thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THANG MÁY SÀI GÒN [chương 7-8]

 

 

CHƯƠNG 7

Paris

 

Tòa nhà bảy tầng, hai cánh cổng màu xám, kiên cố như một nhà tù.

Đồng hồ đeo tay chỉ số 15. Đã một tiếng trôi qua kể từ lúc Paul Polotski biến mất sau hai cánh cổng màu xám. Cô không biết ông ta vào căn hộ nào, để gặp ai và sẽ còn ở lại bao lâu. Tất cả những gì mà cô có thể làm được là đi theo đối tượng.

Hôm nay, Paul Polotski không ra vườn hoa ngồi đọc báo như mọi khi. Hết giờ lên lớp, từ cổng trường, ông ta bất ngờ đi về phía bến tàu điện ngầm, với một tốc độ chóng mặt. Cô vội vàng theo sau. Đối tượng của cô dường như càng đi càng nhanh, khiến cô phải đánh vật với một đoàn khách du lịch Bắc Âu lừng lững, vài mét dừng lại chụp ảnh một lần. Tim đập loạn xạ, cô cảm giác như trước mắt hiện ra một con người khác. Polotski tỏ ra thuộc đường như lòng bàn tay. Ông ta thoăn thoắt xuống tàu điện ngầm, đi vài bến lại đổi, qua những hành lang dài với rất nhiều ngã rẽ, chưa lần nào dừng lại tìm bảng chỉ đường. Phần lớn thời gian cô phải nín thở mới không bị bỏ rơi. Tới bến cuối của đường số 4, khi tàu vừa dừng, ông ta bước ngay ra ngoài và nhanh chóng lướt vào một hành lang nhỏ dẫn tới một hành lang nhỏ hơn nữa, chưa đầy phút sau đã lên tới mặt đường, rồi lại cắm cúi bước, còn nhanh hơn cả lúc nãy, dường như được thôi thúc vì sắp tới đích.

Thế nên cô hốt hoảng khi ông ta đột ngột giảm tốc độ lúc đi qua cầu sắt. Cầu vắng tanh. Trời 39° mà sống lưng cô đẫm mồ hôi lạnh. Nếu Polotski quay đầu, thế nào cũng phát hiện bị theo dõi ngay sau lưng. May mà ông ta chỉ bước chậm hơn để nhìn ra xa, về phía những khu nhà cao tầng nứt nẻ giữa nắng hè. Dưới kia là xa lộ nườm nượp mấy làn xe. Một xe tải khổng lồ của siêu thị Hoa kiều lảo đảo dạt vào vệ đường. Đến gần đầu cầu bên kia thì Polotski dừng hẳn lại, đặt cặp và áo khoác trên lan can. Cô đã ngờ sẽ còn phải đợi lâu thì đối tượng thình lình cúi xuống lôi ra một cặp kính râm thay thế cặp kính to bản, đưa tay vuốt tóc và tiếp tục lên đường. Buổi tối về nhà, giở bản đồ, cô mới hay cầu sắt là ranh giới giữa Paris và thị trấn nhỏ có tên Montrouge. Đấy là lần đầu tiên cô đặt chân ra ngoại ô phía Nam.

Một tiếng tiếp theo ngắn hơn nhờ chị gác cổng. Chị gác cổng theo bố mẹ sang Pháp từ nửa thế kỷ trước, nói tiếng Việt giọng Thanh Hóa. Chị đuổi theo đứa con gái út không thành, bèn đem nỗi sầu trút cả vào cô lúc ấy đang đi lại bên ngoài đợi Polotski.

- Vì chúng tôi quen miệng gọi nó là “công chúa An Nam”, nên nó mắc bệnh hoang tưởng. Nó nào biết để có thể trả cho nó tiền váy áo, tiền học ba lê cổ điển và đàn tam thập lục, ngoài giờ gác cổng tôi phải tắm rửa cắt móng tay cho cả chục phụ lão trong khu, bố nó thì hằng ngày hết mười tiếng lắc chảo ở quán ăn chính lại lắc thêm vài tiếng nữa ở quán ăn phụ, thứ Bảy và Chủ nhật tiếp tục lắc, để đóng hộp phục vụ khách hàng siêu thị. Nó nào biết chúng tôi đã mượn tiền của ngân hàng và người quen, nhưng thay vì mua một căn hộ tử tế thì mua một Mercedes mui trần để chở nó đến trường và đi đây đi đó. Nó chỉ thích ra khỏi nhà vì cứ rời căn phòng chật hẹp thiếu ánh sáng nhưng thừa mùi mì xào, mặc một bộ váy lụa trắng đính ngọc trai, ngồi lên ghế sau của Mercedes mui trần là nó trở thành công chúa. Ở cổng trường, ở cửa hàng quần áo, ở các lớp học thêm, người ta nhìn nó ngưỡng mộ, người ta tưởng chúng tôi là ô-sin và tài xế của bố mẹ nó. Càng lớn bệnh hoang tưởng của nó càng trầm trọng, tới độ nó ngờ rằng đã bị bắt cóc khỏi hoàng cung từ lúc mới đẻ và kẻ chủ mưu chính là chúng tôi. Đầu năm nay nó bắt cả nhà đi thử ADN.

