thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tại sao sáng tác nghệ thuật?
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

 

Giữa những năm 1940, trong lúc tôi đang truy tầm lý do tại sao người ta tạo nên một tác phẩm nghệ thuật trong xã hội này, tôi tư duy không phải trên bình diện sân khấu, mà chủ yếu trên bình diện âm nhạc. Cuộc tìm kiếm một lý do cho việc sáng tác nghệ thuật đã xảy đến với tôi vì câu chuyện sau đây.

Tôi đã được giáo dục trong các trường học rằng nghệ thuật là vấn đề thông tri giữa người và người. Sau đó tôi đã quan sát và nhận thấy rằng tất cả các khúc tác gia đều viết khác nhau. Nếu nghệ thuật là sự thông tri, thì chúng ta đang sử dụng những thứ ngôn ngữ khác nhau. Vậy thì chúng ta đang ở trong một tình trạng như Tháp Babel, nơi chẳng ai hiểu ai cả.

Do đó tôi quyết định hoặc là tìm cho ra một lý do khác hoặc là vất bỏ hẳn việc làm nghệ thuật. Lou Harrison và những khúc tác gia khác đã cùng tôi bắt tay vào cuộc truy tầm. Ngay trong lúc đó, một nữ nhạc sĩ đến từ Ấn Độ loan báo cho chúng tôi về sự ảnh hưởng của âm nhạc Tây phương đối với những dòng âm nhạc truyền thống của Ấn Độ. Chị đến thụ giáo một số nhạc sư Tây phương trong thời gian sáu tháng bằng một lối học rất tập trung. Tôi gặp gỡ chị hầu như hàng ngày.

Trước khi chị trở về Ấn Độ, tôi học được từ chị cái lý do truyền thống của việc sáng tác một bản nhạc ở Ấn Độ: "để làm an tịnh tâm trí, khiến nó có thể thụ nhận những ảnh hưởng thánh thiện."

Trong lúc đó, Lou Harrison đang đọc một bản văn Anh ngữ cổ, tôi đoán là xa xưa tận thế kỷ thứ mười sáu, và anh tìm thấy cái lý do này cho việc sáng tác một bản nhạc: "để làm an tịnh tâm trí, khiến nó có thể thụ nhận những ảnh hưởng thánh thiện."

Từ đó mọc lên một câu hỏi: Tâm trí an tịnh là gì? Rồi câu hỏi thứ hai mọc lên: Những ảnh hưởng thánh thiện là gì? Một trong những điều đang xảy đến cho xã hội chúng ta là phương Đông và phương Tây không còn tách rời nữa. Như Fuller và McLuhan vẫn liên tục chỉ ra cho thấy, chúng ta đang sống trong một ngôi làng hoàn cầu.

Trước đây, chúng ta nghĩ rằng phương Đông chẳng có gì dính dự đến chúng ta; rằng chúng ta không có cách nào tiếp cận nó. Giờ đây chúng ta hiểu biết khá hơn. Chúng ta đã học được từ tư tưởng Đông phương rằng những ảnh hưởng thánh thiện đó, thật ra, chính là môi trường sống mà chúng ta hiện hữu trong đó. Một tâm trí sáng suốt và an tịnh là một tâm trí mà trong đó cái tự ngã không làm chướng ngại dòng trôi chảy của những điều thụ nhập vào chúng ta xuyên qua những giác quan của chúng ta và xuyên qua những giấc mộng của chúng ta. Điều chúng ta phải làm trong cuộc sống là trở nên trôi chảy với cuộc sống mà chúng ta đang sống, và nghệ thuật có thể hỗ trợ cho điều này.

 

-------------------------------------

John Cage đã đóng góp bài viết trên đây vào một cuộc hội luận mệnh danh "The Changing Audience for the Changing Arts". Cuộc hội luận được tổ chức vào năm 1966 dưới sự bảo trợ của Arts Council of America và sau đó nội dung cuộc hội luận được in thành sách dưới nhan đề The Arts: Planning for Change (Associated Council of the Arts xuất bản năm 1966).

Bài viết được in lại dưới nhan đề "[Memoir]", trong cuốn John Cage: An Anthology, ed. Richard Kostelantz (New York: Da Capo Press, 1991), 76-77.

Nhan đề Việt ngữ "Tại sao sáng tác nghệ thuật?" do người dịch đặt ra.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021