thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
YÊU NHƯ GHÉT

 

Ba chương đầu trong tiểu thuyết YÊU NHƯ GHÉT của Đinh Linh.
Nguyên tác tiếng Anh, LOVE LIKE HATE, sẽ được xuất bản tại Mỹ vào tháng 5, 2009.

 

 

 

 

1-ĐÁM CƯỚI TẠI NHÀ HÀNG TÀU

 

Tuy hai, họ thành một vào buổi chiều Noel. Cho đến chết, ly dị hay mất trí. Không tin Giê-su, ngày đó không có ý nghĩa đối với họ. Đúng hơn, ngày đó chỉ có ý nghĩa cá nhân—họ đang tự đẻ bản thân vào trần gian. Bữa tiệc được đãi tại một nhà hàng linh đình, ba tầng, tại Chợ Lớn. Tân Thế Giới, một cái tên rất hạp tuy hơi xoàng, chói lọi trên bầu trời đêm, rọi từ đèn nê-ông đỏ, dựng đứng trên một dàn mái trá tạo. Nhiều đèn lồng đỏ lắc lư trên những bao lơn tối. Đỏ, màu may mắn trong vũ trụ Trung Hoa, tràn lan, thấm như máu tươi vào tất cả mọi thứ tại Tân Thế Giới: tường, cột nhà, đũa, da thịt, khăn bàn, hầu hết lốm đốm lỗ cháy thuốc lá, như những chòm sao tử vi lập dị, kỷ niệm những niềm vui sặc sụa, xa vời. Lòng thòng dây nhựa, cả trăm bong bóng đỏ lâng lâng đến trần nhà cũng đỏ, dĩ nhiên, trấn áp. Dải kim tuyến đỏ loăn xoăn rũ xuống. Lất phất hoa hồng, nặn bằng kem đỏ, rắc đường, bánh ga-tô ba tầng, đồ sộ, chiếm một bàn trước sân khấu nhỏ tại vách cuối. Đứng trước ba nhạc sĩ, một ca sĩ mặt đỏ lòm người Phi Luật Tân đang rống một bài ca Mỹ rất ăn khách, “I got you Babe!” Hắn cũng mang máng Sonny. Người Phi Luật Tân có khả năng hát tiếng Anh đúng giọng, khỏi liếc giấy. Chính vì vậy mà họ thường được thuê trình diễn vào những buổi như vầy.

Tại cửa phòng tiệc, tròn như trăng rằm, cặp tân hôn đứng cạnh hình chân dung, đã được chấm sửa, luồn khung cầu kỳ. Trang điểm như sắp lên tuồng, hơi cao hơn chú rể, cô dâu rực rỡ trong áo xoa-rê đỏ, tay cầm bó hoa hồng đỏ. Đội vương miện, tóc cô bồng lên như nón sắt, làm nhiều nữ khách lẩm bẩm, “Giả!” Thợ làm đầu đề nghị cô nên trùm một bộ tóc kiểu Jackie Kennedy, để làm dịu, phần nào, những nét mặt hơi quá sắc sảo. Chú rể thì bảnh bao trong bộ complet trắng.

Đêm đó sẽ có 360 khách, ngồi tại 30 bàn tròn. Đám cưới người Việt là cơ hội để khoe khoang và phá sản, khi nhiều gia đình phải vay mượn để tổ chức một buổi long trọng cho con trai. Khách không đem quà mà tiền trong bao thơ, phụ trả bữa tiệc. Những ai lại sớm đã bắt đầu chán những điệu giựt gân. Đãng trí bốc mực khô hay đậu phộng rang ngọt, họ đùa về sex hay đá banh. Dưới một lớp khói xanh mỗi phút mỗi thêm mù mịt, những gạt tàn thuốc lá bằng thiếc ê hề, toả khói. Chơi đuổi bắt, con nít rượt nhau, the thé. Vài đứa nhoà vào cây kiểng hay bò xuống bàn, để nín thinh, hồi hộp, sợ hãi xen mình vào những vòng chân khuyết danh, tối hù, cầu mong không bao giờ bị phát hiện. Một gã trung niên, ngà ngà, để râu mép, choàng một cánh tay nặng thịt lên người bên cạnh, tự bạch, “Tui chỉ thích một bài ca Mỹ, Shake, Twist and Roll.” Chờ dĩa đầu tiên trong chín món—một con số hên—đàn ông ục ục bia 333, đàn bà mút cô-ca từ ống hút. Nhột thanh quản, hơi ga làm vài mụ ờ ợ. Rùng mình bởi máy lạnh, một bà cụ trên 80, da như giấy cói, nhăn nhó, ráng sưởi bản thân bằng những hớp trà. Thấy ngàn đám cưới, cụ chẳng nhớ tiệc nào, kể cả ngày vui của chính mình. Nguyên buổi chiều, cụ không trao đổi một lời với ông già ngáp ngủ, đậu ngay bên cạnh. Bia 333, 360 khách, chín món, vào ngày 24, tháng 12: tất cả con số đều phải may mắn trong đêm đặc biệt.

Chú rể, Hoàng Long, là một trung uý trong quân đội Việt Nam Cộng hoà. 24 tuổi, hắn nhỏ con nhưng rắn chắc, luôn luôn nhếch môi, trụi râu, da rám nắng như thịt bò khô. Như nhiều kẻ lùn khác, tất cả dáng điệu của hắn đều hơi quá trớn. Hắn ngồi (quá) thẳng, ngay đơ như cột trồng, đứng dạng chân (quá) xa nhau. Khi đi, hắn vênh váo, đảo hai vai choắt. Giữ thế chủ động, hắn luôn sẵn sàng ra tay trước đối thủ. Nhỏ thó, hắn thừa hiểu tất cả mối quan hệ con người đều tiềm trữ một sự xung đột. Cách đối phó với điều này định đoạt hình thù và sắc thái số phận. Không đối phó nổi, không số phận. Hắn chẳng bao giờ đảo vào một tiệm giày trừ khi bất đắc dĩ.

Nhưng hắn thật sự là một kẻ lầm lì, cứng rắn. Là chỉ huy, hắn được những cấp dưới khâm phục. Chỉ năm nay, hắn đã sống sót Tết Mậu Thân và cả chiến dịch Mini-Tết. Đêm nay, đứng cạnh miếng mồi lẫy lừng, hắn còn cảm thấy hoan hỉ và bất tử hơn.

