thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BẦU TRỜI PHỤ THUỘC [trích]
(Diễm Châu dịch)
 
Lời người dịch:
Trên Tiền Vệ, tôi đã bước đầu giới thiệu "Cái ngáp của những cái ngáp" [một thi hệ gồm 7 bài] của Vasko Popa cùng với bài "Cửa", lần này và những lần kế tiếp xin tiếp tục trình với bạn đọc những bài khác trong Bầu trời phụ thuộc (dựa trên cuốn Le ciel secondaire, bản Pháp văn của Alain Bosquet, nhà xuất bản Gallimard, 1970) và các thi phẩm trích trong Thịt sống Vết cắt (Chair vive & Coupure, bản Pháp văn của Léon Robel, nhà xuất bản Circé, 1997). Tôi cũng được phép đăng kèm một số bản dịch (trong đó có hai bài chưa từng in hoặc đăng báo) của thi sĩ Nguyễn Đăng Thường (trong Bầu trời phụ thuộc), người đầu tiên đã giới thiệu Vasko Popa với độc giả Việt-nam tại Sài-gòn từ trước 1975. Tôi cũng sử dụng một số bản dịch Pháp văn của Giáo sư Vladimir Claude Fišera (tức nhà thơ Claude Vancour). Tiện đây, tôi xin được cảm tạ các dịch giả.
 
______________________________
 

CÁI ĐẦU LANG THANG

 
Một cái đầu lang thang
Răng cắn giữ bông hoa
Quay chung quanh trái đất
 
Với mặt trời gặp gỡ
Nó kính cẩn cúi chào
Và theo đuổi đường cũ
 
Với mặt trăng gặp gỡ
Nó mỉm cười với trăng
Rồi rong ruổi đường nó
 
Vì đâu nó cằn nhằn đất
Nó không thể trở về
Hoặc bỏ đi luôn sao
 
Cái miệng nở hoa của nó biết rõ
 
(Chùm thơ «Những dấu hiệu»)
 
 

SỢI CHỈ CẦN CÙ

 
Tại sao những cái nhìn của mi
Khâu mi mắt chúng ta lại
 
Ta không hiểu chúng làm gì
Những tia nắng sau lưng ta
 
Tại sao mi không quay đầu lại
Để thấy những cái nhìn của mi
 
Ta không còn biết đầu ta ở đâu nữa
Nếu các người cần hãy tìm kiếm nó
 
 

THAN HỒNG PHONG NHIÊU

 
Dê-rô hãy cắt ngươi theo chiều dọc
Để chúng ta có thể đứng thẳng dậy
 
Phải chăng các người đã lớn tới mức độ
Nhảy múa trên than hồng ta
 
Dê-rô hãy cắt ngươi theo chiều ngang
Để chúng ta vươn đôi cánh tay
 
Phải chăng các người đã sẵn sàng bay
Về nguồn than hồng ta
 
(Chùm thơ «Tranh luận»)
 
 

CÁI CHẾT CỦA MẶT TRỜI GIÀ

 
Cách ba bước từ ngọn tới trời
Của cây ti-dơn lúc nào cũng đương hoa
Mặt trời già dừng lại
 
Ba lần y đã đỏ
Đã xanh đã xoay quanh mình
Đã trở lại nơi mọc
 
(Để khỏi chết dưới mắt chúng ta)
 
Người ta đồn rằng y có một mặt trời con
Trong khi chờ đợi chú con ấy sinh ra giữa chúng ta
Chúng ta hãy tập luyện
Cho đêm tối này bừng sáng
 
 

MẶT TRỜI MÙ

 
Hai tia sáng cụt tay
Dẫn đưa mặt trời mù
 
Buổi sáng đã di cư
Về phía trời bên kia
Không có ở trước cửa
 
Buổi trưa đã đổ xuống
Hắn thân với sấm sét
Chả bao giờ có nhà
 
Buổi tối đã bỏ trốn
Vác chiếc giường trên vai
Đi xin ăn nơi một vì sao
 
Chỉ có mình đêm tối
Hai cánh tay mở rộng bước ra
Gặp gỡ mặt trời mù
 
 

HỖN CHIẾN Ở ĐỈNH TRỜI

 
Mặt trời xanh đã sinh ra
Dưới nách trái của trời
Mặt trời đen đã sinh ra
Dưới nách phải của trời
 
