thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Số phận mắc kẹt

 

Năm 1986, khi bán căn nhà ở cư xá Lê Đại Hành, mẹ ông Nghĩa nói: “Cho vợ chồng con ra riêng, mẹ chủ trương theo Việt cộng chống ăn bám.” Ông Nghĩa chỉ mặt mẹ nói: “Bà đừng làm chuyện bất nhơn. Dượng mất tích chưa biết sống chết ra sao, mai mốt dượng về ở đâu?” Bà mẹ vẫn giũa móng tay: “ Ổng có về thì cũng đi cải tạo. Đừng có dạy đời mẹ. Con biết mẹ là vợ bé thứ mấy của ổng không?” Ông Nghĩa gặp ai cũng nói thương cha dượng hơn mẹ ruột. Cha dượng ông Nghĩa làm chính khách đối lập, người ta đồn nếu đừng giải phóng lần bầu cử tới ông sẽ đắc cử dân biểu. Ngày đưa ông Nghĩa vào trường dòng Lasan Mossa, cha dượng cầm tay ông nói: “Đừng có khóc! Mẹ mày Tây, Chà, Việt đụng ai cũng lấy. Cha mày có là Việt cộng cũng không sao. Nhưng không biết sao cha mày chỉ sanh được có mình mày, tao thương!” Những năm đó ông Nghĩa thường theo băng đi đánh lộn với đám con nít ở trại gia binh, lần nào về cha dượng cũng hỏi với giọng thích thú như trẻ con. “Mày thắng hay thua? Đánh tụi con lính dễ ợt.” Có lần ông Nghĩa bị băng tụi gia binh lấy căm xe đạp đâm lòi ruột, không biết nguyên cớ gì, má của cái thằng đâm ông phải tìm đến tận nhà quỳ lạy cha dượng ông xin tha lỗi.

Ông Nghĩa bắt gặp cha dượng quỳ trước mặt mẹ ông vì cái chuyện người cha dượng bắt quả tang mẹ ông hú hí trong buồng với tay Năm Nhỏ. Cái tay cảnh sát chìm này ngày nào cũng tới nhà ông đánh bài, thỉnh thoảng tay này dám bóp vú mẹ ông trước mặt các con bạc rồi cười hí hí. Bữa đó người cha dượng vừa quỳ vừa mếu máo nói: “Mình sống khác sao cũng được, chơi sao cũng được. Nếu muốn mình cứ làm trái, đối lập với anh. Chỉ xin mình đừng bỏ anh!” Chứng kiến cảnh đó, ông Nghĩa không ngờ mẹ mình lại có cái uy của một quan toà, bà thản nhiên rít thuốc lá, nói: “Em sống khác, mình chịu được sao! Rồi em lại lấy Việt cộng mình chịu nổi sao! Với đàn bà, việc gì mà mình phải gian trá như làm chính trị?” Ông Nghĩa dễ dàng bỏ qua nhiều chuyện bất công mẹ ông hành hạ cha dượng, nhưng ông Nghĩa thề trong lòng là không bao giờ tha thứ cho mẹ cái chuyện bán căn nhà của người cha dượng. Gặp ai ông cũng hậm hực nói: “Bả từng tuổi đó mà còn bán nhà đi xóm khác lấy chồng.” Năm 1986, mẹ ông Nghĩa đã ngoài năm mươi tuổi nhưng bà vẫn y nguyên cái chất mùi cơm rượu nồng đặc ngây dại, hàng xóm bà con ai cũng tin bà Mỹ Hương sẽ có chồng mới. Gần nửa cuộc đời ông Nghĩa phải sống với cảm giác cay đắng vừa thương vừa ghét mẹ. Ông Nghĩa tự nhận mình là đứa con mất dạy, đâu ngán gì bà mẹ nhưng ông Nghĩa thấy sợ mỗi khi phải nhìn cái phần ngực trắng mênh mang của mẹ lộ ra trong cái cổ áo bà ba. Hôm dọn nhà ra riêng, ông Nghĩa chỉ nói một câu: “Cái hột xoàn làm mặt dây chuyền bà đeo là của tôi chớ gì. Trả đây!”

Đưa vợ và hai đứa con về căn nhà mới mua ở xóm Thịt Heo, ở chưa đầy năm thì ông Nghĩa đụng đầu với ông Môn. Trước đây cả hai là lính ở nhà chung sự vụ, chuyên việc nhận và phát xác lính tử trận, tiểu khu Long An. Mới gặp lại, ông Môn chỉ mặt ông Nghĩa nói: “Cái hột xoàn vợ mày đeo là của đại uý Duy chớ gì. Đừng chối, đụ mẹ, mày biết hột xoàn bi cấy trong da qui đầu của xác chết mà vẫn đem đi cưới vợ.” Ông Nghĩa đấu dịu. “Ai đâu làm vậy trung sĩ ơi!” Cái mặt rỗ của ông Môn đỏ lên: “Ai cho phép mày kêu tao là trung sĩ, mày đừng hòng gạt thằng này.” Ông Nghĩa hết nhịn: “Cái con cặc! Mày tưởng mày làm cán bộ phường rồi lên mặt hả! Đồ ba mươi tháng tư.” Trước kia lúc nhận xác đại uý Duy, ông Nghĩa là người trực tiếp tắm rửa xác, nên lần đó ông Nghĩa tự quyền lấy ba viên hột xoàn trong số năm viên cấy thành vòng bi trên da qui đầu của ông đại uý. Ông Môn dù làm chung ca trực chỉ còn biết chửi om sòm. Việc ông đơn vị trưởng lệnh xuống tịch thu số hột xoàn ai cũng biết là do ông Môn báo cáo. Sau đó, gặp ai ông Nghĩa cũng khoe viên hột xoàn và nói rằng để dành cưới vợ, nhưng không ai biết từ đâu ông Nghĩa có. Ông Môn lại càng tức.

