thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản? — Đề cao sự đơn giản: cái sai vẫn còn đó

 

Lời toà soạn:
Bắt đầu từ tháng 8/2007, Tiền Vệ mở thêm mục “Thảo luận trong tháng”. Mỗi tháng, chúng tôi sẽ nêu lên một đề tài và mời bạn văn bốn phương cùng tham gia thảo luận. Đề tài thảo luận trong tháng 8 tập trung vào câu hỏi cụ thể như sau:
 
“Cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được. Ý anh/chị thế nào?”
 
Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải tất cả những ý kiến của bạn văn gửi về Tiền Vệ trong tháng này.

 

_____________

 

TÁC PHẨM VĂN HỌC LỚN THÌ PHẢI ĐƠN GIẢN?

 

Ý kiến của Lan Trần

 

Đề cao sự đơn giản: cái sai vẫn còn đó

 

Không có gì hoài nghi nữa cả, viết đơn giản (hay giản dị) là một trong những lời dạy mà giới lãnh đạo chính trị cũng như văn nghệ ở Việt Nam, từ ông Hồ Chí Minh đến các ông Trường Chinh, Tố Hữu và Đặng Thai Mai nhấn mạnh nhất và lặp đi lặp lại nhiều lần nhất trong suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua. Nó là một trong những nguyên tắc căn bản trong cuộc “cách mạng văn hoá” mà đảng Cộng sản đã nêu ra vào năm 1943: “đại chúng hoá”. Thế nào là “đại chúng hoá”? Trường Chinh giải thích: đó là “lấy trình độ trung bình của số đông nhân dân là tiêu chuẩn” (tr. 18)[*]. Đặng Thai Mai khai triển thêm ý của Trường Chinh trong lãnh vực văn học. Ông khuyên nhà văn: “Viết cái gì cũng được. Miễn là dân chúng thích và hiểu.” (tr. 37). Ông xem đó là một thành tựu lớn của văn học kháng chiến: “viết cho gọn, viết cho rõ, viết dễ dàng là đặc tính của hình thức văn chương ngày nay.” (tr. 38). Sau này, khi tổng kết 50 năm văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-1995), nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh cũng có cái nhìn tương tự:

“Văn học viết cho đại chúng tất nhiên phải dễ hiểu và được quần chúng đông đảo ưa thích. Lối viết gọi là ‘biểu tượng hai mặt’ có ẩn dấu nhiều nghĩa hoặc nghĩa không rõ ràng thường bị ‘uốn nắn’, thậm chí bị coi là thiếu tính Đảng (tác phẩm có tính Đảng chủ đề phải rõ ràng).” (50 năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng 8, nhiều tác giả, nxb Đại Học Quốc gia Hà Nội, 1996, tr. 56)

Với chủ trương như thế, có thời người ta cho những câu thơ như thế này là “tuyệt” vì “đúng như lời ăn tiếng nói của quần chúng”:

Cá sặc mà vượt cá rô
Ăn nói xô bồ chẳng biết trước sau
Ai chê em dốt hồi nào... (tr. 618)

Những câu thơ ấy đơn giản đến hài hước. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên là phần lớn những bài thơ được xem là “kinh điển” của nền thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều ít nhiều đơn giản từ lời lẽ đến cấu trúc như thế. Từ thơ của Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ đến thơ của Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung (“Thăm lúa”), Minh Huệ (“Đêm nay Bác không ngủ”), v.v... đều như thế cả.

Đề cao sự đơn giản, người ta cũng đồng thời đề cao vai trò của quần chúng.

Giới cầm bút không những bắt chước lời ăn tiếng nói của quần chúng mà còn phải xem sự đánh giá của quần chúng là thước đo của văn học. Theo Trường Chinh, “Tác phẩm nào ra đời, được quần chúng ngốn lấy, ngốn để, ngắm nghía, thưởng thức, áp dụng, thực hành, tuyển lựa làm món ăn tinh thần hàng ngày của mình, thì đó là một tác phẩm có giá trị. Trái lại, tác phẩm nào ra đời không ai để ý, không ai đếm xỉa đến, thì tác phẩm đó sẽ chết yểu.” (tr. 19)

Hà Xuân Trường đúc kết thành một số nguyên tắc cụ thể:

a. Quần chúng không cần phải chờ huấn luyện rồi mới có thể cảm thông được tâm tính của người nghệ sĩ.
b. Ý kiến phê bình của quần chúng là ý kiến quyết định.
c. Quần chúng không bắt buộc phải biết chuyên môn cũng có quyền phê bình.
d. Quan niệm văn nghệ phải do quần chúng mà có, quần chúng luôn học hỏi lẫn nhau, giáo dục lẫn nhau.”
(Dẫn theo Tác gia lý luận phê bình nghiên cứu văn học Việt Nam, tập 1, Hà Nội: nxb Khoa học Xã hội, tr. 93-94).

