thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Món quà của gió

 

 

MÓN QUÀ CỦA GIÓ

 

Trên bờ biển, lão B. lại nhặt được một thứ gì đó. Một thứ gì kỳ diệu mà tôi không thể xác định dù là với B. nó rất bình thường, có phải thế không?

Tuy nhiên, khi lão đến gần, tôi nhận ra đó chỉ là một chiếc mũ. Một chiếc mũ dạ đàn ông, màu xám tro.

“Chiếc mũ đẹp nhỉ,” tôi nói, “có vẻ hợp với lão lắm. Sao không đội thử xem?”

Vẫn cầm mũ trên tay, lão B. đáp, “Đây là món quà của gió, không phải là mũ của ta!”

“Thì sao chứ? Gió tung hứng thôi mà. Chỉ để chơi.”

“Không chơi được. Biết đâu...”

“Biết đâu? Một chiếc mũ phớt thì có gì mà ngại?”

“Nếu như nó không chỉ là một chiếc mũ thì sao?”

Tôi có cảm giác rất lạ, rằng chính những câu hỏi của tôi đã đẩy sự tình đi xa, nhưng cũng có thể rằng ngay từ đầu lão B. đã nhìn thấy một điều gì đó ở chiếc mũ dạ mà gió đưa đến.

Với tôi, chiếc mũ chỉ là chiếc mũ. Nhưng với nhà thơ B. thì cái nhìn như vậy chỉ là một sự đơn điệu khủng khiếp!

“Sao cơ?” tôi hỏi.

“Cái mũ dạ này,” lão B. nói “có thể là ai đó.”

“Khi nào có ai đó đến đòi lại thì ta sẽ biết ngay, phải không?”

“Không. Điều ta sợ là: một người nào đó đã hoá thành cái mũ này.”

Sự tình đã đi xa, tôi đã biết, nhưng không ngờ xa đến mức này.

“Cái mũ này ư?”

“Có gì mà lạ? Thế giới này chỉ là một cuộc chuyển hoá. Đừng vờ là ngươi chẳng biết gì!”

“Đúng thế! Nhưng đã từng có trường hợp ai đó hoá thành một chiếc mũ sao?”

“Có chứ. Không tin à?”

“Đó là ai mới được?”

“Ta đây. Chính ta đã từng hoá thành một chiếc mũ, mi biết không?”

Đây là câu chuyện mà tôi đang đợi. Như thể tôi đã phát minh sẵn những câu hỏi. Và biết rằng mình sẽ được hồi đáp độ lượng, hào hoa!

“A! Thật chứ,” tôi reo lên “khi nào thế, lão B.?”

“Vào năm ta mới mười tám tuổi.”

Tôi chưa bao giờ biết lão B. đã từng mười tám tuổi. Dường như mới sinh, lão đã già rồi vậy. Mà tâm hồn thì càng ngày càng trẻ.

“Làm ơn kể cho nghe lúc lão mười tám tuổi, vào đúng hôm lão hoá thành chiếc mũ ấy đi!”

Không xa chúng tôi, một cây bàng to lớn lặng lờ toả bóng, với tán lá đỏ rực, như thể cây đang bốc cháy. Không ai bảo ai, chúng tôi đi về phía đó, nơi bờ biển đã thưa người và nền trời hồng hoang hoải lộng gió sau tán lá màu lửa.

Ngồi dưới gốc cây bàng như chiếc mũ đỏ khổng lồ ấy, lão B. bắt đầu câu chuyện của mình về một cuộc hoá thân.

Dạo đó, ta vừa vào đại học. Nhưng ít khi ta đến trường. Chỉ vài buổi lên giảng đường đầu tiên, ta đã ngán ngẩm. Ta thuê một gác trọ ở ngoại ô để được tự do. Hay ít ra cũng tự do hơn các bạn của ta ở ký túc xá.

Dạo đó, ta hơi giống mi, ngốc ạ! Nghĩa là mọt sách và hơi sợ phụ nữ. Tự do đối với ta lúc đó chỉ có nghĩa là được yên thân sống với thế giới trong sách.

Kể ra thì cũng tạm ổn với đời sống mới ấy.

