thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Và như thế

 

tặng Nghĩa

 

Trong phòng có hai giường. Bà cụ ở giường bên, 84 tuổi, bị ngã vỡ cổ xương đùi.

Thầy bói nói năm nay cụ gặp hạn, phòng té ngã. Cụ đã giữ gìn cẩn thận, vậy mà chỉ còn đúng một ngày nữa thôi là qua hết tháng thì giữa khuya, vào lúc một giờ sáng cụ thức giấc lò dò bước ra cửa thì bị ngã. Thầy bói nói cấm sai. Đó là số cả, con ạ. Cụ quay sang phía tôi nói. Mình có biết trước để tránh thì cũng chỉ giảm bớt phần nào thôi, làm sao mà vượt qua được cái số. Con cũng thế thôi; tuổi Mão gặp năm Tỵ tháng Ngọ, dù còn một ngày cũng không tránh được đâu; cho nên đừng buồn làm gì, con ạ. Con bị như thế là may lắm rồi, chỉ có hai cái tay thôi, chứ ngộ nhỡ ở ngoài đường ngoài sá thì biết đâu mà nói trước sẽ ra làm sao.

Đến hôm nay trông cụ đã tươi tỉnh hẳn, sắc diện sáng sủa. Sau khi phẫu thuật lắp ghép xương, cụ đã dần dần phục hồi, ăn uống ngon miệng, chỉ còn mỗi cái bí tiểu. Bác sĩ khuyên cụ phải uống thật nhiều nước, mỗi ngày cũng phải ít nhất một lít. Nhưng ở vào tuổi của cụ, việc ấy không phải là dễ dàng. Các con của cụ, tất cả mười hai người; một người sống ở nước ngoài dẫn vợ con về thăm mẹ thì gặp đúng lúc cụ phải nhập viện. Họ đều ngoài bốn mươi và có gia đình riêng, thay phiên nhau túc trực bên giường cụ; ban ngày ít nhất cũng hai người, chưa kể một vài cặp thoáng qua thăm hỏi, còn ban đêm luôn có một cô con gái luôn tay đấm bóp, trò chuyện. Khi nói chuyện với mẹ họ đều dạ thưa, lễ phép. Tôi thật sự ngạc nhiên. Giường nằm của cụ ngăn nắp. Quần áo, đầu tóc, mặt mũi toát ra sự sạch sẽ, gọn gàng. Tôi đoán thời trẻ cụ phải là một người khá đẹp và giỏi giang, sắc sảo, nuôi dạy con chu đáo lắm. Cụ dặn họ phải chăm đi chùa lễ Phật, nhắc mua hoa quả, nhang đèn lễ bố. Họ im lặng nghe, vâng dạ. Họ cũng thường nói chuyện với tôi. Đủ thứ. Từ chuyện làm ăn, số mệnh, thời buổi người khôn của khó, bệnh viện chỉ chăm chăm thu tiền, người nghèo là cầm chắc cái chết trong tay, đến chuyện tiêu cực của cán bộ cơ quan nhà nước. Dần dần giữa chúng tôi đã hình thành một thứ tình cảm gần gũi, tin cậy. Đôi khi cho nhau mượn vài cái vật dụng hoặc mời nhau thức ăn.

Cụ an ủi, dặn dò tôi phải chịu khó học hành làm việc. Cuộc đời mình ngắn ngủi lắm, con ạ; thể xác, tiền bạc là thứ phù du, khi vui nó ở với mình, khi buồn thì nó rũ áo ra đi, chỉ có cái phúc là nó bền vững hơn hết. Gặp ai vào thăm, sau vài câu chuyện, thế nào cụ cũng đem tôi ra làm đề tài, vẻ thương xót ái ngại lắm. Rõ khổ, bốn mươi mấy tuổi rồi mà chưa vợ con gì cả. Kỹ sư tốt nghiệp ở nước ngoài mới về nước làm việc được mấy tháng đấy chứ, xô vào cánh cửa kính chẳng may nó đổ xuống, bây giờ hai cổ tay bị đứt dây thần kinh phải mổ nối lại, nằm ở đây hơn tuần rồi, không biết đến bao giờ mới bình phục. Gia đình đều ở nước ngoài cả, chỉ thấy mấy người bạn trai thỉnh thoảng đến thăm, qua quýt, rồi lại về. Tuổi Mão năm nay là hạn lớn lắm, đấy.

Tôi chú ý cứ sau mỗi câu là cụ lại chép miệng, mắt nhìn người đối diện như để nhận lấy sự đồng cảm. Đôi lúc liếc sang phía tôi. Hai mắt tinh anh, khuôn mặt gầy, gò má và cằm nhô ra. Dưới lớp áo màu xanh lá cây đồng phục của bệnh viện, tôi nhìn thấy hai đầu xương bả vai nhọn. Trông cụ như một cái tượng bằng sáp. Cụ nói hồn nhiên, gẫy gọn, không một chút lú lẫn.

Bị đem ra kể lể, lúc đầu nghe cũng khó chịu. Nhưng nằm một chỗ còn biết làm gì. Mỗi lần nghe tôi lại khám phá ra thêm một cái tật của cụ. Tôi theo dõi phản ứng của những người chung quanh. Đôi khi tôi còn phát hiện ra những chi tiết ngộ nghĩnh về mình nữa. Chẳng hạn có lần cụ nói tôi có bằng cấp cao. Lần khác, tôi hưởng lương cao lắm, một mình tiêu sao hết. Lần khác nữa, tôi sắp được đề bạt thì bị tai nạn, tất cả đều do số trời định cả.

Tôi thích thú với công việc ấy, đến mức quên đi cảm giác dị ứng ban đầu.

Sáng nay, sau khi khám và phát thuốc, bác sĩ nói cụ chuẩn bị chuyển sang Khoa Tiết Niệu. Ở đấy bệnh bí tiểu của cụ sẽ có bác sĩ chuyên môn theo dõi. Hai người con của cụ lăng xăng thu dọn đồ đạc. Họ chuyển đi làm hai đợt. Trong lúc, cụ vẫn nằm trên giường, quan sát. Đến hơn mười giờ, bệnh viện cho xe đẩy đến đưa cụ đi. Cụ chào tôi, chúc sớm bình phục. Đến lúc ấy tôi mới nhìn thấy lớp da mỏng, nhăn nheo của những ngón tay cụ đặt trên cánh tay băng bó của tôi.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021