Hoàng Long cũng có khía cạnh cải lương. Theo đuổi Kim Lan, hắn chép cả chục bài thơ của thi sĩ khốn nạn Hàn Mặc Tử để tặng nàng, sau khi ký tên của chính mình. Dùng bút máy, hắn viết bằng mực tím trên giấy hồng, với một chùm hoa hồng mập mờ tại góc phải, mép dưới. “Anh có một bài thơ cho em,” hắn tuyên bố mỗi lần gặp nàng. “Anh mới viết bài này đêm qua.” Để được khen ríu rít, hắn nhất định nàng phải đọc liền bài thơ. Hắn cũng tặng nàng một khăn tay, thêu hai con chim hôn nhau, và một lắc tay bằng vàng, lủng lẳng hai con chim, mỏ hàn vào nhau.

Kim Lan cũng rất hoan hỉ đêm hôm đó. Là một y tá quân y, 22 tuổi, nàng đã thấy bao nhiêu cơ thể bị huỷ hoại nên thừa hiểu tình yêu không đến với tất cả mọi người. Hả miệng, khoe răng đẹp, cặp mắt lập loè, chớp chớp, nàng thấy mình được minh chứng và cứu vớt. Lâng lâng, dớ dẩn vì sung sướng, nàng có thể chết ngay sau đám cưới, thậm chí trong đám cưới, mà cũng mãn nguyện. Nàng không mường tượng đẻ con, cãi vã mỗi tuần, về hưu chật vật, nàng chỉ mơ ước được khoản đãi tại một bữa tiệc tưng bừng, như ngay ngày hôm đó, là mãn nguyện. Tuy mặc áo đỏ, nàng vẫn còn nguyên, chưa ai rờ chạm. Hoàng Long còn chưa từng mổ một cú hôn vào mặt nàng. Họ ngồi trên ghế công viên để ngắm sông Sài Gòn, không xảy ra một chuyện gì đáng tiếc, và chàng cũng chưa từng mân mê nàng trong rạp xi nê tối hù.

Họ luôn luôn ngồi thật cao trên tầng thượng, lánh xa đám lải nhải. Hoàng Long khoái phim cao bồi. Cặp tình nhân xem “Treo Chúng Lên!” và “Bọn Tốt, Bọn Tồi và Bọn Xấu Xí.” Chỉ để nghe ngoại ngữ, Kim Lan rất ưa phim ngoại quốc. Bị quyến rũ đồng đều bởi tiếng Anh, Pháp và Ý, nàng thấy cả ba y như nhau. Có một lần nàng đề nghị đi coi “Đẻ Ra Tự Do,” nhưng phim này chỉ làm chàng ngủ gục, trùm lấp bởi điệu nhạc cuồn cuộn, đầu chàng ngả vào vai mềm, mịn như tơ tằm, của nàng. Xúc động bởi cảnh sư tử cái được thả vô rừng, nàng lướt trộm một nụ hôn lên đầu bạn trai. Gien tóc của chàng khá thơm nhưng đắng, làm nàng phải chu mỏ, chùi môi bằng mu bàn tay. Họ chỉ ghét đúng một phim, “Chiếc Tàu Poseidon Lật Úp.” Quả là khó chịu làm sao chứng kiến bao nhiêu mạng Mỹ bị kẹt vào một thế giới đảo ngược, phải cãi vã gần ba tiếng để mò lên ánh sáng. Rời rạp, họ chẳng thèm phân tích những cảm xúc này.

Những dịp khác, họ chỉ nắm tay, đi bộ tình tứ, căng thẳng trong sở thú. Họ chọi đậu phộng để đám khỉ được giành giựt, và chìa mía đến những con voi nhấp nhổm, khệnh khạng, sắp sửa quỳ. Nàng thương hại những con thú trong chuồng, nói chung nàng tội nghiệp tất cả những sinh vật trên quả đất này.

Cuối cùng, sự tế nhị và điềm đạm của Hoàng Long đã chinh phục được nàng. Nàng coi chàng như một chiến sĩ âu yếm của mình. Nàng cũng cảm động vì tính kiên nhẫn của chàng, thể hiện mỗi lần nàng (cố tình) trễ hẹn cả một tiếng hay lâu hơn nữa. Sau đó, sau khi rượu sâm banh đã tràn, khi tất cả khách đã về và họ, rốt cuộc, chỉ còn một mình, nàng sửng sốt khi phát hiện người chồng mình là một kẻ làm tình hung bạo. Hắn giao cấu hấp tấp, đầy vũ lực, sôi sục tức giận và tuyệt vọng, gieo, ấn vào nàng một vết sẹo dai dẳng nhiều thập niên. Nàng không ngờ tất cả những gì chàng biết về tình dục, chàng học qua cả trăm con đĩ. Chàng không hôn nàng vì chẳng đĩ nào muốn được hôn. Đĩ thà nuốt chửng khách chứ không hôn vào miệng. Chàng sẽ không vuốt ve mặt hay tóc nàng, chỉ để một bàn tay lên đỉnh đầu nàng để tì xuống, giữ vị trí. Chàng sẽ không kéo dài quy trình mà chỉ tăng tốc độ, tranh thủ kết thúc thật sớm. Chàng sẽ đụ nàng như phải trả từng giây.

Xong, hắn bật đèn nê-ông để kiếm quần lót. “Em sướng không?” hắn tủm tỉm cười ruồi, dòm người vợ mới nằm trơ trên khăn trải giường bằng tơ nhân tạo. Hai cái gối màu hồng, thêu cặp uyên ương, lăn lóc dưới đất, sau khi bị quăng hay đạp trong cuộc chấn động. Không nghe nàng đáp, hắn đùa, “Em quá dễ thương. Hồi nãy em nằm yên như một khúc gỗ.”

