thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“MURAKAMI LÀ MỘT TẤM GƯƠNG VỀ NHỮNG NỖ LỰC TÌM TÒI VÀ SÁNG TẠO KHÔNG NGỪNG” [Phỏng vấn Nhật Chiêu — nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản]

 

Lê Tân thực hiện

 

Giới phê bình Tây phương tán dương hết lời, xem ông là gương mặt đại diện của nền văn học Nhật Bản đương đại; họ so sánh ông với: Auster, Salinger, Chandler, Borges v.v.. Họ tuyên tụng rằng: Giải Nobel văn chương đang đón chờ ông (Matt Thompson — The Guardian). Sách của ông được đón đọc nồng nhiệt không chỉ tại quê hương mà còn khắp nơi trên thế giới. Ông tựa như một ngôi sao trên văn đàn đương đại.
 
Thế nhưng, ông gặp phải sự chỉ trích gay gắt, của những tên tuổi lớn của văn chương Nhật Bản. Kenzaburo Oe, tác gia thứ hai của nền văn học Nhật Bản đoạt giải Nobel, xem văn chương của ông là “thứ văn chương không thanh cao” và “nặng mùi bơ”. Ông bị xem là kẻ phi truyền thống, một kẻ cổ xúy cho sex, cho những thác loạn của tuổi trẻ.
 
Giáp mặt ông, người ta vừa kính trọng vừa e sợ, vừa ngưỡng mộ, vừa ngại ngùng.
 
Ông chính là Haruki Murakami.
 
Gần đây, tiểu thuyết được đón đọc nhiều nhất của ông, Rừng Na Uy, Biên niên ký con chim vặn dây cót v.v. được giới thiệu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, một số tập truyện ngắn của ông cũng được dịch sang tiếng Việt, và sắp tới sẽ có một tập tiểu luận về văn nghiệp của ông sẽ ra mắt công chúng. Đón đọc tác phẩm của ông, giới phê bình Việt Nam cũng có những ý kiến tranh luận khác nhau.
 
Nằm trong dòng ý tưởng ấy, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị và thẳng thắn với nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học Nhật Bản, về chân dung của nhà văn Haruki Murakami.

 

Lê Tân: Thưa ông, trong thời gian gần đây sách văn học của tác giả Murakami được xuất bản và đầy ắp trên kệ các nhà sách. Vậy dưới góc độ một nhà nghiên cứu chuyên sâu về Văn học Nhật Bản, ông thử phác thảo chân dung của Murakami ra sao?

Nhật Chiêu: Murakami là một tác giả mà sức sáng tác phong phú đa dạng. Ở Việt Nam do mới giới thiệu Rừng Na Uy, Biên niên ký con chim vặn dây cót và một số truyện ngắn cho nên khi đọc Murakami, người đọc cứ tưởng rằng tác giả này có một lối viết hiện thực thuần túy và là tác giả viết về sinh viên; nhưng thực ra Murakami là một ngòi bút liên tục tìm tòi. Và điểm đặc sắc ở ông là một tác phẩm khi xuất hiện là một tìm tòi, khám phá mới về thế giới xung quanh và về đáy sâu của tâm hồn con người (thế giới bên ngoài và thế giới bên trong). Thêm một điều đáng nói nữa nếu như Rừng Na Uy có vẻ hiện thực, thể hiện bộ mặt thập kỷ 60 của Nhật Bản, thì những tác phẩm sau này của ông không phản ánh một thời điểm cụ thể, một địa điểm cụ thể hay một xã hội cụ thể nào. Có thể nói rằng, tác phẩm của ông đề cập đến những vấn đề có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi nào trên thế giới. Có nghĩa là tính toàn cầu ở Murakami nổi bật hơn tính địa phương.

Do đó, ông bị các nhà phê bình thủ cựu kết án là phi truyền thống, không có chút gì, không có một giọt mực nào của truyền thống. Có nghĩa là đọc ông, ta không thấy được một Nhật Bản mà ta đã quen thấy ở những tác giả như Kawabata, Tanizaki, Míshima. So với cả Oe Kenzaburo, một tác giả không phải thể hiện đậm đà tính truyền thống, sáng tác của Murakami cũng rất khác. Vậy thì Murakami là một nhà văn mà điểm nổi bật so với những nhà văn Nhật Bản là ông nỗ lực sáng tạo một ngôn ngữ mới cho văn chương Nhật Bản.

