ồn ào và pháo đốt ầm ĩ chung quanh:

"Ông nghị sĩ, tôi chẳng xin điều gì lớn lao lắm đâu. Chỉ cho tôi một con lừa kéo nước từ Giếng Người Treo Cổ về đây!"

Ông nghị sĩ để ý thấy sáu đứa bé gầy ốm. Ông mới hỏi:

"Thế chồng chị đâu rồi?"

"Ông ta đi kiếm vàng kiếm bạc ở đảo Aruba," người đàn bà đáp giọng cười cợt, "nhưng ông ta chỉ kiếm được một bà nước ngoài, loại đàn bà đặt hột xoàn trên răng."

Câu trả lời làm cho mọi người cười rộ lên. Ông nghị sĩ quyết định:

"Được rồi. Tôi sẽ kiếm cho chị con lừa."

Chẳng mấy chốc, một người phụ tá của ông đưa đến nhà người đàn bà một con lừa đã thắng yên cương để chở đồ, ngang hông của nó có một khẩu hiệu vận động bầu cử cho ông nghị sĩ được viết bằng loại sơn không tẩy được để không ai có thể quên đó là một món quà của ông nghị sĩ.

Dọc theo quãng đường ngắn, ông làm thêm nhiều cử chỉ khác, ít quan trọng hơn, ông còn đút một muỗng thuốc cho một người bệnh đang nằm trên giường được kéo ra đến cửa ra vào nhà để người bệnh có thể thấy ông nghị sĩ đi ngang qua. Ở góc đường cuối cùng đó, qua mấy tấm ván của hàng rào, ông thấy Nelson Farina nằm trên võng, trông mệt mỏi và không vui, nhưng ông nghị sĩ vẫn lên tiếng chào, không có một chút gì thiện cảm trong thái độ:

"Chào ông. Ông mạnh giỏi chứ?"

Nelson Farina ngồi xoay người lại trên võng, vẻ mặt buồn bã làm cho ông nghị sĩ ái ngại:

"Moi, vous savez."[4]

Con gái của ông bước ra vườn khi nghe tiếng chào hỏi. Cô mặc một chiếc váy của người da đỏ Guajiro đã bạc màu và rẻ tiền, trên đầu cô đỏm dáng vài cái nơ đủ màu, mặt cô sơn như thể để chống nắng, nhưng ngay cả áo quần, mặt mũi như thế người ta cũng có thể thấy chưa có ai trên đời này đẹp hơn cô. Ông nghị sĩ như đứng tim. Ông lầm thầm trong miệng:

"Ta chỉ có chết. Ông trời chắc đã phát khùng!"

Đêm đó Nelson Farina cho con gái mặc thật đẹp và đưa cô ta đến gặp ông nghị sĩ. Hai người bảo vệ có trang bị súng ống đứng trong cái nóng của căn nhà được mượn, gật đầu, bảo cô gái chờ ở chiếc ghế duy nhất trong phòng ngoài.

Ông nghị sĩ đang ở phòng kế bên gặp những người quan trọng của Rosal del Virrey. Ông tập họp họ để nói cho họ nghe những sự thật mà ông không nói đến trong nhũng bài diễn văn của ông. Họ quá giống tất cả những người mà ông luôn luôn gặp tại những thành phố trong sa mạc đến độ ngay cả ông nghị sĩ cũng thấy chán nản, mệt mỏi với những phiên làm việc ban đêm liên tục này. Áo ông đẫm mồ hôi, ông cố gắng làm khô người nhờ những luồng gió nóng từ chiếc quạt điện kêu vù vù như một con ngựa trời trong hơi nhiệt nặng nề của phòng. Ông nói:

"Dĩ nhiên, chúng ta không ăn những con chim giấy. Các ông và tôi đều rõ cái ngày có cây, có hoa trên đống phân dê này, ngày mà ta có cá ngừ thay vì dòi bọ trong những hố nước ven biển, ngày đó cả tôi và các ông sẽ chẳng còn ai trên đời này đâu. Tôi nói thế, các ông rõ ý tôi chưa?"

Không ai trả lời. Trong khi nói, ông nghị sĩ xé một tờ lịch và gấp một con bướm. Ông phóng nó lên mà không thực sự nhắm bất cứ mục tiêu gì và con bướm dật dờ trong luồng gió từ quạt trần và bay ra khỏi căn phòng để hở một nửa. Ông nghị sĩ tiếp tục nói với dáng diệu tự chủ một phần nhờ ám ảnh của cái chết. Ông nói:

"Cho nên, tôi không phải nhắc lại ở đây những gì mà bà con đã biết quá rõ; tôi tái đắc cử là một thắng lợi lớn cho bà con hơn là cho tôi, bởi vì tôi đã quá chán ngán tình trạng nước nghẽn, và mồ hôi của người thổ dân, trong khi bà con, mặt khác, lại sống nhờ vào đó."