 

 

2-MỘT NGƯỜI PHÁP VÀ CỞI TRUỒNG CÔNG CỘNG

 

Hoàng Long không phải là mối tình đầu của Kim Lan. Trước hắn là Đại Triều, một bác sĩ quân y. Kim Lan đính hôn với Đại Triều vào tháng 5, 1965. Tháng 6, hắn tử thương tại mặt trận Đồng Xoài. Đại Triều thuộc về một gia đình có bề thế, cha hắn là chủ của công ty vỏ xe Lưu Mánh. Ai cũng xài hiệu này. Nhiều người chỉ trích cha Đại Triều đã để con đi lính. “Quả là một thằng nhẫn tâm,” họ chửi. “Nếu tao giàu có như vậy, không bao giờ con tao đi lính chết.” Sau khi Đại Triều qua đời, mẹ hắn thỏ thẻ với Kim Lan rằng bà vẫn muốn cô ấy làm con dâu. Để chứng minh bà không đùa, bà đề nghị Kim Lan kết hôn với em sinh đôi của Đại Triều, Đại Trường, hai người y như nhau trong từng chi tiết, kể cả những thói quen và tật xấu. “Con không phân biệt được đâu,” bà già bảo. “Kể cả má cũng còn thường xuyên lầm. Hai thằng mặc đồ và hớt tóc y như nhau. Hút cùng loại thuốc. Để má nói chuyện với thằng Đại Trường ngày mai, bảo nó bỏ bạn gái của nó. Má cũng chẳng ưa con mắm đó.”

Kim Lan lễ phép khước từ.

Hoàng Long gặp Kim Lan tại đám ma của Đại Triều và theo đuổi nàng ngay từ ngày đó. Nàng nổi bật trong bộ đồ trắng, một hiện tượng siêu trần bên cạnh cái hòm loè loẹt, chạm rồng. Nhìn đôi mắt nhèm nhẹp, mặt phấn nhem nhuốc bởi thuốc bôi mi mắt chảy ròng, cặp môi méo mó vì đang khóc thổn thức, hắn nắm tay nàng thật lâu, siết, vắt sạch máu, rồi tự nghe mình tuyên bố: “Đại Triều là người bạn thân nhất của đời tôi. Chúng tôi luôn luôn bên nhau. Tôi quỳ ngay bên cạnh anh ấy, khi anh ấy chết.”

Đầm đìa nước mắt, chóng mặt vì đau buồn, nàng chỉ thấy lờ mờ khuôn mặt đen đuốc, tha thiết, chập chờn dưới tầm mắt nàng. Mắt hắn cũng đẫm lệ, vì khói nhang. Con ngươi của họ va vào nhau trong một giây vắn tắt. “Lời cuối của anh ấy?”

“Tên chị, dĩ nhiên.”

Một tuần sau đám ma, Kim Lan nhận được lá thư đầu tiên trong một chuỗi vô tận từ Hoàng Long. Giọng điệu của hắn nhích nhoà một cách tinh tế từ những lời lẽ an ủi, đến vui vẻ, thân mật, đến thả dê. Điều này làm nàng gớm tởm ban đầu, nhưng sau sáu tháng, nàng chịu đi chơi với chàng. Nàng lay chuyển khi hắn lồng vào thư một bài thơ đau đớn, vặn vẹo của Hàn Mặc Tử. Nàng để ý hắn đã chép sai vài chữ:

 

Mà anh hay em trong tim đều cạn
Đều chôn sâu hình ảnh một người trơ
Bao giờ đây quấn quít hiện bao giờ
Chỉ biết có đôi ta là chưa sống
Đang nhử nhau ngọt ngào và đang gồng
Cố làm nũng không biết đến thời gian
Đến bông hoa hạn hán với trăng ngàn
Đến những tình tứ chung quanh thất vọng
Nhiều hành tinh tan đi vì đã xẹp
Ôi muôn năm! Giấc mộng đã đời chưa?

 

Kim Lan đã hâm mộ nhà thơ đáng thương hại này từ lâu. Làm thơ chưa đủ khốn nạn, hắn còn không được ai yêu, rồi lại chết vì bệnh cùi, eo ơi. Hắn chỉ yêu người khác, Mộng Cầm, Hoàng Cúc, Mai Đình, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện, chứ chẳng ma nào chịu yêu lại, ai mà thèm? Khi thấy Hoàng Long cũng đọc Hàn Mặc Tử, nàng kết luận rằng hai người có duyên nợ với nhau, tuy nàng thừa biết người Việt nào chẳng đọc Hàn Mặc Tử? Nàng cũng hoàn toàn không màng việc chàng ký tên mình dưới thơ người khác. Chàng chỉ dở trò để làm mình cảm động, nàng nghĩ trong khi khe khẽ cười, ứa lệ dưới hai làn mi dài, cong vút. Từ bé, nàng luôn luôn muốn khóc khi vui mừng tột độ. Nàng cũng ưa khóc khi đang xem xi nê. Điều quái gỡ nhất về cái khiếu khóc của nàng là nàng có thể tự nguyện dừng khóc ngay lập tức. Giây này đang khóc, giây sau nàng có thể phớt tỉnh, lạnh lùng, thậm chí cười sằng sặc, cười ngất.

Nhớ lại tuổi thơ, phần đông mọi người đều có thể dễ dàng gợi lên những kỷ niệm thật rõ nét, độ phân giải cao, về cảnh đạp xe đạp ba bánh, màu đỏ, hay ăn kem vani, những chuỗi hình phóng lớn, rõ như phim, để chiếu đi chiếu lại, tuỳ hứng, đầy đủ nhạc đệm, nhưng Kim Lan thì không. Mẹ nàng chết khi nàng hai tuổi và nàng được nuôi bởi mẹ ghẻ. Cha nàng, một đại uý cảnh sát, đã kiên nhẫn ăn hối lộ để mua một căn nhà ba tầng tại Cây Gõ vào năm 1945, một năm trước khi nàng ra đời. Nàng sẽ sống từng ngày trong nhà này cho đến khi 19 tuổi. Sau khi nàng rời, những bức tuờng xanh lợt, bị hoen ố bởi những ngón tay nhem nhuốc, giầy bút quá khổ và cứt thằn lằn, cả trăm viên, nhỏ hơn hạt gạo, đen như than, sẽ ám ảnh những giấc mơ của nàng cho đến chết. Trong những cơn ác mộng này, những căn phòng quen thuộc lan tràn thêm, cầu thang chỉ dẫn đến cầu thang, những cửa sổ co lại thành những kẽ hở, rút lên trần nhà, không thấy ra được và chỉ vừa đủ cho những tia sáng yếu ớt. Rượt đuổi, quấy nhiễu, nàng không bao giờ tìm được cửa chính.

