thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhận định của ban biên tập

 

TẶNG THƯỞNG TIỀN VỆ THÁNG 2/2007

 

Theo dõi Tiền Vệ trong tháng 2 vừa qua, có lẽ ai cũng thấy ưu thế nổi bật của dịch thuật. Thơ, truyện và tuỳ bút dịch rất nhiều, trong đó, phần lớn đều hay, hơn nữa, khá lạ. Nhiều truyện đầy các chi tiết huyễn tưởng được tác giả kể một cách tự nhiên như nhiên. Chính thái độ dửng dưng trước những cái huyễn tưởng ấy là điều lạ, rất hiếm khi thấy ở văn học Việt Nam. Chưa bao giờ người Việt Nam chứng tỏ là mình có tinh thần duy lý, nhưng hầu như lúc nào chúng ta cũng đòi hỏi sự hợp lý. Hậu quả là trong văn học, giới cầm bút thường có thói quen giải thích mọi sự: tất cả đều đặt trong một thứ quan hệ nhân quả, hầu hết đều rất đơn giản và giả tạo. Thói quen giải thích ấy rõ ràng là làm cho trí tưởng tượng của độc giả bị giới hạn lại, khả năng phát nghĩa của tác phẩm bị thu hẹp lại, và cuối cùng, văn học nói chung bị nghèo đi.

Phần sáng tác có vẻ hơi bị phần dịch thuật lấn át. Nguyên nhân, có lẽ, phần nào do Tết, lúc ai cũng bận bịu, kể cả cái bận dễ thương nhất là “ăn Tết”, về thăm quê hoặc đi nghỉ xa, đâu đó. Tuy nhiên, dù giám sút về số lượng, sáng tác trong tháng 2 vừa qua cũng không hiếm bài hay. Được nhiều anh em chú ý và nhắc nhở nhất là những bài thơ của Inrasara, Nam Di, Miên Đáng, Lê Đình Nhất-Lang, Lê Văn Tài, Ái Vân Quốc, loạt hồi ký của Thế Uyên, bài tạp luận về văn học của Trịnh Thanh Thuỷ, v.v… Có điều, Ban Biên Tập xin đề nghị trao tặng thưởng tháng 2 này cho bài “Mây bay rồi” của Trần Tiến Dũng.

Đây không phải là bài thơ thành công nhất của Trần Tiến Dũng - một trong số những nhà thơ thường xuyên trăn trở tìm kiếm và thử nghiệm ngôn ngữ mới trong sáng tác – trên Tiền Vệ. Dù vậy “Mây bay rồi” vẫn là một bài hay, có cấu trúc đơn giản nhưng gọn chắc và có khả năng gợi mở lớn. Nó tập trung vào một đề tài quen thuộc: mây; ở đề tài quen thuộc ấy, nó tập trung vào một hiện tượng hiển nhiên nhất: bay trên một “nền trời không nóc”. Nhưng từ những sự quen thuộc và hiển nhiên ấy, bằng những câu thơ lửng lơ, Trần Tiến Dũng vẫn nêu lên được một số cách nhìn lạ và thú vị về niềm say mê đối với những cái phù du và vu vơ. Trong thế giới càng ngày càng thực dụng hiện nay, cái nhìn thơ mộng ấy không chừng là một trong những sứ mệnh lớn lao nhất của thơ, là một trong những điều cần được nuôi dưỡng nhất trong văn hoá văn chương của chúng ta. Chúng tôi thích những câu thơ này của Trần Tiến Dũng:

 

                Khoảng không còn lại bàn tay vẫy

                mãi mà không biết mong đợi điều gì

                nói chuyện với mây là

                               điều tốt nhất để giữ trí nhớ.

 

 

Ban Biên Tập Tiền Vệ

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021