thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TÔI VIẾT THẾ NÀO [II: Người viết tiểu luận và người viết truyện hư cấu]
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

UMBERTO ECO

(1932~)

 

Umberto Eco — nhà văn, nhà lý thuyết văn học, nhà tư tưởng — sinh ngày 5 tháng Giêng, năm 1932, tại Alessandria, vùng Piedmont, nước Ý. Ông tốt nghiệp ngành triết học tại viện đại học Turin năm 1954. Hiện ông là giáo sư ký hiệu học tại viện đại học Bologna, đồng thời giữ vô số các chức vụ hàn lâm tại nhiều học viện trên thế giới. Từ năm 1985 đến nay, ông được trao tặng hơn 30 bằng tiến sĩ danh dự từ nhiều viện đại học, trong số đó có Paris (Sorbonne Nouvelle) (1989), Buenos Aires (1994), Santa Clara (1996), Moscow (1998), Berlin (FUB) (1998), Montréal (UQAM) (2000), Jerusalem (2002) và Siena (2002), v.v.
 
Umberto Eco là tác giả của những tuyển tập tiểu luận lừng lẫy, trong đó có những cuốn đã được dịch sang Anh văn như: Kant and the Platypus, Serendipities, Travels in Hyperreality, và How to Travel with a Salmon. Ông cũng là tác giả của những tiểu thuyết thời danh, tiêu biểu cho văn chương hư cấu hậu hiện đại như The Name of the Rose, Foucault's Pendulum, và Baudolino. Tờ New York Times nhận định rằng tác phẩm của Eco "phức tạp, khiêu khích, khôi hài và sâu sắc", và ông là "một nhà văn của sự duyên dáng và thông tuệ." Tờ Atlantic Monthly nhận định rằng "Eco kết hợp học thuật hàn lâm với sự yêu thích những nghịch thuyết và một óc khôi hài đầy khoái hoạt, đôi khi đến mức khủng khiếp." Tờ Los Angeles Times cho rằng ông là "một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại của chúng ta."
 
"Tôi viết thế nào" là một bài viết theo yêu cầu của nhà biên tập Maria Teresa Serafini cho tập tiểu luận Come si scrive un romanzo (Milan: Strumenti Bompiani, 1976). Sau khi cuốn tiểu thuyết Baudolino của Umberto Eco được xuất bản, ông bổ sung vào bài này một số chi tiết mới có liên quan đến cuốn tiểu thuyết ấy. Bài viết đã bổ sung được Martin McLaughlin dịch sang tiếng Anh và in lại trong cuốn On Literature của Umberto Eco (Orlando, Florida: Harcourt Inc., 2004).
 
Đây là một bài viết dài, gồm 11 phần, mỗi phần có tiểu đề riêng, nhằm trả lời một câu hỏi do Maria Teresa Serafini đặt ra. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng bài viết này thành 11 kỳ.

 

___________________

 

 

NGƯỜI VIẾT TIỂU LUẬN VÀ NGƯỜI VIẾT TRUYỆN HƯ CẤU

 

Đó là một quyết định mà suốt hơn ba mươi năm sau tôi vẫn không hề cảm thấy hối tiếc. Tôi muốn nói rằng tôi không phải là một trong những người bị số phận buộc phải viết về khoa học nhưng lúc nào tâm tư cũng cháy bỏng khát vọng viết về nghệ thuật. Tôi cảm thấy hoàn toàn hài lòng với công việc tôi đang làm, và chằng những thế, tôi còn nhìn các nhà thơ với một chút khinh thị theo kiểu Platon: các nhà thơ là những tù nhân của chính những điều họ bịa đặt, là những kẻ bắt chước lại những sự bắt chước, không đủ khả năng để đạt đến cái tầm nhìn của Ý Niệm thái thượng (hypercelestial Idea) mà tôi — như một triết gia — tin rằng tôi đã có mối tương giao thuần khiết, êm đềm, hàng ngày với nó.