- Vô lý không?

Chị gác cổng nói xong phải đập vào vai, cô mới gật đầu. Câu chuyện kỳ quặc, cô nghe không bỏ sót từ nào, nhưng đúng lúc chị ta đặt câu hỏi thì hai cánh cổng xám đột ngột mở toang và một nhóm cán bộ hưu trí xuất hiện, người xách túi du lịch, người kéo va li. Hai chiếc mini buýt màu bạc nối đuôi nhau lao tới. Cả bọn nhí nhảnh bước lên, sau một hồi bắt tay vỗ vai, hẹn ngày tái ngộ. Cô phải căng mắt nhìn xem Paul Polotski có nằm trong số đó. Cô chỉ gật đầu với chị gác cổng khi hai chiếc mini buýt bạc phóng vút đi, để lại hai đám khói cũng bạc. Vừa gật, cô vừa nghĩ có thể trong mấy phút nhộn nhạo mới đây, đối tượng của cô đã kịp rời khỏi khu nhà lúc nào mà cô không hay và bây giờ đang mải mê đếm bước trong một hành lang vô tận của một bến tàu điện ngầm nào đó. Chị gác cổng thì ngược lại, không để ý tới cả nhóm người lẫn hai chiếc mini buýt, tiếp tục than vãn đứa con gái út giờ đây liên tục bỏ học đi hoang. Lý luận của nó thế này: vợ chồng chị từ chối thử ADN chẳng qua vì sợ bị phát giác.

-Vô lý không?

Cô gật đầu nhưng chỉ được nửa chừng: hai cánh cổng xám lại đột ngột mở toang, từ trong ào ra năm sáu đứa trẻ. Cổng chưa kịp khép lại, lồ lộ hiện ra cái dáng lòng khòng của Polotski, đôi kính râm vẫn ngự giữa mặt. Không uể oải như mọi khi, cũng không thoăn thoắt như cách đây mấy tiếng, đối tượng của cô tay xách cặp, tay khoác vai một phụ nữ cũng lòng khòng không kém, mặc váy dài, khuôn mặt giấu kỹ dưới chiếc mũ rộng vành khổng lồ. Nhờ cái mũ này mà cô tìm ra họ mười phút sau, khi cả hai đã đi tới giữa phố và rơi vào đoàn người chuẩn bị sang đường. Mười phút ấy, cô nhấp nhổm, vừa tỏ ý muốn bỏ chạy là bị ngay những giọt nước mắt to tướng của chị gác cổng giữ lại. May mà “công chúa An Nam” bỗng dưng xuất hiện. Lướt qua khuôn mặt xanh như nhái bén của nó, cô cúi đầu bước thật nhanh, được một đoạn thì nghe tiếng gào Thanh Hóa. Không quay đầu, cô cũng biết chị gác cổng lại tóm trượt con bé.

Khu trung tâm với hai dãy cửa hiệu nằm dọc hai vỉa hè. Không xa là một tháp chuông nhà thờ bé như đồ chơi trẻ con. Mùa hạ giá đã lên đến đỉnh điểm, đường phố hỗn loạn chân và mùi. Lúc này, Polotski không đi cạnh người phụ nữ mà bước ngay sau lưng bà ta. Hai cái dáng lòng khòng cứ vừa đi vừa trò chuyện như giữa chốn không người. Nhưng cô chẳng nghe được từ nào do không khí ồn ào và người phụ nữ nói giọng rất khàn, khò khè nơi cổ họng, tới độ nhiều khi chính Polotski muốn nghe cũng phải ghé sát tai vào chiếc mũ rộng vành. Ông ta liên tục gật cặp kính râm và mấp máy môi, cũng không thành tiếng. Cô không rõ người phụ nữ có nghe thấy gì không. Rồi cô lại nghĩ có thể bà ta bị điếc cũng nên vì chẳng thấy bà ta gật hay lắc. Cuối cùng, để đỡ mỏi chân, cô tưởng tượng ra một chuyện tình lãng mạn, kiểu tiểu thuyết thế kỷ mười chín. Bộ váy dài, chiếc mũ rộng vành, tháp chuông nhà thờ, cặp kính râm, chàng và nàng … cũng khiến hai bàn chân cô nguôi ngoai được vài phút.

