thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhận định của ban biên tập

 

TẶNG THƯỞNG TIỀN VỆ THÁNG 9/2007

 

Một trong những đặc điểm đáng ghi nhận đầu tiên trên Tiền Vệ trong mấy tháng vừa qua là sự xuất hiện của rất nhiều cộng tác viên mới: Trần Văn Bạn, Trần Tuấn, Lê Ngân Hằng, Lê Hoài Lương, Phạm Thị Điệp Giang, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Đức Nhân, Minh Trí, Tạ Thành Vinh, Đinh Công Bình, Bùi Xuân, Lữ, Tâm, Diệu Linh, Từ Dạ Thảo, v.v… Một số người trong họ là những cây bút hoàn toàn mới — hoặc mới viết hoặc mới xuất hiện với tư cách nhà thơ hay cây bút văn xuôi nghệ thuật. Được những cây bút tài năng ấy chọn làm sân chơi, Tiền Vệ rất vui, niềm vui được gặp những tâm hồn đồng điệu.

Phần lớn những tác phẩm gây ấn tượng nhất đối với Ban Biên Tập Tiền Vệ trong tháng cũng đến từ những cây bút mới vừa kể. Bài tuỳ bút nào của Lữ cũng đều thấm đẫm chất thơ, như những bài thơ văn xuôi rất mực nhẹ nhàng. Bài thơ “Sưu tập mùa đông” của Lê Ngân Hằng lại tìm thơ ở những câu trao đổi vu vơ bằng emails về nước hoa trên một diễn đàn trực tuyến nào đó. (Có cùng một kỹ thuật tương tự là bài “30 ngày một đêm” của Vương Ngọc Minh, bút danh mới — và có lẽ, cũng là một quyết tâm tự làm mới chính mình — của một nhà thơ đã xuất hiện từ lâu trên Tiền Vệ cũng như trên vàn đàn hải ngoại.) Ở bài “Danh mục tra cứu chung”, Trà Đoá lại biến một trang cảm tạ phô trương hợm hĩnh của một viên chức trong nước thành một bài thơ. Truyện ngắn “Sách cháy” của Lê Hoài Lương có thiên hướng về trí thức hơn, khơi lại câu chuyện về Judas trong Tân Ước từ hai ngàn năm trước, qua đó, gợi lên những liên tưởng khác nhau về các vấn đề tốt và xấu, thiện và ác, sự thật và huyền thoại, v.v…

Ban Biên Tập Tiền Vệ cũng rất ngưỡng mộ những thí nghiệm mới của Ðinh Linh (với những bài thơ đa ngữ hoặc những truyện kể bằng hình ảnh), của Mai Văn Phấn (với những bài thơ văn xuôi), của Vương Ngọc Minh (với những bài thơ không còn mang hình thức tân-hình-thức như anh thường làm trước đây). Đặc biệt, chúng tôi rất thích hai bài thơ mới của Nguyễn Quang ThiềuNguyễn Đăng Thường. Bài “0 giờ 17 phút” của Nguyễn Quang Thiều có nhiều tứ thơ độc đáo, trong đó, đáng nhớ nhất là hai câu “kẻ lạ mặt dùng ánh mắt thích dòng chữ vô hình lên trán / và tôi trở thành kẻ bị lưu đày trong giấc mộng chính mình”. Bài “hemingway” của Nguyễn Đăng Thường có kỹ thuật lạ: tên nhà văn được viết thường như một danh từ chung; hầu hết các câu thơ là tên tác phẩm của Hemingway; và cuối cùng, thú vị hơn cả, nhà thơ tự đính chính chính mình: câu chú thích trở thành một phần của bài thơ, như một thoáng nghi vấn, khiến người đọc phải đọc lại các câu thơ có vẻ khẳng định ở trên một cách khác, và ấn tượng bi đát về sự tự sát của một nhà văn lớn được nhìn lại, qua một góc nhìn khinh khoái.

Tuy nhiên, hai tác phẩm được đề nghị cho tặng thưởng Tiền Vệ tháng 9 là hai bài thơ viết về hai thành phố ở Việt Nam: Sài Gòn, một thành phố thương mại, sầm uất, giàu có, được xem là “hiện đại” nhất trong cả nước; và Hội An, một thành phố cũ, nhỏ và hiu quạnh ở miền Trung. Tập trung vào hai thành phố khác nhau, hai bài thơ còn có hai giọng thơ khác hẳn nhau.

Bài “Buổi sáng ở hẻm 47, nói với những chiếc ghế nhựa & tán lá một cây xoài đang âm mưu trổ trái” của Thận Nhiên sử dụng ngôn ngữ trần và mạnh, đầy tính chất châm biếm, đụng đến nhiều vấn đề có tính thời sự của xã hội, phát hiện một cách tinh tế tính cách tiêu biểu của một tầng lớp trí thức, đặc biệt, phát hiện cái giọng vừa nghênh ngang lại vừa chua chát, vừa có vẻ bất cần lại vừa đau đớn, vừa muốn giẫy giụa lại vừa bế tắc của thời đại.

Bài “Đêm phố cổ Hội An” của Nguyễn Ðức Nhân, ngược lại, thấp thoáng một số nét cổ kính như chính cái thành phố được nhà thơ đề cập: nó có nhịp điệu chậm, lắng và, đặc biệt, nhiều hình tượng đẹp: “Cột đèn đường lêu nghêu cúi nhìn khoảng trống dưới chân”, “vỉa hè đánh rơi tâm sự”, “mái phố dang tay nâng đỡ đêm cong”, “đêm phố cổ rớt tiếng ho ngoài cửa sổ”, v.v…

Khác nhau, nhưng cả hai bài thơ đều đặc sắc và đáng được đọc lại, nhiều lần.

 

Ban Biên Tập Tiền Vệ

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021