Nhưng rồi, một chút phiền hà bắt đầu xuất hiện. Cô con gái của bà chủ trọ có vẻ thích ta. Cô có gương mặt khá xoàng, lại hơi rầu rĩ. Chúi mũi vào tiểu thuyết, loại dễ dãi ướt át, cô đọc để được thổn thức cùng với những mối tình lâm ly.

Khi ta trọ được chưa đầy tháng thì dường như cô quyết định rằng ta giống với một nhân vật tiểu thuyết nào đó mà cô say đắm. Dạo đó, tivi chưa phổ biến. Thế giới đối với cô chỉ là tiểu thuyết và cái ngoại ô buồn tẻ.

Không phải cô bắt chước một nhân vật ảo nào. Mà là, cô bắt cuộc đời bắt chước thế giới hư cấu. Và ta là một hiện thân đương nhiên của cuộc đời + hư cấu ấy.

Dạo đó, ta chỉ tin vào hiện thực, một hiện thực kiểu Dostoievsky, một hiện thực “dưới hầm”!

Mỗi khi cô gái lên gác tìm ta, ta đều lúng túng không biết phải cư xử thế nào.

“Sao sách anh lắm thế,” cô hỏi ta “tiểu thuyết à?”

Tất nhiên là ta có đọc nhiều tiểu thuyết, nhưng không phải là loại mà cô có thể hiểu được.

“Không có tiểu thuyết nào ở đây,” ta đành phải nói. “Chỉ là sách học.”

“Eo ôi!” cô nhìn ta với ánh mắt ngưỡng mộ. Thế này mới là sinh viên chứ. Học như thế chắc chắn sẽ thành tài thôi. Nhưng “thành tài” là thế nào ta cũng không biết dù đối với cô, điều đó rất vĩ đại!

Cô sống với mẹ ở tầng trệt. Những khi mẹ đi vắng, cô thường tìm cớ lên phòng ta, vừa trò chuyện, vừa dọn dẹp căn phòng cho ngăn nắp hơn, mặc kệ ta gắt gỏng, bảo cô nên để nguyên mọi thứ ở đúng chỗ cô đang thấy, thì tốt hơn.

Hiển nhiên là ta sợ cái mà cô đang muốn dọn dẹp cho ngăn nắp chính là bản thân ta.

Một hôm ta thức khuya và dậy muộn. Ta có một giấc mơ.

Có một chiếc mũ dạ màu trắng tuyết đang bay lên một dốc đồi. Không có gió. Nó bay bằng ý chí, dựa vào một đôi cánh vô hình. Và ta đang chạy đuổi theo chiếc mũ. Chạy đến bở hơi mới nhận ra rằng không có ai là người đang chạy, rằng không có ai đang mất mũ. Chiếc mũ chỉ bay một mình nhưng lại tưởng rằng mình đang đánh rơi chính mình, vậy là tự đuổi bắt mình.

Vì chiếc mũ ấy chính là ta. Đó không phải là một biểu tượng. Không phải là vương miện. Không phải là vòng hoa. Không phải là khăn trùm. Cũng không phải là nóc nhà hay vòm thánh đường nào hình mũ.

Đó chỉ là ta. Chiếc mũ dạ màu trắng tuyết đang bay ấy chính là ta.

A ha, ta đang bay. Thích quá! Ta nhẹ như chim, như mây, như lá. Chưa bao giờ lại nhẹ nhàng thanh thoát thế này.

Nhưng bỗng dưng có một sự hụt hẫng. Đôi cánh vô hình biến mất. Đó không phải là đôi cánh mà chỉ là một quyền năng.

Hết quyền năng, chiếc mũ rơi. Rơi xuyên qua một mái ngói ở ngoại ô...

Và ta va mình vào chiếc chiếu trên chiếc giường gỗ cũ kỹ. Thức giấc. Nhưng thức giấc trong tình trạng bản thân vẫn còn là một chiếc mũ. Đúng nguyên chiếc mũ dạ trắng tuyết. Nghĩa là một chiếc mũ phớt với ý thức mình là người trước giấc mơ, là sinh viên, là B. trước giấc mơ.