Mặt trời xanh lên mặt trời đen lên
Trên ngọn tháp đỉnh trời
Nơi lúc này hoang địa trị vì
 
Chúng ta xuống nơi chính bản thân chúng ta trần trụi
Chúng ta mở những hang hầm của chuột chũi
Chúng ta thì thầm bí danh
Của mặt trời quê hương
 
Cây kiềng vàng ba chân trên tháp
Đã ra đi qua ba ngả
 
 

MẶT TRỜI NỬA ĐÊM

 
Một mặt trời nọ bước ra
Từ một trái trứng bao la và đen tối
 
Hắn lấp lánh bên sườn chúng ta
Hắn mở toang bầu trời
Trong lồng ngực nghèo khổ của chúng ta
 
Hắn không lặn
Cũng chẳng hề lên
 
Hắn nhuộm vàng tất cả nơi chúng ta
Hắn không làm xanh tươi gì hết
Chung quanh chúng ta chung quanh khối vàng này
 
Hắn tự biến đổi trên tim chúng ta
Thành bia mộ
 
(Chùm thơ «Mô phỏng mặt trời»)
 
 

TẤM BÁNH TRO

 
Các người có còn giữ than hồng
Mà ta đã để lại cho không
 
Người đã để lại cho chúng tôi
Một tấm bánh tro đã ôi
 
Các người có đọc ra cái dấu hiệu
Cánh cửa của ta trên vỏ bánh khô
 
Chúng tôi đã đọc ra cái dấu hiệu
Những lưỡi dao bắt tréo của người
 
Các người có ăn bông quỳ vàng ánh
Giấu trong ruột bánh
 
Tấm bánh của người đã ăn
Đôi bàn tay bẻ bánh của chúng tôi
 
(Chùm thơ «Phân ly»)
 
 

TIẾNG HÁT CỦA SỰ THẬT TRẺ TRUNG

 
Sự thật ca hát trong bóng tối
Trên đỉnh cây ti-dơn trong tim
 
Mặt trời nó nói sẽ chín
Trên đỉnh cây ti-dơn trong tim
Nếu những con mắt soi sáng mặt trời ấy
 
Chúng tôi nhạo báng tiếng hát
Chúng tôi túm bắt sự thật chúng tôi trói lại
Và cắt họng nó dưới cây ti-dơn
 
Những con mắt còn mắc bận
Ở bên ngoài trong những bóng tối khác
Và chẳng thấy gì hết
 
 

THUẦN HOÁ LƯỠI DAO

 
Một con dao lé mắt rủ xuống
Đã từ lâu trên tim chúng tôi
 
Đôi cánh bị cắt đã bay lên
Từ cây ti-dơn nơi tim chúng tôi
Và đã thuần hóa lưỡi dao
 
Đôi cánh ấy đã dạy cho lưỡi dao
Lượn vòng quanh trái tim mà phác họa
Khuôn mặt của mặt trời trẻ trung
 
Đôi cánh đã đưa lưỡi dao
Bầm máu vì bài học
Đi rất xa vào những bóng tối rất cao
 
Chúng tôi đã nghiêng mình thật sâu
Trước cây ti-dơn trong tim
 
 

CON CÁ TRONG HỒN

 
Một con cá ánh bạc trong hồn
Trong con cá có một chút rơm
Trên chút rơm một miếng giẻ màu
Trên miếng giẻ là ba vì sao còn trinh
 
Chúng tôi đã câu con cá ánh bạc
Lúc ấy chúng tôi đói lắm
Con cá chỉ hơi bỏ trốn
 
Chúng tôi đã mổ con cá
Từ con cá lọt ra một chút rơm
 
Miếng giẻ màu đã tan rã
Và ba vì sao trinh nguyên
Chẳng còn trinh
 
Còn con cá ánh bạc
Cả đến lũ mèo cũng chẳng thèm muốn
Chúng tôi sai lầm nặng
 
Lúc này trời tối thui trong hồn chúng tôi
 
 

CON BỒ CÂU TRONG ĐẦU

 
Một con bồ-câu trong suốt ở trong đầu
Trong con bồ-câu một cái tráp bằng đất sét
Trong cái tráp một biển chết
Trên biển chết vành trăng toang hoác
 
