thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THỊT SỐNG [trích]
(Diễm Châu dịch)
 
Lời người dịch:
Trên Tiền Vệ, tôi đã bước đầu giới thiệu "Cái ngáp của những cái ngáp" [một thi hệ gồm 7 bài] của Vasko Popa cùng với bài "Cửa", lần này và những lần kế tiếp xin tiếp tục trình với bạn đọc những bài khác trong Bầu trời phụ thuộc (dựa trên cuốn Le ciel secondaire, bản Pháp văn của Alain Bosquet, nhà xuất bản Gallimard, 1970) và các thi phẩm trích trong Thịt sống và Vết cắt (Chair vive & Coupure, bản Pháp văn của Léon Robel, nhà xuất bản Circé, 1997). Tôi cũng được phép đăng kèm một số bản dịch (trong đó có hai bài chưa từng in hoặc đăng báo) của thi sĩ Nguyễn Đăng Thường (trong Bầu trời phụ thuộc), người đầu tiên đã giới thiệu Vasko Popa với độc giả Việt-nam tại Sài-gòn từ trước 1975. Tôi cũng sử dụng một số bản dịch Pháp văn của Giáo sư Vladimir Claude Fišera (tức nhà thơ Claude Vancour). Tiện đây, tôi xin được cảm tạ các dịch giả.
 
______________________________
 

CHÙM SAO DƯỚI ĐẤT

 
Trước một quán rượu bán thuốc lá thắp đèn sáng
Trên đường Goudouritsa ở Verchatz
Ba công nhân đã già cầm cổ chai uống
Cữ la-ve buổi chiều
 
Những nắp chai bằng thiếc đã tạo thành
Một chòm sao trên dải đất
Phân cách lề đường với mặt đường
 
Chòm sao ấy nhấp nháy trong bóng mờ
Chờ đợi nhà thiên văn của chúng
 
Tôi bước vào mua thuốc điếu cho mình
Tôi cũng gọi la-ve
Để tới lượt mình kiếm chỗ cho vì sao của tôi
 
 

NGƯỜI CÔNG DÂN VÔ DANH

 
Nhà thiên văn-dạo Vinko Lozitch
Dứt khoát sinh ra ở Verchatz
 
Người ta đã rửa tội cho ông trong rượu
Người ta đã quấn tã cho ông bằng lá nho
 
Món đồ chơi đầu tiên của ông là
Một cái ống nhòm để đọc những chữ trên trời
Làm bằng một nhành bắp
 
Ông sống ban ngày giữa mọi người
Ban đêm giữa các vì sao
 
Khi đến thời ông phải chết
Ông dời chỗ ở qua thân xác
Của một trong những công dân cực kỳ-tỉnh táo của mình
 
Vậy là mỗi người trong chúng tôi ở Verchatz
Đích thân đều có thể là ông
Nhưng không chịu nhìn nhận điều ấy
 
Và cũng vì thế mà cả tôi nữa tôi cũng nhún vai
 
 

TRONG KHU LÀNG CỦA TỔ TIÊN

 
Một người ôm hôn tôi
Người kia nhìn tôi với đôi con mắt chó sói
Người thứ ba ngả nón
Để tôi nhìn thấy ông rõ hơn
 
Mỗi người đều hỏi tôi
Ngươi có biết ta là ai đối với ngươi
 
Những ông già bà già xa lạ
Tự nhận những cái tên
Của những người con trai và con gái trong trí nhớ tôi
 
Cả tôi nữa tôi cũng hỏi một người trong bọn họ
Có còn sống hay chăng
George Couria
 
Chính ta đây ông đáp
Bằng một giọng nói từ thế giới bên kia
 
Tôi đưa lòng bàn tay vuốt ve má ông
Mắt van xin ông cho tôi biết
Tôi có còn sống hay không
 
 

CHIẾC GIẦY ĐỎ ĐÃ MẤT

 
Bà cố tổ của tôi Sultana Ourochévitch
Qua lại vùng trời trong một cái thùng nhồi bột bằng gỗ
Và săn đuổi những đám mây chở nặng mưa
 
Dùng mỡ sói và những thứ hương dược khác
Bà vẫn còn làm vô khối
Những phép mầu lớn nhỏ
 