Vậy, bây giờ là thời gian nào? Ta tin rằng, đây là thời gian sau giấc mơ. Chỉ có điều, chiếc mũ phớt trắng vẫn kéo dài hiện hữu của nó đến tận phút giây này. Nó bay trong giấc mơ và bây giờ nó nằm yên trên chiếu.

Chiếc mũ phớt trắng nằm yên trên giường ta như ta đã nằm. Chỉ có điều là chiếm chỗ ít hơn ta, một không gian vừa với một chiếc mũ bình thường ngay dưới chiếc gối.

Ta là người hầu như không bao giờ đội mũ, nay lại hoá thành một chiếc mũ. Nói cách khác, ta chưa từng mua chiếc mũ nào. Quê hương ta không có nhiều nắng như thành phố này. Vậy đây có phải là chiếc mũ đầu tiên ta có trong đời?

Không! Đâu phải ta đang CÓ mũ, ta đang LÀ mũ kia mà.

Tình cảnh ta còn tồi tệ hơn nhân vật “Người bán mũ” mà cô bé Alice đã gặp trong xứ sở kỳ diệu trong quyển kỳ thư mà ta cũng vừa mới đọc đấy thôi.

______________________________________________

Vua bảo người làm mũ:

- Bỏ mũ ra!

Người làm mũ nói:

- Không phải mũ của tôi.

Vua kêu lên, quay sang hội thẩm đoàn.

- Đánh cắp!

Và lập tức hội thẩm đoàn ghi vào biên bản sự kiện đó.

Người làm mũ bèn giải thích:

- Mũ này là để bán. Tôi chẳng có cái mũ nào cho riêng mình cả. Tôi là người làm mũ mà.

______________________________________________

Giống như người làm mũ của Lewis Carroll, ta không thể đưa ra chứng cứ gì về việc ta có đánh cắp hay không chiếc mũ hiện đang dửng dưng có đó.

Có thể là ta đánh cắp nó (ta) từ giấc mơ của chính ta.

- Mũ này là để mơ. Ta chẳng có cái mũ nào cho riêng mình cả. Ta là người làm ra những giấc mơ mà.

Ta thấy mình đang giải thích như thế, theo giọng Người làm mũ, trước một hội thẩm đoàn vô hình.

Đúng lúc ấy thì cô gái con bà chủ trọ vào phòng ta sau khi gõ cửa mà không thấy thưa thốt gì.

Đưa mắt khắp phòng tìm ta, cô thất vọng nói lớn, “Đi đâu mà sớm thế không biết?”

Nhìn thấy chiếc mũ dạ trên giường, cô ngạc nhiên cầm nó lên, lẩm bẩm, “Sao không bao giờ thấy anh ấy đội cái mũ này nhỉ?”

Những ngón tay bụ bẫm của cô mân mê chiếc mũ từ vành cho đến chóp.

Trong hình hài chiếc mũ, ta vẫn còn cảm giác của một con người được mơn trớn, lấy làm thích thú. Sự dịu dàng rất nữ tính của cô làm ta cảm thấy biết ơn và hài lòng.

Đến trước gương, cô ướm thử chiếc mũ dạ trắng lên đầu mình, lên mái tóc mới gội thơm phức mùi bồ kết. Ta nhìn thấy nụ cười tinh nghịch của cô trong chiếc gương mà cô mang lên phòng ta cách đây không lâu, tự treo nó lên vách cho ta. Đây chỉ là một trong nhiều hành động nho nhỏ đầy sự quan tâm chăm sóc cô thường dành cho ta mà ta không có quyền từ chối.

Chưa bao giờ ta ở vị trí này, “ngồi” trên đầu một cô gái. Từ đó ta có thể nhìn xuống thân hình cô, như thể từ một cửa sổ, ta nhìn xuống mặt tiền ngôi nhà của mình.

Và ta nhận ra cô vẫn còn mặc áo ngủ. Cố tình hay vô ý, cô cứ mặc chiếc áo dành cho đêm tối ấy vào thẳng phòng ta.