Ngôn ngữ mà ta thấy trong những tác phẩm của những nhà văn trước ông là cái ngôn ngữ rất mờ ảo, tế nhị, mang đậm tính truyền thống, cái mà người Nhật gọi là aimai (ái muội) tức là mờ tối. Trong khi đó thì Murakami muốn ngôn ngữ văn chương mới phải sáng tỏ, sống động, gần gũi với tiếng nói chân thật mà người dân Nhật Bản vẫn nói hằng ngày. Và không chỉ ngôn ngữ mà những gì diễn ra giữa các nhân vật với nhau cũng là những chuyện thường ngày. Những chuyện về tình yêu, tình dục, tìm kiếm bản ngã của mình.

 

Lê Tân: Điểm nổi bật trong sáng tác của Murakami, theo ông là gì?

Nhật Chiêu: Theo tôi, cái đáng nói nằm ở chỗ những sáng tác của ông mang tính toàn cầu chứ không phải tính Nhật Bản. Một điểm nữa là nó mang tính hiện đại chứ không phải là truyền thống. Điểm đặc sắc nữa là nó là một thế giới vô sai biệt, nơi mà những yếu tố đối địch hòa lẫn vào nhau. Ở đó, nó dung chứa cả thiện – ác, tốt – xấu, nhã – tục v.v.. Do vậy, nếu không hiểu dễ ngộ nhận rằng: người thích tục thì chỉ thấy sự tục tằn; người thích nhã thì có thể tìm thấy tính chất tâm linh. Murakami quan niệm rằng: nhục tính là chìa khóa dẫn vào tâm linh. Có thể hình dung ông như một lữ quán mà người ta sẽ tìm thấy cái mà mình cần tìm. Anh muốn nhìn Murakami từ bất kì góc độ nào cũng được. Ông đủ phong phú để anh có thể tìm thấy điều anh muốn.

 

Lê Tân: Và ông cho rằng tính hiện đại thể hiện rất rõ trong văn chương của Murakami?

Nhật Chiêu: Murakami là con của một gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều là thầy giáo dạy văn chương cổ điển Nhật Bản. Thế nhưng, ông lại thích đọc những tác phẩm nước ngoài và đặc biệt là Mỹ. Thứ âm nhạc mà ông yêu thích là nhạc Rock, Jazz. Nên nhớ rằng ông đã từng là chủ nhân của một câu lạc bộ nhạc Jazz, với hàng nghìn đĩa nhạc đặc sắc. Do vậy, không ngạc nhiên khi văn chương của ông hội tụ rất nhiều yếu tố ngoại lai. Trong đó âm nhạc trong văn của ông có cả cao cấp đến Pop. Đó chính là phong cách của ông. Có nghĩa là ở ông không phân biệt nhị nguyên giữa văn chương thuần túy (văn học cao cấp như người Nhật thường gọi) và văn chương bình dân.

 

Lê Tân: Dường như quá trình tìm tòi tư tưởng, phong cách sáng tác bị ảnh hưởng bởi hiện thực đời sống?

Nhật Chiêu: Thực sự là như vậy. Trong cuộc sống của mình, Murakami từng chán ngấy Nhật Bản và ông đi khắp nơi trên thế giới: Hy Lạp, Pháp, Mỹ… Ông chỉ quyết định trở lại Nhật Bản sau trận động đất ở Kobe và cuộc tấn công hơi ngạt của giáo phái Aum.

 

Lê Tân: Thưa ông, bên cạnh một Murakami hiện thực, vẫn còn một Murakami khác?

Nhật Chiêu: Sau Rừng Na Uy thì Murakami viết rất nhiều tác phẩm mang tính siêu thực và Hậu hiện đại. Chẳng hạn: Biên niên ký con chim vặn dây cót, Kỳ xứ và tận thế, Săn tìm cừu hoang ,Kafka trên bờ biển ,Người tình Sputnik, v.v..Trong những tác phẩm đó, ta thấy tràn ngập những tình tiết siêu thực. Ví dụ, người nói chuyện với mèo, những con kỳ lân thay áo, một cô gái nhìn thấy chính mình đang làm tình với một người đàn ông lạ… Murakami không phải là một tác giả mà người ta có thể đưa ra những phán định hẹp hòi, nếu chưa đọc kỹ hàng loạt tác phẩm của ông. Đừng tập trung vào một cuốn như Rừng Na Uy mà đưa ra những nhận định tùy tiện.

