thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MƯA QUA SÂN THƯỢNG [Tấu khúc thứ sáu]

 

 

 
Sáu tấu khúc của một tuổi hoa niên đến khi chấm dứt vẫn là đột ngột. Tôi từng tự hỏi nén được không những thứ như tình yêu, quá khứ, kỷ niệm và cả mặt đại dương đã tràn vào phố? Tôi tự trả lời là một giọt nước mắt cắt làm sáu khúc vẫn giữ nguyên những óng ánh trong suốt của tuổi thơ và niềm chua xót. Viết là một hành động thao thức. Viết thành truyện là mang trả cho đời sống những gì đời sống đem đến: sự khắc khoải của chính mình.

 

Sân thượng

Với những cuộc ra đi, biển đã tràn vào thành phố.

Cùng với biển là những viễn tượng của sự chết xâm chiếm mọi không gian. Tôi không thể không nghi vấn một nguyên tắc sống mà giá trả bằng tính mạng. Thật ra, sự chết luôn áp cận con người nhưng người ta không quan tâm cho đến khi phải đối diện. Sự chết là gì mà đầy uy quyền, chỉ nghe phong phanh đã khiến con người sợ hãi? Một thiếu nữ cần bao nhiêu can đảm để đi gặp thần chết cũng như đối đầu với những xâm phạm còn tệ hơn cái chết?

Khi nhớ bà, tôi thường liên tưởng đến thần chết xuất hiện lần đầu vào năm tôi mười một tuổi. Ngày đưa ma, tôi đã kết luận rằng thần chết không đáng sợ. Tôi đã ngắm bà suốt ba ngày liệm. Bà nằm im không xúc động với mọi đau khổ đang xảy ra chung quanh, hững hờ với cơn đau nhức đã quấy rầy mình. Bà đã về chùa Hương Tự và hài lòng đạt tâm nguyện cuối cùng bằng linh hồn. Chết là không u buồn bệnh tật, là thoát thân xác chấm dứt khỏi mọi ràng buộc. Vậy, chết có gì đáng sợ?

Đáng sợ có lẽ là khoảnh khắc trước khi chết, khi phải chấp nhận sự mất mát lớn nhất trong cuộc đời là chính sinh mạng của mình. Có lẽ sự tiếc nuối cho một tương lai muốn khám phá sẽ níu kéo tôi, dù không còn quan trọng nữa, hay sự tiếc nuối cho một tuổi thanh xuân chưa sống, và rồi hình ảnh trông mong tuyệt vọng của từng người thân sẽ lần lượt chất ân hận đầy lòng mình... Có lỗi nhất là tôi đã khiến bố mẹ phải tự tay đưa con mình vào chỗ chết. Thần chết vừa thoáng qua đã khiến tôi ngập ngừng: Sự đáng sợ nằm trong chính những món nợ mà mình không trả nổi đành phải mang theo.

Đáng sợ không kém là sức tưởng tượng ra thần chết to dần trong chờ đợi, làm choáng đầu, vì chừng như chỉ là vấn đề thời gian rồi sự hành hình sẽ xảy ra và cách hành hình sẽ phong phú. Những ngày cận đi giống ngày áp lễ hành hình, sự chết không ngừng động kinh, không chỉ cá nhân tôi mà cả toàn gia đình chúng tôi. Đêm đêm chúng tôi như chết đi sống lại với tin khí tượng tường thuật chi tiết bão gia tăng rồi lại áp thấp và gió bất chợt chếch hướng thổi vào vịnh Xiêm La. Ngày ngày chúng tôi hoang mang bấn loạn với những mẩu chuyện đồn đãi về những chuyến đi trước. Tuy không ai trở lại nhưng những cánh thư đem tin của thần chết được truyền miệng với tất cả hốt hoảng. Tôi chưa bao giờ biết thần chết khoác nhiều lớp áo mang nhiều màu sắc đến vậy. Họ kể ông đến như chập sóng xanh đen cao ngút rầm rộ đem theo một bản án tử hình; tức khắc chiếc tàu bể nát thành nhiều mảnh vụn, xác tung khắp nơi. Có khi ông mang cảnh tượng của nắng soi thủng trên những làn da kiệt nước lở loét; của nắng gắt trên boong tàu nhởn nha bập bềnh, chồng chất những thân thể cạn lực; của đảo hoang giam cầm những kiếp người. Đến câu chuyện hải tặc, tôi bịt tai, đầu óc vội vã chuẩn bị cho mình một cái chết chỉnh tề. Trước những điều tệ hại hơn cái chết thì cái chết sẽ là một chọn lựa không tệ.

