thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tôi, Người Trái Đất
Bản dịch của Thận Nhiên

 

The Planets
tranh của Alison Caltrider, 2004

 

TÔI, NGƯỜI TRÁI ĐẤT

 

Thật không dễ sống chút nào khi bạn là kẻ duy nhất trong lớp học không có sáu cánh tay và thêm một con mắt nằm ngay giữa trán. Nhưng đó là tình cảnh của tôi kể từ khi cha tôi mang tôi đến xứ Kwarkis này.

Tất nhiên, người ta cho rằng đó là một vinh dự lớn. Bố là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, và việc được chọn làm vị đại sứ đầu tiên ở một hành tinh khác (như ông từng kể với tôi vô số lần mà tôi không đếm được) là một thành tựu rất tuyệt cho nghề nghiệp của ông.

Với tôi thì, tôi chỉ muốn về nhà – cho dù bố nói rằng giờ đây Kwarkis là nhà. Tôi sợ rằng ông đã yêu nơi này. Tôi nghĩ mình không thể trách móc gì ông về điều đó. Những cánh rừng đỏ tía rì rào, nước và không khí trong veo lấp lánh (điều thật sự làm cho tôi cảm thấy như mình đang ở trên một hành tinh khác), và những đêm nổi tiếng có đến ba vầng trăng tròn đầy, thì đây quả là một chốn tuyệt đẹp.

Nhưng nó không phải là quê nhà. Người không phải là người của tôi. Phần lớn thời gian tôi chỉ cảm thấy cô đơn và ngu xuẩn.

Theo bố, cảm nhận thứ nhất thì hợp lý, còn cái thứ hai thì vớ vẩn. Ông sẽ đứng bên tôi mà nói, “Con có lý do để cảm thấy cô đơn, Jacob à. Và bố rất tiếc về điều đó. Nhưng con không có lý do gì để thấy mình ngu xuẩn cả.”

Ông biết được gì nhiều đâu. Ông không phải đi học với những đứa nhóc có thể làm mọi chuyện nhanh gấp ba lần mình vì chúng có nhiều hơn gấp ba số tay của mình. Thậm chí tệ hơn nữa, cơ bản chỉ là chúng thông minh hơn tôi. Tất cả bọn chúng. Tôi là đứa ngốc nhất trong lớp – điều đó không dễ gì chịu đựng đâu, vì tôi luôn là một trong những đứa học trò thông minh nhất khi còn ở quê nhà.

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được ngày đầu tiên đến trường ở đây. Bố dẫn tôi vào đứng kế bên cô giáo Darva Preet. Cô mỉm nụ cười kỳ quặc của người Kwarkis, một trong sáu cánh tay của cô với xuống nắm lấy tay tôi, rồi cô xoay lại mà la lên trước cả lớp: “Các em, trật tự nào! Cô muốn giới thiệu một học sinh mới, một người ngoài hành tinh mà tất cả các em đã từng nghe nói đến!”

Tôi bắt đầu đỏ mặt. Thật là khó để nghĩ rằng chính mình là một người ngoài hành tinh. Nhưng, tất nhiên, tôi đã là như vậy: đứa bé duy nhất đến từ Trái Đất trên một hành tinh đầy những người mà tôi đã xem họ là người ngoài hành tinh cho tới khi tôi đến đây. Giờ thì tôi đang ở trên Kwarkis, tình huống đổi ngược lại. Giờ thì tôi là người ngoài hành tinh.

Cả bọn nhóc quay lại nhìn tôi chằm chằm, chớp những con mắt giữa theo cái cách mỗi khi chúng cần quan sát kỹ vật gì. Tôi trừng mắt nhìn lại, cách mà tôi được dạy trên đường đến đây. Sau một lúc, một đứa thọc ngón tay vào mũi móc ra một cục cứt mũi to tổ bố rồi khảy nó vào miệng, nhai nhóp nhép. Cảnh đó làm ruột gan tôi lộn ngược lên, nhưng tôi cố không để nỗi gớm ghiếc hiện ra trên nét mặt. Fior Langis, nhà ngoại giao Kwarkis từng chịu trách nhiệm chuẩn bị ngày hôm nay cho tôi, đã dạy tôi rằng người Kwarkis cảm nhận về các chức năng của thân thể hoàn toàn khác biệt với chúng ta.

“Xin chào các bạn.” Tôi nói bằng tiếng Kwarkis, thứ ngôn ngữ mà tôi đã học qua những cuốn băng ghi vào giấc ngủ trên đường đến đây. “Tôi rất vui được tham dự vào lớp học. Tôi mong chúng ta sẽ vui vẻ học hành với nhau.”

Mọi người cười vui, ngạc nhiên vì tôi biết tiếng của họ. Rồi cả bọn đồng thanh đánh rắm một phát. Tiếng rắm thật là kinh khủng – rền vang lớn cho đến nỗi trong một lúc tôi nghĩ là có một quả bom vừa nổ. Tôi nhảy dựng lên, tuy rằng Fior Langis đã cảnh giác với tôi rằng đây là cách người Kwarkis bày tỏ sự tán đồng của họ. Điều mà bà ta chưa nói với tôi, chưa chuẩn bị cho tôi, là cái mùi thối kinh dị này.

Tôi bắt đầu trào nước mắt.

Tôi khó thở.

Tôi ngã xuống bất tỉnh.

Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện.

Từ dạo đó, bọn nhóc gọi tôi là Kilu-gwan, có nghĩa là “Tay Mảnh Mai.” Tôi lấy làm ngượng cho điều này, vì tôi là một trong những thằng gồ ghề nhất trong lớp khi ở Trái Đất. Ở Kwarkis này thì chuyện đó không khác biệt gì mấy, nơi này không có ai đánh nhau. Nhưng tôi không định sống ở đây suốt đời, và tôi cần phải chịu chơi khi về lại Trái Đất. Ở dưới đó bạn phải chịu chơi để sống còn chứ.