Chúng tôi đã chặt con bồ-câu
Đập nát cái tráp bằng đất sét
Trút biển chết
 
Chúng tôi đã thâm nhập biển
Và đã tới đáy
 
Xa xa dưới đáy
Chúng tôi thấy con bồ-câu trong suốt
Và trong con bồ-câu vầng trăng non
 
Chúng tôi trở lại trên mặt
 
Xa xa trên mặt
Chúng tôi thấy lại con bồ-câu
Và trong con bồ-câu vầng trăng tròn
 
Chúng tôi khởi sự uống biển chết
 
 

CÂY TI-DƠN TRONG TIM

 
Một cây ti-dơn nở hoa trong tim
Dưới cây ti-dơn một cái nồi vùi dưới đất
Trong nồi là mười hai đám mây
Trong những đám mây mặt trời còn trẻ
 
Chúng tôi đã đào xới trái tim
Để tìm ra cái nồi
Chúng tôi đã khai quật mười hai đám mây
Cái nồi bỏ trốn với mặt trời
Từ một vùng sâu này tới một vùng sâu khác
 
Chúng tôi đã ngắm vùng sâu cuối cùng
Sâu hơn cả cuộc đời chúng tôi
Chúng tôi đã từ bỏ trách vụ của mình
 
Chúng tôi đã đốn hạ cây ti-dơn để sưởi ấm
Trời lạnh trong tim
 
(Chùm thơ «Cây ti-dơn trong tim»)
 
 

CÁI CHẾT CỦA KẺ THÂN THUỘC CÁC VÌ SAO

 
Người ta đồn là hắn phải chết
Hắn chơi thân với sao
Hơn với người
 
Người ta đồn là kiến đã thui hắn
Hắn tin kiến là con
Của sao và ngược lại
Hắn đã chứa kiến trong nhà
 
Người ta đồn là lũ điếm ở trên ấy
Đã làm cho hắn lú hồn
Và còn đồn ghê hơn nữa về
Con dao có dấu tay người
 
Người ta đồn là khi bị hất ra ngoài thế giới
Hắn đi về hướng bông hoa quỳ
Nơi gặp gỡ những con đường
Của mỗi trái tim và mỗi vì sao
 
Người ta đồn là hắn phải chết
 
                                                       (Bản dịch Nguyễn Đăng Thường)
 
 

CHIẾC NHẪN CỦA TRỜI

 
Hỡi chiếc nhẫn chiếc nhẫn của không ai
Làm sao mi lạc mất
Rơi từ trời ở đâu đó
Ở đâu đó nhưng khắp nơi
 
Tại sao mi hợp hôn
Vẻ huy hoàng đã già rất già
Với cái trống rỗng còn trẻ
 
Chúng đã quên mi
Quên đêm tân hôn của chúng
 
Vẻ huy hoàng của mi bắt đầu rượu chè
Cái trống rỗng của mi phình to
Mi lại lạc mất một lần nữa
 
Này đây ngón đeo nhẫn của ta
Mi hãy nghỉ ngơi trên nó
 
 

KẺ CHẲNG RA GÌ

 
Này kẻ chẳng ra gì mi đã ngủ
Và mơ thấy rằng mi là một cái gì
 
Cái gì đó bắt lửa
Ngọn lửa vặn vẹo
Thành những khổ đau mù quáng
 
Mi tỉnh dậy hỡi kẻ chẳng ra gì
Và mi sưởi ấm cái lưng mi
Nơi ngọn lửa của giấc ngủ
 
Mi không thấy những khổ đau của ngọn lửa
Những vũ trụ khổ đau
Cái lưng mi cận thị
 
Hỡi kẻ chẳng ra gì mi đã ngủ lại
Và mơ thấy rằng mi chẳng là gì
 
Ngọn lửa đã tắt
Những khổ đau của nó đã sáng mắt lại
Để tắt đi cả chúng nữa cực kỳ vui sướng
 
 

CON ỐC SÊN LẤP LÁNH SAO

 
Mi bò ra sau trận mưa
Sau một trận mưa sao
 
Các vì sao đã lấy xương chúng
Xây cho mi một ngôi nhà
Mi mang ngôi nhà ấy đi đâu trên tấm vải
 
Thời gian khập khễnh bước theo mi
Để bắt kịp mi để cán nát mi
Hãy để cho đôi sừng mi mọc
 