Sau khi mất
Bà tiếp tục xen vào
Những công chuyện của người sống
 
Người ta đã đào bà lên
Để dạy cho bà biết kỷ luật
Và chôn bà có hiệu quả hơn
 
Với đôi má hồng bà nằm
Trong cỗ áo quan bằng gỗ sồi
 
Ở một bên chân bà chỉ đi
Một chiếc giầy có cổ,* màu đỏ
Mang những vết bùn còn mới
 
Chiếc giầy kia chiếc giầy đã mất
Tôi sẽ tìm kiếm nó cho tới mãn đời tôi
 
-------------------------
* bottine: giầy bốt nhỏ... (người dịch)
 
 

TRÒ CHƠI CUỐI CÙNG

 
Tôi chôn cất mẹ tôi
Ở Tân-Nghĩa trang
Cũ kỹ và quá đông đúc của Beograd
 
Áo quan xuống thật khó khăn
Trong cái huyệt nông và hẹp
Và được đặt trên cỗ áo quan của cha tôi
 
Nó biến mất mau chóng dưới những mẩu đất đầu tiên
 
Hai người phu đám ma để đầu trần còn trẻ
Nhảy trên cỗ áo quan vô hình
Để nén đất xuống
 
Trên những cây xẻng đưa lên của họ
Ngời sáng hai vầng mặt trời đúng ngọ
 
Bà mẹ vui vẻ của tôi
Có lẽ đã thích thú nhìn ngắm
Cuộc nhảy múa tôn vinh này
 
 

CUỘC ĐI DẠO VÒNG TRÒN

 
Thật khuya sau nửa đêm
Tôi đi dạo với một người bạn thời nhỏ
Qua công trường Graben ở Vienne
 
Sau bao năm trời phân cách
Chúng tôi nhận thấy rằng cả hai
Chúng tôi đều khám phá ra cùng những sự việc
 
Chúng tôi nói về
Hình thức của tự do
 
Chúng tôi nói về vòng tròn
Đang khép lại
Nhất định phải khép lại
 
Để tự giải thoát khỏi khởi đầu và chung cuộc của nó
Làm sao tôi có thể nói sau chuyện đó
Rằng ấy là
Cuộc đi dạo cuối cùng của chúng tôi
 
 

BÀI HỌC KHÔNG GIÁN ĐOẠN

 
Các siêu nhân chữ vạn đã giết chết
Ông giáo đỏ Jarko Zrénianine
 
Những người dân thường của chúng tôi thề
Rằng họ vẫn thấy ông
 
Trên con tàu lật ngược đầy những tên sát nhân
Gần ruộng lúa mì bị phóng hỏa
Giữa Verchatz với lũ chó vây quanh
 
Phần chúng tôi học trò của ông
Chúng tôi là những người duy nhất hiểu biết là chuyện gì
 
Không quan tâm gì tới những siêu-luật pháp
Chúng tôi nhường cho ông công việc của trái tim
Và vũ khí chúng tôi
 
 

CÁI THANG CỦA NHÀ THƠ

 
Ở Verchatz vào trước thời chiến tranh
Nhà thơ Déїan Brankov đã thuê một nơi trọ
Trong ngôi nhà ở cạnh nhà chúng tôi
 
Ông xin tôi thuyết phục cha tôi
Đặt một cái thang
Lên vách tường nhà người hàng xóm
 
Hết đêm này qua đêm nọ ông chờ
Người ta đến chụp bắt ông
Để đày vô trại
 
Thật lâu sau khi ông mất
Dẫn đầu một nhóm nghĩa quân
Chiếc thang nọ vẫn còn
Ở chỗ đã thỏa thuận
 
Trên những bậc thang leo lên
Một cành nho sạ*
 
--------------------------------
* Un sarment de raisin Muscat (người dịch)
 
 

HẸN GẶP LẠI

 
Sau vòng đi dạo thứ ba ban chiều
Trong sân trại tập trung
Chúng tôi giải tán theo từng nhóm ở chung phòng
 
Chúng tôi biết rằng trước lúc rạng đông
Người ta sẽ tới bắt một người trong chúng tôi
Để đưa tới trụ hành hình
 
Chúng tôi mỉm cười với một vẻ âm mưu
Và chúng tôi nói với nhau nho nhỏ
Hẹn gặp lại
 
Chúng tôi không chỉ rõ ở đâu khi nào
 
Chúng tôi đã bỏ những thói quen cũ
Chúng tôi hoàn toàn hiểu nhau
 
 