Tuy vậy, rời nhà cho phép Kim Lan tẩy xổ cha nàng từ ý thức. Cuối cùng, nàng đã cạo được gần hết mắt, mũi và miệng của ông ấy, chà phẳng lớp mặt, nhưng giọng nói của người cha luôn luôn tồn tại, tuy chỉ văng vẳng, yếu ớt, không còn thẩm quyền.

Cha nàng là một kẻ có tham vọng biến thành Tây, thậm chí một gã Corse. Hắn đã học tại Lasan Taberd, một trường Pháp tại Sài Gòn, và ra vẻ giỏi tiếng Tây, tuy chưa ai từng thấy hắn trò chuyện với một người Tây nào. Hắn rắc khoảng một chục từ phăng-xê vào những cuộc đàm thoại hằng ngày, những chữ như moa, toa, bon và écoutez.

“Écoutez! Toa có muốn lại nhà moa chiều nay không?”

Quyển sách duy nhất hắn từng đọc là một tiểu sử Napoleon, và hắn đọc đi đọc lại quyển này đến nỗi thuộc ráo những chi tiết về Napoleon, còn hơn chính Napoleon, có lẽ. Hắn cũng thuộc về cái dạng người mà luôn luôn đinh ninh là bất cứ chuyện gì mình đang say mê, ngay lúc đó, người khác cũng phải say mê. Ngước lên từ quyển sách rã rời, hắn hỏi mẹ Kim Lan: “Bà có biết là Napoleon cao 1.68 mét, chỉ hơn tôi 14 centimét?”

“Sao ông cứ nhắc đến thằng cha đó? Hắn đã làm gì cho ông nào?”

“Bà có biết là Napolen bị giết bởi chất Asen trong giấy dán tường? Quả là khó tin. Bà có biết Napoleon chỉ có một tinh hoàn?”

“Giấy dán tường là cái khỉ khô gì?”

“Đó là một kiểu trang trí bên Tây. Bà dốt lắm, sao biết được?”

Hắn để một chai Napoleon gần đầy trên cái kệ cao nhất của tủ kiếng, giữa hai ly hẹp miệng, nằm úp. Phớt đầu vào mạng nhện lủng lẳng từ trần nhà, một người cao bình thường, nhón chân, cũng không thể với tới. Hắn trầm trồ màu hổ phách óng ánh của rượu, hương thanh, cảm kích hình thù tao nhã của chai, nhãn hiệu nâu vàng, nhưng lòng hắn không chịu nổi cô-nhắc. Hắn bắt đầu mỗi ngày với một bánh croissant, ly café au lait, hút liên miên thuốc Gauloise, nhấm nháp thường xuyên paté chaud, và mỗi tuần phải xơi một miếng steak au poivre hay steak tartare, vừa ăn vừa liếc vợ lỡ mụ cười nhạt. “Bà mỉm cười cái gì đó?” Hắn cũng rất bực mình vì bà vợ không phân biệt nổi giữa phô-mát và bơ. Phô-mát duy nhất mụ từng ăn là Con Bò Cười, và mụ luôn nhấm nháp nó với một trái chuối. Nhìn vợ cầm chuối trong tay, tay kia nâng nâng một miếng Con Bò Cười, vui vẻ chọp chẹp, làm hắn tức điên. Ta đã lấy một con khỉ, hắn nghĩ.

“Phô-mát hôi nhưng bơ thơm,” hắn giảng vợ lần thứ một tỉ. “Cả hai đều vàng, đồng ý, nhưng bơ thì chảy nhanh hơn phô-mát nhiều. Phô-mát Con Bò Cười nhìn y như bơ nhưng nó vẫn là phô-mát. Phô-mát camembert thúi hơn tất cả mọi thứ trên thế gian nhưng, ma femme, đó lại là xâm-banh của loài phô-mát. Toa có nghe moa nói gì không?”

“Tôi nghe, ngày mai tôi sẽ mua cho ông thêm phô-mát.”

“Écoutez! Ăn phô-mát, ai nấy cao ráo, vai rộng. Vì vậy dân ta phải tập ăn phô-mát từ ngày hôm nay. Người Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập thì ăn phô-mát làm từ sữa dê…”

Năm 1948, mẹ Kim Lan bị xuất huyết não rồi chết trong nhà thương sau khi mổ. Bà chỉ 32 tuổi. Đám ma rời nhà trong nắng đẹp nhưng mưa rào liền ụp xuống, một điềm tuyệt vời. Tiền sẽ vô, cha Kim Lan nghĩ với một lòng biết ơn, nhẹ nhõm, khi suy rằng vợ hắn đã tha thứ cho hắn. Đượm sắc đau buồn, hắn nhìn hòm vợ từ từ hạ xuống cái huyệt đang bị lụt. Một tháng sau, hắn hợp thức hoá mối ràng rịt với con ở—một con nhỏ mập mạp từ đảo Phú Quốc. Họ đã gượng gạo, rồi thoải mái cả chục lần trong năm vừa rồi, nhưng hắn không nỡ sa thải nó, theo phong tục. Sau mỗi cuộc hí hửng, hắn thề là sẽ không áy náy, tiếc rẻ, hắn sẽ chừa, nhưng chỉ vài tuần sau, hắn lại trèo lên giường cái con quỷ này. Nó rất thơm tho, da nó có mùi bơ. Có chỗ thì như phô-mát camembert. “Đừng bao giờ rửa ráy, Josephine,” hắn lẩm bẩm khi hì hục. Nó đã sẵn trong nhà, hắn viện lý khi vợ hắn hấp hối, và sẽ làm một người mẹ tốt cho con bé của mình.

Làm bà chủ, người mẹ ghẻ lại chẳng hiền dịu, biết chăm sóc con kẻ khác. Bà chửi Kim Lan liên miên và giao cho nàng những việc nhà không hạp với lứa tuổi. Mới chín tuổi, Kim Lan đã phải rửa chén, quét và lau nhà mỗi ngày. Nàng lúng túng với những dĩa bát lớn, làm bể nhiều cái, và phải chờ hai năm để cao bằng cây chổi thường dùng. “Nó cần kỷ luật,” mụ mẹ ghẻ giải thích cho người cha nhu nhược. “Tôi học làm việc nhà hồi mới bảy tuổi. Là con gái thì phải đảm đang tất cả việc nội trợ.”