Mi lê thân trên một làn má khổng lồ
Mà mi không thấy nơi chấm dứt
Cho tới mãi đôi hàm của Kẻ chẳng ra gì
 
Mi hãy lướt qua trên đường sinh
Nơi lòng bàn tay ta mơ ước
Trước khi quá muộn
 
Và hãy để lại cho ta
Manh vải ánh bạc kẻ làm phép mầu
 
 

CÁC VÌ SAO DI CƯ

 
Hỡi các vì sao các người nhìn nhau
Trong thầm kín để trời không thấy các người
Các người đã nghĩ suy đúng đắn
 
Các người đã hiểu nhau ngược lại
 
Các nguời đã thức dậy lạnh lẽo
Xa bếp lửa
Xa cánh cửa nhà trời
 
Hỡi các vì sao hãy nhìn ta
Trong thầm kín để đất khỏi thấy các người
Hãy ra hiệu cho ta những dấu hiệu huyền bí
Ta sẽ cho các người một cây gậy anh đào
 
Và vết nhăn của ta làm lối đi
Và bầu trời của ta làm kẻ hướng đạo
Chúng sẽ dẫn đưa các người về nhà mình
 
(Chùm thơ «Chiếc nhẫn của trời»)
 
 

TRƯỚC KHI CHƠI

                                   tặng Zoran Michitch
 
Người ta khép một mắt lại
Người ta dò xét mọi xó xỉnh của mình
Để xem xem có cái đinh
Có chú đạo chích hay có trứng chim cu
 
Người ta khép con mắt kia
Người ta ngồi xổm rồi người ta nhảy
Người ta nhảy lên cao thật cao
Tới nơi cao nhất của bản thân
 
Từ đó người ta rơi xuống với sức nặng toàn thân
Người ta rơi hết ngày lại ngày
Mãi tới chốn thâm sâu nhất đáy thẳm của mình
 
Kẻ nào không tan tành từng mảnh
Kẻ nào còn y nguyên và y nguyên chỗi dậy
Kẻ đó chơi
 
 

TRÒ CHƠI CÁI ĐINH

 
Một người làm đinh người thứ nhì làm kềm
Những người khác làm chủ nhân*
 
Kềm túm lấy đầu đinh
Răng với tay bấu chặt lấy nó
Rồi kéo rồi kéo mãi
Để nhổ đinh ra khỏi ván sàn
 
Thông thường kềm chỉ giựt đứt được đầu đinh
Nhổ đinh thật là vất vả
 
Lúc đó các chủ nhân nói
Kềm thật là vô dụng
Họ đập nát hàm nó bẻ gãy hai cánh tay nó
Rồi ném ra ngoài cửa sổ
 
Thế rồi một người khác lại làm đinh
Một người khác làm kềm
Những người khác làm chủ nhân
 
--------------------------------
* Một dị bản rất đáng chú ý của Vladimir Claude Fišera dịch là: công nhân.(người dịch)
 
 

TRÒ CHƠI TÓM BẮT

 
Bọn này giật lấy của bọn kia
Cánh tay bàn chân bất cứ thứ gì
 
Chúng ngoạm lấy nó giữa hai hàm răng
Bỏ chạy mau hết sức
Và đem chôn ở đâu đó
 
Bọn kia tản mác ra tứ phía
Tìm kiếm đánh hơi tìm kiếm đánh hơi
Lật lạo khắp mặt đất
 
Nếu may mắn chúng tìm ra cánh tay chúng
Hay là bàn chân hay bất cứ thứ gì
Thời đến lượt chúng cắn lấy
 
Trò chơi tiếp diễn thật sinh động
 
Bao lâu còn có những cánh tay
Bao lâu còn có những bàn chân
Bao lâu còn có bất cứ thứ gì
 
 

TRÒ CHƠI HẠT MẦM

 
Một người nào đó trồng một người nào khác
Hắn trồng người ấy trong đầu mình
Vun đất lại cẩn thận
 
Rồi đợi nẩy hạt mầm
 
Hạt mầm hút cạn đầu não hắn
Biến óc hắn thành hang chuột
Lũ chuột nuốt trửng hạt mầm
 
Chúng lăn ra chết tại chỗ
 
Trong cái sọ rỗng gió tá túc
Và đẻ ra những sợi gió con màu sặc sỡ
 
 