Việc trích dẫn các ý kiến và, hơn nữa, chủ trương đề cao sự đơn giản, xem sự đơn giản như một chuẩn mực của cái đẹp trong văn học nghệ thuật như thế có thể kéo dài vô tận. Chỉ cần lục các cuốn “Về văn hoá văn nghệ” của các nhân vật chóp bu của đảng Cộng Sản là thấy ngay. Chúng cũng dễ dàng được tìm thấy trong các cuốn sách nêu ý kiến về văn học nghệ thuật của chính giới cầm bút. Tế Hanh viết: “Tôi muốn viết những vần thơ dễ hiểu / như những lời mộc mạc trong ca dao.” Nam Mộc xem việc sử dụng “thứ ngôn ngữ cầu kỳ, kiểu cách, kênh kiệu, rối rắm, bí hiểm” là một biểu hiện của “thái độ khinh thường, trịch thượng” đối với “nhân dân” (Nam Mộc, Về lý luận – phê bình văn học, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2002, tr. 229).

Chúng ta có thể đặt vấn đề: Những tài liệu dẫn trên cũ quá rồi chăng? Đồng ý là cũ. Tuy nhiên, xin lưu ý: ở Việt Nam – và phần nào cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại nữa -, cho đến nay, ít ai công khai phân tích và phê phán những cái sai trong các chủ trương và quan điểm như thế. Không phân tích và phê phán, những cái sai ấy vẫn tiếp tục ngự trị trong tâm thức của mọi người. Một mặt, chúng dễ được xem như những điều “hiển nhiên”, “tự nhiên”, không có vấn đề gì để hoài nghi hay bàn cãi nữa cả. Mặt khác, chúng tồn tại dưới nhiều biến thể tinh vi khác nhau, trong đó, quan trọng nhất là thói dị ứng đối với mọi cái khó, cái phức tạp, cái mới lạ. Với phần đông người Việt Nam, những ý niệm như “lập dị”, “tắc tị”, “tối tăm”, thậm chí, “triết lý” đều bị xem là xấu, là tiêu cực. Và hầu như mọi người đều sử dụng những chữ “lập dị”, “tắc tị”, “tối tăm” và “triết lý”... như thế một cách hết sức dễ dàng. Ra đời đã ngót nửa thế kỷ, thơ Thanh Tâm Tuyền vẫn bị nhiều người xem là “tắc tị” và do đó, không có giá trị, hơn nữa, không phải là... thơ. Nhiều bài thơ tự do hay thơ văn xuôi hiện nay vẫn thường bị phê bình là trúc trắc như thơ... dịch, nghĩa là, không phải thơ thật. Vô số người thấy lý thuyết là... sợ. Óc phân tích thay vì được xem là một ưu điểm như ở các nền văn hoá khác, đặc biệt ở Tây phương, lại bị xem là một khuyết điểm. Lý do là nó phức tạp hoá các vấn đề “đơn giản”.

Hơn nữa, quan niệm đề cao sự đơn giản và cùng với nó, tính đại chúng còn dẫn đến sự lẫn lộn giữa hai hiện tượng: sách có giá trị nghệ thuật và sách bán chạy trên thị trường (best-seller). Rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhà phê bình ở Việt Nam cứ nhìn văn học thế giới thông qua những cuốn sách được xem là best-sellers, trong đó không ít tác phẩm chỉ có giá trị thương mại mà thôi. Ranh giới giữa văn học cao cấp và văn học bình dân, giữa tính nghệ thuật và tính giải trí không còn nữa.Trong phạm vi văn học Việt Nam, người ta đánh giá nhau và tự đánh giá mình bằng cách so sánh số đầu sách bán được. Sách bán chạy được xem là... hay; nhà văn ăn khách được xem là lớn. Ngược lại, người ta (trong đó có không ít người được gọi là “nhà phê bình”!) sẵn sàng dè bỉu một số cây bút khác chỉ vì sách của họ bị bám đầy bụi trên các giá sách, bất kể đến giá trị thực sự của chúng về phương diện nghệ thuật và mỹ học.

Những chuyện nhảm nhí như thế sẽ kéo dài mãi nếu nền tảng của nó, quan niệm đề cao sự đơn giản và tính đại chúng trong văn chương không được phá đổ.

Những gì đáng chết nên khai tử một cách đàng hoàng và dứt khoát chứ không nên để chúng lây lất và tiếp tục gây tác hại.