Bà nạt Kim Lan vì lau nhà quá chậm, “Mày dùng quá nhiều xà-bông. Chính vì vậy mà mày phải phí cả ngày để lau nhà. Mày vừa phí xà-bông vừa phí nước. Là con gái thì phải biết hà tiện ngay từ đầu, để sau này tiết kiệm cho chồng. Một bà mẹ tằn tiện thì mới có thể sắm sửa cho con cái; mấy đứa phung phí thì sẽ lăn ra ngoài đường mà nằm. Khi đánh răng, chẳng hạn, tao để ý mày xài gấp đôi mức kem bình thường. Một cục to tổ chảng, lố bịch. Chính vì vậy mà mày phải súc ít nhất sáu lần mới sạch miệng. Mày vừa phí kem vừa phí nước. Tao không bao giờ phải súc hơn hai húp. Mày cũng đánh răng quá mạnh. Tao mặc kệ mày nếu mày muốn huỷ hoại nướu răng của mày, nhưng tại sao tao lại cho phép mày phá tan bàn chải, làm cái đầu của nó cứ tia tỉa thế kia? Đầu bàn chải là ni-lông, mày biết không, đâu phải sắt. Cái bản chất của mày là phí phạm tất cả. Mày dùng bàn chải đánh răng như không có ngày mai, như tận thế sắp đến. Tao cũng để ý là mày dùng những hai cái tăm sau mỗi bữa ăn. Mày bảo tao nghe: bộ mày có nhiều răng hơn thiên hạ? Sao mày không chĩa chĩa những kẽ răng của mày để tuôn máu luôn cho vui?”

Cái gốc của vấn đề kem đánh răng, bà mẹ ghẻ suy, có lẽ là bảng quảng cáo mà Kim Lan phải tà tà đi ngang mỗi ngày để đến trường. Dưới một cái mặt đen thui, cười toe toét, là một bàn chải đánh răng dài cả 4, 5 thước, trét bởi một cục Hynos khổng lồ. “QUÁ THƠM THO BẠN SẼ MUỐN NUỐT LUÔN KEM!” Chúng phải khuyến khích thiên hạ vung vãi kem đánh răng, mụ suy lý, để bán món hàng đồi truỵ này. Lớn lên ở quê, mụ chỉ cần chấm bàn chải vào muối hay bột than rồi thoải mái vệ sinh. Con nhà nghèo chỉ dùng mỗi ngón tay trỏ. Chẳng nhằm nhò gì: 26 tuổi, mụ vẫn còn đa số răng cửa, tuy hơi xiêu vẹo, cái nghiêng tới, cái ngả lui, uyển chuyển nhịp nhàng. Tất cả chiếc răng tại những vùng sâu vùng xa, phía sau miệng, thì đã bị bứt tại gốc.

Tại bàn ăn, bà mẹ ghẻ còn bắt bẻ cách Kim Loan cầm đũa. “Ông nhìn kìa kìa!” bà rống lên trước mặt người cha câm. “Nếu con ông không biết cầm đũa, thì làm sao nó biết cầm chổi?!”

Lúc Kim Lan 11 tuổi, bà mẹ ghẻ bắt quả tang nàng tập tô son môi. “Mày là một con đĩ!” mụ vừa thét vừa hung bạo trét son môi vào mặt nàng. “Tao đã biết từ đầu mày là một con đĩ!”

Để trừng phạt Kim Lan, mụ bắt nàng lột quần áo, rồi quỳ ngoài sân cho hàng xóm thấy. “Cởi quần áo mày ra! Cởi ra! Mày còn chờ gì nữa?!”

Để nàng không thể che thân, mụ bắt nàng phải dang hai tay.

“Bây giờ mày hiểu nghề làm đĩ chưa?” mụ cười nhạo vào khuôn mặt lạnh lùng của Kim Lan, trong khi mấy chục đứa con trai trong xóm, đa số bạn học, đang nhanh chóng tụ tập để trồ mắt nhìn người con gái trần truồng đầu tiên. Với cặp môi đỏ thắm và những lằn môi son đỏ thắm chằng chịt trên mặt, Kim Lan y như một con hề đẫm máu. Một ai chỉ, rồi cười khúc khích. Kim Lan có thể nhắm mắt mình nhưng nàng không thể che mắt thiên hạ. Nàng cũng không thể không nghe những lời thì thào, giễu cợt.

Tuổi đó, Kim Lan còn chơi với búp bê. Đêm hôm đó, nàng nắm chân búp bê, đập nó nhiều lần xuống sàn, cho đến khi đầu nó phựt ra. “Mi là đĩ nên đáng đời lắm!” nàng rít. Nàng muốn hét lên nhưng sợ mẹ ghẻ nghe. Thấy búp bê bị tàn tật, đau đớn, Kim Lan liền ráp lại đầu nó, rồi hai chị em ôm nhau khóc, ngủ. Tên búp bê là Hoa. Sáng hôm sau, Kim Lan hỏi: “Hoa tha tội cho chị không?”

“Hoa tha tội cho chị.”

“Chị chỉ có Hoa mà thôi, Hoa biết không?”

“Tại sao chị lại gọi Hoa là đĩ tối hôm qua?” Mặt Hoa như muốn khóc. Nhãn cầu của búp bê đã tróc sơn gần hết, lông mi thì trơ trụi. Khi chớp, cặp mắt chỉ khép nửa chừng. Thắt lại bởi đúng một nút, cái áo nhựa acrilic tuột từ cánh vai. Nó chẳng mặc quần hay váy.

“Em đâu phải đĩ, Hoa. Chị mới là đĩ!”

Chữ “đĩ” nghe quá nham nhở, hài hước, khiến hai chị em cười ngất.

