thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Odysseus nói với Telemachus
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JOSEPH BRODSKY
(1940-1996)
 
 
Telemachus con yêu của ta,
                                                Cuộc chiến thành Troy
giờ đây đã kết thúc; ta không còn nhớ ai đã thắng trận.
Người Hy lạp, hẳn thế, bởi cho đến nay chỉ có họ mới có thể
đánh gục được nhiều người đến vậy khi xa quê hương mình.
Thế tuy nhiên, đường về quê ta ta quả thấy quá xa.
Trong khi chúng ta phí thì giờ ở đấy, thì gần như có vẻ
thần biển Poseidon đã căng dài và mở rộng không gian.
 
Ta không biết mình đang ở đâu cũng chẳng hay chỗ này
có thể là gì. Hình như ta nhìn thấy có hòn đảo nát bẩn,
những bụi cây, những tòa nhà, và cả những con lợn ủn ỉn.
Một khu vườn ngập tràn cỏ dại; một nữ hoàng gì đó.
Cỏ và đá tảng... Này Telemachus, con trai ta!
Đối với một kẻ tha phương thì mọi hòn đảo
dáng vẻ đều giống nhau. Và trí tuệ lạc bước,
vì mải đếm những ngọn sóng; nước mắt ứa ra vì mải nhìn
những chân trời; và những khối nước làm cho tai lùng bùng.
Ta không nhớ ra được cuộc chiến đã kết thúc như thế nào;
ngay cả con bao nhiêu tuổi – ta cũng không thể nhớ ra.
 
Vậy thì hãy lớn dậy, hỡi Telemachus con ta, hãy lớn mạnh.
Chỉ thần thánh mới biết được chúng ta sẽ còn gặp lại nhau
hay không. Từ lâu con đã thôi là thằng bé con ta vẫn
phải đứng trước mặt để chận những con bò kéo cày.
Nếu không có cái trò bịp của Palamedes
cha con ta đã vẫn còn sống bên nhau dưới một mái nhà.
Nhưng có lẽ ông vua kia có lý; sống xa ta
con lại an toàn khỏi lo mọi thứ đam mê kiểu Œdipus, và
những giấc mơ của con, Telemachus, sẽ không có gì tội lỗi.
 
 
--------------------------------
Dịch từ bản Anh ngữ "Odysseus to Telemachus" của George L. Kline, đăng lần đầu trên The New York Review of Books, số ra ngày 5 tháng Tư năm 1973. Số báo này nằm trong xấp báo cùng tên, lẫn lộn với những số The New Yorker anh Diễm Châu để lại Saigon sau khi đã cắt đi những bài anh ấy muốn giữ có lẽ để đem theo qua Pháp. Bản dịch trên – một trong những bản dịch Brodsky “lâu đời” nhất vừa tìm thấy lại của tôi – vì thế, đã được gửi gắm cho tienve, để tặng và cám ơn nhà thơ Diễm Châu, khi đi Pháp đã không quên để Brodsky lại Saigon cho người dịch này. Bài thơ trên cũng được chọn in trong Selected Poems, Joseph Brodsky, Harper & Row, Publishers, 1973, và Collected Poems in English, Joseph Brodsky, Farrar, Straus and Giroux, 2000. Như chúng ta biết, những bản dịch của G.L. Kline hầu hết đều được Joseph Brodsky xem lại.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021