Dù gương mặt cô không mấy đẹp nhưng thân hình cô rất cân đối. Khuôn ngực cô lại rất đầy đặn, trắng mượt như chiếc mũ phớt cô đang đội, mà ta có thể nhìn thấy qua khoảng cổ rộng của chiếc áo ngủ bằng lụa màu thiên thanh. Cái khe hở khá sâu giữa đôi bờ vú căng nõn làm ta thấy choáng váng. Nói cho cùng, đó cũng là một bờ vực.

Thế rồi, lại không hiểu sao, cô đặt ta (trong hình hài chiếc mũ) lên ngực, phía bên trái. Nói rõ hơn, trọn bầu vú trái sau làn lụa mỏng của cô nằm trong lòng chiếc mũ phớt.

Phớt ư? Chẳng thể nào phớt lờ cho được.

Dù đã hoá thành chiếc mũ phớt, ta vẫn còn nguyên ý thức và cảm giác.

Trọn vẹn cảm nghiệm của buổi sớm mai đó thật là kỳ diệu, không thể quên được. Lần đầu tiên ta tiếp xúc với một làn da tươi mát đến vậy.

Có điều, ta không thể cử động gì được, y như bị bó chặt trong một bao vải nhỏ, chẳng khác nào một con mèo vừa bị tóm bắt!

Vậy mà mỗi ve vuốt, mỗi cọ mài với làn da nõn nà đầy căng ấy vẫn gây khoái cảm tinh khôi.

Cô gái hàng ngày ta gặp bỗng dưng khác hẳn, biến đổi thành một tình nhân. Chẳng còn gi không đẹp nữa, từ chân mày đến ngón chân!

Bầu vú ấy, thân thể ấy vừa mới tắm gội thật sạch, thật thơm tho, như chỉ để dành riêng cho ta. Ta ôm niềm hoan lạc của mình vào trong chiếc mũ dạ.

Một chốc sau, cô gái ngồi dậy. Ta nghe một tiếng thở dài. Cô đang chờ đợi một điều gì đó và điều đó đã không xảy ra.

Rồi cô ra cửa sổ nhìn xuống đường, đưa mắt nhìn khắp nơi, dường như đang tìm ta đâu đó. Trên đầu cô vẫn là ta, chiếc mũ dạ trắng tuyết.

Bất ngờ, một cơn gió mạnh tốc qua, thổi bay chiếc mũ ra khỏi mái tóc mượt của cô gái.

Hốt hoảng, cô gái chạy xuống gác, lao ra đường phố, đi tìm chiếc mũ.

Ta nhắm mắt lại (chỉ là cảm giác) khi rơi. Lúc này mà trở lại làm người thì tan xương nát thịt mất.

Nhưng khi chiếc mũ vừa tiếp đất thì lập tức, biến hoá lại làm B., một sinh viên lười lĩnh, như trước buổi sớm mai này.

Ta thấy mình nằm trên một vạt cỏ bên lề đường. Thật may! Rơi tự do mà đúng chỗ ghê!

Lồm cồm ngồi dậy, đứng lên, phủi quần áo, đưa mắt nhìn quanh. Ta đang tìm gì vậy? À, tìm ta, tức là tìm chiếc mũ phớt trắng hồi nãy.

Nhưng tất nhiên là chỉ có ta trong hình hài của B. một con người.

Lúc là chiếc mũ, ta tìm con người của ta. Bây giờ ta tìm kiếm chiếc mũ nào vậy?

Cô gái đang rảo bước đi đến gần ta.

“Anh đi đâu sớm thế?” cô hỏi, ánh mắt lấp lánh niềm vui mặc dù bộ ngực mơn mởn hãy còn hổn ha hổn hển. “Có thấy chiếc mũ của anh rơi xuống dưới này không?”

“À, không...” ta lúng túng đáp, “chiếc mũ ư?”

“Vậy là em làm mất chiếc mũ của anh rồi. Xin lỗi nhá! Em sẽ mua đền cho anh một chiếc mũ mới.”

“Mũ mới à,” ta hốt hoảng, “Không...”

“Anh phải đội mũ,” cô quả quyết nói, “như mọi người!”