 

Lê Tân: Vấn đề chính mà ông đề cập trong những tác phẩm mang tính siêu thực và Hậu hiện đại?

Nhật Chiêu: Trong những tác phẩm về sau này của ông, chúng ta luôn luôn thấy con người tìm tòi bản ngã của mình, và cố gắng tìm kiếm xem mình là gì trong cái vũ trụ này. Như vậy, đó là nhưng tác phẩm mang tính triết lí và cần nhiều ẩn dụ, những ngôn ngữ, biểu tượng. Tuy đó vẫn là những tác phẩm hấp dẫn nhưng không phải dễ đọc.

 

Lê Tân: Thưa ông, có phải chính vì thế mà những nhà phê bình phương Tây đánh giá rất cao Murakami? Họ cho rằng: ông sẽ đoạt giải Nobel vì những sáng tác của ông mang tính toàn cầu và nhân bản sâu sắc. Quan điểm của ông về nhận định này?

Nhật Chiêu: Quan điểm tôi là thế này: Có những tác giả lớn nhưng không hề đoạt giải Nobel ví dụ như Nikos Kazantzakis, một nhà văn vĩ đại người Hy Lạp. Vấn đề Murakami có đoạt giải Nobel hay không tôi thấy không quan trọng. Bởi vì, dù sao nó cũng chỉ là một giải thưởng cho dù uy tín đến mấy thì cũng không phải là tiêu chí độc tôn, chưa kể chuyện phát lầm. Cho nên việc nhiều người tiên đoán rằng Murakami sẽ mang về cho Nhật Bản một giải Nobel mới thì cũng chẳng hề hấn gì, vì tên tuổi của Murakami đã vượt xa tên tuổi nhiều tác giải đoạt giải Nobel.

 

Lê Tân: Có một sự thật rằng những văn phẩm của Murakami chẳng hạn như: Folklore và thời đại của chúng ta, Một ngày đẹp trời để xem Kanguru, Buồn ngủ, Rừng Na Uy… thường gợi lên những nỗi buồn, những sự cô đơn, thậm chí tình yêu là một chắp vá hay tình cờ gì đó và những chuyển biến đó thường được chuyển tải bằng nhũng thông điệp của tình dục. Theo ông, những suy tư, thông điệp đó của tác giả gợi lên điều gì?

Nhật Chiêu: Những tác phẩm của Murakami thường đẫm màu tình dục, trong đó tình dục như một chủ đề xuyên suốt. Thế nhưng, đây không phải là những tác phẩm nhằm câu khách bằng yếu tố sex, mà sex ở đây chính là một ngôn ngữ của Murakami, nó như là những ngôn ngữ khác của ông. Sex trong tác phẩm của ông thường mang tính ẩn dụ hơn là trần trụi của tính giao. Ta thấy là mặc dù sex vẫn là một đề tài cấm kị ở nhiều nơi thì tại Nhật Bản nó là một đề tài khá quen thuộc. Cho nên, đề tài này khi được nói bằng giọng điệu mới thì nó không là cái gì đó mà độc giả Nhật quá dị ứng như độc giả Việt Nam chẳng hạn. Họ có những tác giả từ thế kỷ XVII như Ihaza Saikaku với những tác phẩm hiếu sắc hay còn gọi là sắc tình. Ngay từ xưa người Nhật đã thám hiểm thế giới tình dục với rất nhiều yếu tố còn xa lạ với nhiều nền văn chương khác như: đồng tính luyến ái, tình dục và tôn giáo. Vậy thì ngôn ngữ của Murakami cũng nói về sự tương quan giữa con người với nhau trong một thế giới mà người ta đã quá chán chường, mỏi mệt với vật chất.