TRÒ CHƠI TRO TÀN

 
Bọn này làm đêm bọn kia làm ngôi sao
 
Mỗi đêm thắp sáng ngôi sao của mình
Và nhảy một điệu vũ xoay vòng đen tối chung quanh nó
Cho đến khi ngôi sao lụi tàn
 
Các đêm lúc đó giải tán
Bọn này làm ngôi sao
Bọn kia vẫn làm đêm
 
Mỗi đêm lại thắp sáng ngôi sao của mình
Và nhảy một điệu vũ xoay vòng đen tối chung quanh nó
Cho đến khi ngôi sao lụi tàn
 
Đêm cuối cùng vừa làm ngôi sao vừa làm đêm
Tự thắp sáng mình lên
Nhảy một điệu vũ xoay vòng đen tối chung quanh chính mình
 
 

SAU KHI CHƠI

 
Sau cùng hai bàn tay nắm lấy bụng
Để nó khỏi bể vì cười
Nhưng kìa không còn bụng
 
Một trong hai bàn tay mệt nhọc cất lên
Để lau mồ hôi trên trán
Không còn trán
 
Bàn tay kia đưa lên trái tim
Để nó khỏi lọt qua lồng ngực
Không còn tim
 
Hai bàn tay rơi xuống
Rơi xuống nhàn hạ trên bàn tọa
Không còn bàn tọa
 
Trên một lòng bàn tay kìa trời mưa
Trên lòng bàn tay khác cỏ mọc
Đừng trông đợi nhiều hơn
 
(Chùm thơ «Những trò chơi»)
 
 

KHỞI SỰ

 
Bây giờ mình thảnh thơi
Trút bỏ lớp thịt rồi
 
Bây giờ mình sẽ làm gì tùy thích
Hãy nói chuyện gì đi
 
Mày có muốn là
Xương sống của sấm sét
 
Hãy nói chuyện gì nữa đi
 
Mày muốn tao nói gì
Bụng dưới của cơn giông
 
Hãy nói chuyện khác đi
 
Tao hết biết rồi
Những đốt xương sống của trời
 
Chúng mình không là xương của ai hết
Hãy nói thêm chuyện gì khác nữa đi
 
                                                       (Bản dịch Nguyễn Đăng Thường)
 
 

SAU KHI KHỞI SỰ

 
Làm gì bây giờ
 
Thật đó làm gì
Bây giờ chúng mình ăn tủy đi
 
Tủy ăn hồi trưa rồi
Bụng rỗng lúc này làm tao khó chịu
 
Thế thì chúng mình chơi nhạc đi
Chúng mình thích nhạc mà
 
Mình làm gì nếu bọn chó tới
Chó chúng khoái xương
 
Thì mình ở lại trong cổ họng chúng
Và hò reo
 
 

NGOÀI NẮNG

 
Trần truồng nằm phơi nắng khoái ghê
Thịt da tao chả thích tí nào
 
Tao cũng thế những mảnh thịt rách bươm ai ham nổi
Trông mày trần truồng hấp dẫn tệ
 
Ê, đừng để mặt trời vuốt ve mày chứ
Tụi mình gì gì đi
 
Ý ở đây ngoài nắng đâu có được
Ở đây thiên hạ thấy hết đó cưng ơi
 
                                                       (Bản dịch Nguyễn Đăng Thường)
 
 

DƯỚI LÒNG ĐẤT

 
Cơ bắp của đêm tối cơ bắp của thịt da
Cũng vậy thôi
 
Thế thì làm gì
 
Chúng mình hãy triệu tập xương của mọi thời đại
Chúng mình hãy leo lên ánh sáng
 
Thế rồi làm gì
 
Chúng mình sẽ lớn lên hoàn toàn tinh khiết
Chúng mình sẽ lớn lên mặc thích
 
Sau đó làm gì
 
Chả làm gì hết chúng mình sẽ đi đây đi đó
Như những sinh vật vĩnh hằng và xương xẩu
 
Khoan chờ đất ngáp cái đã
 
 

DƯỚI ÁNH TRĂNG

 
Có chuyện gì thế
 
Có cái gì như thể thịt da thịt da bằng tuyết
Mọc trên mình tao
 
Tao không biết nó là cái gì cả
Như thể có một thứ tủy chảy trong tao
Một thứ tủy lạnh ngắt
 
