thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỪ ĐIỂN THI X/X LOẠI [chúng sinh] – Vần T (1)
 

TUYỆT ĐỈNH THI CA VIỆT

 
Nhiều người coi An Nam có “đệ nhất ngũ thi hào”, thuộc bậc thần thơ thánh chữ, là Nguyễn Trãi (1380–1442), Nguyễn Du (1765–1820), Hồ Xuân Hương (1772–1822), Đoàn Thị Điểm (1705–1748), và Tú Xương (1870–1907). Tôi cứ thấy lấn cấn trong lòng, đó là một nhận định đầy khả nghi.
 
Trãi ư? Ngoài Bài cáo bình Ngô học sinh phải học ở trường thì mấy ai biết ông viết cái gì. Tôi dám cá trong số hơn 90 triệu dân Việt, không quá 1 triệu người thuộc được vài câu của Ức Trai (còn lại là đám không thèm biết, hoặc cố tình quên). Thế mà đỉnh ư?
 
Du hử? Với cái “trường ca” mang tên Đoạn [dồi] trường tân thanh tức Truyện Kiều được cả nước truyền tụng, thì, cho dù là nghe đồn là có hay đến mấy, tôi cũng chắc cú là số người thuộc được ít câu Kiều cũng quá lắm là 9 triệu. 1/10 cơ số độc giả tiềm tàng mà đã nhất hử?
 
Hương à? Cái món thơ ẩn ức tình dục, một dạng “độc thoại của âm đạo”[1] rất cắc cớ, dẫu cho ai cũng thích thú (pasionate / animal loving / love to be an animal), thì cùng lắm cũng chỉ được 18 triệu người thuộc cho dăm câu đặc sắc, chứ mấy. Vậy mà đã tanh à?  
Điểm á? Bà “Hồng Hà nữ sỹ” xinh đẹp mất lúc 44 xuân sồn sồn này chỉ có Truyền kỳ tân phả, một tác phẩm văn xuôi chữ Hán có xen thơ, hành và văn tế (nghe khá là “phi/loạn thể loại” nhỉ), và bản dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, thì liệu có được 3 vạn người biết cho vài câu không? Thượng đẳng mà thế á?
 
Xương hở? Chỉ được cái chết trẻ khoẻ ma, chứ cái mớ thơ phú bất mãn, ngang ngạnh, bíp bớp ấy của cậu “Tú tài vớt” thì được mấy ai nhớ. Chắc chắn cả thành Nam Định đều biết tên, nhưng số người thuộc thơ ông trên cả nước thì không quá 9 nghìn. Số dách mà thế hở?
 
Hay là Đặng Thân mới là nhất?
Jamais! Không bao giờ!
Đặng Thân làm thơ rất chi là nhăng nhít. Toàn những câu kiểu như:
Nhớ thuở
        Lông chân
               lý còn
               lún phún [2]
Hay là:
Gadji... khi nhuwngx gias trij vawn hoas khoong theer cos ddur suwcs manhj ddeer dduwngs vuwngx trong khi nhuwngx khaaur ddaij phaos laij cos ddur suwcs manhj ddeer lamf chur soos phaanj con nguwowif. Vaf nhieeuf nguwowif trong nooix ddau tuyeejt vongj veef suwj voo dungj cuar vawn hoas, ddax trowr thanhf nhuwngx nguwowif Dada nhuw 1 thais ddooj phanr khangs. [3]
Hoặc là:
Ai cũng biết Thơ là Ngôi Lời, nhưng ôm nàng chỉ thấy đời toàn lỗ. Vì Thơ ơi người thơ toàn một lũ zở hơi không biết bơi, jữa bể khổ anh chỉ còn mình em làm fao cứu hộ. [4]
Mà nhăng nhít đến thế này là cùng:
Anh biết em thích mặc áo zài, bởi vì em là hoa thài lài. [5]
 
Thưa quý vị!
Tôi biết một bài thơ tuyệt đỉnh đã có từ lâu trong văn học dân tộc.
 
Bài thơ này thì tất cả người Việt sinh trước 1975 đều thuộc nằm lòng, và phải đến 2/3 những người sinh sau 1975 đều biết. Vị chi là không dưới 75 triệu người (tức là 5/6 dân số cả nước) yêu tuyệt phẩm này; chấp tất cả đám ngũ long, lục phượng kể trên. Ai dám cá cược với tôi không?
 