 

Lê Tân: Có những tác giả mô tả cái ác, cái xấu, tình dục v.v.với ngòi bút sắc lạnh và tự nhiên nhưng không phải để khuyến khích mà để người ta sống tốt hơn, thánh thiện hơn, nhân bản hơn và bớt trụy lạc hơn. Ông có nhận thấy thế không?

Nhật Chiêu: Ngòi bút của Murakami thường sắc lạnh và tự nhiên khi mô tả về tình dục, về cái xấu v.v. nhưng qua đó chúng ta thấy khát vọng tình yêu, khát vọng về tương quan với đồng loại, khát vọng về tình bạn. Sex là một phương hướng để giải tỏa nỗi cô đơn mà các nhân vật của Murakami thường có.

 

Lê Tân: Tràn ngập trong tác phẩm của Murakami là những: love hotel, nhạc Jazz, sex, phim khiêu dâm v.v.? Theo ông, thì khi đề cập đến những vấn đề này, thông điệp của Murakami là gì? Liệu đó có phải là một cú sốc cho nền văn hóa Nhật Bản, một nền văn hóa ảnh hưởng nặng tinh thần Nho giáo và Thiền?

Nhật Chiêu: Thực ra xã hội Nhật Bản đã biến đổi rất nhiều nhưng nhiều nhà văn Nhật vẫn viết như nó vẫn còn xưa cũ. Người Nhật đương đại vẫn bị mang tiếng là “Tây phương giữa lòng châu Á”. Như vậy nếu ta nhận thấy văn chương Murakami mang nhiều màu sắc Tây phương thì đó là sự thật chứ không phải Murakami cố tình chống lại truyền thống. Bởi vì, ông mô tả những gì ông thấy, ông nghe, mà cái đương đại Nhật Bản rất giống Tây phương chứ không giống như nhiều nhà văn cố tình che giấu nó trong chiếc áo của truyền thống. Cho nên sẽ chẳng có cú sốc nào ở đây cả.

 

Lê Tân: Nhân vật của Murakami thường làm theo ý thích của mình, có vẻ như ông cũng là một nhà văn đề cao tự do cá nhân?

Nhật Chiêu: Đúng! Nhân vật của Murakami là nhân vật luôn luôn muốn sống một cuộc đời độc lập, phóng khoáng như là một bản nguyên. Tức là không phải là một sự sao chép theo một khuôn mẫu nào hết. Tức là không tuân theo một đại tự sự nào hết. Tính Hậu hiện đại thể hiện ở điểm này. Bởi vì tin theo một đại tự sự nào đó thì đánh mất bản nguyên của mình và đặc biệt dễ lâm vào cuồng tín như giáo phái Aum. Vấn đề là nhân vật từ khước đại tự sự để cho cuộc sống của mình bộc lộ cái bản nguyên vốn có của nó. Vấn đề là anh đưa ra một chân dung thuyết phục, sống động của đời sống chứ không nên khuôn định nó bằng những mô thức sẵn có.

Murakami là người luôn luôn chống lại những mô thức sẵn có, những mô thức tiền giả lập. Kimono, hoa đào hay Bonsai, trà đạo, kịch Noh… không quan trọng gì cả, tại sao nó buộc phải có mặt trong các tác phẩm văn chương Nhật Bản? Tại sao? Trong khi thanh niên Nhật Bản hiện đại chắc gì họ thích thú với những thứ như vậy, cần gì phải khắc họa những điều không có? Phải vậy không nào?

Thế nhưng, như lúc nãy tôi nói không nên thiên lệch bên nào hết, tác phẩm sống được trong lòng người là điều quan trọng. Chúng ta đang sống giữa một thế kỷ mà nhân loại ngày càng thu nhỏ lại, càng phẳng hơn, thì văn chương phải khác đi. Trong một thế giới mà hôm nay chúng ta đang ở đây, ngày mai ở New York hay Bắc Kinh…thì cần phải khác. Chính cuộc đời của Murakami là như vậy đấy, ông đi lại rất nhiều nơi. Vậy thì hà cớ gì bắt buộc tác phẩm ông phải chỉn chu, truyền thống? Chúng ta bị phỉnh phờ bởi đời sống văn học Nhật Bản như là hàng mẫu trong những tủ kính. Do vậy những nhà phê bình Nhật Bản bị sốc. Thế nhưng đương đại là đương đại.