Tao tao cũng chẳng biết nữa
 
Như thể mọi sự lại bắt đầu lại
Một cuộc khởi đầu ghê rợn hơn
 
Mày biết sao không
Hay mình sủa
 
 

TRƯỚC KHI MÃN CUỘC

 
Đi đâu bây giờ
 
Đi đâu chả có đâu mà đi hết
Vả lại hai cái xương thì đi đâu
 
Làm gì dưới ấy
 
Chờ chúng mình ở đấy đã lâu
Chờ chúng mình ở đấy thật âu yếm
Ông không gì hết và bà vợ không ai cả
 
Họ sẽ làm gì chúng mình
 
Họ đã già và không có xương
Chúng mình sẽ trở thành con thật của họ
 
 

MÃN CUỘC

 
Tao một cái xương mày một cái xương
Tại sao mày nuốt tao
Tao không còn thấy tao đâu nữa
 
Ô hay mày làm sao thế
Chính mày đã nuốt tao
Tao cũng chẳng còn thấy tao đâu nữa
 
Tôi ở đâu bây giờ
 
Bây giờ chẳng ai còn biết
Ai ở đâu ai là ai
Tất cả chỉ là giấc mơ đê tiện của bụi
 
Mày có nghe tao nói không
 
Tao nghe rõ chúng mình cả mày lẫn tao
Ấy tiếng con gà gáy trong bông anh túc đấy
 
                       (Chùm thơ «Xương nói với xương»)
 
 

ĐÁ CUỘI

 
                  tặng Douchan Raditch
 
Không đầu không tay chân
Nó chỗi dậy
Từ nhịp đập mãnh liệt của tình cờ
Nó chuyển động
Bằng bước đi trâng tráo của thời gian
Nó nắm giữ tất cả
Trong vòng ôm siết
Dữ dội bên trong
 
Thân mình thơ ngây trắng và nhẵn
Nó mỉm cười bằng một nét mày trăng
 
 

GIẤC MƠ CỦA ĐÁ CUỘI

 
Một bàn tay ló ra từ đất
Đã phóng đá cuội lên không
 
Đá cuội đi đâu
Nó không trở lại đất
Nó không vọt lên trời
 
Đá cuội ra sao
Có biến thành chim
Hay bị trời cao nuốt
 
Này đây đá cuội
Vẫn bướng bỉnh ở lại trong mình
Không ở trời cao cũng chẳng ở dưới đất
 
Nó nghe theo nó
Một thế giới giữa mọi thế giới
 
 

CUỘC PHIÊU LƯU CỦA ĐÁ CUỘI

 
Vòng tròn đã làm nó mỏi mệt
Vòng tròn toàn hảo bao quanh nó
Nó đã dừng lại
 
Sức nặng đã hóa nặng đối với nó
Sức nặng bên trong của chính nó
Nó đã buông sức nặng
 
Đá đã hóa cứng đối với nó
Đá làm thành nó
Nó đã rời bỏ đá
 
Nó cảm thấy chật chội
Trong chính thân hình nó
Nó đã bỏ ra
 
Nó lẩn tránh chính nó
Nó lẩn tránh trong bóng nó
 
 

HAI VIÊN ĐÁ CUỘI

 
Chúng nhìn nhau ngây ngốc
Chúng nhìn nhau hai viên đá cuội
 
Hai viên kẹo hôm qua
Trên chiếc lưỡi vĩnh cửu
Hai giọt lệ đá ngày nay
Trên làn mi của ẩn số
 
Hai con ruồi cát ngày mai
Trong tai người câm điếc
Hai lúm đồng tiền ngày mai
Trên khuôn mặt ánh sáng
 
Hai nạn nhân của một trò đùa
Vô duyên và vô vị
 
Chúng nhìn nhau ngây ngốc
Chúng nhìn nhau với đôi hông lạnh
Chúng nói về cái bụng
Chúng nói trong sa mạc
 
(Chùm thơ «Đá cuội»)
 
________________________________________
 

NGOẠI TẬP:

 
Beograd
 
Mi là chiếc xương trắng giữa những áng mây
Mi tái sinh từ dàn hỏa
Từ chiếc lăng bị cày xới
Từ đám tro tản mác
 
Mi tái sinh từ quá khứ của mi
 
Mặt trời đã gìn giữ mi
Trong hộp đựng thánh tích vàng ánh
Ở ngoài những vết cắn của thời gian
 