BÀI HỌC THI CA

 
Chúng tôi ngồi trên một chiếc ghế dài trắng toát
Dưới pho tượng bán thân của Lenau*
 
Chúng tôi ôm hôn nhau
Và giữa hai nụ hôn chúng tôi nói
Về thơ
 
Chúng tôi nói về thơ
Và giữa hai vần thơ chúng tôi ôm hôn nhau
 
Nhà thơ nhìn xa xa xuyên qua chúng tôi
Xuyên qua chiếc ghế dài trắng
Và xuyên qua những sạn sỏi của lối đi
 
Và ông nín thinh thật tuyệt vời
Với đôi môi xinh đẹp bằng đồng đỏ
 
Trong công viên Verchatz
Tôi dần dà học biết
Những gì là thiết yếu trong một bài thơ
 
--------------------------------------
* Nikolaus Lenau (1802-1850), nhà thơ Áo sinh tại Csátad (nay là Lenauheim, ở Ru-ma-ni), tác giả những bài ai ca và một thi phẩm trong đó ông đã biến Faust thành một người anh hùng nổi loạn... (người dịch)
 
 

DƯỚI DẤU HIỆU CHÓ SÓI

 
Ở kế cận những ngôi nhà cuối cùng của thành phố
Người ta tìm thấy trên đường những con ngựa bị cắt họng
Cột vào một chiếc xe trống rỗng
 
Và trên một cây dâu bên đường
Một gã lái buôn bị biến thành con cừu trắng
 
Suốt đêm chó sói đã nhảy múa điệu xoay vòng
Chung quanh cái cây có mùi thịt người
 
Hẳn mày cũng dễ dàng đồng ý
Với bọn nhảy múa có đuôi
Bà nội tôi bảo tôi
 
Tôi tròn mắt nhìn hàm răng sói của bà tôi
Và tôi cố hiểu ra tiếng cười của bà
 
Tôi chạy trong khu vườn sau nhà
Tôi trèo lên một cây lê phủ đầy tuyết
Và tôi tập hú như một con sói
 
 

NGUỒN GỐC CHÓ SÓI

 
Ở Sablé dưới hàng cây ti-dơn
Ông cố tổ của tôi Ilya Louka Moroun
Đã tìm thấy hai con sói con
 
Ông đặt chúng giữa hai tai con lừa của mình
Và đưa về căn nhà nhỏ
 
Ông nuôi chúng bằng sữa cừu
Dậy chúng chơi
Với lũ cừu con bằng tuổi
 
Chúng trở thành mạnh mẽ ông lại đem tới
Cùng một chỗ dưới hàng ti-dơn
Và ở đấy ông ôm hôn chúng và chúc lành cho chúng
 
Từ thủa ấu thơ tôi vẫn chờ
Cho số tuổi của mình
Bằng với số tuổi của ông cố tổ
 
Để hỏi ông
Đứa nào trong hai con sói con ấy
Là tôi
 
 

ĐÔI MẮT CHÓ SÓI

 
Trước khi rửa tội người ta đã đặt cho tôi cái tên
Của một trong hai người anh em
Được chó sói cho bú sữa
 
Bà tôi suốt đời
Bằng tiếng Valaque mềm mại của bà
Gọi tôi là sói con
 
Bà lén lút cho tôi
Ăn thịt sống
Để tôi lớn lên thật là sói đầu đàn
 
Tôi tôi tin rằng
Mắt tôi sắp sửa sáng lên
Trong đêm tối
 
Đôi mắt tôi chưa tỏa sáng
Có lẽ đúng là vì đêm tối thực
Chưa buông xuống
 
 

CON TÀU TRẮNG

 
Con tàu trắng đã mắc cạn
Trên đỉnh Núi
 
Người Verchatz không một ai biết
Nó từ đâu tới qua các tầng trời
Hay nó tiến về đâu
 
Nó chất chứa ngọn Tháp trong bụng
Cùng một lúc với vầng mặt trời đông giá
Và nó chờ cơn gió thuận lợi
 
Lũ trẻ con chúng tôi thu dọn tuyết ở lề đường
Và với những cây xẻng bằng gỗ ra hiệu cho nó
Những dấu hiệu trái ngược
 
 