 

Lê Tân: Nhưng ngôn ngữ trong văn chương của Murakami hết sức dễ hiểu, lôi cuốn và hấp dẫn?

Nhật Chiêu: Chính xác! Bởi vì Murakami viết như ông đang nghe các nhân vật ông nói trong quán, trên đường phố, trong phòng ngủ. Ông không viết theo lối cổ điển, theo một ngôn ngữ đã bị cách điệu lâu đời mà viết theo ngôn ngữ đang sống. Chính điều đó là yếu tố hấp dẫn đặc biệt. Nên nhớ rằng, ông từng là chủ câu lạc bộ nhạc Jazz, mà đặc tính của âm nhạc hiện đại là những thanh âm của cuộc sống. Ông chính là một nhà thẩm âm đặc biệt và ông vận dụng nó cho việc dụng ngôn của mình. Chính những ngôn ngữ của đời sống thực tại ấy làm nên Murakami.

 

Lê Tân: Có một thực tế là hai “cây đại thụ” trong nền văn học Nhật Bản là Oe và Kawabata, hai nhà văn đoạt giải Nobel văn chương, trong các sáng tác của họ vẫn dung chứa những giá trị truyền thống Nhật Bản. Chính vì thế, những sáng tác của Murakami bị xem là “lai căn”?

Nhật Chiêu: Văn chương có những nhà văn thích cao đạo, thích lối viết cao đạo và những nhà văn thích lối viết đời thường. Theo quan điểm của tôi thì tùy điểm nhìn và phong cách mỗi người. Văn chương nên để nó nảy nở tự nhiên không cần thiết lên án một lối viết nào: là Đông là Tây, là nhã là tục, là thuần túy nghệ thuật hay đại chúng. Vấn đề là nó nói được gì (tư tưởng triết lí) và nói như thế nào (thủ pháp nghệ thuật) để có thể đi vào lòng người. Ở Murakami ta thấy ông nói được rất nhiều về tuổi trẻ, về tình dục, về đời sống đương đại, về nỗi cô đơn, về tình yêu…và nói bằng một ngòi bút biến ảo. Tức là vận dụng rất nhiều thủ pháp khác nhau từ hiện thực, siêu thực đến Hậu hiện đại. Chính cái đó là thành công của Murakami chứ không cần biết văn ông có Nhật Bản hay không, có Đông phương hay không. Thực ra, đã đến lúc chúng ta không nên đặt năng chuyện một tác phẩm văn chương phải thế này, phải thế kia. Không cần! Ai thích thế nào thì viết thế ấy.

Có những điều anh tưởng rằng là phá bĩnh nhưng thực ra anh đang xây dựng. Có những điều tưởng chừng phản văn hóa, nhưng thực ra thuận theo văn hóa. Tôi muốn nói là văn hóa đang sống chứ không phải là văn hóa trong cấu trúc tưởng tượng của ai đó, của những nhà nào đó. Tức là văn hóa trong đại tự sự và văn hóa trong đời sống khác nhau nhiều lắm.

 

Lê Tân: Thủ pháp nghệ thuật mà ông ta sử dụng để đạt được sự kì diệu này?

Nhật Chiêu: Cấu trúc tác phẩm mà Murakami sử dụng trong hầu hết sáng tác của ông là rất mở. Có nghĩa là ông viết chương một mà ông không biết rằng những chương tới sẽ đi đến đâu. Ông thả nhân vật ông ra cho nó sống và dường như ông chiều theo nhân vật hơn là nhân vật chiều theo ông. Có nghĩa là ông cố tình để cho sự tưởng tượng của mình đi theo nhân vật chứ không đặt định cho nó, theo một cấu trúc tiền lập. Ông thả rong nhân vật mình trên cánh đồng cỏ của sự sáng tạo như là những du tử. Họ đi đâu làm gì đó là việc của họ. Có nghĩa là Murakami viết bằng một ngòi bút rất tự do.

 

Lê Tân: Với số lượng ấn bản kỷ lục tại Nhật Bản, và số lượng bản dịch tại nước ngoài, có thể xem đó chính là những dấu hiệu để chứng tỏ Murakami đã phản ánh đúng tâm trạng của người Nhật? Hay đó là sự tò mò của độc giả bên ngoài nước Nhật, muốn hiểu được những “góc khuất” trong tâm hồn của người Nhật?