Laura Farina nhìn thấy con bướm giấy bay ra. Chỉ có cô thấy con bướm bay ra bởi vì những người bảo vệ trong phòng ngoài này ngồi la liệt trên các nấc thang, gục lên gục xuống, tay ôm súng. Sau khi lượn vài vòng, con bướm lớn bung ra hoàn toàn, nằm mẹp sát tường và kẹt ờ đó. Laura Farina cố dùng móng tay kéo nó ra. Một người lính gác, tỉnh dậy vì tiếng vỗ tay rào rào ở phòng bên, nhìn thấy cô loay hoay. Anh ta nòi giọng ngái ngủ:

"Không lấy ra được đâu. Nó bị sơn dính vào tường rồi."

Laura Farina lại ngồi xuống khi mọi người lũ lượt rời nơi hội họp. Ông nghị sĩ đứng ở cửa ra vào, tay nắm lấy chốt cửa, ông chỉ để ý đến cô Laura Farina khi trong phòng không còn ai khác.

"Cô làm gì ở đây?"

"C’est de la part de mon père,"[5] cô đáp.

Ông nghị sĩ hiểu. Ông nhìn dò xét mấy người lính ngủ gà ngủ gật, rồi ông quay qua nhìn Laura Farina, vẻ đẹp lạ kỳ của cô con gái làm ông thấy đau hơn nỗi đau của ông, và ông kết luận rằng cái chết đã quyết định giùm cho ông. Nên ông bảo:

"Vào đây!"

Laura Farina đứng thảng thốt ở ngưỡng cửa ra vào. Hàng ngàn tờ giấy bạc đang bay lơ lửng trong phòng, dật dờ như những con bướm. Nhưng ông nghị sĩ đã tắt quạt và những đồng tiền lả tả đáp xuống, làm trắng cả một vùng trong phòng. Ông cười nói:

"Em thấy đấy, ngay cả đống rác rưởi này cũng có thể bay được."

Laura Farina ngồi xuống trên một chiếc ghế học trò. Da của cô mềm mà chắc, cùng màu và cũng cùng độ đậm đặc như dầu thô hong dưới ánh mặt trời, tóc của cô là bờm của một con ngựa con, và đôi mắt lớn của cô sáng hơn ánh đèn. Ông nghị sĩ theo dõi tia nhìn của cô và cuối cùng tìm thấy đóa hoa hồng, bây giờ đã bị ố vì đất muối. Ông nói:

"Đó là một hoa hồng."

"Vâng," cô đáp, mặt thoáng vẻ bối rối, "em biết chúng ở Riohacha."

Ông nghị sĩ ngồi trên một chiếc ghế bố nhà binh, vừa nói về hoa hồng vừa cởi nút áo. Trên phía mà ông nghĩ rằng trái tim của ông nằm bên trong lồng ngực, ông có xăm hình một trái tim bị một mũi tên xuyên thủng. Ông ném chiếc áo ướt lên sàn nhà và yêu cầu Laura Farina phụ ông tháo giày ra.

Cô gái quì xuống trước chiếc ghế bố. Ông nghị sĩ tiếp tục nhìn cô chăm chăm, vẻ suy nghĩ, và trong khi cô tháo sợi giây giày ra, ông tự hỏi ai là người sẽ gặp chuyện không may trong cuộc gặp gỡ này. Ông nói:

"Em chỉ là một bé gái."

"Ông biết không, thế mà đến tháng tư này em được 19 tuổi đấy."

Ông nghị sĩ trở nên tò mò. Ông hỏi:

"Ngày nào?"

"Ngày 11."

Ông nghị sĩ thấy dễ chịu hơn. Ông nói: “Tôi và em đều cùng tuổi dương cưu,” rồi ông cười, nói thêm, “đó là dấu hiệu cô đơn.”