 

_________________________

[1]Tất cả các trích dẫn chỉ ghi số trang mà không ghi tên sách hay tên tác giả trong bài này đều lấy từ cuốn Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, 1945-1954 do Phong Lê làm chủ biên, nxb Khoa Học Xã Hội tái bản tại Hà Nội năm 1995.

 

Đã đăng:

17.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Điều tệ hại nhứt chính là khi nghệ thuật bị lợi dụng bằng những khẩu hiệu mị dân, khoác áo nhân bản như “phục vụ đông đảo quần chúng, “phục vụ tầng lớp bị áp bức, bóc lột”... để trở thành những sản phẩm đơn giản, dễ hiểu, nghèo nàn, nhưng lại được tâng bốc, thổi phồng thành những tác phẩm lớn, lớn như một quả bóng bay!... (...)
 
16.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tất nhiên anh hoàn toàn có quyền tin vào bất kỳ điều gì anh muốn tin, và tưởng tượng ra bất kỳ thứ chân lý nào anh thích. Anh có quyền tưởng tượng một thứ văn chương “giản dị” theo kiểu “vô chiêu thắng hữu chiêu”, hay “kiếm pháp không kiếm” như người ta kể trong truyện kiếm hiệp Tàu... (...)
 
15.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Có thể khẳng định: Tuyệt đại đa số văn chương Việt là những tác phẩm thuộc loại “đơn giản để mọi người có thể hiểu”. Quan niệm ấu trĩ “đơn giản để mọi người có thể hiểu” bị nhao nhao phản đối nhưng tác phẩm vẫn rặt thứ hàng cùng tên... (...)
 
14.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Chất độc của lối nói uyển ngữ ấy đẻ ra ảo tưởng về một nền văn học “không cầu kỳ” nhưng cũng đầy “tinh tế”, “gần dân” mà không chiều theo những sở thích “loè loẹt, phô trương”. Ảo tưởng đó lại càng được củng cố với sự phát triển của một nền văn học “giản dị”, “đầy tính nhân dân”... (...)
 
13.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] Trong văn giới và quần chúng ở Việt Nam hiện nay có nhiều người vẫn tưởng rằng giữa hai từ “đơn giản” và “giản dị” có một sự khác biệt ghê gớm... (...)
 
12.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi không tin có ai (những người làm văn học) ở Việt Nam hiện nay cả gan tuyên bố: “Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản”. Nhưng nghe khá nhiều, rằng: “Tác phẩm lớn thì thường giản dị”... (...)
 
11.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Để đáp lại ý tưởng của Nhã Thuyên, tôi thử lướt qua một số trang web ở Việt Nam và dễ dàng tìm thấy ngay cái quan niệm này cho đến nay vẫn còn phổ biến. Tôi chỉ xin copy lại để cống hiến cho mọi người cùng đọc và xem thử nó có ý nghĩa nhiều hay ít... (...)
 
10.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Từ thẩm mỹ của bộ óc đến thẩm mỹ của con tim hay con mắt, luôn có sự mập mờ hay lẫn lộn như thế và, thường, sự mập mờ lẫn lộn nào cũng là chỗ để chính trị và thương mại chen chân. Chính trị hay thương mại chen chân bởi, nhiều khi, “văn chương đơn giản” chỉ... đơn giản là sự mạo xưng của văn chương ăn liền... (...)
 
09.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tác phẩm văn học đơn giản có lớn được không? Nói chung, những câu hỏi thế này, các nhà văn cứ tự nhằm thẳng mình mà bắn... (...)
 
07.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Quan niệm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng văn học (và nghệ thuật nói chung) là cái (công cụ) phục vụ cách mạng, truyền tải / truyền đạt những thứ (tư tưởng, tinh thần, chủ trương, chính sách, nghị quyết...) tới quần chúng. Vì quần chúng (đâu cũng thế thôi) trình độ không cao, nên tác phẩm “phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được”... (...)
 
05.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi thấy nơi hậu cảnh của quan niệm này lấp ló cái đuôi của những ông bầu sô nhắc tuồng chỉ đạo sân khấu chính trị, nhằm mục đích: đề cao tính thực dụng và lợi ích cộng đồng, lùa đội ngũ viết văn cả nước vào trong một công tác phục vụ theo định hướng, hạ thấp rẻ rúng chức năng văn học, đồng thời, làm tê liệt khả năng người đọc bằng những điệu ru dễ dãi, khẩu hiệu sáo mòn... (...)
 
04.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Sự đơn giản dĩ nhiên là cần thiết, rất cần thiết, nhưng chỉ nên được xem là khởi điểm — như ai cũng phải thuộc bảng chữ cái (nếu muốn biết đọc, biết viết) — chứ không nên là mục tiêu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021