Kẻ duy nhất không gọi tôi là Kilu-gwan là Fifka Dworkis, cậu ấy là người thân thiện nhất mà tôi kết bạn ở đây. Fifka là người đầu tiên trò chuyện với tôi sau cái màn giới thiệu ngượng ngùng của tôi với lớp học.

Cậu nói, “Đừng lo ngại về chuyện đó, Jay-cobe à.” Cậu cố phát âm tên ở Trái Đất của tôi bằng cái miệng kỳ dị hình trái xoan và chiếc lưỡi giống lưỡi rắn xanh lè. “Người khác sẽ không ghét bạn vì cái bộ phận khứu giác nhạy cảm quá mức của bạn đâu.”

Cậu khoác tay quanh vai tôi. Rồi vòng thêm một cánh tay quanh sườn tôi, rồi thêm một cánh tay khác quanh hông tôi!

Tôi cố giữ không run lên, vì tôi biết cậu chỉ bày tỏ vẻ thân thiện. Nhưng điều đó cảm thấy thật là quái.

Thật tình thì không phải chỉ có sự quái dị ấy làm tôi khó chịu, mà còn là do tôi cảm thấy mình không tương xứng khi chỉ có một cánh tay để ôm lại. Bạn bè người Kwarkis thường tay trong tay tay trong tay tay trong tay tay trong tay tay trong tay khi đi dạo phố, và tôi băn khoăn liệu Fifka có cảm thấy bị lừa không khi chỉ nhận được một cánh tay ôm trả.

Dù cậu có cảm thấy bị lừa hay không thì cậu cũng không vui chơi bên tôi nhiều lắm. Cậu luôn luôn tỏ ra rất tốt khi gặp tôi, nhưng chưa bao giờ ngủ lại nhà tôi hay làm điều gì giống thế. Nhiều khi tôi ngờ rằng lý do khiến Fifka tốt với tôi là do mẹ của cậu bảo cậu làm thế. Bà ta là thành viên trong nhóm ngoại giao đoàn làm việc với bố tôi.

Bạn thân duy nhất mà tôi có ở đây là chú gấu trúc nhỏ xíu tên là Ralph J. Bear mà tôi mang theo từ Trái Đất. Trong tình huống bạn đang sống ở một hành tinh khác (hahaha) thì các giống thú bé xíu chỉ dài khoảng một tấc rưỡi thôi. Ralph nằm vừa vặn trong lòng bàn tay tôi.

Tôi thích nhìn nó đi tha thẩn quanh bàn những khi tôi ngồi làm bài tập ở nhà. (Đúng vậy, tôi vẫn có bài tập ở nhà; tôi nghĩ rằng có những thứ giống y như nhau bất kể bạn sống ở đâu cũng vậy!) Và nó gọn gàng sạch sẽ cho đến nỗi bố không phản đối gì khi tôi để cho nó ăn hết đĩa của mình trên bàn ăn. Tôi thương nó lắm nên chẳng nề hà gì chuyện đó.

Ngài đại sứ Trung Quốc tặng Ralph cho tôi trong buổi tiệc tiễn biệt trang trọng mà Liên Hiệp Quốc dành cho bố con tôi. Món quà làm mọi người ngạc nhiên vì người Trung Quốc vẫn giữ kín thông tin về các con vật được tạo giống cho bé lại.

(Tất nhiên, do chúng rất hiếm và quá sức xinh xắn nên luôn có một nhu cầu khổng lồ về chúng. Mọi người hết sức ganh tỵ vì tôi có Ralph, nhưng tôi nghĩ rằng mình nên có một số quyền lợi cho việc làm con của một nhà ngoại giao. Tôi muốn nói rằng không có ai trong những kẻ ganh tỵ ấy bị lôi đi sống trên một hành tinh khác!)

Té ra Ralph là một lý do khiến người Kwarkis liên lạc với Trái Đất lúc ban đầu. Chà, không phải do chính Ralph J. Bear. Nhưng cái chương trình sinh sản mà nó ra đời là một phần của nỗ lực chính yếu để cứu loài gấu trúc. Theo bố, người Kwarkis đã theo dõi chúng ta từ lâu rồi. Các đầu mối liên lạc của ông cho biết một nguyên do khiến họ quyết định rằng chúng ta xứng đáng để gặp gỡ là chúng ta đã xem trọng sinh quyển của mình và nỗ lực trong việc cứu các loài vật bị nguy cơ diệt chủng như loài gấu trúc.

Dù sao đi nữa thì Ralph là bạn thân thiết duy nhất của tôi ở nơi này. Thế nên bạn có thể tưởng tượng được tôi kinh hoảng đến như thế nào khi ai đó yêu cầu tôi cho nó đi.

“Tao phải làm gì bây giờ, Ralph ơi?” Tôi rên lên, cố ngăn mình khóc oà.

Các bác sĩ di truyền học tạo ra những loài thú thu nhỏ cũng tạo cho chúng trí thông minh nữa. Ralph rất thông minh, và nó luôn biết được khi nào có điều gì đó làm phiền tôi. Núng nính đi ngang qua bàn, nó đứng trên hai chân sau, đưa hai tay ra để tôi nhấc nó lên.

Tôi đặt nó lên vai, và nó dúi đầu vào cổ tôi. Điều đó thường làm tôi cảm thấy dễ chịu. Giờ đây nó lại tạo ra tác dụng ngược, vì nó chỉ làm cho tôi lo lắng thêm rằng mình sẽ nhớ nó lắm nếu phải rời xa nhau.