Laura Farina không để ý nghe ông nói vì cô không biết phải làm gì với đôi giày cao cổ này. Về phần ông nghị sĩ, ông cũng chẳng biết phải làm gì với cô Laura Farina, bởi vì ông không quen những vụ tình ái đột nhiên này, và bên cạnh đó ông cũng biết người đang ở với ông đây có nguồn gốc là dân hạ lưu. Để có thêm thì giờ suy nghĩ, ông giữ Laura Farina chặt giữa hai đầu gối, ôm cô ngang hông, và nằm ngửa trên chiếc giường bố. Rồi ông nhận ra cô không mặc gì bên trong, vì thân thể của cô cho tỏa mùi ngột ngạt của một con thú trong rừng, nhưng con tim của cô sợ hãi và da của cô nhờn một thứ mồ hôi trơn trơn. Ông thở dài:

"Không ai thương chúng ta cả."

Laura Farina muốn nói một điều gì đó nhưng không cất tiếng được vì cảm thấy không khí như đọng lại. Ông ta đặt cô nằm cạnh ông để giúp cô, ông tắt đèn và cả căn phòng chìm trong bóng của đóa hoa hồng. Cô để mặc cho số phận. Ông nghị sĩ chậm rãi vuốt ve cô, bàn tay tìm kiếm cô, chưa đụng được đến cô, nhưng ở nơi mà ông nghĩ sẽ tìm thấy cô, ông gặp phải một vật gì bằng sắt vướng tay ông.

"Em có cái gì ở đây thế?"

"Ổ khóa."

"Cái chó gì thế?" ông nghị sĩ giận dữ nói và hỏi một điều mà ông dư biết. "Chìa khóa đâu?"

Laura Farina thở ra nhẹ nhàng. Cô trả lời:

"Ba em giữ nó. Ba bảo là em nói với ông cho người đến lấy chìa khóa và đưa cho ba em một tờ giấy ông viết hứa với ba em là ông sẽ giúp ba em lo vụ giấy tờ."

Ông nghị sĩ trở nên căng thẳng. Ông tức giận, lầu bầu: “Thằng khốn.” Rồi ông nhắm mắt lại để thư giãn và ông lại thấy mình trong bóng tối. Ông sực nhớ một điều, hãy nhớ rằng dù cho người đó là ta hay ai khác, cái chết sẽ chẳng lâu đâu và cũng chẳng lâu đâu cái tên tuổi còn để lại.

Chờ cho cơn rùng mình qua đi, ông mới hỏi:

"Nói cho tôi biết điều này, em nghe người ta nói gì về tôi?"

"Ông muốn nghe sự thật trước Chúa chứ?"

"Ừ, sự thật trước Chúa."

"Thế thì," Laura Farina dè dặt, "người ta nói ông tệ hơn những người kia vì ông khác họ."

Ông nghị sĩ không thấy bực bội. Ông yên lặng hồi lâu, hai mắt nhắm lại, và khi ông mở mắt trở lại ông dường như đã trở về từ những bản năng khéo che dấu nhất của ông.

"Ôi, mẹ kiếp," ông quyết định, "em bảo ông cha già dịch của em là ta sẽ lo vụ đó cho ông."

"Nếu ông muốn, em có thể đi lấy chìa khóa."

Ông nghị sĩ giữ cô lại. Ông nói:

"Bỏ chuyện cái chìa khóa đi. Nằm đây ngủ với ta một lát. Có người bên cạnh khi cô đơn cũng là điều hay."

Và cô đặt đầu của ông lên vai mình, mắt cô vẫn nhìn chăm chú vào đóa hồng. Ông nghị sĩ ôm lấy hông cô, vùi mặt vào vòng tay có mùi thú rừng, và buông xuôi trước nỗi sợ hãi. Sáu tháng và mười một ngày sau, ông sẽ chết trong cùng tư thế đó, trơ trọi và bị loại bỏ vì vụ tai tiếng với Laura Farina và tức tưởi đã chết mà không có cô.

 

_________________________

[1]Bản tiếng Anh "Death Constant Beyond Love" do Gregory Rabassa dịch. (Chú thích của Tiền Vệ)

[2]Marcus Aurelius [tên gọi đầy đủ là Caesar Marcus Aurelius Antonius Augustus] là đại đế La-mã từ năm 161 đến năm 180, nổi tiếng với bộ Meditations, một tác phẩm về triết lý khắc kỷ. Ông là nhân vật biểu trưng cho thời Hoàng Kim của đế quốc La-mã. (Chú thích của Tiền Vệ)

[3]“Mẹ kiếp. Trò chính trị nhố nhăng “. (Chú thích của người dịch)

[4]“Tôi hả, ông biết rồi”. (Chú thích của người dịch)

[5]“Tôi thay mặt cha tôi”. (Chú thích của người dịch)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021