thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tĩnh vật
(Bản dịch Hoàng Ngọc Biên)
 
          Verrà la morte e avrà i tuoi occhi
                                            Cesare Pavese
 

1

Con người và sự vật đầy dẫy quanh ta
Ta có thể đau đến xé mắt
vì con người vì sự vật.
Tốt hơn vẫn là sống trong bóng tối.
 
Ta ngồi trên một chiếc băng gỗ
nhìn người qua lại –
có khi là nguyên những gia đình.
Ta chán ngấy ánh sáng.
 
Đây là tháng đông.
Tháng đầu trên tờ lịch.
Ta sẽ bắt đầu lên tiếng
khi ta chán ngấy bóng đêm.
 

2

Đã tới lúc. Ta sẽ bắt đầu đây.
Bắt đầu từ đâu cũng thế thôi.
Mở miệng. Ta có thể câm nín,
nhưng lên tiếng vẫn hơn.
 
Vậy thì ta sẽ nói gì đây?
Ta sẽ nói về hư không?
Ta sẽ nói về ngày, hay về đêm?
Hay về con người? Không, chỉ nói về sự vật,
 
bởi lẽ con người chắc chắn có ngày sẽ chết.
Ai nấy sẽ chết. Ta cũng thế.
Lên tiếng cũng chẳng làm được gì.
Chỉ như viết chữ lên vách gió.
 

3

Máu ta rất lạnh –
cái lạnh cắt da hơn cả
những con suối băng đến tận đáy.
Ta chẳng ưa thích gì con người.
 
Ta ghét dáng điệu của họ.
Bám chặt vào cây đời,
mỗi gương mặt trơ cứng
không dễ gì tách ra được.
 
Có cái gì nghĩ đến đã thấy ghê tởm
lộ ra trên từng gương mặt từng hình dáng.
Cái gì như là xu nịnh
với những kẻ hầu như chẳng biết là ai.
 

4

Sự vật dễ chịu hơn. Nhìn từ
bên ngoài chúng không thiện
không ác. Và bên trong chúng cũng
cho thấy chẳng tốt chẳng xấu.
 
Bên trong sự vật chỉ là mục nát.
Là bụi. Là sâu bọ đục khoét cây. Và
là cánh bướm khô mong manh. Mặt tường mỏng.
Chẳng thoải mái cho bàn tay.
 
Bụi. Khi ta bật đèn lên,
chẳng nhìn thấy gì ngoài bụi.
Đúng như thế cho dù sự vật
có bí ẩn đóng kín.
 

5

Cái tủ xưa ấy –
bên ngoài cũng như bên trong –
lạ lùng thay làm ta nhớ đến
Nhà Thờ Đức Bà ở Paris.
 
Mọi thứ đều tối đen trong
ấy. Cán chổi hay dải lụa của vị giám mục
không sao đụng tới được bụi đời thường.
Còn chính sự vật, như một qui tắc,
 
chúng không tìm cách rửa sạch hay chế ngự
bụi từ bên trong mình.
Bụi là da thịt của thời gian.
Thời gian, ấy là thịt da và máu.
 

6

Gần đây ta thường ngủ
giữa ban ngày. Cái
chết của ta, giờ đây có vẻ như
đang thử thách và sát hạch ta,
 
đem gương soi đặt gần
đôi môi hãy còn hít thở của ta,
xem cho biết ta còn có thể chịu
nổi không hiện hữu giữa ánh sáng ngày.
 
Ta không cử động. Hai bên
sườn này lạnh như những khối băng.
Những đường tĩnh mạch hiện một màu xanh
trên nền da trắng màu đá hoa.
 

7

Gộp hết các góc cạnh của mình
để gây ngạc nhiên cho chúng ta,
sự vật thoát ra khỏi thế giới của
con người – một thế giới làm bằng chữ nghĩa.
 
Sự vật không chuyển động, hay đứng nguyên.
Đấy chỉ là sự mê sảng của chúng ta.
Mỗi sự vật là một không gian, bên ngoài
không gian ấy có thể chẳng có gì cả.
 
Một sự vật có thể bị ta đánh vỡ, đốt cháy,
có thể bị ta moi ruột, đập nát.
Vứt bỏ. Thế tuy nhiên sự vật
sẽ không bao giờ hét, “Ôi, mẹ kiếp!”
 

8

Cây cối. Bóng mát của nó, và
mặt đất, với những rễ bám đâm suốt.
Như những chữ kết tên đan vào nhau.
Đất sét và những dãy đá.
 
Rễ cây dệt chéo và pha lẫn vào nhau.
Đá tảng dùng khối nặng của riêng mình 
thoát ra khỏi những chùm
gốc rễ chằng chịt.
 