Tôi đang tránh nói về nguyên do tôi dính vào vụ rắc rối này vì quả thật là... rối rắm, nhưng tôi nghĩ mình nên giải thích rõ may ra có được chi tiết nào làm cho sự việc trở nên hợp lý.

Mọi chuyện khởi đầu trong bữa tiệc ngoại giao chúng tôi đãi ở nhà mình.

Theo ý bố, những bữa tiệc ngoại giao là rất quan trọng. Ông nói rằng phần nhiều công việc chính yếu trong nghề của ông xảy ra quanh bàn ăn hơn là ở những bàn giấy trong văn phòng.

Việc quan trọng mà hiện nay ông đang làm là một hiệp ước liên quan đến những ai quan tâm đến Trái Đất. Thấy chưa nào, điều mà phần lớn mọi người bên nhà chưa biết là người Kwarkis không phải là những kẻ duy nhất có mặt ở ngoài này. Nhưng vì họ là sinh vật đầu tiên liên lạc với chúng ta, theo luật của OSFR (Tổ Chức Các Chủng Tộc Ngoài Không Gian Xa Thẳm), thì họ nắm việc kiểm soát sự liên lạc với chúng ta trong năm mươi năm tới.

Cha tôi không vui chút nào khi phát hiện ra điều này. Ông nghĩ rằng người Kwarkis không nên làm thế. Ông cảm thấy họ đang đối xử với Trái Đất như một thuộc địa, và chúng ta nên là người chọn những ai có liên lạc với mình. Nhưng ông không muốn làm cho người Kwarkis giận. Chỉ vì một lý do, họ đã rất tốt với chúng ta. Thêm một lý do nữa, chúng tôi ngờ rằng họ có thể biến chúng ta (khi nói ‘chúng ta’ là tôi muốn nói toàn thể thế giới) thành bụi vũ trụ trong nháy mắt.

Do đó, tình thế rất là nhạy cảm.

Bố có liên hệ với một hành tinh khác, tên là... ái chà, tôi không thể viết ra tên của nó bởi vì chưa hề có ai gọi tên nó ra; điều đó chống lại tôn giáo của họ hay sao đó. Dù sao đi nữa thì cái hành tinh vẫn vô danh đó muốn liên lạc với chúng ta. Nhưng để làm điều đó thì họ phải thông qua người Kwarkis.

Bố rất ủng hộ điều đó. Ông nói Trái Đất càng có nhiều đối tác làm ăn thì càng tốt. Do đó, ông bày bữa tiệc này, chúng tôi sẽ gặp một nhóm người Kwarkis, có cả mẹ của Fifka trong đó, và một nhóm người đến từ hành tinh vô danh đó, có cả cha nội lãnh đạo của họ, tên ổng là Nnnnnn.

Bố yêu cầu tôi tham dự vào bữa tiệc bởi vì (a) người ta thường thích gặp con của bạn, cho dù bạn đến từ hành tinh nào cũng vậy, và (b) đó là một động thái ngoại giao rất tốt, bởi vì nó thường làm cho người ta mềm dịu hoà hoãn hơn. Tôi biết bố cảm thấy hơi có lỗi về việc sử dụng tôi như vậy, nhưng tôi bảo bố đừng nghĩ thế, vì tôi vui khi được giúp bố, đặc biệt là ở Kwarkis này, nơi mà tôi thấy mình như thằng ngố.

Các bữa tiệc ngoại giao thường phải rất khéo léo tinh tế vì bạn không muốn làm ai buồn lòng, và điều đó không dễ dàng chút nào khi có khách dự đến từ ba nền văn hoá khác biệt ngồi ăn với nhau. Tình huống này trên Trái Đất cũng vậy, bạn thử tưởng tượng giùm khi chúng tôi có các đại biểu không phải đến từ ba xứ sở mà thôi, mà là ba hành tinh khác nhau.

Bố nói, “Con này, đây sẽ là một tình huống rất tế nhị. Người Kwarkis muốn con có mặt vào tối nay.Thật sự, họ nhấn mạnh điều đó. Họ rất thích con, con biết đấy. Nhưng Nnnnnn và nhóm của ông ta không thích trẻ con, một phần vì trong văn hoá của họ không có tuổi thơ.”

“Bố nói sao, ‘không có tuổi thơ’ à?”

Bố cau mày, “Trên hành tinh của Nnnnnn, trẻ con nở ra từ trứng. Chúng ra khỏi trứng là giống như trẻ hai tuổi ở Trái Đất, rồi sau đó thì trưởng thành rất nhanh. Ngay cả như thế rồi, chúng còn được các y tá và giáo viên giữ kín không cho ai nhìn thấy cho tới khi chúng sẵn sàng gia nhập vào xã hội của người lớn. Trong thế giới của Nnnnnn, một kẻ trông bằng tuổi của con là có thể có được thân phận của người lớn, đó là một điều mà họ xem trọng. Họ sẽ xem con không như một đứa trẻ, mà là một người bình đẳng, do thế, vì Chúa, con phải thật cẩn thận đấy.”

Ông trao tôi một bản thông tin in vi tính về văn hoá của họ và bảo tôi phải đọc kỹ. Ông nói, “Trong này có nhiều điều mà con nên biết. Điều chính yếu cần phải nhớ là, dù thế nào đi nữa, cũng không được khen bất cứ món gì mà họ khoe với con.”

Ông đứng dậy rời khỏi phòng. Dừng lại ở ngưỡng cửa, ông dặn thêm, “Con cũng nên nhốt con Ralph lại cho tới sáng nhé.”

Rồi ông dặn tôi phải ăn mặc như thế nào, và ông nhanh chóng chuẩn bị một số các chi tiết cho bữa tiệc.