Ông Nghĩa bị mời ra phường. Ngồi đối diện với ông Phó chủ tịch trẻ măng, tướng nhỏ con, trước đây làm nài ngựa ở trường đua Phú Thọ, ông Nghĩa nói lí nhí trong họng: “Tôi với giả chung đơn vị, từng dựa lưng xác lính vừa nhậu vừa hát ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn, có mích lòng gì đâu.” Ông phó chủ tịch nắm tay ông Nghĩa giật giật như giật dây cương, nói: “Chuyện cá nhân anh với ông Môn thôi huề. Tôi mời ra phường để tiện nhắc anh sớm làm hồ sơ công nhận gia đình chính sách.” Ông Nghĩa đỏ mặt nói: “Nói thiệt với cán bộ chớ tôi chỉ biết cái ông nuôi tôi còn cái ông đẻ ra tôi thì tôi chịu chết. Mẹ tôi biết để bả làm.” Tiễn ông Nghĩa ra về, ông Phó chủ tịch nói nhỏ: “Chuyện hột xoàn đeo trên con cặc có thiệt không mấy cha? Con cặc đó trông ra sao?” Ông Nghĩa nói: “Chuyện này chỉ ông Môn là rành.”

Vì chuyện ông Môn nói về cái hột xoàn, tối hôm đó, trong lúc hàng xóm chuẩn bị ăn cơm, ông Nghĩa đuổi con ra đường, đóng cửa đánh vợ. Ông Nghĩa có cách đánh vợ không có tiếng khóc tiếng la, có người còn không tin là ông Nghĩa đánh vợ, họ nói tiếu lâm: “Nội chuyện nó lấy tay vuốt như vuốt xác, nghề của chàng mà, đố vợ nó chịu nổi.” Cũng tối đó những bà hàng xóm tò mò đều hết hồn khi nghe ông Nghĩa chửi vợ: “Đồ đờn bà ngu! Bộ tính xí xọn như má tao để lấy Việt cộng hả?”

Ông Nghĩa bị mời ra công an phường. Sĩ quan công an trực ban bắt ông Nghĩa ký cam kết nếu tái phạm chuyện nói năng phản động sẽ cho ông đi cải tạo. Ông công an có cặp chưn mày lúc nào cũng nheo nheo nói gằn: “Vì anh thuộc diện gia đình cơ bản nên chúng tôi đề nghị anh coi lại bản thân.” Thấy ông Nghĩa mặt đờ ra, ông công an đổi giọng: “Này hôm nào đưa cái hột xoàn xem có gì lạ nhé. Được không thì bảo?”

Vợ ông Nghĩa quê ở một xã thuộc vùng sâu tỉnh Long An. Khi mẹ đi hỏi vợ, ông Nghĩa có dặn: “Nói cho con nhỏ đó biết tôi làm lính nhà xác.” Khi làm đám cưới chị còn học lớp mười hai, về nhà chồng chị vừa làm dâu, làm vợ, vừa đi học dược tá. Trước ngày ông Nghĩa rã ngũ, ông ở nhà xác nhiều hơn ở nhà. Vợ ông Nghĩa là người đàn bà bị chồng đánh không bao giờ khóc, bà con thấy xót hỏi, chị nói: “Có thương đâu mà khóc.” Ông Nghĩa coi thường cái chuyện vợ học dược, lúc còn chiến tranh ông Nghĩa nói: “Có làm cái nghề như tao mới thấy mày học cái thứ vô duyên.” Sau này ông Nghĩa lại nói: “Mày rành dược nhưng mày đâu biết chuyện tại sao con chó hễ bệnh đau là ra tìm chỗ có cứt trâu kiếm cỏ nhai. Tao nghiệm đó là thứ cỏ làm thuốc cải tử hoàn sinh. Có lý chớ phải chơi đâu! Bây giờ tao mới biết tao khùng, bởi tao làm ở nhà xác thấy dân thấy lính chết nhiều quá cầm lòng không được.”

Hai vợ chồng nằm nhìn lên cái trần nhà lợp tôn lạnh, bên ngoài con mắt trăng mười bốn đang nhìn qua lỗ đinh. Lần đầu tiên Ông Nghĩa dịu dàng nắm tay vợ nói. “Tao có bậy mày bỏ qua cho tao. Tao nhớ đã nói với mẹ tao và mày là đeo cái hột xoàn đó không nên. Nó ứng kỳ lắm! Hôm tao tắm xác cho thằng cha đại uý, hai đùi thằng chả bị đạn khoét như đất lở vậy mà con cặc chả cứ bung lên. Tao nghĩ con cặc thằng cha nào hễ đeo vòng bi là xắn tay áo y vậy. Tao quên chuyện thằng chả chết rồi mà! Tao nói có mặt bàn thờ! Khi còn sống làm xấu làm tốt gì không biết, chỉ có những người chết u uất mới ứng chuyện này. Con cặc chả dựng như cây đèn cầy trắng nhách, rõ ràng là nhấp nháy sáng như ánh trăng trên trần nhà kia kìa. Mày đeo cái hột xoàn đó chỉ biết để làm đẹp mặt mày, còn linh hồn không tan của người ta thì sao!”

Năm 1990, sau thời gian đi cải tạo lao động tốt ông Nghĩa được tha về, trong thư gởi vợ, ông dặn: “…Thôi mày ưng thì cứ đeo cái hột xoàn đó đi đón tao. Mấy năm qua mày không bỏ tao đi lấy chồng khác, mày đeo cũng đáng mặt…”

 

Tháng 7/2005

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021