 

 

CHƯƠNG 8

Paris

 

Ở phía sau hay ở bên trái, cô luôn cố giữ khoảng cách một mét và để đánh lạc hướng, vừa đi vừa nhìn ngó như khách xem hàng. Được thêm mười lăm phút, cô chán ngấy, quyết định tiến lại gần và đã có lúc đứng sát hai đối tượng khi người phụ nữ dừng chân trước một tiệm bán mũ, Polotski cũng cum cúp dừng theo. Ngoẹo đầu ngó khuôn mặt bà ta trên chiếc gương lắp trong tủ kính, cô bị ánh nắng cuối ngày hắt thẳng vào mắt, nhưng bù lại, đã nghe được mẩu hội thoại sau đây:

- Lần nào qua cửa hàng, em cũng nhìn chiếc mũ này. Bao nhiêu năm rồi, nó vẫn nằm trên giá như đợi em. Em không hiểu tại sao đẹp như thế mà nó không được người nào mang đi.

- Sao em không bao giờ nói cho anh biết là em thích chiếc mũ này? Em còn giấu anh nhiều điều nữa phải không?

- Anh thấy đấy, tất cả đều quá muộn. Chiếc mũ đã không còn hợp với tuổi của em nữa. Những chuyện khác giờ đây anh có biết thì cũng giải quyết được gì cơ chứ.

Polotski ngừng nói và cô thấy thất vọng về những câu vơ vẩn giữa hai nhân vật. Rồi cô nghe tiếng ông ta thở hồng hộc. Người phụ nữ có vẻ muốn nói thêm nhưng cuối cùng chỉ quay lưng bước sang tủ kính cửa hàng bên cạnh. Polotski cúi đầu bước theo, tiếng thở cũng chẳng vì thế mà nhẹ nhàng. Cô lại cố giữ với hai đối tượng khoảng cách một mét, không dám thay đổi tốc độ vì sợ lộ và sợ ngã: mỗi khi ai đó định chen vào giữa đều bị cái dáng lòng khòng của Polotski đẩy bật trở ra. Sức khỏe của ông ta, cô bắt đầu thấy gờm.

Đường càng ngày càng đông. Cô phải luồn lách không ngừng giữa những thân thể đẫm mồ hôi và những chiếc túi ny lông căng phồng. Người phụ nữ lướt qua các tủ kính. Polotski lầm lũi theo sau, tiếng thở vẫn hồng hộc.

Tới trước một cửa hàng hoa giả, người phụ nữ thình lình quay đầu lại. Giá không có chiếc mũ rộng vành thì cô đã có thể tiếp cận trọn vẹn khuôn mặt của bà ta. Bắt đầu một hội thoại khác:

- Anh có nhớ bó hoa đầu tiên anh tặng em?

- Có chứ. Ngay từ khi nhìn thấy em, anh đã đoán được là em thích hoa tử đinh hương.

- Anh chưa bao giờ tặng em hoa hồng đỏ.

- Ừ, anh biết là em không thích.

Cô thở dài. Đến bao giờ hai nhân vật mới thôi nói với nhau những câu vơ vẩn kiểu này. Rồi cô bắt đầu cảm thấy tiếc cho một buổi chiều vô ích. Nhưng ngay lập tức cô phải thay đổi ý kiến: Polotski bất ngờ bước lên ôm lấy vai người phụ nữ, còn bà ta thì quay ngoắt người, lách đám đông, bước thẳng xuống lòng đường. Một chiếc taxi từ đâu lao tới. Cửa sau vừa mở, bà ta lập tức leo lên, tự tay sập cửa rồi xe lại vút đi.

Tất cả diễn ra trong vòng vài phút. Cô chỉ biết ngẩn người nhìn theo. Một lát sau, khi đã hoàn hồn, cô quay sang bên cạnh: Polotski cũng đứng ngây như trời trồng. Từ xa một cặp nam nữ hớt hải chạy lại, tay nào tay nấy mấy túi ny lông, mắt hút theo luồng khói mỏng, miệng kêu trời. Hóa ra chính họ nửa tiếng trước đã gọi điện đặt taxi, gọi đến chục số mới được chiếc này, nhưng chưa kịp ra khỏi cửa hàng thì đã bị người phụ nữ đội mũ rộng vành nẫng mất.