Cha Kim Lan không thường xuyên ở nhà để bảo vệ đứa con gái khốn nạn. Hắn phải đi làm để giữ an ninh công cộng. Một hôm, đám cảnh sát lôi về bóp một con mẹ chủ động hút thuốc phiện. Nó chỉ 25 tuổi, mắt thật to, tóc quăn làn sóng, không thèm chải—một người đẹp hoang dại. Đây là lần đầu nó bị bắt nên khóc than nhiều lời, rất là cải lương. Vị đại uý đánh giá tội phạm trẻ, dự tính thoăn thoắt. Hắn thả nó trong vòng một tiếng và từ đó, thằng cò duy nhất dám bố ráp cô ấy chính là hắn. Hắn mê nó quá, hắn nghiện thuốc phiện. Như một em bé quá khổ, hắn nằm cạnh cơ thể trần truồng của mèo mới, trong khi hình thù vàng bủng của hắn xụi bại dần. Thuốc phiện tẩy hắn từ trong ra ngoài, xông xả mọi kỳ vọng, kể cả ao ước thành Tây. Thật là êm dịu dòm cô ấy tươi cười, vò vò hòn thuốc, trước khi nhấn vào cái lỗ tí ti. Cô đã mua cho hắn một ống tẩu thanh lịch, miệng bằng ngọc xanh, ống tre thon, lọ gốm như một cái vú đang dậy thì. Một cơn thuốc phiện có thể kéo dài vài ngày. Khi hắn ô uế, cô ấy rửa ráy. Trong cơn mê man, hắn bập bẹ như con nít: “Con đâu phải 40 tuổi, má. Con chỉ có bốn tuổi.”

Lớn lên, ao ước duy nhất của Kim Lan là rời nhà, càng sớm càng tốt, những hứa hẹn về tự do của tuổi trưởng thành thúc đẩy nàng tiến tới. Lúc 17 tuổi, cha nàng cho phép nàng đi học làm y tá. Hai năm sau, nàng đã làm việc ngoài chiến trường, lánh xa những cơn chí choé tại nhà. Săn sóc những nạn nhân đang bị đau đớn tột đỉnh, Kim Lan luôn luôn muốn khóc nhưng không thể nào. Trong thời gian này, nàng tập chế ngự bản thân một cách quyết liệt. Cái khả năng này sẽ không rời nàng trừ vài khoảnh khắc gay cấn nhất. Rời nhà, nàng được nghe những lời khen đầu tiên trên đời. Cấp trên khen khả năng và sự bình tĩnh của nàng. Những chàng trai khen nàng đẹp.

Năm đầu tiên tự lập, nàng về nhà hai lần, vướng vất bởi một ý thức trách nhiệm, nhưng mỗi chuyến thăm chỉ là một cơn la hét triền miên bởi bà mẹ ghẻ, cứ thấy mặt Kim Lan là cuồng lên, nên nàng không về nữa. Rõ ràng là mụ chỉ muốn nàng đi luôn. Trong căn nhà cũ, bây giờ cũng như xưa, những con kiến cứ đều đặn bò dọc, bò chéo trên những bức tường xanh lợt, vận chuyển trong hai hàm, khép ngang, những hạt cơm, vụn bánh mì, bánh ngọt, đường và một con thằn lằn da chùng và bầm đen, tuy chỉ mới chết yểu.

 

 

3-GÁNH GẠO CỦA MIỀN NAM VÀ MỘT CON MA

 

Hoàng Long sinh tại Cần Thơ, thành phố chính của miền đồng bằng sông Cửu Long. Người Cần Thơ xem quê của mình mới thật sự là miền Nam. Vừa ghen tị vừa khiếp tởm Sài Gòn, họ nghĩ thành phố ấy là nơi mà tất cả những tinh chất của Việt Nam bị bóp méo và nhuộm những màu lai căng, ô uế. Tuy vậy, bất cứ người Cần Thơ nào có mộng lớn trước sau cũng mò lên Sài Gòn. Đến Sài Gòn, họ chối là họ đã từng sống tại Cần Thơ.

Là gánh gạo của miền Nam, Cần Thơ khá thịnh vượng. Trước 1975, những gia đình giàu nhất làm chủ những miếng đất bát ngát và những villa thời Pháp thuộc, xây kiểu nửa tây nửa ta. Nằm khuất trong một vườn nhiệt đới rậm rạp với những cây dừa, xoài, xơ-ri, xu đũa, chuối, mận, mãng cầu, sầu riêng, vú sữa, vú lép, cau, mít, đu đủ và chanh, mỗi căn nhà gạch kiên cố đều phô bày một hành lang phía trước, nghiêm chỉnh cột vuông. Trên trần cao của phòng khách là những cảnh đồng quê thơ mộng, phết màu lờn lợt, gợi một nơi đâu đó bên Âu Châu. Đúng mốt rococo, tại đồng bằng sông Cửu Long. Dưới sàn là gạch bông mát mẻ, lý tưởng cho khí hậu nóng bức. Bàn ghế thì bằng gỗ tếch, mun hay hồng sắc.

Cha của Hoàng Long thuộc giai cấp này. Hắn là một huyền thoại tại Cần Thơ. Đến đó, bạn nên gạ chuyện những người có tuổi. Họ sẽ kể cho bạn: Ông Mốt không chỉ là địa chủ, mà cũng là người đầu tiên mở cây xăng tại Cần Thơ, thậm chí nhiều cây xăng. “Xăng,” hắn thở dài, rồi lại cười khoái trá, “Nó như máu vậy!” Hắn luôn ăn mặc chỉnh tề, bảo thủ, trong một bộ đồ trắng, nếp quần ủi rất thẳng. Mặc giầy quần vợt, hắn cứ hùng hục chạy khắp thành phố, tay xách va-li da cá sấu mà ai cũng đồn là đầy tiền, nhưng thật sự nó hoàn toàn rỗng. Những buổi chiều mát mẻ, thiên hạ thấy hắn hứng gió tại bến Ninh Kiều, dựa mình vào hàng rào chắn song, nhìn chằm chằm xuống dòng nước xoáy của sông Hậu. Hắn nhớ giỏi những con số, nhưng lại thường xuyên quên tên và mặt người, kể cả những người hắn quen nhiều năm, kể cả những nhân vật rất quan trọng. Hắn cứ vẫy chào kẻ lạ ngoài đường, vì tưởng là người quen, và khi trò chuyện, hắn cứ yêu cầu đối tượng phải lặp lại lời nói, khiến nhiều người tưởng rằng hắn điếc. Hắn có một người vợ đẹp hắn chẳng yêu, trong một cuộc hôn nhân dàn xếp bởi cha hắn. Để thoát khỏi niềm bất hạnh vợ chồng, Mốt thường xuyên viếng những động đĩ nhan nhản khắp Cần Thơ. Tại một lầu xanh, hắn mê tít thò lò một ả đẹp khác thường, tên là Luân Sài Gòn.