Tôi không biết bạn như thế nào, chứ còn tôi thì khi có ai trao cho cái gì đó bắt đọc, ngay lập tức đầu óc tôi lại nghĩ ngay đến chuyện khác mà tôi cần làm thay vì đọc nó. Không phải là do tôi không muốn học hỏi về những người ngoài hành tinh mới, mà chỉ vì bộ óc của tôi nổi loạn với việc bị bảo phải làm điều này điều nọ. Do đó tôi dẹp bản thông tin qua một bên và làm chuyện khác.

Vài phút sau máy nhận tin nhắn của tôi kêu lên bíp bíp. Tôi nhấn nút nhận tin, hình giao thoa của Fifka cao chừng một tấc hiện ra giữa bàn học của tôi. Ralph ngạc nhiên chuồn mất, nó vẫn chưa quen với cách nói chuyện điện thoại của người Kwarkis. Tôi nhấn nút send để Fifka cũng nhìn thấy tôi.

Chúng tôi trò chuyện về bữa tiệc. Cậu ta hào hứng lắm vì mẹ cậu cũng đến dự. Tôi suýt có cảm giác rằng cậu ghen tỵ với bà. Điều đó làm tôi ngạc nhiên. Khi tôi nghĩ về chuyện đó thì tôi nhận ra là mình chưa từng mời Fifka đến nhà chơi, tôi chỉ nghĩ về nó và chờ có cơ hội tốt để mời. Có lẽ cậu ta thật tình thân thiện hơn là như tôi đã nghĩ.

Chúng tôi lại bàn luận về chuyện xảy ra ở trường, rồi về một trò chơi mà cả hai đang tham gia, cho đến khi trò chuyện xong thì tôi đã hoàn toàn quên mất bản thông tin mà bố đã trao cho. Sau đó tôi làm một số bài tập ở nhà. Rồi tôi chơi đùa với Ralph một lúc.

Chẳng mấy chốc đã đến lúc phải thay đồ.

Đó là lúc tôi thấy lại bản thông tin nằm trên giường.

Tôi thở dài. Nó dày đến cả hai mươi trang. Không có đủ thì giờ để đọc nhiều như thế trước bữa tiệc. Chắc tôi chỉ phải xử sự cho thật ngoan là được.

Tất nhiên, sự thiếu sót trong dự định đó là ở chỗ điều mà nền văn hoá này xem là tốt thì lại khiến cho bạn bị rắc rối ở một nền văn hoá khác...

Bữa tiệc gồm có bố con tôi, ba vị khách người Kwarkis (có cả mẹ của Fifka), và ba nhân vật đến từ hành tinh vẫn còn vô danh nọ. Nhưng kẻ ấy có hai cánh tay, điều này làm tôi thấy phần nào dễ chịu, nhưng da họ màu xanh sáng và cao đến gần hai mét rưỡi.

Phần đầu của bữa tiệc diễn ra suôn sẻ, tôi nghĩ vậy, nếu bạn bỏ qua việc ngồi ăn với một nhóm người Kwarkis là giống như đi nghe một bản giao hưởng cung thứ-xì-hơi.

Một ngày nọ tôi có cuộc thảo luận dài về vụ này với Fifka.

Cậu ta nói, “Sinh vật học là sinh vật học. Có gì mà loài người quý vị lại thấy nó quá tệ chứ? Trời ạ, hãy nghĩ đời sống sẽ ra sao nếu cơ thể quý vị không xử lý mọi thứ mà quý vị nạp vào, nếu cơ thể quý vị không thực hiện công việc của chúng cơ chứ! Tôi mong rằng điều này không xúc phạm đến bạn, Jay-cobe à, nhưng hầu hết chúng tôi cảm thấy rằng nếu quý vị quan tâm nhiều hơn đến các ý tưởng và ít hơn đến các phó phẩm sinh học thì tất cả quý vị sẽ khá hơn nhiều. Các quyết định quan trọng phải thực hiện với đầu óc và con tim, chứ không phải với bao tử và ruột phèo.”

Khi cậu ta nói kiểu đó thì thật khó mà trả lời.

Tuy nhiên, quả là một điều kỳ dị khi ngồi ăn với những nhân vật quan trọng nhất trên hành tinh mà cứ nghe họ chấm câu trong cuộc nói chuyện với những cú xì hơi.

Tôi không hiểu các vị đến từ hành tinh mà người ta không dám nói tên của nó ra chịu đựng vụ này như thế nào, vì họ rất kiệm lời. Nhưng họ đã giao du làm ăn với người Kwarkis qua nhiều thế kỷ rồi, vì thế có lẽ họ quen đối phó với chuyện này.

Vụ rắc rối lớn khởi sự sau bữa ăn, lúc tất cả chúng tôi vào phòng nước để thưởng thức món tráng miệng.

Mỗi ngôi nhà ở Kwarkis đều có một phòng nước. đây là một trong những điều thú vị nhất của tôi trong việc sống ở đây. Cơ bản nó là một gian phòng rất lớn có một sàn nhà bằng nhiều lớp đá. Nước trong vắt chảy xuống một bức tường, rồi chảy qua các lòng suối vào các hồ và vũng nằm rải rác trên sàn nhà. Có cả một vài thác nước nhỏ nữa. Một số vũng có cá. Chà, chúng thật ra không phải là cá, nhưng cũng gần gần như thế cho bạn hiều ấy mà. Ngoài ra còn rất nhiều cây cỏ và một vài vật biết bay giống như những con chim.

Người Kwarkis tiêu nhiều thời gian rảnh của họ trong các phòng nước, chúng là nơi thật tuyệt để trò chuyện và thư giãn.