Còn, về mặt nhăng nhít mà nói, thì thơ Đặng Thân chưa là cái đinh gì.
Đây, tuyệt tác/tộ ấy đây:
Kể chuyện ông Huyện về quê,
Có hai hòn dái kéo lê dọc đàng,
Bà Huyện cứ tưởng cục vàng,
Đánh trống đánh phách cả làng ra khênh.
Thật dí dỏm (not dí thật)!
Bài thơ này thường được gọi là bài “Ông Huyện về quê”. Có đúng là hơn 75 triệu người biết và thuộc chưa? Kẻ nào không biết là thuộc về đám thiểu số nhược tiểu, hoặc không phải người Việt. Và, đã nhăng nhít hơn đứt thơ Đặng Thân chưa?
 
Ôi Chúa ôi!
 
Thực ra thì, bài thơ không hề nhăng nhít như người ta tưởng đâu. Dưới ánh sáng khoa học, chúng ta thấy hiện hiện một câu chuyện như sau:
 
“Ông Mít làm quan ở một huyện miền núi, nơi có một mỏ vàng lớn, nên ông rất giàu có. Mỗi lần về quê, ông đều mang theo rất nhiều vàng. Có những khi ông mang vàng về bằng cách chôn trong những chậu cây cảnh, có lần ông cất cả lô vàng trong những súc gỗ lớn. Trong người ông chỗ nào cũng có vàng: trong túi áo, trong giày, trong túi quần... Bà Xoài vợ ông đã quen với việc đó. Lần nào ông Mít về nhà bà Xoài cũng lục túi quần túi áo rất kỹ để lượm vàng mang đi cất. Ông Mít làm Quan Huyện ở đó lâu rồi nhưng không chịu hồi hương, tất lẽ vì tham vàng (phải bạn thì bạn có chịu rời cái nhiệm sở đó không?). Nhưng hỡi ôi, ở lâu cái nơi đầy sơn lam chướng khí, ông Mít đã bị nhiễm căn bệnh trầm kha, khi mà cái bìu ngày càng to phình ra, cái bệnh mà người ta vẫn thường gọi là sa đì. Ở vùng rừng núi châu Phi nọ đã từng có anh chàng bị sa đì với cái bìu nặng cả tạ. Mời xem một trường hợp:
 
 
Cho nên, khi ông Mít vì đau đớn quá mà trở về làng, bà Xoài trông thấy cứ tưởng ông Huyện giấu vàng trong quần rất nhiều, lại cứ đi lê đi lết, nên đã gọi cả làng ra khiêng ông Mít. Cả làng chắc mẩm chuyến này ông Mít mang về nhiều vàng thế thì ai ai cũng được miếng đỉnh chung, cho nên vui sướng quá mà đánh trống đánh phách ầm ĩ hết cả lên. Ôi, cái làng Đại Việt! Hỡi cái làng Trái Đất!”
 
Vì thế, bài thơ tuyệt tác dường ấy nên chăng đặt tên là “Sa Đì Ca” hay “Sa Đì Hành”.
 
Trời đất!
 
Với từng ấy ý nghĩa nhân văn, giáo dục, tư tưởng, triết lý, đạo lý, tính truyền thống, tính nhân dân, tính nhân bản, tính nhân loại... thì bài thơ “Ông Huyện sa đì” xứng đáng với sự ngưỡng mộ của hơn 75 triệu con tim Việt, và xứng đáng được tạc khắc trên một tượng đài kỳ vĩ mà để giữa quảng trường Ba Đình, hoặc giữa Hội thơ Văn Miếu.
 
Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, chắc nhẽ chính là nhờ “Sa Đì & associates”.
 
13/7/14
_________________________

[1]Tên một tác phẩm của Eve Ensler (1953~), kịch tác gia kiêm nhà văn nữ người Mỹ, nhan đề gốc là The Vagina Monologues (1996). Hãy xem bản dịch tiếng Việt của Hoàng Ngọc-Tuấn: Những cuộc độc thoại của âm đạo.

[2]Xem: “Cú huých về nguồn”.

[3]Xem: “TỪ ĐIỂN THI X/X LOẠI [chúng sinh] - Vần D (1)”.

[4]Như trên.

[5]Như trên.

 
 
---------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021