Luân Sài Gòn nửa Miên, ¼ Việt, ¼ Pháp, hay có lẽ nửa Ma Rốc, nửa Tàu. Gì thì gì, ả là con đĩ ăn khách nhất vùng Cần Thơ, với giá thù lao gấp đôi bất cứ con nào khác. Mấy gã nhà quê thấy mình được đi vòng quanh thế giới khi ăn nằm với Luân Sài Gòn. Càng say đắm, Mốt càng buồn nôn khi nhớ rằng ả đang được, bị đụ, gần như cùng khoảnh khắc, bởi tất cả đực rựa khác tại Cần Thơ. Để chỉnh đốn tình trạng đáng trách này, hắn quyết định biến ả thành vợ bé. Qua mặt vợ lớn, hắn mua cho Luân Sài Gòn một căn nhà tại mép thành phố, nơi mà hắn có thể đến thăm 4, 5 lần một tuần, thường thường trước bữa tối.

Về nhà, yêu đời hẳn, hắn đùa cợt tục tĩu tại bàn ăn và khen vợ làm bếp ngon. Bà Mốt vui vẻ thấy chồng mình đổi tính. Chuyện chăn gối của hai người cũng uyển chuyển khá hơn xưa và, không lâu sau đó, bà Mốt thụ thai Hoàng Long.

Một năm sau, Luân Sài Gòn cũng có bầu. Mốt không vui. Càu nhàu, hắn phải ngồi để làm tình với vợ bé. “Ông sẽ giết hài nhi!” Luân Sài Gòn tru tréo, thở hổn hển. Tại nhà thương, bác sĩ và y tá khiếp tởm khi đỡ đẻ một đứa bé xam xám, kèo kẹo bởi ái tình khô queo, cái đầu nó lấp vẩy bởi hàng tỉ anh chị em ruột, chết ngắc. Trong tử cung, thằng bé không hiểu thứ gì cứ xịt lên đầu mình, cái sọ mềm của nó như một túp lều nhựa dưới trận bão tố, có sấm sét. Lớn lên, thỉnh thoảng nó lại nghe tiếng lộp bộp khi trời không mưa. Thiên hạ cứ thấy nó nhăn nhó, chửi thề, vuốt vuốt đầu hói, bực bội nhìn lên trời.

Có con buộc Luân Sài Gòn phải buồn phiền hơn về tương lai và thân phận. Nhìn vào gương, mụ thấy nhan nhản vết nhăn. Một hôm, Mốt phàn nàn miệng mụ hôi. “Khiếp lắm,” hắn nhăn mặt, “tôi không đùa.” Hoá ra mụ sâu răng. Vì ăn quá nhiều sôcôla chính Mốt đã tặng, mụ phải đi nha sĩ lần đầu tiên trên đời. Mọi thứ đều đang rã rời, sụp đổ. Cái cơ thể có giá của mụ, lồng mạ vàng, xe quý, nó cứ lờ những mơ màng của chủ để chúi theo con đường riêng, ọp ẹp, lăn bừa từ cái đỉnh huy hoàng, êm ả của tuổi xuân. Sợ bị Mốt bỏ, mụ đòi tăng lương.

Mụ có hai giọng hoàn toàn khác nhau, một khàn khàn mụ dùng để quyến rũ, và một nhõng nhẽo mụ dùng để phàn nàn, “Tụi mình ăn ở đã ba năm rồi, mà em có được gì đâu? Chẳng được khỉ khô. Anh dùng em như miếng giẻ rách, lau chùi bàn chưn, nhốt em trong nhà như tại Hoả Lò vậy, còn hổng cho bạn bè tới lui. Vài năm nữa em già khằn, anh cũng chẳng thèm đến nữa.”

Mốt nhìn cái mặt nũng nịu của Luân Sài Gòn. Mỗi bên một chiếc bông 18 cà-rát, như hai giọt lệ khổng lồ, hắn mua kỳ sinh nhật vừa rồi. “Tôi đã bảo em bao nhiêu lần? Tôi sẽ không bao giờ bỏ em.”

“Anh phải cho em đủ tiền để làm ăn chứ? Em tính làm thợ uốn tóc. Hổng phải thợ bèo, nhe hông, mà cao cấp. Em phải có thẩm mỹ viện hẳn hoi, với 3, 4 nhơn viên, anh thừa biết em không thể lao động mỗi ngày, nhưng em giỏi quản lý. Anh phải nghĩ đến tương lai của con trai chúng mình chứ?”

Tuy Mốt không cho tiền Luân Sài Gòn mở thẩm mỹ viện, hắn hứa là hắn sẽ yêu quý mụ nhất đời, và sẽ không bao giờ bỏ mụ. Quả thật, hắn giữ lời hứa.

Tuy vợ lớn của Mốt đã nghe tin đồn về Luân Sài Gòn, mụ sợ chồng quá nên không giám ó é. Khi Hoàng Long bốn tuổi, mụ lại có bầu. Một ngày sau khi đẻ, Mốt lại nhà thương thăm mụ.

Mốt ghét tất cả nhà thương vì cái mùi chất hoá học tẩy uế và sự pha trộn âu sầu giữa kinh hãi, đau đớn tột đỉnh và hy vọng. Có những kẻ tàn ác thì lại thích lảng vảng gần nhà thương để cảm thấy mình được may mắn, yêu đời hơn, nhưng Mốt thì không. Tuy vậy, điều lạ nhất về việc Mốt đến nhà thương là hắn không đi một mình, mà với vợ bé.