Vâng, chúng tôi qua đó để ăn tráng miệng. Ít nhất, hai bố con tôi ăn tráng miệng (chính xác là bánh sô-cô-la). Các vị Kwarkis thì nhai thứ lá đỏ tía, món khoái khẩu của họ sau bữa ăn chính. Còn các vị đến từ Hành tinh X thì ngồi ngó chúng tôi. Tôi có ấn tượng là trên hành tinh đó họ không làm gì nhiều cho vui, để giải trí...

Trong lúc chúng tôi đang ngồi đó thì Ralph J. Bear lang thang bước vào. Tôi hết hồn, nhớ lại bố đã dặn rằng phải nhốt Ralph trong phòng của tôi đêm đó. Tôi liếc nhìn bố. Ông không có vẻ bực mình, nhưng điều này không cho tôi một thông tin hữu ích nào cả. Nghề ngoại giao làm ông rất giỏi trong việc cải trang những cảm xúc thật của mình. Chắc chắn gương mặt ông không cho tôi biết một manh mối nào về thứ rắc rối mà tôi sắp gặp phải.

Khi các vị khách của chúng tôi ngó thấy Ralph thì họ đều muốn bồng nó lên, điều này có vẻ như là một phản ứng phổ quát của tất cả mọi người đối với một anh chàng nhỏ nhắn xinh xắn. Bố đề nghị tôi mang nó đi vòng quanh cho mọi người xem. Ai cũng thích nó. Ngay cả mấy tay đến từ cái hành tinh có cái tên bí mật dường như cũng thú vị với dung nhan của nó.

Một lát sau Nnnnnn thò bàn tay dài màu xanh vào dưới váy của ông ta rồi lấy ra một món gì đó trông giống như một cái khung ảnh, kiểu mà bạn có thể mở ra như một cuốn sách. Ông mở nó ra, nhìn vào bên trong, gật gù, mỉm nụ cười trông rất bi thương, rồi chuyền nó cho mọi người. Ban đầu ai nhìn vào nó cũng lộ vẻ giật mình hoảng hốt, rồi sau đó là một vẻ kỳ lạ hiện lên trên gương mặt. Đôi khi vui sướng, đôi khi buồn bã, nhưng chúng đều mang cảm xúc mãnh liệt.

Tôi nóng lòng đến lượt mình.

Tôi ngồi kế bên mẹ của Fifka. Tôi đã cởi giày ra, và cả hai chúng tôi đang đong đưa chân dưới làn nước. (Người Kwarkis không mang giày, vì lòng các bàn chân có hai ngón của họ dày như da thuộc.)

Khi cái vật được những người từ hành tinh vô danh chuyền đến mẹ của Fifka, thì bà nhìn vào đó rồi thở dài. Rồi bà chuyển nó qua cho tôi.

Bố chồm tới trước, như thể muốn ngăn tôi đừng lấy nó, rồi ông an vị lại trên bệ đá phủ rêu mà ông đang ngồi. Trông ông lo lắng, một sơ suất nhỏ trên chiếc mặt nạ ngoại giao của ông. Điều đó lẽ ra là một lời cảnh báo cho tôi. Nhưng tôi quá nôn nóng xem điều gì bên trong cái khung ảnh, cho nên tôi làm lơ đi sự biểu hiện trên mặt ông.

Sai lầm khủng khiếp.

Nhận cái khung, tôi mở nó ra, rồi thét lên bàng hoàng khi tôi thấy mẹ tôi đang nhìn tôi. Mẹ đã qua đời sáu năm trước rồi, trong một cuộc chiến nhỏ ở Châu Á khi bà đang theo dõi viết bài cho tờ New York Times, và hầu như tôi cố không nghĩ đến bà bởi vì đau buồn quá. Giờ đây bà đang mỉm cười với tôi như thể bà chưa qua đời.

Tôi nhắm mắt lại.

Nnnnnn nói, “Tấm gương tâm tình gởi một tín hiệu để kích động một hình ảnh nằm trong não bộ. Nó lấy ra từ não bộ điều đã được chôn vùi sâu, điều mà bạn yêu thương, hay sợ hãi, hay ao ước được nhìn thấy nhất. Cái mà bạn thấy được trong khung ảnh đến từ chính bạn.”

Tôi lại mở mắt ra. Gương mặt mẹ tôi vẫn còn đó,mỉm cười với tôi. Tôi thốt lên lời khen, “Thật là tuyệt!”

Đôi mắt trên gương mặt màu xanh của Nnnnnn nheo lại. Ông ta làm một cử chỉ gay gắt, cứ như là ông rất giận dữ. Ông gằn giọng, “Nó thuộc về cậu đấy.”

Bụng tôi thắt lại khi tôi nhớ lời bố dặn: “Không được khen bất cứ món gì mà họ khoe với con.”

Bỗng dưng tôi ước gì mình có đọc bản in thông tin kia. Tôi vừa làm trò khỉ gì vậy?

Gian phòng lặng phắt, nỗi im lặng nặng nề khiến tôi cảm thấy thật dễ sợ.

Sau cùng tôi nói, “Cám ơn ngài” và tôi gật đầu về phía Nnnnnn.

Càng im lặng hơn nữa. Rồi Nnnnnn nói, “Con thú cưng của cậu cũng tuyệt lắm.”

Tôi lại nói, “Cám ơn ngài.”

Trong một lúc, âm thanh duy nhất trong gian phòng nước là tiếng nước chảy xuống vách tường và chảy ngang qua sàn nhà. Sự căng thẳng giữa các sinh vật ngồi quanh tôi thật là khó chịu rõ rệt. Tôi cảm thấy họ đang chờ đợi một điều gì đó. Tôi cũng nghĩ ra đó là cái gì, nhưng tôi cố tự thuyết phục rằng mình nghĩ sai.