Tảng đá kia nằm cố định. Ta không thể
dời chỗ nó, hoặc trục nó đi.
Bóng cây lá ập lên con người,
như một con cá nằm trong lưói.
 

9

Sự vật. Màu nâu của nó. Đường
viền mờ nhạt của nó. Buổi hoàng hôn.
Bấy giờ chẳng còn gì.
Chỉ còn một tĩnh vật.
 
Cái chết sẽ đến và sẽ tìm thấy
một thân người, sự an bình lặng lẽ
sẽ chiếu rọi cái chết đến gần
như gương mặt của người đàn bà.
 
Lưỡi hái, sọ người, xương –
cả một túi dối trá phi lý.
Đúng ra: “Khi cái chết tới,
nó sẽ móc chính đôi mắt của ngươi.”
 

10

Mary bấy giờ nói với Chúa Ki tô:
Ngươi có phải là con ta? – hay Thượng đế?
Ngươi bị đóng đinh trên cây thập giá.
Đường về nhà ta nay ở nơi đâu?
 
Làm sao có thể đi qua cổng nhà
khi ta còn chưa hiểu ra:
Ngươi đã chết? – hay còn sống?
Ngươi có phải là con ta? – hay Thượng đế?
 
Đến lượt Chúa Ki tô thưa:
“Dù chết hay sống,
thưa mẹ, thì cũng thế mà thôi –
là con hay là Thượng đế, con vẫn là con của mẹ.”
 
                                                6.1971
 
------------------------------------
* "Verrà la morte e avrà i tuoi occhi": Khi cái chết tới, nó sẽ lấy đi đôi mắt của ngươi.
 

______________________

 
Ghi chú của Tiền Vệ:
 
"Tĩnh vật" -- một trong những bài thơ quan trọng của Joseph Brodsky -- đã được Simon Nabatov (nhạc sĩ Nga lưu vong, người có cuộc sống gần giống như Brodsky) soạn thành nhạc phẩm "Nature Morte" dài 66 phút cho giọng nam, clarinet, trombone và dương cầm. Nhạc phẩm đã được ghi vào đĩa Simon Nabatov Quartet, "Nature Morte", LEO RECORDS CD LR310.
 
Phê bình gia Stuart Broomer viết về nhạc phẩm này như sau:
 
"Bản 'Nature Morte' của Simon Nabatov là một phép lạ của tài năng và kiến quan nghệ thuật, một kết hợp hiếm có của những thành tố âm nhạc, trong đó ca từ, khúc thức và sự ngẫu tác đã hỗ trợ cho nhau cực kỳ tinh tế..."
 
Riêng về bài thơ "Tĩnh vật", Stuart Broomer nhận định:
 
"Tĩnh vật" của Joseph Brodsky là một bài thơ căng thẳng khủng khiếp, một mộng tưởng giữa tháng Giêng băng giá về đời sống và cái chết, thân xác và thời gian, sự tiến hoá và sự thoái hoá, thượng đế và con người. Những đường cong của ý nghĩa -- những đề tài của nó -- bao gồm hơi thở, cái kinh nghiệm nội tại của thân xác, sự hiện diện bất khả biện biệt của tính cách thiêng liêng trong con người. Nó là bài thơ của một thân phận lưu đày nhưng đã được viết trước khi chính nhà thơ bị lưu đày, bài thơ của một người bị kết án "ăn bám xã hội" có lẽ chỉ vì người ấy có khả năng đàm luận về những phương diện của cuộc nhân sinh ("Bụi là da thịt của thời gian") hơn là chỉ biết đàm luận đơn thuần về chính trị, hay thậm chí đơn thuần về xã hội. [...] Dù ngôn ngữ hình tượng của nó có điểm tương đồng với những bài thơ khác của Brodsky, nó không phải là một bài thơ để đem ra phân tích, tháo gỡ, chú giải. Các phần của nó đã sẵn phô bày hiển hiện, được chia thành những đoạn cân đối, và sẽ sẵn sàng kết hợp lại thành một cấu trúc tổng thể trong quá trình đọc, trong chính người đọc. Bài thơ tự nó làm nên ý tưởng. Hãy đọc nó nhiều lần và nó sẽ trở nên minh bạch và hoàn hảo, tâm trí của người đọc sẽ đạt được điều này trong khi đọc. Chúng ta không thể hỏi nó có ý nghĩa gì. Tự nó sẽ mang ý nghĩa đến cho chúng ta.
 
________________
JOSEPH BRODSKY (1940-1996), nhà thơ Nga, quốc tịch Hoa-kỳ, đoạt giải Nobel Văn chương năm 1987.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021