Một ma sơ dẫn Mốt đến phòng riêng của vợ tại Saint Judas, nhà thương sang nhất vùng Cần Thơ, sạch sẽ, phục vụ răm rắp, phòng nào cũng có quạt trần, không bao giờ hai bệnh nhân một giường. Thức ăn cũng tuyệt vời. Đi xàng xê dưới mái hiên vô tận, vai bên phải ngả nghiêng, bà ma sơ già cố bắt chuyện nhưng Mốt chẳng thèm nghe. Cuối cùng họ quẹo vào một phòng sáng sủa. Vừa hoàn hồn từ một giấc ngủ kinh hoàng, vợ Mốt mặt xanh xao, mồ hôi lốm đốm trán. Mụ bị lùa từ ác mộng này đến ác mộng khác. Mụ thấy một con dơi chĩa cái đầu choắt, lạnh ngắt vào miệng mụ, buộc mụ phải cắn đứt. Rồi ai lại dúi đầu mụ vào một bát nước nguội, đầy nòng nọc. Trong ác mộng cuối, làm mụ choàng tỉnh, mụ thấy mình nằm ngoài đường, trần truồng, nhơ nhuốc, dưới một bầu trời nhờ nhờ trắng từ mặt trời sắp lên.

Vẫn lừ đừ, mụ nghe cửa mở, thấy chồng, mụ cười. Nhìn lên khuôn mặt lơ lửng của thằng chồng, mụ phát hiện những sợi lông dày sậm, tia tỉa từ lỗ mũi, cần phải hớt cấp tốc. Thật là tội nghiệp, mụ nghĩ, tui nằm nhà thương có hai ngày mà chồng tui đã hốc hác, lôi thôi. Đứng cạnh giường vợ, với Luân Sài Gòn tươi cười bên cạnh, Mốt lấy hơi, rồi bắt đầu, “Vợ chồng mình sống giả dối đã bao nhiêu năm và tôi hết chịu nổi rồi. Tôi không từng yêu bà, chẳng yêu tí nào, và tôi chắc chắn là bà cũng chẳng yêu tôi. Rõ ràng là tôi với bà hoàn toàn lãnh cảm đối với nhau. Thậm chí tôi với bà ghét nhau, ghét nhau lắm, chỉ thiếu can đảm để thú nhận. Thật sự thì tôi không ghét bà, tôi kính trọng bà, nhưng tôi không yêu bà. Nhìn mặt bà mỗi ngày, đối với tôi, y như là xuống hoả ngục vậy. Tôi cũng không chịu nổi cái thể xác của bà, hay nghe bà nũng nịu, làm dáng, nhõng nhẽo, âu yếm vờ vịt, vớ vẩn trên giường ngủ. Những điều này không phải là lỗi của bà, dĩ nhiên, nhưng đây là cảm xúc của tôi, và tôi không thể đóng kịch nữa. Vì vậy chúng mình phải cắt đứt, phải bế mạc cái trò hề này ngay lập tức! Tôi sẽ chờ bà rời bệnh viện, rồi làm thủ tục ly dị. Thời buổi văn minh, con người phải tôn trọng quyền tự do của nhau, bà hiểu hông?”

Chăm chăm phân giải, Mốt không để ý là vợ hắn đã chết ngắc. Miệng mụ há hốc trong một nỗi phẫn nộ không lời, mắt mở toang.

Qua đêm, Hoàng Long có thêm một em gái, một em trai cùng cha, khác mẹ, và một mẹ ghẻ. Vừa dọn đến, Luân Sài Gòn tẩy uế nhà cửa bằng cách tháo hết hình chụp của bà lớn, từ những khung ảnh, anbum và phong bì, rồi đốt hết. Mụ cũng đốt tất cả những miếng giấy có ghi tên bà lớn, kể cả giấy khai sinh, hôn thú và khai tử. Rải tro xuống sông, mụ tuyên bố với cặp mắt lóng lánh, “Linh hồn bà ấy sẽ được trôi ra biển, để được an bình vĩnh viễn.” Chỉ còn là bột xám, linh hồn người đàn bà đã khuất nhoà vào những thứ nhớp nháp đang chảy theo dòng sông Cửu Long, một con trăn khổng lồ luôn luôn gồng mình để luồn về biển, bụng nó đầy ắp những mảnh vụn, cụm tế bào chưa tiêu hoá từ xác người, mèo, chuột, lược không răng, tăm và chốt gỉ của những quả lựu đạn. Luân Sài Gòn cũng đem cho tất cả quần áo của bà lớn, và bảo Mốt rằng mụ sẽ không bao giờ nằm trên giường của bà ấy, khiến Mốt phải mua giường mới, lớn hơn, với một tấm ván đầu giường rất cầu kỳ.

Mốt không hài lòng với thái độ của Hoàng Long đối với mẹ ghẻ mới. Thằng bé không chịu kêu mụ là “má,” thậm chí nó không thèm nhìn mụ. Quất lên lưng nó bằng roi mây, Mốt hét, “Vợ tao là má mày! Mày hiểu hông?” Nằm lăn dưới sàn, thằng bé không khóc mà nhìn trừng trừng vào mặt cha nó, nhếch môi, khiến Mốt còn quất nó mạnh hơn. Cuối cùng hai cha con phải tạm hoà. Sau hai tuần bị đánh liên miên, Hoàng Long chịu gọi Luân Sài Gòn là “dì,” nhưng với một giọng nói không hơi, máy móc, gần như không nghe được.

Lúc đó, Luân Sài Gòn phải bận tâm về một vấn đề trầm trọng hơn nhiều. Mỗi lần vào nhà, mụ đều có thể nghe tiếng người thở, và tiếng chân ai đang đi theo mình. Gáy mụ cũng thường xuyên lạnh buốt. Mỗi lần nhìn vào gương, mụ lại thấy một khuôn mặt lờ mờ, đang bị nhoà đi—luôn luôn là cái mặt đó. Mụ vẽ hình X lên tất cả chiếc gương nhưng không xua được bóng ma này. Kể cả trên giường, với Mốt chồng lên thân mụ, mụ cũng không cảm thấy an toàn. Luôn luôn là cái mặt đó, cái mặt của một người đàn bà đang thét không ra tiếng, mụ thấy lơ lửng nhịp nhàng qua đầu mụ, trong khi Mốt lại đang hùng hục lao tới một tột đỉnh bất tận của riêng hắn.

 

 

-------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021