CẶP SỪNG GẪY

 
Ông tôi Milosh Popa Nématz
Trong suốt đời ông người ta bảo đã thốt ít lời hơn
Cả những người câm từ lúc mới sinh
 
Bù lại ông có thể chuồi lưng ông
Xuống dưới con bò xanh
Và chầm chậm nhấc nó lên khỏi mặt đất
 
Con bò vùi
Bốn chân vào không trung
Và cắm đôi sừng vào trời
 
Mọi người tụ tập vòng quanh
Lột mũ ném lên không
Và làm dấu thánh giá ngược
 
Trong mơ tôi cầu xin ông tôi
Cho tôi hay tôi có thể tìm được ở đâu
Vị thần xưa của chúng tôi vị thần chăn giữ những đàn thú
 
Ông tôi vẫn nín thinh
Cặp sừng gẫy trên đầu
 
 

THẾ GIỚI BÊN KIA

 
Bà tôi đặt trên những tấm ván nhỏ
Những chiếc bánh ngọt cùng với những ngọn nến sáng
 
Bà thì thào trên chúng những lời nhắn gửi
Dành cho những người đã chết thuộc dòng họ chúng tôi đàn ông và đàn bà
Rồi buông chúng xuôi dòng Karash
 
Những tấm ván nhỏ trườn đi trên làn nước đen
Những cây nến xuyên thủng bóng mờ
Và biến mất sau khúc lượn của dòng sông
 
Bà tôi loan báo
Chúng đã may mắn tới
Thế giới bên kia
 
Tôi đã từng ở thế giới ấy
Và đã từng đặt dây đánh chim ở đấy
 
Có điều duy nhất tôi không biết
Đó là trong rặng liễu đương hoa tôi đã săn bắt
Những người anh em họ của chính tôi
 
 

SỰ ÂU YẾM CỦA LOÀI SÓI

 
Chúng tôi nằm dài trên cỏ
Trong khoảng Rừng thưa của Chó sói ở bên trên Verchatz
 
Người ta thuật lại
Rằng hết thảy chó sói không trừ một con
Đã bị giết ở đây
 
Chỉ có cái tên chúng
Là vẫn còn sống
 
Một sự âu yếm của loài thú truyền mãi tới chúng tôi
Từ bên dưới đám cỏ lởm chởm
Và làm chuyển động đôi môi
Và tứ chi và máu chúng tôi
 
Chúng tôi yêu nhau không một lời
Con sói cái trẻ trung của tôi và tôi
 
 

CÂY ANH ĐÀO TRONG TRẠI CHẾT

 
                              tặng Ion Marcoviceanu
 
Thằng nhỏ Joritza Agbaba kiếm được
Một nắm anh đào
Và chuyển lậu vào trong trại
 
Nó đã đếm và chia nắm anh đào
Thành ba phần đều nhau
 
Chúng tôi hỏi nó ném hột đi đâu
 
Nó nuốt luôn
Để đã đời mau hơn
 
Chúng tôi nhìn bằng một vẻ thất kinh
Những trái đỏ trên cành cây anh đào
Mọc lên từ ruột nó
 
Và cả ba cùng một lúc
Chúng tôi cười phá lên
 
 

NGHỀ LÀM NGƯỜI

 
Người ta đánh thức chúng tôi dậy trước rạng đông
Và người ta bắt chúng tôi xếp thành hàng
Ở điểm tập hợp
 
Trên tờ giấy gọi của tử thần
Cũng vang lên tên một người bô-hê-miên
 
Anh Rôm kẹp trong nách cây vĩ cầm
Và bước ra
Từ hàng những người còn sống
 
Kẻ xướng danh châm biếm cho anh hay
Anh không còn cần tới đồ nghề nữa
 
Anh Rôm ưỡn ngực lên
 
Phải chăng chú mày tưởng
Cái chết sẽ kiếm cho ta
Một công việc khá hơn
 
 

NÓI CHUYỆN VỚI HOA MỸ NHÂN *

 
Ở lối vào Verchatz quê tôi
Tôi dừng lại trong một cánh đồng lúa còn con gái
Giữa những bông mỹ nhân
 
Nétza Ankoutzitch đã cột quanh đầu
Một tấm khăn quàng đỏ mượn được
Và vừa đi vừa ca hát tới nơi hành hình
 
