thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyên đề CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC THẦN KỲ TRONG VĂN CHƯƠNG

 

Kính gửi văn hữu và bạn đọc,

Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ (realismo mágico / magical realism / réalisme magique) thường được xem như một đặc tính nổi bật trong truyện ngắn và tiểu thuyết Mỹ La-tinh hậu bán thế kỷ 20. Những tên tuổi tiêu biểu của văn chương hiện thực thần kỳ Mỹ La-tinh đã gây sự lưu tâm trong giới nghiên cứu và phê bình văn học quốc tế từ những năm 50. Suốt ba thập niên sau đó, văn chương Mỹ La-tinh bước vào thời cực thịnh, với hàng loạt những khuôn mặt lớn xuất hiện, và tác phẩm của họ đã chinh phục người đọc trên khắp thế giới. Thời cực thịnh ấy có tiếng vang rất lớn khiến nhiều người cho rằng văn chương hiện thực thần kỳ là đặc sản của châu Mỹ La-tinh (thật ra, đó đã là ý tưởng của Alejo Carpentier từ năm 1949, và sau đó nhiều nhà văn Mỹ La-tinh cũng tin như thế). Tuy nhiên, từ những năm 70, nhiều kiệt tác văn chương hiện thực thần kỳ liên tục ra đời bên ngoài châu Mỹ La-tinh cho thấy chủ nghĩa hiện thực thần kỳ đã trở thành một phong trào quốc tế, và nhà văn ở bất cứ nơi nào cũng có thể ứng dụng và khai triển những đặc điểm mỹ học và kỹ thuật của nó vào tác phẩm của mình.

Đối với độc giả Việt Nam, văn chương hiện thực thần kỳ được biết đến trước hết có lẽ qua tạp chí Văn số 109, xuất bản tại Sài Gòn năm 1968, với chủ đề: "Nhà văn Miguel Angel Asturias". Trong đó, ngoài bài giới thiệu Asturias như một nhà văn đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1967 (do Vũ Đình Lưu viết), chúng ta đọc được bản Việt ngữ của 1 tùy bút, 3 truyện ngắn và 3 bài thơ của Asturias, và 2 bài phỏng vấn do Gunter W. Lorens và Jean Chalon thực hiện (tất cả do Lê Huy Oanh dịch từ Pháp ngữ; và có lẽ ông là người đầu tiên dịch thuật ngữ "réalisme magique" một cách hợp lý thành "chủ nghĩa hiện thực thần kỳ", thay vì dịch thành "chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo" hay "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo" như vài người sau này).

Thời cực thịch của chủ nghĩa hiện thực thần kỳ đã qua, nhưng ảnh hưởng của nó đã lan rộng trong văn chương thế giới và vẫn còn giá trị dài lâu, xét trên góc độ mỹ học và thủ pháp tác văn. Thế nhưng, từ khi nó được khai sinh đến nay, dường như văn giới Việt Nam chưa từng có cơ hội tiếp cận nó một cách có ý thức. Mặc dù một số tác phẩm của Jorge Luis Borges, Gabriel García Márquez và vài tác giả tiêu biểu khác của văn chương hiện thực thần kỳ đã được dịch ra tiếng Việt Nam và được nhiều người Việt Nam yêu thích, dường như trong cách hiểu của đa số trong văn giới Việt Nam về chủ nghĩa hiện thực thần kỳ còn ít nhiều nhầm lẫn, nếu không nói là khá mơ hồ.

Vì lẽ đó, kể từ thứ Hai, 29.5.2006, Tiền Vệ sẽ bắt đầu thực hiện chuyên đề CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC THẦN KỲ TRONG VĂN CHƯƠNG. Chuyên đề này sẽ nhắm đến việc tìm hiểu nguồn gốc và những đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực thần kỳ, những tương quan mỹ học giữa nó với những trào lưu văn học khác (như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, vân vân), cũng như những mối liên hệ của nó với những vấn đề căn bản của chủ nghĩa hậu thực dân, chủ nghĩa đa/liên/xuyên văn hoá và chủ nghĩa hậu hiện đại. Chuyên đề này còn có thể gây cảm hứng cho những cây bút sáng tác, và tạo một môi trường cho việc thí nghiệm bút pháp dựa trên và khai triển từ chủ nghĩa hiện thực thần kỳ.

Xin các bạn gửi bài vở nghiên cứu, sáng tác, dịch thuật, hay ý kiến thảo luận, về địa chỉ:

[email protected]

 

Trân trọng,

Nhóm chủ trương Tiền Vệ

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021