Bây giờ tôi mới nhận ra rằng, trong thực tế, tôi đã vô tình làm thoả mãn niềm đam mê tự sự của mình bằng ba cách khác nhau. Đầu tiên, qua sự tập luyện liên miên cái kỹ năng kể chuyện bằng miệng (khi các con tôi đã lớn, tôi thương nhớ chúng ghê gớm, vì không còn được kể chuyện cho chúng nghe nữa). Thứ hai, qua những trò chơi châm biếm và giễu nhại văn chương theo nhiều dạng khác nhau mà tôi đã viết trong những năm 50 và đầu 60 (cuốn Những Cuộc Đọc Lệch [1] của tôi có ghi lại thời kỳ ấy). Và thứ ba, qua việc biến mỗi tiểu luận phê bình thành một bài tự sự. Tôi phải giải thích điều này vì tôi nghĩ nó thật cần thiết cho độc giả hiểu sinh hoạt của tôi như một người viết tiểu luận, và tương lai của tôi (sau đó) như một người viết truyện.

Hồi tôi trải qua kỳ sát hạch cho luận án tốt nghiệp của tôi về vấn đề mỹ học trong Thomas Aquinas, tôi giật mình trước một trong những lời phê bình của vị giám khảo thứ hai (Augusto Guzzo, tuy nhiên, sau này ông lại cho xuất bản luận án của tôi hoàn toàn đúng như bản gốc); ông ấy nói với tôi rằng thật ra những điều tôi đã làm là vừa kể lại những chặng khác nhau của cuộc nghiên cứu như thể nó là một cuộc điều tra, vừa ghi nhận những luận cứ lệch lạc và những giả thuyết mà sau đó tôi đã bác bỏ, trong khi đó thì các học giả trưởng thành lại tiêu hoá những kinh nghiệm ấy để rồi (trong văn bản đã hoàn tất) chỉ cống hiến cho độc giả những kết luận. Tôi thừa nhận rằng nhận xét này đúng với luận án của tôi, nhưng tôi lại không cảm thấy đó là một khuyết điểm của mình. Ngược lại, chính lúc ấy tôi lại hoàn toàn tin rằng mọi cuộc nghiên cứu đều phải được "kể lại" theo cách này. Và tôi nghĩ tôi đã làm như thế trong tất cả những tác phẩm phi hư cấu sau này của tôi.

Như một kết quả, tôi đã có thể thoải mái nhịn viết truyện vì thật ra tôi vẫn làm thoả mãn niềm đam mê kể chuyện của mình bằng cách khác; và sau này, khi tôi viết truyện, truyện của tôi đã chẳng thể là gì khác hơn việc kể lại một mẩu nghiên cứu (chỉ có khác là trong thể văn tự sự người ta gọi việc nghiên cứu là Truy Tầm).

 

[Đón xem kỳ III: "Tôi đã bắt đầu từ đâu?"]

 

 

--------------
Dịch từ bản Anh văn: “How I Write”, trong Umberto Eco, On Literature , trans. Martin McLaughlin (Orlando, Florida: Harcourt Inc., 2004), 306-307.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Những Cuộc Đọc Lệch tức là cuốn Misreadings của Umberto Eco (New York: Harcourt, 1993).

 

Đã đăng:

Tôi là một ví dụ khá bất thường của một người viết truyện hư cấu. Bởi tôi đã khởi sự viết truyện ngắn và tiểu thuyết trong khoảng thời gian từ tám đến mười lăm tuổi, rồi tôi ngưng, chỉ để khởi sự một lần nữa khi tôi đã đến bên lề tuổi năm mươi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

Một bài viết khác của Umberto Eco:

Văn phong của bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản  (tiểu luận / nhận định) 
... nó là một văn bản đáng kinh ngạc ở chỗ nó khéo léo luân chuyển giữa giọng văn khải huyền và châm biếm, giữa những khẩu hiệu hùng hồn và những lời giải thích rõ ràng, và ngay cả đến hôm nay (nếu xã hội tư bản thật sự muốn trả thù về những cuộc nổi loạn mà mấy trang viết này đã gây ra) nó nên được đọc như một văn bản thiêng liêng cho những đại lý quảng cáo... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021