“Để làm gì? Không sao đâu, chiếc mũ ấy là tôi... nhặt được hôm qua. Tôi đâu có thói quen dùng mũ.”

Cô lắc đầu. Bướng bỉnh. Cô quyết định thay ta. Rằng ai cũng cần đội mũ. Chẳng phải thế sao? Nếu không ai chăm sóc, không ai nhắc nhở, thì ta sẽ ra sao?

Ta suýt nổi cáu. Nhưng nhìn thầy gương mặt đầy thương cảm của cô (vì ta mất nón ư?) ta đâm ra rầu rĩ, sợ mình đang rơi xuống vực thẳm mà cô vừa đào trong một không gian nhỏ hẹp bao gồm cô và ta!

Để không tranh luận về chiếc mũ nữa, ta bảo cô gái hãy quên đi mọi chuyện. Ta phải lên gác, thay đồ và... đi học.

“Lúc đi học về,” cô nói, rất dứt khoát, “anh sẽ có chiếc mũ mới tinh, và đẹp nữa!”

Tôi thừa biết rằng thật là vô ích nếu tranh luận với lão B.

Rằng biến cố mà lão kể (hoá thành chiếc mũ vào buổi sớm mai năm mười tám tuổi) chỉ là giấc mơ kéo dài của lão khi trời gần sáng thôi. Vả lại, đối với lão B., mơ và thực có khác gì nhau đâu.

Thế nên tôi chỉ hỏi, “Sau đó thì sao?”

Sau sự tình ấy, viện lý do phải làm việc chung với các bạn, ta dọn vào ký túc xá Đại học. Ta không muốn, vì khe hở giữa đôi bờ vú chín mọng của cô, mà rơi xuống một khe vực sâu hơn thế. A, mà cái khe vực ấy mới thật là đẹp! Chẳng biết là ta khôn hay dại.

“Còn bây giờ,” tôi hỏi, “lão định làm gì với chiếc mũ này?”

Vút một cái, lão B. tung chiếc mũ dạ màu xám tro mà lão nhận được từ gió, về phía đồi cát.

Vừa có cơn gió lốc, chiếc mũ bị cuốn phăng, nhanh chóng biến mất sau triền dốc, khuất hẳn tầm mắt chúng tôi.

Ngay lúc đó, một người đàn ông bệ vệ, sang trọng nhô lên từ bên kia triền dốc. Đeo kính râm, chống gậy, đội mũ phớt.

Tôi không biết chiếc mũ phớt mà người khách lạ đội có phải chính là chiếc mũ lão B. vừa ném đi không?

Khoảng cách giữa chúng tôi và người lạ khá xa, không thể nói được điều gì.

Tôi nhìn sang lão B.

“Thấy chưa,” lão B. reo lên. “Gã đàn ông đó! Gã chính là chiếc mũ xám mà ta vừa ném đi!”

Tôi chỉ biết cười.

“Còn chiếc mũ gã đang đội trên đầu thì sao?”

“Hai chuyện đó khác nhau mà! Có gì không hiểu?”

“Thật sao? Ta đến hỏi gã ta xem hư thực thế nào, được không?”

“Mi cho rằng gã ta sẽ nhớ cuộc biến hoá của mình ư?”

“Nhưng chẳng phải lão nhớ rõ chuyện biến hoá như vậy từ năm mười tám tuổi sao?”

“Ta thì khác,” lão B. đáp. “Ta là kẻ duy nhất nhớ rõ các cuộc chuyển hoá của mình trong đời này, và có thể trong nhiều kiếp khác. Ta trôi lăn trong lục đạo mỗi ngày. Khi ta đang ở cảnh giới nào, ta ý thức được điều đó. Thiên hạ thì khác, họ quên.”

“Lão không thấy rằng đôi khi cũng cần phải xoá ký ức đi?”

“Đúng vậy. Ta đã từng xoá bỏ nhiều ký ức. Nhưng ký ức về chiếc mũ dạ trắng tuyết thì ta muốn giữ lại.”

“Tại sao?”

“Người phải tự tìm hiểu lấy. Chính ta cũng tự tìm hiểu về ký ức ấy. Câu chuyện của ta là vậy!”

 

 

 

---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021