Sau cùng, mẹ của Fifka nghiêng qua thì thầm, “Nnnnnn đang chờ cậu tặng ông ấy con thú cưng.”

Tôi cảm thấy như thể bà vừa thoi tôi một cú trúng ngay bụng.

Nnnnnn chỉ ngồi yên đó, ngó tôi đăm đăm.

Nhảy vọt ra khỏi ghế, tôi chộp lấy Ralph và chạy một mạch ra khỏi phòng.

Tôi nằm trên giường, ôm Ralph trong tay, và nhìn lên xuyên qua trần nhà mà tôi đã bấm nút ‘mở trần’, thì bố bước vào. Mặt ông tối sầm giận dữ.

Tôi làm lơ với ông và tiếp tục ngó lên những mặt trăng. Chúng đều lộ ra, một vầng tròn đầy vành vạnh, một vầng chỉ nửa cái, và một vầng chỉ là một lưỡi liềm bé tí.

Bố hỏi, “Jacob, con có đọc bản in thông tin không?”

Tôi lắc đầu. Một giọt nước mắt ứa ra từ khoé mắt tôi. Tôi một nửa ngượng vì mình đã khóc, một nửa hi vọng rằng nó có thể giúp tôi thoát ra khỏi tình cảnh rắc rối này.

Bố thở dài.

“Tại sao mình không thể chỉ việc trả chiếc gương tâm tình lại cho Nnnnnn?” Tôi hỏi, cố gắng nuốt đi cục nghẹn trong cổ họng.

“Nếu chúng ta làm như thế, nó sẽ mang ý nghĩa rằng chúng ta là những đối tác không xứng đáng. Jacob này, chúng ta phải theo suốt chuyện này. Nó là vấn đề danh dự đối với Nnnnnn và nhân dân của ông ta.”

“Vậy là bố muốn con giao Ralph cho cha nội này chỉ vì ổng nghĩ con là một người lớn và con bị kẹt trong một tập tục kỳ quái mà con không biết là đang có hiệu lực ư? Thôi, quên nó đi!”

Tôi đã nói liều như vậy.

Bố quạt lại, “Nếu con chịu đọc thông tin mà bố đưa cho thì con đã hiểu rõ tục lệ này rồi. Thậm chí bỏ qua không đọc, thì con cũng phải biết nhốt con Ralph trong phòng chứ. Nếu con đã làm những điều bố dặn thì đâu có chuyện gì xảy ra!”

Ông tóm được tôi rồi. Tôi nghĩ sách lược tốt nhất là cứ tảng lờ điều đó đi và ì ra.

Tôi bướng bỉnh nói, “Tốt thôi, họ cứ trở về với cái nơi vô danh của họ. Con sẽ không giao Ralph cho Nnnnnn. Con biết ngay là cha nội đó chỉ muốn xơi tái nó thôi.”

Ralph rên rỉ và rúc vào sát hơn, tôi cảm thấy nhói lên niềm tội lỗi. Không ai biết rõ các chú chàng bé nhỏ này hiểu được tiếng người đến đâu. Tôi hi vọng là mình chưa làm cho nó sợ hãi.

“Jacob, nghe bố nói nè. Mạo hiểm một mối quan hệ tốt với Nnnnnn và nhóm của ông ta là... chà, nó có thể là một vấn đề sinh tử. Những hàm ý đối với Trái Đất thì rất căng, và chúng ta không thể chịu được một sự cố ngoại giao ngay lúc này. Bố rất tiếc, nhưng bố phải yêu cầu...”

Tôi biết là ông nhất quyết rồi.

Tôi cũng biết rằng tôi sẽ không giao Ralph cho một gã quái dị đến từ một hành tinh vô danh.

Điều đó có nghĩa là tôi cũng biết điều mình sẽ làm.

Tôi nhớ lại chuyện Fifka bàn về các quyết định quan trọng, rằng chúng phải làm với khối óc và trái tim.

Ngay lúc này cả đầu óc và trái tim đều nói với tôi cùng một điều. Tôi không thích điều chúng nói, nhưng khi tôi nghĩ về nó, thì nó không phải là một sự chọn lựa gì cả. Chạy trốn đi là chọn lựa duy nhất của tôi.

Cây cối đang rì rào lời hát đêm khuya của chúng khi tôi chuồn vào rừng. Lúc này bầu trời trở nên tối hơn vì vầng trăng tròn đã lặn mất, chừa lại chỉ hai mảnh trăng khuyết.

Một con rắn-bơ trườn quanh gốc một cái cây rồi ngạc nhiên nhìn tôi chằm chằm. (Tất nhiên, đó không thật sự là rắn, đó chỉ là tên mà bố con tôi gọi chúng thôi. Chúng có màu vàng óng và có thể phẳng bẹt ra trông giống như bơ bị tan chảy ra. Khi giật mình hay nổi giận thì chúng có thể biến từ phẳng bẹt thành tròn lẳn chỉ trong nửa giây thôi. Tôi cố không làm cho con này nổi giận.)

Ralph J. Bear đeo cứng lấy cổ tôi, đôi mắt sáng ngó quanh quất và rên rỉ khe khẽ một hai tiếng khi có những cái bóng nhúc nhích đến quá gần chúng tôi.

Tôi thì thầm, “Ổn mà, Ralph. Mình sẽ tìm ra nơi nào đó để trốn cho tới khi vụ này êm đi. Hay có lẽ mình sẽ trốn mãi mãi không chừng.” Tôi nói thêm, nghĩ rằng tôi không thấy được lý do hay ho nào để quay lại điểm này. Tôi quá sức mệt về việc làm một kẻ xa lạ đến từ ngoài hành tinh, một kẻ quái dị, một kẻ bị ruồng bỏ, bơ vơ.