Và đưa mi tới lễ đính hôn
Giữa dòng sông út của thiên đường
Với dòng sông nhỏ bé ở đây
 
Mi là chiếc xương trắng giữa những áng mây
Xương của xương chúng ta
 
(theo bản dịch Vladimir Claude Fišera)
 
[Xin đọc: THỊT SỐNG]
 
 
---------------------------
Ghi chú của người dịch:
VASKO POPA (1922-1991) là một nhà thơ lớn của (cựu) Nam-tư, nổi tiếng khắp thế giới và đã được dịch ra 19 thứ tiếng (tính vào năm ông mất). Ông là người Serbe, sinh tại Grébénats (Grbenac), Voïvodine ngày 29. 6.1922. Theo học tại Beograd, Bucuresti và Vienne. Tham gia kháng chiến năm 1943, bị giam giữ trong một trại tập trung của Đức quốc xã. Vào năm 1949, sau khi học các ngôn ngữ thuộc tiếng La-tinh, ông trở thành nhà báo, rồi biên tập viên của nhà xuất bản Nolit, một nhà xuất bản lớn tại Beograd.
 
Ông đã cho in 8 tập thơ: Vỏ (1953), Cánh đồng không ngơi nghỉ (1956), Bầu trời phụ thuộc (1968), Đất thẳng (1972), Muối của loài sói (1975), Ngôi nhà ở giữa đường (1975), Thịt sống (1975), Vết cắt (1980) và một thi hệ tựa là Cái hộp nhỏ. Ngoài ra, ông còn biên tập 3 tuyển tập thơ dân gian Serbie: Trái táo vàng (1958, thơ truyền thống Serbie), Cười bể bụng (1960, thơ hài hước dân gian Serbie), và Mặt trời nửa đêm (1962, những văn bản mộng mị của người Serbie).
 
Vasko Popa đã đoạt tất cả những giải thưởng văn chương chính yếu của Nam-tư, cũng như Giải thưởng lớn quốc tế của Áo-quốc dành cho Thơ (1967). Nhiều nhà phê bình cho rằng ông rất xứng đáng với một giải Nobel Văn chương... Ông mất tại Beograd ngày 5.1.1991 vì bệnh ung thư.
 
Vasko Popa là một nhà thơ «dấn thân», hòa hợp tài tình dòng thơ dân gian truyền thống của dân tộc ông và trường Siêu thực. Cách «tổ chức» các tập thơ của ông (nhất là hồi đầu) thật đặc biệt: mỗi tập có một số «thi hệ» nhất định, và mỗi thi hệ một số bài nhất định. Những điều ấy, cùng với những «hoa văn» quen biết trong dân gian, những quan sát cuộc sống thường nhật..., tạo thành những cơ cấu chặt chẽ, thiết yếu cho việc diễn tả chính xác... Vasko Popa có một quan niệm khá đặc biệt về những đóng góp của nhà thơ. Ông nói tại Berlin năm 1966: «... Dù sao, nhà thơ cũng không quan trọng dưới chính mắt mình: điều quan trọng đối với ông là thơ. Nhà thơ làm việc bất chấp tất cả những kẻ nói rằng ông vô dụng; và đôi khi, ông còn làm việc bất chấp cả chính bản thân ông. Những sự thật ông đạt tới không phỉnh phờ những kẻ bao quanh ông nhưng chúng lại càng không phỉnh phờ ông. Nhà thơ chỉ tìm được sức theo đuổi trách vụ kỳ dị, khó khăn và nguy hiểm của mình là vì ông biết rằng để cuốn sách lửa trong ngực ông bốc cháy và tiêu tan vô ích, không được ai đọc tới, là không thể tha thứ được. Những đóng góp của nhà thơ, đó là những chữ lửa kia được bảo toàn với giá của tính mạng ông và chỉ những kẻ yêu mến chúng mới có thể sử dụng.» (theo tờ Chapman Magazine, 2.4.1973).
 
Một số tư liệu dùng để viết bài ghi chú này là của Celia Hawkesworth (tạp chí Times, số ngày 19-1-1991) và của Mirko Radojicic (báo La Quinzaine littéraire, số 571, tháng Hai 1991). Xin cảm tạ các tác giả.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021