Giấc ngủ chập chờn hằng đêm với những cơn mơ rối rắm xen kẽ nhiều sắc màu khác nhau. Tâm hồn của cô gái Sài Gòn chưa đủ tuổi thành niên, chưa bao giờ xa nhà, có bao nhiêu can đảm? Tôi sợ trông thấy máu ngay cả chỉ từ mũi kim tiêm, sợ sóng to nước sâu, không chịu được đói khát và cho rằng cướp bóc hãm hiếp chỉ xảy ra cho người khác. Nói chính xác, tôi thật khiếp sợ những câu chuyện chết chóc trên biển mà người ta đã kể lại.

Những lúc không ngủ được, tôi nhờ bốn vách tường cố vấn: tâm trí vùng vẫy trước quyết định đi hay ở. Sự bất an mà hiện tại đã gieo vẫn còn nơm nớp trong lòng tôi. Cả căn phòng thúc đẩy tôi liều lĩnh, thuyết phục đừng ở lại vì đa phần sẽ thành một xác chết biết đi trong khi cơ hội chết trên biển không nhiều hơn. Tôi muốn tin như vậy. Tôi tự nói với mình rằng ngay cả biển cũng đã tràn vào thành phố.

Bố hỏi: Có sợ không. Tôi trả lời: Không sợ. Bố lắc đầu bảo tôi khờ như ếch con nằm đáy giếng xem trời bằng vung. Mẹ dặn chỉ đem theo vài món đồ dùng cần thiết. Những thứ cần thiết thì không thể quên vì không thể quay lại lấy. Còn những thứ khác đều phải để lại. Không thể đem theo gì. Không thể quay trở lại. Vài chữ thôi mà đem nước mắt ngập lòng tôi và nuối tiếc không ngừng sinh sôi nẩy nở. Tôi bắt đầu thấy nhớ thương tất cả những quen thuộc sắp đánh mất.

Trời gầm những lời hối gọi từ xa xăm khi tôi bước chân lên sân thượng giã từ. Tôi trông thấy một cô bé đứng ủ rũ bên cạnh hồ nước chậm chạp nhìn quanh. Ánh mắt cô bé đầy mất mát, nhìn luyến tiếc mỗi nơi mỗi vật như muốn ôm hết vào lòng mãi không buông. Tôi chạnh lòng liên tưởng đến sự mất mát của mình, không được như những cánh hoa sứ trắng làm đẹp nơi mình sinh ra và khi chết rơi xuống cội nguồn. Cô bé thổi nhẹ sang tôi một nụ bình an. Tôi thấy một thiếu nữ xoay người dõi mắt theo nụ hoa đang bay bổng, gió lại cuốn hoa bay chung quanh tôi. Hoa và tôi rượt đuổi nhau qua bao vòng xoay, lênh đênh qua bao thời gian. Bà vẫn đứng đó cầm chiếc rổ con, trông chừng sợ tôi ngã. Người thiếu nữ không ngừng quay tròn ở giữa sân. Trời nổi gió lại đổ mưa lại xuyên nắng, xoay vần những bình minh trong những vạt nắng màn mưa, xoay vần mực nước hồ đầy vơi, xoay vần những tiếng cười nắc nẻ của mấy chị em tôi, tiếng reo vui gọi cha của cô công chúa nhỏ. Lòng tôi cảm thấy nặng dần, mọi vật trước mắt nhoà đi và trong tai chỉ còn tiếng gió trở xoáy, xoáy điên cuồng thành cơn lốc nhấc bổng người tôi lên cao, lao vào một cảnh đêm lạnh. Thành phố hiện dần ra với những con đường tôi vẫn đi về, với trường lớp còn đóng cửa và những mái nhà có bạn bè thân đang ngủ say. Tôi yêu từng tất đất con người, trước phút ra đi tình yêu chợt thâm sâu che khuất sự bất an. Mùi đất ẩm quen thuộc xông lên theo gió thấm qua từng tế bào trên da thịt vào đến tận tâm tuỷ. Tôi để mặc từng lớp gió thấm vào mình, mặc sự tê buốt trong xương. Và như vậy, quê hương ở lại trong tôi.

Gió đã hạ và trong hương sứ trắng, cô gái bé nhỏ của cha Long Vương đang tấm tức khóc. Tôi chậm vòng xoay rồi dừng lại nhìn cô. Nước mắt cô là những hạt trân châu từng thấm trên da tôi. Ánh mắt cô là ánh mắt tôi tha thiết niềm thương tiếc. Cô không nỡ xa rời sân thượng đầy kỷ niệm, nên cô ở lại. Người thiếu nữ đã biến mất còn tôi sẽ không thể trở về.

Tôi rời sân thượng khi trời hừng đông. Trên nền trời ban mai, những vì sao đã thu xong mười bảy năm ký ức, yếu ớt dần rồi ẩn vào ánh nắng. Tôi khép lại cánh cửa sắt dẫn ra sân thượng, khép vĩnh viễn cánh cửa của tuổi thơ. Có lẽ những vì sao ấy đang rực rỡ trên nền trời đại dương. Tôi bước thật nhanh xuống thang nhìn cánh cửa mở rộng phía trước mà nước mắt không ngừng trôi.

 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021