Tôi nhớ đến Toby, và tự hỏi với chuyện này thì nó cảm thấy thế nào.

Toby là đứa ngớ ngẩn nhất trong lớp tôi, hồi còn trong ngôi trường cuối cùng mà tôi đã học trước khi bố con tôi dời đến Kwarkis này. Nó ổn, nhưng nó chỉ không chịu được như thế. Một số đứa xử tệ với nó, điều mà tôi nghĩ là ngu xuẩn. Phần lớn chúng tôi làm ngơ với nó.

Giờ đây tôi cảm thấy chuyện đó thật là tệ. Tôi muốn trở lại và ôm lấy nó, như Fifka vòng ba cánh tay ôm quanh tôi, và tôi sẽ nói với nó rằng tôi thích nó. Điều này là thật, giờ thì tôi nghĩ như vậy đó. Nó là thằng bé hiền lành và chẳng bao giờ làm điều gì cho người khác tổn thương. Tôi từng nghĩ rằng nó chẳng thêm được gì cho lớp học cả, nhưng giờ đây nghĩ về chuyện đó, tôi lại nhận ra rằng chỉ với sự hiện diện của nó ở đó đã là quan trọng. Nó là một phần làm nên chúng tôi, và chúng tôi hẳn đã khác đi nếu không có nó.

Tôi tự hỏi bọn nhóc trong lớp của cô Darva Preet thấy tôi như thế nào. Chúng có nghĩ ngợi gì về tôi chút nào không? Liệu chúng có nhớ đến tôi, giờ thì tôi đã đi mất, hay chúng chỉ thấy thanh thản vì chúng không còn thằng nhóc-hai-tay loanh quanh đây để quan tâm đến nữa? Tôi có làm cho lớp học ấy thêm được gì hay làm đi chút gì, khi tôi gia nhập vào đám học sinh đó?

Tôi mải mê suy nghĩ cho đến nỗi tôi không nhận ra mình đang đi đâu, không nhận ra Nnnnnn đang đứng trên lối đi của tôi cho tới khi tôi suýt va phải ông ta.

“Cậu có nghĩ điều này là khôn ngoan không?” Ông hỏi, giọng trầm và nghiêm. Ông không có vẻ ác ý, nhưng có điều gì đó trông rất đáng sợ. Tôi nghĩ chỉ là do ông quá sức tự tin.

Tôi nhìn ông đăm đăm, không thể nói năng gì.

Ông quỳ xuống trước mặt tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi.

Ông hỏi, “Cậu là người lớn hay là trẻ con?”

Cổ họng tôi khô đắng, bao tử tôi thắt lại thành một nút thắt sợ hãi và tuyệt vọng. Tôi nhớ lại điều bố đã nói về cái cách Nnnnnn và người của ông cảm nhận về trẻ con. Bỏ trốn là một chuyện – không có tôi kề bên, bố hẳn đã có thể tìm được cách thoát ra khỏi mớ bong bong mà tôi đã tạo ra. (Mặc dù khi tôi ngưng suy nghĩ về nó, thì tôi nhận ra rằng ông hẳn đã xới tung khu rừng ra để tìm tôi, dù có ra sao cũng mặc kệ.) Nhưng sự thách thức mặt-đối-mặt với nhà ngoại giao đến từ một hành tinh khác là một điều hoàn toàn khác.

Có một sự im lặng nặng nề giữa chúng tôi. Nnnnnn tiếp tục nhìn đăm đăm vào mắt tôi. Tôi nhận ra rằng tôi không có cách gì để nói dối với ông ta được.

Ông lập lại, “Cậu là người lớn hay trẻ con?”

Tôi nuốt giọng khó khăn, rồi nói với ông sự thật.

“Tôi là cả hai.”

Nnnnnn gật gù, điều này có vẻ như trên hành tinh của ông cũng giống y như trên Trái Đất. “Ta cũng ngờ như thế. Đi với ta nào.”

Ông quay người bước đi. Lẽ ra tôi chạy về hướng khác, nhưng tôi không làm thế. Tôi đi theo ông.

Chúng tôi rời khu rừng. Những cây màu đỏ tía đang hát rì rào bài hát mà chúng hát khi bầu trời trong trẻo. Tôi đong đưa ru Ralph trong vòng tay.

Nnnnnn đẫn tôi đến bên bờ một con suối. Chúng tôi ngồi xuống nhìn lên các vì sao trên cao.

Tôi biết điều ông đang chỉ ra với tôi, hay ít ra tôi nghĩ rằng mình biết. Ông đang chỉ cho tôi cái cộng đồng mà Trái Đất đang được mời tham gia vào, hay có thể được mời tham gia vào, nếu tôi đã không làm cho sự việc rối tung lên.

“Cậu là người lớn hay là trẻ con?”

Câu hỏi cháy bùng trong tai tôi. Bố tôi đã giao cho tôi bản thông tin. Ông đã dặn tôi nhốt con Ralph trong phòng. Ông đã cảnh giác tôi đừng khen bất cứ món gì mà các vị khách cho chúng tôi xem.

Tất cả mọi rắc rối mà tôi gặp phải đều là do lỗi của tôi.

Tôi hỏi, giọng tôi nhỏ xíu và thì thào, như những chiếc lá khô đang chao liệng va vào nhau. “Ông sẽ chăm sóc Ralph thật tốt không?”

Nnnnnn im lặng một lát. Thoạt đầu tôi nghĩ là ông đang quyết định trả lời câu hỏi như thế nào. Về sau, tôi nhận ra rằng ông đang nghĩ có nên trả lời nó hay không.