Nó thật là một bông mỹ nhân
Những người chứng kiến kể lại cho tôi thế
 
Tôi hỏi han
Về những năm còn xanh của nàng
Những năm chưa đạt tới những bông lúa chín
 
---------------------
* les coquelicots (người dịch)
 
 

MỘT TUỔI TRẺ VÔ TẬN

 
Đã chết rồi người bạn thời trẻ của tôi
Gari Firneis
 
Chính tôi tôi cũng bỏ trốn qua những đường phố ở Vienne
 
Tôi không biết để Mắt vào đâu
Vào những ngôi nhà hay vào xe cộ
Hay vào người ta tôi không thể
 
Đằng sau mọi sự tôi thấy
Một chiếc bóng
Đang chờ giờ đã định
 
Tôi nhìn trời
 
Cái chết biếc xanh bên trên đầu tôi
Và đồng hóa
Với một tuổi trẻ vô tận
 
 

CHUYỆN ANH EM HỌ

 
Chú đã trở thành một con sói thật
Đã lâu ngày ta không gặp chú
Nhưng ta đã nhận ra chú ngay
Người anh họ của tôi ở Verchatz nói với tôi
 
Tôi cười vang
 
Thay vì nhã nhặn giải thích cho anh
Rằng anh đang thấy trước mặt
Con thú nặng nề ngái ngủ
Đã nghiến ngấu tôi
 
 

BÓNG CHÓ SÓI

 
Người ta đồn rằng bà cố nội tôi
Bà phù thủy Sultana Ourochévitch
Có một cái bóng chó sói
 
Vào những đêm sáng trăng chả bao giờ
Bà bước ra khỏi nhà
 
Vì sợ người ta dẫm phải bóng bà
Lấy mất của bà những phép huyền bí
Và giết bà tại chỗ
 
Người ta quả quyết
Rằng tôi đã thừa hưởng của bà cố nội tôi
Đôi mắt này và cái lưỡi này
 
Và cả cái bóng chó sói nữa? điều ấy tôi không rõ
 
Nhưng luôn luôn vào những buổi sáng trăng
Thường khi ở ngoài nắng nữa
Tôi hay bước giật lùi
 
Để sự dữ không lợi dụng được
 
 

GẶP GỠ TỔ TIÊN

 
Tôi lên phía ngôi nhà nguyện nho nhỏ của gia đình
Ở nghĩa địa Grébénatz
 
Cánh cửa chính đóng kín
Nhưng không ngăn cản được tôi
Nhìn thấy tổ tiên tôi
 
Họ cưỡi những con cừu đực được trang trí
Trên cái nền biển đã cạn khô
Mà người ta gọi là Banat
 
Họ ăn ý với chó sói
Hơn là với người ta
Và chỉ nghiêng mình trước mặt trời
Mỗi sáng và mỗi tối
 
Họ mặc những chiếc sơ-mi bằng sợi gai
Trét mỡ cừu
Và họ có dáng đi của các vị hoàng thân
 
Tôi đi tới gặp họ
Để nghe họ là ai và họ đã làm gì
 
 

CHUYẾN ĐI TRÊN TRỜI

 
Trong một tấm ảnh
Chụp trên ngọn đồi ở bên trên Jabouka
Người ta thấy người bạn đường ở trần thế của tôi và tôi
 
Chúng tôi nắm tay nhau
Nàng mặc áo dài mùa hè có dải đeo
Tôi sơ-mi tay áo xắn lên
 
Ở đỉnh đồi chúng tôi đã đặt chân
Trên nền trời phẳng lì trước mặt
 
Trong tấm hình
Chụp cách đây đã ba mươi năm
Người ta không nhận rõ được chúng tôi đã tới mãi tận ngôi sao nào
 
Ống kính ảnh thu hình chúng tôi từ sau lưng
Người ta sẽ không thể đoán được gì hết
Trên gương mặt chúng tôi
 
 

CÁI KHÔNG GÌ HẾT XINH ĐẸP

 
Nếu Stéria còn đi dạo như thời ông còn sống
Chiều chiều trên con đường Jabouka
Thời tôi có thể gặp ông thật dễ dàng
 
Có lẽ tôi sẽ nhắc cho ông
Rằng ông đã viết ở đâu đó
Verchatz là một thành phố đẹp
 