Nhật Chiêu: Murakami được đón nhận nồng nhiệt bởi nhiêu lẽ. Đọc tác phẩm của ông không cần phải am hiểu văn hóa Nhật Bản và không cần gì phải phỏng đoán những điều xa lạ ngoài văn hóa của mình, văn hóa chung. Tức là một người có kiến thức bình thường cũng có thể đọc được tác phẩm của ông. Thậm chí, người ta nói rằng nếu thay đổi vài cái tên vài địa điểm thì có thể xem như tác phẩm của ông diễn ra bất kì nơi nào, bất kì thời điểm nào trên thế giới này. Và đó thực sự là điều thú vị và lôi cuốn. Chính tính phi thời trong tác phẩm của ông mang lại sự cuốn hút. Người ta không cảm thấy mình và tác giả tồn tại bất kì khoảng cách nào. Murakami là một tác giả rất giỏi ở chỗ đó. Khi đọc ông chúng ta bị lôi ngay vào cuộc không có khoảng cách giữa ta và tác giả, giữa ta và nhân vật, giữa ta và văn hóa mà tác phẩm đang nói tới.

 

Lê Tân: Gần đây, trên văn đàn Trung Quốc xuất hiện dòng văn học Linglei với: Miên Miên, Vệ Tuệ, Cửu Đan, Xuân Thụ. Ở đó thể hiện sự quẫy đạp, phá cách của một bộ phận thanh niên Trung Quốc. Họ chấp nhận tình dục như một yếu tố hiển nhiên, một thể nghiệm trong cuộc sống, một sự khám phá v.v… Họ không chấp nhận sống theo khuôn mẫu, theo những mô thức được định sẵn. Có thể nói đó chính là sự phản ứng của giới trẻ Trung Quốc với những giá trị văn hóa truyền thống. Liệu rằng từ những “dấu hiệu” đó trong sáng tác của Murakami và của dòng văn học Linglei trung Quốc, có thể rút ra nhận định: Đó là hệ quả tất yếu của một xã hội phát triển?

Nhật Chiêu: Theo tôi đó là một sự đương nhiên, một sự phát triển tất yếu. Những tác giả đó cũng diễn tả một đời sống đương đại tuy có thể bị kết án là đồi trụy, nhưng mà nó có thật.

 

Lê Tân: Với những gì đã phân tích, ông thấy Murakami đang ở đâu trên văn đàn Nhật Bản đương đại?

Nhật Chiêu: Theo tôi, ông là nhà văn đáng đọc nhất, quan trọng nhất hiện nay của nền văn học Nhật Bản. Bởi vì ông là người làm được một điều rất quan trọng : trong khi văn hóa đọc bị lấn át bởi văn hoá nghe nhìn, thì việc 1/7 dân số Nhật Bản đọc tác phẩm của ông; và sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả khắp nơi trên thế giới thực sự là một phép lạ, một sự thần kì.

 

Lê Tân: Theo ông thì Murakami thành công ở tiểu thuyết hay truyện ngắn?

Nhật Chiêu: Theo tôi ông là một trường hợp khá đặc biệt, truyện ngắn cũng hay mà tiểu thuyết cũng đặc sắc.

 

Lê Tân: Tác phẩm của Murakami đáng đọc nhất?

Nhật Chiêu: Tác phẩm đáng đọc nhất chính là Con chim vặn dây thiều. Bởi vì, trong tác phẩm này chúng ta không chỉ thấy một Murakami với phong cách chơi đùa mà ta còn thấy một Murakami đầy trách nhiệm đối với những gì mà người Nhật đã làm. Theo ông, người Nhật hay nghĩ mình là nạn nhân của bom nguyên tử mà họ ít nghĩ tới những tội ác của họ đối với nhân loại, đặc biệt là Trung Quốc. Ông khẳng định rằng, người Nhật không chỉ là nạn nhân mà còn là tác giả của những tội ác chiến tranh. Đó là một cái nhìn đầy trách nhiệm, đầy nhân văn.