Sau cùng ông gật đầu.

Cố nén lại không khóc, để giữ cho phần người lớn trong tôi đóng vai chỉ huy, tôi nhấc Ralph ra khỏi cổ mình. Áp nó vào má, tôi chùi nước mắt của mình lên lông nó, rồi giao nó cho Nnnnnn.

Tôi muốn nói, “Ông không hiểu điều này có nghĩa như thế nào đâu.” Tôi muốn nói, “Tôi cô đơn quá, và nó là người bạn thân nhất của tôi.” Tôi muốn nói, “Tôi căm ghét ông.”

Tôi không nói gì cả.

Nnnnnn nhận Ralph từ tay tôi. Ông đặt nó lên đùi mình và vuốt ve lông nó. Nước gợn sóng róc rách qua đôi chân xanh của ông. Các vì sao đầy bầu trời, bầu trời trong vắt của Kwarkis, với một sự phong nhiêu mà chúng tôi chưa từng thấy qua bầu khi quyển bị ô nhiễm của Trái Đất.

Nnnnnn nói, “Đằng kia kìa, lối đó, là quê nhà của ta. Nó là một nơi tuyệt đẹp thiêng liêng. Ta không muốn xa lìa khỏi nó.”

Tôi băn khoăn vì sao ông lại nói với tôi điều này, rồi nhận ra rằng nó là một thứ quà tặng. Nói ra điều này tức là ông đang nói với tôi như một người lớn nói với một người lớn.

Ông quay lại nhìn thẳng vào tôi. “Chúng tôi có những thứ sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn cho thế giới của cậu, Jacob à. Những thứ thuộc về cái đẹp, những thứ thuộc về giá trị. Chúng tôi có kỹ thuật y học, ví dụ, điều ấy có nghĩa là nhiều người lẽ ra sẽ chết trong năm tới thì sẽ được sống, chẳng hạn.”

Tôi suy nghĩ giây lát. “Nếu tôi biết như thế, thì tôi hẳn đã giao Ralph cho ông mà không có chút phân vân gì cả. Tôi hẳn ghét ông, nhưng tôi giao nó cho ông.”

“Tất nhiên là cậu làm thế. Đó không phải là vấn đề. Chúng tôi là một chủng tộc chuyên về kinh doanh. Không phải là do lòng trắc ẩn đối với loài của quý vị có ý nghĩa với chúng tôi. Mà là danh dự của quý vị. Chúng tôi có thể tin tưởng vào quý vị không? Đó là điều mà chúng tôi cần được biết.”

“Các ông có thể tin tưởng chúng tôi không?” Tôi hỏi, giọng thật nhỏ. “Tôi phải được khích lệ.”

Ông ta ngăn tôi lại. Ông nói nhỏ nhẹ, “Những cơn bốc đồng của cậu tốt lắm.”

Chúng tôi ngồi yên lặng một lúc. Sau cùng, Nnnnnn khoa bàn tay xanh một vòng, chỉ dòng suối, cánh rừng, thành phố. Ông dịu dàng nói, “Tôi biết cậu cảm thấy mình giống như là một kẻ xa lạ ở đây. Nhưng đó là do cậu suy nghĩ quá nông cạn. Đúng vậy, cậu đến từ một thế giới khác. Tôi cũng vậy. Nếu chúng ta chỉ nghĩ về chính mình như là những công dân của các thế giới đó, thì ở nơi này chúng ta thật sự là những người xa lạ. Nhưng hãy nghĩ trong những giới hạn lớn hơn đi Jacob.” Ông quét tay thành nửa vòng tròn ngang qua bầu trời. “Hãy nhìn sự hùng vĩ của nó. Cậu cũng là một phần của nó. Hành tinh của cậu, hành tinh của tôi, Kwarkis... chúng đều là một phần của một cái gì đó lớn lao hơn. Nếu cậu suy nghĩ trong các giới hạn của các hành tinh, thì cậu sẽ luôn luôn là kẻ xa lạ. Nhưng cậu và nhân dân của cậu có thể hơn thế nhiều, nếu cậu chọn. Quý vị có thể là những công dân của vũ trụ. Nếu cậu xem mình theo lối ấy, cậu sẽ không bao giờ là một kẻ xa lạ, cho dù cậu có đi đến đâu đi nữa cũng vậy. Cậu sẽ hoàn toàn là... một người của chúng tôi.”

Nhấc Ralph lên khỏi đùi, ông trao nó lại cho tôi.

Tôi nhìn ông.

Ông nói, “Không cần thiết là tôi có con thú này. Điều quan trọng là cậu hoàn thành trách nhiệm đối với tôi. Tôi mừng là cậu đã làm được điều đó. Nó sẽ có ý nghĩa nhiều lắm cho thế giới của cậu.”

Ông đặt tay lên vai tôi.

Ralph rúc vào khuỷu tay tôi và ngủ.

Tinh tú lung linh trên đầu chúng tôi.

Tôi nhìn chúng ngoài xa, tự hỏi mình sẽ đến thăm bao nhiêu vì tinh tú.

 

 

----------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Anh, “I, Earthling”, in trong tập truyện Odder Than Ever của Bruce Coville (San Diego: Harcourt Brace & Company, 1999).

 

___________
Bruce Coville sinh 1950 tại thành phố Syracuse, bang New York, là nhà văn Mỹ chuyên viết truyện thiếu nhi. Từng làm nhiều nghề khác nhau như lắp ráp đồ chơi, dạy tiểu học, thậm chí phu đào huyệt. Coville nổi tiếng với các loạt truyện Unicorn ChroniclesMagic Shop, và các tập truyện như My Teacher is an Alien, Aliens Ate My Homework... Coville đang sống tại Syracuse.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021