Hơn nữa tất cả đều chả là gì hết
 
Với đôi chút khéo léo
Từ hai điều khẳng định này có lẽ tôi có thể
Rút ra câu kết luận
 
Rằng chả là gì hết thì đẹp
 
Với đôi chút thiện chí
ÔNG một nhà thơ lớn và một nhà hài hước lớn
Ông cũng rất có thể đồng ý
 
[Xin đọc: VẾT CẮT]
 
 
---------------------------
Kỳ trước:
 
---------------------------
Ghi chú của người dịch:
VASKO POPA (1922-1991) là một nhà thơ lớn của (cựu) Nam-tư, nổi tiếng khắp thế giới và đã được dịch ra 19 thứ tiếng (tính vào năm ông mất). Ông là người Serbe, sinh tại Grébénats (Grbenac), Voïvodine ngày 29. 6.1922. Theo học tại Beograd, Bucuresti và Vienne. Tham gia kháng chiến năm 1943, bị giam giữ trong một trại tập trung của Đức quốc xã. Vào năm 1949, sau khi học các ngôn ngữ thuộc tiếng La-tinh, ông trở thành nhà báo, rồi biên tập viên của nhà xuất bản Nolit, một nhà xuất bản lớn tại Beograd.
 
Ông đã cho in 8 tập thơ: Vỏ (1953), Cánh đồng không ngơi nghỉ (1956), Bầu trời phụ thuộc (1968), Đất thẳng (1972), Muối của loài sói (1975), Ngôi nhà ở giữa đường (1975), Thịt sống (1975), Vết cắt (1980) và một thi hệ tựa là Cái hộp nhỏ. Ngoài ra, ông còn biên tập 3 tuyển tập thơ dân gian Serbie: Trái táo vàng (1958, thơ truyền thống Serbie), Cười bể bụng (1960, thơ hài hước dân gian Serbie), và Mặt trời nửa đêm (1962, những văn bản mộng mị của người Serbie).
 
Vasko Popa đã đoạt tất cả những giải thưởng văn chương chính yếu của Nam-tư, cũng như Giải thưởng lớn quốc tế của Áo-quốc dành cho Thơ (1967). Nhiều nhà phê bình cho rằng ông rất xứng đáng với một giải Nobel Văn chương... Ông mất tại Beograd ngày 5.1.1991 vì bệnh ung thư.
 
Vasko Popa là một nhà thơ «dấn thân», hòa hợp tài tình dòng thơ dân gian truyền thống của dân tộc ông và trường Siêu thực. Cách «tổ chức» các tập thơ của ông (nhất là hồi đầu) thật đặc biệt: mỗi tập có một số «thi hệ» nhất định, và mỗi thi hệ một số bài nhất định. Những điều ấy, cùng với những «hoa văn» quen biết trong dân gian, những quan sát cuộc sống thường nhật..., tạo thành những cơ cấu chặt chẽ, thiết yếu cho việc diễn tả chính xác... Vasko Popa có một quan niệm khá đặc biệt về những đóng góp của nhà thơ. Ông nói tại Berlin năm 1966: «... Dù sao, nhà thơ cũng không quan trọng dưới chính mắt mình: điều quan trọng đối với ông là thơ. Nhà thơ làm việc bất chấp tất cả những kẻ nói rằng ông vô dụng; và đôi khi, ông còn làm việc bất chấp cả chính bản thân ông. Những sự thật ông đạt tới không phỉnh phờ những kẻ bao quanh ông nhưng chúng lại càng không phỉnh phờ ông. Nhà thơ chỉ tìm được sức theo đuổi trách vụ kỳ dị, khó khăn và nguy hiểm của mình là vì ông biết rằng để cuốn sách lửa trong ngực ông bốc cháy và tiêu tan vô ích, không được ai đọc tới, là không thể tha thứ được. Những đóng góp của nhà thơ, đó là những chữ lửa kia được bảo toàn với giá của tính mạng ông và chỉ những kẻ yêu mến chúng mới có thể sử dụng.» (theo tờ Chapman Magazine, 2.4.1973).
 
Một số tư liệu dùng để viết bài ghi chú này là của Celia Hawkesworth (tạp chí Times, số ngày 19-1-1991) và của Mirko Radojicic (báo La Quinzaine littéraire, số 571, tháng Hai 1991). Xin cảm tạ các tác giả.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021