Mươi phút trôi qua, Polotski vẫn còn ở trong cơn choáng. Ông ta cứ đứng nguyên chỗ ấy, giữa vỉa hè, đầu quay về hướng taxi vừa đi, cặp kính đen càng đen hơn giữa khuôn mặt trắng và mái tóc cũng trắng. Cô đứng cách ông ta vài bước chân. Cô chỉ lo đối tượng của mình có thể ngã vật xuống bất kỳ lúc nào, nếu không vì một cơn đau tim cấp tính thì cũng vì đám đông rầm rập xung quanh, những thân thể đẫm mồ hôi ôm những túi ny lông căng phồng. Không ít lần cô phân vân, vừa muốn chạy tới đỡ lấy ông ta, vừa muốn đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ta tiếp tục đứng như thế, y hệt như cách đây vài hôm, ở vườn hoa công cộng, khi trời Paris đột ngột đổ một cơn mưa nhiệt đới.

Đúng vào lúc mà cô cảm thấy cổ họng khô rát, định ghé siêu thị bên đường mua một chai nước nhỏ thì Polotski bừng tỉnh, rùng mình, rồi lập tức xốc lại áo, chỉnh lại kính, vuốt lại tóc, và lặng lẽ bước đi. Cô đành ghìm cơn khát chưa bao giờ khổ sở như thế để cùng ông ta ngược lại đoạn đường ban chiều, về phía cầu sắt giờ đây bơ phờ và nóng như nung.

Dưới xa lộ, xe cộ vẫn chạy như mắc cửi. Chiếc xe tải khổng lồ của siêu thị Hoa kiều đã biến mất, thay vào đó là một đoàn ba chiếc hùng dũng của một công ty thực phẩm Bungari. Điều mà cô lo sợ đã xảy ra: Polotski không đi một mạch tới bến tàu điện ngầm, mà uể oải bước qua đầu cầu, uể oải dừng lại ở đúng chỗ lúc nãy, rồi sau khi vắt áo và để cặp lên lan can thì uể oải đưa mắt nhìn ra xa, nơi chẳng có gì ngoài mấy khu nhà cao tầng nứt nẻ.

Trên cầu vẫn chỉ có cô và ông ta. Sống lưng cô mồ hôi lạnh lại bắt đầu chảy. Bây giờ nếu ông ta bất ngờ quay lưng và túm cổ cô ném xuống xa lộ thì tối nay thằng Mike sẽ chết đói ở đồn cảnh sát. Ông ta hoàn toàn có thể làm điều ấy vì ông ta khỏe hơn cô tưởng rất nhiều, còn cô thì ngược lại, yếu hơn cô tưởng rất nhiều.

Để quên cơn sợ, cô hình dung một chai nước chanh ướp lạnh hiệu Vitalia. Sau đó để quên chai nước chanh ướp lạnh, cô hình dung tiếp chuyện tình lãng mạn tiểu thuyết thế kỷ mười chín dở dang lúc nãy: trên cầu sắt này Polotski đã bao lần tới thăm người phụ nữ đội chiếc mũ rộng vành khổng lồ và lần nào cũng dừng chân ở đúng một chỗ. Ngày trước, những khu nhà kia mới hơn rất nhiều, thậm chí vừa xây xong, chưa có người dọn đến ở. Xa lộ cũng ít xe hơn, xe tải của siêu thị Hoa kiều chưa chạy ngược chạy xuôi như bây giờ. Chị gác cổng lúc đó mới có thai đứa con gái, ngày đêm mơ màng con bé sẽ xinh đẹp sang trọng như “công chúa An Nam”, mà chị được ngắm một lần duy nhất, trong họa báo Paris Match. Còn Polotski thì chưa biết thế nào là tuổi già, mắt vẫn trong veo. Người phụ nữ kia cũng còn rất trẻ, đội mũ hẹp vành và mặc váy ngắn quá đầu gối. Những buổi chiều mùa hè nóng nực hơn cả hôm nay. Những buổi chiều mùa đông ủ rũ, đôi khi có cả tuyết rơi. Những buổi chiều mùa thu mưa rả rích, lá vàng trôi giữa dòng sông. Những bông tử đinh hương rất có thể màu tím.

Thế còn mẹ? Mẹ ở chỗ nào trong câu chuyện đầy vẻ lãng mạn này? Cô thở dài tự hỏi khi cùng đối tượng rời khỏi cầu sắt.

Dưới tàu điện ngầm, trong một hành lang mênh mông của bến Montparnasse, lúc cô dừng lại trước máy tự động để mua một chai nước chanh ướp lạnh hiệu Vitalia, thì Polotski đã bất ngờ biến mất.

 

[còn tiếp]

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021