 

Lê Tân: Với những tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Việt, có vẻ chúng ta chưa khắc họa được bức chân dung của Murakami (hoặc nếu có thì cũng không thật chính xác)? Với tư cách là một dịch giả, một nhà nghiên cứu có uy tín về văn học Nhật, ông có nghĩ là mình sẽ dịch một tác phẩm tiêu biểu của Murakami sang tiếng Việt?

Nhật Chiêu: Thời gian gần đây tôi không còn đi vào nghiên cứu chuyên sâu một nền văn học nào nữa. Lí do rất đơn giản là tôi đang có cảm hứng sáng tác. Tôi cảm thấy đang tìm kiếm mình qua công việc mới là sáng tác. May mắn là tôi được bạn bè khích lệ, và tôi không hề có thời gian để dịch bất kì một cái gì. Tôi nghĩ mình không nói trước điều gì. Nhưng tôi có nhiều bạn bè và học trò say mê và có khả năng dịch thuật. Có lẽ tôi sẽ khích lệ họ làm công việc đó thay tôi. Có lẽ nhờ ảnh hưởng những văn phẩm như Murakami mà tôi sáng tác, vì được làm công việc đó một cách tự do là quá thú vị.

 

Lê Tân: Ông thử nói về vai trò của các nhà phê bình văn học với những “tín hiệu mới” của văn chương Murakami?

Nhật Chiêu: Điều đầu tiên tôi muốn nói là Murakami không đọc các nhà phê bình ở Nhật Bản. Ông tin vào độc giả bình thường hơn những nhà phê bình. Bởi vì độc giả không có thành kiến còn các nhà phê bình thường có thành kiến sẵn. Anh ta thích cái gì thì đi sâu vào cái đó. Thích cổ điển thì đi sâu vào cổ điển, thích lãng mạn thì đi sâu vào lãng mạn. Do đó, cái nhìn của họ không còn mang tính khách quan, còn độc giả thì thoáng hơn. Thế thì, các nhà phê bình chê bai Murakami, còn công chúng đón nhận ông nồng nhiệt thì điều đó không hề phân định cao thấp gì cả. Có thể nói không quá rằng, dường như các nhà phê bình ở Nhật Bản không những không dẫn đạo được quần chúng mà có nguy cơ lạc hậu so với quần chúng. Đây là một điều rất nguy hiểm.

 

Lê Tân: Thị trường sách Việt Nam hiện đang xuất hiện một ấn phẩm (có thể nói là đầu tiên và duy nhất cho tới nay) mang tính nghiên cứu và phê bình về tác giả Murakami, với tư cách là một chuyên gia về văn học Nhật Bản ông thấy đó là một công việc đáng khích lệ?

Nhật Chiêu: Trong tình hình mà các sách nghiên cứu về các tác giả nước ngoài của ta không nhiều và khá là đơn điệu, thì việc xuất hiện một tập sách như vậy của một người bạn trẻ là tín hiệu vui mừng. Bởi vì, chưa cần nói nó giá trị đến mức nào, hành động đó đã chứa đựng sự dũng cảm. Đi vào cái mới bao giờ cũng cần sự dũng cảm. Lập lại những gì mà người khác làm có thay đổi tí chút là việc làm quá ư dễ dàng. Bây giờ mà còn sáng tạo ra bánh xe bò hay phát hiện ra châu Mỹ thì cũng chẳng giá trị gì. Mặc dù, bước đi ban đầu có thể chứa đầy lỗi lầm. Tôi đặc biệt có thiện cảm với những nỗ lực mạo hiểm mặc dù đầy lỗi lầm, vấp váp, hơn là những cái suông sẻ đèm đẹp của sự bắt chước, của sự nhai lại.

Trong văn chương, sự nhai lại là buồn tẻ nhất; sự nhai lại là lỗi lầm đáng lên án nhất, cho dù có hoàn hảo! Anh lập lại theo những khuôn định cho dù rất khéo léo chỉn chu cũng chả có giá trị gì cả, cũng không bằng được sự tìm tòi cho dù có vấp váp. Chính bản thân của Murakami là một tấm gương về những nỗ lực tìm tòi, những sáng tạo không ngừng như vậy!

 

Lê Tân: Cảm ơn ông rất nhiều!

 

LÊ TÂN
thực hiện

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021